Thời gian đọc: 25 phút

Đường hẹp lên miền Bắc thẳm, cuốn sách đoạt giải Booker 2014 của Richard Flanagan, là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết cặn kẽ về quá trình xây dựng con Đường Sắt Tử Thần từ Xiêm sang Miến từ góc nhìn của các tù binh Úc do đế quốc Nhật huy động trong thời gian diễn ra Thế chiến 2, một bức tranh rất khác so với câu chuyện của tù binh Anh kể trong cuốn Cầu sông Kwai nổi tiếng. Chân thực, tàn khốc và ráo riết trong những mô tả về chết chóc, khổ sai, bệnh tật, cuốn sách không chỉ là cách tôn vinh những ký ức của chính người cha tác giả đã đi qua chuỗi trại tù và công trình ước tính đã giết chết tới 12000 tù binh và 90000 cu li châu Á. Đấy còn là một bản phân tích sắc sảo về mối quan hệ giữa lịch sử và ký ức, qua hình tượng nhân vật chính Dorrigo Evans dựa trên hình mẫu bác sĩ Edward ‘Weary’ Dunlop, người anh hùng thời chiến của nước Úc; một nỗ lực tìm hiểu và trao tiếng nói cho phía bên kia, qua vô số nhân vật sĩ quan Nhật đã biến đây thành một cuốn sách thực sự đa thanh; một bản tình ca dành cho đảo Tasmania và những con người quê hương tác giả; và trên hết, một sự cật vấn nhưng vẫn kết thúc bằng khẳng định giá trị của tình yêu, tính người đối diện với vực thẳm của tính ác và hư vô.

Richard Flanagan sinh năm 1961 tại Tasmania, Úc, hiện đang sống ở Hobart, thủ phủ Tasmania. Đường hẹp lên miền Bắc thẳm là tiểu thuyết thứ sáu của ông trên tám cuốn tính đến thời điểm hiện tại, tất cả đều khai thác những khía cạnh đặc thù của quê hương ông – quá khứ tù nhân, thổ dân bản địa, dân di cư – trong một thứ văn đã khiến ông thường được ca tụng là một trong những người viết đẹp nhất của thế hệ mình. Nhưng ông còn viết như một lương tâm của thế hệ mình qua những tác phẩm phóng sự và chính luận, một trong số đó đã góp phần ngăn chặn kế hoạch phá rừng của một nhà máy gỗ lớn đã bắt tay với chính phủ Tasmania. Ông còn là đại sứ và người bảo trợ cho Tổ chức xóa mù cho trẻ em bản địa Úc.

– Nguyễn An Lý

50 năm trước Nobel Văn chương về với Úc, Patrick White, và từ đó đến nay vẫn chỉ là một lần duy nhất. Người ta bảo đã đủ lâu. Người ta bảo có khi David Malouf. Có khi Gerald Murnane. Hoặc có khi Richard Flanagan. Đổ xí ngầu cả thôi.

– Zlog

 

Vòng địa ngục đầu tiên của Dante, Dorrigo Evans nhủ thầm khi ra khỏi lều loét, đi qua suối xuống đồi để tiếp tục vòng thăm bệnh buổi sáng ở trại tả, một nhóm trời đày những lán không vách lợp bạt bục rữa. Đây là nơi những ai mắc tả bị cách ly. Và đây là nơi hầu hết họ bỏ mạng. Anh đặt những cái tên cổ điển cho rất nhiều kiếp nạn của họ: đường xuyên rừng ra Tuyến gọi là Via Dolorosa, con đường đau khổ, và đám tù nhân đến lượt mình bắt lấy cái tên đó rồi biến nó thành Dolly Rose, và rồi chỉ còn là Dolly. Vừa đi anh vừa sục chân trần qua bùn như đứa trẻ, đầu cúi gằm như đứa trẻ, và như đứa trẻ chẳng quan tâm mình đi đâu hay điều gì sắp tới mà chỉ để tâm vào đường cày mở ra dưới chân mình rồi biến mất ngay giây sau.

Nhưng anh không còn là đứa trẻ. Anh hất đầu lên và thẳng lưng bước. Anh phải toát ra vẻ quả quyết và tin tưởng, dù anh chẳng có mảy may quả quyết tin tưởng. Vài người đã được cứu, phải, anh tự nhủ, có lẽ để cố thuyết phục mình rằng mình không chỉ là một diễn viên tồi. Vài người chúng ta cứu được. Phải, phải, anh nghĩ. Và nhờ cách ly họ mà họ đã cứu được những người còn lại. Phải! Phải! Phải! Hoặc là vài người còn lại. Tất cả chỉ là tương đối. Anh có thể tính mình là vua, anh nghĩ – nhưng anh sẽ không tính và cũng sẽ không nghĩ, bởi anh đang ở mạn tây tây bắc của phía chẳng phải là nam, anh chỉ nghĩ được đến thế, những từ vô nghĩa, ngay ý nghĩ của anh cũng không còn là của anh, bởi chim cắt được cưa tay. Nói thật, anh không còn biết nên nghĩ gì nữa, anh sống trong một trại điên khó thể nào kể đến chứ đừng nói suy nghĩ hay lý luận. Anh chỉ còn biết hành động.

Ở rào quanh trại tả, ranh giới cuối cùng chỉ để cho những kẻ mắc chứng bệnh kinh khủng kia cùng những người chăm lo cho họ đi qua, đón anh là Baker Cốt Bò đã tình nguyện làm hộ lý ở đây, báo cho anh hay thêm hai hộ lý nữa đã lây bệnh. Tình nguyện làm hộ lý tự nó cũng gần như án tử. Làm bác sĩ, Dorrigo đã chấp nhận nguy cơ vây bủa quanh mình, nhưng anh vẫn không tài nào hiểu được vì sao những kẻ có thể tránh đi lại chọn lấy số phận ấy.

Anh ở đây bao lâu rồi, hạ sĩ?

Ba tuần, thưa đại tá.

Thân thể trẻ trung của Baker Cốt Bò vươn lên từ đôi giày brogue quá khổ đến kỳ cục, giờ đã tả tơi. Gã vớ được đôi này khi làm trong đội cu li Nhật ở bến tàu Singapore, cùng một thùng các tông đầy những can bột cốt bò Bonox đã hết sạch sau chỉ một ngày và một cái tên dính lại suốt một đời. Trong khi ai nấy đang già đi hàng thập kỷ, những cậu mười sáu biến thành bảy chục, thì Baker Cốt Bò lại tiến hóa theo chiều ngược lại. Hai mươi bảy tuổi, nhưng trông gã như mười chín.

Baker Cốt Bò quy cuộc cải lão hoàn đồng của gã cho thất bại của Nhật trong cuộc chiến. Dù những người khác trong cái trại tù binh giữa lòng rừng rậm Xiêm này chẳng thấy có dấu hiệu nào về nó, nhưng với Baker Cốt Bò thất bại này đã nhãn tiền. Gã coi cuộc chiến này là một chiến dịch mang tính cá nhân thuần túy, do Đức và Nhật tiến hành chống lại gã, vì mục đích độc nhất là giết gã, và cho đến giờ gã vẫn sống, thế nên vẫn thắng. Trại tù này chỉ là một lệch lạc nhất thời không có ý nghĩa lâu dài. Baker Cốt Bò luôn làm Dorrigo Evans có chút tò mò.

Từ hồi dịch tả bắt đầu ư, Cốt Bò? anh hỏi.

Vâng thưa sếp.

Hai người đi lại lán đầu tiên, là nơi thu nhận những ca mới nhất. Rất ít người còn sống sót mà tới được lán thứ hai, là nơi những người thoát chết cố gắng dưỡng sức trong chừng mực còn có thể. Rất nhiều người ở lán đầu chết chỉ sau vài giờ. Evans luôn thấy đây là lán khiến anh tuyệt vọng nhất, nhưng cũng là nơi cần đến anh nhất. Anh quay sang Baker Cốt Bò.

Cốt Bò, anh đi về đi.

Baker Cốt Bò không nói gì.

Về trại chính đi. Anh đã làm đủ phần mình. Làm quá phần mình là khác.

Tôi nghĩ là mình muốn ở lại hơn.

Baker Cốt Bò ngừng chân ở cửa lán, và Dorrigo Evans cũng dừng theo.

Thưa sếp.

Dorrigo Evans nhận ra gã đã ngẩng đầu, lần đầu tiên nhìn trực diện vào anh.

Tôi muốn vậy.

Tại sao vậy, Cốt Bò?

Thì phải có thằng nào chứ.

Gã nhấc lên tấm bạt nát che cửa lều như một cái lỗ mũi đang phùng ra, và Dorrigo Evans theo gã bước vào thứ mùi nồng nặc cứt đái lẫn sốt cá cơm, gắt đến nỗi miệng họ như phải bỏng. Ngọn lửa đỏ nhầy nhụa của cây đèn dầu dường như khiến bóng tối xung quanh nhảy nhổm rồi vặn vẹo trong một điệu nhảy sương khói lạ lùng, như thể phẩy khuẩn tả là một sinh vật lớn còn họ đang sống và đi lại trong ruột nó. Ở đầu kia lều, một bộ xương trông đặc biệt tã ngồi dậy mỉm cười với họ.

Tui sắp về lại vùng Mallee, mấy anh à.

Nụ cười toét của cậu ta trông hiền dịu, khiến bộ mặt khỉ lại càng gớm guốc hơn.

Đến lúc về gặp các cụ rồi, thằng bé vùng Mallee nói, hai cẳng tay gầy như cuống hoa vung vẩy, cái miệng đầy vết loét vàng nở tươi. Trời má! Các cụ thấy thằng Lenny về nhà sẽ vừa cười vừa khóc cho coi!

Thằng bé này đi từ dở điên dở dại cho đến điên điên dại dại, Baker Cốt Bò nói với Dorrigo Evans.

Cho coi, há?

Không ai đáp lời thằng bé mặt khỉ vùng Mallee có nụ cười ngây ngốc, hoặc có chăng thì chỉ đáp bằng tiếng rên hờ và khóc khẽ.

Bọn Victoria đứa quái nào cũng nhận, Baker Cốt Bò nói. Làm sao mà nó lừa người ta nhận nó vào lính được tôi cũng chả hiểu.

Cậu bé vùng Mallee lại nằm xuống, hân hoan như được mẹ ru cho ngủ.

Tháng sau nó tròn mười sáu, Baker Cốt Bò nói.

Giữa mặt sàn bùn cứt lõng bõng có một sạp tre dài, trên đó đặt thêm bốn mươi tám người nữa đang vật vã ở những chặng khác nhau. Hoặc là thoạt nhìn thì thế. Từng người một, Dorrigo Evans đến khám cho những cái vỏ quắt queo, lão hóa kỳ lạ, trên đó làn da khô quắt, sạm màu bùn với từng hõm tối đen bám vào những khúc xương vặn vẹo. Những tấm thân như rễ cây ngập mặn, Dorrigo Evans nghĩ. Và trong một khắc toàn thể lều tả như bơi bơi trong ngọn lửa đèn dầu trước mắt anh. Anh chỉ thấy một đầm lầy ngập mặn thối hoăng, đầy những rễ cây quằn quại và rên rỉ vĩnh viễn tìm tới thêm bùn làm chỗ sống. Dorrigo Evans chớp mắt, chớp mắt lần nữa, lo không biết có phải đây là ảo giác và anh đã chớm mắc sốt xuất huyết rồi không. Anh chùi mũi đang chảy vào mu bàn tay rồi bắt tay vào việc.

Người đầu tiên có vẻ đang lành; người thứ hai đã chết. Họ vần cái chăn bẩn thỉu cuộn anh ta lại rồi để đó đợi đội tang tới mang đi thiêu. Người thứ ba, Ray Hale, đã khỏe lại đến mức Dorrigo bảo gã có thể xuất viện ngay tối ấy để hôm sau xung vào nhóm việc nhẹ. Người thứ tư, thứ năm, Dorrigo Evans cũng phán là đã chết, và anh cùng Baker Cốt Bò lại bọc họ vào trong cái chăn thối inh. Ở đây cái chết nhẹ như lông hồng. Dorrigo nghĩ – dù anh cố cưỡng lại cảm giác này, coi đó là một biểu hiện méo mó của lòng thương xót – chết được như thế cũng có chút nhẹ nhõm. Sống là vật lộn trong kinh hoàng và đau đớn, nhưng, anh tự nhủ lòng, vẫn phải sống.

Để xác nhận rằng lần này cũng không còn mạch đập, anh đưa tay xuống nắm cổ tay teo tóp của bộ cốt nằm cuộn tròn bên cạnh, một đống xương xẩu lở loét hôi rình im như tượng, thì bỗng một luồng điện giật chạy qua bộ xương và cái thây ma quay đầu. Cặp mắt lạ lùng lòa dở, lồi như kính đục và chỉ lờ mờ nhìn thấy, dường như dán vào Dorrigo Evans. Giọng hơi the thé, giọng của cậu bé bị chôn vùi đâu đó trong thân thể một ông già sắp chết.

Xin lỗi bác sĩ nhá. Nay thì chưa đâu. Rất tiếc đã làm anh thất vọng.

Dorrigo Evans nhẹ nhàng đặt trả lại cổ tay trên lớp da bẩn thỉu bao lấy bộ ngực võng xuống giữa những dẻ xương sườn nhô ra, như giăng phơi cho khô.

Khá lắm, hạ sĩ ạ, anh dịu dàng nói.

Nhưng mắt Dorrigo đã ngước lên và trong một thoáng vướng vào cái nhìn của Baker Cốt Bò. Trong mắt vị thượng cấp không biết sợ, viên hộ lý ngỡ như nhìn thấy một vẻ bất lực lạ lùng mà bất chợt còn gần như sợ sệt. Evans vụt cụp mắt xuống.

Đừng gật đầu, anh nói với người sắp chết.

Bộ xương chậm chạp xoay đầu về phía cũ và trở lại sự bất động lạ lùng ban nãy. Mấy lời đó đã rút cạn anh ta. Dorrigo Evans đưa đầu ngón tay lướt trên nhúm tóc ướt lơ thơ phủ cái trán nhăn nheo, gạt khỏi mắt anh ta.

Với tôi hay bất cứ thằng cha nào khác.

Cứ thế cặp đôi xương xẩu đi tiếp – viên bác sĩ cao cùng tay trợ thủ lùn, cả hai đều gần như trần truồng – tay hộ lý xỏ đôi giày quá khổ kỳ dị cùng cái mũ mềm quân đội, vành mũ rộng quá đáng trên khuôn mặt hóp lại; viên bác sĩ đeo cái khăn đỏ nhờn mỡ và chiếc mũ kê pi nghiêng nghiêng như chỉ chực lên phố kiếm mấy em. Và viên bác sĩ cảm thấy cái đám rước hai người này như một trò diễn khổng lồ, trong đó anh diễn vai tàn ác nhất: kẻ trao đi hy vọng ở nơi không hề có hy vọng, trong cái nhà thương chả ra nhà thương mà chỉ là một cái lán dột bằng giẻ vắt lên sào tre, có những giường chả ra giường mà là những phiến tre nhung nhúc chấy rận, có sàn cứt đái và có anh là bác sĩ nhưng chẳng có đồ nghề bác sĩ gì để chăm sóc bệnh nhân. Tất cả những gì anh có giúp chữa lành là một cái khăn quàng đỏ nhờn mỡ, một cái mũ đội lệch, một thẩm quyền chẳng biết có thực hay không.

Thế nhưng anh cũng biết rằng bỏ không tiếp tục, không làm vòng thăm bệnh buổi sáng, không duy trì tìm một phương cách tuyệt vọng nào hòng giúp đỡ thì còn tệ hơn. Chẳng vì cớ gì anh bỗng nhớ đến Jack Rainbow ốm yếu đóng vai Vivien Leigh gặp lại người tình trên cầu sau một quãng đời chia cách. Anh nghĩ rằng những vở kịch mà đám tù nhân từng dựng – sáng tạo tận cùng, dùng tre và bao gạo cũ làm ra những bối cảnh và phục trang để bắt chước kịch hát và phim – là một cách bắt chước hiện thực còn chẳng ngớ ngẩn bằng trò đồ hàng bệnh viện và bác sĩ của anh. Vậy mà, cũng như sân khấu ấy, trò này vẫn cách nào đó là thực. Cũng như sân khấu ấy, nó cũng có ích phần nào. Và đôi khi người ta không chết. Anh không chịu ngưng cố gắng giúp người ta sống. Anh không phải một phẫu thuật gia tốt, anh cũng không phải một bác sĩ tốt, và, trong trái tim mình, anh tin mình không phải là một người tốt. Nhưng anh không chịu ngưng cố gắng.

Một hộ lý đang loay hoay tìm cách chế một đường truyền tĩnh mạch mới – cái ống thông thô kệch khoét từ cành tre non, nối với đoạn ống cao su do Gardiner Đen thuổng từ cái xe tải Nhật đêm hôm trước – chạy lên cái bình cũ đựng dung dịch muối, pha bằng nước cất cất bằng một bộ can dầu hỏa và que tre. Anh ta là thiếu tá John Menadue và chính thức ra là nhân vật số ba trong đám tù ở trại. Anh ta kết hợp vẻ bảnh trai của tài tử xi nê với thói ít nói của thầy tu phái La Trappe, và khi bị ép phải cất tiếng thì phần nhiều chỉ cà lăm. Anh ta vui nhất khi được làm hộ lý, được người khác chỉ đạo phải làm gì.

Người Nhật vốn thói trọng tôn ty, bắt tất cả đám quân sĩ quèn đi lao dịch nhưng lại chẳng hề ép buộc đám sĩ quan, họ được ở lại trại và, quái dị hơn, còn được Đại Nhật Bản lục quân trả một khoản lương con. Evans thì chẳng coi tôn ty ra gì, ngoại trừ lúc nào sân khấu tôn ty sẽ đem lại lợi ích gì đó. Ngoài việc đánh thuế khoản lương của đám sĩ quan, anh còn bắt họ làm đủ thứ việc ở trại, chăm người ốm, giúp dọn vệ sinh, dựng nhà xí, hệ thống cấp thoát nước mới, cũng như sửa chữa bảo dưỡng thường ngày.

John Menadue đang cố tìm ven mắt cá chân để đặt ống thông bằng tre. Thay cho dao mổ, anh ta dùng con dao gập Joseph Rodgers mài sắc bén. Cổ chân người kia chỉ gần như khúc xương khẳng khiu, tay hộ lý đang đưa đi đưa lại con dao trên phần da căng ra.

Đừng sợ làm anh ta đau, Dorrigo Evans nói. Để tôi.

Anh cầm lấy dao, làm động tác cắt một đường chắc chắn và chính xác, rồi lẹ làng làm thật, rạch vào thịt ngay trên xương mắt cá nổi cục để mở ven. Anh nhanh tay luồn ống thông tự làm vào đó. Con bệnh tả rúm lại, nhưng động tác nhanh chóng dứt khoát của anh đã xong ngay khi vừa mới bắt đầu.

Giờ anh ta sẽ trụ được thôi, Dorrigo Evans nói.

Truyền nước cho người bệnh, bên cạnh việc quyết liệt bắt mọi người giữ vệ sinh, đến nay là thành công lớn nhất của anh. Chỉ riêng hai ngày vừa qua việc đó đã cứu được vài mạng, và giờ đã có dăm người còn sống bước ra khỏi khu bệnh tả chứ không phải bị cáng ra dàn thiêu. Đấy là hy vọng cho tất cả, anh nghĩ.

Ở đây chỉ có hoặc chết hoặc là trụ lại, một người lính khác thì thầm.

Tao chưa chết đâu, người vừa được truyền ven khàn khàn vặc.

Đám người bệnh tả dường như co người tránh họ khi họ đi dọc sạp ngủ bằng tre, kiểm tra từng người, xem xét lượng nước muối, chỉnh lại đường truyền, đôi khi dời những kẻ ít ỏi gặp may sang lều nhỏ hơn nhiều dành cho số hồi phục. Tất cả trông đều chẳng giống người khi Dorrigo Evans tới gần, cơn bệnh kinh khủng ấy đã khiến cơ thể họ xọp đi kha khá trong vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi mà nó tàn phá và thường là giết chết họ sau đó. Người rên hừ hừ đau đớn khi những cơn quặn bụng đang tiêu tan thân thể họ và ăn mòn sự sống của họ, kẻ khác xin uống nước bằng một giọng thầm thì dai dẳng đều đều, lại có những kẻ trơ như đá nhìn ra từ những hố mắt sâu hoắm ngập đầy bóng tối. Khi họ tới chỗ thằng bé mặt khỉ sắp về với cha mẹ mình, nó đã chết.

Thỉnh thoảng bọn họ như thế, Baker Cốt Bò nói. Vui lên. Muốn lên xe khách về nhà hoặc về thăm mẹ. Lúc đó mình biết đã đến lúc rồi.

Để tôi giúp anh một tay, Dorrigo Evans nói khi một điều dưỡng viên mà tất cả mọi người chỉ gọi tên là Shugs – nổi danh là đã mang vào tận trái tim rừng già Xiêm một cuốn sách tả tơi, giờ còn lên mốc, sách dạy nấu ăn của bà Beeton – mang cáng đến. Cái cáng cũng là một thứ tạm bợ, hai thân tre lớn, giữa căng mấy bao gạo cũ.

Đã xong việc, Dorrigo Evans giúp Shugs và Baker Cốt Bò chuyển tấm thân tiều tụy của Lenny. Nó nặng không hơn một con chim chết, Dorrigo nghĩ. Chẳng có gì. Thế nhưng, anh vẫn cảm giác như làm thế có ích, như anh đang làm được điều gì đó. Không đủ bao gạo để căng hết chiều dài cáng – mà ở đây, Dorrio Evans nghĩ, có cái gì có đủ bao giờ? – nên chân Lenny thòng xuống quệt vào mặt đất.

Trên đường họ đi ra khỏi ngôi nhà cho những kẻ tận số kia, xác Lenny cứ chốc lại tuột xuống. Để khỏi rơi ra ngoài cáng, họ phải lăn cho cái xác nằm sấp lại và kéo đôi cẳng khỏng kheo dạng ra vắt qua hai thanh tre. Chân cậu ta đã tiêu gần hết, lỗ đít lồi lên trông rất tục tĩu.

Hy vọng Lenny đừng có nổi hứng xịt cú chót, Shugs khiêng đằng chân cáng nói.

 

12.

 

Từ hồi dịch tả nổ ra, Jimmy Bigelow đã được chuyển qua làm trong trại để thực hiện nhiệm vụ lính kèn trong những đám tang giờ đã thành việc hàng ngày. Gã đã được gọi đến và chờ sẵn bên rào khu bệnh tả khi họ khiêng cáng ra. Cáng sau cùng có Dorrigo Evans với cái mũ ngổ ngáo cùng khăn đỏ quấn cổ khiêng đằng đầu, cạnh Baker Cốt Bò trong đôi giày ngớ ngẩn lúc nào cũng làm Jimmy Bigelow nghĩ tới chuột Mickey, còn đằng đuôi là Shugs, bước đi mà đầu ngả ra sau trông kỳ cục.

Jimmy theo sau đoàn rước tang thảm hại này đi qua rừng đen rỉ giọt, kèn đeo trên vai bằng miếng giẻ thắt nút mà gã thay vào khi sợi dây da bị mục. Gã nghĩ mình yêu cây kèn biết mấy, bởi khác với mọi thứ ở rừng già này – tre, áo quần, da thuộc, thức ăn, da thịt – chỉ mình nó dường như miễn nhiễm với mục nát và hủy hoại. Là một người thờ ơ với thơ ca, gã vẫn cảm thấy cây kèn đồng đơn giản của mình có gì như bất tử, nó đã sống qua bao nhiêu cái chết của con người.

Đội dựng giàn thiêu của trại tù binh đang chờ nơi rừng thưa ẩm thấp đã học được rằng thiêu một người phải cần rất nhiều. Giàn thiêu họ đắp lên là một đống tre lớn vuông vức cao đến ngang ngực. Trên giàn đã đặt sẵn một xác chết tả, cùng cái chăn và mấy món của cải nghèo nàn của anh ta. Jimmy Bigelow nhận ra đấy là Hendricks Thỏ. Gã lúc nào cũng bất ngờ khi cảm thấy mình gần như chẳng cảm thấy gì.

Bất cứ thứ gì người bệnh tả từng chạm đến sẽ không ai khác được chạm vào – trừ đội hỏa táng – và bất cứ thứ của nả gì của người bệnh tả cũng đều phải đốt để ngăn ngừa lây lan. Trong lúc mấy người còn lại lôi ba cái xác mới cùng đồ đạc lên giàn thiêu, một người trong đội đi lại chỗ Dorrigo Evans, cầm cuốn sổ vẽ của Hendricks Thỏ.

Đốt đi, Dorrigo Evans khua tay nói.

Người kia ho húng hắng.

Anh em không biết có nên không, thưa sếp.

Tại sao?

Đây là ghi chép, Baker Cốt Bò nói. Ghi chép của nó. Để cho người đời sau, ừm, sẽ biết. Sẽ nhớ. Thỏ muốn vậy. Muốn người ta sẽ nhớ mọi điều đã xảy ra ở đây. Với chúng ta.

Nhớ ư?

Vâng, thưa sếp.

Mọi thứ rồi đều sẽ bị quên đi thôi, Cốt Bò ạ. Chúng ta sống được bây giờ thì hơn.

Baker Cốt Bò có vẻ không nao núng.

Kẻo chúng ta quên, chúng ta vẫn nói thế, Baker Cốt Bò nói. Không phải chúng ta vẫn nói thế sao, thưa sếp?

Chúng ta có nói thế, Cốt Bò ạ. Hoặc là hô khẩu hiệu như thế. Có lẽ hai thứ đó không hoàn toàn giống nhau.

Thì vì thế mà cần phải giữ lại nó. Để nó khỏi bị quên đi.

Anh có biết bài thơ ấy không, Cốt Bò? Thơ của Kipling. Bài thơ ấy không nói về sự nhớ. Mà nói về sự quên – rằng tất cả mọi điều rồi sẽ bị quên.

 

Tiếng gọi xa, đội thủy quân tan biến;
lửa lụi chìm trên đụn cát mũi xa:
kìa tráng lệ ngày qua vừa hiển hiện
nay theo Tyre, Nineveh trôi qua!
Đấng Tuyên xét xin buông tha chốc lát
Kẻo chúng ta quên, kẻo tất cả phôi pha!

 

Dorrigo Evans gật đầu làm hiệu cho một người trong đội châm lửa vào giàn tre.

Nineveh, Tyre, hay một con đường sắt trời đày ở Xiêm, Dorrigo Evans nói, bóng lửa vẽ lên mặt anh vằn vện. Nếu chúng ta không nhớ nổi rằng bài thơ của Kipling nói rằng mọi thứ rồi sẽ bị quên đi, thì làm sao ta nhớ nổi một điều gì khác?

Một bài thơ không phải là một luật. Không phải là số phận. Thưa sếp.

Không, Dorrigo Evans đáp, mặc dù đối với anh – anh bàng hoàng nhận ra – thì gần như là vậy.

Tranh của nó, Baker Cốt Bò nói, tranh của nó, thưa sếp.

Tranh của cậu ta thì sao?

Hendricks Thỏ tin chắc rằng dù mình có gặp chuyện gì, tranh của nó cũng sẽ qua được, Baker Cốt Bò nói. Và rằng toàn thế giới sẽ biết.

Thật ư?

Ký ức là công lý đích thực, thưa sếp.

Hoặc là kẻ tạo ra những kinh hoàng mới. Ký ức chỉ giống với công lý, Cốt Bò ạ, bởi đấy cũng thuộc vào những ý tưởng sai lầm nhưng làm mọi người cảm thấy vui lòng.

Baker Cốt Bò bảo một người trong đội thiêu mở sổ tới một trang, vẽ mực tàu một hàng những đầu người Hoa bị chặt cắm trên cọc ở Singapore sau khi người Nhật chiếm đóng.

Trong này có tội ác chiến tranh, thấy không?

Dorrigo Evans quay lại nhìn Baker Cốt Bò. Nhưng tất cả những gì anh nhìn thấy là khói, lửa. Anh không nhìn thấy mặt nàng. Có những cái đầu bị chặt trông như còn sống sau đám khói, nhưng chúng đều đã chết hẳn rồi. Lửa đang bốc lên sau lưng chúng, lưỡi lửa ấy là thứ duy nhất còn sống, và anh nghĩ đến đầu nàng, mặt nàng, thân thể của nàng, đóa hoa trà đỏ trên tóc nàng, nhưng cố sức đến mấy anh cũng không nhớ được gương mặt nàng.

Không có gì vĩnh viễn. Cốt Bò, anh không hiểu sao? Đấy là điều Kipling muốn nói. Triều đại không, ký ức không. Chúng ta chẳng nhớ gì hết. Có thể được một hai năm. Có thể gần hết đời, nếu ta sống được hết đời. Có thể. Nhưng rồi chúng ta sẽ chết, và rồi còn ai hiểu được mấy thứ này? Và có thể chúng ta không nhớ nhất là khi chúng ta đặt tay lên ngực mà thề thốt sẽ không bao giờ quên.

Trong này có cả tra tấn, thấy không? Baker Cốt Bò nói.

Gã đã mở tới trang có tranh ký họa mực cảnh một người Úc bị hai tên cai đánh. Tới tranh thuốc nước cảnh trong lều loét. Tới tranh vẽ chì những người gầy giơ xương đang lao dịch, đập đá ở khúc xẻ. Dorrigo Evans nhận ra mình đang bực mình.

Thằng Thỏ ấy cừ hơn cả máy ảnh Box Brownie ấy chứ, Baker Cốt Bò mỉm cười. Nó lấy màu ở chỗ quái nào tôi cũng đến chịu.

Ai biết được những tranh này sẽ có nghĩa gì? Dorrigo Evans gắt. Ai nói được nó vẽ thứ gì? Người này có thể coi đó là bằng chứng về đày ải và nô dịch, kẻ khác lại bảo tuyên truyền. Chữ tượng hình có cho ta biết người ta sống ra sao dưới đòn roi khi xây kim tự tháp? Chúng ta có nói về việc đó không? Có không? Không có, ta nói rằng Ai Cập huy hoàng tráng lệ biết bao. Hay là La Mã. Hay Saint Petersburg, và chẳng nói gì về xương cốt của hàng trăm ngàn nô lệ mà đền đài xây trên đó. Có lẽ cuối cùng người ta sẽ nhớ điều ấy về bọn Nhật. Có lẽ rốt cuộc tất cả tranh vẽ của anh ta chỉ để làm việc ấy mà thôi – để biện minh cho sự tráng lệ của lũ quỷ ấy.

Dù ta có chết đi, Baker Cốt Bò nói, nó cũng cho thấy ta đã thành thế nào.

Muốn vậy anh cần sống đã, Dorrigo Evans nói.

Giờ thì anh đã nổi điên, và còn điên hơn vì đã để một người trong số anh em chứng kiến mình mất bình tĩnh. Bởi, khi lửa bốc lên dần, anh biết mình đã bắt đầu quên nàng, biết chính ngay lúc này đây anh cũng rất khó khăn dựng lại gương mặt nàng, tóc nàng, nốt ruồi duyên trên môi nàng. Anh nhớ được từng phần, những hòn than đỏ rực, những tia lửa rung rinh, nhưng không nhớ được nàng – tiếng cười nàng, dái tai nàng, nụ cười nàng nở rộng ra một đóa hoa trà đỏ…

Nào, Dorrigo Evans nói, ta nhấc anh ta lên trước khi lửa trùm hẳn.

 

13.

 

Họ đỡ Hendricks Thỏ lên trong cái chăn bẩn thỉu lấm cứt, đặt gã nằm bên những xác chết kia, để bên cạnh gã cái ba lô dã chiến – trong chẳng có gì ngoài bộ cà mèn, cái thìa, ba cây cọ vẽ, dăm cái bút chì, bộ màu nước trẻ con, hàm răng giả và ít thuốc lá địa phương đã ỉu, rồi đặt sổ vẽ vào cùng. Đám người bệnh tả lúc nào cũng nhẹ đến phát sợ. Từ hồi cha Bob chết đi, nghi thức làm tang vẫn do Lindsay Tuffin đảm trách, gã này xưa là mục sư Anh giáo nhưng đã bị lột áo chùng vì một màn đạo đức suy đồi nào không rõ. Nhưng vẫn chưa thấy tăm dạng gã đâu mà lửa bắt đầu liếm vào mấy cái xác rồi.

Đại tá à? Shugs hỏi.

Và vì thế, bởi thời gian thì gấp rút và bổn phận thì yêu cầu mà lon trên áo thì ép buộc, Dorrigo Evans ứng biến ra một đám tang. Anh không có ký ức gì rõ rệt về tang chế chính thức bởi lúc nào cũng thấy mấy việc đó ngán ngẩm, nên anh thực hiện những gì mà anh hy vọng sẽ là một màn sân khấu tạm đủ dùng. Trước khi bắt đầu, anh phải hỏi tên hai cái xác kia.

Mick Green. Pháo thủ. Người Tây Úc, Shugs nói. Jackie Mirorski. Thợ đốt lò tàu Newcastle.

Dorrigo Evans lưu hai cái tên ấy vào một ký ức không thể nào suy suyển chỉ để nhớ lại chúng hai lần, vào hai dịp duy nhất có ý nghĩa: là lễ tang anh đang thực hiện lúc này, cùng hồi tưởng vào hơi thở cuối cùng của chính anh rất nhiều năm sau đó. Kết thúc đám tang, anh nói bốn người trung chính này xin được gửi gắm vào tay Chúa. Nhưng anh cũng không thật rõ Chúa có liên quan gì đến chuyện này. Chẳng ai nhắc đến Ngài ta mấy nữa, đến cả Lindsay Tuffin cũng không.

Khi Dorrigo Evans cúi đầu rồi bước lùi lại xa ngọn lửa, Jimmy Bigelow tiến tới, lắc cây kèn cho rơi ra con rết hay bọ cạp nào chẳng may dọn vào đây sống, rồi đưa lên môi. Miệng gã loét đầy, vòm miệng đã tróc da từng mảng. Môi gã cũng sưng tướng lên, còn lưỡi – vừa phù vừa loét đến nỗi nhai cơm không khác nào nhai mớ đạn chùm nóng – thì thù lù trong miệng như một miếng ván đáng ghét không chịu nghe lời. Anh Lớn đã cho gã biết đấy là bệnh thiếu B3, sinh ra do ăn uống thiếu thốn. Còn gã chỉ biết rằng bây giờ cái lưỡi gã chặn ngang luồng khí lẽ ra miệng gã phải thổi vào kèn.

Nhưng khi đưa kèn lên môi để thổi điệu nhạc giờ đã thuộc lòng, gã lại có thể đắm mình trong giai điệu lạ lùng ấy. Ban đầu chỉ có các nốt chậm, gã vẫn cáng đáng được. Thế rồi khi nhịp điệu nhanh dần, đến cái khoảnh khắc mà gã luôn tin là lúc bài “Đồn cuối” đạt được cái sức mạnh kinh khủng ấy, gã phải vận hết sức cưỡng lại cơ thể mình để ngắt nốt nhanh như cần thiết khi giai điệu dồn dập lên rồi tan dần đi. Trong khi chơi, gã cảm giác mình đã mất lưỡi và gã đang gõ vào miệng kèn bằng một miếng gỗ nhỏ, cầu khẩn trong tuyệt vọng rằng như thế cũng ngắt được âm và điều khiển được giai điệu, để điệu nhạc phát huy hết phép màu.

Giống như mọi điều khác trong cái thế giới rừng sâu tăm tối điêu linh ấy, Jimmy Bigelow phải tùy cơ ứng biến, qua mặt cái lưỡi nằm chình ình như cá voi giữa miệng nhờ thổi cho hơi trượt xung quanh, đánh lừa những đầu dây thần kinh bỏng cháy bằng cách chỉ tập trung chơi đúng từng nốt một, vững vàng thổi thêm lần nữa vì tất cả những người sẽ ở lại trong rừng ấy, không bao giờ tìm được đường về. Và đến cuối, xấu hổ vì những giọt nước mắt ứa ra không phải do cảm xúc – bởi gã chẳng cảm thấy gì trong giờ phút ấy, cũng như trong năm đám tang gã đã chơi ngày hôm trước hay hôm trước nữa – mà do cái đau thể xác khi chơi, gã vội vàng quay đi, để không ai biết được một điệu kèn đơn giản đã trở thành khó nhọc đến mức nào, hay tưởng gã đã đâm ra ủy mị.

Và dù cho cả người gã bừng bừng bốc hỏa trong lúc chơi bài kèn khủng khiếp này, điệu nhạc tử thần này, gã vẫn chơi tiếp, nghe lại từ đầu như mới, không hiểu nó có nghĩa gì, tức giận vì bằng ấy người đã chết, biết rằng gã phải tiếp tục chơi thứ nhạc mà gã căm ghét hơn tất thảy, nhưng quyết tâm không bao giờ ngừng chơi. Điệu nhạc không có nghĩa như gã từng được dạy, không phải nghĩa là người lính đến lúc được nghỉ ngơi, nhiệm vụ của anh ta đã đến lúc hoàn thành. Nhiệm vụ nào? Vì sao? Làm sao có ai nghỉ ngơi cho được? Đấy là nội dung bây giờ gã chơi, và gã sẽ không ngừng chơi những câu hỏi ấy cho đến cuối đời, vào Ngày Anzac, vào ngày họp mặt cựu tù, vào những dịp lễ lạt chính thức, và đôi khi, vào tối muộn, ở nhà, khi ký ức đến choán ngập lòng mình. Gã hy vọng những gì gã đang chơi đây sẽ được hiểu đúng ý như gã muốn. Nhưng người ta biến nó thành những gì khác hẳn, và gã chẳng thể làm gì. Âm nhạc đặt ra những câu hỏi chồng lên câu hỏi, và những câu hỏi ấy không bao giờ chấm dứt, mỗi hơi thở của Jimmy khuếch đại trong vành nón bằng đồng để xoáy trào ra tới một giấc mơ chung về sự siêu việt của con người tiêu biến trong chính âm thanh ấy, luôn ở ngay ngoài tầm với, chỉ cần một nốt nữa thôi, một khúc nữa thôi, một lần nữa thôi…

Ngay sau khi chiến tranh kết thúc tất cả đã giống như chưa bao giờ có chiến tranh, chỉ thỉnh thoảng nó ngóc dậy như một chỗ đệm lồi đáng ghét lúc nửa đêm khiến gã chợt nhận ra trong khó chịu. Suy cho cùng, như Shugs sau này nói, nó cũng có dài đéo gì đâu, chỉ có điều nó cảm giác như đéo bao giờ dứt. Và rồi bỗng nhiên nó dứt, và suốt một hồi lâu khó mà nhớ nổi gì nhiều về nó. Người khác có những câu chuyện gay cấn hơn nhiều – đánh nhau ở El Alamein và Tobruk, Borneo, vượt biển cùng đoàn tàu quân nhu Biển Bắc. Và chưa kể, bây giờ, có cuộc sống cần phải sống. Cuộc chiến chỉ là quãng ngắt giữa chừng thế giới thực, đời sống thực. Việc làm, đàn bà, nhà cửa, bạn mới, gia đình cũ, cuộc sống mới, con cái, thăng quan, mất chức, ốm đau, chết chóc, về hưu – Jimmy Bigelow dần dà khó mà nhớ nổi Hobart có trước hay sau trại tù và Tuyến, có nghĩa là, trước hay sau chiến tranh. Dần dà khó mà tin nổi từng ấy điều xảy đến với gã đã thực sự khi nào xảy đến, khó mà tin nổi gã đã thấy tất cả những điều gã thấy. Đôi khi, còn khó mà tin nổi gã đã thực tình đi qua chiến tranh.

Rồi đến những năm đủ đầy, cháu chắt, rồi sự suy tàn chậm chạp, và rồi cuộc chiến trở lại với Jimmy Bigelow ngày một nhiều hơn khi chín mươi năm còn lại cuộc đời ông dần dần tan đi. Đến cuối ông ta hầu như chẳng nghĩ về, nói về một điều gì khác – bởi, tới đó ông đã nghĩ rằng, hầu như chẳng có điều gì khác từng xảy đến trên đời. Có một hồi ông có thể chơi bài “Đồn cuối” như đã chơi hồi chiến tranh, cảm giác như nó chẳng liên quan gì tới mình, chơi như một bổn phận, một nhiệm vụ giao cho người lính. Rồi qua nhiều năm, rồi qua nhiều thập kỷ, ông chẳng hề đụng tới bài ấy nữa, cho tới năm chín mươi hai tuổi đang nằm chờ chết trong bệnh viện sau lần thứ ba đột quỵ, ông đưa kèn lên môi bằng bên tay còn dùng được và lần nữa lại thấy khói bốc lên và ngửi mùi thịt cháy, và thình lình hiểu ra rằng đấy là điều duy nhất đã thực sự xảy ra trong đời ông.

Tôi không có vấn đề gì với Chúa, Dorrigo Evans nói với Baker Cốt Bò trong lúc cả hai cời giàn thiêu để lửa phủ đều quanh mấy cái xác. Cũng chẳng có vấn đề gì với mấy người khác về vụ có Chúa hay là không. Tôi không cú Chúa, mà là cú mình. Đi kết thúc cái lối ấy.

Lối gì?

Lối Chúa chiếc ấy. Đi kêu tên Chúa này Chúa nọ.

Thằng Chúa chó đẻ, thật ra là anh muốn nói thế. Thằng Chúa chó đẻ đã đẻ ra thế giới này, danh mày chó đẻ, bây giờ và vĩnh viễn chó đẻ, thằng Chúa chó đẻ đã đẻ ra phận người này, thằng Chúa chó đẻ đéo thèm cứu vớt chúng tao, thằng Chúa chó đẻ đéo thèm có mặt ở đây và đéo thèm cứu vớt mấy thằng đang cháy đùng đùng trên cái giàn tre chó đẻ.

Nhưng bởi vì anh là thằng đàn ông, và bởi so với đàn ông thì anh là thằng truyền thống nhất trong số những thằng không truyền thống, nên anh lại đi lắp bắp Chúa này Chúa nọ trong buổi lễ tang mỗi lần không còn biết nói điều gì khác, mà về những cái chết không đúng lúc và không đáng anh đã nhận ra mình chẳng biết phải nói điều gì. Các anh em có vẻ bằng lòng, nhưng Dorrigo Evans không thể nuốt đi cảm giác nhờm gớm như một con cóc lăn lăn trong miệng anh mãi sau đó. Anh không muốn Chúa, anh không muốn những đống lửa này, anh chỉ muốn Amy, vậy mà trước mắt anh chỉ toàn là lửa.

Anh có còn tin Chúa không, Cốt Bò?

Không biết nữa, đại tá à. Giờ thì tôi bắt đầu thắc mắc về con người hơn.

Những thân người cháy nổ lạch tạch, lộp bộp. Một kẻ trên giàn giơ một tay lên khi sức nóng làm dây thần kinh căng ra.

Một người trong đội thiêu vẫy tay đáp lại.

Lên đường may mắn nhé Jackie. Chú mày thoát khỏi đây rồi.

Chắc là nên vậy, Baker Cốt Bò nói.

Tôi không tin lắm là nên như vậy, Dorrigo Evans nói.

Việc ấy có nghĩa gì đó với các anh em. Tôi đoán vậy. Cho dù không với sếp.

Có không? Dorrigo Evans hỏi.

Anh nhớ lại một truyện cười anh nghe ở quán cà phê Cairo. Một nhà tiên tri giữa sa mạc nói với người lữ hành sắp chết khát rằng anh ta chỉ cần có nước. Nhưng ở đây không có nước, người lữ hành đáp. Phải, nhà tiên tri đồng ý, nhưng nếu có nước thì anh sẽ không khát và sẽ không chết. Vậy là tôi sẽ chết, người lữ hành nói. Nếu anh uống nước thì không, nhà tiên tri trả lời.

Khi ngọn lửa bốc cao lên và không trung đầy tràn những khói cùng tàn tro quay quay, Dorrigo Evans lùi một bước. Cái mùi ngòn ngọt thấy muốn nôn. Anh kinh tởm nhận ra mình đang tứa nước dãi.

Hendricks Thỏ ngồi dậy giơ cả hai tay ra, cứ như muốn ôm lấy những ngọn lửa giờ đang đốt sạm khuôn mặt gã, rồi trong gã có cái gì nổ bụp mạnh đến mức cả đám phải nhảy lùi lại để khỏi bị những mẩu tre cháy và than hồng văng trúng. Giàn thiêu bằng tre biến thành một đống lửa càng lúc càng rừng rực, và cuối cùng Hendricks Thỏ cũng đổ nghiêng người, biến mất trong ngọn lửa. Nghe đùng một tiếng, một cái xác nữa lại nổ tung, tất cả thụp xuống tránh.

Anh Lớn đứng dậy, và chộp lấy một sào tre, anh giúp đội thiêu đẩy mấy cái xác vào chính giữa đống lửa, ở đó chúng sẽ thiêu đi chóng hơn và triệt để hơn. Hì hà hì hục, tất cả cùng chọc rồi bẩy rồi hất củi tre trở lại để tiếp thêm cho ngọn lửa không ngớt bùng lên, cùng đổ mồ hôi, phì phò thở, không ngừng tay, không muốn ngừng tay, chỉ muốn dìm mình trong lưỡi lửa phụt lên thêm vài giây phút nữa.

Khi tất cả đã xong chuẩn bị đi về, Dorrigo Evans nhận ra có thứ gì nằm trong mặt bùn. Quyển sổ vẽ của Hendricks Thỏ, hơi sém bên ngoài nhưng nhìn chung không suy suyển. Anh đoán nó đã bị sức đẩy từ vụ nổ nhỏ thổi bay ra ngoài giàn thiêu. Cái bìa giấy cứng đã mất, cùng vài trang đầu. Trang trên cùng bây giờ là ký họa Gardiner Đen ngồi trong cái ghế bành xa hoa đầy những chú cá nhỏ, uống cà phê giữa con phố tan tác trong cái làng Syria, mấy người khác đứng quanh sau lưng gã, có cả Burrows Hùm Đất cùng mấy cái cặp lồng. Hendricks Thỏ chắc đã đưa Hùm Đất vào tranh sau khi gã tan xác vì bom, Dorrigo nhận ra. Bức tranh ấy là tất cả những gì còn lại về gã.

Dorrigo Evans nhặt quyển sổ lên và toan đi lại vứt vào ngọn lửa, nhưng tới phút chót lại đổi ý.

Nguyễn An Lý dịch

(Tác phẩm đã được Nhã Nam mua bản quyền và sẽ được xuất bản trong thời gian tới.)

Chấm sao chút:

Đã có 0 người chấm, trung bình 0 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Website | Các bài viết khác

không biết viết ngắn