Thời gian đọc: 39 phút

Dăm năm trở lại đây, cùng với độ chín (hơn) của tuổi đời cùng với cái tạm gọi là tuổi nghề (mà tôi vẫn rón rén chưa dám nhận đó là nghề-của-mình, vì càng lâu càng cảm thấy mình vẫn là một kẻ tập sự trong nghề cũng như trong ngôn ngữ), tôi dần hình thành một niềm mê tín như thế này: Mỗi quyển sách dịch ra đời đều có số của nó. Nó được để mắt đến lúc nào, rơi vào tay ai, ra đời năm bao nhiêu, dưới dạng thức nào, đấy là do “cả vũ trụ hợp lại” (cọp lời tác phẩm self help quốc dân) để khiến nó trở thành ra như thế. Và vì vậy, có những tác phẩm vĩ đại của nước X mãi mãi không được dịch ở một nước Y nào đó, có những tác phẩm được dịch đi dịch lại nhiều lần, có những tác phẩm xoàng xĩnh ở nước Z nhưng sang nước Q lại thành sao sáng nhờ thời điểm, may mắn, PR, và – điều này là có thể ông giáo ạ – bản dịch lại còn hay hơn bản gốc. Lại có những quyển sách của tác giả tầm cỡ Nobel Booker, người dịch kinh nghiệm, tiếng Việt đẹp, team biên tập xịn, bìa họa sĩ hàng đầu và PR cũng không phải ít, nhưng không hiểu do quá dày lại còn ra cùng lúc với 2666 hay là do cái tên quá ư Truyện trẻ con mà, à mà thôi.

Để giải thích thêm về điều mê tín đó, cũng cần nói qua về tôi trước đó như thế nào [nb: vì bài viết này đăng ở mục Ngắm rốn, nên hẳn bạn đã hình dung được nội dung và phong cách của vạn chữ sau đây]. Khi chân ướt chân ráo bước vào làng dịch mười mấy năm trước, tôi tâm niệm rằng: với mỗi tác phẩm A khi xuất hiện ở ngôn ngữ B, cần một và chỉ một bản dịch definitive. Nếu Genji monogatari có đến bốn bản dịch đủ và gần đủ sang tiếng Anh, đấy là vì những người dịch trước bị hạn chế bởi hiểu biết về ngôn ngữ và văn hóa, chưa kể đến thói quen khó chịu của dịch giả Anh ngữ cứ muốn viết lại hoàn toàn những câu từ Á Đông. Nếu Borges có đến mười mấy (tôi không còn nhớ là bao nhiêu) dịch giả trong tiếng Anh, đấy cũng là vì những lý do tương tự, chưa kể đến những câu chuyện lằng nhằng về bản quyền, lòng tham, và tình yêu sở hữu. Những tác phẩm thế giới chưa được dịch, hoặc chưa được dịch chuẩn (định nghĩa chuẩn như thế nào thì lại là một lon giun khác), thì giờ đây trong thời đại số, khi cánh cửa vào mọi kho tàng tri thức đều mở bung (đấy là tôi tưởng vậy), chỉ cần các dịch giả trẻ vũ trang bằng khả năng IT siêu đẳng, một tình yêu vô bờ với văn chương, một năng lượng không bao giờ cạn, và một bộ kỹ năng dịch đã được khẳng định qua nhiều phép thử sai, là có thể ra một sản phẩm nhằm để lưu giữ vĩnh cửu. Trong đội quân dịch giả trẻ ấy ắt sẽ có tôi, tự tin nhằm kinh điển xông lên, bản thảo nào cũng hoàn thành, chơi chữ nào cũng vượt qua, cối xay gió nào cũng đánh thắng.

Nói chung ngựa non háu đá thì thường có những niềm tin như vậy.

Giai đoạn thứ hai của tôi trùng vào giai đoạn văn học dịch ở Việt Nam (đương đại) bung nở, nhà nhà dịch sách, người người dịch sách, tôi cầm dăm ba đầu sách dịch mãi không xong, nhìn xung quanh mà sốt ruột, nhìn người khác mà hiềm tỵ, nhìn lỗi sai trong sách in mà điên tiết, ngày ngày chỉ trời vạch đất nói ba mươi lần câu “thà đọc bản gốc còn hơn”. Khoảng thời gian đó tôi đọc tiếng Anh nhiều hơn đọc tiếng Việt, tiếng Việt mỗi lần đọc trúng chữ gì không dịch giống như mình muốn là nghiến muốn rụng răng, cảm thấy trên đời này không còn đạo lý gì nữa. Tôi hoàn toàn không nhớ rằng suốt thời tuổi nhỏ tôi đã lớn lên bằng bản dịch – tôi không đọc sáng tác (văn xuôi) của tác giả Việt Nam trước khi vào cấp 1, và chỉ bắt đầu đọc văn học Việt Nam hiện đại (đừng nói đến đương đại) một cách nghiêm túc khi sắp ra trường. Tiếng Việt văn viết của tôi, thật tréo ngoe, được hình thành qua bản dịch. Nhưng khoảng thời gian thứ hai này, như một kẻ vô ơn đích thực, tôi chối từ triệt để sản phẩm của đồng nghiệp tôi, tiền bối tôi.

Để đi từ câu tự an ủi đậm chất AQ Zen “thôi thì mình không thể dịch hết sách trong thiên hạ” sang đến nhận thức đỡ nặng đầu hơn, và thực tình là có lợi hơn “có nhiều kiểu hay và thường kiểu hay của thiên hạ sẽ thú vị hơn kiểu hay của mình” (vì kiểu hay của mình thì mình đã biết từng ấy năm rồi, ngắm rốn mãi cũng phải đến lúc chán) tôi đã phải trưởng thành hơn một chút, hay nói cách khác là phải bị cuộc đời giã giò cho kha khá để tém bớt lại cái tôi phì đại của mình. Giai đoạn thứ ba này, tôi may mắn sao lại được gặp rất nhiều bản dịch tốt của những dịch giả tuyệt vời mà tôi chưa biết rằng có (mà nếu không đọc thì sao biết được, phỏng?), và cũng vấp phải những vấn đề trong khi dịch không thể giải quyết được nếu chỉ loanh quanh trong vốn từ/kinh nghiệm/bộ kỹ năng mà tôi đã một thời từng rất tự đắc của mình, khiến tôi phải lao ra ngoài, đọc thêm, học thêm, tìm hiểu thêm nữa (và mua thêm vài tủ sách, mà giờ đã lại chật rồi). Tất nhiên càng đọc cái tôi càng teo lại bé tí, nhưng/nên độ linh động lại cao lên mấy tầng, và rốt cuộc đến một lúc nhận ra nếu từ chối tất cả các thứ, thì người thiệt chỉ là mình. (Còn dĩ nhiên cái gì tôi không mê thì tôi vẫn không mê.)

Điều duy nhất tôi vẫn giữ vững qua các giai đoạn đấy, và củng cố hơn, đấy là định hướng của tôi về việc dịch: cái đích để vươn tới (đã sửa từ “tiêu chí” hay “đòi hỏi” hay “không được thì đừng có làm!”) là cố gắng sao cho giống về văn phong đối với bản gốc hết mức có thể/trong phạm vi khả năng của mình. (Việc dịch sao cho chuẩn, đúng ý thì là dĩ nhiên.) Tôi nghĩ văn phong là phần duy nhất, khi đã ngồi vào bàn với một dự án dịch văn học cụ thể (tức là sau tất cả những câu hỏi có nhận hay là không, dành cho nó một tháng hay mười năm, đòi một cái giá cắt cổ hay là làm vì tình iêuuuu), khiến cho người dịch này khác với người dịch kia, khiến cho từng người dịch chứng tỏ triết lý dịch, mức độ cẩn thận, trình độ ngôn ngữ, cá tính… của mình. Tất cả những yếu tố khác – nhân vật, cốt truyện, cấu trúc, người kể chuyện bất khả tín – trừ phi kiểm duyệt yêu cầu cắt sạch một câu hay một đoạn hay một chương, nói chung đều không nằm trong tầm kiểm soát của người dịch. Thứ duy nhất người dịch kiểm soát được, thứ duy nhất khiến họ cảm thấy “mình” có ý nghĩa, đấy là văn phong; còn lại thì chỉ đơn thuần là ngồi gõ ra cho đủ số chữ mà thôi.

(Ở đây lại phải chua rõ cosplay Stevens rằng tôi nghĩ (1) nói chung, văn phong là phần duy nhất làm nên người dịch, (2) cách “làm nên” cá nhân tôi là cố gắng đưa ra một văn phong gần với bản gốc; một người dịch khác có thể có triết lý dịch khác, cần cập nhật ngôn ngữ cho thích hợp với thời đại, cần sửa ngôn ngữ Anh Anh khi bán cho thị trường Anh Mỹ, cần tém bớt những câu tục tĩu để cuốn sách dễ nuốt hơn với đại chúng, hoặc tác giả viết chán vãi để tôi viết lại từ đầu hay hơn bao nhiêu, thì đấy là lựa chọn của trường hợp cá thể đó, nhưng không mâu thuẫn với (1). (Ở đây cũng lại mở ra câu hỏi “người dịch” mà chúng ta nói tới có bao nhiêu phần là “người trực tiếp bắt tay vào dịch và đứng tên trên bìa sách”, còn bao nhiêu phần là những dòng chảy ngầm của biên tập viên, nhà xuất bản, cơ quan quản lý, thị trường…, nhưng đây là một cái lon giun khác mà tôi sẽ không đi vào lúc này. Có lẽ với hầu hết sản phẩm dịch ở dạng khi đã ra mắt độc giả, nói về “bản dịch” sẽ an toàn hơn là nói về “người dịch”, nhưng vì bài viết này tôi đi từ khía cạnh performative của một trải nghiệm cá nhân, nên thôi cứ tạm dùng chữ “người dịch” vậy.))

Trong hội thảo về dịch tổ chức ở Viện Goethe hồi tháng 11/2020, mà hy vọng các tham luận sẽ xuất hiện trong số Zzz Review về văn học dịch sắp tới, dịch giả Đăng Thư ví việc dịch với diễn tấu một bản nhạc: cùng nhìn vào một bản nhạc giống nhau, mỗi nhạc công cổ điển sẽ chơi theo cách riêng của mình, dĩ nhiên không phải thành rock hoặc rap Việt (như vậy thì là chuyển thể chứ không còn là dịch), nhưng sẽ có cách thể hiện mang đặc trưng riêng. Còn tôi, tôi luôn nghĩ người dịch giống như một diễn viên, phải diễn thế nào trong từng câu chữ để ra được “vai” tác phẩm càng giống như ý định của tác giả càng tốt. Nếu muốn được đánh giá cao về diễn xuất, người dịch phải cố gắng diễn hợp với nhiều kiểu vai khác nhau. Mỗi tác giả có một phong cách khác nhau, cần phải diễn cho ra cái hồn của vai đó. Chưa kể, mỗi tác giả trong từng tác phẩm cũng đã làm diễn viên cho các nhân vật khác nhau (nếu cầu kỳ, như Lincoln ở cõi trung ấm, với 166 con người ma, thì thật là một sự khổ cho dịch giả). Người dịch vì vậy còn phải là diễn-viên-bình-phương nữa.

Từ đó mà tôi đi đến ý nghĩ hiện tại: mỗi quyển sách dịch đều có số của nó, cũng như mỗi bộ phim chuyển thể vậy. Đôi khi bạn nghe tin cuốn sách gối đầu giường của bạn sắp được lên màn ảnh, và bạn đã vẽ ra trong đầu một dàn cast trong mơ. Sau đó hãng phim công bố dàn cast ngoài mơ, và bạn nhảy nhổm, giơ nắm đấm, lên facebook khóc lóc tẩy chay, và (nếu bạn không quá cực đoan) đến ngày ra rạp thì đi xem trong hậm hực. Sau đó có thể là một trong các trường hợp: bạn phát hiện ra diễn viên này quá tuyệt đi, cứ như sinh ra để cho vai đó, dù không phải như bạn tưởng tượng. Thời nắng lịm của Hoàng Đăng Lãnh dịch có một “mùi” khác hẳn với bản tiếng Anh mà tôi đã đọc, nhưng bác đã đem cả cuộc sống của mình trong hai phiên bản chủ nghĩa xã hội (Việt Nam và Đông Đức) để làm thành một bản dịch nghe cứ như Nguyễn Khải kể chuyện quê ta. Hoặc bạn phát hiện ra diễn viên này tạo ra một nhân vật riêng, không giống gì với tưởng tượng của bạn và của hầu hết các nhà phê bình trước đó, nhưng lại là một khám phá mới cho bạn thấy một chiều sâu mới của nhân vật chưa từng nhận thấy. Hoặc ngược lại, có khi bạn thấy một diễn viên gạo cội đã từng Oscar ở nhiều vai khác, nhưng thử sức ở vai mới này lại chưa thật thành công. (Tôi cũng định dẫn ví dụ ở đây nhưng khen dễ chê khó (đối với tôi), nên thôi.) Nhưng dù bạn thích thú hay khóc lóc, phim cũng đã ra rồi. Có thể hai mươi năm sau người ta sẽ làm lại bộ khác, nhưng diễn viên trong mơ của bạn đã hết thời xuân sắc. (Và có thể thứ bạn ghét thì vẫn có người mê! Và ngược lại. Chẳng hạn tôi nghĩ tôi có thể xem lại thêm chục lần nữa Cats (the movie) dù đã xem chắc phải trăm lần Cats (the musical).) Nhưng tất nhiên diễn viên cũng chỉ là một phần làm nên thành công (hoặc không) của bộ phim. Với hầu hết các cuốn sách, có thể nội dung và thông điệp và cấu trúc và quà tặng kèm có chữ ký tươi của tác giả ở tận bển ship về đã là đủ mạnh để giao vào tay người dịch nào cũng được tiếp nhận không khác nhau lắm. Với một số cuốn sách khác, phong cách lại là thế mạnh duy nhất của nó. Với một cuốn sách khác nữa, phong cách là một phần quan trọng làm nên danh tiếng của nó ở ngôn ngữ gốc, nhưng dù bản dịch có lệch đi khỏi đó, nó vẫn được chấp nhận trong tấm áo mới (vì đằng nào, nói thật, người đọc cũng không bao giờ tiếp nhận được một trăm phần trăm tác phẩm, kể cả mỗi năm bạn bưng cuốn Truyện Kiều của Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp ra đọc từ đầu đến đuôi). Tất cả đó là số của nó.

Đấy là từ phía cuốn sách. Từ phía người dịch, điều này còn đúng hơn nữa: đời người dịch thì ngắn mà sách thì dài, và trừ phi bạn có vô tận tiền nong và vô tận thời gian (ie. sách không có bản quyền và không có nhà nào khác đang thập thò ra, hoặc bạn chỉ dịch chơi đăng blog để đám bán chữ lấy tiền hiểu được rằng sản phẩm của đam mê là nó phải như thế) thì bạn chỉ có một giai đoạn hết sức ngắn ngủi (và lòng kiên nhẫn của người nắm bản quyền hết sức ít ỏi) để ra một sản phẩm sẽ được lưu lại ít nhất cho đến khi… có thể nói là cho đến vĩnh viễn, vì tỷ lệ bản dịch được trao lại cho dịch giả để đại tu như Sông Đông êm đềm hay Ruồi trâu (hay Chuyện người Tùy nữ của tôi) là rất ít. Vì vậy, có khi bạn quá trẻ và chưa đủ vốn từ để giải quyết một bản gốc dùng toàn những từ moi ra từ những trang chưa hề quăn mép của Từ Hải hoặc OED, hoặc có khi bạn đã quá già không thể diễn đạt nổi câu chuyện tình yêu năm 202x bằng giọng thế hệ Tik Tok, hoặc năm năm sau bạn bắt đầu học tiếng Nhật và phát hiện ra bản tiếng Anh bạn đã dùng để dịch lúc trước hiểu sai bét, hoặc bạn gặp công việc đột xuất và đành bỏ ngang một dự án dịch mà ban đầu bạn ôm mộng để đời sẽ đạt giải thưởng dịch của Zzz Review (giả sử thế thôi chứ giờ chúng tôi chưa có). Đấy cũng là số của nó. Và người dịch bước vào mỗi cuốn sách dịch có phần run rẩy vì đây gần như là cơ hội duy nhất để làm nên một sản phẩm mà, nếu không được đón nhận tốt, có thể đặt dấu chấm hết cho một cuốn sách, một tác giả, một sự nghiệp dịch.

*

Thế nào mà đoạn mở đầu trên đây, trong đầu tôi chỉ diễn ra một khắc mà xuống giấy thì đã gần 3000 chữ mà chưa đi vào đề tài chính của bài viết này, tức thị Tàn ngày để lại của Kazuo Ishiguro (có vẻ cũng thích hợp với một cuốn sách mà hết trăm trang chưa có gì xảy ra, âu cũng là cái liễn số). Tàn ngày để lại chính là vai diễn thử sức của tôi, sau chục quyển sách dịch trơn tru không gặp vấn đề gì về văn phong: một công trình mà tôi đi vào hăm hở và rồi càng ngày càng run rẩy. Khi đi ra vẫn chưa hết run rẩy, mặc dù không phải kiểu run rẩy giống như bạn tôi, người dịch cuốn Sống vốn đơn thuần mà cảm thấy mình không xứng đáng dịch bậc đại trưởng lão này (spoiler: tôi thấy khá ổn). Tôi không nghĩ mình không xứng đáng dịch Ishiguro, cả sau khi ông đã đánh đùng một cái đoạt Nobel (tôi cũng không hiểu sao ông đoạt Nobel; Booker có vẻ hợp với tạng ông hơn); thật ra văn phong của ông nhìn chung đơn giản, từ ngữ nhạt nhẽo, câu cú dễ hiểu, may mà như vậy chứ nếu không không ai có thể đọc hết nổi những cuốn như Người khổng lồ ngủ quên hay The Unconsoled, và Tàn ngày để lại hẳn cũng sẽ khác đi rất nhiều. Tôi đã dịch Dạ khúc và thấy nó đơn giản. Điều tôi không tính tới, chính là với Ishiguro, không chỉ người dịch phải diễn ông và các nhân vật của ông: mà như tôi từng nhắc đến một lần trước, mỗi cuốn sách Ishiguro diễn một vai khác nhau. Vẫn là Ishiguro, đương nhiên, nhưng là Ishiguro trong một vai đặc thù, và người dịch cũng phải thay mặt nạ, đổi dáng đi (có thể nhiều hoặc ít, nhưng vẫn là có) để khớp với vai đó.

Tôi nhận Tàn ngày để lại sau khi Dạ khúc xuất bản và Nhã Nam thấy ok với bản dịch của tôi. Đối với tôi khi đó, nó là The Remains of the Day, một cuốn sách Booker đấy nhưng mà cũ kỹ (1989? Trong khi tôi vừa nộp Booker 2000!), của một ông nhà văn không ai quan tâm lắm sau khi những người đọc đầu tiên của Mãi đừng xa tôi đã kịp ca ngợi và quên đi. Thật ra tôi đã đọc rồi và không thấy nó hấp dẫn. (Có nhiều bạn đọc của Nhã Nam đã nhận xét rất đúng, là cuốn sách hợp hơn với những người sau tuổi 30.) Nhưng dù gì thì, Booker. Tội gì không lao vào cối xay gió.

Và tôi đã rất vui khi dịch Dạ khúc. Cuốn sách nhỏ này thường bị bỏ qua trong văn nghiệp của Ishiguro; bản thân tôi khi ấy cũng thấy nó khá vô thưởng vô phạt, nhưng giờ nhìn lại, nó là sự kết tinh trong vỏ hạt dẻ một số đặc trưng của Ishiguro: sự phát lộ những khoảnh khắc tinh tế (ẩn trong những câu văn lãng nhách), tình yêu của ông với âm nhạc – đặc biệt là sự thẩm âm cũng vô cùng tinh tế, và cái hài, hài mà ẩn giấu một chút xót xa với những nhân vật “con người bé nhỏ” (mượn Chekhov) của ông. Tất nhiên nó là món quà của Ishiguro tặng tuổi trẻ làm nhạc của mình, nên hẳn ông rất yêu quý nó. Tuy nhiên, với tôi, người dịch, tôi vui vì một lẽ chính: tôi cảm thấy mình đã chọn đúng giọng điệu cho cuốn sách ngay từ những câu đầu tiên. Mỗi câu đều đến rất dễ dàng, hoặc dễ dàng hết mức có thể trong lúc chen lấn thời gian cùng việc học ở trường, và dù trong lời kể có vẻ như bình thản của người trần thuật (bệnh chung của các nhân vật chính của Ishiguro), hay trong lời thoại của từng nhân vật, từ cô bạn cũ tăng động đến ông bầu bỗ bã, tôi đều cảm thấy rất vừa lòng với kết quả của mình.

(Dĩ nhiên không phải ai cũng nghĩ thế: tôi nhận được một lời bình phẩm rằng bản dịch có lối văn trẻ con, từ cùng một người trước đó đã phê Chuyện ở nông trại, ra cùng khoảng thời gian đó, mà tôi đã cố làm cho thiếu nhi hết sức có thể, là như đàn ông. Nói chung, người đọc luôn là nỗi bí ẩn vô bờ đối với người làm, bí ẩn hơn cả những chơi chữ bí ẩn nhất của tác giả.)

Dù sao đi nữa, tôi cũng rất vui vẻ khi bắt tay vào The Remains of the Day. Cuốn sách rất ngắn; đâu thể có gì khó. Cứ từ từ. Trước tiên, tôi đọc hết tất cả các tiểu thuyết khác của ông cái đã. (Lúc này, may quá, Người khổng lồ chưa ra.) Đọc xong, tôi kết luận, mình vừa làm một việc vô nghĩa vì như đã nói, mỗi cuốn sách là một Ishiguro khác nhau. Tôi vô cùng ấn tượng và kính phục ông vì thế, nhưng nó không giúp gì mấy cho công việc “nghiên cứu văn phong” của tôi cả. (Nói cho sang vậy chứ tôi chỉ muốn kiếm cớ đọc truyện thôi.) Tiếp đến tôi bắt tay vào dịch. Trong lúc dịch, tôi đọc linh tinh các bài viết khác về cuốn sách của ông (một cuốn Booker từ 1989 thì bài viết vô cùng nhiều ông giáo ạ), nghe được một bản ghi âm câu lạc bộ sách của BBC năm 2002, trong đó ông bảo đừng nghĩ đọc sách của tôi để biết về điền trang ngày xưa, tôi bịa ra thôi chứ chẳng biết gì về điền trang cả. (Nhưng trong bài viết về chiến công 4 tuần viết sách của mình, ông lại nói “dĩ nhiên khi ấy tôi đã làm sương sương công việc nghiên cứu rồi”, vì vậy, những lời tự kể của nhà văn (hay người dịch!) cũng đáng tin vừa thôi.) Tôi xem phim, và không thích (không phải do diễn viên). Tiếp đến, tôi đã làm gì nhỉ? The Remains tạm bị xếp lại trong lúc tôi còn tung hứng các công việc khác. Ngắn ấy mà, đâu thể có gì khó.

Đùng một cái, Nobel 2017. Nhã Nam gọi hỏi: bản dịch đâu?

Tôi lôi bản dịch ra dịch tiếp. Tôi đọc kỹ lại bản tiếng Anh. Tôi đọc lại từ đầu phần đã dịch.

Trời má.

Stevens nói chuyện hoàn toàn ngược với lối nói năng của tôi.

Tôi đã lao vào bản dịch này với sự hăng hái ngây thơ như khi lao vào mọi cuốn sách khác: vỡ đất trước, cày xới sau. Phiền một nỗi rằng hầu hết các cuốn sách khác đều tương đối gần với một trong các chế độ vận hành của tôi. Tôi chỉ cần chọn trong số những mặt nạ quen thuộc để mang vào, sửa sang trang phục một tí là được. Còn Stevens, ông ta là. Hừm. Robot người? Trẻ tự kỷ? Dân poker siêu hạng? Khổ dâm tinh thần? Là gì thì câu trả lời quan trọng nhất đối với tôi cũng chỉ có một.

~ Sửa ~ lại ~ từ ~ đầu ~~~

Phàm là những người ngâm bản thảo đủ lâu để trưởng thành theo một hình thức nào đó, đều biết đến nỗi kinh hoàng khi đọc lại từ đầu và nhận ra bản thân mình đã không còn chịu nổi lối văn của chính mình ngày xưa. Nỗi kinh hoàng này lớn hơn cả nỗi kinh hoàng khi phát hiện nhân vật mình tưởng là nam chính hóa ra là thủ phạm, hoặc phát hiện người kể chuyện đã lừa người đọc đến tận cuối mới ngửa bài (vâng chúng tôi thực sự có nhiều lúc bắt tay vào dịch trước khi đọc xong sách. Kéo dài orgasm.). Nỗi kinh hoàng này buộc người ta phải bắt tay vào sửa có khi từng câu một. Trong trường hợp của tôi, đây không chỉ là sửa để cho hợp với tai của tôi-bây-giờ nữa, mà bây giờ mới là lúc tôi phát hiện ra cách-diễn-vai-Stevens. Về cơ bản, là làm ngược lại hoàn toàn những gì tôi vẫn làm.

Phát hiện ra là một chuyện. Làm, lại là chuyện khác.

Cuốn sách rất ngắn; tôi mất thêm gần ba năm.

*

Tôi không còn giữ lại bản dịch ban đầu, nhưng để hình dung, có thể so sánh hai phiên bản Điều này rồi cũng qua của Milena Busquets, là cuốn sách tôi cũng dịch song song với Remains trong mấy năm đó. [Tới đây, tôi sẽ tranh thủ nói hơi nhiều chút về cuốn sách của Busquets, mà tôi nghĩ xứng đáng được đọc nhiều hơn, nên nếu chỉ cần đọc về Ishiguro xin nhảy qua phần này.] Điều này rồi cũng qua, một cuốn sách rất mỏng, tôi đọc mất một ngày, khóc ướt một cái Kobo (= Kindle nhưng mà Canada (hồi nẳm, còn giờ bán cho Rakuten Nhật rồi)), dịch nháp ba tháng xong từ bản tiếng Anh (cũng nháp) mà nhà xuất bản bên bển gửi cho các nước để chào hàng. Quay trở lại từ đầu để sửa lượt hai, tôi rảnh rỗi mở bản gốc (tiếng Tây Ban Nha) ra ngó nghiêng. Thật ra việc này rất không nên đối với những thứ tiếng mình không biết, Google Translate và từ điển là những công cụ rất có hạn và rất hai lưỡi, thời gian đổ vào không xứng với thành quả mang lại, không khéo thì chữa lợn lành thành lợn què. Nhưng bản gốc nằm bên bao giờ cũng như một miếng bánh thơm ngon lúc bốn giờ chiều dù biết toàn đường hóa học và calo xấu nhưng thật khó có thể cưỡng lại. Tôi tự hứa sẽ chỉ xem qua cho yên tâm (?). Cuốn sách rất mỏng, đâu thể có gì khó.

Một tuần và vô số giờ Google Translate sau, tôi ngẩng lên hoang mang.

Những kết luận – hoặc đúng hơn những điều tôi lờ mờ cảm thấy vì như đã nói, Google Translate kiểu gì cũng không thể tin được, bất quá chỉ có thể làm chỉ dấu cho mình về cái gì đó có thể là không ổn cần kiểm tra lại – đã nảy lên sau khi tôi đã đọc từng câu một trong thứ tiếng dịch máy muốn nổ óc và kiểm tra chéo lại với (trình bày của) bản gốc:

  • bản tiếng Anh chia đoạn không giống bản gốc

  • bản gốc có vẻ là dùng thời quá khứ. Bản tiếng Anh để tất cả ở thời hiện tại.

  • có nhiều câu hiểu rất khác nhau? Thậm chí vai nhân xưng khác nhau?? Ở đây phải nói thêm là tiếng Tây Ban Nha thường cắt chủ ngữ trong câu khi động từ đã được chia tương thích với ngôi. Bạn nào học tiếng Nga chắc sẽ hiểu điều này. Bạn nào học tiếng Nhật Hàn sẽ hiểu nỗi kinh hoàng khi ngồi đoán chủ ngữ của từng câu. Và tiếng Tây Ban Nha hình như dùng chung một chữ cho “của anh ấy/cô ấy”. Bạn nào học tiếng Pháp chắc từng có những kỷ niệm khó chịu với điều này. Và chết mịa, bản dịch máy lại có vẻ logic hơn khi lắp vào toàn bộ đoạn văn??

  • quan trọng nhất: bản gốc có vẻ là điềm đạm và ngắn gọn hơn. Bản tiếng Anh không chỉ dài dòng hơn (dài hơn là chuyện bình thường khi dịch, nhưng bản tiếng Anh thật sự dài dòng) mà có vẻ còn… tăng động hơn?

Một trong những phản ứng cơ bản của người dịch nói chung là, trong khi vô thức muốn tạo ra một bản dịch hay, thường sẽ hơi cường điệu hơn so với bản gốc. Một trong các lựa chọn thường thấy của người dịch tiếng Anh, Pháp là biến những câu miêu tả nhận định bình thường, “tẻ nhạt” thành câu hỏi hoặc câu cảm thán cho màu sắc. Tôi gặp trường hợp ấy ở ngay trang đầu tiên. “It’s all your fault, Mamá, you know that?” (nb. khi xuất bản các chữ Mamá đã được để thành Mom, thật sự là có lý hơn, vì bản gốc chỉ dùng chữ mẹ-cơ-bản và để chữ Mamá trong bản dịch chỉ khiến tô đậm thêm sự “other” của nó). Bản gốc: “Es culpa tuya, mamá, claro.” (Bản tiếng Việt cuối của tôi: “Lỗi tại mẹ, mẹ yêu quý ạ, rõ ràng.”)

Một trong các phản ứng khác là dùng những từ mạnh, những cách diễn đạt nhấn mạnh (để tỏ ra ta đây cá tính?). Đây chính là tôi, ngày thường. Bản tiếng Anh thì là tôi phiên bản cắn thuốc. Điều này có thể thấy ngay từ đoạn đầu:

For some strange reason, I never considered what it would be like to be forty. When I was twenty, I could imagine myself at thirty, living with the love of my life and a bunch of children. Or at sixty, baking apple pies with my grandchildren, me who can’t fry an egg to save my soul, but I would learn. Even at eighty, as an old bag drinking whisky with my girlfriends. But I never imagined myself at forty, not even at fifty. And yet here I am. It’s my mother’s funeral, and if that’s not bad enough, I’m forty. I have no idea how I got here, how I got to this town that suddenly makes me want to puke. I swear I’ve never dressed so bad in my entire life. When I get home I’m going to burn every last piece of clothing I have on today, they’re all drenched in exhaustion and sadness, there’s nothing worth saving. … Illness evicted her from her throne so cruelly in the end, it completely destroyed her kingdom, and pretty much screwed us all up one way or another. And you pay for those things when the funeral comes around. First there’s you mom, the dead person, who fucked them over, and then me, the daughter, whom they were never fond of anyway.

Tôi rất thích giọng của bản dịch tiếng Anh. Tôi đã khóc ướt một cái Kobo (và cười sằng sặc như một con khùng) khi đọc bản dịch tiếng Anh. Nhưng tôi nghĩ sau một tuần lướt bản gốc (qua Google Translate), trời ạ. Blanca có tăng động, nhưng không tăng động đến mức này. Cô tăng động như một phụ nữ bốn mươi tuổi tăng động, chứ không phải như một cô gái hai mấy. (Dù cũng khó nói. Rất nhiều bà sáu mươi trên Facebook bây giờ tôi không thể phân biệt với cô em mười sáu của tôi.)

Bạn có thể nghĩ đơn giản, tìm những từ ấy và sửa đi là xong. Nhưng chuyện không phải như thế. Như tôi đã nói, vấn đề của việc diễn vai không phải là ở một hai động tác – một hai từ ngữ – mà sau khi quyết định chọn một phong cách, phong cách ấy sẽ thấm vào toàn bộ giọng của nhân vật. Đến từng cách chọn từ, từng phó từ sắc thái, từng cách xưng hô, nhịp điệu từng câu văn. Và vì tôi, một kẻ ưa cường điệu, dịch từ một bản dịch ưa cường điệu, kết quả là cường điệu theo hàm số mũ. Bản dịch đầu tiên của tôi tăng động giống như một cô gái mười bảy đang tình tay ba với một cô gái và một cậu trai. Không tệ hơn Blanca đi biển với hai ông chồng cũ cùng một ông tình nhân có vợ và vẫn tranh thủ đong đưa với một cậu trai đẹp qua đường, nhưng thật sự là rất tăng động.

Khóc lóc, tôi bắt tay vào sửa. Thật sự là một việc bất khả. Chưa kể Milena Busquets không viết bằng tiếng Tây Ban Nha “chính thống”, mà đây đó chêm phương ngữ Catalan. Chỗ nào bản tiếng Anh loạng quạng không hiểu, thì Google Translate cũng khóc luôn. Tôi ngồi đọc forum của dân Catalan và nguyền rủa đời kẻ dịch.

Giữa lúc đó thì bản tiếng Pháp rơi xuống đầu. Đường sống!!!

Tất nhiên, bản tiếng Pháp không phải là lý tưởng. Thứ nhất và hiển nhiên nhất, tiếng Pháp của tôi không bằng tiếng Anh. Mất rất nhiều công tra cứu, hỏi chuyên gia, đối chiếu chéo với bản tiếng Anh rồi lại lụi hụi tìm trong bản gốc. Thứ hai, tiếng Pháp cũng có vài câu mông lung (nhưng tỷ lệ ít hơn rất nhiều; những câu nào trong bản tiếng Anh thiếu logic thì tiếng Pháp khá rõ. Tôi chưa dò lại xem bản tiếng Anh xuất bản thì như thế nào. Chắc chắn có sửa thêm, như tôi liếc qua có thấy. Nhưng cũng có những câu mập mờ trong bản dịch ban đầu thì khi xuất bản đã bị cắt béng. Tuy nhiên, đây cũng không phải một cuốn sách thuộc loại cần giữ đến từng câu.). Thứ ba, tiếng Pháp cũng thỉnh thoảng ngắt dòng, đóng mở ngoặc lệch với bản gốc, nhưng cái này thì dễ kiểm tra lại, bản tiếng Việt giữ theo bản gốc trong chừng mực tôi kiểm soát được.

Nhưng cái chính là như tôi thấy, bản tiếng Pháp có vẻ sát với bản gốc hơn. Về trật tự câu cú, độ dài câu, mức độ nặng nhẹ của các cách diễn đạt, tóm lại là cái “mùi” chung. Tất nhiên hai ngôn ngữ gần nhau hơn, và phải nói là người dịch tiếng Anh vất vả hơn và đã sáng tạo hơn. Nhưng sau khi nhìn thấy bản tiếng Pháp, tôi không thể tiếp tục giữ bản dịch từ tiếng Anh làm cơ sở để sửa tiếp được nữa.

~ Dịch ~ lại ~ từ ~ đầu ~~~

Ơn chúa cuốn này mỏng thật. Tôi chỉ mất thêm có hai năm.

Việc này có thừa không? Có phải là đẽo cày giữa đường không? Tôi có thể chỉ dừng ở bản dịch từ bản tiếng Anh ban đầu và cứ thế in ra được không? Được chứ. Nếu tôi không biết. Nếu tôi chỉ có bản tiếng Anh làm nguồn thẩm quyền duy nhất và tuyệt đối không có cách nào kiểm tra lại, không có miếng bánh thơm ngon nào dụ dỗ, chẳng hạn như với Amos Oz mà tiếng gốc là tiếng Israel. (Sau đó tôi phát hiện ra bản tiếng Anh cắt nguyên một chương. Yay.) Nhưng tôi đã trót biết rồi. Biết làm sao.

Trong khi dịch lại từ tiếng Pháp có những câu mâu thuẫn với bản Anh và lần mò bản gốc cũng không sáng tỏ hơn thêm. Những lúc đó, tôi phải kết luận, mình đã chọn bản tiếng Pháp làm nguồn thẩm quyền của mình. Mình phải tin vào nó. Dĩ nhiên, trong điều kiện lý tưởng, tôi sẽ rành tiếng Tây Ban Nha (Catalan!) hơn tiếng Việt, trong khi vẫn giữ nguyên trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm như tôi hiện giờ. Nhưng đây không phải thế giới lý tưởng. Thôi thì đấy là số của nó. Bản dịch tiếng Việt cuối cùng có gọn và điềm đạm hơn, tuy nói chung vẫn rất tăng động (Blanca thật sự là một cơn lốc! Cô ta rất vui! Chuyện đời cô ta rất vui, trừ những lúc cô ta kể về người mẹ quá cố khiến bạn sẽ khóc rớt con mắt), nhưng chắc ít nhất cũng đại khái giống một bà trên ba mươi. Âm điệu cũng chiêm nghiệm hơn và tự nhiên hơn, còn bản ban đầu giống như một cô gái trẻ vừa biết suy nghĩ lần đầu tiên nên có gì vội vã tuôn ra bằng hết trong một cách hành văn càng sô đíp càng hay.

Một vài ví dụ để so sánh:

Đầu

Cuối

Tôi sắp xỉu vì nỗi kinh sợ và cái nóng, nhưng ra đa vẫn dò sóng ra ngay một giai quyến rũ gần bên. Đây chắc là bản năng bảo tồn đã trỗi dậy rồi. Không hiểu các bước là gì trong cái bài bắt bồ nơi nghĩa địa? Không biết chàng ta có đến ngỏ lời phân ưu với mình không? Chắc chẳng có đâu. Đồ hèn, đồ thỏ đế. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, một chàng thỏ đế điển trai, lại nói đi, một thằng hèn đến đây làm gì trong đám tang của người ít hèn nhất cả đời tôi từng gặp? Tôi sắp xỉu vì kinh sợ và cái nóng, nhưng vẫn lập tức đánh hơi ra trai đẹp ở gần. Đây hẳn phải là bản năng sống sót. Tôi nghĩ không biết quy trình cưa giai nơi nghĩa địa thì như thế nào. Tôi tự hỏi chàng ta có định tới chia buồn với tôi không. Tôi kết luận là không. Đồ hèn. Chàng hèn đẹp trai ơi, anh tới làm gì trong đám tang mẹ tôi, người ít hèn nhất trên đời mà tôi biết?
Hơi gió ấm ban mai khẽ vờn cái váy lụa mỏng tang như bánh đa đang phồng lên bay la đà trên da tôi. Làm sao cất được khối lượng này, làm sao cất được gánh nặng những thứ khác, trong khi có thêm nỗi buồn mọi thứ đều nặng thêm hai tấn? … Tôi rất cảm ơn những người không làm bộ ầm ĩ tỏ bày lòng thông cảm, hoặc tình đoàn kết, dù với tình yêu thì khó hơn, những người yêu trẻ tuổi dường như sáng chói, như họ tồn tại chính giữa tâm xoáy lốc, chẳng thứ gió bão nào lôi họ ra được, chúng ta không khi nào hùng mạnh cho bằng lúc đang yêu và được đáp lại bằng tình yêu, trải nghiệm ấy đã nâng tiêu chuẩn lên cao đến mức – ít nhất với tôi – chỉ có tia lửa chớp tắt của sex có thể phần nào bù đắp được; tình yêu cháo loãng không thay thế nổi, vì nó không tồn tại. Làn gió ấm ban mai khiến cái áo ngủ mỏng tang như giấy quấn thuốc lá phất phơ trên da tôi. Đừng cân đong thì cái gì cũng nhẹ tựa lông hồng; nhưng nỗi buồn khiến mọi thứ đều nặng lên hai tấn. … Tôi rất mừng rằng người ta không biến nỗi buồn hay thông cảm thành màn diễn, dù với tình yêu thì khó hơn, có gì đó như phát sáng ở những cặp đang yêu, như thể họ đứng trong mắt bão, không cơn gió nào lôi được họ ra ngoài xoáy lốc, ta không bao giờ mạnh bằng lúc ta yêu và được yêu, nhưng kinh nghiệm ấy đã đẩy tiêu chí lên quá cao, đến nỗi ít nhất với tôi, nó chỉ có thể thay thế bằng tia lửa chóng tàn của sex, còn tình yêu cháo loãng thì không, vì đơn giản không có loại tình yêu ấy.
Ngôi nhà thờ bề thế đã thắp sáng rực như sân khấu, hình như lúc này đã quyết chí trả đũa biển lúc ban ngày dám chiếm hết nỗi trầm trồ của nhân quần – còn biển thì nhũn chi chi, một cái ao sẻn lời, tối và rầu rĩ, hiền lành phản chiếu ánh trăng màu trắng và quầng sáng màu vàng từ những đèn đường, và nép dưới đôi cánh vôi trắng của nhà thờ, nhà cửa xúm xít liệng quanh nương nhờ che chở. Nhà thờ đường bệ, thắp sáng như sân khấu, dường như muốn trả đũa biển đã giành vai chính lúc ban ngày – nay đang nằm ngoan như một chiếc ao đen ít nói, chỉ dám phản chiếu quầng sáng trắng của mặt trăng cùng đèn đường vàng trong phố mà thôi – và dang đôi cánh quét sơn trắng toát chở che những nhà cửa túm tụm xung quanh.
Mẹ đã quan sát con rơi vào rồi lại bước ra khỏi tình yêu, liếm láp vết thương rồi lại đun người đứng dậy, từ xa, mẹ vui khi thấy con vui và để yên cho con khổ sở, không làm náo loạn cũng không khuyên răn dạy bảo quá nhiều. Vì biết, con nghĩ thế, mình chính là tình yêu lớn của đời con, và chẳng vụ ái tình náo loạn nào có một phần trăm hy vọng vượt quá được mẹ. Mẹ đã quan sát con yêu rồi lại hết yêu, ngã dập mình mẩy rồi lại lao lên trở lại, từ một khoảng cách thận trọng, mẹ vui khi thấy con vui, để yên cho con khổ sở, không nhăn nhó mà cũng không trút lời khuyên bảo. Vì biết, con nghĩ vậy, tình yêu lớn của đời con là mẹ, và chẳng mối tình nào giông bão đến đâu có thể đọ cùng tình yêu với mẹ.

Tất nhiên ấn tượng về văn phong, cũng như ấn tượng về một con người, không phải chỉ nằm ở những từ/câu/đoạn riêng lẻ mà là một ấn tượng có tính tích lũy. Ta có thể viết một vạn chữ về sự khác nhau giữa thù tiếp, tiếp đãi, khoản đãi, chiêu đãi, đãi ăn, mời chén, đem thóc đãi gà rừng, nhưng sự thật là sau khi đọc nguyên một cuốn sách, ta chỉ còn nhớ được rất ít từ rời; đọng lại là một cảm giác chung về vai diễn, tuy có khi cảm giác đó không rõ rệt khi ta zoom vào từng từ hay đoạn lẻ.

*

Trở lại với The Remains of the Day. Sau khi vượt qua cơn sốc vì phải sửa lại từ đầu (dù sao cũng đỡ hơn dịch lại từ đầu), sau khi đã thôi nguyền rủa mình thời trẻ trâu ngông ngạo đọc thấy bản dịch của chính mình hơn là đọc thấy văn phong của tác giả/người trần thuật, tôi bắt tay vào làm quen lại với Stevens.

Ấn tượng đầu tiên của tôi là, văn phong của sách thực sự nhạt nhẽo buồn tẻ. Như vừa nói, lần dịch đầu tôi còn bận tự đắc với sự du dương của chính mình nên chưa thực sự thấy đối tượng trước mặt nhạt và tẻ đến như thế nào. Hơn nữa tôi không hề trông đợi Ishiguro lại nhạt và tẻ – Nobel không được phép nhạt và tẻ! Booker càng không được phép nhạt và tẻ!!!! Tác giả của Dạ khúc Mãi đừng xa tôi The Unconsoled mà tôi mê chết lên chết xuống dù chả nhớ nó nói gì không thể nhạt và tẻ vì bất cứ lý do gì!!! Hoang mang tự hỏi có phải độ thẩm ngôn ngữ của mình đã bị méo mó sau khi lọc qua nàng Blanca cuồng dại, tôi đã thực sự đi google “có phải Remains viết nhạt bỏ bu”.

Với tinh thần confirmation bias không ngại khó ngại khổ, sau khi lọc qua hàng n bài điểm sách với những mỹ từ như tinh tế, tuyệt diệu, bậc thầy ngôn ngữ Anh, hay như câu đỉnh cao của nghệ thuật uyển chuyển mà các bạn đã đọc thấy trên bìa sách “một khả năng kiểm soát giọng điệu hoàn mỹ”, cuối cùng tôi cũng tìm thấy một bài, chắc cũng của một bậc thầy ngôn ngữ Anh khác, hắt nước vào Ishiguro là “không biết viết tiếng Anh” vì, như ông nói, sự sinh động và linh hoạt của tiếng Anh là ở các phrasal verb, nhưng cả cuốn Remains hầu như chỉ dùng các từ gốc Latinh, kết quả là một lối văn cứng còng, nặng nề, và khó chịu vô cùng. Tựa như ta không nói “mẹ tôi” mà nói “mẫu thân tôi”, không nói “cách sống của ông” mà nói “thực hành sinh hoạt của ông”, không nói “tôi mời khách” mà nói “tôi thù khoản đãi khách” vậy. Mở ngoặc đây là ý kiến của ông ta chứ không phải ý kiến của tôi, và hẳn cũng là ý kiến rơi tõm mất tăm giữa bể tinh tế, tuyệt diệu…, bằng không đã có một vạn bài đập lại; tuy nhiên ý kiến ấy không giúp gì cho tôi – phrasal verb thì liên quan gì đến bản dịch tiếng Việt cơ chứ?

Cuối cùng, sau khi đã dịch xong và lại tiếp tục google + JSTOR để hiểu thêm chàng Stevens mỗi lần đọc một thêm khó hiểu, tôi rơi trúng một bài phỏng vấn (trữ tình ngoại đề: Ishiguro chắc phải thuộc hàng các nhà văn trả lời phỏng vấn nhiều nhất thế giới, nhiều đến nỗi từ khi chàng chưa Nobel đã có hẳn một quyển sách chỉ tập hợp các bài phỏng vấn của chàng), trong đó ông nói: bản chất tôi là một con người Nhật, cho nên tính khí Nhật vẫn lộ ra qua những trang sách, sự khách sáo của Stevens, đó là sự khách sáo của người Nhật nhiều hơn là một người Anh.

Ooooook. Cái này thì tôi hiểu được. Ít ra cũng là một thứ kim chỉ nam để tôi có thể bắt tay vào tự biên tập một cách tự tin hơn.

(Nb: tác giả trả lời phỏng vấn nhiều là một giấc mơ của người dịch/biên tập, nhưng cũng là một con dao hai lưỡi. Nếu lúc này ông nói tôi không biết gì về quản gia Anh, nhưng lúc khác ông lại nói tôi đã đọc rất nhiều sách vở, thì phải làm sao? Nếu lúc này ông nói tôi là người Nhật, nhưng lúc khác ông lại nói tôi không biết gì về đất nước con người Nhật, thì phải làm saooooo?)

*

Các gạch đầu dòng hướng dẫn mà tôi vạch ra cho mình trong quá trình tự biên tập, và sau đó trao đổi với biên tập viên, là:

  • Stevens, một con robot hay đúng hơn là người muốn cosplay robot, luôn trong quá trình tự kiểm duyệt mọi yếu tố biểu cảm khỏi lời lẽ của mình. Vì thế tiếng Việt cũng sẽ dùng một thứ tiếng mô phạm, ít biểu cảm, ít à ư nhỉ nhé, ít thành ngữ tục ngữ, ít từ láy từ gợi cảm từ tượng thanh tượng hình.

(tôi đã khóc ròng ở gạch đầu dòng thứ nhất này, vì như thế là tự cắt gọt hết những gì (tôi nghĩ là) là thế mạnh trong phong cách của tôi (trong chừng mực có thể nói đến phong cách của một người dịch trong khuôn khổ quan điểm người-dịch-như-người-diễn mà tôi đã trình bày ở đoạn đầu). Tôi vốn là kẻ tăng động; tôi ưa trang trí câu văn; tôi thích bê tục ngữ thành ngữ ca dao Kiều lẩy vào chế biến theo yêu cầu của bản gốc, dịch Atwood tôi như cá gặp nước vì bà cũng bê vô số thơ ca nhạc họa thành ngữ vào sách mình; tôi chỉ có cho thêm phụ từ chứ không có lược bớt. Remains đối với tôi giống như buộc tay sau lưng mà múa.)

  • Lời lẽ của Stevens rất cầu kỳ và dài dòng văn tự sốt cả ruột, một ý có thể diễn đạt bằng vài chữ thì ông ta phải dẫn đi qua vài cái hàng rào, đấy là chưa kể những câu đệm yêu thích kiểu “sự thể hóa ra là” hay “thực vậy, thực vậy, thực vậy”. Tôi vốn ưa gọn nếu có thể; với Stevens tôi đã phải kiềm chế bớt xung năng muốn thu gọn câu viết đi 1/3 (cũng có nghĩa là bớt tiền giấy in đi 1/3 và nhuận bút dịch của chính mình đi 1/3?). Tôi cố gắng bảo lưu sự dài dòng lê thê của ông ta trong tiếng Việt; vừa làm vừa nghiến răng nghĩ đến sự sốt ruột của người đọc sẽ bảo tôi không biết cách viết một câu súc tích cho ra hồn. Tuy nhiên có những câu quá dài tôi vẫn không thể kìm mình mà không gọt bớt đi vài từ thừa thãi, nếu không thì trước khi ra mắt cho độc giả than phiền, tự tôi sẽ phát thần kinh trước.

  • Sự mô phạm của Stevens là sự mô phạm bắt chước ông chủ, như ta có thể nhận thấy có nhiều từ cửa miệng của Stevens là học từ ông chủ mà ra (“thực vậy”, “người ta”), nhưng bản chất Stevens vẫn mang sự quỵ lụy của người đầy tớ, như đoạn rất hài mà cũng rất bi khi ông ta nhũn cả người ra vì rốt cuộc cũng được thốt ra hai chữ “thưa ngài”. (Ở đây cần mở ngoặc là ông chủ thực sự lại không nói chuyện cầu kỳ đến mức như Stevens mà thoải mái hơn, tất nhiên còn vì hầu hết thời gian ta chỉ nghe thoại của ông khi nói chuyện với Stevens, nhưng điều này có thể nhận rõ hơn nữa ở anh nhà báo thế hệ sau và một phiên bản gần là anh bác sĩ tự nhận là người xã hội chủ nghĩa. Cô Kenton cũng ăn nói tương đối mô phạm, nhưng vẫn thấp hơn Stevens một bậc; những đoạn đối thoại của hai người thực sự là một thú vui.) Vì thế tôi xác định sẽ cho ông ta dùng từ Hán Việt một cách tự do (cứng còng nặng nề và khó chịu vô cùng?), nhưng không thể là những từ quá “bác học” theo kiểu không ai biết như “giám thức”, mà là những từ trên cửa miệng người cùng thời ông ta cỡ như “cơ đồ, tiềm lực, vị thế” hay tương đương. Rộng hơn, lối nói của Stevens là một lối nói công thức, sáo rỗng, kể cả những lúc tâm sự về những điều khiến ông ta xúc động hoặc yêu thương thực sự, như cảnh vật nước Anh hay ông Huân tước hay trách nhiệm quản gia, ông ta vẫn nói như đọc nghị quyết.

  • Stevens lớn lên ở quãng giao thời hai thế kỷ và “lên đỉnh vinh quang” (mà ông ta kể lại trong cuốn sách này) trong những năm giữa hai cuộc thế chiến. Tới thời điểm diễn ra câu chuyện (1956) ông ta đã là một con khủng long bước ra từ viện bảo tàng, như cách phản ứng của những người gặp gỡ trên đường cho thấy. Nàng thơ thời trẻ của ông lấy chồng không sớm mà cũng có cháu ngoại đến nơi rồi. Tới thời điểm bạn đọc Anh lần đầu tiếp nhận cuốn sách (1989) thì là hai lần khủng long. Tôi quyết định ngôn ngữ của ông cũng phải hơi cổ giả một tí, tất cả những từ ngữ thuộc loại 4.0 hay 2.0 đều phải bắn bỏ ngay và luôn, đây cũng là một nỗi khổ cho những con người mà nhiệm vụ hằng ngày là phải cập nhật lời ăn tiếng nói nhân dân.

  • Một số lưu ý riêng: ngôn ngữ của mấy ông bà Mỹ sẽ thiên hơn về giọng miền Nam (mà trong hình dung của tôi luôn là hiện đại, phóng khoáng và suồng sã hơn dân Bắc); ngôn ngữ của mấy ông bà nhà quê gặp trên đường sẽ phải nông thôn hơn một tí (trong chừng mực tôi có thể…). Mặc dù cũng chỉ đến phần nào đó, vì dẫu sao cũng là qua bộ lọc Stevens (Ishiguro diễn Stevens diễn bác sĩ Carlyle, có thể nói thế).

Và tất nhiên, những thay đổi trong nhân xưng hay lựa chọn từ cho phù hợp với yêu cầu của từng điểm đặc biệt. Như là chữ “bông lơn” mà tôi đã nâng lên đặt xuống ba bốn từ, lần nào cũng thấy chưa đủ. Như là chữ “one” mà Stevens dùng để tạo khoảng cách này tôi không có sến thế đâu nhé thì dịch thế nào cho đủ độ xa (cuối cùng tôi chọn “người ta”). Như là chữ “gentleman” một viên ba tác dụng, vừa là ông X nào đó, vừa là một vị ở đẳng cấp cao sang, vừa là bậc chính nhân quân tử, thì cưỡng ép vào một lựa chọn hay là chấp nhận lost in translation (chúng tôi đã chọn lost in translation).

Tóm lại, như đã nói, Stevens hoàn toàn trái ngược với “tôi”. Tôi đã dùng đến cách kinh điển của các diễn viên khi vào một vai diễn mới, thử thách, và hứng thú: quan sát, quan sát và quan sát. Quan sát cả những nhân vật trong môi trường tự nhiên của chúng cùng diễn xuất của các diễn viên gạo cội trước kia. Cách này tôi vốn vẫn thường làm đối với các cuốn sách hoặc bài viết bình thường: mang Kiều ra nghe trong lúc giải quyết số thơ trong Chúa tể những chiếc Nhẫn hay Truyện trẻ con, mở tiểu thuyết chiến tranh Việt Nam liếc qua vài trang lấy cảm hứng dịch Richard Flanagan, hoặc đọc Dạ khúc trong khi mở nguyên playlist những bài hát ông nhắc đến trong cuốn sách. Nhưng hầu hết những lần khác đơn thuần là để đặt mình vào tâm trạng – và não trạng – thích hợp, để tai mình thuận theo một âm điệu mơ hồ mà tôi cần nắm bắt rồi đưa vào câu văn. Với Remains, thực sự là một cuộc tìm kiếm. Tôi mở Đăng Thư dịch Hai kinh thành. Tôi đọc lại mấy cuốn Danh tác. Tôi lên báo điện tử tìm những bài viết, hồi ký, tản văn về những thời hơi xưa. Nhưng không cuốn nào giống hẳn cái sự pha trộn giữa cường điệu và tẻ nhạt, giữa dài dòng và chính xác mà Ishiguro-diễn-Stevens đã dùng. Kiểu gì cũng vẫn phải tự mò mẫm một mình, huy động những gì đã có trong mình, vừa đi vừa hết sức cảnh giác không được để những gì còn lại trong mình xổng ra nhiều quá.

(Ở đây lại phải chua rõ là nói như vậy không có nghĩa tôi cầm bản danh sách tiêu chí kia và cứ đến mỗi từ lại nghĩ xem đấy đã là từ hợp lý nhất để thỏa mãn đủ các yêu cầu chưa. Tôi có một số quy ước cho mình như Stevens sẽ dùng “đương” nhiều hơn “đang”, “thực” nhiều hơn “thật” và một số phó từ loại ấy (chứ không phải tuyệt đối, và điều này cũng phụ thuộc một phần vào người nói là Stevens hay người khác, khi ông ta đang gồng lên diễn vai quản gia mẫu mực hay khi ông ta sơ ý để tuột mặt nạ của mình). Còn như “thù tiếp” hay “tiếp đãi”, “tuồng như” hay “dường như”, tôi không để ý mấy trong khi dịch. Vấn đề không phải là tìm ra một danh sách từ đồng nghĩa rồi lắp vào cho đủ quân số (và cũng không sức ai làm được những điều ấy). Vấn đề là khi bẻ ghi vào một lựa chọn phong cách nhất định, lời lẽ sẽ chạy trên một đường ray đi qua vùng não chứa những từ đại khái mang không khí này. Và vấn đề cũng không phải là chữ “thù tiếp” trong bản dịch có tương đương 100% về phong cách với chữ “entertain” trong bản gốc hay không, hoặc tại sao “motoring” trong bản gốc mà lại chỉ dịch đơn giản là “chạy xe”: như tôi đã nói, phong cách là một thứ có tính tích lũy chứ không nằm trong tất cả mọi từ với một tỷ trọng như nhau. Và lại nữa, vấn đề không phải là tuyệt đối chính xác theo một cái “chuẩn cụ già” hay “chuẩn miền Nam” hay “chuẩn dân quê”, bởi tôi nghĩ ngay đến cả Ishiguro cũng không chạy theo một chủ nghĩa hiện thực ngôn ngữ có tính trần trụi như thế, mà chỉ cần gợi lên cảm giác rằng nhân vật thuộc về lớp người như vậy (và duy trì ảo tưởng ấy đến phút cuối không phá vỡ bằng, chẳng hạn như, “Tôi thấy cô Kenton giờ béo vãi nồi”). Bởi vì cái chuẩn ấy trong thực tế cũng là không có, và mọi phong cách vẫn luôn pha trộn, như tôi đã hiểu ra trong khi săn lùng qua những bài viết của người Việt tìm một hình bóng Stevens cho mình.)

Tôi không rõ Ishiguro có cảm thấy trái ngược nhiều không, có phải vận lực nhiều để thi hành cái “khả năng kiểm soát giọng điệu hoàn mỹ” (ông bảo về cơ bản Stevens chính là ông, nhưng phong cách phỏng vấn của ông lại nói khác). Nhưng đôi lúc khi lớp vỏ của Stevens hơi rạn để lộ ra cảm xúc bên trong, tôi cảm giác Ishiguro cũng vui lòng được trữ tình một tí. Và đôi khi khi các ông bà Mỹ xuất hiện hay đám chính trị gia lối xóm đứng lên làm một bài diễn thuyết, tôi cảm giác Ishiguro cũng mừng rỡ như tôi được thả cương phóng cho sướng tay. Giờ sau khi đã thả Blanca đi, tôi chỉ còn trông vào những ốc đảo như thế giữa cả một quyển sách bí bức ngột ngạt. Nếu mỗi quyển sách dịch đều là một cuộc chạy marathon không giống như dịch một bài viết ngắn cho Zzz, thì Remains là một cuộc chạy mà tôi chỉ được quyền di chuyển trên đúng một lằn vôi kẻ, kết quả là chân trước rồi chân sau, dò dẫm đặt từng bước, tuyệt không dám co giò mà chạy vì kể cả khi đang ở cây số thứ 32 không có ai bên cạnh vẫn nghe tiếng còi đánh trượt văng vẳng bên tai. Ba câu vừa xong là ba ẩn dụ khác nhau, chắc các bạn cũng có thể thấy sang chấn trong tôi đã phản ứng như thế nào trước bóng ma của cuộc đua rùa trong sa mạc ấy (bốn).

Sau rất nhiều gạt đi nước mắt gạch bỏ hết những từ, những chơi chữ, những réo rắt thân thiết với lòng tôi, tôi cũng nộp được bản thảo. Ngỡ đã là xong, poster có thể cất đi rồi. Nhưng chưa hết. Còn cái tên.

Trong bài viết về hai tuần cách ly ở bệnh viện Củ Chi nơi tôi giở ra sửa lại lần nữa bản thảo đã qua biên tập của Remains, tôi có liệt kê một vài cái tên nhảm nhí bịa ra để dỗ mình đi qua những ngày tháng đằng đẵng lo âu. Dĩ nhiên không cái nào rùng rợn bằng Kỳ nghỉ của ông trưởng quản, nhưng khi ấy, độ phủ sóng của cái tên Ishiguro sau khi ông Nobel với những Những gì còn lại của ngày, Tàn dư của ngày, Tháng ngày còn lại và một trăm cách dịch nghĩa đen tương tự cũng đã đủ làm cho tôi thêm áp lực. Trong thời gian biên tập, chúng tôi nhắn cho nhau cũng ngót chục cái tên, không tên nào tốt hơn tên nào, không tên nào sát hơn tên nào. Dư ảnh cuối ngày, Cuối ngày ở lại, Chiều tà của cuộc đời, Vang bóng một ngày, Cảnh đời chiều xám, Chuyện ông quản gia và bà nội quản oan gia của ổng, Làm thế nào nhận ra người ấy đang có ý cưa cẩm mình để khỏi hối tiếc khi đầu bạc (xin lỗi lại rơi vào nhảm nhí). Tôi cái gì cũng muốn: tôi vừa muốn Remains trong nét nghĩa là “phần còn lại”, tôi cũng muốn Remains trong nét nghĩa là “những gì còn lại sau khi gần hết đã mất đi”. Tôi còn muốn, có lẽ hơi morbid, gợi đến Remains trong nét nghĩa là “thây người, tử thi”; tôi biết Ishiguro có dùng chữ này theo nghĩa ấy ở nơi khác, và tôi cũng google ra rằng ít nhất một vài người có nghĩ đến nghĩa ấy khi đọc cái tên này. Có thể đó không phải là “nghĩa của cái tên đó”, nhưng nó nằm trong “trường tiếp nhận khả thể của độc giả”. Trên bình diện ấy tôi có thử tung hứng cái tên “Những di ảnh của ngày”, với nghĩa di ảnh là những xen, những hình ảnh còn để lại – nhưng tất nhiên phải low EQ lắm mới nghĩ đến việc đề nghị người ta nghĩ đến việc ịn cái tên ấy lên bìa sách.

Suốt trong thời gian đó, trong đầu tôi không hiểu sao cứ quanh quẩn cái tên “Tàn đen đốm đỏ”. Cuối cùng khi đã sắp hết hạn đến nơi, tôi chọn, một cách hơi ăn gian vì chẳng qua là ghép lại với nhau, “Tàn ngày để lại”. Nó cũng ăn khớp với câu văn duy nhất nơi cụm từ xuất hiện cuối cuốn sách. Nghe cũng vừa đủ, ngắn gọn, hơi thơ.

Sách đi in, chị Z đưa cho tôi đọc bài phỏng vấn trong đó bác Giáp Văn Chung đã dịch bản dịch tiếng Hung tên cuốn sách: Tàn ngày.

Sáng tạo khó vãi lúa.

*

Sau một khoảng thời gian thích hợp nhìn lại, khi tâm trí tôi đã tạm quên đi sang chấn từ việc chạy marathon theo phong cách Poccolo đeo giáp (năm), tôi đã có thể đánh giá đủ hơn ngôn ngữ (và các yếu tố khác) của Tàn ngày để lại, giống như một người mẹ xa đứa con trưởng thành đã lâu nhìn lại mới có thể quên phần nào những cơn khóc dạ đề hay cảm giác ngây ngất rằng thiên thần bé bỏng này chính là do mình làm ra (hoặc câu hỏi vì sao mình lại quyết định truyền lại bộ gen này…), mà thực sự nhìn nhận nó như một con người độc lập. Tôi đã hiểu hơn phong cách của Ishiguro-diễn-Stevens, và dần tán thưởng được “khả năng kiểm soát giọng điệu hoàn mỹ” của ông. (Như thế nào thì xin để dịp khác chứ bài viết này cũng gần đi tới Dorset rồi.) Và đọc lại bản dịch của mình, tôi thấy cũng không tệ.

Điều ngộ nghĩnh: trong thời gian dịch, tôi luôn lo lắng hai điều. Một là người đọc bình thường sẽ thấy câu chuyện gì mà chậm rì, kể chuyện lê thê dài dòng đến phát ngán (check). Hai là người đọc đòi hỏi cao sẽ thấy kể chuyện chưa đủ dài dòng, lời văn chưa đủ cổ, ông nội Stevens chưa đủ tiết chế. Tôi sợ những lúc mệt mỏi hay cao hứng, mặt nạ Stevens sẽ tuột ra, tấm áo Stevens sẽ rơi xuống, tôi sẽ lòi cái đuôi xí xớn tăng động ưa hoa lá cành. Thế nhưng cuối cùng phản ứng đầu tiên mà tôi gặp phải lại là: sao lại dùng những từ cổ không ai biết.

Tôi tất nhiên vẫn xếp mình vào “thế hệ trẻ” (thật ra, chẳng riêng ở văn chương: các bà đầu ba bốn luôn nghĩ mình mười mấy, các bà đầu năm sáu, nếu Facebook có chút gì đáng tin, đều ngỡ mình ở tuổi hăm hai: tất cả mọi người đều nhìn thế giới như khi mình bắt đầu ý thức về bản thân mình). Trong tiềm thức tôi vẫn là lớp người bị các ông già bà cả mũ cao áo dài phỉ báng trên báo giấy vì chơi game nhiều quá, vì suốt ngày ôm truyện tranh, vì dùng những từ lóng hỗn hào, vì chêm tiếng Tây vô tội vạ. Vừa mấy năm trước tôi bị độc giả qua đường nào đó phê bình vì đặt chữ “vãi” vào cửa miệng thằng bé mất gốc dạt vòm Boris trong Con sẻ vàng. Năm nay tôi đã bị nguyên (hoặc nửa) các bạn trẻ phê bình vì dùng từ quá cổ trong một cuốn tiểu thuyết giả lịch sử? Quả là một cú sốc ngang với lần đầu bạn nghe một đứa bé chào bằng cô. Hoặc như mỗi lần bật Facebook lên sau một tháng tắt chạy deadline và lại thấy mình là một tấm chiếu mới từ đầu giữa những giả trân, trà xanh, hộ giá, và ti tỉ thứ khác.

*

Tôi kể lể dài dòng như vậy về những quyết định thật ra cũng không có gì đặc sắc lắm, không phải để khoe mình hơn người: hầu hết (tôi nghĩ là hầu hết) những dịch giả mà tôi đã gặp hoặc có cơ hội làm việc cùng đều có những saga tương tự (dù chắc là ít người quá quắt đến mức dịch lại từ đầu một cuốn sách. Nhưng tôi chắc là nhiều người ước mình có thể làm được như vậy.). Chắc họ sẽ chỉ cười ruồi khi đọc bài viết này, bởi họ còn có những câu chuyện ly kỳ hơn thế (nhắn tới “họ”: Zzz Review vẫn đang nhận bài cho số dịch thuật tới, hoặc một bài viết ngắn chia sẻ về kinh nghiệm cá nhân cho Zzz Blog cũng sẽ được hoan nghênh). Phần lớn những gì bạn nhìn thấy trong một thành phẩm xinh xắn bìa cứng giấy mịn mang bìa của siêu nhân Tùng Lâm chỉ là kết quả ở lại sau rất nhiều sang chấn và rất nhiều kilobyte bị xóa cùng rất nhiều tế bào não vứt đi. Và điều này cũng đúng với một chiếc bìa Tùng Lâm, một cành đào, một cây cầu, một nền văn minh, một đất nước.

Tất nhiên, ở quy mô công nghiệp, làm thế là lãng phí; kể cả ở quy mô hàng độc bản, cũng không khó trề môi mà nói bỏ nhiều công sức đến thế mà thành phẩm vẫn không ra ôn gì. Nhưng lại tất nhiên, ôn cũng có nhiều mức độ của ôn. Theo tiêu chí của tôi-người-đọc, mà bản thân tôi thấy cũng khá cao, thì bản dịch này hoàn toàn có thể xếp vào ôn hỏi. Nó có thể tốt hơn? Có thể chứ. Có thể nó sẽ thành một Stevens-đáng-tin-hơn-nữa nếu rơi vào tay một Đăng Thư hay một Ngân Xuyên. Hoặc có thể nó sẽ thành một Bố già hay nức nở và xóa sạch dấu vết của chàng robot. Hoặc cũng có thể nó sẽ thành sách ngôn tình, loại mà Stevens hay đọc để trau dồi văn phong hoa mỹ cho mình. Trong dòng thời gian này, khi còn chưa rơi vào phạm vi công cộng, nó đã rơi vào tay tôi, và có hình hài như vậy. Đấy là cái số của nó.

Lại nhưng, không bao giờ có thể tin rằng người tiếp nhận sẽ thấy ta đúng như ta muốn họ thấy. (Oe Kenzaburo rất hiểu điều này!) Một người đọc già sẽ nhìn Stevens của tôi khác một người đọc trẻ, một bạn đọc miền Nam tất nhiên sẽ cảm nhận về mã ngôn ngữ mà tôi áp vào nó khác với một bạn đọc Bắc Kỳ, và những từ Hán Việt mà tôi dùng trơn tru từ bé sẽ trở thành dấu hiệu của bá quyền Trung Quốc đối với một thế hệ bạn đọc chỉ quen có thủy tinh tâm? Truyện Genji của Murasaki được viết ra bằng thứ ngôn ngữ bà tám của cung đình đương thời, nhưng bốn thế kỷ sau người ta đọc lại thì lại cảm thấy tú lệ lạ thường cosplay ai đó (hoặc hũ nút lạ thường). Âu cũng là cái liễn số. Cho đến chừng nào chúng ta chưa đủ giàu để mỗi người sở hữu một con AI để deep fake bộ phim yêu thích của mình theo những diễn viên mình thích, thì chúng ta sẽ phải học cách làm quen, và thích nữa thì càng tốt, những vai khác nhau mà mỗi diễn viên mới mở cho ta.

Trong lúc đó thì, người nào muốn phê bình, trong thời đại mà tự do ngôn luận chỉ cách một cái nhấp chuột này, cứ phê bình. Người nào đã được giao làm thì cứ tận số sức mà làm thôi. Âu cũng là cái liễn số.

1-3-2021

Chấm sao chút:

Đã có 19 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Website | Các bài viết khác

không biết viết ngắn