“Chìm nổi giữa Paris và London” và “Xa lạ trong tôi”: trong mắt một cựu sinh viên trái ngành
"Tôi đọc, trước hết, để làm dịu cơn đau"

"Tôi đọc, trước hết, để làm dịu cơn đau"
Tốt nghiệp từ một ngành xã hội nhân văn, chan chứa hy vọng tìm việc những tháng đầu, thậm chí học thêm bằng nghiệp vụ mới, tiếp tục thất nghiệp thêm nhiều tháng và rồi vào làm nhân viên bán bánh đối với tôi mà nói là hiện thực mới cần cấp thiết chấp nhận. Không phải tôi chưa từng nghĩ tới viễn cảnh này, sự hoài nghi về năng lực của bản thân luôn khiến tôi dự cảm đến những tình cảnh bất đắc dĩ. Và rồi nó đây… (nhại theo Orwell) tôi nhận ra mình chưa bao giờ mong điều ấy đến thật và vì vậy đã không chuẩn bị cho kỹ càng. Nó không chỉ là việc tôi bước ra đời – cụm này với tôi mang nghĩa là một người bắt đầu toàn thời gian đi làm và tiếp xúc với xã hội, nó còn là phép chuyển dịch, tách tôi ra khỏi cái bong bóng trong đó chứa những người tương đồng vốn văn hóa (mượn khái niệm của Bourdieu) với tôi. Nó không chỉ đặt tôi vào một hành trình vô thời hạn mà còn trước khả năng trở thành một công dân vĩnh viễn. Thế giới mà tôi sẽ bước vào, trong đó người ta có quan điểm, mối quan tâm, sở thích, cách nói, cách hành xử có lẽ tôi phải dần làm quen. Họ sẽ yêu cầu tôi phải chuẩn bị kỹ năng gì, có thái độ tương ứng như thế nào? Hoang mang, rối bời, các cuốn Xa lạ trong tôi của Orhan Pamuk và Chìm nổi giữa Paris và London của George Orwell đã trở thành cẩm nang, chỗ dựa tinh thần cho tôi trong tình thế mới này.
Một mặt tôi có thể làm như một nhà văn tập sự với việc dấn thân vào đời là điều kiện cần thiết để làm phong phú vốn sống và chất liệu sáng tác. George Orwell với Chìm nổi giữa Paris và London tuy chỉ vừa được giới thiệu ở Việt Nam sau gần một thế kỷ xuất hiện trên văn đàn thế giới, đã đến kịp thời với tôi như một hướng dẫn. Giá trị phần hồi ký ở Paris của Orwell không chỉ ở khả năng giúp con người những ngày đầu bước vào cuộc đời run rủi được đồng cảm, thể hiện qua các đoạn ông viết về sự vỡ vạc cảnh sa cơ hay cách ông xoay xở lúc cận kề túng quẫn. Chính ở tường thuật thời ông làm bồi bếp trong các nhà hàng hạng sang, rồi từ đó vẽ nên toàn cảnh về đời sống của người lao động phổ thông có thể được tham khảo như một bản điều tra về xã hội.
Trong trải nghiệm độc đáo này Orwell có kết luận đáng chú ý cho nguyên nhân tại sao người bồi bếp vẫn cứ mãi là người bồi bếp, hay nói cách khác tại sao các lao động phổ thông không thoát ra khỏi được công việc tồi tệ hiện thời: việc các ông chủ quản lý phần lớn thời gian của nhân công dẫn đến một chuỗi phản ứng dây chuyền làm tê liệt ý chí phản kháng của con người. Trong guồng làm việc 17 tiếng/ngày, không gian sống sẽ bị thu hẹp chỉ còn từ phòng trọ đến bến xe đến chỗ làm đến quán nhậu. Quỹ thời gian sinh hoạt, giải trí rút ngắn vì suốt ngày làm lụng không ngơi tay chân, thời gian để nghỉ ngơi lại ít ỏi, sau giờ làm người ta chỉ còn có thể ngủ cho lại sức để rồi khi thức dậy lại tiếp tục đi làm. Nhưng giấc ngủ ngắn ngủi này cũng không nhằm nhò gì, sự kiệt quệ của cơ thể từ những ngày làm việc sẽ khiến họ tận dụng cả ngày nghỉ để ngủ, hoặc nếu không ngủ họ cũng sẽ chọn các hoạt động giải trí thảnh thơi hơn như uống rượu, vận động đầu óc nhẹ nhàng bằng trò đánh bài. Các mối quan hệ xã hội còn duy trì được là đồng nghiệp hay bạn rượu các quán quen. Làm việc khổ sai biến đổi cuộc sống con người ta, đổi thay lớn nhấtlà nó khiến họ không kịp suy nghĩ gì khác ngoài công việc và nỗi mệt nhọc từ công việc nữa. Ngay cả những nhân công từng là sinh viên, có trình độ đại học cũng sẽ bị kẹt trong hệ thống này bởi vì cho dù nó vắt kiệt sức lực và trí não, nó cũng đồng thời đảm bảo cho họ các nhu yếu là chỗ ngủ, thức ăn, thức uống, một kiểu an toàn tạm bợ… Đó là thế kỷ 20 ở châu Âu, tôi không trải qua điều kiện lao động khắc nghiệt như vậy nhưng quả là công việc tay chân khiến tôi mệt mỏi. Dư dả thời gian khá nhiều nhưng tôi cũng chẳng tận dụng để tìm cách thoát khỏi tình huống bất đắc dĩ hiện tại. Chỉ sau một hai tháng hòa nhập với môi trường mới, đôi lần tới các buổi tọa đàm học thuật như thời sinh viên, tôi đã cảm thấy mình lạc lõng và xa lạ. Tôi không còn tìm được ý nghĩa cho những thứ tưởng chừng gắn kết với mình nữa.
Hậu trường nhà bếp mà Orwell bày ra cũng là điều đặc biệt thích thú khác bởi chính tôi cũng quan sát thấy tình trạng tương tự diễn ra ở bếp chỗ tôi làm. Về lối chuộng hình thức và tiểu tiết của ông chủ dẫn đến tâm lý o bế chủ còn hơn khách của nhân viên. Về vấn nạn mất vệ sinh, bởi đôi khi khó có thể vừa phục vụ cho nhiều khách hàng lại vừa phải làm nhiều việc khác như rửa dụng cụ, chất hàng đầy lên mặt tiền quầy kệ,..v..v… Về nạn bắt nạt nhân viên mới, Orwell khiến tôi chấp nhận những câu nặng lời từ đồng nghiệp dễ dàng hơn. Chứng kiến nhà văn Orwell cũng có thể bị mắng cho tôi ý nghĩ rằng nếu ta vụng về thì không có nghĩa là ta bị hạn chế về trí não, như đồng nghiệp nói với tôi. Và ông cũng có lý khi cho rằng tuy là người ăn to nói lớn, đồng nghiệp của ta lại có thể là người rất nghĩa tình. Tóm lại Orwell tả rất chuẩn về cái nhịp độ hối hả, ồn ào của nhà bếp lớn; về những quãng nghỉ thảnh thơi và rồi bất chợt đợt sóng khách hàng ập đến, từng đợt có thời điểm, khiến một người bỗng nhiên phải quán xuyến cùng lúc mấy đầu việc; về cái nóng hầm hập của bếp và đồng phục dày càng làm cho ngột ngạt hơn; về những cơn đau nhức chân sau đó. Những tường thuật này có giá trị cho thấy điều kiện thực tế làm việc của nhân viên ngành dịch vụ ăn uống có thể khắc nghiệt như thế nào.
Đọc Chìm nổi giữa Paris và London có thể an ủi, giải đáp những thắc mắc và trò chuyện cùng tôi trong khoản nửa tiếng nghỉ giữa ca. Nhưng nỗi thương thân trong tôi vẫn thấy cần được chia sẻ sâu hơn. Tôi làm cho nó trở nên sầu cảm bằng cách đọc những diễn đạt về nỗi đau khác như chiến tranh, tình yêu hay nỗi đau thể xác… với niềm tin rằng chúng đều là phép ẩn dụ tới tâm trạng bất mãn của tôi. Đó là lý do tôi đọc Xa lạ trong tôi của Orhan Pamuk vì cảm thấy liên hệ với tâm hồn, tính cách của nhân vật chính trong đó, dù để hiểu sâu cuốn tiểu thuyết rộng lớn này cần phải có phông kiến thức tổng hợp về đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng như đã nói, tôi đọc, trước hết, để làm dịu cơn đau. Tựa sách, Xa lạ trong tôi, bắt trúng tâm trạng mỗi ngày trong đời đi làm của tôi, nó cộng hưởng cùng đoạn giới thiệu: “Và dù cho những dự án buôn bán của anh không thành tựu và những lá thư tình của anh có vẻ không bao giờ đến được đúng người, anh vẫn luôn cố gắng để làm chủ hiện hữu của mình…” càng hiển lộ hơn cái vô nghĩa của dự cảm và trù liệu – con người quyết lòng được hạnh phúc bằng ước mơ, kế hoạch và hành động, nhưng những biến chuyển của thế giới dường như mới quyết định cuộc đời họ.
Những xa lạ trong Mevlut nảy sinh từ nhiều sự kiện, cảm xúc của anh dành cho chúng cũng khác nhau. Đôi khi, nó ở nghĩa gần nhất của từ này là sự kinh ngạc của Mevlut, từ nhà quê vùng Tiểu Á đến, lần đầu nhìn thấy thành phố Istanbul bên bờ châu Âu. Đôi khi nó là sự phân vân trái ngược giữa quan điểm cá nhân của anh với ý kiến công khai mà chính quyền buộc người dân tiếp nhận (cặp phạm trù này thường được nhắc đến trong truyện). Đôi khi nó là sự thất vọng, kinh hoàng khi biết mình bị hại nhưng rồi chấp nhận, như hồi anh bắt cóc nhầm cô gái sẽ thành vợ mình. Nó cũng là nỗi cố chấp, khó tiếp nhận với sự thay đổi của cái mình vẫn thường biết như khi Mevlut chứng kiến sự Tây hóa, hiện đại hóa nhanh chóng của thành phố Istanbul. Và mỗi lần đối diện với sự xa lạ Mevlut dường như có khuynh hướng thu vào trong, hoài niệm những điều xưa cũ. Anh làm những điều này bằng cách lang thang trên phố rao bán boza. Tuy chân bước đi và miệng cất tiếng rao nhưng trong đầu anh suy tưởng một thế giới khác và dường như anh đang bước đi trong đó. Những trang Orhan Pamuk diễn tả tâm tư dạng này của Mevlut thường đầy thi vị và đẫm nỗi buồn. Tôi nghĩ nó giống như một cơ chế phòng ngự của nhân vật để chống lại thương tổn. Mevlut đáng được yêu thích, với tôi còn vì anh ta là kiểu nhân vật vừa anh hùng vừa phản anh hùng. Anh giữ được bản tính tốt bụng nhiều khi cố chấp như trẻ con của mình qua bao năm tháng, dù đáng ra trước những biến đổi của thời đại buộc người ta nhiều khi phải mưu mẹo hơn vì lợi ích cá nhân. Vì lẽ đó gia đình Mevlut không giàu có, anh còn bị người khác cho là kẻ khờ khạo. Nhưng anh không phản kháng lại những bất công đến với mình, anh chịu đựng hoặc rời đi hoặc tìm an ủi bằng những niềm vui nhỏ trong lúc đi bán boza. Làm như Mevlut, tôi cũng tự nghĩ ra những niềm vui trong việc bán bánh có thể đến từ giọng nói nhỏ nhẹ của một khách hàng, hay từ đôi ủng đồng phục có thể trượt trên sàn trơn,… chúng nhỏ nhặt nhưng đủ để tôi tạm quên nỗi xa lạ trong mình.
Đến đây tôi nghĩ mình có thể thành thật nói lên quan điểm cá nhân về hành trình “dấn thân” này: với tôi, nó là một cuộc lưu đày. Cảm xúc tiêu cực tôi có hoàn toàn không phải vì khinh thị hay ghê tởm đời sống của người lao động. Đó chỉ là nỗi sợ phải sống chỉ để mưu sinh, nỗi thất vọng vì phải xa rời, bỏ rơi ước mơ của mình, sau cùng là sự cô quạnh trong môi trường mới. Tôi tưởng mình có thể bắt chước các nhà văn khác tự kể lại chuyến phiêu lưu tuy gian hiểm mà lý thú của mình, thực chất ngay khi bước vào tôi đã nghĩ đến ngày được rời khỏi. George Orwell với sự hậu thuẫn từ gia đình, nếu muốn ông có thể thoát ra khổ cực bất cứ lúc nào và trở về với cuộc sống an toàn, ổn định. Tình thế của tôi khác hẳn, tôi không thể bỏ việc, thậm chí khi vấn đề cơm áo tạm được giải quyết (cũng nhờ công việc này) tôi khó có thể tiếp tục theo đuổi tương lai mình từng bỏ rơi, bởi cho đến lúc đó chắc tôi đã mất hẳn kết nối với cái bệ phóng của nó. George Orwell hiểu thật rõ nỗi sợ nghèo, trong Chìm nổi giữa Paris và London, ông thể hiện ý niệm đó bằng việc sắp xếp tình trạng nghèo theo mức độ bần cùng tăng dần. Điều gì tồi tệ hơn luôn chực rơi xuống đầu người thất nghiệp đang chật vật mỗi ngày? Trở thành người vô gia cư và phải đi ăn xin. Cũng trong Chìm nổi giữa Paris và London, sau khi chia tay nghề bồi bếp và Paris để về lại quê nhà nước Anh, nhân vật chính của chúng ta tiếp tục dấn thân vào cuộc đời của những hành khất thành London. Trải nghiệm này của Orwell cho thấy đời lang thang có những điểm cộng: có cơ hội kết bạn với đủ loại người, gần gũi với thiên nhiên và suốt ngày ngắm cảnh đẹp bên đường, tận hưởng khí hậu vùng ôn đới. Điểm trừ là đi bộ nhiều có thể làm đau chân, chỗ ngủ và thức ăn trong những điểm trọ làm phước tuy miễn phí nhưng chất lượng không tốt lắm, thường cốt là để thỏa mãn cái chí muốn tỏ ra hào hiệp của giới nhà giàu. Nhìn chung đó cũng là một cuộc sống tạm ổn vì tuy thân xác khổ sở nó lại cho ta sự tự do về trí óc, một người bạn Orwell quen được trong trải nghiệm này cho biết, hoặc cũng có thể xem là cuộc dạo chơi ngắn hạn sau khi ta vừa cày cuốc khổ cực ở Pháp và lại sắp nhận một việc nhẹ lương cao.
Tôi đã từ bỏ công việc bán bánh sau 8 tháng để lại tìm cơ hội khác, tuy sẽ khó khăn nhưng ít nhất đó là điều tôi chọn, khoảng thời gian này sẽ được phần nào duy trì bằng số tiền tôi dành dụm được từ công việc trước. Tôi không biết sự nghiệp và cuộc đời mình sẽ xoay theo chiều hướng như thế nào, hiện giờ thì nó không hứa hẹn lắm. Có thể tôi sẽ giống như Mevlut bằng lòng với những gì được đời ban cho, dù nó hoàn toàn khác dự định ban đầu. Hay cuối cùng tôi sẽ đạt được mong ước của mình bằng một cách chưa bao giờ nghĩ đến. Hoặc cũng có thể tôi sẽ bắt đầu một hành trình mới lạ khác, nếu vậy tôi mong ít nhất chân mình sẽ khỏe (công việc bán bánh rèn luyện nhân viên có thể chạy và đứng trong thời gian dài), thời tiết sẽ không nóng lắm và ở đất nước này ta có thể ngủ bất cứ nơi đâu./.
Chấm sao chút:
Đã có 7 người chấm, trung bình 5 sao.
Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3