Thời gian đọc: 16 phút

Mừng Ngày dịch thuật thế giới, Nhà Z đăng bản Tuyên ngôn dịch thuật năm 1969. Bản Tuyên ngôn dịch thuật năm 2023 sẽ được đăng vào tuần tới (hoặc là ngày này năm tới?). Xin cảm ơn Ủy bản dịch thuật P.E.N Mỹ đã đồng ý cho Nhà Z dịch đăng hai bản Tuyên ngôn này. Cảm ơn dịch giả Phạm Anh Minh đã dịch cả hai bản Tuyên ngôn. Và xin gửi lời cảm ơn và cái vỗ vai nồng ấm tới tất cả những người đã và đang làm công việc vất vả mà ít được ghi nhận mang tên: dịch.

 

Ủy ban Dịch thuật P.E.N. được thành lập vào mùa thu năm 1959 theo đề xuất của bà B. J. Chute, khi đó là Giám đốc Trung tâm P.E.N Mỹ.

Kể từ khi uỷ ban ra đời, các cuộc họp được tổ chức khá thường xuyên.

Hiện tại, Chủ tịch Ủy ban là ông Robert Payne và Phó Chủ tịch Uỷ ban là bà Frances Keene. Còn Giám đốc Trung tâm P.E.N Mỹ., Charles Bracelen Flood, là người đã rất tích cực tham gia vào các công tác của Ủy ban Dịch thuật.

TUYÊN NGÔN DỊCH THUẬT

Lời kêu gọi hành động. Đã đến lúc người dịch phải lộ diện và đồng lòng theo một lộ trình hành động chung.

Suốt bao lâu nay, người dịch đã là những đứa trẻ đi lạc trong khu rừng văn chương huyền hoặc. Tên tuổi thường không được nhắc đến, thù lao thấp kệch cỡm, và nghiệp vụ, dù có thuần thục đến mấy, cũng chỉ nhận lại được sự trân trọng nhuốm màu kẻ cả và thương hại vốn dành cho mấy cô rửa bát quét nhà.

Có một sự thật là, văn hóa của chúng ta, mà thực tế ra là tất cả các văn hóa, đều triệt để bắt nguồn từ dịch thuật, và người dịch chính là loại phương tiện chuyên dụng, nhưng không được thừa nhận, để tạo ra các nền văn minh. Nếu không có William Tyndale, chúng ta hẳn đã không thể có Kinh Thánh, không có Scott Moncrieff thì hẳn đã không có Proust, và chắc cũng đã không có Truyện kể Genji nếu không có Arthur Waley. Phần nhiều những hiểu biết chúng ta có được về quá khứ đều là nhờ thông qua dịch thuật, và chắn chắn trong tương lai, chúng ta sẽ còn tiếp tục dựa dẫm vào dịch thuật ở một cấp độ không hề nhỏ.

Sở dĩ chúng ta thừa kế được tất cả các nền văn hóa trong quá khứ chính là nhờ người dịch đã làm cho những nền văn hóa đó hiện hữu trong những ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng. Và khi không có người dịch, đứa trẻ bị lạc trong khu rừng văn chương huyền hoặc, tất cả chúng ta sẽ đều lạc lối.

Vậy mà nghịch lý là, việc người dịch bị gạt sang bên như thể họ chỉ là máy móc chuyển ngữ lão luyện đã là chuyện thường hơn cơm bữa. Vì người dịch thường nghèo, nên người ta hay đồ rằng người dịch sống trong cảnh nghèo mà kiêu hãnh; và tên của người dịch, nếu thực sự có được xuất hiện, cũng thường được in bằng chữ nhỏ cho phù hợp với cái tiếng là người khiêm tốn. Người điểm sách thì hiếm khi để ý đến sự tồn tại của người dịch. Còn nhà xuất bản, trong hoạt động quảng cáo, lại ít khi quan tâm đến người dịch. Thực trạng đó, đặt trong bối cảnh người điểm sách sẽ là người duy nhất thẩm định cho công chúng chất lượng của bản dịch và chỉ có nhà xuất bản mới có thể làm nổi bật tên tuổi của người dịch, tạo nên một thứ hiện thực tàn khốc: người dịch trở thành vô hình gần như toàn thời gian và chất lượng sản phẩm người dịch làm ra gần như không ai hay tỏ. Kết quả là, người dịch đã quá quen với chuyện thấy bản thân bị mắc kẹt trong một vùng đất tối tăm không một bóng người, nơi mà sự tồn tại của chính họ thậm chí còn khó phân biệt với những chiếc bóng vô hồn.

Ai mà lại biết tên người dịch? Ai mà thèm quan tâm tên người dịch? Nhưng tên người dịch xứng đáng được biết đến, và điều cần thiết phải làm là chúng ta cần quan tâm đến tên người dịch. Thật vô lý khi tên người dịch bị ném ra “xứ chuồng gà”, và họ không có quyền được phản kháng cũng như không được nhận những biệt đãi thông thường dành cho tác giả. Họ chính là giai cấp vô sản của văn chương, không có gì để mất ngoài xiềng xích.

Ấy vậy mà nhiệm vụ của người dịch thì ai cũng biết. Kể từ thời của những người dịch đầu tiên, nhiệm vụ tối thượng của họ đã là dịch trung thành với các tài liệu họ được đảm nhận. Họ biết rằng truyền tải chính xác nội dung của nguyên tác là chưa đủ: họ phải vận dụng tất cả khiếu tưởng tượng lẫn sự linh hoạt của bản thân để tạo ra các phiên bản dịch phản ánh được nhịp điệu, âm hưởng, cấu trúc và phong cách gốc. Ví dụ, một câu văn trong tiếng Nhật phải được người dịch kiên nhẫn phân tích, chia tách thành các phần riêng biệt, sau đó trau chuốt trước khi có thể được diễn đạt lại bằng tiếng Anh: và điều gì đã đúng khi áp dụng dịch với tiếng Nhật thì cũng đúng để áp dụng với tất cả các ngôn ngữ Đông Á khác, hay ở một mức độ thấp hơn với tất cả các ngôn ngữ châu Âu hiện đại. Do đó, dịch thuật là sự tái cấu trúc và tái tạo, một hoạt động sáng tạo vô cùng khó khăn và phức tạp. Một người dịch có thể mất hàng giờ liền để làm sáng tỏ và tái tạo lại chỉ một đoạn văn. Người dịch phải tìm ra cách mô phỏng lại nhịp điệu và cấu trúc của văn bản gốc, và viết theo phong cách có thể truyền tải được phong cách của bản gốc. Người dịch phải có kiến ​​thức sâu và rộng về cả hai ngôn ngữ đích và nguồn. Về phần tác giả của văn bản gốc, họ may mắn hơn người dịch bởi chỉ cần biết một ngôn ngữ.

Có một kịch bản lý tưởng, ta tìm đến những nhà văn xuất sắc nhất và yêu cầu họ chuyển ngữ tác phẩm; và mọi nhà văn giỏi, không lúc này thì lúc khác, nên dành thời gian chia sẻ gánh nặng dịch thuật. Như cách nhà thơ người Áo Rainer Maria Rilke đã dịch tác phẩm của hồn thơ Pháp Paul Valéry, thi sĩ nước Pháp Charles Baudelaire đã dịch tác phẩm của văn sĩ người Mỹ Edgar Allen Poe, hay tiểu thuyết gia người Nga Fyodor Dostoevsky đã dịch tác phẩm của tác gia Pháp Honoré de Balzac. Đáng tiếc là, những lần kết hợp hoan hỉ như vậy rất hiếm khi xảy ra. Còn chuyện rất thường khi diễn ra trong thời đại của chúng ta đó là, các tuyệt tác văn học được các nhà văn trình mà độ am hiểu kho tàng ngôn ngữ Anh còn nhiều hạn chế, chuyển ngữ; nhưng nhìn chung, trong các điều kiện phổ biến đương thời, chất lượng dịch thuật đã cao hơn ngưỡng chúng ta có quyền mong đợi. Ở một góc độ khác, việc nhà văn giỏi thường từ chối dịch rõ ràng là có lý do. Lợi ích thì nhỏ, công việc thì khó khăn; nên thay vì dịch, họ có phương án sử dụng thời gian tốt hơn để tăng thu nhập. Nhưng cho dẫu có là vậy đi nữa, chất lượng của các bản dịch vẫn được cải tiến hằng năm và ngày càng có nhiều người dịch tận tâm hơn trong công việc.

Khôi hài là, nhiệm vụ của một người dịch thì ai cũng biết, nhưng quyền lợi của người dịch thì chưa bao giờ được quy định cho thỏa đáng. Ủy ban Dịch thuật P.E.N. tin rằng đã đến lúc phải xem xét lại thực trạng này. Dự thảo về Quyền của Người dịch nhẽ phải có từ lâu, và Uỷ ban đề xuất triệu tập một Hội nghị về Dịch thuật để thảo luận các quyền này trong mùa xuân năm 1970.

Quyền của Người dịch. Trong số các chủ đề sẽ được thảo luận sẽ có những nội dung như sau:

(a) Người dịch có quyền tiếp tục nhận tiền tác quyền chừng nào bản dịch của người dịch còn được in ấn. Mối liên kết giữa người dịch và dịch phẩm là không thể tách rời. Dù hoàn cảnh có là gì, người dịch cũng không nên chấp nhận khoản tác quyền một lần cho tác phẩm của mình. Ngay cả khi tiền bản quyền rất nhỏ, chỉ chiếm 2%, thì việc đưa ra điều khoản tiền bản quyền như đã nêu cũng hết sức cần thiết để đảm bảo các quyền lợi về sau của người dịch. (Khoản tiền bản quyền này của người dịch không nên được khấu trừ từ tiền bản quyền của tác giả.) Nếu không có những điều khoản này thì trong mắt nhà phát hành, người dịch sẽ chỉ là con tốt trong ván cờ và hy sinh ngay sau khi hoàn thành nghĩa vụ cơ bản của bản thân. Một người dịch không đáng bị đối xử như một quân tốt.

(b) Soạn thảo một hợp đồng mẫu phù hợp với nhà xuất bản, tác giả và người dịch.

(c) Tên người dịch phải luôn được xuất hiện trên trang bìa lót và trong ấn phẩm quảng cáo do nhà xuất bản phát hành. Việc quy định một kích thước in tương đối cho tên người dịch trên trang bìa lót là không khả thi, nhưng nhìn chung, kích thước này phải bằng hai phần ba kích thước của tên tác giả sách. Tên người dịch cũng nên xuất hiện trên bìa áo.

(d) Nhìn chung, người dịch nên được nhận tỷ lệ tiền bản quyền tương ứng cho dịch phẩm của mình cũng như cách tác giả được nhận tỷ lệ tiền bản quyền tương ứng với tác phẩm gốc.

(e) Các khoản tạm ứng cho người dịch dựa trên mức phí cố định áp dụng với mỗi một nghìn từ, ví dụ 20 đô-la cho mỗi nghìn từ theo thông lệ hiện tại của Mỹ, rõ ràng là không thể chấp nhận trong các trường hợp dịch tiểu thuyết có kỹ nghệ viết phức tạp, và cần có một số cơ sở tính toán mới. Trả cho người dịch dịch các tác phẩm của tiểu thuyết gia người Đức Thomas Mann hay thi sĩ người Pháp Paul Valéry ngang mức với người dịch của một cuốn tiểu thuyết “gợi tình” bất kỳ nào đó là chuyện hết sức phi lý. Nhưng đó là thực tế, người dịch được trả công theo số lượng từ được dịch thay vì theo những khó khăn mà công việc dịch thuật đó mang lại.

(f) Với người dịch, nhu cầu sử dụng các loại từ điển chuyên dụng diễn ra thường xuyên và liên tục, và vì vậy chúng ta cần đề xuất thêm một khoản thù lao cho người dịch, ngoài tiền tạm ứng và tiền bản quyền, để trang trải chi phí tra cứu.

(g) Chỉ sau khi đã trải qua các sửa chữa quy mô lớn, các bản dịch được thực hiện ở Anh mới được xuất bản ở Mỹ. Tuy vậy, tên của người dịch chịu trách nhiệm thực hiện các sửa đổi tuyệt nhiên không được đề cập. Bản chất của hành vi này là không trung thực, vì độc giả sẽ không thể biết được ai là người chịu trách nhiệm cuối cùng với bản dịch.

Hội nghị Người dịch. Mặc dù mục đích chính của Hội nghị Người dịch được tổ chức tại thành phố New York vào mùa xuân năm 1970 là soạn thảo một hợp đồng mẫu và Dự thảo Quyền của Người dịch, nhưng vẫn còn có những vấn đề cấp bách khác cần được thảo luận. Trong số đó có những điều sau đây:

Giáo sư Dịch thuật. Mặc dù hoạt động dịch thuật đã diễn ra từ buổi đầu của phần lịch sử mà con người có ghi lại và nhiều bộ óc vĩ đại nhất đã tham gia vào nhiệm vụ cực kỳ khó khăn này, nhưng không có một chân giáo sư dịch nào được chính thức bổ nhiệm. Đã từng có những “trường” dịch thuật ra đời với mục đích dịch Kinh Thánh, nhưng nghệ thuật và kỹ năng dịch thuật chưa bao giờ là một môn học chính được giảng dạy trong một trường đại học.

Hiện trạng này rất đáng báo động và cần được khắc phục sớm nhất có thể. Những chức danh giáo sư dịch thuật như vậy nên được thiết lập theo một phương cách phù hợp ở tất cả các trường đại học lớn. Chỉ khi đó, chúng ta mới có khả năng nghiên cứu chuyên nghiệp và liên tục về lý thuyết và thực hành dịch thuật, phân biệt dịch thuật với ngữ văn học và ngôn ngữ học. Hoạt động trao đổi giáo sư với nước ngoài cũng rất cần thiết. Việc thiết lập các chức danh giáo sư cũng sẽ có tác dụng tạo ra sự cải tiến chất lượng bản dịch. Đến cuối cùng thì, đây là vấn đề trao trả lại phẩm giá cho một bộ môn nghệ thuật mà đến nay chỉ nhận được một sự ghi nhận đầy miễn cưỡng.

Chương trình trao đổi. Ngoài việc thiết lập các chức danh giáo sư dịch thuật, cần có thêm hoạt động trao đổi giảng viên bởi vì cách tốt nhất để theo đuổi nghệ thuật dịch thuật chính là thông qua các cuộc gặp gỡ thường xuyên với người dịch nước ngoài. Yêu cầu người dịch nước ngoài đảm nhận các vị trí trong trường đại học trong phải là trọng điểm của đề xuất này mà điều cần thiết hơn cả chính là những người này đến Mỹ và gặp gỡ người dịch địa phương. P.E.N có thể bảo trợ cho hoạt động này. Mời người dịch từ các quốc gia châu Phi và châu Á đến Mỹ trong ít nhất hai hoặc ba tháng là điều chúng tôi rất mong muốn thực hiện. Tất nhiên, lý tưởng nhất là họ sẽ liên kết với các trường đại học, nhưng điều này không phải lúc nào cũng khả thi.

Giải thưởng. Uỷ ban Dịch thuật P.E.N hy vọng thành lập một số giải mang tầm vóc khu vực để vinh danh hoạt động dịch thuật. Chí ít cũng nên có giải cho những bản dịch hay nhất từ ​​các nền văn học châu Á, châu Mỹ Latinh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và tiểu vùng Scandinavia. Chúng tôi cũng muốn thấy một giải thưởng thường niên dành cho bản dịch hay nhất từ ​​tiếng Nga, không phân biệt dịch phẩm là của người dịch Liên Xô hay nhà văn di cư. Chúng tôi muốn thấy các giải thưởng dành cho bản dịch hay nhất từ ​​tiếng Nhật và các ngôn ngữ Ấn Độ-Pakistan. Những giải thưởng này, nếu được công bố rộng rãi, sẽ khuyến khích các nhà xuất bản sản xuất nhiều bản dịch hơn.

Nhà xuất bản. Hiện đã có một số nhà xuất bản và biên tập viên nằm trong Ủy ban Dịch thuật P.E.N., và Uỷ ban hy vọng sẽ bổ sung thêm nhiều thành viên như vậy. Ủy ban nên giữ mối liên hệ chặt chẽ với họ.

Bản dịch từ tiếng Nga. Chừng nào Liên Xô và các chế độ toàn trị khác còn một mực kiểm duyệt các nhà văn của họ và bỏ tù các văn sĩ, thì văn học của họ sẽ còn phải đương đầu với những bủa vây vô cùng tận. Ở những quốc gia này, những nhà văn xuất sắc nhất sáng tác “xong xếp xó” và chờ đợi ngày phép màu xảy ra, thời khắc họ được phép tự do phóng bút. Dưới thời Sa hoàng, hoạt động kiểm duyệt diễn ra nhỏ giọt; còn dưới thời Xô Viết, sự kiểm duyệt diễn ra ở quy mô toàn diện, và không một từ đơn nào được phép in ra nếu không có sự cho phép của một công chức trong chính phủ. Đó là một thứ hiện thực với tất cả các chế độ toàn trị, và có thể là thứ hiện thực ngày càng thành hình trên khắp thế giới.

Như tất thảy nhà văn trên khắp thế giới, các văn sĩ Nga cũng mong muốn tác phẩm của họ được đọc, họ cũng mong muốn được biết đến, họ cũng muốn cảm xúc của họ được sẻ chia và ý tưởng của họ được thấu hiểu. Họ sẽ sẵn sàng dấn thân đến cùng để sách của họ nếu không thể được đọc ở Nga thì sẽ được đọc ở nước ngoài. Nhưng khi nhận được bản thảo của các văn sĩ Nga, người dịch trước tiên lại sẽ phải giải quyết những vấn đề đạo đức cực kỳ khó khăn, vì biết rằng việc họ xuất bản các dịch phẩm chắc chắn sẽ đặt tác giả vào tình thế nguy hiểm; và trên phương diện đạo đức, chính họ sẽ phải chịu trách nhiệm cho vận mệnh của tác giả người Nga. Không thể có giải pháp đơn giản nào trong tình huống đó. Chúng ta không thể nói rằng: “Chúng ta cứ xuất bản đi, rồi ra sao thì ra. Chúng ta thừa biết tác giả muốn tác phẩm của họ được dịch rồi in ra, mà mong muốn của tác giả thì quan trọng hơn tất cả những cân nhắc khác”. Nhưng sẽ luôn phải có sự cân nhắc nặng nhẹ trước những điều không thể tưởng tượng ra, vì không ai có quyền đẩy một người khác vào tù, hay thậm chí rất có thể là ký tên vào bản án tử hình của người khác.

Ủy ban Dịch thuật P.E.N tin rằng cần phải kiểm định lại tình hình và với sự tham vấn của nhiều chuyên gia nhất có thể, đưa ra những chỉ dẫn nhất định. Đây cũng là một nội dung sẽ được thảo luận tại Hội nghị sắp tới. Uỷ ban hy vọng sẽ mời được đại diện của chính phủ Liên Xô, các chính phủ khác và bất kỳ nhà văn nào từng có tác phẩm gánh chịu cảnh bị kiểm duyệt nặng nề.

Tác phẩm không được dịch. Dịch thuật luôn là một công việc khá ngẫu nhiên dựa vào những cân nhắc không nhất thiết có liên quan đến giá trị thực của các tác phẩm được dịch. Ví dụ, người Ả Rập đã dịch các tác phẩm của Hy Lạp ở các lĩnh vực triết học, thiên văn học và y học, bởi vì họ cần những kiến thức này và do đó đã lưu giữ chúng cho hậu thế; họ lại không dịch các vở kịch của Aeschylus và Sophocles hay tác phẩm của các nhà thơ trữ tình, và do đó tất cả chúng ta trở thành người hứng chịu hậu quả. Một số tác phẩm khác có được người Ả Rập dịch nhưng lại bị thất lạc. Vậy mới thấy, yếu tố may rủi luôn đóng một vai trò nhất định trong bánh xe lịch sử, và thậm chí đến ngày nay, sự ra đời của các bản dịch cũng thường do yếu tố ngẫu nhiên chi phối.

Chỉ mục Bản dịch. Chúng ta cần xây dựng một chỉ mục Bản dịch, tương tự như chỉ mục Sách in Hằng năm, và chúng ta cũng cần một Chỉ mục Tác phẩm cần được Dịch. Một trường đại học có khoa Dịch thuật nên thực hiện công tác này. Có thể dễ dàng biên soạn một danh sách tương đối dài các tác phẩm cần dịch, cùng với một danh sách các tác phẩm đã được dịch không đạt. Chúng ta không có bản dịch đầy đủ nào với các tác phẩm của hai thi hào người Ý Ludovico Ariosto và Torquato Tasso. Hồng Lâu Mộng, tác phẩm được công nhận là tiểu thuyết hay nhất của Trung Quốc, chưa bao giờ được chuyển ngữ trọn vẹn. Không có tuyển tập toàn diện nào thơ ca Ấn Độ hay Nhật Bản. Kỳ lạ chẳng kém, không có một quyển sách nào được dịch từ tiếng Việt. Theo vốn hiểu biết của chúng tôi, cả Chính phủ Mỹ lẫn tất cả trường đại học ở quốc gia này đều không có bất kỳ nỗ lực rõ ràng nào nhằm giúp văn hóa Việt Nam được lan truyền rộng rãi, và phải trầy vi tróc vảy lắm thì độc giả mới có thể tìm thấy bản dịch đơn lẻ của một bài thơ tiếng Việt.

Chúng ta cũng trắng tay với tác phẩm từ tiếng Nepal, và có rất ít dịch phẩm đáng giá từ các ngôn ngữ Ả Rập. Cứ cho là có một tiểu thuyết gia xuất sắc ở Indonesia đi chăng nữa thì tin hay là chúng ta chưa nghe thấy nói gì về vị tiểu thuyết gia lỗi lạc này. Thơ ca Tây Tạng vẫn là một vùng đất chưa được biết đến, và chúng ta gần như hoàn toàn vô tri về các ngôn ngữ châu Phi. Rõ ràng là cần có một chương trình toàn diện để lấp đầy những khoảng trống nêu trên, và rất có thể là chúng ta nên bắt đầu bằng một nghiên cứu nghiêm túc về văn học của các quốc gia châu Phi mới nổi.

Vấn đề bản dịch không đạt được giải quyết khá dễ dàng khi sách hết bản quyền. Vậy điều gì xảy ra khi sách vẫn còn bản quyền? Những đánh giá của nhà phê bình văn học người Mỹ Edmund Wilson đối với bản dịch Bác sĩ Zhivago vẫn chưa được phàn hồi một cách thỏa đáng, và có vẻ như là sẽ có một tiền lệ được tạo ra để chúng ta có một bản dịch mới có thể chuyển tải chất thơ và nhịp điệu của bản gốc một cách đầy đủ hơn. Tương tự như vậy, cuốn hồi ký Antimémoires của tiểu thuyết gia người Pháp André Malraux xứng đáng được một người dịch có khả năng cảm nhận được tính nhạc của bản gốc sâu sắc hơn. Trong cả hai trường hợp, chúng ta đã được chiêm ngưỡng hai “đại mỹ nhân” của văn học hiện đại trong hai bộ trang phục Anh ngữ không truyền tải được vẻ kinh điển mỹ miều của chúng. Trong hoàn cảnh hiện tại, chúng ta không thể làm được gì ngoài việc chờ đợi đến khi thời hạn tác quyền chấm dứt để người dịch mới có thể đưa ra bản dịch tốt hơn. Đây không phải là câu chuyện bàn về một vấn đề rất nghiêm trọng xảy ra với các tác phẩm nhỏ; mà thực sự là một vấn đề rất nghiêm trọng liên quan đến hai kiệt tác.

Nhìn ở bất cứ đâu, chúng ta cũng thấy việc cho người dịch làm. Có những nhu cầu phản ánh tình hình đương đại vô cùng cấp bách, và chúng ta cần một chương trình dịch cấp tốc các tác phẩm hiện tại từ tiếng Trung, tiếng Việt cũng như từ các ngôn ngữ châu Phi. Nhưng chúng ta cũng đang sống ở một thời đại cần xét lại quá khứ và đưa ra ánh sáng những tác phẩm quan trọng đã bị lãng quên. Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách nghiên cứu 500 tập Patrologia của Migne để xem các Giáo Phụ nói gì. Nói thế không phải ý rằng những tập sách khổng lồ kia cần phải dịch trọn vẹn, nhưng ít nhất chúng ta được phép biết được ít nhiều những kho báu nằm trong chúng. Thế còn De Immenso của Bruno thì sao? Càng ngẫm đến việc các bản dịch bị thiếu hụt như thế nào, thì cái nhu cầu thành lập một nhà xuất bản do các Quỹ hỗ trợ lại càng cấp bách, một nhà xuất bản chỉ để dành riêng cho một hoạt động duy nhất là dịch thuật.

Tạp chí dành cho Người dịch. Chúng tôi tin rằng nên có một tạp chí dành cho người dịch tại mỗi quốc gia. Tạp chí này sẽ giới thiệu các bản dịch, bài đánh giá các bản dịch và chuỗi các bài bình luận về các vấn đề trong dịch thuật. Thay vì nằm trong tay của một nhóm học thuật ưu tú nhỏ, tạp chí này nên đại diện cho lợi ích chung của người dịch khắp cả nước. Sự tồn tại của một tạp chí như vậy sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề mà người dịch phải đối mặt, bởi tạp chí này sẽ trao cho người dịch một tiếng nói sau những đêm trường tĩnh lặng.

Mặc dù chủ yếu bao gồm các bản dịch và bài phê bình, nhưng tạp chí cũng sẽ giúp người dịch đấu tranh cho quyền lợi của họ và tạo cho họ diễn đàn cũng như đất tranh luận. Họ sẽ biết những tác phẩm nào đang được dịch và những tác phẩm nào cần được dịch. Tạp chí cũng sẽ thúc đẩy các nỗ lực nghiêm túc trong hoạt động nâng cao chất lượng dịch. Trên hết, cuốn tạp chí sẽ là phương tiện giao tiếp của người dịch với thế giới bên ngoài, nơi tiếng nói của họ hiếm khi được nghe thấy.

Giờ đây, người dịch phải đối mặt với một sự lựa chọn. Hoặc là chúng ta có thể tiếp tục không làm gì để cải biến số phận của bản thân hoặc chúng ta có thể đoàn kết với nhau để đảm bảo rằng ngày nhận được khoản tiền chúng ta xứng đáng được nhận sẽ đến. Đó là sự lựa chọn giữa một bên là sự thờ ơ với một bên là tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh đòi quyền được công nhận, giữa một bên là sự im lặng với một bên là tiếng nói đầy sức sống. Vẫn còn rất nhiều địa hạt của thế giới dịch thuật chưa được phát hiện, khám phá, và đã đến lúc chúng ta cần sắp xếp một cách rất ngăn nắp và trật tự các dự án để tìm hiểu xem chúng ta có thể và không thể làm gì.

 

New York

Tháng 9, 1969

Robert Payne

Chủ tịch

Uỷ ban Dịch thuật P.E.N.

Phạm Anh Minh dịch

Chấm sao chút:

Đã có 5 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3