Thời gian đọc: 24 phút

NGƯỜI ĐÀI BẮC

 

Tưởng niệm cha mẹ đã tạ thế, cùng thời đại chồng chất khổ lo họ từng đi qua.

 

Ngõ Ô Y[1]

Lưu Vũ Tích

Chu Tước kiều biên dã thảo hoa

Ô Y hạng khẩu tịch dương tà

Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến

Phi nhập tầm thường bách tính gia

 

(Bên cầu cỏ dại hoa đồng,

Ô Y ngõ cũ nằm trong nắng chiều.

Én lầu Vương Tạ thuở nào,

Bây giờ lưu lạc bay vào nhà dân.)[2]

 

 

Mãi mãi là Doãn Tuyết Diễm

1

Doãn Tuyết Diễm chẳng bao giờ già. Đám cậu ấm từng tung hô nàng ở vũ trường Bách Lạc Môn Thượng Hải mười mấy năm trước, có người tóc đã hói đỉnh, có kẻ hai bên tóc mai đã điểm muối tiêu; có hạng đến Đài Loan sa cơ làm chân cố vấn “phỗng” cho nhà máy sắt, nhà máy xi măng, nhà máy sợi nhân tạo, nhưng cũng có số ít lên hương trở thành chủ tịch ngân hàng, lãnh đạo cơ quan. Bất kể việc người có dời đổi thế nào, Doãn Tuyết Diễm mãi mãi là Doãn Tuyết Diễm, ở Đài Bắc nàng vẫn mặc bộ xường xám trắng tinh bằng vải the mỏng, vẫn thường trực trên môi nụ cười phơn phớt, ngay khóe mắt cũng không chịu nhăn dù chỉ một chút.

Doãn Tuyết Diễm quả thực mê hồn. Nhưng không ai nói được điểm thực sự hấp dẫn ở nàng. Doãn Tuyết Diễm vốn không ưa tô son trát phấn, thi thoảng cùng lắm chỉ dặm chút son Max Factor như có như không; Doãn Tuyết Diễm cũng không ưa ăn vận sặc sỡ, tiết trời oi bức, cả mùa hè nàng mặc tuyền màu trắng bạc, nhẹ nhàng tươi mát. Phải, Doãn Tuyết Diễm có làn da trắng như tuyết, vóc người thanh mảnh, khuôn mặt trái xoan lại thêm dung mạo xinh đẹp ngọt ngào, nhưng đó đều không phải điểm phi thường của Doãn Tuyết Diễm. Người từng gặp Doãn Tuyết Diễm đều nói, cũng không rõ vì lẽ gì, mỗi động tác cất tay nhấc chân của Doãn Tuyết Diễm đều mang một vẻ phong tình vượt xa người thường. Người ta vươn vai, chau mày thì khó coi, nhưng Doãn Tuyết Diễm làm vậy lại có nét duyên dáng riêng. Doãn Tuyết Diễm cũng không lắm miệng nhiều lời, trong những tình huống then chốt chêm vào đôi ba câu tiếng Thượng Hải pha lẫn giọng Tô Châu lại xuôi tai mà thỏa đáng. Có những khách hầu bao eo hẹp, không tài nào mời được Doãn Tuyết Diễm lại bàn mình, nhưng vẫn lê la ở Bách Lạc Môn ngắm nhìn phong thái Doãn Tuyết Diễm, nghe nàng thánh thót tiếng Ngô[3], lòng cũng lấy làm thư thái. Giữa sàn nhảy, Doãn Tuyết Diễm hơi ngửa đầu, lắc nhẹ eo, mỗi bước nhảy đều thong thả từ tốn; kể cả có nhảy bước nhanh, Doãn Tuyết Diễm cũng vẫn ung dung nhường ấy, uyển chuyển làm vậy, chưa từng đánh mất chừng mực, giống như bông liễu bay lượn theo gió, dưới chân chẳng mọc cọng rễ. Doãn Tuyết Diễm có nhịp điệu của riêng nàng. Doãn Tuyết Diễm có nhịp phách của riêng nàng. Tuyệt đối không vì những xáo trộn bên ngoài mà ảnh hưởng đến cân bằng của bản thân.

Điểm cuốn hút ở Doãn Tuyết Diễm quả thật khó tả xiết, cũng khó đếm xuể. Nhưng có một điểm làm tăng vọt độ thần bí của nàng. Doãn Tuyết Diễm vang danh nức tiếng rồi khó tránh chuốc lấy đố kỵ, chị em cùng ngành lắm kẻ ganh ghét đi khắp nơi rêu rao: bát tự của Doãn Tuyết Diễm nặng tà khí, phạm Bạch Hổ, người nào dính vào nhẹ thì lụn bại, nặng thì mất mạng. Ai ngờ chính vì Doãn Tuyết Diễm được tiếng “vía dữ” mà đàn ông khắp Thượng Hải đều hứng thú với nàng gấp bội. Cuộc sống nhàn tản, nhà cửa sung túc rồi, họ tội gì không mạo hiểm thử lao vào ngôi sát tinh nổi danh khắp bãi Hoàng Phố này xem sao.

Một trong những kẻ ưa mạo hiểm ấy chính là cậu chủ nhà họ Vương tài phiệt ngành sợi bông Thượng Hải, Vương Quý Sinh. Ngày ngày gã lái con Cadillac mới coóng, đỗ trước cửa Bách Lạc Môn đợi Doãn Tuyết Diễm tiếp xong các bàn khách, rồi hai người cùng lên sảnh Chọc Trời trên tầng mười bốn khách sạn Quốc Tế thưởng thức bữa ăn khuya hoa lệ. Nhìn trăng sao sáng lấp lánh trên trời, Vương Quý Sinh nói, nếu dùng vàng thỏi trong nhà bắc thành thang được, gã nguyện trèo lên hái vầng trăng non kia, cài lên tóc mây Doãn Tuyết Diễm. Doãn Tuyết Diễm tủm tỉm cười, chẳng nói năng gì, vươn bàn tay thon tựa đóa hoa lan, thong thả nhón từng miếng bánh nhỏ hình trăng khuyết phết trứng cá đen Nga bỏ vào miệng.

Vương Quý Sinh đầu tư bạt mạng, không từ thủ đoạn kiếm tiền, muốn tăng gấp ba gấp bốn số tài sản hiện có, lần lượt hạ gục đám tình địch giàu có vo ve bên Doãn Tuyết Diễm, rồi xâu kim cương mã não thành một chiếc vòng, đeo lên cổ Doãn Tuyết Diễm, dắt nàng về dinh. Hôm Vương Quý Sinh bị bỏ tù xử bắn vì tội quan-thương câu kết nghiêm trọng, Doãn Tuyết Diễm nghỉ làm ở Bách Lạc Môn một đêm, coi như tỏ lòng thương tiếc tới Vương Quý Sinh.

Cuối cùng kẻ giành được Doãn Tuyết Diễm lại là một vị giám đốc sở họ Hồng quyền thế hiển hách trong giới tài chính Thượng Hải. Giám đốc Hồng ly hôn vợ cũ, vứt bỏ ba đứa con thơ, chấp nhận mười điều kiện của Doãn Tuyết Diễm. Thế là Doãn Tuyết Diễm trở thành phu nhân Hồng, sống trong một biệt thự sân vườn xa hoa tiếp nhận từ tay người Nhật ở khu tô giới Pháp. Chỉ mất đôi ba tháng, tựa một cội ngọc lê nở muộn, Doãn Tuyết Diễm đã nổi lên trong xã hội thượng lưu Thượng Hải với phong thái làm lu mờ mọi bóng hồng xinh đẹp.

Doãn Tuyết Diễm quả thực có tài làm chủ đám đông. Mỗi bận tiệc tùng long trọng, dù cho các tiểu thư cao sang vận áo chồn đen, quấn da lửng đỏ, khi Doãn Tuyết Diễm khoác tấm áo choàng lông cáo bạc bẻ cổ thắt eo, như làn gió thoảng tháng Ba uyển chuyển lướt vào sảnh tiệc, khách khứa có mặt đều như say trong làn gió ấy, ai nấy không kìm được bị hút về phía nàng. Giữa đám đông, Doãn Tuyết Diễm giống như tinh linh do băng tuyết hóa thành, lạnh lùng kiều diễm lấn át người ta, thướt tha cất bước nhẹ tựa gió, khiến bao cặp mắt quý ông lẫn quý bà đều nhen ngọn lửa. Ấy chính là Doãn Tuyết Diễm: giữa sàn nhảy hộp đêm Triệu Phong, trên hành lang nhà hát Lan Tâm, và trong phòng khách các nhà quan chức quyền quý trên đại lộ Joffre, nàng vận bộ cánh màu trắng bạc, ngả người trên ghế xô pha, khóe môi luôn tủm tỉm nụ cười nhạt, lôi kéo bao nhiêu là giám đốc, phó giám đốc ngân hàng, ông chủ lẫn cậu chủ hãng dệt, và cả một số trưởng giả mới phất cùng phu nhân của họ tới trước mặt mình.

Thế nhưng bát tự của giám đốc Hồng rốt cuộc vẫn hơi kém, không át được cái vía dữ của Doãn Tuyết Diễm. Một năm mất chức, hai năm phá sản, dạt đến Đài Bắc còn không vớt nổi một chức vụ ngồi chơi xơi nước. Lúc rời bỏ giám đốc Hồng, Doãn Tuyết Diễm xem như còn chút lương tâm, ngoài gia tài của mình chỉ đem theo một anh bếp có tiếng dẫn từ Thượng Hải sang cùng hai chị vú người Tô Châu.

2

Dinh thự mới của Doãn Tuyết Diễm nằm ở khu dân cư cao cấp quãng 4 đường Nhân Ái, là một biệt thự kiểu Tây mới toanh, có phòng khách hết sức rộng rãi, đủ bày hai ba bàn tiệc. Doãn Tuyết Diễm quả đã cất công chăm chút cho cơ ngơi mới này. Đồ nội thất phòng khách thảy đều là bàn ghế bằng gỗ hồng trắc, trên mấy băng xô pha lưng tựa kiểu cổ chất đống gối dựa hàng thêu Hồ Nam họa tiết uyên ương vầy nước trên mặt tơ đen, hễ ngồi xuống là lún cả nửa người vào đống gối lụa mềm mại, vô cùng thoải mái. Người từng lui tới dinh thự Doãn đều tán thưởng phòng khách của Doãn Tuyết Diễm bài trí hợp lý, khiến người ta ngồi mãi không muốn đứng dậy. Muốn chơi mạt chược có phòng mạt chược được bố trí riêng, bàn mạt chược lẫn đèn mạt chược đều sắp đặt cực kỳ tinh tế. Một số vị khách thích “bới hoa”[4], Doãn Tuyết Diễm còn đặc biệt dành ra một phòng trang bị cách âm, khách “bới hoa” có thể đóng cửa ở bên trong tha hồ xướng ca. Mùa đông có lò sưởi, mùa hè có máy lạnh, ngồi trong dinh thự Doãn rất dễ quên bẵng cái lạnh lẽo âm u và nóng nực ẩm ướt của Đài Bắc bên ngoài. Lọ hoa cổ ngoạn trên bàn phòng khách bốn mùa đều có hoa tươi. Doãn Tuyết Diễm rất mực chú trọng nghệ thuật cắm hoa, đặt tiệm Hoa Hồng trên đường Bắc Trung Sơn quanh năm cung cấp hoa tươi thượng hạng. Suốt cả mùa hè, trong phòng khách của Doãn Tuyết Diễm không lúc nào vắng hương hoa huệ ngọt đượm.

Cơ ngơi mới của Doãn Tuyết Diễm nhanh chóng trở thành tụ điểm gặp gỡ cho các mối quen biết cả cũ lẫn mới của nàng. Bạn cũ đến, nói chuyện cũ, ai nấy đều mang nỗi niềm hoài niệm hồi tưởng chuyện năm xưa, than vãn ỉ ôi trước Doãn Tuyết Diễm, cứ như thể Doãn Tuyết Diễm là biểu tượng vĩnh hằng của thời đại Bách Lạc Môn, là chứng nhân về một Thượng Hải phồn hoa vậy.

“Bé xem, tóc cha nuôi đã bạc trắng cả rồi! Bé thì vẫn như cành vạn niên thanh ấy, càng ngày càng trẻ!”

Giám đốc Ngô trước làm tổng giám đốc ngân hàng ở Thượng Hải, là khách quen của Bách Lạc Môn, đến Đài Bắc nhàn cư, đeo danh cố vấn tại một nhà máy sắt. Gặp Doãn Tuyết Diễm, ông thường níu lấy nàng mà than vãn với giọng nửa đùa nửa có chút thương thân như vậy. Mái đầu giám đốc Ngô quả thật bạc phơ cả, ngoài ra ông còn mắc chứng phong thấp nặng, đi đứng loạng chà loạng choạng, rồi thì đau mắt hột, lông mi mọc ngược, quanh năm chảy nước mắt, viền mắt đã bắt đầu lở loét, toác ra cả mảng thịt hồng. Mùa đông, Doãn Tuyết Diễm luôn chuyển chiếc lò sưởi điện trong phòng khách tới ngay bên chân giám đốc Ngô, tự tay bưng mời một chén thiết quan âm, cười tủm tỉm mà rằng:

“Làm gì có chuyện, cha nuôi mới là càng già càng dẻo dai!”

Giám đốc Ngô được vỗ về cõi lòng, lấy lại không ít tự tin, chớp đôi mắt lão đã rụng cả lông mi, trước mặt mọi người trong dinh thự Doãn, cất giọng khàn đục thê lương hát một đoạn Tọa cung:

Thân ví như con rồng nước cạn,

Mắc kẹt lại nơi bãi cát.

Doãn Tuyết Diễm có bản lĩnh quyến rũ đàn ông, cũng có tài mê hoặc phụ nữ. Hội các mợ qua lại với Doãn Tuyết Diễm, từ hồi còn ở Thượng Hải đã nói xấu sau lưng nàng. Khi Doãn Tuyết Diễm một bước lên mây, các mợ này bụng tức anh ách, đai rằng: “Cô ả có trèo thế nào, chẳng qua cũng chỉ là gái bán eo[5].” Khi nhân tình chống lưng cho Doãn Tuyết Diễm gặp phải vận xui, bọn họ lại than vắn thở dài: “Đã là cái số thì chẳng tránh được, rốt cuộc vẫn không nên dây vào hạng đàn bà vía dữ.” Nhưng mười mấy năm nay các mợ này không ai nỡ rời xa Doãn Tuyết Diễm, đến Đài Bắc rồi cũng như bầy ong tụ lại trong dinh thự của nàng, bọn họ buộc phải thừa nhận Doãn Tuyết Diễm quả thật có điểm thu hút người ta. Doãn Tuyết Diễm có thể được bớt hai mươi lăm phần trăm ở hiệu tơ lụa Hồng Tường Đài Bắc, có thể chọn ra đôi giày thêu hoa nịnh mắt nhất trong Tiểu Hoa Viên[6]. Doãn Tuyết Diễm sành sỏi nhất về kịch Thiệu Hưng diễn ở nhà hát Hồng Lâu, mỗi bận Ngô Yến Lệ hát Mạnh Lệ Quân nàng đều có thể kiếm được vé hàng đầu miễn phí. Bàn về các thức quà vặt Nam Kinh Thượng Hải ở Tây Môn Đinh, Doãn Tuyết Diễm cũng lại không gì không rành. Thế nên các mợ này, do Doãn Tuyết Diễm dẫn đầu, hết đi dạo Tây Môn Đinh, xem kịch Thiệu Hưng, lại ngồi ăn chè trôi nước hoa mộc trong Tam Lục Cửu mà quên đi tất tần tật những chuyện phiền lòng suốt mười mấy năm qua. Cứ như thể có thứ xạ hương vinh hoa của một Thượng Hải muôn màu muôn vẻ tỏa ra từ khắp người Doãn Tuyết Diễm, hun cho mấy người phụ nữ trung niên trải qua bao thăng trầm bể dâu này rơi vào trạng thái chuếnh choáng, để rồi bất giác đều say sưa nói về mì gạch cua ở Ngũ Hương Trai Thượng Hải. Các mợ này thường dễ buồn dễ bực, Doãn Tuyết Diễm với ai cũng đều hết mực thấu hiểu, nàng luôn nhẫn nại lắng nghe những ai oán cùng tủi hờn của họ, lúc cần thiết vỗ về vài câu, vuốt xuôi hết mọi cơn nóng nảy.

“Thua đi, thua cho sạch bách mới hay! Dù sao ở nhà đã có lão trâu ngựa gánh thay, tôi mà không thua cũng có người khác thua hộ!”

Mỗi lần xoa mạt chược thua tiền, mợ Tống lại than vãn với Doãn Tuyết Diễm bằng giọng điệu chua chát. Ở Đài Loan, mợ Tống mắc chứng béo phì của phụ nữ tuổi mãn kinh, cân nặng nhảy vọt lên hơn một trăm tám mươi cân Anh[7], hình thể phì nộn, đi lại hơi quá là thở dốc. Mợ Tống hay nói lời cay đắng, vì chồng mợ là phó giám đốc Tống cặp bồ bên ngoài, có phần lạnh nhạt với vợ, hơn nữa đối tượng lại là một ả tiếp viên dáng vóc thon thả. Mười mấy năm trước mợ Tống từng có thời là gương mặt nổi bật trong các buổi xã giao ở Thượng Hải, do đó mợ đặc biệt nhung nhớ tháng ngày dĩ vãng. Doãn Tuyết Diễm đương nhiên là lựa chọn thích hợp để mợ Tống dốc bầu tâm sự, vì chỉ có nàng mới thấu hiểu được nỗi niềm nhìn cảnh nay nhớ chuyện xưa của mợ. Có lúc kể lể đến hồi thương tâm, mợ Tống không khỏi bưng mặt khóc.

“Chị Tống, người nào cười quanh năm, hoa nào thắm trăm ngày, ai dám chắc cả đời được hưởng vinh hoa, nhận phú quý cơ chứ?” Doãn Tuyết Diễm bèn đưa chiếc khăn bông nóng cho mợ Tống lau mặt, thương xót khuyên lơn. Mợ Tống không cam lòng, cứ phải thút thít ai oán một chập:

“Chị không tin cái số mình lại kém hơn người khác! Như em ấy, em Doãn, cả đời chẳng cần sầu lo gì, tự khắc có người đến giúp em.”

3

Doãn Tuyết Diễm quả thật không cần sầu lo, ngựa xe trước cửa dinh thự Doãn chưa khi nào ngớt. Bạn cũ đương nhiên coi dinh thự Doãn là chốn thế ngoại đào nguyên, bạn mới cũng tìm thấy ở đây thứ sức hút không nơi nào có. Dinh thự của Doãn Tuyết Diễm vẫn luôn duy trì phong thái riêng. Doãn Tuyết Diễm chưa bao giờ chịu hạ thấp nó dưới tiêu chuẩn của đại lộ Joffre Thượng Hải. Người tới kẻ lui, tuy rằng một số nhân vật đã hết thời, nhưng ai nấy đều có thân phận, kiểu cách của họ, nên hễ bước vào dinh thự Doãn, mọi người đều cảm thấy mình quan trọng, kể cả là chức danh đã mất hiệu lực từ hơn chục năm trước, được cất lên qua chất giọng dịu dàng thân thiết của Doãn Tuyết Diễm cũng ngang với nhận sắc phong, tâm lý khôi phục không ít cảm giác ưu việt. Về phần nhóm bạn bè mới, dinh thự Doãn càng là địa điểm vàng để xây dựng quan hệ xã giao.

Đương nhiên, thứ thu hút người ta nhất vẫn là bản thân Doãn Tuyết Diễm. Doãn Tuyết Diễm là một chủ nhà xứng tầm chủ nhà. Khách khứa bất kể tôn ti già trẻ đều được nàng tiếp đãi chu đáo. Hễ bước vào dinh thự Doãn, ngồi xuống những chiếc xô pha xếp kín gối dựa tơ đen trong phòng khách, ai nấy đều có cảm giác thân thương như về nhà, vui chẳng thiết rời. Thành thử, người ta họp hụi ở dinh thự Doãn, mời tiệc sinh nhật ở dinh thự Doãn, kể cả không phải dịp gì danh chính ngôn thuận, mọi người cũng tự tạo cớ để tụ họp lại dinh thự Doãn mở sới bài. Một năm thì đến hơn sáu tháng, trong dinh thự Doãn lúc nào cũng khách quý chật nhà.

Bản thân Doãn Tuyết Diễm hiếm khi nào dự phần, vào những dịp này, nàng luôn sắp sẵn chỗ ngồi cho khách; có lúc hai bàn, có lúc ba bàn. Nàng nắm rõ thói ham mê cũng như nết chơi bài của từng người, nên ai ngồi với ai đều được xếp đặt hết sức lý tưởng, chưa từng xảy ra chuyện mất hòa khí. Đích thân Doãn Tuyết Diễm đốc thúc hai chị vú Tô Châu gọn gàng sạch sẽ ở bên cạnh chăm lo khách khứa. Điểm tâm chiều là bánh tổ Ninh Ba hoặc bánh ú Hồ Châu. Cơm tối là các món Nam Kinh, Thượng Hải do đầu bếp Thượng Hải của dinh thự Doãn thực hiện: chân giò hầm cải thảo, gà luộc quý phi, tôm tái, cua say – Doãn Tuyết Diễm tự lên một bảng thực đơn xoay, ngày ngày xoay ra những bàn tiệc tinh tế. Quá nửa đêm, hai chị vú sẽ bưng lên khăn mặt lạnh trắng phau xịt nước hoa Minh Tinh, để các vị khách đang hăng say sát phạt lau mặt cho tỉnh táo, rồi tiếp đến là bát mì chỉ bạc canh gà làm bữa khuya. Khách để lại tiền thưởng lần nào cũng đến hai ba nghìn đồng, vô cùng hào phóng. Người thắng tiền đương nhiên đáng phấn khởi, mà cả kẻ thua tiền cũng cam tâm tình nguyện. Ở trong dinh thự Doãn hết ăn rồi chơi, tan cuộc còn được Doãn Tuyết Diễm sai người kêu sẵn taxi, tiễn từng vị về nhà.

Vào lúc cuộc sát phạt lên đến cao trào, Doãn Tuyết Diễm sẽ thay sang trang phục nhẹ nhàng, đảo quanh các bàn, uyển chuyển cất bước nhẹ như gió đi tuần qua lại, tựa một nữ chủ tế toàn thân màu trắng bạc, cầu nguyện và làm lễ cho những người đang tham chiến.

“Bé xem, cha nuôi lại sắp thua cháy túi rồi!”

Hễ đến giai đoạn liểng xiểng, giám đốc Ngô lại chớp đôi mắt rụng sạch lông mi, kêu than cầu cứu Doãn Tuyết Diễm.

“Còn sớm mà cha nuôi, bốn vòng tới thể nào cũng đến lượt cha bốc được ‘Thanh nhất sắc’[8].”

Doãn Tuyết Diễm kê tấm đệm ghế tơ đen sau sống lưng mắc chứng phong thấp của giám đốc Ngô, trìu mến an ủi ông già số kiếp oái oăm.

“Cô Doãn trông đấy nhé. Tối nay tôi không hề đánh sai một quân nào, số nó xui thế chứ!”

Cánh phụ nữ cũng thường xuyên ơi ới ăn vạ Doãn Tuyết Diễm, có lúc mợ Tống thua đẫm quá còn chẳng màng hình tượng, vơ lấy cặp súc sắc mà phỉ nhổ: “Phì! Phì! Phì! Cái đồ chẳng ra thể thống, xem mày còn đen đến lúc nào!”

Doãn Tuyết Diễm cũng theo lệ tới bên, vỗ về chị em một lượt với giọng hết sức cảm thông. Lúc này, lời Doãn Tuyết Diễm khiến người ta kính nể chẳng khác nào thánh dụ. Trên bàn mạt chược, vận số một người thường nằm ngoài tầm kiểm soát, khách khứa đều cậy mấy lời tốt lành của Doãn Tuyết Diễm để khôi phục tự tin cũng như gia tăng ý chí chiến đấu. Doãn Tuyết Diễm đứng bên cạnh, ngậm điếu 999 tẩu lọc vàng, chậm rãi phả từng vòng khói, ánh mắt trách trời thương dân quan sát các vị khách của mình kẻ đắc chí, người thoái chí, bậc lão niên, gã tráng niên, đều từng hô mây gọi gió, tài hoa tuyệt thế, lúc này điên cuồng đồ sát, xâu xé lẫn nhau.

4

Trong số khách mới tới có người đàn ông trung niên tên Từ Tráng Đồ, tốt nghiệp đại học Giao thông Thượng Hải; tướng mạo đĩnh đạc, vóc dạc cao ráo, thân hình rắn rỏi, mặc âu phục cắt may vừa vặn, trông hết sức tuấn tú. Từ Tráng Đồ là một ngôi sao mới nổi trong ngành công thương nghiệp Đài Bắc. Cùng với quá trình công nghiệp hóa của thành phố, rất nhiều doanh nghiệp lớn được đà mọc lên, Từ Tráng Đồ đầu óc linh hoạt, có kiến thức quản lý công thương hiện đại hóa phong phú, mới ngoài bốn mươi đã đảm nhận chức giám đốc một công ty xi măng lớn. Từ Tráng Đồ có một người vợ hiền đảm đang cùng hai đứa con kháu khỉnh. Gia đình viên mãn, tiền đồ thênh thang, góp phần đưa anh ta trở thành một doanh nhân bừng bừng nhiệt huyết.

Lần đầu tiên Từ Tráng Đồ tới dinh thự Doãn là vào một bữa tiệc sinh nhật. Doãn Tuyết Diễm tổ chức mừng thọ sáu mươi cho giám đốc Ngô, Từ Tráng Đồ là cháu gọi giám đốc Ngô bằng cậu, nên cũng theo cậu mình tới dinh thự của Doãn Tuyết Diễm.

Hôm đó Doãn Tuyết Diễm quả thật có bỏ công chưng diện, nàng mặc bộ xường xám gấm ngắn tay màu xanh lơ, vạt áo cài một dãy khuy tết màu hồng phấn; chân mang đôi giày thêu hoa đế mềm bằng sa tanh cũng màu xanh nhạt, mũi giày còn điểm hai phiến lá hải đường màu da. Để không khí thêm phần tươi vui, Doãn Tuyết Diễm phá lệ cài lên tóc mai bên phải một đóa uất kim hương đỏ rực to cỡ chén rượu, tai đeo đôi toòng teng bạc dài cả tấc. Thọ đường trong phòng khách cũng được bày biện tưng bừng, trên bàn cắm toàn hoa huệ mới cắt. Từ Tráng Đồ vừa bước vào đã ngửi thấy một mùi hương ngòn ngọt thấm tận não phổi.

“Bé này, cha nuôi dẫn đến cho bé một vị khách quý hóa lắm đây.” Giám đốc Ngô mặc bộ áo dài lụa tơ sống mới tinh, còng lưng cười khà khà giới thiệu Từ Tráng Đồ với Doãn Tuyết Diễm, rồi chỉ Doãn Tuyết Diễm nói:

“Cô con nuôi này của ta ấy à, thực là hiếu thuận lắm. Lão già lụ khụ này gần đất xa trời rồi mà cứ đòi làm sinh nhật cho ta. Ta ngẫm rằng: mình giờ đã không còn tại chức, cũng chẳng màng chuyện thiên hạ, bộ xương già ngày ngày còn phải chịu chứng phong thấp xúi quẩy giày vò. Có tổn phúc phần gì cũng mặc, bữa nay ta cứ phải thỏa thuê nhận bữa rượu mừng thọ của con gái nuôi rồi tính. Cậu cháu này của ta, trẻ tuổi triển vọng, hiếm khi có dịp phóng túng, hôm nay cũng tới chung vui với đám già cả này. Bé là chủ nhà chu đáo nhất trần đời, ta giao Tráng Đồ cho bé, bé tiếp đãi hắn chu đáo nhé.”

“Anh Từ là khách hiếm, lại có họ hàng với cha nuôi, đương nhiên phải đặc biệt hơn người khác rồi.” Doãn Tuyết Diễm tủm tỉm cười đáp, đóa uất kim hương đỏ rực trên tóc rung rinh lay động.

Từ Tráng Đồ quả thực được Doãn Tuyết Diễm chăm sóc đặc biệt. Trên bàn tiệc, Doãn Tuyết Diễm ngồi cạnh Từ Tráng Đồ, suốt bữa ân cần mời rượu tiếp thức ăn, rồi ngả sang anh ta nói nhỏ:

“Anh Từ, đây là món tủ của đầu bếp nhà chúng tôi đấy, anh nếm thử xem, so với ngoài hàng thì thế nào?”

Dùng bữa xong, Doãn Tuyết Diễm đích thân múc một bát tàu hũ hạnh nhân lạnh bưng cho Từ Tráng Đồ, bên trên còn điểm hai quả anh đào đỏ tươi. Xong bữa là đến lúc vào bàn mạt chược, Doãn Tuyết Diễm đi tới sau lưng Từ Tráng Đồ xem anh ta chơi bài. Từ Tráng Đồ chưa quen hết quân bài, thường xuyên đánh sai quân, mới vòng thứ tám đã thua mất nửa số phỉnh. Có lượt, Từ Tráng Đồ đang định đánh ra quân ngũ văn hoa mai thì Doãn Tuyết Diễm đột nhiên từ đằng sau rướn người vươn bàn tay thon đè lên mu bàn tay anh ta mà rằng:

“Anh Từ, đừng đánh quân này.”

Ván đó Từ Tráng Đồ ù được “Mãn viên hoa”, thoắt cái đã gỡ lại quá bán số phỉnh bị thua. Trong đám khách có người phàn nàn đùa:

“Cô Doãn, sao không tới chỉ bài cho tôi, xem tôi thua sạch đây này.”

“Anh Từ lần đầu đến nhà chúng tôi, đương nhiên là không thể để người ta chịu thiệt ra về rồi.” Từ Tráng Đồ quay đầu trông thấy Doãn Tuyết Diễm đang tươi tắn cười với mình, đôi toòng teng bạc đong đưa qua lại dưới viền tóc đen nhánh.

Đến nửa đêm, hoa huệ trong phòng khách tỏa ra từng làn hương nồng nàn. Từ Tráng Đồ uống không ít rượu hoa điêu nóng trên bàn tiệc, cộng thêm cảm giác hưng phấn từ ván ù “Mãn viên hoa” trên bàn mạt chược, trước khi về đã phần nào chếnh choáng.

“Cô Doãn, đều nhờ cô chỉ bảo, bằng không tôi hẳn thua sạch bách trong trò mạt chược tối nay.”

Doãn Tuyết Diễm tiễn Từ Tráng Đồ ra cửa chính, Từ Tráng Đồ cảm kích tạ ơn nàng. Doãn Tuyết Diễm đứng ở ngưỡng cửa, vận bộ cánh trắng, hai tay khoanh trước ngực, tựa một pho tượng Quán Thế Âm, tủm tỉm cười đáp:

“Làm gì có chuyện, hôm khác anh Từ tới chơi, chúng ta lại cùng nghiên cứu kinh mạt chược.”

Cách hai hôm, Từ Tráng Đồ quả nhiên lại tới dinh thự Doãn, nhờ Doãn Tuyết Diễm chỉ dạy bí quyết chơi mạt chược.

5

Vợ Từ Tráng Đồ ngồi trên ghế mây trong nhà, thẫn thờ nhìn ra cổng, đôi má ngày một hốc hác, cặp mắt trũng xuống thành hai hốc sâu.

Mẹ nuôi của mợ Từ là bà Ngô đến thăm, cầm tay mợ Từ kêu lên thảng thốt:

“Ai da, con gái nuôi, mới độ một tháng không gặp mà sao con gầy xơ xác thế này?”

Bà Ngô tuổi khoảng sáu mươi, thân hình bệ vệ, không có lấy nửa sợi tóc bạc, đôi chân nhỏ bỏ dây bó vẫn đi lại thoăn thoắt. Bà từng lên núi Thanh Thành ở Tứ Xuyên nghe giảng đạo, bái một vị pháp sư đạo hạnh cao thâm trong Bạch Vân quán trên đó làm sư phụ. Lão pháp sư này nhìn trúng bà Ngô có dị bẩm trời sinh, trước khi phi thăng bèn truyền lại y bát cho bà. Trong nhà ở Đài Bắc, bà Ngô dựng một pháp đường, chính giữa thờ tượng thần sư phụ mình. Bên dưới tượng thần treo một tấm lĩnh vàng vuông vức mỗi cạnh tám thước[9]. Theo như lời bà, sư phụ thường hiển linh trên tấm lĩnh vàng này, giúp bà chỉ điểm bến mê, vì thế bà Ngô có thể dự báo hung cát, tiêu tai trừ họa. Tín đồ đi theo bà Ngô rất đông, đa phần là phụ nữ trung niên, vài người còn khá có địa vị xã hội. Điều kiện kinh tế không lo thiếu thốn, các mợ này khó tránh cảm thấy tâm hồn trống rỗng. Thế nên cứ mùng một, mười lăm hằng tháng, bọn họ lại tạm gác một buổi chơi mạt chược hoặc tụ tập nhóm hụi, dắt díu nhau tới pháp đường của bà Ngô, thành kính niệm kinh sì sụp bái lạy, bố thí tán lộc cứu tế dân nghèo, để mong bản thân hoặc người nhà được bình an. Có những người mắc bệnh nan y, hay những người gia đình lục đục, bà Ngô đều hào sảng nhận lời, hứa sẽ khấn xin trước linh vị sư phụ giúp họ.

“Con của ta, ta trông khí sắc con xấu lắm!” Bà Ngô quan sát mợ Từ kỹ càng, lắc đầu than. Mợ Từ cúi gục đầu không kìm được đau đớn khóc òa, thổ lộ nỗi lòng với bà Ngô.

“Mẹ ơi, mẹ thấy đấy,” mợ Từ nước mắt lã chã thổn thức kể, “anh Từ nhà con cưới con về bao lâu nay, đừng nói là khinh bạc, đến một câu nặng lời cũng chưa từng có. Anh Từ nhà con là người hiếu thắng, anh ấy thường nói rằng: ‘Trái tim đàn ông năm phần thì phải đặt ba phần vào sự nghiệp.’ Đến Đài Loan lăn lộn cả chục năm, khó khăn lắm mới trông được công ty xi măng kia làm ăn phát đạt, anh ấy mới cất được đầu lên. Thấy anh ấy ngày ngày bận bịu xã giao bên ngoài vì công chuyện, con chỉ biết âm thầm lo lắng. Sự nghiệp gầy dựng được chăng là thứ yếu, chỉ mong sao anh ấy khỏe mạnh, mẹ con con có khổ chút cũng cam lòng. Ai ngờ từ tháng trước, anh Từ nhà con cứ như biến thành người khác, thường xuyên hai ba đêm liền không về nhà. Con mới hỏi một tiếng, anh ấy đã quăng bát đập đũa, sửng cồ lên. Bữa trước ngay đến hai đứa nhỏ cũng bị ăn đòn đau. Có người bóng gió với con rằng, anh Từ nhà con đã có người khác bên ngoài, hơn nữa người ta còn là nhân vật tiếng tăm lắm. Mẹ ơi, người chỉ biết an phận thủ thường như con nào đã trải qua những chuyện thế này? Sao mà không héo hon cho được?”

“Con gái nuôi,” bà Ngô vỗ tay mấy cái mà rằng, “con không nhắc thì ta cũng chẳng nói. Con biết ta sợ nhất là chuốc lấy chuyện thị phi mà. Con đã gọi ta một tiếng mẹ, đương nhiên ta phải đứng về phía con. Cái mợ Tống béo con biết rồi đấy, chồng mợ ta là phó giám đốc Tống lăng nhăng với một ả tiếp viên ở ‘Ngũ Nguyệt Hoa’ gì đó. Mợ Tống chạy tới chỗ ta nước mắt nước mũi tèm nhem nhờ cầu xin giúp với sư phụ. Ta mới lấy bát tự của ông chồng ra tính, quả nhiên có điềm xung khắc. Mợ Tống trịnh trọng khấn cầu trước linh vị sư phụ, còn ta thay mợ ấy niệm mười hai quyển kinh. Giờ ông chồng nhà ấy chẳng đã cun cút quay về rồi sao? Về sau ta mới khuyên mợ Tống: ‘Bớt suốt ngày đàn đúm với đám đàn bà như hồ ly tinh kia đi, niệm kinh hành thiện mới là hệ trọng!’ Mợ Tống bèn đem đầu đuôi ngọn ngành chuyện anh Từ nhà con kể lại tuốt tuột ta nghe. Cô ả Doãn Tuyết Diễm đó à, con tưởng cô ta là hạng gì hay hớm? Ả không có ngón nghề thì sao ấp nổi mấy người đó? Ngay như anh Từ nhà con chính nhân quân tử là thế mà cô ả cũng có bản lĩnh tóm chặt. Thể loại này trong lịch sử đầy rẫy: Bao Tự, Đát Kỷ, Phi Yến, Thái Chân – thảy đám mầm họa! Con tưởng đều là người thật ư? Là yêu nghiệt đấy! Hễ đến thời loạn, lũ yêu nghiệt này lại thi nhau hạ phàm, tác quái chốn nhân gian. Ả Doãn Tuyết Diễm kia không biết là thứ gì biến thành nữa! Ta thấy, con cứ nên tìm cách giúp anh Từ nhà con tiêu trừ tai ương này mới được.”

“Mẹ ơi,” mợ Từ lại không kìm được bật khóc, “mẹ cũng biết anh Từ nhà con không phải hạng đàn ông vô lương tâm ấy đâu. Lần nào qua đêm bên ngoài về, tuy rằng ngoài miệng không nói, nhưng con biết trong lòng anh ấy cắn rứt lắm. Có lúc anh ngồi thừ một mình hút thuốc, gân xanh nổi chằng chịt trên đầu, trông đến đáng sợ. Con lại không dám tới khuyên giải, chỉ lo lắng suông. Mấy hôm nay anh ấy càng như bị ám, về nhà cằn nhằn rằng ai nấy trong công ty đều kiếm chuyện với mình. Anh nổi cáu cả với công nhân, hôm qua còn sa thải mất mấy người. Con mới khuyên việc gì phải chấp nhất những người thô lậu ấy, thế là cũng bị anh ấy xạc cho một trận. Hành vi của anh nhà con bất thường lắm, vô lý đùng đùng, thật không thể nào không lo cho được!”

“Thế mới nói!” Bà Ngô gật đầu bảo, “E là cả anh Từ nhà con cũng phạm điềm gì rồi. Con cứ đưa bát tự của anh nhà cho ta, về rồi ta thử xem cho.”

Mợ Từ chép lại bát tự của Từ Tráng Đồ cho bà Ngô, có lời:

“Mẹ ơi, vậy con trông cậy cả vào mẹ.”

“Yên tâm,” bà Ngô trước khi ra về còn nói, “sư phụ chúng ta được cái pháp lực vô biên, có thể tiêu tai giải ách giúp người.”

Thế nhưng pháp lực của vị sư phụ không đủ để cứu Từ Tráng Đồ. Một hôm, đương lúc Từ Tráng Đồ đập bàn quát mắng một người công nhân, kẻ nọ đột nhiên nổi điên, cầm cây dùi bẹt đâm xuyên ngực anh ta.

6

Ban tổ chức tang lễ của Từ Tráng Đồ do giám đốc Ngô làm trưởng ban. Mấy ngày liền chạy ngược chạy xuôi, lại thêm chứng phong thấp giở quẻ, ông cụ đi ra đi vào nhà tang lễ Cực Lạc đều phải chống gậy, khập khà khập khiễng. Hôm làm lễ điếu, linh đường được đặt trong nhà tang lễ. Vòng hoa liễn tang của thân bằng cố hữu từng cụm trắng toát xếp dài ra tới tận ngoài cổng. Trên hoa viếng của đồng nghiệp ở công ty xi măng đề bốn chữ “Thương tiếc người tài”. Người tới phúng điếu từ 9 giờ sáng đã bắt đầu nườm nượp kéo đến. Mợ Từ khóc đến ngây dại cả người, mặc đồ tang bằng vải sô gai dắt theo hai đứa nhỏ, quỳ trước linh đường tạ lễ. Bà Ngô thì dẫn đầu mười hai đạo sĩ, mặc áo pháp cầm phất trần, dâng rượu giải oan rửa nghiệp ở đàn tràng mặt sau linh đường. Ngoài ra còn có hơn mười tăng ni niệm kinh siêu độ, đọc chú đại bi.

Giữa trưa, khách tới viếng đã đông nghịt, đương lúc chen chúc huyên náo, bỗng trong đám đông dậy tiếng lao xao, tiếp đó cả phòng tang lặng phắc, không khí trang nghiêm bao trùm. Thì ra không biết từ lúc nào Doãn Tuyết Diễm đã lướt vào như cơn gió. Vẫn phục sức tuyền màu trắng, mặt không điểm chút phấn son, Doãn Tuyết Diễm uyển chuyển đi đến trước bàn tổ chức, thong thả cầm lấy bút lông, thoăn thoắt đề tên vào sổ ký tên, rồi chậm rãi đi đến chính giữa linh đường, khách khứa bỗng chốc đều dạt sang hai bên, nhường đường cho Doãn Tuyết Diễm tới trước ban thờ. Doãn Tuyết Diễm trầm tư, nghiêm mặt, gập người vái sâu ba vái trước di ảnh Từ Tráng Đồ. Lúc này bạn bè thân thích có mặt ai nấy đều ngây ra như phỗng. Có người tỏ vẻ kinh ngạc, có kẻ thì căm phẫn, cũng có một số e ngại ra mặt, nhưng mọi người dường như đều bị một luồng sức mạnh vô hình trấn áp, không dám bộp chộp manh động. Lần này Từ Tráng Đồ chết thảm, họ hàng bên phía mợ Từ nhiều kẻ giận lây sang Doãn Tuyết Diễm, bọn họ đều không ngờ Doãn Tuyết Diễm lại dám cả gan xông vào linh đường nhà họ Từ. Bầu không khí căng thẳng đến tột đỉnh, nhất thời ai nấy đều lúng túng. Doãn Tuyết Diễm hành lễ xong, còn đi tới trước mặt mợ Từ, giơ tay xoa đầu hai đứa con côi, sau đó trang trọng bắt tay người vợ góa. Trong lúc đám đông ngơ ngác nhìn nhau, Doãn Tuyết Diễm đã cất bước nhẹ bẫng rời khỏi nhà tang lễ Cực Lạc. Trong linh đường tức thì nhốn nháo cả lên, mợ Từ bỗng quỳ sụp xuống đất, ngất lịm đi, bà Ngô vội vứt cây phất trần, sấp ngửa chạy đến bế mợ Từ ra gian sau.

Tối đó, trong dinh thự của Doãn Tuyết Diễm lại mở sòng bài, có những người chơi đã hẹn nhau từ ban ngày sau lễ viếng Từ Tráng Đồ. Giám đốc Ngô dẫn tới hai vị khách mới. Một người là giám đốc Dư mới nhậm chức của xưởng dệt Nam Quốc; người còn lại là chủ tịch Châu của công ty xí nghiệp Đại Hoa. Tối nay vận may của giám đốc Ngô xuất hiện kỳ tích, liên tiếp ù tới mủn[10]. Giám đốc Ngô cứ vừa cười vừa hô suốt, nước mắt theo nhau lăn xuống từ vành mắt đỏ au rụng sạch lông mi. Đến vòng thứ hai mươi, có ván giám đốc Ngô đột nhiên huơ hoắng hai tay kêu lên oai oái:

“Bé ơi, mau lại đây! Lại đây! ‘Tứ hỷ lâm môn’! Đúng là tay bài độc trăm năm khó gặp. Đông, Nam, Tây, Bắc đủ cả, lại thêm tự bốc được cặp! Người ta bảo ù được ‘Đại tứ hỷ’ là điềm xui. Ta đây đen đủi cả đời, ù được bộ bài hiếm này, từ giờ khổ tận cam lai rồi. Bé à, bé xem tay bài này có đáng yêu không cơ chứ? Có lý thú không cơ chứ?”

Giám đốc Ngô reo vang vung mạt chược khắp bàn. Doãn Tuyết Diễm đứng bên cạnh giám đốc Ngô, nhẹ nhàng đặt tay lên vai ông, tủm tỉm cười nói:

“Cha nuôi, mau tập trung tinh thần ù thêm đôi ván. Lát nữa thắng được tiền của giám đốc Dư với chủ tịch Châu rồi, con qua xin ít lộc!”

Mùa xuân năm 1965, thành phố Iowa, Mỹ

Nguyễn Tú Uyên dịch

 

[1] Địa danh nằm bên bờ Nam sông Tần Hoài, Nam Kinh. Vốn là doanh trại của đoàn quân áo đen (ô y) Đông Ngô, về sau là nơi ở của các gia đình vọng tộc thời Đông Tấn, Vương Đạo khai quốc công thần nhà Đông Tấn và Tạ An chỉ huy trận Phì Thủy đều ở đây.

[2] Bản dịch thơ của nhà thơ, nhà văn Ngô Văn Phú.

[3] Tiếng Ngô là tiếng địa phương được sử dụng nhiều thứ hai sau tiếng Quan Thoại, phổ biến ở Chiết Giang, Thượng Hải, Nam Giang Tô, Nam An Huy, Đông Bắc Giang Tây, Tây Bắc Phúc Kiến.

[4] Trò chơi tương tự mạt chược lưu hành từ thời Đường, mạt chược chỉ cần xoa bài còn “bới hoa” cần cả hát góp vui. Người chơi đánh ra quân nào thì chọn đề tài ấy, hát theo làn điệu riêng, thông thường mỗi người chơi đều có một tài nữ ngồi cạnh xướng họa.

[5] Cách gọi gái nhảy ở Thượng Hải thời Dân Quốc.

[6] Tiệm giày thêu được sư phụ Trần Sơ Học mở ở đường Tứ Mã, Thượng Hải từ năm 1936, sau chuyển tới Đài Loan vào năm 1949. Từ cửa hiệu đầu tiên ở Tây Môn Đinh, Tiểu Hoa Viên đã từng bước gầy dựng nên tên tuổi trong thị trường đóng giày địa phương với sản phẩm giày thêu hoa lộng lẫy.

[7] 1 cân Anh (pound) = 453,6 gam.

[8] Hay “toàn hàng”, một tay bài ù điểm cao trong mạt chược kiểu Thượng Hải.

[9] Đơn vị đo chiều dài truyền thống của Trung Hoa, 1 thước = 33,33 cm.

[10] Tức “mủn cun” hay “mãn quan”. Trong tính điểm mạt chược, người chơi giỏi sẽ tạo được bộ bài lớn nhiều điểm (tức phán), “tới mủn” là tới 6 phán.

Chấm sao chút:

Đã có 1 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3