Thời gian đọc: 7 phút

Paul Auster, tác giả quen thuộc của độc giả Việt Nam qua một loạt “Nhạc đời may rủi,” “Khởi sinh của cô độc”, từng ngã ngửa khi được thông báo tiểu thuyết của mình từng bị kiểm duyệt ở Trung Quốc. Cuốn “Sunset Park” của ông đã được dịch sang tiếng Trung và in vào tháng 11 năm 2014. Trong tiểu thuyết có vài chi tiết nho nhỏ đề cập tới hoàn cảnh khó khăn của nhà văn và nhà đấu tranh dân chủ Lưu Hiểu Ba, người được giải Nobel Hòa Bình năm 2010, bị nhà nước Trung Quốc cầm tù nhiều năm. Tất lẽ dĩ ngẫu, ông này là một trong những đối tượng phải bị kiểm duyệt gắt gao: Nhà xuất bản, Shanghai 99, đã cắt những trang miêu tả Lý Hiểu Ba và hoàn cảnh sống của ông. Ở vài chỗ khi đề cập tới nhân vật này thì tên được thay bằng “L,” còn nhắc tới nước Trung Quốc thì được thay thế bằng “Nước Tr.” (biên tập viên sáng tạo thông minh quá). Auster trong một cuộc phỏng vấn với PEN cho hay ông chưa bao giờ đồng ý cho thay đổi như vậy và cảm thấy cuốn sách của mình bị phanh thây, bị cắt cụt tay chân (ông này dramaking). Sự tình liên quan đến việc sửa này thì thật vô cùng cắc cớ: Peng Lun, tổng biên tập của Shanghai 99 bảo với PEN rằng đã nhờ một nhà báo Trung Quốc sống ở New York đến gặp Auster để thông báo về những thay đổi này vì Auster không dung máy tính cũng chẳng có email. Nhà báo này bảo đã thông báo cho Auster về những thay đổi và Auster đã đồng ý. Auster bèn chối bảo làm gì có chuyện như vậy.

Đây chỉ là một câu chuyện nhỏ được đề cập trong bản báo cáo về kiểm duyệt tại Trung Quốc do PEN American Center, tổ chức bảo vệ và cổ xúy quyền tự do ngôn luận, tiến hành khảo sát văn học nước ngoài đã bị cắt xén như thế nào. Phần lớn các tác giả mà PEN phỏng vấn đều ngỡ ngàng khi biết mình bị kiểm duyệt, cũng có một số ít các nhà văn/thơ đã được thông báo trước về chuyện này từ các nhà xuất bản đối tác và đã đồng ý cho cắt. Đọc bản báo cáo của PEN, người đọc có thể nhận thấy rất nhiều điểm tương đồng giữa hai láng giềng hữu nghị Việt Nam Trung Hoa núi liền núi sông liền sông chung một tấm lòng cắt hết bọn đả phá nhà nước xã hội chủ nghĩa này.

Thứ nhất, như Việt Nam, Trung Quốc cũng có điều luật xuất bản, quy định rõ ràng ở điều 3, 25, và 26, rằng lĩnh vực xuất bản phải tuân thủ các quy tắc phụng sự nhân dân và chủ nghĩa xã hội, tuân theo lời dạy của chủ nghĩa Mác Lê, của Mao Trạch Đông, và Đặng Tiểu Bình, rằng bất cứ văn bản nào không nhằm xây dựng con đường xã hội chủ nghĩa, hay ca ngợi sự lãnh đạo của đảng, hay gây thù hằn dân tộc, hay gây rối loạn trật tự an toàn xã hội, vân vân và mây bay đều bị cấm không được phép xuất bản hay dịch thuật. (Chắc giới xuất bản Việt Nam vẫn còn nhớ Luật Hình sự 2015 mà nếu cứ giở luật ra mà xử với nhau thì khắp các nhà tù cả nước chỉ dành để nuôi các anh chị làm xuất bản nơi người người cải tạo bằng hình thức cùng đọc cho nhau nghe vài đoạn diễm tình trong Lolita.)

Thứ hai, quy trình xuất bản ở Trung Quốc cũng tương tự như ở Việt Nam: tất cả các công ty tư nhân đều phải liên kết xuất bản với một nhà xuất bản nhà nước để xin giấy phép xuất bản. Và các nhà xuất bản này có thể bị cắt nguồn tài trợ từ nhà nước nếu xuất bản các tác phẩm nhạy cảm. Nhà Xuất bản nào vi phạm hệ thống kiểm duyệt sẽ bị đóng cửa tạm thời, hoặc mất giấy phép xuất bản vĩnh viễn, hoặc bị phạt nặng. Vào tháng Sáu năm 2011, Trung Quốc buộc nhà xuất bản nhà nước phải đóng cửa sau khi xuất bản tập hồi ký của Jimmy Lai một doanh nhân công ty truyền thông, là người công khai chỉ trích thẳng thắn Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Và theo Gray Tan thì các nhà xuất bản Trung Quốc sợ nhất là bị cho vào blacklist của chính phủ. (Nghe rất quen phải không ạ?)
Đi vào chi tiết cụ thể, ba chữ T vàng mà các nhà xuất bản đều phải thêu lên lá cờ của mình là: Thiên An Môn, Tây Tạng, Taiwan (Đài Loan), mở rộng ra hơn, bao gồm Đạt Lai Lạt Ma, nhóm Pháp Luân Công, các nhà đấu tranh dân chủ như Lưu Hiểu Ba. Bất kỳ sách vở nào có dính dáng tới những mục này đều phải cẩn trọng và biên tập sạch sẽ. Chẳng hạn lời đề bạt dành cho độc giả Trung Quốc trong tập thơ của nhà thơ Robert Hass, người đạt cả giải National Book Award và Pulitzer, do chính tác giả viết bị nhà xuất bản lặng lẽ cắt ngoéo đi hai câu khi Hass trình bày rằng nhiều độc giả trẻ ở Mỹ chú tâm tới thơ ca Trung Quốc là do vụ thảm sát Thiên An Môn nơi những sinh viên đấu tranh dân chủ bị xe tăng nghiền nát một cách đẫm máu. Hoặc trong cuốn “On China” bàn về Trung Quốc của Henry Kissinger (đúng thế, tên tội phạm chiến tranh!) đã bị kiểm duyệt khi xuất bản ở Trung Quốc. Khi nhắc tới thảm sát Thiên An Môn, Kissinger bảo rằng đây không phải là nơi để khảo sát các sự kiện đã dẫn tới thảm kịch Thiên An Môn, bản dịch tiếng Trung bèn sửa một cách tinh tế, thay “thảm kịch” bằng “sự kiện.” Hay cuốn hồi ký “Living History” của Hillary Clinton cũng bị cắt xén khi bà này phê phán chính phủ Trung Quốc đã đè bẹp quyền tự do ngôn luận, hay toàn bộ những đoạn bà phê phán sự bất công của chính phủ Trung Quốc cũng như việc nước này o ép các diễn đàn phi chính phủ.

Những tưởng cứ không chống phá nhà nước xã hội chủ nghĩa thì các nhà xuất bản tha hồ xõa mà in đủ các nội dung mà mình muốn, nhưng một nhân tố khác chi phối không kém gì chính trị, một chữ T thần thánh khác nữa tham gia việc cắt xén bản thảo: đó chính là Tình Dục. Nếu chính trị bị coi là nhân tố màu đen thì Sex được coi là màu vàng. Theo bản báo cáo của PEN thì “50 sắc thái của Grey” của E.L.James được bán cho các nhà xuất bản của Trung Quốc nhưng rồi nhiều nhà hủy hợp đồng, hoặc là mãi trong trạng thái dịch và biên tập, mà không biết bao giờ sách mới có thể được xuất bản vì động chạm tới những chủ đề quá tệ nhị. (Riêng mặt này thì Việt Nam đã tiến bộ hẳn với tập sách do Alphabooks xuất bản, tuy nhiên tôi chưa có điều kiện để so sánh xem bản dịch của Alphabooks có bị cắt xén hay không và như thế nào). Không chỉ riêng chuyện ái ân của nam nữ mà chuyện phòng the của hai nam và hai nữ cũng là một chủ đề khiến các nhà kiểm duyệt Trung Quốc phải nhướn mắt. Chẳng hạn, cuốn “The Noonday Demon” của Andrew Solomon cũng bị kiểm duyệt mà tác giả không hề hay biết. Một số đoạn liên quan tới LGBT (đồng tính) dù không miêu tả cụ thể về mặt tình dục bị cắt bỏ. (Đây là một cuốn hồi ký, có những trang miêu tả khi Solomon còn bé và bắt đầu ý thức được rằng mình gay và thích bạn đồng giới). Solomon là chủ tịch đương chức của PEN American Center mà cũng không hề hay biết gì về việc này.

Việc kiểm duyệt dĩ nhiên diễn ra trên khía cạnh bị động và cả chủ động. Chủ động nhất là các biên tập viên NXB: họ tự động biên tập, cắt, với mục đích cao thượng trên hết là xin được giấy phép xuất bản mà không gặp trở ngại gì, không bị phạt, không bị cấm xuất bản, không bị đóng cửa công ty. (Một sự tha hóa trắng trợn, xin chào anh Bass và Rừng Sát). Việc kiểm duyệt cũng được thực thi từ chính bản thân dịch giả. Hồi thập niên 90, khi một nhà xuất bẩn đề nghị học giả Zhu Jiarong dịch tác phẩm “A Lost Paradise” (Thiên đường đánh mất) của Junichi Watanabe sang tiếng Trung, bà bèn bảo trừ phi các hạ chịu biên tập cắt hết các đoạn tình dục vô luân, bằng không thì tại hạ xin cáo từ. Tác phẩm của Watanabe miêu tả chuyện ngoại tình nóng bỏng của hai anh chị trung niên và ngay lập tức trở thành bestseller ở Nhật cũng như khu vực châu Á hồi năm 1997. Nhưng với học giả Zhu, một giảng viên đại học, thì vào thời điểm đó, dịch một tác phẩm khiêu dâm như vậy là một điều trái đạo đức, bà còn mặt mũi nào mà đối diện với sinh viên trên lớp chứ. Ấy vậy mà, 12 năm sau, năm 2010, bà Zhu lại xuất bản một bản dịch đầy đủ tiểu thuyết của Watanabe: bà dịch hết lại những trang ngày xưa đã tự mình cắt đi, tổng cộng khoảng 40 trang, đầy những chi tiết nồng thắm của đôi uyên ương.

Bản báo cáo của PEN thúc giục các tác giả nước ngoài một loạt các bước như, phải tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng bằng cách thuê người đối chiếu (và tự trích tiền túi ra mà làm việc này), phải không khoan nhượng trong các yêu cầu kiểm duyệt (và nếu họ đòi cắt quyết liệt quá thì đành thôi), phải đấu tranh quyết liệt để bảo vệ quyền tự do ngôn luận. PEN cũng chỉ ra một sự thật rất phũ phàng là Trung Quốc là một thị trường rộng lớn, đem lại quá nhiều lợi nhuận cho các tác giả nước ngoài. Có một chị tác giả chuyên sách sống đẹp và lời khuyên về phòng the sách khi dịch sang tiếng Tàu bị cắt 30% chị bảo em không quan tâm các anh chị ạ, sách của em bán chạy ở đây hơn ở bất cứ quốc gia nào khác, và rất nhiều tác giả thú thật là họ cắt bỏ một vài chi tiết cũng không quan trọng gì, quan trọng là cuốn sách được in và tự do ngôn luận thì phải từ từ.

Câu hỏi đặt ra, ai thì cần đấu tranh dân chủ?

Tài liệu tham khảo: – CENSORSHIP AND CONSCIENCE: FOREIGN AUTHORS AND THE CHALLENGE OF CHINESE CENSORSHIP
– Tan, Zaixi. “Censorship in translation: The case of the People ’ s Republic of China.” Neohelicon 42.1 (2015): 313-339.

Chấm sao chút:

Đã có 0 người chấm, trung bình 0 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Website | Các bài viết khác

trên đỉnh cao tuyệt vọng.