Thời gian đọc: 19 phút

Mircea Cărtărescu là nhà văn đương đại hàng đầu của Rumani. Trước khi viết tiểu thuyết và truyện ngắn, Cărtărescu đã là một nhà thơ tiếng tăm ở quê nhà. Văn xuôi của ông nổi tiếng với phong cách nửa tự truyện, nửa hậu hiện đại với nhiều chất liệu huyền ảo. Orbitor (Blinding hay Loá) là bộ tam được viết theo cấu trúc của một thân bướm với cuốn đầu mang tên Cánh Trái, cuốn giữa là Thân và cuốn cuối là Cánh phải, kể lại cuộc đời của nhân vật chính, một thanh niên nửa người nửa bướm kể từ thời thơ ấu những năm 50 cho đến khi Chế độ Cộng Sản sụp đổ ở Rumani cuối thập niên 80 – với tham vọng ẩn dụ cho thế giới kể từ Khởi nguyên cho tới Tận thế. Những nhân vật trong văn của ông luôn hiện ra trong bóng dáng thần thoại, ngay cả quê hương Burcharest – theo chính lời Cărtărescu – cũng không là còn một địa danh hiện thực mà đã được phóng chiếu trong lớp sọ não của ông thông qua 5(+n) giác quan để thành một mê cung đa tầng với vô số khả năng chờ đợi được khám phá.

Cánh trái

Trước khi người ta xây những toà chung cư bên kia đường, trước khi mọi thứ bị chắn mất và trở nên ngột ngạt, tôi từng nhìn ngắm Burcharest thâu đêm qua khung cửa sổ ba cánh của mình phía bên trên khu Ştefan cel Mare. Cái cửa sổ thường hay phản chiếu đồ nội thất tuềnh toàng trong phòng tôi – một buồng ngủ với đồ gỗ ngả vàng, một tủ gắn gương, cái bàn để mấy chậu gốm trồng ít lô hội và măng tây, một đèn chùm với những quả cầu thuỷ tinh xanh lục, một trong số đó đã sứt mẻ từ lâu. Không gian vàng vọt được phản chiếu càng vàng vọt hơn khi nó hoà sâu vào khung cửa sổ lớn, và tôi, một thanh niên ốm yếu trong bộ đồ ngủ tơi tả cùng chiếc vét dão, sẽ dành cả buổi chiều dài đọng trong ô tủ khung giường, nhìn ngắm như bị thôi miên vào đôi mắt của ảnh chiếu chính mình trên tấm kính trong. Tôi gác bàn chân lên máy sưởi ngay dưới cửa sổ, vào mùa đông lòng bàn chân sẽ bỏng rát, gây cho tôi một cảm giác hoà trộn tế vi mà tinh quái giữa khoái cảm và thống khổ. Tôi nhìn chính mình trong tấm kính vàng, dưới bóng ma nhân ba của chiếc đèn chùm, mặt gầy như lưỡi dao cạo, đôi mắt nặng nề trong những vòng tròn thẫm tím. Dải ria mép càng làm nổi rõ sự bất đối xứng của khuôn miệng hay nói rõ hơn, ấy là sự bất đối xứng của cả gương mặt tôi. Nếu bạn chụp ảnh mặt tôi rồi che phần bên trái, bạn sẽ thấy một chàng trai trẻ phóng khoáng, ưa phiêu lưu, có thể xem là đẹp. Thế mà nửa mặt còn lại sẽ khiến bạn sốc và sợ hãi đấy: một con mắt chết cùng một khuôn miệng bi thương, vẻ tuyệt vọng lan khắp gò má như mụn.

 

Chỉ khi tắt đèn, tôi mới cảm thấy là chính mình. Lúc ấy, ánh sáng từ mấy chiếc tàu điện lanh canh chạy dọc những con đường năm tầng phía dưới sẽ hắt qua những bức tường thành những dải lân quang lục lam. Bỗng nhiên tôi nhận thấy tiếng ầm ào của giao thông, của nỗi cô đơn, cái nỗi buồn bất tận là cuộc đời mình. Khi tôi gạt công tắc sau tủ, căn phòng hoá thành một thuỷ cung xanh xao. Tôi lướt đi như một con cá già nua giữa những món nội thất mục rữa nồng nặc như mùi cặn dư dưới đáy khe. Tôi bước qua tấm thảm đay cứng còng dưới chân đi về phía hốc tủ khung giường, nơi tôi lại ngồi xuống rồi đặt chân lên máy sưởi, và Bucharest bung nở bên ngoài lớp kính xanh âm ám. Thành phố là một bức tam liên hoạ của đêm, ánh lên như thuỷ tinh, miên man, bất khả cạn kiệt. Phía dưới, tôi trông thấy một đoạn đường với những cột đèn nom như các cây thập tự bằng kim loại đang chăng giữ cáp tàu điện và những bóng đèn hồng hoa, những cây cột mà đông đến vẫn đọng hết đợt tuyết này đến đợt tuyết khác, dữ dội hay dịu êm, lơ thơ như trong hoạt hoạ hay dày như lông thú. Suốt mùa hè, để giết thời giờ, tôi mường tượng ra trên mỗi cây cột sắp thành hàng dài dằng dặc như thế là một thân người bị đóng đinh câu rút với vòng miện mão gai đội đầu. Những thân thể xương xẩu tóc dài, quanh hông quấn khăn ướt. Đôi mắt đẫm lệ của họ dõi theo từng dòng xe cộ băng qua những con đường đá. Hai ba đứa trẻ la cà đêm muộn đang dừng lại ngắm nhìn vị Chúa cứu thế gần nhất, khuôn mặt tam giác của chúng hướng về phía mặt trăng.

 

Bên kia đường là tiệm bánh nhà nước, vài ngôi nhà có khoảng sân nhỏ, một ki-ốt tròn bán thuốc lá, một tiệm chuyên đóng chai nước khoáng xenxe cùng một tiệm tạp hoá. Có thể vì lần đầu tiên tôi tự mình băng qua đường là để mua bánh mì nên tôi hay mơ về toà nhà ấy. Trong giấc mơ tôi, nó không còn là chỗ ẩm thấp tồi tàn, lúc nào cũng tăm tối, nơi một bà già bận áo choàng trắng nhồi thứ bánh mì ngửi mùi hay nhìn đều giống y như chuột, mà đã trở thành một chốn kỳ bí ngự trên đỉnh một cầu thang, rất dài và rất khó leo. Bóng đèn yếu ớt treo mình trên hai sợi dây trần cũng phần nào tạo nên nét bí ẩn. Người đàn bà giờ đây trẻ và đẹp, đống khay bánh mì giờ chất cao như một gã khổng lồ một mắt. Chính người đàn bà cũng cao, tôi đếm những đồng xu lách cách trong tay dưới ánh sáng ảo huyền, thế rồi tôi lẫn và bắt đầu khóc vì không biết có đem đủ không nữa. Xa hơn trên đường là Nenea Căţelu, một lão già biếng nhác ti tiện có mảnh sân trông chẳng khác gì bãi chiến trường, một lô đất tồi tàn ngập ngụa rác rến. Lão và vợ lão hay tha thẩn khắp chốn, đi ra đi vào căn chòi đắp đầy những mảnh cạc tông phết hắc ín, vấp phải con chó xương khô mà vì nó họ mới có cái tên của mình. Nhìn về phía Dinamo, tôi chỉ trông thấy một góc tiệm tạp hoá. Bên khu rạp xiếc là siêu thị và quầy báo. Chính nơi đây, trong mộng mị của tôi, những hang động khởi nguồn. Tay cầm giỏ sắt, tôi tha thẩn băng qua những dãy kệ bày mứt và món sherbet, khăn giấy và những túi đường (ẩn trong vài kệ là những hộp thiếc nhỏ màu xanh hay cam hay sao ấy, mấy đứa nhỏ nói thế). Tôi bước qua một cánh cửa đung đưa để tiến vào một phân khu khác của cửa hàng, một khu vực chưa từng hiện hữu, thế là tôi thấy mình đang ở ngoài trời, dưới những vì sao, tay hẵng còn cầm chiếc giỏ chứa đầy những hộp những lọ chai. Tôi đã ở phía sau các khối nhà, giữa hàng đống sọt thưa làm bằng ván vỡ, trước mắt tôi là một chiếc bàn màu trắng nơi người ta bán phó mát. Nhưng giờ đây, không chỉ có duy nhất một cánh cửa như trong thực tại – mà có cả một dãy mười cánh với những cửa sổ nằm xen giữa, sáng rực đèn từ mấy căn phòng của các nhà tầng hầm. Qua mỗi ô cửa sổ, tôi trông thấy một chiếc giường cao rất lạ thường và trên mỗi giường là một nàng thiếu nữ đang say ngủ, tóc nàng xoã trên gối, khuôn ngực nhỏ nhắn để trần. Giữa một giấc mơ như thế, tôi mở cánh cửa gần nhất rồi leo xuống chiếc cầu thang xoắn ốc có một hốc tường sáng ánh đèn điện ở dưới chân. Cầu thang ăn sâu vào đất, và trong hốc tường ấy có một nàng búp bê đang chờ tôi, tóc nàng xoăn và nàng nhu mì. Cho dẫu khi mơ giấc mơ này tôi đã lớn, tôi vẫn chẳng có được Silvia, và nỗi hân hoan lòng tôi lịm đi trong nùi rối ren trừu tượng của những ngôn từ và cử chỉ. Chúng tôi tay nắm tay rời đi, băng qua con đường tuyết, tôi thấy tóc nàng xanh trong ánh sáng từ cửa sổ hiệu thuốc và một nhà hàng có tên Hora, rồi chúng tôi cùng nhau chờ tàu điện trong khi hoa tuyết rớt đọng đầy gương mặt. Tàu tới, tàu không có vách, chỉ là một khung gầm cùng vài ghế gỗ, rồi thì Silvia bước lên và cứ thế lạc vào một phần của thành phố mà mãi về sau tôi mới tìm lại được, trong những cơn mơ khác.

 

Sau dãy toà nhà đầu tiên là nhiều dãy khác, bên trên chúng là những vì sao. Có một ngôi nhà to với cửa chớp đỏ, rồi một ngôi nhà hồng trông như một toà lâu đài bé. Có những toà chung cư thấp với vách tường bện đầy thường xuân, kiểu nhà có cửa sổ tròn và khung vuông xây giữa những cuộc chiến tranh, những món trang trí theo phái Tân Nghệ thuật để đầy lối cầu thang, rồi là những toà tháp rùng rợn. Mọi thứ như thể lạc trôi đi giữa những phiến lá dương thẫm đen và những cây dẻ đương làm cho bầu trời như sâu và tối hơn về hướng những vì sao. Trong những ô cửa sổ sáng đèn, cuộc sống trải mình ra phía trước mà mắt tôi lấy được vài phân mảnh: một phụ nữ đang là quần áo, một người đàn ông mặc áo trắng trên tầng ba cứ tha thẩn vẩn vơ, hai người đàn bà ngồi trên ghế liên thiên trò chuyện. Chỉ ba hay bốn ô cửa là khiến tôi thấy hứng thú.

 

Những đêm hầm hập cơn sốt hứng tình, tôi ngồi trong bóng tối ô cửa sổ cho tới khi mọi tia sáng đều tắt hết và chẳng còn chi để nhìn ngắm, chỉ mong sao lại nháng thấy những vú trần những gò má những vùng âm đạo, những người đàn ông vật vật đàn bà lên giường hay lôi họ ra cửa sổ rồi vào trong họ từ phía sau. Thường thì rèm sẽ được kéo, thế rồi tôi căng người, nheo mắt cố diễn giải những cử động trừu tượng đứt đoạn nhấp nhoáng trong luồng sáng không khoan nhượng. Tôi sẽ thấy nào hông nào bắp đùi trong vạn vật cho tới lúc mắt tôi hoa lên còn tinh khí thì rỏ giọt bên trong bộ đồ ngủ. Chỉ khi ấy tôi mới trở về giường để mơ đến cảnh mình bước vào những căn phòng ngoại quốc rồi miên mải dự phần vào những phen thao diễn ái tình cầu kỳ…

 

Qua dãy nhà thứ hai, thành phố duỗi mình đến tận chân trời, phủ phân nửa ô cửa sổ bằng một mớ hỗn độn lờ nhờ, càng lúc càng tí hon, tả pín lù những kiến trúc và thực vật, lác đác vươn cao là đám cây cối cùng tháp chuông và những mái vòm kỳ khôi đổ cung giữa mây trời. Tôi nhận ra cái bóng hình chữ chi của trung tâm mua sắm phố Victoria (một lần khi tôi còn bé, mẹ đã chỉ cái toà nhà in bóng lên bầu trời sau bão ấy cho tôi), rồi là vài toà nhà cao cao dưới phố, những công trình vài chục năm tuổi được xây giống như kim tự tháp ziggurat, treo đầy những biển hiệu đèn huỳnh quang lục lam hồng biết chớp tắt theo những nhịp điệu riêng. Xa hơn, nơi chân trời, chỉ còn khoảng sao đêm mỗi lúc một dày đặc, chân trời trông xa tựa một lưỡi dao bằng vàng phai. Ngự giữa vòng miện tinh tú như một hạt châu ngọc, Bucharest về đêm lấp đầy ô cửa của tôi, chảy tràn vào trong rồi tiếm lấy thân thể cùng tâm trí tôi sâu đậm đến độ bản thân tôi, vốn hẵng còn trai trẻ, bắt đầu mường tượng xác thân mình là một toan dệt của thịt, đá, dịch não tuỷ, những thanh dầm chữ I và nước tiểu, được nâng đỡ bởi các đốt xương sống và cột bê tông, được châm sinh khí bởi các pho tượng và nỗi ám ảnh, được tiêu hoá qua ruột và những ống hơi nước, khiến cho cả thành phố và tôi trở thành một.

 

Sự thật là, khi ngồi cả đêm trên giường với đôi chân gác lên máy sưởi, không chỉ riêng tôi là ngắm thành phố, thành phố cũng quan sát tôi, nó cũng mơ tôi, cũng trở nên hứng thú bởi nó chỉ là một thế thân cho bóng ma vàng vọt vẫn ở đấy nhìn trừng trừng đáp trả từ cửa sổ khi đèn sáng trở lại. Trước khi ấn tượng này phai mờ thì tôi đã hơn hai mươi tuổi đầu. Tới lúc ấy người ta đã đổ móng toà nhà đối diện nhà chúng tôi, họ quyết định mở rộng con đường, lát lại vỉa hè, xoá sổ xưởng bánh mì, tiệm nước khoáng xenxe cùng các ki-ốt rồi xây dọc theo đó một dãy các toà chung cư còn cao hơn nhà chúng tôi. Mùa đông nhiều gió, bầu trời trắng và trong sau một trận tuyết lớn. Thỉnh thoảng tôi nhìn ra ngoài ô cửa. Bằng chiếc lưỡi ủi đầy răng của mình, một máy ủi đã đánh sập toà nhà nơi một ả đàn bà vô sỉ từng ở, người chưa lần nào xuất hiện trần truồng trước mắt tôi. Nội thất nhà ả ta giờ đây lù lù phía trước là đống tàn tích trơ trọi, có tuyết phủ trông lại càng thê thiết. Bucharest đã mất đi một quả thận, bị lấy mất một tuyến trong cơ thể, có vẻ là một tuyến thiết yếu. Chừng như bên dưới lớp da của thành phố, dưới một vết thương, là những hang động, và lẽ nào mà ả nội trợ dâm dật chưa từng để lộ thân thể cho tôi thấy ấy (do ác ý chăng?) bằng cách nào đó lại là trung tâm, là tử cung của đời sống ngầm này? Giờ đây lớp nướu của thành phố rớt vụn lả tả như thạch cao. Sớm thôi, phía ấy của con đường sẽ thành một cái miệng đầy răng sâu, chân răng ố vàng và răng kim loại thì rỉ hoèn. Mùi tuyết thật tuyệt khi tôi mở cánh cửa ướt mỏng rồi thò mái đầu húi cua ra ngoài, tai và cổ lạnh tê, trông theo hơi nước bị hút ra ngoài – nhưng ngoài mùi thơm sạch của áo quần đông cứng trên dây phơi, tôi còn ngửi thấy mùi thối rữa của sự huỷ diệt. Và nếu quả là các bán cầu não phát triển từ chính hành khứu giác xa xưa, thế thì mùi xú uế, cái hơi thở say mèm siêu hình, mùi hôi nách thời gian, mùi giẻ chua loét khi đạt mê ly, khí hơi của cơn điên dại cải xoong, rất có thể chính là những tư duy uyên thâm nhất của chúng ta.

 

Vào mùa xuân, móng nhà được đào, ống nước thải lan ra khắp nền đất sét như ghẻ, mớ dây cáp đen hồng được tháo ra từ các lõi gỗ to, cuộn nào cuộn nấy cao hơn đầu người, những khung xương bê tông vươn lên, che khuất từng mảnh của Bucharest, ngăn tiếng cây cối xào xạc cũng như chắn hết các tiền sảnh, tượng quái thú, các mái vòm và các khoảng sân thượng xây chồng trên nhau của thành phố. Những hình thù hỗn độn nghiêng ngả của gỗ và gang, những giàn giáo công nhân trèo lên, những chiếc máy trộn hồ làm xộc lên từng làn khói bụi, rồi cả những cột điện bê tông mới thay thế cho những cây thập tự kim loại đã hoen gỉ, cả thảy trông như những cấu phần lồ lộ của một âm mưu nhằm chia cắt tôi khỏi Bucharest, khỏi bản thân tôi nữa, khỏi mười lăm năm ngồi trên giường chân gác máy sưởi, kéo rèm nhìn ngắm những khung trời bao la của thành phố. Một phần tâm trí tôi tắt ngóm, một bức tường mọc lên, bức tường ngăn không cho tôi tiếp cận những gì nhãn quang tôi phóng chiếu thành những hình vuông hay khối lập phương – những đen-xanh và vàng-xanh, vầng trăng mỏng như lá lúa đổ bóng trên mọi cửa sổ.

 

Khi tôi lên bảy hay tám, cứ chiều chiều cha mẹ lại bắt tôi ngủ một giấc. Vì cái tủ nằm đối diện với giường nên tôi hay ngắm bóng mình ánh lên mặt tủ, từng phút đồng hồ trôi qua, đứa nhỏ có đôi mắt đen nằm đổ mồ hôi dưới tấm trải giường và chẳng ngủ nổi dù chỉ một giây. Khi bóng mặt trời trên lớp vecni bắt đầu làm tôi loá mắt, khiến tôi trông thấy những đốm tím, tôi xoay mặt vào tường để rà mắt theo từng bông hoa và phiến lá nâu màu gỉ sắt vốn là hoa văn phía tủ hộc giường được bọc vải. Trong mê cung hoa lá ấy, tôi tìm ra những nét đối xứng nhỏ, các hoa văn bất ngờ, đầu của động vật và bóng dáng con người, bằng những hình thù ấy tôi tạo nên câu chuyện mà tôi sẽ tiếp tục trong những giấc mơ. Thế nhưng giấc ngủ chẳng tới bao giờ, nhiều ánh sáng quá, rồi một tháng Mười nọ, chính ánh sáng này đã dụ tôi giỡn mặt với lửa: đầu tiên tôi chăm chú nghe những âm thanh từ phòng cha mẹ rồi tôi chuồi ra khỏi giường và rón rén bước tới ô cửa sổ. Thành phố bụi bặm và xa xăm, những con đường cong dạt về bên trái nên tôi có thể trông thấy các căn hộ bên phía chúng tôi, phía Lezeanu và Obor. Xa xa, tôi trông thấy ngọn tháp canh hoả hoạn cũ, phía sau nó là cột gia nhiệt đô thị có những ống hình parabol nhả ra làn khói bất động. Những cái cây nom thẳng tắp hay tựa những vòm cung Gothic, thế nhưng những cây ở gần nhất lại phản bội ấn tượng ban đầu của chúng: cành cây run rẩy, những chiếc lá mới trổ không thẳng thớm mà xoắn xuýt như một bím tóc mới tháo. Tôi tì trán lên cửa sổ, liêng biêng trong cơn mất ngủ, chờ đến năm giờ, song thời gian dường như đã ngừng trôi, và rồi cái viễn cảnh đáng sợ khi cha tôi xộc qua cửa – mớ tóc sẫm màu được ông dùng chiếc tất buộc trên đỉnh đầu nom giống một chiếc mũ fez rồi thả xuống như cái đuôi quạ dày – cứ thế xâm chiếm đầu óc tôi.

 

Có lần, trong những phút giây thó trộm từ giấc ngủ bị ép ấy, tôi được chiêm ngưỡng cảnh tượng tuyệt mỹ nhất trên đời. Đó là sau một cơn bão mùa hè và sét đánh toả nhánh trên bầu trời bỗng chốc tối đen, tối tới độ tôi không nói được là trong phòng mình hay ngoài kia mới tối hơn, mưa rào rào, những sợi mưa song song được bọc trong một màn hạt nước mịn lãng đãng bắn tứ bề. Khi cơn mưa tạnh, ánh nắng hiển lộ giữa bầu trời đen và thành phố ướt át xám, cứ như thể có hai bàn tay dịu dàng vô tận đang ấp lấy luồng sáng vàng trong suốt tinh nguyên đang dát lên những bề mặt kia, tô cho chúng sắc nghệ vàng và cam, nhuốm không trung trong ánh nhũ vàng, toả rạng như một lăng kính. Mây chầm chậm dạt đi và nhiều ánh vàng tinh luyện như thế xiên xiên đổ xuống, lan qua luồng sáng ban đầu, càng làm cho nó rỡ ràng kỳ diệu mà cũng dữ dội hơn. Ánh sáng trải khắp những ngọn đồi, cho những toà tháp Metropolitan sắc màu của thuỷ ngân, tất thảy cửa sổ rực cháy như ngọn diêm hoả đội một quầng cầu vồng, Bucharest hoạ mình lên khung cửa sổ tam liên, nơi xương quai xanh của tôi vừa chạm phải.

 

Màn thiên khải mà tôi thấy sẽ bị nạo bỏ, và bên trên, được viết bằng những ký tự uy nghiêm là một hiệu lệnh nặng trịch như tấm màn trướng. Nhưng giờ đây, khi đã ở lưng chừng cung đời, đã đọc mọi quyển sách, kể cả những quyển xăm trên mặt trăng và trên da thịt tôi, cả những quyển được xăm bằng mũi kim nơi khoé mắt, khi đã ngắm nhìn và nếm trải đủ, khi đã bài bản triệt tiêu ngũ giác, khi đã yêu và hận, khi đã dựng nên những pho tượng đồng bất tử, khi tai tôi đã mọc đủ dài chờ đợi vị Chúa Con của chúng ta mà trong suốt một quãng thời gian dài không hiểu rằng mình chỉ là một con mạt đào lối đi dưới làn da ánh sáng cổ xưa của Người, khi các thiên thần cát cứ trong đầu như vi khuẩn đơn cầu, khi mà tất cả sự ngọt ngào của thế gian đã cạn kiệt và khi mà tháng Tư, tháng Năm cùng tháng Sáu đã tiêu tan – ngày hôm nay, khi da bong rơi bên dưới vòng hào quang của mình tựa nghìn lớp giấy vỏ hành, ngày ngu ngơ vui vầy là hôm nay ấy, tôi cố gắng điều nghiên về chứng bệnh của mình. Tôi cố đọc dòng ký tự chữ Rune là những cửa sổ và ban công đầy đồ giặt hẵng còn ướt, dãy căn hộ đã bổ đời tôi làm đôi phía bên kia đường, như con ốc anh vũ bít kín lại ngăn cũ trong vỏ để chuyển sang những ngăn rộng hơn khi nó dần lớn, nhích dần trong cái xoắn ốc xà cừ tượng trưng cho cuộc đời nó. Nhưng dòng chữ này không còn tính người và tôi chẳng hiểu nổi nữa. Thứ còn lại trong tôi – sự ra đời, tuổi thơ ấu, thời thiếu niên – rỉ ra qua những lỗ chân lông của bức tường rộng lớn thành những vệt dài bí ẩn, bị biến dạng, tiệm biến và rút phối cảnh, bị khuếch tán và nhiễu xạ, hằng hà sa số, qua đó mà tôi đến được gian phòng nhỏ mà thỉnh thoảng tôi hay trở về. Hạt trai rồi lại hạt trai, màu lam chồng màu lam chồng màu lam, mỗi thời kỳ và mỗi ngôi nhà tôi từng sống sẽ lọc lại mọi sự xảy ra trước đấy (trừ khi tất thảy chỉ là một ảo ảnh của hư vô), hoà trộn tất cả, khiến cho những dải băng là cuộc đời tôi trở nên hẹp và hỗn tạp hơn. Ta không thể miêu tả quá khứ bằng cách viết về những thứ xưa cũ mà phải viết về vùng sương mờ nằm ở giữa bản thân ta và quá khứ. Tôi thì viết về cách bộ não hiện tại của mình bao trùm lên những bộ não xưa ở trong những hộp sọ nhỏ hơn và nhỏ hơn nữa, về xương, sụn và những lớp màng… về mối bất hoà và căng thẳng giữa tâm trí tôi hiện tại và tâm trí tôi một khắc trước, mười năm trước… những tương tác của chúng khi chúng lẫn lộn hình ảnh và cảm xúc của nhau. Ký ức của ta thật quá đỗi có thiên hướng ái tử thi! Quá đỗi cái niềm mê hoặc dành cho lụi tàn và thối rữa. Hệt một nhà bệnh học pháp y săm soi đống nội tạng hoá lỏng.

 

Để mà diễn giải bản thân tôi ở từng thời kỳ, với quá nhiều tiền kiếp đã đi qua thì cũng giống như nói về một dãy xác chết dài liền mạch, một đường hầm tử thi nằm chết tiếp nối nhau. Một khắc trước, cái thân xác từng ngồi đây viết những chữ “chết tiếp nối nhau”, gương mặt phản chiếu trong tách cà phê đen, bỗng ngã vật ra khỏi chiếc ghế đẩu. Làn da ông ta vụn vỡ tróc rơi để lộ xương mặt, cầu mắt lăn lông lốc khóc huyết lệ thẫm đen. Một khắc sau, người sẽ viết mấy chữ “người sẽ viết” rồi sẽ thành kẻ tiếp theo ngã gục vào bụi tro của người đi trước. Làm thế nào ta vào được lăng mộ này nhỉ? Rồi sao ta phải vào? Rồi chiếc mặt nạ the nào, găng tay bác sĩ nào sẽ bảo vệ ta khỏi chứng nhiễm trùng thoát thai từ ký ức?

 

Nhiều năm sau, khi nghe nhạc hay đọc thơ, tôi thường cảm thấy ngất ngây, một điểm khựng chính xác ở não bộ, dâng lên là một thứ chất lỏng bỏng rát chóng bay hơi, một ô cửa sổ đột ngột mở, chẳng phải hướng ra bên ngoài mà vào một chốn nọ được não bao quanh, thứ gì đấy sâu thẳm và khôn kham, hồng ân tuôn trào. Tôi đã tìm được đường vào, đã có quyền bước vào căn phòng cấm nhờ thơ và nhạc (hay một ý nghĩ đơn độc hoặc một hình ảnh xuất hiện trong tâm trí, hay là – rất lâu về sau khi đang về nhà từ trường trung học, chân giậm những ổ gà dọc lối xe chạy – nhờ một tia phản chiếu trên cửa sổ, hương thơm của một người đàn bà). Tôi dấn bước vào bài thơ hỷ, để hạch hạnh nhân tưới đẫm châu thân, tôi cuộn mình trong chiếc bóng hư tưởng nối dài từ vòng quang vàng ở trung tâm trí não. Thiên khải huyền này giống như một tiếng khóc lặng im của niềm hạnh phúc. Nó chẳng giống một cơn cực khoái tí nào ngoài cái kiểu dữ dội từng hồi, nó ca khen sự thanh bình, tình yêu, lòng quy phục, buông xuôi và sùng ái. Có những quãng nghỉ, những đứt đoạn dẫn đến bể nguồn sinh quang từ tận cùng sâu thẳm của tồn tại, những sự phân tách xoáy tròn trong giới hạn nội tại của tư duy, biến nó thành một thiên đường tinh tú, bởi vì chúng ta đều sở hữu thiên đường này trong hộp sọ và qua đó nữa là tiềm thức. Thường thường, cho dẫu cú xuất tinh nội tại này không thể đạt đến tuyệt đích mà chỉ lưng chừng đến được tiền phòng, hay tiền phòng của tiền phòng, nơi nó khuấy đảo các hình ảnh lập loè rồi sẽ bị dập tắt đi trong nháy mắt, để lại niềm tiếc nuối và nỗi hoài niệm vương vấn trong tôi đến hết ngày. Những bài thơ, ôi những cỗ máy soi sáng ấy làm tôi sa đoạ. Tôi dùng thơ như dùng thuốc phiện cho đến khi việc sống mà không có chúng trở nên bất khả. Tôi cũng đã bắt đầu, đâu đó một thời gian trước, viết thơ. Giữa nhiều dòng chữ duyên dáng, say mê và gây hấn, một cách vô thưởng vô phạt, tôi nhận ra tôi hay gom nhặt lắm đoạn dớ dẩn như thể mình được ai đó đọc cho chép. Đến khi tôi đọc lại, chúng khiến tôi hãi hùng như thấy một lời tiên tri. Trong ấy tôi nói về mẹ, về Chúa, về thời ấu thơ, nghe cứ như là mấy lời bên cốc bia ấy. Rồi đột nhiên tôi cất lên những thứ tiếng lạ bằng chất giọng mỏng mảnh của một đứa bé, một giọng nam thiến hay giọng của thiên thần. Trong thơ tôi mẹ hay bước xuống khu Ștefan cel Mare, cao hơn cả những toà chung cư, đá tung những xe tải và xe hơi, giẫm nát các ki-ốt kim loại dưới gót giày khổng lồ, cuốn phăng khách qua đường trong những bộ váy rẻ tiền của bà. Rồi bà sẽ dừng trước cửa sổ tam liên phòng tôi, cúi xuống để nhìn vào trong. Con mắt xanh khổng lồ cùng chân mày chau chau của bà choán hết cửa sổ, làm tôi kinh hoảng. Rồi thì mẹ sẽ đứng lên và hướng về phía tây, mái tóc thô xoắn sáng lân tinh huỷ diệt cả thảy các máy bay giao hàng và các vệ tinh trên bầu trời đỏ máu… Tôi huyền thoại hoá mẹ mình thế này là sao nhỉ? Chưa từng có thứ gì khiến tôi cảm thấy gần gũi với mẹ, chẳng có gì về mẹ khơi nên hứng thú nơi tôi. Bà là người đàn bà giặt quần áo cho tôi, rán khoai cho tôi ăn và bắt tôi học những buổi đại học mà tôi chỉ muốn cúp. Mamma, một sinh thể trung tính có vẻ ngoài trung tính, người đã sống một cuộc đời khiêm tốn chỉ toan việc nhà, là người sống trong ngôi nhà của bọn tôi nơi tôi là người lạ. Điều gì lý giải cho sự thiếu thốn tình cảm này trong gia đình chúng tôi? Cha tôi thì hay rày đây mai đó, mỗi khi về nhà, mặt đỏ lựng và toàn mùi mồ hôi mồ kê, ông hay buộc mái tóc dày như đuôi ngựa bằng một cái quần tất ngay trên đỉnh đầu, miệng tất trễ xoè xuống, một cái chân đen đong đưa giữa hai bả vai ông. Mẹ sẽ nấu cho cha bữa tối rồi cùng ông xem truyền hình, chỉ cho nhau những giọng ca đáng yêu hát nhạc dân gian hay các diễn viên trong chương trình tạp kỹ, cứ thế buôn chuyện mãi. Tôi ăn thật nhanh rồi rút về căn phòng hướng ra mặt đường (hai căn phòng kia nhìn về hướng lưng của toà nhà, ngay chỗ cối xay bột Dîmbovița âu sầu tường xây gạch đỏ) để ngắm quang cảnh ồn ào muôn vẻ của Bucharest qua cửa sổ hay là để viết vài bài thơ đứt đoạn trong cuốn tập kẻ ô, hay là cuộn mình bên dưới tấm chăn, kéo chăn qua đầu như thể tôi không chịu được sự tủi hổ ô nhục khi là trai mới lớn… Chúng tôi, gia đình tôi, là ba con côn trùng, chỉ quan tâm mỗi những vệt kích thích tố của riêng mình, thi thoảng chạm râu rồi lại bước mau. “Hôm nay con học ở trường thế nào?” “Ổn ạ.” “Đội Dinamo của con bị thua rồi, ngay trên sân nhà luôn đó.” “Thì sao nào, con ổn với bên Bách Khoa mà.” Rồi cứ thế lui về vỏ ốc và lại viết thêm những dòng thơ từ hư vô:

 

mẹ ơi, sức mạnh mộng mị là quà mẹ cho con

con sẽ dành trọn nhiều đêm bên mẹ mắt kề mắt

tay trong tay, con nghĩ rằng mình đã bắt đầu hiểu.

và quả tim mẹ sẽ lại đập cho cả hai ta

giữa xương sọ mẹ trong mờ như vỏ loài tôm

một dây rốn ảo ảnh hiện ra

nào thuật thôi miên nào khinh công nào ngoại cảm nào tình yêu

sẽ thành từng sắc màu trên những đoá hoa tay ta cầm.

cùng nhau

ta sẽ chơi một ván bài vĩnh cửu giữa hai phe:

sống, chết

khi những đám mây ánh lên trong tàn ngày, xa ngái.

Huy Nguyễn dịch

(Từ bản tiếng Anh Blinding của Sean Cotter)

Chấm sao chút:

Đã có 2 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Huy Nguyễn
Các bài viết khác

Rể trời.