Thời gian đọc: 9 phút

Ngày 20 tháng 9 năm 2023, cách đây đúng 1 tuần, ủy ban Nobel mới họp lần đầu tiên (điện thoại với ipad bị bắt bỏ ngoài phòng, không có gì bị ghi âm, rò rỉ, cho đến giờ phút này), để bàn xem Nobel Văn chương năm nay trao cho ai. Hóa ra họ nước tới cổ mới nhảy, những anh chị em ADHD đọc những dòng này, xin hãy cảm thấy hoan hỉ. Bàn tròn dự đoán Nobel của Nhà Z xin được quay lại, những câu hỏi sau đây được học tập từ World Literature Forum.

Chúng tôi tôn trọng ngôn ngữ và quan điểm riêng của những người tham gia; quan điểm của khách mời không nhất thiết cũng là quan điểm của Zzz Review.

 

Người tham dự:

  • Trần Tiễn Cao Đăng, nhà văn, dịch giả.
  • Thảo Lam, dịch giả;
  • Huy Nguyễn, độc giả;
  • Bùi An Bình, độc giả;
  • Vũ Trọng Hiếu, độc giả

 

Hai tác giả mà bạn ủng hộ sẽ thắng Nobel nhất:

Trần Tiễn Cao Đăng: Laszlo Krasznahorkai, Diêm Liên Khoa

Thảo Lam: Margaret Atwood (cụ bà vẫn còn sống chứ, cầu Chúa ban phước cho cụ. Hy vọng người ta không lặp lại sai lầm với Philip Roth và Milan Kundera.) và Dương Thu Hương (tôi rất hiếu kỳ chờ xem phản ứng của tuyên giáo nước nhà).

Huy Nguyễn: Gerald Murnane, László Krasznahorkai

Bùi An Bình: Quả là câu hỏi khó với thiền sinh thích đủ thứ 😉)

Cái nó trong tôi nói rằng tôi chọn Jon Fosse vì muốn sách ông sớm được xuất bản tại Việt Nam và Thomas Pynchon để xem cuối cùng lão già này có lộ mặt hay sẽ có một vụ xôn xao lục tìm nào hihi

Cái tôi thì chọn 1. Murakami vì dù chỉ thích một vài cuốn của ông nhưng tôi rất thích ông này về mặt con người và mùa thu đã đủ buồn rồi không cần Murakami trượt Nobel nữa đâu huhu hihi và 2. Kundera dù tôi biết là ông chết rồi nhưng biết đâu quy trình chấm thay đổi và ông đã được chọn từ trước đó 😮

Cái siêu tôi hết sức nghiêm túc xin chọn Jon Fosse và László Krasznahorkai vì tôi đã thấy nhiều nhà văn thông minh, độc đáo, thú vị, xuất sắc, làm ta vỗ tay, làm ta suy ngẫm, làm ta cười, làm ta khóc,… nhưng có rất ít người làm trỗi dậy được những cảm xúc giản dị nguyên thủy mơ hồ ở đâu đó khiến ta tê liệt, gần như tình yêu vậy. Và tôi thấy hai người này, dù ta biết rõ phong cách của họ nhưng lần nào đọc, cái rung cảm đó vẫn xuất hiện.

Vũ Trọng Hiếu: Salman Rushdie: Dù khả năng khá cao là Rushdie sẽ không được giải (do các tác phẩm về sau của bác thực sự không đặc sắc cho lắm), nhưng tôi vẫn rất mong là bác được hội đồng Nobel công nhận chính thức. Lý do có thể được tóm gọn trong 2 từ: Midnight’s Children. Không có cuốn này thì văn học Anh khó có thể vực dậy sau thời kỳ những năm 80 tương đối nghèo nàn, văn học Nam Á cũng thiếu đi một nguồn động lực quan trọng, và văn học hậu thuộc địa cũng sẽ mất đi đại diện tiêu biểu nhất của nó. Tác phẩm xứng đáng với danh tiếng, và xứng đáng là thứ biến tác giả trở thành người thứ 120 được đeo huy chương Nobel danh giá.

Tác phẩm nên đọc: Ngoài hai tác phẩm đình đám nhất là Midnight’s ChildrenThe Satanic Verses ra thì mọi người có thể đọc cuốn Haroun and the Sea of Stories, hoặc truyện ngắn “The Prophet’s Hair”.

Alexis Wright: Tôi có linh cảm là năm nay hội đồng Nobel sẽ ra một quyết định bất ngờ. Và vì thế nên tôi cũng sẽ đưa ra một đề xuất bất ngờ: Sau 50 năm thì sẽ có một người Australia nữa được giải. Bác Wright được nhiều người coi là tác giả Australia nổi bật nhất ngày nay, cùng với Gerald Murnane. Các tác phẩm của Wright hơi ít người ngoài Australia biết đến do rất kén người đọc. Tất cả các tiểu thuyết của bác vừa phức tạp lại vừa dài (cuốn gần đây nhất của bác dài tới hơn 700 trang!). Cách viết cũng không dễ hiểu hơn mấy, vì các câu văn của Wright dài, dai, và rối, lại vừa pha lẫn ẩn dụ, biểu tượng, hoà quyện với các triết lý người bản địa Australia. Tuy vậy thì các tác phẩm của bác đều nhận giải đều đều, và giới văn học Australia thì gần như không ai không biết tên bác. Và tôi nghĩ bây giờ là lúc bác được cả thế giới công nhận.

Tác phẩm nên đọc: Tất cả các tác phẩm của Wright thì khét tiếng vì khó đọc (đến cả các cuốn phi hư cấu bác viết cũng đau đầu!), nên mọi người có thể chọn bất kỳ tác phẩm nào để thử. Điểm khởi đầu hợp lý có thể là The Swan Book, vì nó là tiểu thuyết ngắn nhất của bác.

Honorable mentions: Một số tác giả khác tôi mong có thể được giải là Ngũgĩ wa Thiong’o, Garielle Lutz, Adonis, và Scholastique Mukasonga.

Hai tác giả mà bạn nghĩ khả năng cao sẽ thắng Nobel:

Trần Tiễn Cao Đăng: Khó đoán

Thảo Lam: Krasznahorkai László (tôi vẫn chưa đọc xong cuốn nào của ông, nhưng tôi thấy rõ sách của ông là Nobel materials); và Don DeLillo (sách ông tôi vừa đọc vừa ngủ, xem ra rất phù hợp tiêu chí Nobel.)

Huy Nguyễn: Gerald Murnane, Adonis (or Jon Fosse)

Bùi An Bình: Viện Hàn lâm vốn chưa bao giờ tiết lộ tiêu chí chấm giải và sau scandal vài năm trước, họ dừng như càng tung hỏa mù (hay rối loạn?) hơn. Tuy nhiên, người chiến thắng hiếm khi lọt ngoài top 10 nhà cái. Thế nên, nếu chọn hai tác giả, tôi sẽ chọn ở top 10 với một người theo kiểu mới lạ, hợp xu hướng, có thể gây tranh cãi xã hội hay chính trị là Tàn Tuyết và một người low profile đúng kiểu đãi cát tìm vàng ngày xưa của Nobel là Gerald Murnane. Murakami cũng có thể lắm. Ít nhất, may mắn là top 10 năm nay không có hoa hậu thân thiện nào.

Vũ Trọng Hiếu: Krasznahorkai László

Những gì cần nói về Krasznahorkai thì đã được nói hết rồi, nên tôi sẽ không bồi thêm quá nhiều nữa. Điều duy nhất tôi muốn nói là giải Nobel được sinh ra là để tặng cho những tác giả như Krasznahorkai. Câu hỏi đúng không phải là liệu Krasznahorkai có khả năng được giải hay không, mà là khi nào bác được giải.

Tác phẩm nên đọc: Ngoài 2 tác phẩm tiêu biểu nhất đã được chuyển thể thành phim là SátántangóAz ellenállás melankóliája (The Melancholy of Resistance), mọi người có thể tham khảo cuốn Háború és háború (War and War) và Seiobo járt odalent (Seiobo There Below – bản dịch tiếng Anh này đã nhận giải Man Booker International vào năm 2015).

Jon Fosse: Đã hơn 10 năm kể từ khi tác giả Bắc Âu được giải Nobel, nên tôi nghĩ sớm muộn cũng sẽ có một người thuộc vùng này rước huy chương về nhà. Và ngoài Jon Fosse ra thì không có nhiều tác giả nào khác xứng đáng được giải hơn.

Tác phẩm nên đọc: Tác phẩm nổi bật nhất của bác là sê ri Septologien (Septology) Trilogien (Trilogy). Bạn đọc nào muốn đọc tác phẩm ngắn hơn thì có thể tham khảo Morgon og kveld (Morning and Evening).

Một tác giả bạn nghĩ một ngày nào đó sẽ thắng Nobel, có điều không phải năm nay:

Trần Tiễn Cao Đăng: Laszlo Krasznahorkai, Peter Nadas, Mikhail Shishkin,  Mircea Cartarescu, Dương Thu Hương

Thảo Lam: David Grossman – tôi rất ngưỡng mộ các tiểu thuyết của ông, và xét tính mặt trận thì phải có lúc nào người ta trao giải cho một tác giả Israel chứ.

Huy Nguyễn: László Krasznahorkai

Bùi An Bình: Salman Rushdie. Một nhà văn có vị thế quá lớn đến nỗi Nobel dường như là thừa thãi nhưng ông ấy rõ ràng là xứng đáng.

Vũ Trọng Hiếu: Maryse Condo

Trong số các tác giả gốc Caribe nổi bật nhất ngày nay thì cụ Conde có lẽ là tác giả huyền thoại nhất. Các tác phẩm của cụ như Segou thuộc vào hàng những tiểu thuyết xuất sắc nhất từ vùng Caribe, và hoàn toàn xứng đáng được nhận giải thưởng văn học danh giá nhất thế giới. Tuy nhiên, vào năm 2016 thì cụ đã thắng giải New Academy Prize in Literature – giải được lập nên để thay thế giải Nobel. Do hội đồng Nobel có vẻ không có cảm tình với giải này nên khả năng cụ được huy chương trong tương lai gần có thể sẽ là khá thấp.

Tác phẩm nên đọc: Segou là tiểu thuyết đặc sắc nhất của cụ. Các bạn đọc tò mò thì cũng có thể tham khảo Traversée de la mangrove (Crossing the Mangrove) hoặc cuốn gần đây nhất của cụ là L’Évangile du nouveau monde (The Gospel According to the New World).

 

Một tác giả bạn không muốn thắng Nobel (và tại sao):

Trần Tiễn Cao Đăng: Karl Ove Knausgaard (viết về bản thân mình mà kéo được 7 tập thì kể cũng tài, song nhà văn Nobel phải hơn thế); Haruki Murakami (không đủ cân nặng – it’s that simple)

Thảo Lam: Diêm Liên Khoa, Tàn Tuyết, Dư Hoa… các tiểu thuyết gia Trung Quốc nói chung. Tôi rất hãi khi các nhà văn Trung Quốc tả cái bẩn thỉu, mà họ làm điều đó quá thường xuyên.

Huy Nguyễn: Một vị Trung Quốc (Tàn Tuyết hay Diêm Liên Khoa gì đấy) vì không thích ạ.

Bùi An Bình: Tôi có thể nói ngay lập tức nhưng dù sao chê trực tiếp ở đây vẫn thấy áy náy hoho Thế nên, theo gu cá nhân, tôi không muốn bất kỳ tác giả nào mà giọng văn của họ hằn học, bẩn thỉu, quằn quại. Phản ánh hiện thực (theo lối viết huyền ảo) có thể là một giải pháp nhưng tôi luôn tin có những giải pháp đẹp hơn, rốt ráo hơn.

Vũ Trọng Hiếu: George Saunders

Dù bác Saunders là một trong những tác giả truyện ngắn nổi bật nhất Mỹ ngày nay, là người thầy dạy viết rất giỏi, và thường xuyên được giải (cuốn Lincoln in the Bardo của bác còn được giải Booker), nhưng tôi thực sự không nghĩ là bác xứng đáng được giải Nobel. Lý do đơn cử là vì truyện của bác, dù sáng tạo đến mức khiến người đọc chuếnh choáng, vẫn chưa thực sự đa chiều. Khi đã đọc 5-6 truyện của Saunders rồi thì hơi khó tránh được cảm giác rằng truyện của bác không có nhiều lớp nghĩa. Điều này một phần là do các vấn đề bác nhắc tới thường được đơn giản hoá quá mức, các yếu tố phức tạp thường bị lược đi, và cách nhìn nhận vấn đề của truyện có lúc quá ngô nghê. Chính vì thế nên dù rất thích truyện của bác, nhưng tôi khó có thể chấp nhận việc bác đứng cùng với những bậc thầy truyện ngắn Bắc Mỹ khác đã được giải như Faulkner, Hemingway hay Munro.

Tác phẩm nên đọc: Bạn đọc nào muốn làm quen với Saunders mà không muốn bị ngợp quá thì có thể đọc truyện ngắn “The Barber’s Unhappiness”, “The Sticks”, hoặc “The Falls”. Bạn đọc nào muốn bị choáng toàn tập, đến mức không hiểu nổi tác giả này lưu lạc từ vũ trụ nào, thì có thể đọc “CommComm”, “Escape from Spiderhead” hoặc “Victory Lap”.

Honorable mention: Người khác tôi cũng muốn tránh xa giải Nobel là Michel Houellebecq, nhưng tôi chưa đọc đủ nhiều tác phẩm của bác này để phán.

 

Ai là người thắng thì sẽ làm bạn xỉu ngang và nghĩ hẳn mình đang sống trong thế giới giả lập?

Thảo Lam: Michel Houellebecq

Huy Nguyễn: Stephen King, Taylor Swift (or any singer-songwriter)

Bùi An Bình: Nhìn vào danh sách của nhà cái năm nay thấy có rất nhiều cái tên bestseller hay các nhạc sĩ, đạo diễn. Họ rất giỏi ở một khía cạnh nào đó nhưng theo tôi là không hợp với Nobel Văn chương. Thôi thì, ai cũng biết đó là những ai 😉)

Vũ Trọng Hiếu: Alan Moore

Nếu Bob Dylan là người thay đổi mãi mãi thể loại nhạc đồng quê, thì Alan Moore cũng có tác động tương tự lên ngành truyện tranh. Ông là người đưa truyện tranh từ thứ hay bị coi thường, khinh rẻ, rồi thuyết phục nhiều người công nhận nó là các tác phẩm nghệ thuật độc đáo, sắc sảo, và có giá trị văn học không kém các cuốn tiểu thuyết thông thường. Nhiều tác phẩm của ông hiện được coi là kiệt tác của thể loại truyện tranh, gồm V for Vendetta, Watchmen, và Batman: The Killing Joke. Và nếu Dylan được giải, thì tôi nghĩ Moore hoàn toàn có thể có cơ hội.

Tác phẩm nên đọc: Ngoài 3 truyện tranh nói trên, những ai thích thú với phong cách viết của ông thì có thể đọc From Hell.

 

Hai tác giả nào bạn thấy không vấn đề gì nếu thắng Nobel đôi, dù chắc không xảy ra đâu?

Trần Tiễn Cao Đăng: Tàn Tuyết và César Aira.

Thảo Lam: Đôi ư? Họ có nhất thiết phải yêu nhau không? Nếu không nhất thiết thì tôi cũng không biết. Câu hỏi này làm tôi quá băn khoăn về tính logic của nó.

Huy Nguyễn: Kafka, Nabokov

Bùi An Bình: Jon Fosse và Gerald Murnane. Đó sẽ là một chiến thắng kép. Hai người này được ví như vĩ cầm Hardanger, nhạc cụ truyền thống của Na Uy mà Fosse học chơi từ nhỏ. Khác với vĩ cầm thông thường, Hardanger có tới hai bộ dây và cộng hưởng khi chơi. Fosse cũng là người dịch cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Murnane là The Plains sang tiếng Scandinavia vì quá yêu thích và thấy rằng hai người họ dù xa lạ và viết theo lối khác nhau nhưng ẩn dưới là góc nhìn giống nhau. Ở vĩ cầm thường không có hai bộ dây nhưng ví dụ khi chơi dây buông, chúng tôi vẫn thường rung nốt có cùng cao độ ở dây trước và cái rung cảm rất thấp, nhỏ đó là tuyệt đẹp.

Vũ Trọng Hiếu: Dư Hoa và Tàn Tuyết ạ. Cả 2 người đều là nhà văn viết về đời sống Trung Quốc thời hậu đổi mới, và mỗi người thì tiếp cận nó một cách khác. Dư Hoa ban đầu là cây bút đi đầu phong trào tiên phong, nhưng về sau thì lại quay về hiện thực. Tàn Tuyết thì ban đầu là cũng nhà văn tiên phong, nhưng về sau không những không quay lại hiện thực mà càng ngày càng phá hủy hiện thực. Thế nên 2 người này được giải đôi thì là một bước đi quá hợp âm dương của hội đồng Nobel.

Những tác giả nào bạn khám phá ra và đọc thấy thích nhờ Nhà Z làm xê ri rượt Nobel?

Thảo Lam: Xin lỗi, dạo này tôi bận chạy trail quá, nên chưa đọc.

Huy Nguyễn: Gerald Murnane, Xi Xi…

Bùi An Bình: Gerald Murnane và Jon Fosse.

Vũ Trọng Hiếu: Mia Couto

Dù biết đến bác là người được giải Neustadt nhưng chưa bao giờ đọc Couto. Nhờ nhà Z dịch truyện “Ngày Mabata-Bata nổ tung” thì mới thấy được tay bút của bác điêu luyện đến mức nào. Rất khuyên mọi người nên đọc tác phẩm này.

 

 

Chấm sao chút:

Đã có 5 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Bùi An Bình
Các bài viết khác

The reader

Trần Tiễn Cao Đăng
Các bài viết khác
Huy Nguyễn
Các bài viết khác

Rể trời.