Thời gian đọc: 17 phút

1.

 

Năm 2022 kết thúc, và 2023 bắt đầu với tôi bằng một bộ phim của Naoko Ogigami. Riverside Mukolitta là một bộ phim nhỏ kì lạ về những người kì lạ sống bên cạnh nhau – một chàng trai trẻ lãnh đạm mới ra tù, một ông chú trung niên có phần hơi quá xởi lởi, một cặp bố con đi bán bia mộ dạo lúc nào cũng đóng một bộ vét hơi hơi ngoại cỡ cho cả bố lẫn con, và một người góa phụ trẻ nhã nhặn, lịch sự nhưng đôi lúc tính khí và hành vi lại thất thường.

 

Họ đều thầm nghĩ trong bụng rằng hàng xóm của mình là những người lập dị, và cuộc sống của họ nếu không vì dãy nhà trọ ven sông này thì sẽ chả có gì liên quan tới nhau. Nhưng lạ thường thay, cái chết lại là điểm chung kết nối họ, và bằng những cách khác nhau. Chàng trai trẻ vật lộn với những cảm xúc hỗn độn của mình về cái chết của người cha, ông già gàn dở ưu tư về cái chết của chính mình, hai cha con bán bia mộ thường xuyên nói về cái chết của khách hàng, và người góa phụ trẻ dồn nén lại những đau thương từ cái chết của người chồng. Khác với chàng trai trẻ, những người còn lại đã và đang suy tư về cái chết đó từ rất lâu rồi.

 

Nó phức tạp hơn “sợ chết”, đó là sự nuối tiếc về những khoảng trống nhân sinh sẽ không bao giờ được lấp đầy. Đó là sự tiếc nuối một tuổi trẻ đầy khoảng trống với ông già, một hiện tại đầy khoảng trống của hai cha con, và một tương lai đầy khoảng trống với người góa phụ. Cái chết khiến người ta nhìn lại và nhận ra những khoảng trống đó trong cuộc đời họ giờ đây để ngỏ cho những mong mỏi và hoài bão sẽ không còn đạt được. Sự xuất hiện của chàng trai trẻ xa cách và lãnh đạm nọ có lẽ sẽ khiến cho những tiếc nuối đó âm ỉ mãi, nếu anh không bất ngờ nghe về cái chết của cha anh.

 

Ở anh, sự tiếc nuối mà cái chết mang lại ở cả tương lai, hiện tại và quá khứ dồn đến cùng một lúc. Anh nhìn lại một quá khứ gập ghềnh với người cha để rồi ông chết khi anh còn ngồi tù, về một hiện tại ngột ngạt khi anh nai lưng lao động ngày qua ngày trong cô đơn, và một tương lai trống rỗng khi anh không còn cơ hội để sửa sai và báo hiếu. May thay, những khoảng trống đó được những người hàng xóm “lập dị” nọ dần dần lấp đầy, bằng cách này hay cách khác – và chính anh cũng lấp đầy những khoảng trống đó cho họ. Những cuộc đối thoại, những bữa ăn, những chuyến phiêu lưu và những cái chạm – con người ta tìm sự kết nối với nhau bằng cách này hay cách khác, và chỉ đơn giản là tồn tại cùng nhau, yêu thương nhau, lắng nghe nhau và thấu hiểu nhau là đã lấp đầy những khoảng trống nhân sinh nọ rồi. Phim không kết thúc bằng một bài học “sống tiếp” đầy sáo rỗng, mà là sự giác ngộ chung của của người sống về cái chết, của nhau lẫn của chính mình, bằng sự đùm bọc, dịu dàng và yêu thương.

 

Phim của Naoko Ogigami thường có một motif chung, là những mảnh đời éo le và lập dị kết nối với nhau bằng những cách không ngờ tới nhất. Có thể là một nhóm các bà cô trung niên bỗng dưng tụ tập tại một quán ăn ở Helsinki vì họ cùng nói tiếng Nhật, một nhóm người quyết định tới một hòn đảo xa xôi và cùng nhau vì họ đeo kính, hay một cô gái kết nối những mảnh đời cô đơn lại với nhau bằng bầy mèo của cô. Ẩn dưới những tình huống dị thường như vậy là một sự cảm thông sâu sắc với những vấn đề và khúc mắc con người ta hay gặp phải. Sự cô đơn, dị nghị về tính dục và giờ đây là nhân sinh quan về cái chết, Naoko Ogigami đối mặt với những vấn đề như vậy bằng một ngôn ngữ điện ảnh dịu dàng và khéo léo, nhưng cũng không thiếu những khoảnh khắc hài hước có phần thẳng thừng và thô ráp. Riverside Mukolitta dường như là bộ phim thể hiện rõ nhất cả hai góc độ tiếp cận dẫn truyện này của cô. Sự giác ngộ đến với những nhân vật nọ không từ những bi kịch trên phim, mà từ những cử chỉ, tương tác họ dành cho nhau, cũng như những hiểu lầm đầy tréo ngoe và dở khóc dở cười. Khoảng trống lấp đầy từ việc chàng trai trẻ làm vườn với ông già, từ việc người góa phụ ngồi xuống cạnh chàng trai trên bờ đê, một tai nạn hy hữu và hài hước giữa chàng trai trẻ và ông bố, cho tới những bữa ăn đầy ắp tiếng cười nói của tất cả mọi người.

 

Những tiếc nuối mãnh liệt tới quằn quại trước đó giờ đây tan biến trong một buổi đưa ma đáng yêu tới lạ thường, với những phiền muộn giờ đơn giản là thoáng qua trong gió, mập mờ giữa những tiếng kèn trống không mang một chút bi ai. Bốn mảnh đời nọ cùng nhau nhìn cái chết bằng một sự trân trọng cho những gì đã qua, và một niềm hy vọng cho những gì sắp tới.

 

 

Tầm giữa năm 2023, tôi xem lại New Religion. Trên thực tế, phim kinh dị như New Religion là không hiếm. Đây là kiểu phim kinh dị chối bỏ sự giật gân bằng một lối kể chuyện chậm rãi nhưng chặt chẽ, gây sợ bằng cách duy trì không khí ngột ngạt đầy rẫy những hiểm họa mang tính tiềm thức xuyên suốt thời lượng phim, và phản diện chính hóa ra là một phép hoán dụ, ẩn dụ nào đó về xã hội và con người. Nếu mô tả đơn giản như vậy thì bất cứ ai sành phim sẽ nảy ra được 9-10 phim trong đầu, và phải tầm tầm 5-6 phim trong khoảng thời gian năm năm trở lại đây. It Follows, The Lighthouse, It Comes At Night,… Xa hơn nữa thì ta sẽ có Seance, Cure hay Pulse.

 

Nhưng New Religion hiếm vì một lý do khác.

 

Tôi gặp đạo diễn Keishi Kondo vào một buổi chiều mưa tầm tã. Anh cùng công ty sản xuất qua Việt Nam du lịch, và chúng tôi hẹn gặp nhau vào ngày cuối cùng anh ở Sài Gòn. Anh nói tiếng Anh không thành thạo còn tôi chỉ bập bẹ vài chữ tiếng Nhật, và nhiều lúc cuộc nói chuyện bị ngắt quãng và chúng tôi phải lôi điện thoại ra để dịch những gì chúng tôi nói cho nhau, phải một lúc gượng gạo chúng tôi mới có thể bắt đầu giao tiếp được, và anh kể.

 

Anh bắt đầu bằng việc ngao ngán kể với tôi những khó khăn trong việc gọi vốn và đánh vật với lịch trình của tất cả mọi người, những khâu pre-production lằng nhằng mà anh phải đảm nhiệm một mình, những đêm mất ngủ và những chuyến tàu dài đằng đẵng, và trên hết là việc công ty phát hành gây khó dễ như thế nào với anh. “Tất nhiên nó phải khó” – anh bảo tôi thế – “Những đạo diễn lớn còn gặp khó”. Nhưng anh không nhấn nhá những chuyện như vậy quá lâu, mắt anh sáng lên với tôi mỗi khi anh kể về những niềm vui từ nhỏ tới lớn trong quá trình làm phim và xem phim. Anh kể với tôi về việc anh và người đồng nghiệp Motohime Kiriyima cẩn trọng và chỉn chu như thế nào trong khâu thiết kế âm thanh, về sự chính xác trong việc sắp xếp những chiếc loa xung quanh căn phòng ghê rợn của gã nhiếp ảnh gia bí ẩn, về những tiếng động phát ra trong quá trình “thoát xác” của nhân vật trong phòng rửa ảnh. Anh kể về quá trình thiết kế đạo cụ, trường quay, lên kế hoạch phối màu và phối cảnh đầy hào hứng của anh và đạo diễn hình ảnh Sho Miyima để tạo nên không khí đặc sệt và những tông màu ngột ngạt của phim. Nhưng niềm vui cũng đến từ những cuộc trò chuyện của anh và diễn viên cũng như những bữa ăn nhỏ họ dành với nhau sau những ngày quay dài.

 

Anh phấn khởi kể với tôi về mọi người, và sau cùng anh mới nói với tôi về những nguồn cảm hứng của chính mình – từ Kiyoshi Kurosawa tới Andrei Tarkovsky, từ George A. Romero tới Shinya Tsukamoto. Anh nói về những điểm mù, những khoảng trống mà những đứt gãy xã hội hiện nay gây ra, anh nói về sự cảm thông sâu sắc anh dành cho những khó khăn mà người phụ nữ và các nhóm thiểu số tính dục gặp phải, và một cái nhìn có chút bi quan về thực tại. “Mọi thứ mục ruỗng tới tận lõi,” anh bảo tôi thế. “Xã hội có thể không còn cứu được nữa”.  Nhưng nó không cần phải thế, anh cũng tin như vậy, anh nói rằng tôi với anh còn trẻ, còn nhiều thứ để thấy và nhiều điều để làm, rồi anh kể về những kịch bản khác mà anh ấp ủ.

 

“Những tình tiết này giống như Solaris đấy,” tôi nhận xét

“Đúng rồi, tôi lấy cảm hứng từ đó mà,” anh gật gù, “New Religion cũng thế.”

“Đạo diễn Nhật Bản có vẻ thích Solaris nhỉ, Ryusuke Hamaguchi cũng từng làm một phiên bản Solaris khi đang học đại học đấy.”

“Giá mà tôi có tiếng tăm như Hamaguchi-san nhỉ, làm phim chắc sẽ đỡ áp lực hơn.” Anh bật cười lớn, tôi cũng cười theo

 

Với một bộ phim có phần tăm tối và bi quan như New Religion, tôi hơi ngạc nhiên khi thấy đạo diễn Kondo lại là một người tươi tắn và lạc quan như vậy. Những bộn bề khó khăn cả khách quan lẫn chủ quan trong quá trình làm phim không làm cho niềm đam mê sáng tạo của anh bớt đi chút nào. Tôi không phải là người làm phim, và dù tôi có đọc và tìm hiểu nhiều tới đâu thì trải nghiệm làm phim với tôi là hoàn toàn xa lạ, có lẽ vì vậy nên những gì anh Kondo kể với tôi như chuyện kì ảo. Đó có lẽ là lý do tại sao tôi cảm thấy như có những phép thuật thần kì nho nhỏ xung quanh những câu chuyện anh kể tôi.

 

Nhưng không có phép thần kì nào cả, những khó khăn vẫn luôn hiện hữu, kể cả sau khi phim đóng máy được hơn một năm rồi. Anh nói với tôi rằng mỗi khi mình dốc toàn lực làm cái gì đó nghiêm túc, dù mình có dự trù khéo tới đâu thì sẽ luôn có những khó khăn mới xảy đến.

 

“Nhưng tôi luôn tin vào điều tôi muốn kể cho mọi người, và tôi nghĩ điều đó quan trọng,” anh kết luận.

 

Chúng tôi im lặng một chút, sau đó thêm một cuộc đối thoại ngắn về những bộ phim chúng tôi thích, những đạo diễn trẻ Á Đông khác và một vài nhận định về Việt Nam. Rồi cơn mưa ngớt dần và chúng tôi chào từ biệt.

 

Những câu chuyện về quá trình làm phim và phát hành phim của đạo diễn Keishi Kondo gợi nhớ cho tôi về những gì tôi đọc được gần thời điểm đó về nữ diễn viên kiêm đạo diễn, kiêm luôn cả biên kịch và thiết kế đạo cụ Kei Fujiwara của đoàn phim Kaijyu Theater trứ danh từ 3-4 thập kỉ trước. Trong bài phỏng vấn với Mubi năm 2019, Kei Fujiwara nhớ lại về khoảng thời gian làm phim của mình, về việc phải quay Organ trong một nhà kho nóng nực nhiều giờ đồng hồ, lấy những cọng mì soba mà ekip chuẩn bị để ăn tối để làm đạo cụ, suýt nữa bị cảnh sát nổ súng vì tưởng họ là Yakuza đánh nhau, cũng như muôn vàn tình huống dở khóc dở cười khác. Nhưng niềm tin vào nghệ thuật cuối cùng luôn là động lực lớn nhất của Fujiwara và đồng sự.

 

Kei Fujiwara, Kaijyu Theater và Vital Organ là những cái tên thuộc về giới điện ảnh “cult” Nhật Bản, với kinh phí cực thấp và  lối tư duy làm phim phải vô cùng sáng tạo để có thể truyền tải những chủ đề sâu sắc và bày tỏ những cảm xúc mãnh liệt họ giữ trong người. Nhắc tới phim “cult” nói chung và phim “cult” Nhật Bản nói riêng, người ta thường nghĩ tới những bộ phim máu me, ghê rợn và mang tính cực đoan cao để có thể “hút” khán giả bằng những thông điệp và hình ảnh những bộ phim lớn không dám làm – và trên góc độ nào đó, Kaijyu Theater và những người bước ra từ đó cũng làm những bộ phim như vậy – máu me, dị hợm, kinh tởm và cực đoan – nhưng họ đạt được cái sự cực đoan đó bằng sự khéo léo, tài tình, chăm chỉ và một tâm hồn nghệ sĩ đặc biệt sống động. Tôi thấy sự quyết đoán của Shinya Tsukamoto trong suốt sự nghiệp làm phim đặc biệt khởi sắc của mình, sự tài hoa quái dị của Shozin Fukui gợi nên những xúc cảm độc đáo bằng điện ảnh, và sự cần cù của Kei Fujiwara cho tôi một niềm tin mãnh liệt vào sự vui thú sáng tạo đánh bại mọi khó khăn, thử thách.

 

Keishi Kondo của năm 2023 mang nhiều tương đồng với thế hệ Kaijyu Theater đó, một nhà làm phim tài hoa, quyết đoán và chăm chỉ không ngại khó khăn thử thách để tạo ra một bộ phim tuyệt đẹp. Có thể công nghệ ngày nay dễ tiếp cận hơn, hiện đại hơn, nhưng tinh thần “nhà trồng” phá cách và một niềm tin đặc biệt cháy bỏng với nghệ thuật khiến tôi tin rằng tinh thần phim “cult” vẫn sẽ sống tiếp với các nhà làm phim thế hệ mới như đạo diễn Kondo.

 

Kei Fujiwara ngày nay không làm phim nữa, bà chủ yếu hoạt động với gánh kịch Ibukitan và quản lý một trung tâm cứu trợ mèo ở vùng núi Nagano hẻo lánh, còn Keishi Kondo chỉ mới vài ngày trước thông báo rằng anh đã đóng máy bộ phim tiếp theo của mình, sau một màn pre-production cũng hỗn loạn không kém gì New Religion. Câu chuyện làm phim của Kei Fujiwara đã tạm kết thúc, còn câu chuyện làm phim của Keishi Kondo còn đang tiếp tục. Đó là hai thế hệ nhà làm phim độc lập khác nhau, với những vấn đề và hoài bão mang nhiều tương đồng với nhau. Câu chuyện của họ đến với tôi trong năm nay và mở ra cho tôi thêm những trân trọng mới về điện ảnh và nghề làm điện ảnh, về niềm tin mãnh liệt và sự bền bỉ của người làm phim, bằng cách cho tôi thấy những khoảng trống mà bình thường tôi sẽ không bao giờ thấy được.

 

 

 

 

Năm nay tôi xem phim tài liệu đặc biệt nhiều. Từ trước tới nay tôi luôn ý thức được rằng phim tài liệu là một loại điện ảnh quan trọng, đặc biệt quan trọng khi phim làm về những đề tài quan trọng nhưng lại khó tiếp cận, vì sự lằng nhằng về kỹ thuật hay những khó khăn mà nhà làm phim phải đối mặt. Nhưng phim tài liệu chưa bao giờ là thể loại phim mà tôi đặc biệt thích. Có vài phim tài liệu tôi xem vì nó giật gân, hay liên quan trực tiếp tới vấn đề tôi quan tâm, nhưng hiếm có phim nào thực sự đọng lại với tôi vì lý do này hay lý do khác.

 

Năm ngoái tôi may mắn xem được bộ phim tài liệu tuyệt đẹp Những Đứa Trẻ Trong Sương của đạo diễn Hà Lệ Diễm, tôi cảm thấy mình bắt đầu mong muốn nhiều hơn, được thấy những người thật, việc thật được khắc họa một cách tuyệt đẹp như vậy, về những con người vốn ở những chân trời xa được mang lại gần với tôi bằng ngôn ngữ điện ảnh.

 

State of Dogs là một kiểu phim như vậy.

 

Tôi loáng thoáng nghe về State of Dogs trên một group phim nọ, và sự “hiếm” của phim càng làm tôi tò mò thêm. Phim có trên youtube, nhưng là định dạng 480p và có cảm giác như phim “thiếu” đi rất nhiều vì lý do đó. State of Dogs trở thành một sự ám ảnh với tôi từ cuối năm 2022 cho tới đầu năm 2023, cho tới khi một người bạn tìm ra cho tôi bản HD của phim, và tôi nhận ra phim là điều tôi đang tìm kiếm bấy lâu nay trong thể loại phim tài liệu.

 

Lấy bối cảnh nước Mông Cổ những năm 90, khi chính quyền Cộng sản Mông Cổ sụp đổ và nước Mông Cổ mới đang dần dần định hình. Phim là phim tài liệu, nhưng lại có những yếu tố kì ảo nhất định khi phim được dẫn dắt bằng cách theo chân linh hồn của chú chó Basaar du ngoạn cõi trần trước khi hóa kiếp.

 

“Người Mông Cổ tin rằng những chú chó, những người bạn thân thiết và đáng tin cậy của con người, sẽ du ngoạn cõi trần trước khi trở thành con người ở kiếp sau.”

 

Qua quan sát của Basaar, tôi thấy được một nước Mông Cổ mới thần bí và hùng vĩ từ từ tỉnh dậy sau những biến cố dài của lịch sử, qua những góc tĩnh lặng và náo nhiệt của cuộc sống con người – từng cảnh quay của phim là những góc nhìn khác nhau về những cư dân của nước Mông Cổ mới, cả người lẫn thú. Tôi nghe những tâm sự của Basaar về cuộc sống trên thảo nguyên mênh mông, chuyến đi dài của chú qua những dãy núi hoang sơ và cuối cùng là những gương mặt hối hả chú gặp trên đường phố Ulaanbaatar. Từ những gia đình du mục sương gió, những gã con buôn dẻo miệng, những người trí thức lãnh đạm và những người nhặt phế liệu bận rộn, Basaar dạo quanh những khoảng trống giữa những mảnh đời nọ, quan sát và xúc cảm, bằng đôi mắt và suy nghĩ của một con người, nhận định trên trải nghiệm của một chú chó.

 

“Ta cần bảy lý do để chết

Khi ta không còn rạo rực vì những áng văn đôi tay ta viết,

Khi ta không cảm được vẻ đẹp của những đồi thấp phía xa,
Khi ráng đỏ hoàng hôn không còn làm ta bồi hồi,

Khi đôi môi và bờ ngực của người ta yêu không còn làm ta rung động,

Khi giấc ngủ ta bị quấy nhiễu bởi những suy nghĩ bi thương,
Khi tâm trí ta bị lôi kéo bởi những điều sai trái,
Và khi ta chỉ đơn giản là muốn thoát khỏi cuộc sống vô vị này.
Ta sẽ không chần chừ để chọn tới cái chết.

 

Ta cần bảy lý do để sống

Khi ta rạo rực vì những áng văn đôi tay ta viết,
Khi ta cảm được vẻ đẹp của những đồi thấp phía xa,

Khi ráng đỏ hoàng hôn làm ta bồi hồi,

Khi đôi môi và bờ ngực của người ta yêu làm ta rung động,
Khi ta ngon giấc ngủ và không bị quấy nhiễu bởi những suy nghĩ bi thương,
Khi tâm trí ta còn chối bỏ được những điều sai trái,
Và khi ta tiếp tục còn muốn sống cuộc sống vô vị này.

 

Một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy trăm năm nữa,
Ta vẫn sẽ ở đây, ta ở mọi nơi, ta không ở nơi nào cả.”

 

 

 

State of Dogs là một bộ phim tài liệu đậm chất thơ và đẹp một cách kì bí, nhưng sở dĩ việc tôi xem phim tài liệu nhiều hơn trong năm nay không đơn giản là vì thế. Tôi nghĩ Thiết Tây Khu (Tie Xi Qu: West of the Tracks – 2002) và Thanh Xuân (Youth(Spring) – 2003) là những phim tài liệu phi thường. Tôi cũng nghĩ Yama: Attack to Attack (1995) là một phim tài liệu phi thường, nhưng vì những lý do khác nhau.

 

Vương Bính là kiểu nhà làm phim tỉ mẩn và cẩn thận, với một sự tôn trọng đặc biệt lớn với đối tượng trong phim của ông.  Đó không chỉ đơn giản là sống, sinh hoạt và dành thời gian để hiểu họ, mà là sử dụng phim của mình để khắc họa một bức tranh toàn cảnh về cuộc sống của những con người đó.

 

Tôi thích việc trong Thanh Xuân chàng trai công nhân may trẻ sau khi ngủ gục trên đống vải thì anh nhổm dậy và trêu đùa với bạn bè, đó là một hình ảnh đơn giản nhưng đẹp tới lạ thường, và tôi nhận ra là những con người này dường như đã trở thành những người bạn của tôi – và tôi quan tâm tới họ theo một cách rất tự nhiên và rất người. Thiết Tây Khu cũng vậy, Phong Ái (2013) cũng vậy, thực tế là phim nào của Vương Bính cũng gợi nên một cảm giác nghẹn đắng ở họng rồi từ từ tan ra theo phim. Thời lượng của những bộ phim như vậy chắc chắn sẽ làm ai cũng ái ngại, đặc biệt là chín tiếng của Thiết Tây Khu, nhưng khi đã xem thì tôi thấy tất cả những người đó xứng đáng từng giây từng phút mà Vương Bính bỏ ra cho họ trên phim, và đó như là một sự cảm kích đặc biệt mà con người ta dành cho nhau.

 

Yama: Attack to Attack lại khác, sau một đoạn chữ ngắn giới thiệu bối cảnh phim phim cắt qua cảnh đạo diễn Mitsuo Sato nằm bất động trên đường, rồi được đưa vào bệnh viện.

 

Ông đã bị đâm trọng thương bởi một thành viên băng đảng Nishido, và qua đời trong bệnh viện. Đạo diễn Kyoichi Yamaoka tiếp bước Sato để hoàn thành bộ phim, rồi cũng bị ám sát bởi bè lũ băng đảng nọ một tháng sau đó.

 

Tôi bị sốc, rồi tức giận, đau xót, và khi phim kết thúc, chỉ còn lại cảm giác trống rỗng. Đó là sự áp bức bởi cường quyền, bởi những thế lực tham lam tới táng tận lương tâm mà coi đồng loại như cỏ rác. Chúng tra tấn, chúng bóc lột, và chúng giết chóc để ép những người lao động tại Sanya làm nô lệ cho chúng. Phim mang một bầu không khí phẫn uất thật tới nghẹt thở, và kết thúc bằng một tinh thần đấu tranh đanh thép. Đó là một bộ phim về sự đấu tranh và hy sinh, đặc biệt là của hai cố đạo diễn Mitsuo Sato và Kyoichi Yamaoka. Dẫu có đau xót, nhưng cảm xúc họ để lại cho tôi là một sự ngưỡng mộ và thán phục vì sự dũng cảm và tận tâm của những nhà làm phim, mang những thông điệp đến cho khán giả.

 

Những bộ phim tài liệu như vậy, trên hết, làm tôi có thể nhìn nhận được mối quan hệ của tôi với thế giới xung quanh mình, với nghệ thuật và vai trò của người làm nghệ thuật. Những sản phẩm điện ảnh gắn với đời thật tôi xem trong năm nay với tôi thật quan trọng. Và dù những bộ phim của Vương Bính và Yama: Attack to Attack để lại cho tôi nhiều ấn tượng như vậy, cách mà những nhà làm phim kể lại đời thật bằng điện ảnh trong năm nay với tôi thật đặc biệt. Đó có thể là sự phê phán cay đắng thể loại True Crime của Martin Scorsese bằng cái kết của Killers of the Flower Moon, sự hòa quyện tinh tế của thể xác và hội họa trong Hentailand của Shozin Fukui, hoặc thậm chí là cách Hayao Miyazaki nhìn lại sự nghiệp sáng tạo của mình với The Boy and the Heron. Đó là những tự sự chân thành của những người thật về việc thật, có thể dịu dàng, có thể mãnh liệt, và tất cả đều đã chạm được với tôi trong những khoảnh khắc đặc biệt nhất năm qua.

 

*

Kết:

 

Bài này tôi mất khá nhiều thời gian để viết. Chủ yếu là nghĩ xem nên viết gì, tôi không muốn viết một bài mà đánh giá tất cả những phim trong năm – vậy thì sẽ lan man lắm. Vậy tôi lựa chọn những trải nghiệm điện ảnh quan trọng nhất với chính bản thân tôi trong năm qua.

 

Tôi chọn Riverside Mukolitta và những câu chuyện nhẹ nhàng, đáng yêu về cái chết vì năm qua là một năm tôi phải đối mặt với nhiều suy nghĩ về cái chết, đó là một sự ám ảnh trong thời gian dài, với sự ái ngại và im lặng đến từ tôi, đơn giản vì tôi không đặt được những cảm xúc này thành lời. Riverside Mukolitta dường như là những thông điệp tôi cần nhất về cái chết, về sự chấp nhận kết thúc và niềm tin cho khởi đầu mới.

 

Tôi chọn cuộc nói chuyện với Keishi Kondo và điện ảnh cult Nhật Bản vì tôi ngưỡng mộ đam mê nghệ thuật của họ. Đây là một năm mà tôi thấy mình lũng đoạn trong việc sáng tạo và lao động trí óc, nó khiến tôi trượt dài vào một sự khổ tâm và tự ti rằng tôi sẽ không đạt được những điều tôi mơ ước. Keishi Kondo và câu chuyện của Kei Fujiwara cũng như Kaijyu Theater mang niềm tin đó trở lại, cho tôi thấy được sức mạnh của đam mê, sự cần cù và lòng tin vào nghệ thuật.

 

Tôi chọn State of Dogs vì chất thơ trong cuộc sống bình dị mà phim mang lại. Đó là một cái nhìn lãng mạn mà chân thật, kì bí nhưng rõ ràng về những con người khác nhau trong xã hội. Trong một năm mà tôi dường như bị nhấn chìm trong những cảm xúc tiêu cực, State of Dogs cho tôi thấy rằng cái đẹp nhân sinh luôn luôn ở khắp mọi nơi, chỉ cần ta đứng lại quan sát.

 

Và tôi chọn phim tài liệu của Vương Bính, Yama: Attack to Attack cũng như những phim gắn với người thật, việc thật vì chúng mở rộng sự quan trọng của điện ảnh và nghệ thuật cho tôi. Những phim đó cho tôi thấy được sự cảm thông với thân phận con người, sự đấu tranh chống lại áp bức, lên án sự vô tình của sản phẩm nghệ thuật khác và còn rất nhiều điều nữa. Điện ảnh như vậy luôn mang một sức mạnh đặc biệt, và những nhà làm phim luôn sẵn sàng đánh đổi và hy sinh để cái sức mạnh đặc biệt đó có thể biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn.

 

2023 đã kết thúc, 2024 vừa bắt đầu, tôi không biết năm nay sẽ mang lại điều gì cho tôi, nhưng tôi tin điện ảnh sẽ là một phần quan trọng trong đó – thế nên chắc là tôi sẽ bắt đầu năm mới với một bộ phim cũ và một bộ phim mới – Stalker (1979) và Perfect Days (2023).

 

Chúc mọi người một năm mới hạnh phúc.

Võ Xuân Kiên

Chấm sao chút:

Đã có 14 người chấm, trung bình 4.9 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3