Thời gian đọc: 10 phút

Hilma Wolitzer sinh năm 1930 tại Brooklyn, New York, Mĩ. Bà bắt đầu sáng tác từ khi còn nhỏ, nhưng đến năm 36 tuổi mới xuất bản truyện ngắn đầu tay. Tới nay, qua tuổi 90 bà vẫn tiếp tục viết.

Phần lớn các tác phẩm của Hilma Wolitzer viết về cuộc sống gia đình. Bởi bà tin rằng những gì diễn ra trong buồng ngủ và nhà bếp cũng quan trọng như trong phòng họp hay nghị viện. Hilma Wolitzer từng nhận Giải thưởng văn học của Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Văn học Hoa Kì.

Một số tác phẩm tiêu biểu của bà gồm: tiểu thuyết Kết cục (Ending), Những trái tim (Hearts), Con gái vị bác sĩ (The Doctor’s Daughter), Chuyện đọc ngày hạ (Summer Reading); tập truyện ngắn Hôm nay một người đàn bà hoá điên trong siêu thị,…

 

Giới thiệu tác phẩm:

Góc khuất hôn nhân đâu ai lường trước được! Bác sĩ bảo cưới. Thư nặc danh tố chồng ngoại tình. Chồng trầm cảm. Chồng phô dâm. Vợ cũ của chồng đến ăn dầm nằm dề… Mười ba truyện ngắn, mười ba cảnh huống chứa đựng nhiều căng thẳng và mâu thuẫn trong đời sống hằng ngày xoay quanh các mỗi quan hệ vợ-chồng, nàng dâu-nhà chồng, cha mẹ-con cái,…

Trong tuyển tập Hôm nay một người đàn bà hoá điên trong siêu thị, từng truyện ngắn có thể tách ra đọc riêng lẻ nhưng cũng có thể liên kết với nhau để tạo nên một thước phim trọn vẹn về cuộc sống hôn nhân của hai vợ chồng nhà Howard và Paulette. Những tổn thương, những ghen tuông, những cám dỗ là điều khó tránh khỏi song vượt lên đó là tình yêu, sự tin tưởng và lòng bao dung. Lối viết hài hước đầy ẩn ý và khao khát khám phá khoảnh khắc đời thường của những con người bình phàm đã tạo nên nét thần tình trong ngòi bút Wolitzer, đưa bà trở thành cây bút xuất sắc viết về đề tài gia đình ở nước Mĩ.

San Hô Books

 

 

Đến tận bây giờ, khi nói thành tiếng, hay nhắc lại câu ấy với chồng mình sau đó, tôi đều thấy nó chỉ mang tính chất mua vui, nhằm thu hút sự quan tâm, chú ý. Tất nhiên, tôi đủ tinh nhạy trong những thứ thuộc về tâm lí (chẳng phải ngày nay mọi người đều vậy sao?) để biết rằng một người không thể tự nhiên mà phát điên được. Có những khởi đầu vô vị dẫn đến suy nhược thần kinh. Có tiếng khóc cô đơn trong phòng tắm, thăng bằng trên thành bồn, rồi len lỏi vào nhà bếp, rỏ xuống vũng nước rửa bát, những hạt nước mắt làm vỡ tung mặt bọt xà phòng. Có quên lãng, hoặc ao ước lãng quên đi tên của đám trẻ, đường đến ngân hàng địa phương, nguyên do thức dậy vào buổi sáng. Có sự phù phiếm bị đánh mất – móng chân cáu bẩn mọc dài ra như móng vuốt, sắp quặp được cả đồ vật đến nơi, tóc tai không chải, lông mày chưa nhổ. Vậy mà tôi vẫn thấy việc phát điên trong siêu thị là hợp lí: những quả cam nhuộm màu kia, chực chờ bục tung rốn; dàn lon hộp lên giáp bằng tem nhãn, giá tiền, trọng lượng; từng tảng thịt, đẫm máu hung hăng; đám táo và đào xảo quyệt, chỉ để lộ khuôn mặt hoàn hảo sáng bừng, che giấu vết thối ủng ở mặt dưới.

Tuy nhiên, người đàn bà ấy không đẩy xe hàng đi qua sự hỗn loạn có trật tự kia. Cô đứng sững người, như chìm đắm trong vài suy tư vĩ đại. Cô đang ngáng chặn lối đi.

“Chị gì ơi,” tôi ngập ngừng cất tiếng, do dự và đề phòng, dáng vẻ chỉ có ở người phụ nữ đang ngóng chờ đứa con đầu lòng. “Chị gì ơi, cho tôi qua được không?”

Cô từ từ quay lại, hai đứa nhỏ nép vào bên váy, bấu lấy miếng vải ngang hông khiến lực siết càng thêm chặt. Để thêm phần bóng bẩy, tôi sẽ kể rằng đó là một giai nhân tuyệt sắc, rằng vẻ đẹp của cô chỉ bị hoen ố (hoặc mặn mà hơn) bởi những biểu hiện hoang dại nơi cô. Thật ra thì cô đẹp theo lối phổ thông, tóc tai, mắt mũi đều mang vẻ truyền thống. Có điều những gì cô ấy nói sau đó đã ngăn tôi hắng giọng và nhắc cô di chuyển cho tôi qua.

Cô siết chặt tay cầm của chiếc xe đẩy rỗng rồi lên tiếng, “Làm gì có hồi kết.” Câu nói bật ra hết sức trơn tru, không chút kịch tính, nhưng với vẻ quả quyết chân thành như vậy, thoáng chốc tôi đã nghĩ cô ấy đang đề cập đến lối đi trong siêu thị. Có lẽ nó bị chặn ở phía trước, khiến cô không thể tiến thêm được nữa. Thế rồi sau đó cô bảo, “Tôi đã cố lắm rồi, mà không thể có hồi kết. Hỏi Harold đi. Hỏi bất cứ ai xem, hỏi cả mẹ tôi nữa.”

“Này cô ổn đấy chứ?” tôi hỏi. “Cần giúp gì không?”

Các khớp ngón tay của cô trắng bệch, căng cứng bấu vào xe đẩy hàng. Cô không trả lời.

Tôi e dè nhìn quanh, nghiêng người về phía cô và nói, “Cô có muốn về nhà không?”

“Chị biết mà,” cô nói với vẻ nghiêm túc, “tôi không thể về đó.”

Bấy giờ, một người phụ nữ lạch cạch đẩy xe hàng về phía chúng tôi từ đầu kia lối đi. “Xin lỗi,” cô ả vui thích réo vang. “Cho qua nào!”

“Chị đi lối khác được không?” tôi hỏi.

“Sao phải đi đường khác nhỉ?” cô ta thắc mắc.

“Vì lối này bị chặn rồi,” tôi trả lời, nhăn mặt đảo mắt. Cô ả nhìn tôi đầy nghi ngờ rồi nhanh chóng quay xe theo hướng khác. Một chuỗi giọng nói vang lên phía sau dãy hàng. Tôi nghe thấy người cuối cùng gọi to, “Anh A! Anh A!”

Kế đó chúng tôi đứng trơ trọi vài phút liền, người phụ nữ nọ, các con cô cùng với tôi. Chúng tôi đứng trong siêu thị cứ như đang chuẩn bị cho tiết mục quảng cáo mà sản phẩm thần kì bay ra khỏi kệ, nơi thương hiệu X trường tồn, chẳng ai thèm ngó ngàng đến. Người quản lí, anh A, hăm hở tiến về phía chúng tôi. Đó là một anh chàng tốt bụng, người có lẽ sẽ còn tử tế hơn trong một cửa hàng bách hoá nhỏ, thân mật. Bắt được tín hiệu từ khách hàng, anh sẽ chạy nước rút, cầm theo bột chiên xù, muối nở hoặc thịt cua đóng hộp mà bạn dường như không thể tìm thấy ở bất cứ đâu. Anh lo lắng xoa xoa tay.

“Làm sao mà tôi chịu nổi đây?” người phụ nữ rầu rĩ khóc.

Anh A nhìn cô vẻ thăm dò. “Hay để tôi lấy cho chị cốc nước nhé?” anh hỏi.

Cô không đáp mà lấy tay che miệng, toàn bộ nỗi thống khổ trong cô đổ dồn vào hai mắt. Tôi bắt đầu run run, lo rằng sự quan tâm dành cho cô sẽ phần nào ảnh hưởng đến đứa bé tôi đang mang trong mình. Chẳng phải mới cách đây có hai dãy hàng, tôi đã lo rằng đến lúc ấy, liệu mình sẽ chọn đúng thức ăn cho bé, sữa có tràn trề, hay liệu bản thân có là một bà mẹ thông thái, điềm tĩnh? Nãy giờ, hai đứa nhỏ cứ bám riết váy mẹ không rời.

“Cô ấy ốm nặng đấy,” tôi nói với anh A.

“Tôi có nên gọi cảnh sát không?” anh hỏi. Người phụ nữ bật khóc, nước mắt tuôn như suối, tôi nghĩ bấy giờ tất cả linh mục, thợ sửa ống nước cùng cảnh sát trên thế gian cũng chẳng thể ngăn nổi.

“Thôi, thôi đừng,” tôi vội nói, mắt nhìn lũ trẻ. Tôi chùng chân, nghiêng người về phía đứa cao hơn. “Con tên gì?” tôi hỏi nó. Tôi đứng sát đến nỗi ngửi thấy hơi sữa từ người thằng bé và thấy nước mũi nó chảy thò lò xuống vết loét đóng vảy ngay bên dưới. Thằng bé quay mặt đi không đáp. Đánh bạo, tôi với lấy chiếc túi xách mà người phụ nữ khoác trên cổ tay, cô không chút phản kháng. Dường như cô chẳng buồn để ý.

“Phải có gì đó chứ, giá mà tôi nhớ ra,” cô nói bâng quơ. Chiếc ví cọt kẹt mở ra, như bị bỏ xó từ lâu, hay như miệng đứa trẻ sợ hãi ở phòng khám nha khoa. Anh A nhìn qua vai tôi. Mùi dầu dưỡng tóc ngọt ngào thoảng qua. Chiếc ví trống không. Chúng tôi chăm chú nhìn, đầy nghi ngại. Đó là thứ sầu khổ nhất tôi từng thấy, chiếc ví trống không ấy.

“Úi giời,” anh A thì thầm. Nhưng lúc này anh ấy đã tươi tỉnh. “Xem nào,” anh nói, “nếu ví cô ấy rỗng tuếch, thế thì cũng chẳng có chìa khoá xe. Chắc hẳn cô ấy đi bộ tới. Nếu có thể đi bộ đến đây, nghĩa là cô ấy không thể sống cách đây quá xa.”

Tôi lạnh lùng nhìn anh. “Chắc cô ấy để nó trong xe hơi,” tôi nói. “Hoặc dọn sạch túi ở đâu đó.”

Điều này khiến anh ta xìu xuống trong giây lát. Anh ta trầm ngâm, rồi gọi cậu nhân viên kho, người nãy giờ nhìn chúng tôi chằm chằm. Anh A chỉ cậu ra bãi đậu xe kiểm tra hệ thống đánh lửa của tất cả các xe.

“Tè, tè,” đứa bé hơn đột nhiên lên tiếng, giật mạnh váy mẹ.

“Ồ,” tôi nói. “Nó phải đi vệ sinh rồi.” Tôi cầm lấy bàn tay đang nắm chặt của thằng bé, cố gắng gỡ ra khỏi váy mẹ nó. Nó tức tốc bấu chặt như đỉa bám.

“Mẹ ơi, đi tè,” thằng bé khăng khăng.

“Nó chỉ muốn mẹ đưa đi thôi,” tôi nói với anh A, anh gật gật cứ như tôi đang dịch từ tiếng nước ngoài. Thằng bé đút ngón cái vào miệng mút lấy mút để. Khi quay lại, cậu nhân viên cho hay chẳng có xe nào cắm chìa bên trong cả.

Một dúm đàn bà tụ tập cuối lối đi, sự tò mò thu hút họ, nỗi sợ hãi giữ họ cách xa. “Có ai biết chị này không?” tôi hỏi họ.

Họ xì xào bàn tán, giữa lúc đó một người phụ nữ cao, gầy giơ xương trong bộ đồng phục huynh trưởng Hội Nữ Hướng đạo tiến lại gần. “Tôi không quen cô ấy…” người này mở lời, giọng ai đó cất lên từ phía sau “Sao không xem ví của cô ta?”

“Tôi không quen cô ấy,” người phụ nữ cao kều lặp lại, “nhưng tôi biết cô ấy là ai.” Chị cúi đầu rồi tội lỗi ngước nhìn. “Tên cô ấy là Shirley Lewis. Vợ của Harold Lewis,” chị thì thầm, đoạn lùi lại hoà vào đám phụ nữ như kẻ chỉ điểm lấm lét.

“Nhưng cô ấy sống ở đâu cơ?” tôi cáu kỉnh hỏi.

“Ối, ối, tè, tè,” thằng bé con thở dài, dòng nước tiểu tuôn ra ngập ngừng, chảy xuống chân nó.

“Đừng bao giờ vội vàng làm bất cứ điều gì,” mẹ nó khẳng định. Sau đó, đầy hoài niệm, “Thật tuyệt khi còn được là trẻ con!”

“Ở đâu? Ở đâu cơ?” tôi phát cáu với người phụ nữ cao kều. Tôi biết rằng mình đang cạnh tranh với anh A. Chúng tôi đang chơi trò thám tử, vị cứu tinh, hai mươi câu hỏi, Chúa ơi. Ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc thi khủng khiếp này, giải được bí ẩn rồi tái lập trật tự? Tôi đang dẫn trước. Tập quyền, mẫu hệ, trang bị toàn diện với cái bụng phình to.

Người phụ nữ kia lần nữa tiến tới. Chị ta lẩm bẩm địa chỉ rồi lại lui vào trong đám phụ nữ. Anh A viết vội thông tin vào quyển sổ nhỏ, đi về phía chiếc điện thoại đặt trong văn phòng mình. Một điểm cho anh A.

“Anh Harold ở đâu thế?” tôi ranh mãnh hỏi khi anh A đi mất. Shirley Lewis nhìn tôi với vẻ thích thú thực sự. “Ha, ha,” cô ấy lên tiếng, nhếch mép, như thể tôi đã nói điều gì đó thô thiển nhưng đáng lưu tâm. Thằng bé con đứng đó, giạng háng bên vũng nước, khổ sở với việc “hành sự” chốn công cộng. Tôi nhìn vào xe đẩy hàng của mình, nhận thấy những món đồ đông lạnh đang rỉ nước rã đông. Tôi thấm mệt. Chân cẳng bắt đầu biểu tình. Tôi muốn ngồi. Tôi thèm được về nhà rồi đi tắm. Người phụ nữ khó chịu, trò chơi nhàm chán, siêu thị dần tẻ nhạt.

“Chúng tôi ngồi ở bàn,” Shirley Lewis bắt đầu. “Bà tôi mang xúp đến. Nặng lắm, tay bà thì run. Chú Al đưa mọi người lên xe. Chú ấy có một chiếc Pontiac.”

Anh A quay lại. Anh mỉm cười. Hạ màn. “Chồng cô ấy đang ở nhà! Anh ta ngủ, thậm chí còn không biết cô ấy đã đi ra ngoài.”

“À à,” đám phụ nữ rầm rì như dàn hợp xướng Hi Lạp.

Chẳng bao lâu sau, người chồng đến. Hoá ra xe ở chỗ anh ta. Bọn trẻ phi từ bên mẹ sang bố. Anh ta có vẻ là kiểu “khi vui thì vỗ tay vào”. Vóc dáng cao lớn, vạm vỡ. Trên người mặc bộ quần áo công nhân, dây giày không cột. Một bên má còn nguyên vết hằn sót lại từ giấc ngủ. Anh ta phớt lờ mọi người, mặc dù chúng tôi háo hức nhìn anh như chờ khoảng cười xả hơi trong màn kịch gay cấn. Không thể tin nổi, anh mắng thằng nhỏ đái dầm. Anh bảo vợ, “Em bị làm sao thế?” và túm cánh tay cô. Cô đi theo anh, tất cả chỉ có thế. Vài phụ nữ tách khỏi đám đông, đến bên cửa sổ. Họ nhìn Harold, Shirley cùng bọn trẻ lên xe.

Tôi đờ đẫn nhìn xe đẩy của mình. Không thể nhớ nổi những thứ còn lại muốn mua. Chiếc ví của Shirley Lewis nằm mở ngoác trên ví tôi. Tôi băn khoăn liệu nó có được trả lại cho cô không. Tôi nghĩ chắc sẽ không được nghe gì thêm về cô hay chồng cô nữa. Harold không cảm ơn ai cả. Tôi thích thú tưởng tượng ra ai đó gửi tấm thiệp khắc chữ đến hòm thư nhà mình: “Harold Lewis và gia đình xin gửi lời cảm ơn vì chị đã tốt bụng dang tay giúp đỡ cô Lewis trong cơn hoạn nạn.”

Anh A vô cùng ân cần. Anh dẫn tôi đến quầy thu ngân còn chưa mở, đích thân thanh toán mấy món đồ trong xe đẩy. “Chuyện thật như đùa,” anh nói, rồi tặc lưỡi. “Cô cừ thật đấy.” Anh quả là vị thám tử bậc thầy khi chúc mừng tay cảnh sát mà chính mình đả bại. Sự hào phóng của anh là vô biên. Anh đề nghị mang giúp tôi gói hàng ra xe.

“Thôi, thôi,” tôi nói, ngáp vào mặt anh. Tôi lén lút để chiếc ví lại trên quầy của anh, như ai đó bỏ lứa mèo con trên bãi đất trống.

“Tạm biệt nhé,” vài người phụ nữ gọi với theo. Sau cùng, tôi đã cho họ thấy, một ngày nào đó họ sẽ đề nghị tôi tham gia các uỷ ban, nhóm biểu tình, rồi thì ban phụ huynh trường. Tôi về nhà. Tầm vóc mẫu hệ đã chuyển thành dáng hình lạch bạch của bà bầu. Khi chồng tôi tan làm về nhà, tôi đang ngồi khóc trong bồn tắm.

“Có chuyện gì… chuyện gì thế?” anh kêu lên, sẵn sàng cho một thảm hoạ.

“Mọi thứ,” tôi nói, chỉ vào chỗ phình ra trên mặt nước. “Mọi thứ. Làm người. Cái thế giới này.”

Gương mặt anh hơi dãn ra, anh đợi tôi nói tiếp.

Tôi đứng dậy, nước trào ra từ bụng tôi. “Hôm nay một người đàn bà phát điên trong siêu thị anh ạ.”

Anh gượng nhìn, vừa thương cảm vừa thắc mắc. “Thế em đã làm gì?”

Tôi vẫy chiếc khăn tắm như một biểu ngữ, một mảnh tang vật. “Em chẳng làm gì cả. Chẳng làm được gì sất. Ý là, em đã cố gắng, nhưng đơn giản là không có cách nào giúp được cô ấy hết.”

Anh lấy khăn lau khô lưng cho tôi.

“Anh nghĩ mình hiểu cảm giác của em,” anh phân trần, “nhưng em đâu thể làm mẹ của cả thiên hạ.”

“Không,” tôi nói. “Chắc là em đâu thể, nhỉ?” Tôi xoay người, vụng về ném mình vào vòng tay anh.

(1966)

Đinh Thảo dịch

(Tác phẩm đã được San Hô Books mua bản quyền và sẽ xuất bản trong thời gian tới. Trân trọng cảm ơn San Hô Books đã đồng ý cho Zlog đăng đoạn trích.)

Chấm sao chút:

Đã có 0 người chấm, trung bình 0 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3