Vasily Grossman, “Cuộc đời và Số phận” (trích)
có những người tâm hồn cứ lụi tàn, những người sẵn sàng hùa theo bất cứ điều gì xấu xa

có những người tâm hồn cứ lụi tàn, những người sẵn sàng hùa theo bất cứ điều gì xấu xa
Vitya, mẹ tin chắc thư này sẽ đến tay con, dù lúc này mẹ đang ở sau tiền tuyến Đức, sau hàng rào dây thép gai khu Do Thái. Thế nhưng mẹ sẽ không nhận được hồi âm của con; mẹ sẽ không còn trên cõi đời này nữa. Mẹ muốn con biết về những ngày cuối của mẹ. Như thế, mẹ sẽ dễ nhắm mắt hơn.
Vitya ạ, thực khó mà hiểu con người… Ngày 7 tháng Bảy quân Đức đã tiến vào thành phố. Tin tức mới nhất phát trên đài ở công viên. Lúc ấy mẹ đang từ phòng khám về, và mẹ dừng lại nghe. Đấy là một bản tin chiến sự bằng tiếng Ukraina. Thế rồi mẹ nghe có tiếng súng xa xa. Một số người chạy băng qua công viên. Mẹ về nhà, suốt quãng đường cứ ngạc nhiên là mẹ đã không nghe thấy báo động không kích. Chợt mẹ thấy một xe tăng và có người gào lên: “Bọn Đức đấy.”
“Đừng gieo rắc hoảng loạn!” mẹ hăm. Hôm trước mẹ đi hỏi bí thư thành ủy bao giờ mọi người được sơ tán. “Sẽ còn đủ thời gian để nói về việc ấy,” anh ta giận dữ trả lời. “Chúng tôi thậm chí còn chưa lập danh sách người sơ tán nữa cơ mà.”
Ấy, là quân Đức thực rồi. Cả đêm hàng xóm cứ kéo đến phòng nhau – những người duy nhất vẫn bình tĩnh là mẹ và bọn trẻ. Mẹ chấp nhận rằng chuyện xảy ra với bao người khác cũng sẽ xảy đến với mẹ. Mới đầu mẹ cảm thấy kinh hãi tột độ. Mẹ nhận ra mẹ sẽ không bao giờ được gặp lại con nữa. Mẹ tha thiết muốn nhìn con một lần nữa. Mẹ muốn hôn lên trán và mắt con. Rồi mẹ hiểu rằng mẹ may mắn nhường nào khi con được an toàn.
Gần sáng thì mẹ thiếp đi. Mẹ thức dậy và cảm nhận một nỗi buồn khôn tả. Mẹ đang ở trong phòng và nằm trên giường mình, thế mà mẹ thấy như thể đang ở một xứ lạ, cô đơn và lạc lõng.
Sáng ấy mẹ được nhắc điều mẹ đã quên trong suốt những năm dưới chế độ Xô viết – rằng mẹ là người Do Thái. Vài tên Đức lái xe tải ngang qua, hét lên: “Juden kaputt!”[1]
Mẹ còn được vài hàng xóm của mẹ nhắc cho. Chị vợ người trông nhà đứng bên dưới cửa sổ phòng mẹ và nói với chị nhà bên: “Ấy, thế là đi đời bọn Do Thái. Tạ ơn Chúa về điều ấy!” Cái gì đã khiến chị ta nói như thế? Con trai chị ta cưới một cô gái Do Thái. Chị ta từng đến thăm con trai rồi về kể mẹ nghe về bầy cháu.
Chị nhà bên, một góa phụ với đứa con gái sáu tuổi – một cô bé tên Alyonushka có đôi mắt xanh tuyệt đẹp, có lần mẹ kể về con bé rồi – tới đây và nói với mẹ: “Anna Semyonovna, tôi sẽ dọn vào phòng bác. Bác dọn đồ ra trước tối nay được không?” “Được thôi, thế tôi sẽ dọn vào phòng chị vậy.” “Không, bác sẽ dọn vào cái phòng nhỏ sau bếp ấy.”
Mẹ không chịu. Ở đấy còn chẳng có bếp lò, hay cửa sổ.
Mẹ đến phòng khám. Lúc quay về, mẹ thấy cửa phòng mở và mọi đồ đạc của mẹ dồn đống trong căn phòng bé xíu. Hàng xóm của mẹ chỉ bảo: “Tôi giữ lại cái trường kỷ để dùng. Phòng bác giờ không có chỗ để đâu.”
Thực kỳ lạ – chị ta từng theo học trường kỹ thuật còn anh chồng đã mất là người tuyệt vời, rất trầm tính, làm kế toán ở Ukopspilk. “Bác là người bất hợp pháp rồi!” chị ta bảo, như thể đấy là một điều rất có lợi cho chị ta. Thế rồi con bé Alyonushka ngồi với mẹ cả buổi tối còn mẹ kể chuyện cổ tích cho nó nghe. Đấy là tiệc tân gia của mẹ – con bé không chịu đi ngủ nên mẹ nó phải ẵm nó về. Thế rồi, Vityenka ạ, họ mở lại phòng khám. Mẹ và một bác sĩ Do Thái khác bị sa thải. Mẹ đòi tiền lương tháng trước nhưng giám đốc mới bảo: “Stalin có thể trả cho bà bất cứ gì bà kiếm được dưới chế độ Xô viết. Đi mà viết cho ông ấy ở Moskva ấy.” Chị trợ lý, Marusya, ôm mẹ và khẽ than van, “Chúa ơi, Chúa ơi, chị sẽ thế nào đây, mọi người các chị sẽ thế nào đây?” Còn bác sĩ Tkachev thì bắt tay mẹ. Mẹ thực không biết cái nào tệ hơn – sự khinh miệt hả hê, hay những ánh mắt thương hại như khi người ta nhìn một con mèo ghẻ lở dở sống dở chết. Không, mẹ không bao giờ ngờ mình sẽ phải trải qua cái gì như thế.
Nhiều người khiến mẹ ngạc nhiên. Mà không chỉ những người nghèo khó, thất học, cay nghiệt. Có một ông cụ, thầy giáo về hưu, bảy mươi lăm tuổi, luôn hỏi thăm con, gửi lời chào con và bảo, “Cậu ấy là niềm tự hào của thành phố ta.” Những ngày đáng nguyền rủa này ông ta chỉ đi ngang mẹ mà không nói lời nào, ngoảnh nhìn đi hướng khác. Mẹ còn nghe rằng tại một cuộc họp do sĩ quan chỉ huy triệu tập, ông ta bảo: “Giờ thì cuối cùng không khí cũng có vẻ trong lành rồi. Không còn mùi tỏi nữa.” Vì sao, vì sao? – lời lẽ ấy làm ô danh ông ta. Phải, và tại cuộc họp ấy người Do Thái bị phỉ báng khủng khiếp làm sao… Nhưng Vityenka ạ, tất nhiên không phải ai cũng đến dự. Nhiều người từ chối. Còn chuyện này nữa – từ thời Sa hoàng đến giờ mẹ vẫn liên tưởng bài Do Thái với chủ nghĩa sô vanh của đám người trong Liên minh Tổng lãnh Thiên thần Michael[2]. Nhưng giờ mẹ thấy rằng những kẻ to mồm nhất hô hào giải thoát nước Nga khỏi dân Do Thái cũng chính là những kẻ co ro khúm núm trước quân Đức, sẵn sàng phản bội đất nước vì ba mươi đồng bạc Đức. Rồi người lạ từ ngoại ô thành phố đến chiếm phòng của ta, chăn mền, quần áo của ta. Hẳn là những người như họ đã giết các bác sĩ trong thời có bạo loạn dịch tả. Rồi lại có những người tâm hồn cứ lụi tàn, những người sẵn sàng hùa theo bất cứ điều gì xấu xa – bất cứ điều gì, để không bị nghi ngờ là bất đồng chính kiến với kẻ cầm quyền, dù kẻ đó là ai.
Những người mẹ quen cứ ghé nhà luôn luôn với những mẩu tin tức. Mắt họ điên dại và họ dường như mê sảng. Một diễn đạt kỳ lạ đâm thịnh hành: “giấu đồ của nhau.” Không hiểu sao mọi người nghĩ nhà hàng xóm thì sẽ an toàn hơn. Mọi chuyện cứ như trò con nít.
Ít lâu thì có thông báo về khu tái định cư cho người Do Thái. Mỗi người được phép mang theo 15 cân tư trang. Những tờ cáo thị nho nhỏ màu vàng treo trên các tường nhà: “Toàn thể cư dân phải chuyển đến khu vực Phố cổ trước 6 giờ tối ngày 15 tháng Bảy năm 1941. Bất kỳ ai ở lại sẽ bị bắn.”
Và thế là, Vityenka ạ, mẹ chuẩn bị sẵn sàng. Mẹ mang theo một chiếc gối, ít ga giường, chiếc cốc con tặng mẹ, một cái thìa, một con dao và hai cái dĩa. Bọn mẹ có thực sự cần nhiều thế không? Mẹ mang theo ít dụng cụ y tế. Mẹ mang theo những lá thư của con; ảnh bà ngoại đã mất và chú David, và tấm ảnh con chụp với bố; một cuốn Pushkin; Thư gửi từ cối xay gió; cuốn của Maupassant có truyện Một cuộc đời; một từ điển nhỏ… Mẹ mang theo vài cuốn của Chekhov – cuốn có “Một chuyện tẻ nhạt” và “Giám mục” – vậy là đầy giỏ. Bao nhiêu lá thư mẹ đã viết cho con dưới mái nhà ấy, bao nhiêu giờ mẹ khóc trong đêm – phải, giờ đây mẹ có thể nói con biết mẹ đã cô đơn nhường nào.
Mẹ tạm biệt căn nhà với khu vườn. Mẹ ngồi ít phút dưới cây. Mẹ chào tạm biệt hàng xóm. Một số người mẹ chưa từng gặp. Hai phụ nữ bắt đầu tranh cãi ngay trước mặt mẹ xem ai sẽ lấy mấy cái ghế của mẹ, còn ai được bàn viết của mẹ. Mẹ chào tạm biệt thì cả hai bật khóc. Mẹ nhờ gia đình Basanko kể lại con nghe mọi chuyện tường tận hơn nếu hết chiến tranh con về tìm mẹ. Họ hứa rồi. Mẹ rất cảm động vì con chó lai, Tobik – nó đặc biệt trìu mến với mẹ vào buổi tối cuối cùng ấy.
Nếu con có về, hãy cho nó ăn để đáp lại lòng tốt của nó với một bà già Do Thái.
Khi mẹ chuẩn bị đâu đấy cả rồi và băn khoăn không biết làm sao xách giỏ đến Phố cổ, một bệnh nhân của mẹ bỗng đâu xuất hiện, một người lầm lì và – mẹ vẫn luôn nghĩ thế – khá nhẫn tâm tên Shchukin. Anh ta xách đồ của mẹ lên, cho mẹ 300 rúp và bảo mỗi tuần một lần anh ta sẽ đến chỗ hàng rào đưa mẹ ít bánh mì. Anh ta làm việc ở nhà in – họ không cần anh ta ngoài mặt trận vì anh ta có tật ở mắt. Anh ta là bệnh nhân của mẹ trước chiến tranh. Nếu được bảo liệt kê tất cả những người mẹ biết có tâm hồn nhạy cảm, thuần khiết, ắt mẹ sẽ đưa ra hàng chục cái tên – nhưng nhất định là không có tên anh ta. Con biết không Vityenka, sau khi anh ta đến, mẹ bắt đầu cảm thấy mình lại là con người – không phải chỉ có con chó trong sân là còn đối xử với mẹ như thể mẹ là người.
Anh ta nói một sắc lệnh mới đang được in: người Do Thái bị cấm đi bộ trên vỉa hè; họ phải đeo một mảnh vải màu vàng trên ngực, một Ngôi sao David; họ không còn quyền dùng phương tiện vận tải công cộng, nhà tắm, công viên, hay rạp chiếu bóng; họ bị cấm mua bơ, trứng, sữa, dâu, bánh mì trắng, thịt, hay bất kỳ rau củ nào ngoài khoai tây; họ chỉ được mua hàng ở chợ sau sáu giờ, khi nông dân đã lên đường về nhà. Phố cổ sẽ bị rào dây thép gai và mọi người chỉ được phép ra ngoài có áp giải – để lao động cưỡng bức. Nếu phát hiện một người Do Thái ở nhà một người Nga, chủ nhà sẽ bị bắn – cứ như anh ta đang chứa chấp một đảng viên vậy.
Bố vợ của Shchukin, một nông dân lớn tuổi, từ làng lân cận Chudnov lên. Ông đã tận mắt chứng kiến tất cả người Do Thái ở đấy bị lùa vào rừng với bao bị va li. Cả ngày ông nghe tiếng súng và những tiếng thét ghê rợn; không một người Do Thái nào quay về. Còn về bọn Đức trưng dụng nhà ông, phải tận khuya chúng mới quay về. Chúng đã khá say, rồi chúng tiếp tục uống và hát hò đến sáng, chia nhau những trâm cài áo, nhẫn vòng ngay trước mặt ông cụ. Mẹ không biết đấy là bọn lính quá đà hay đấy là điềm báo số phận chung của bọn mẹ.
Hành trình đến khu ghetto như thời trung cổ thực buồn, con trai ạ. Mẹ đi bộ qua thành phố mẹ đã làm việc suốt hai mươi năm qua. Đầu tiên bọn mẹ đi xuống phố Svechnaya đã trở nên hoang vắng. Rồi bọn mẹ ra đến phố Nikolskaya thì mẹ thấy hàng trăm người cũng đang trên đường đến ghetto đáng nguyền rủa này. Đường phố trắng xóa những gói nhỏ và gối. Có những người tàn tật được dắt tay. Họ khiêng ông bố bị liệt của bác sĩ Margulis trong tấm chăn. Một thanh niên cõng bà cụ trên tay còn vợ con theo sau, mang vác bị bao. Gordon, một ông béo thở không ra hơi, chủ hiệu tạp hóa, mặc áo khoác cổ lông; mồ hôi đang ròng ròng trên mặt ông ấy. Mẹ chú ý tới một thanh niên; cậu ta không xách đồ đạc gì và bước mà đầu ngẩng cao, một cuốn sách mở trước mặt, và một gương mặt điềm nhiên, kiêu hãnh. Nhưng hầu hết những người đi cạnh cậu ta trông mới điên loạn và hoảng hốt làm sao!
Tất cả bọn mẹ đi giữa đường trong khi những người khác đứng trên vỉa hè nhìn theo.
Có lúc mẹ đi cạnh gia đình Margulis và mẹ nghe thấy tiếng thở dài thương cảm từ đám phụ nữ trên vỉa hè. Nhưng ai cũng cười chiếc áo khoác của Gordon – dù vậy, cứ tin mẹ, ông ta trông khủng khiếp hơn là lố bịch. Mẹ thấy nhiều gương mặt mẹ quen. Số thì gật đầu tạm biệt, số khác ngoảnh đi. Mẹ không nghĩ có đôi mắt nào trong đám đông đấy dửng dưng; một số thì tàn nhẫn, một số thì tọc mạch, và số khác đẫm nước mắt.
Mẹ nhận ra có hai đám đông khác nhau: người Do Thái – đàn ông mặc áo khoác và đội mũ, đàn bà mặc váy dày – và đám người mặc đồ mùa hè trên vỉa hè. Nơi đấy ta có thể thấy những chiếc váy rực rỡ, đàn ông mặc áo sơ mi, áo cánh thêu kiểu Ukraina. Như thể ngay cả mặt trời cũng không còn chiếu đến người Do Thái trên đường nữa, như thể họ đang bước qua cái rét của một đêm tháng Mười hai.
Bọn mẹ đến cổng vào khu ghetto và mẹ chào tạm biệt bạn đồng hành. Anh ta chỉ nơi bọn mẹ sẽ gặp nhau ở hàng rào.
Con có biết mẹ cảm thấy gì không Vityenka, một khi mẹ đứng sau hàng rào thép gai? Mẹ tưởng sẽ thấy kinh hoàng. Nhưng nghĩ xem – hóa ra mẹ cảm thấy nhẹ nhõm khi được ở bên trong cái chuồng gia súc này. Đừng nghĩ đấy là vì mẹ là nô lệ từ trong máu. Không. Không. Đấy là bởi vì mọi người quanh mẹ đều chịu chung số phận như mẹ: giờ mẹ không còn phải bước giữa đường như một con ngựa, không còn những ánh nhìn hằn học, và những người mẹ quen nhìn thẳng vào mắt mẹ thay vì cố tránh. Mọi người trong chuồng gia súc này đều mang con dấu bọn phát xít đóng lên và nó không còn thiêu đốt dữ dội tâm hồn mẹ nữa. Giờ mẹ không còn là một con thú bị tước mất quyền nữa – mà chỉ là một con người bất hạnh. Và điều ấy thì dễ chịu đựng hơn.
Mẹ dọn vào, cùng một đồng nghiệp là bác sĩ Sperling, trong căn nhà nhỏ hai phòng. Vợ chồng Sperling có hai con gái lớn và cậu con trai mười hai tuổi, Yura. Mẹ nhìn hàng giờ gương mặt bé nhỏ gầy gò và đôi mắt to u buồn của thằng bé; hai lần mẹ gọi nhầm nó là Vitya và nó chỉnh mẹ: “Cháu là Yura, không phải Vitya.”
Thiên hạ khác nhau làm sao! Sperling, ở tuổi năm mươi tám, tràn đầy năng lượng. Ông ấy xoay sở kiếm được đệm, dầu hỏa và một xe đẩy để lấy củi. Đêm trước ông ấy mang một bao bột mì và nửa bao đậu Hà Lan về nhà. Ông ấy rất hài lòng về mỗi thành công nho nhỏ của mình. Hôm qua ông ấy phơi thảm lên. “Đừng lo, đừng lo, chúng ta sẽ sống sót,” ông ấy cứ nhắc lại. “Cái chính là lo trữ lương thực và củi.”
Ông ấy bảo bọn mẹ nên mở trường trong khu ghetto. Ông ấy thậm chí còn đề nghị mẹ dạy tiếng Pháp cho Yura đổi lấy một bát súp. Mẹ đồng ý.
Bà vợ béo của Sperling, Fanny Borisovna, cứ thở dài, “Mọi thứ tiêu tùng cả rồi, chúng ta đi đời rồi.” Đồng thời bà ta lại hết sức cảnh giác với đứa con gái lớn Lyuba – một cô gái hiền lành, tốt bụng – phòng khi nó cho ai nhúm đậu hay lát bánh mì. Con cưng của bà mẹ là cô em, Alya. Con bé đúng là quỷ dữ hiện thân – ti tiện, hống hách và đa nghi – lúc nào cũng quát bố và chị. Trước chiến tranh nó từ trên Moskva về thăm rồi bị kẹt lại đây.
Chúa ơi, cảnh nghèo đói khắp nơi! Giá những kẻ vẫn luôn nói rằng người Do Thái giàu có, rằng họ luôn có của để dành phòng lúc khó khăn, có thể nhìn Phố cổ lúc này. Lúc khó khăn đến thực rồi – không thể nào khó khăn hơn được nữa. Nhưng những người bị bắt tái định cư với mười lăm cân hành lý không phải là cư dân duy nhất ở Phố cổ: trước giờ thợ thủ công vẫn sống ở đây – cùng với người già, công nhân, hộ lý… Họ sống trong cảnh chen chúc khủng khiếp làm sao! Còn đồ ăn họ ăn nữa! Giá con thấy được những nhà ổ chuột đổ nát đến nỗi hầu chẳng nhận ra hình thù nữa.
Vityenka, mẹ đã thấy nhiều người xấu ở đây, những kẻ tham lam, bất lương, thậm chí sẵn sàng phản bội. Bọn mẹ có một gã kinh khủng, Epstein, từ một thị trấn nhỏ nào đấy ở Ba Lan đến đây – hắn đeo một dải băng nơi ống tay áo và giúp bọn Đức tra hỏi lục soát; hắn nhậu say với đám công an Ukraina rồi họ sai hắn đến nhà mọi người để vòi vĩnh vodka, tiền và thức ăn. Mẹ thấy hắn hai lần, một tay điển trai cao ráo mặc bộ đồ tây màu kem bóng lộn – thậm chí ngôi sao vàng khâu trên áo khoác của hắn cũng trông như một bông hoa cúc.
Nhưng điều mẹ thực sự muốn nói với con là một thứ khác. Mẹ chưa từng cảm thấy mình là người Do Thái: ngày còn bé bạn bè mẹ toàn người Nga; các nhà thơ mẹ yêu thích nhất là Pushkin và Nekrasov; một vở kịch khiến mẹ khóc, cùng toàn thể khán giả – một nhóm các bác sĩ trong làng – là vở Cậu Vanya do Stanislavsky dàn dựng. Và, Vityenka ạ, hồi mẹ mười bốn tuổi, khi gia đình sắp di cư sang Nam Mỹ, mẹ đã nói với ông: “Con sẽ không bao giờ rời Nga đâu – con thà chết đuối còn hơn.” Và mẹ đã không đi.
Nhưng giờ đây, trong những ngày khủng khiếp này, trái tim mẹ tràn đầy một tình mẫu tử dịu dàng đối với người Do Thái. Trước đây mẹ chưa bao giờ biết đến tình yêu này. Nó làm mẹ nhớ đến tình yêu mẹ dành cho con, con vô cùng yêu quý của mẹ.
Mẹ đến nhà khám cho người ốm. Hàng chục người chen chúc trong những căn phòng bé tí – những cụ già gần lòa, trẻ em chưa cai sữa, phụ nữ bầu. Mẹ đã quen nhìn vào mắt người ta tìm triệu chứng bệnh – tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể. Giờ mẹ không còn nhìn vào mắt mọi người như thế được nữa; giờ đây những gì mẹ thấy là hình ảnh phản chiếu từ tâm hồn. Một tâm hồn tử tế, Vityenka ạ! Một tâm hồn nhân hậu, buồn bã, bị bạo lực đánh gục, nhưng đồng thời cũng thắng vượt bạo lực. Một tâm hồn mạnh mẽ, Vitya!
Giá con thấy các ông cụ bà cụ cứ lo lắng hỏi thăm con thế nào. Mọi người thực lòng cố an ủi mẹ, với họ mẹ chưa bao giờ than thở và tình cảnh của họ còn khủng khiếp hơn của mẹ nhiều lắm.
Đôi khi mẹ nghĩ rằng chẳng phải mẹ đi thăm bệnh, mà ngược lại – rằng mọi người là một bác sĩ hiền từ đang chữa lành tâm hồn mẹ. Và thực cảm động khi họ cho mẹ một củ hành, một lát bánh mì, hay một nắm đậu.
Và hãy tin mẹ, Vityenka, đấy không phải là họ trả công mẹ đến khám. Mẹ rưng rưng nước mắt khi một công nhân tuổi trung niên nào đấy nắm tay mẹ lay, bỏ hai ba củ khoai tây vào cái túi nhỏ rồi nói, “Đây, thưa bác sĩ, tôi xin bác nhận cho.” Cử chỉ này có gì thực trong sáng, tử tế, hiền từ – nhưng mẹ không tìm được từ chính xác để gọi nó.
Mẹ không muốn an ủi con bằng cách bảo rằng mẹ thấy mọi thứ đều dễ chịu – không, lạ là tim mẹ chưa tan vỡ vì buồn phiền. Nhưng xin con đừng lo mẹ sẽ đói – mẹ chưa một lần thấy đói. Mẹ cũng không thấy đơn độc.
Mẹ biết nói gì về mọi người đây? Họ khiến mẹ ngạc nhiên vì tính tốt cũng như tính xấu. Tất cả thực khác nhau, dù họ phải chịu cùng một số phận. Nhưng nghĩ lại thì, nếu có một trận mưa rào trút xuống và hầu hết mọi người cố tìm chỗ nấp, điều ấy không có nghĩa là họ đều như nhau. Người ta thậm chí cũng có cách trú mưa riêng.
Bác sĩ Sperling tin chắc rằng việc bức hại dân Do Thái sẽ chấm dứt cùng với cuộc chiến tranh. Không có nhiều người như ông ấy, và mẹ để ý thấy rằng người nào càng lạc quan, người đó càng nhỏ nhen ích kỷ. Nếu bọn mẹ đang ăn mà có ai đến, Alya với Fanny Borisovna sẽ giấu đồ ăn trong chớp mắt.
Gia đình Sperling đối xử với mẹ tử tế – nhất là vì mẹ ăn ít mà đem lại nhiều. Nhưng mẹ đã quyết định bỏ đi. Mẹ không thích họ. Mẹ cố tìm một chốn nương náu cho riêng mình. Một người càng đau buồn, anh ta càng ít hy vọng mình sống sót – anh ta sẽ càng trở nên tốt đẹp hơn, hiền từ hơn, rộng lượng hơn.
Những người nghèo nhất, thợ may và thợ thiếc, những người vô vọng, thì cao thượng hơn nhiều, rộng lượng hơn và thông minh hơn những người bằng cách nào đấy xoay sở dành dụm được chút lương thực. Các cô giáo trẻ; Spilberg, ông giáo già và cũng là kỳ thủ lập dị; những phụ nữ rụt rè làm trong thư viện; Reyvich kỹ sư, bơ vơ còn hơn một đứa trẻ, nhưng vẫn mơ vũ trang cho ghetto bằng lựu đạn tự chế – họ đều là những con người thực tuyệt vời, viển vông, thân thương, buồn tủi, tốt bụng!
Giờ đây mẹ nhận ra rằng hy vọng hầu như không bao giờ đi cùng với lý trí. Nó là cái gì khá phi lý trí và mang tính bản năng.
Mọi người vẫn sống tiếp, Vitya ạ, như thể họ còn cả cuộc đời trước mặt. Không sao biết được đấy là khôn ngoan hay ngu ngốc – mọi người cứ sống như thế thôi. Mẹ đây cũng thế. Ở đây có hai người đàn bà từ một shtetl và họ cũng kể câu chuyện như bạn mẹ kể. Bọn Đức đang giết sạch người Do Thái trong huyện, kể cả trẻ nhỏ và người già. Bọn Đức và công an Ukraina chạy xe đến chọn vài chục đàn ông để làm việc ngoài trời. Những người này được cho đi đào mương và hai ba ngày sau dân Do Thái bị áp giải đến những mương này và bị bắn. Các gò chôn người Do Thái đang mọc lên khắp làng mạc gần xa.
Ở nhà bên có một cô gái từ Ba Lan đến. Cô ấy bảo rằng giết chóc diễn ra liên miên. Người Do Thái đang bị tàn sát; chỉ có vài khu ghetto – Warsaw, Lodz và Radom – ở đấy hầu như không còn ai sống sót. Khi ngẫm về tất cả những điều ấy, thì mẹ thấy rõ là bọn mẹ được dồn vào đây không phải để bảo tồn – như loài bò rừng trong rừng Bialowiezska – mà để tàn sát. Theo kế hoạch thì một hai tuần nữa sẽ đến lượt bọn mẹ. Nhưng con nghĩ xem – mẹ vẫn đi khám cho bệnh nhân và dặn dò, “Giờ hãy rửa mắt thường xuyên bằng thuốc rửa, rồi hai ba tuần nữa sẽ đỡ hơn.” Mẹ đang chăm sóc một ông cụ mà sáu tháng đến một năm nữa là có thể mổ cườm.
Mẹ dạy tiếng Pháp cho Yura và khá bực vì nó phát âm kém.
Trong lúc ấy thì quân Đức ập vào nhà mọi người và cướp bóc; lính canh bắn trẻ con sau hàng thép gai để tiêu khiển; và ngày càng nhiều người khẳng định rằng số phận của bọn mẹ sẽ được định đoạt bất cứ lúc nào.
Thế đó – cuộc sống tiếp diễn. Cách đây ít lâu bọn mẹ thậm chí còn có một đám cưới… Và bao giờ cũng có hàng tá tin đồn. Đầu tiên một hàng xóm tuyên bố rằng quân đội của ta đã tấn công và bọn Đức đang tháo chạy. Rồi lại có tin đồn rằng chính phủ Liên Xô và Churchill đã gửi tối hậu thư cho Đức – và Hitler đã ra lệnh không giết một người Do Thái nào nữa. Rồi bọn mẹ được báo tin người Do Thái sẽ được trao đổi lấy tù binh Đức.
Dường như không đâu có nhiều hy vọng như trong ghetto. Thế giới đầy dẫy sự kiện và mọi sự kiện này đều chung một ý nghĩa, chung một mục đích – cứu rỗi dân Do Thái. Đúng là quá nhiều hy vọng!
Và cội nguồn của mọi hy vọng này thì chỉ có một – chính bản năng sống, mù quáng phản kháng hiện thực khủng khiếp là bọn mẹ sẽ phải tan biến không còn dấu vết. Mẹ nhìn quanh và không sao tin được: có thực là bọn mẹ, tất cả, bị kết án rồi, và sắp bị hành quyết? Những thợ cắt tóc, thợ giày, thợ may, bác sĩ, thợ lò vẫn làm việc. Thậm chí một nhà hộ sinh nho nhỏ cũng đã được mở – hay đúng hơn một nơi trông giống nhà hộ sinh. Người ta giặt giũ, phơi phóng, chuẩn bị bữa ăn, lũ trẻ đã đến trường từ đầu tháng Chín, các bà mẹ hỏi giáo viên về điểm số của con cái họ.
Cụ Spilberg đang đóng vài cuốn sách. Alya Sperling tập thể dục mỗi sáng, quấn tóc bằng ống cuốn giấy mỗi tối và cãi cọ với bố về hai khúc vải nó muốn mua để may mấy chiếc váy mùa hè.
Mà mẹ cũng bận bịu từ sáng đến tối – thăm bệnh, dạy học, mạng quần áo, giặt giũ, chuẩn bị cho mùa đông, khâu lớp vải lót vào áo khoác. Mẹ nghe những câu chuyện về hình phạt kinh khủng mà người Do Thái phải chịu: một phụ nữ mẹ quen, vợ luật sư, mua một quả trứng vịt cho con rồi bị đánh đến bất tỉnh; một thằng bé, con trai của Sirota dược sĩ, bị bắn vào vai vì bò dưới dây thép gai khi một trái bóng lăn ra ngoài. Rồi lại tin đồn, tin đồn, tin đồn…
Tuy thế, điều mẹ nói đây không phải tin đồn. Hôm nay bọn Đức đến bắt đi tám mươi thanh niên để làm việc ngoài đồng, giả như là đi đào khoai. Một số người vui mừng, tưởng đám đàn ông sẽ mang về nhà ít khoai cho người thân. Nhưng mẹ thừa biết bọn Đức nói khoai tây nghĩa là gì.
Đêm là quảng thời gian đặc biệt trong ghetto, Vitya ạ. Con yêu của mẹ, con biết là mẹ luôn dạy con phải nói sự thực – một người con trai phải luôn thành thực với mẹ. Nhưng ngược lại người mẹ cũng phải thành thực với con trai. Vityenka ạ, đừng nghĩ mẹ của con là người mạnh mẽ. Mẹ yếu đuối. Mẹ sợ đau và mẹ chết khiếp khi nằm xuống ghế nha sĩ. Ngày còn bé mẹ sợ bóng tối và sấm sét. Có tuổi rồi mẹ lại sợ bệnh tật và cô quạnh; mẹ sợ nếu mẹ ngã bệnh, mẹ sẽ không đi làm lại được nữa; rằng mẹ sẽ trở thành gánh nặng cho con, rằng con sẽ khiến mẹ thấy thế. Mẹ sợ chiến tranh. Giờ đây, Vitya ạ, đêm lại mẹ nghẹn thắt nỗi kinh hoàng khiến tim mẹ tê dại. Mẹ sắp chết. Mẹ muốn kêu lên cầu cứu con.
Ngày còn bé, con vẫn chạy lại để được mẹ che chở. Giờ đây, những phút yếu lòng, mẹ muốn vùi đầu vào đầu gối con; mẹ muốn con mạnh mẽ và khôn ngoan; mẹ muốn con bảo vệ và chở che cho mẹ. Không phải lúc nào mẹ cũng mạnh mẽ trong tinh thần, Vitya ạ – mẹ cũng yếu đuối. Mẹ thường tính chuyện tự sát, nhưng có gì đấy ngăn mẹ – sự yếu đuối nào đấy, hay sức mạnh, hay niềm hy vọng phi lý.
Nhưng thế đủ rồi. Đêm nào mẹ cũng nằm mơ. Mẹ thường thấy bà và nói chuyện với bà. Đêm qua mẹ mơ thấy Sasha Shaposhnikov những năm nhà ta ở Paris. Nhưng mẹ chưa một lần mơ thấy con – dù mẹ thường nghĩ đến con, thậm chí vào những phút giờ cùng quẫn khủng khiếp nhất. Buổi sáng mẹ thức giấc và nhìn lên trần nhà, rồi mẹ nhớ ra bọn Đức đang ở trên đất chúng ta và mẹ chỉ là con hủi – và thế là như thể mẹ chưa hề thức dậy, mà chỉ vừa ngủ thiếp và bắt đầu mơ.
Được vài phút thì mẹ nghe Alya cãi cọ với Lyuba về chuyện đến lượt ai ra giếng. Rồi mẹ nghe người ta nói về chuyện, trong đêm, bọn Đức đập vỡ sọ một ông cụ nào đấy ở phố bên.
Một cô gái mẹ quen ghé nhà, một sinh viên ở trường sư phạm kỹ thuật, mời mẹ đi khám bệnh. Hóa ra cô ấy đang giấu một trung úy bị thương ở vai và bị bỏng một bên mắt. Một chàng trai trẻ dễ thương, hốc hác, có giọng vùng Volga rất nặng. Ban đêm cậu ta bò qua dây thép gai và tìm chỗ trú ẩn trong ghetto. Mắt cậu ta không bị thương nặng nên mẹ có thể kiểm tra chỗ mưng mủ. Cậu ta kể nhiều về các trận đánh khác nhau và quân ta buộc phải tháo chạy. Cậu ta làm mẹ khá nản lòng. Cậu ta muốn bình phục rồi lén băng qua tiền tuyến Đức. Vài thanh niên định bụng theo cậu ta, một trong số đấy là học trò cũ của mẹ. Ôi Vityenka, giá mẹ cũng được đi cùng họ. Mẹ thực vui khi giúp được cậu thanh niên ấy – mẹ cảm thấy như thể mẹ cũng đang góp phần trong cuộc chiến chống phát xít.
Mọi người mang đến cho cậu ta ít bánh mì, đậu và khoai, và một bà cụ đã đan cho cậu ta đôi tất len.
Một ngày có bao nhiêu là sự kiện. Hôm qua Alya xoay sở, nhờ một người bạn Nga, lấy được hộ chiếu của một cô gái Nga chết trong bệnh viện. Tối nay con bé sẽ rời khỏi đây. Rồi hôm nay bọn mẹ nghe được, từ một nông dân quen lái xe ngang hàng rào ghetto, rằng đám người Do Thái được đưa đi đào khoai đang đào những mương sâu cách thị trấn bốn dặm, gần sân bay, trên đường đến Romanovka. Hãy nhớ cái tên ấy, Vitya ạ – đấy là nơi con sẽ tìm thấy nấm mồ tập thể chôn mẹ.
Thậm chí Sperling cũng hiểu. Ông ấy xanh mét cả ngày, môi run run và ông ấy cứ hỏi lẩn thẩn: “Có cơ may nào các chuyên gia được tha mạng không?” Thực ra mẹ có nghe rằng ở vài nơi những thợ may, thợ giày và bác sĩ giỏi nhất được tha mạng.
Dù thế mặc lòng, cũng tối ấy, Sperling gọi ông lão sửa lò đến xây một tủ bí mật vào tường để cất bột mì và muối. Yura và mẹ đang đọc Những lá thư từ cối xay gió. Con còn nhớ mẹ con mình từng đọc to câu chuyện mẹ yêu thích, “Hai ông bà cụ”, mẹ con mình nhìn nhau cười ồ, mỗi người đều rưng rưng nước mắt? Sau đấy mẹ ra bài ngày mốt cho Yura. Nhưng mẹ đau lòng làm sao khi nhìn gương mặt nhỏ bé buồn bã của học trò, khi mẹ nhìn mấy ngón tay nó ghi lại trong vở bài tập số các đoạn ngữ pháp mẹ vừa giao.
Mà ở đây có biết bao đứa trẻ như thế! Trẻ con với những đôi mắt đẹp tuyệt và mái tóc đen xoăn – có lẽ là những nhà khoa học, nhà vật lý, giáo sư y khoa, nhạc sĩ, thậm chí những nhà thơ tương lai…
Buổi sáng mẹ nhìn chúng chạy đến trường, với vẻ nghiêm trang hoàn toàn không giống trẻ con, đôi mắt bi thảm, xoe tròn. Dù thỉnh thoảng chúng cũng cười, choảng nhau và nô đùa; lúc ấy, thay vì cảm thấy vui hơn, mẹ lại nghẹn thắt nỗi kinh hoàng.
Người ta bảo trẻ em là tương lai của chúng ta, nhưng làm sao ta có thể nói như thế về những đứa trẻ này? Chúng sẽ không trở thành nhạc sĩ, thợ sửa giày hay thợ may. Tối qua mẹ thấy rõ mồn một là cả thế giới ồn ã những ông bố râu quai nón hay lo lắng và những người bà hay than phiền, thường nướng bánh mật và hà này – cả một thế giới những tục lệ cưới hỏi, châm ngôn tục ngữ và ngày Sabbath này sẽ biến mất mãi mãi dưới mặt đất. Sau chiến tranh cuộc sống sẽ lại bắt đầu cựa quậy, nhưng bọn mẹ sẽ không còn ở đây, bọn mẹ đã tan biến – hệt như người Aztec từng biến mất.
Người nông dân đưa tin về những nấm mộ tập thể bảo rằng vợ ông khóc hồi đêm. Bà than van: “Họ may áo, họ đóng giày, họ sang sửa da thuộc, họ sửa đồng hồ, họ bán thuốc trong hiệu thuốc. Ta biết làm gì khi họ bị giết sạch?”
Mẹ cũng thấy rõ mồn một sẽ có người đi ngang những túp nhà đổ nát của bọn mẹ và bảo: “Có thời một số người Do Thái sống ở đây. Anh còn nhớ không? Một bác thợ sửa lò già tên Borukh. Những tối thứ Bảy bà vợ già ngồi trên ghế dài còn bọn trẻ chơi đùa xung quanh.” Rồi người khác bảo: “Cũng có một bác sĩ từng ngồi ở đấy, dưới cây lê già ấy – tôi không nhớ họ bà ta nhưng tôi từng đến để bà chữa mắt. Xong việc bà ta thường lấy ghế mây ra ngồi với một cuốn sách.” Phải, Vitya, nó sẽ diễn ra như thế.
Như thể một cái mùi ghê rợn nào đấy vừa thổi qua mặt mọi người và ai cũng biết rằng ngày tận đang đến gần.
Vityenka, mẹ muốn kể với con… không, không phải chuyện ấy.
Vityenka, mẹ đang viết nốt lá thư này và sẽ cầm đến chỗ hàng rào ghetto giao cho bạn mẹ. Ngừng bút thật chẳng dễ. Đấy là cuộc nói chuyện sau cuối của mẹ với con. Một khi mẹ gửi đi rồi, mẹ sẽ rời xa con mãi mãi và con sẽ không bao giờ biết những giờ phút cuối của mẹ. Đây là lần vĩnh biệt của mẹ con ta. Mẹ biết nói gì với con khi giã từ, vĩnh biệt? Những ngày cuối này, cũng như suốt cuộc đời mẹ, con là niềm vui của mẹ. Đêm lại mẹ nhớ con, quần áo con mặc ngày còn bé, những cuốn sách đầu tiên của con. Mẹ nhớ lá thư đầu tiên con viết, ngày đầu con đi học. Mẹ nhớ tất cả, mọi thứ từ những ngày đầu đời con cho đến tin tức sau cùng mẹ nghe từ con, bức điện tín mẹ nhận ngày 30 tháng Sáu. Mẹ nhắm mắt lại mà hình dung con đang che chở mẹ, con yêu quý của mẹ, trước nỗi kinh hoàng đang đến gần. Thế rồi mẹ nhớ những gì đang diễn ra ở đây và thấy mừng vì con ở xa mẹ – và số phận tàn khốc này sẽ không phạm đến con!
Vitya, mẹ vẫn luôn đơn độc. Mẹ đã khóc đau đớn suốt bao đêm đơn độc. Niềm an ủi của mẹ là nghĩ một ngày nào sẽ kể con nghe về đời mẹ. Nói con nghe vì sao bố mẹ chia tay, vì sao mẹ sống một mình suốt bao năm như thế. Và mẹ thường nghĩ Vitya của mẹ sẽ ngạc nhiên thế nào khi biết chuyện mẹ phạm sai lầm, điên loạn, trở nên đố kỵ, khiến người khác đố kỵ, mà những người trẻ vẫn luôn như thế. Nhưng số phận của mẹ là chết đơn độc, không bao giờ được chia sẻ với con. Thỉnh thoảng mẹ nghĩ lẽ ra mẹ không nên sống xa con, rằng mẹ yêu con quá đỗi, rằng tình yêu cho mẹ quyền được ở bên con khi về già. Rồi lúc khác mẹ lại nghĩ mẹ không nên sống cùng con, rằng mẹ yêu con quá đỗi.
Thôi, enfin… Hãy luôn hạnh phúc với những người con yêu, những người quanh con, những người đã trở nên gần gũi với con hơn mẹ. Tha thứ cho mẹ.
Mẹ còn nghe tiếng phụ nữ khóc trên phố, công an chửi rủa; khi mẹ nhìn những trang giấy này, chúng như bảo vệ mẹ trước một thế giới kinh hoàng đầy khổ đau.
Mẹ kết thư thế nào đây? Mẹ biết tìm đâu sức mạnh, con trai? Những lời này có đủ sức diễn tả tình yêu mẹ dành cho con không? Mẹ hôn con, mắt con, trán con, tóc con.
Hãy nhớ rằng tình yêu của mẹ luôn ở bên con, trong buồn đau và trong hạnh phúc, không kẻ nào đủ sức hủy diệt nó.
Vityenka… Đây là dòng cuối trong bức thư cuối mẹ viết cho con. Hãy sống, sống, sống mãi… Mẹ.
Thiên Nga dịch
Trân trọng cảm ơn Nhã Nam đã đồng ý cho Zzz Blog đăng đoạn trích này.
[1]Dân Do Thái chết đi! (ND).
[2] Một tổ chức phản động, bài Do Thái, theo chủ nghĩa sô vanh được thành lập vào tháng Ba năm 1908.
Chấm sao chút:
Đã có 3 người chấm, trung bình 5 sao.
Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3