Kiểm duyệt ở Miền Nam sau 1975

“Không phải anh ngại đường xá xa xôi
Anh cần gì đường dài
Anh cần gì nước mía
Anh cần gì hoa thơm và chim cười trong lá biếc
Cũng chẳng cần cỏ thêu xanh cánh đồng xa biền biệt
Nhưng làm sao không có bóng hai người đè lên cỏ úa
Để anh nghe em cười mà thấy cả mùa xuân”
Có lẽ chắc ít người, cụ thể là tôi, biết được tác giả của bài thơ “Mùa xuân buồn lắm em ơi”, Nguyên Sa, sau 30-4 lại có thể bị kiểm duyệt gắt gao. Cùng chung số phận với ông, là Andre Gidé của “Bọn làm bạc giả” hay Boris Pasternak của “Bác sĩ Zhivago”, hay Quỳnh Dao với hàng chục tiểu thuyết lãng mạn, được xuất bản phổ biến hiện nay ở Việt Nam. Họ đã từng bị “thanh lọc” nặng nề vào năm 1975, cùng vô số các nhà văn, nhà thơ khác, như Xuân Vũ, Võ Phiến, Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Hồ Hữu Tường, Hà Huyền Chi…
Kiểm duyệt ở các nước Cộng Sản, có lẽ, là một vấn đề khó nói. Khó, thứ nhất vì rất ít tư liệu. Khó nữa, vì nó là địa bàn dễ nhất để bóp méo, thêm thắt, để biến mình thành sản vật, để biến chính đề tài kiểm duyệt thành công cụ đấu tranh với chính quyền. Trong quá trình tìm hiểu về kiểm duyệt ở Việt Nam và Trung Quốc, tôi nhận ra viết về kiểm duyệt khó khăn trầm trọng nhất là ở khía cạnh ai cũng biết nhưng không ai có bằng chứng: rất hiếm khi có một văn bản cụ thể rằng tác phẩm A của nhà văn X bị cấm. Mọi thứ hoạt động ở mức độ tinh vi và lặng lẽ tới nỗi biến thành một khối mây mù: tất cả rơi vào đồn đoán, và tuyệt đối không bao giờ có thể kiểm chứng được. Các lệnh cấm thường xuyên xuất hiện thông qua đường mồm. Một trong số ít văn bản viết về kiểm duyệt được đăng trên tạp chí Index of Censorship của một trong những nhân viên từng thực thi kiểm duyệt, bài báo “Vietnam’s cultural purge’’ (Thanh lọc văn hóa ở Việt Nam) năm 1978, của Hồ Trường An, là tài liệu quý giúp người đọc thế hệ sau có thể hình dung công việc kiểm duyệt chính thống đã diễn ra như thế nào. Tuy vậy, như tôi đã nói ở trên, chúng ta đều phải tiếp thu mọi thông tin ở mức độ cảnh giác cao, vì không có gì đảm bảo tất cả những điều tác giả cung cấp là chính xác, và ngược lại, cũng không có gì đảm bảo chúng không chính xác. Nhân chứng sống thì vẫn còn rất nhiều, nhưng ký ức luôn là nơi cho trí tưởng tượng thỏa mãn thêu dệt.
Hồ Trường An vốn là người của chế độ cũ, nhưng không khai báo để trốn trại cải tạo, từng cộng tác cho tờ cánh tả Tin Văn, thực chất là do Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam chỉ đạo, mà chính tác giả không hề hay biết. Ông tình cờ gặp lại Lữ Phương, một trong những thành viên của ban biên tập nên được Lữ Phương thương tình giới thiệu cho công việc thẩm định các tác phẩm văn học ở Thư Viện Quốc Gia Sài Gòn. Vũ Hạnh (cũng là biên tập viên cho Tin Văn) và Huỳnh Văn Tòng (tác giả Lịch sử báo chí Việt Nam) được chọn làm trưởng nhóm đánh giá và tiêu chí thẩm định các tác phẩm văn chương và học thuật được truyền đạt lại cho các nhân viên, được phân làm nhiều nhóm khác nhau phụ trách thơ ca, văn xuôi, văn học dịch, các bài luận và hồi ký, sách cho thiếu nhi và thanh thiếu niên… Họ phân tác phẩm thành 6 nhóm, trong đó nhóm A, B, C D, bị kiểm duyệt và cấm lưu hành, còn nhóm E, F được coi là lành mạnh và tiến bộ. Sau đây là thông tin tóm tắt tôi rút ra và lược dịch được từ bài báo của Hồ Trường An.
Dễ dàng nhận ra các tác phẩm thuộc nhóm E, F là các tác phẩm của Emile Zola, Honore de Balzac: những tác phẩm thuộc trường phái chủ nghĩa hiện thực tố cáo sự thối nát của xã hội. Trong nước thì các tác giả phê phán chế độ Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu như Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Xuân với “Bão Rừng”, “Hai Chậu Lan Tố Tâm” của Phan Du, Nguyễn Thị Thụy Vũ với “Khung rêu”, Vũ Mai Anh với “Bóng tối.” Về mặt thơ ca, ”Phấn nội hương đồng” của Mặc Khải, ”Một thế kỷ – Mấy vần thơ” của Truy Phong cũng thuộc nhóm này. Các tác phẩm về cuộc sống nông thôn cũng được cho vào nhóm E, chẳng hạn, “Tiếng Phèng la” của Xuân Tùng, “Một lá thư tình” của Vân Trang, “Đất và người” của Minh Quân.
Nhóm F dĩ nhiên là Maxim Gorky với “Người mẹ” và những tác phẩm sáng tác dựa trên nguyên tư tưởng Mác xít, Phương Đài với tác phẩm “Hiến lễ mùa thơ” vì tinh thần chống Pháp lẫn phê phán văn học đồi trụy.
Các nhóm còn lại đều bị xếp vào văn học phản cách mạng, cụ thể như sau:
Nhóm A: Các tác phẩm chống Chủ nghĩa Cộng Sản ở bất cứ phương diện nào:
(1) Những tác phẩm của Andre Gide, Boris Pasternak, V. Georghiu, Arthur Koestler, Alexander Solzhenitsyn, Pearl Buck và các tác phẩm của tác giả Việt Nam như Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sỹ, Nghiêm Xuân Hồng, Vũ Khắc Khoan… Những tác giả này do quá quen thuộc với hệ thống xã hội chủ nghĩa miền bắc, nơi có rất nhiều ưu điểm và chỉ có một vài nhược điểm không đáng kể ấy vậy mà họ chỉ viết về những thiếu sót và phóng đại tới mức bóp méo sự thật. Võ Phiến với Vũ Khắc Khoan tuy được coi là nhà văn tài năng nhưng càng tài năng càng nguy hiểm vì dễ dàng bóp méo hiện thực.
(2) Các tác giả bị chính quyền Mỹ-Thiệu tuyên truyền tẩy não hay các tác phẩm chống cộng của quân đội Việt Nam cộng hòa: Cao Tiêu, Thảo Trường, Hà Huyền Chi, Duyên Anh, Phan Nhật Nam, Nhã Ca.
(3) Các tác phẩm chống cộng lãng mạn hóa ca ngợi tình yêu của lính chiến trường và người yêu quê nhà. Phần lớn là các nhà văn thơ nữ như Lê Khanh, Hoàng Hương Trang, Hoài Linh Phương, Ngô Kim Thu.
Nhóm B: Những tác phẩm đồi trụy của phương Tây, vì những miêu tả tình dục, lẫn tư tưởng văn hóa đồi bại của tư sản, như Henry Miller, Elia Kazan, Francoise Sagan, Christiane Rochefort, D. H. Lawrence, Erskine Caldwell, Hermann Hesse và các tác giả Pháp thuộc Chủ nghĩa Hiện sinh như Jean-Paul Sartre, Simone de Beauvoir, Albert Camus. Các nhà văn Việt Nam rơi vào nhóm này phần lớn là phụ nữ, tiêu biểu nhất có “Vòng Tay Học Trò” của Nguyễn Thị Hoàng được chỉ đích danh, dù không miêu tả các cảnh gợi dục nhưng lại viết về một đời tài cấm kỵ là mối tình cô giáo với học trò. Một nhà văn nữ khác bị liệt tên là Nhã Ca, viết về sinh viên nữ 16 tuổi quyến rũ thầy giáo. Vũ Hoàng Chương với Đinh Hùng ca ngợi khoái cảm khi hút thuốc phiện và rượu chè nên dĩ nhiên bị liệt vào nhóm đồi trụy.
Nhóm C: các tác phẩm lãng mạn, của các tác giả thế kỷ 19 như Alexandre Dumas con, Lamartine, Chateaubriand, George Sand. Ngoài ra còn bao gồm cả Eric Segal, Somerset Maugham, Quỳnh Dao vì đã không đoái hoài gì tới những nỗi khổ sở trong đời sống con người mà chỉ chăm chú tập trung vào tình yêu cá nhân trong xã hội tư sản lười nhác. Các tác giả miền nam khác như Nguyễn Thị Vinh, Hoàng Ngọc Tuấn, Bà Tùng Long … cũng bị cho vào nhóm này.
Nhóm D: các tác phẩm triết học và tôn giáo. Với tôn chỉ “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” từ Rabindranath Tagore, Omar Khayam, và các bài thơ ca ngợi Chúa Jesus, Đức mẹ Mary đều bị cấm. Thơ ca của Phạm Thiên Thu, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng cũng chịu chung số phận vì có xu hướng tôn giáo. Cả những nhà thơ viết về tình yêu cũng bị liệt vào nhóm C như Nguyên Sa, Hoàng Anh Tuấn, Trần Dạ Tử, Đỗ Quí Toàn.
Có thể thấy nhiều tiêu chí trên đã ảnh hưởng tới tiếp nhận và dịch văn học phương Tây cho tới tận những năm 1980 nơi các giảng viên đại học vẫn tiếp tục công việc phê phán chủ nghĩa tư sản và văn học đồi trụy và các nhà xuất bản chỉ chăm chú dịch thuật văn học Nga và Pháp “lành mạnh”. Những tiêu chí này đã định hình cả phức hệ văn học Việt Nam suốt một thời gian dài và cho đến nay vẫn còn nhiều sức nặng. Trong khi nhiều tác giả bị cấm ở trên đã được in rộng rãi trở lại, thì nhiều người khác vẫn nằm trong vòng kiểm duyệt cho đến tận thời điểm này, cụ thể như Arthur Koestler hay Alexander Solzhenitsyn. Một điểm ngạc nhiên, George Orwell không hề được liệt kê trong bài báo của ông Hồ Trường An. Ở thời điểm Việt Nam hiện tại, Koestler hay Orwell trở thành kho báu của các nhà xuất bản ngầm, nơi tận dụng thông điệp chính trị, sự siết chặt xuất bản của nhà nước và lòng hiếu kỳ của độc giả để phục vụ cho mục đích chính trị lẫn kinh tế. Đây là đề tài cho một bài viết khác.
Tài liệu tham khảo: An, Ho Truong, “Vietnam’s cultural purge,” Index on Censorship Vol. 7 , Iss. 4,1978.
Chấm sao chút:
Đã có 0 người chấm, trung bình 0 sao.
Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3
trên đỉnh cao tuyệt vọng.
2 Comments
Xin chào bạn Z, mình muốn đọc tài liệu tham khảo Vietnam’s cultural purge. Đáng tiếc là mình kiếm trên google không có trang nào cung cấp link tải. Bạn có thể gửi mình bản PDF qua email được không ?
Thân,
K.
bạn ơi ban có fb ko? bạn gửi một tin nhắn vào page Bên phía nhà Z đi, mình sẽ gửi file cho bạn.