Ismaïl Kadaré, “Kim tự tháp” (trích)
Kim tự tháp là trụ cột nâng cao quyền lực. Nếu nó lung lay, mọi thứ sẽ sụp đổ.

Kim tự tháp là trụ cột nâng cao quyền lực. Nếu nó lung lay, mọi thứ sẽ sụp đổ.
Trong diễn đàn bàn Nobel người ta khuyến khích xem xét các ứng cử viên trên 70 tuổi vì tính tỉ lệ % cho thấy đây là lứa tuổi được trao Nobel nhiều nhất. Ismail Kadare đã 87. Nhà văn người Albania này là người đầu tiên được trao giải Booker Quốc tế. Năm 2020 ông được trao giải Neustadt mà vị thành viên của ban giám khảo đề cử ông đã nhận xét rằng: “Kadare là người kế tục Franz Kafka. Không ai kể từ Kafka đã đào vào cơ chế địa ngục của quyền lực toàn trị và tác động lên tâm hồn con người của nó ở một chiều sâu thôi miên nhiều như Kadare.” Còn Kadare thì viết: “Tôi trở nên quen thuộc với văn chương trước khi tôi biết tự do, vì thế chính văn chương đã dẫn tôi đến với tự do, chứ không phải ngược lại. Niềm tin vào văn chương và quá trình sáng tạo đem lại sự che chở.”
Nguồn gốc
Vất vả phục hồi một ý tưởng cũ
Vào một sáng cuối thu, khi chỉ mới lên ngôi vua Ai Cập được vài tháng, Cheops, vị tân Pharaoh, đã buột miệng nói rằng có lẽ ngài không muốn xây dựng kim tự tháp cho mình, tất cả những ai đã nghe ngài nói – chiêm tinh gia hoàng cung, một số quan đại thần cấp cao nhất, lão quân sư Userkaf của Cheops, và Thượng tế Hemiunu, người cũng kiêm chức tổng kiến trúc sư – đã chau mày như thể họ vừa hay tin một thảm họa.
Các triều thần tạm thời không nói gì mà chỉ quan sát long nhan với hy vọng nhìn thấy ở đó một nét mỉa mai, và rồi (như sau này từng người sẽ kể lại câu chuyện) họ bám vào hai chữ “có lẽ” mà Pharaoh đã lẩm bẩm để cố giữ bình tâm. Nhưng họ vẫn không thể suy đoán được gì qua sắc mặt của Cheops, và các triều thần này hy vọng rằng lời của ngài chỉ là một trong những tuyên bố phù phiếm mà các vị vua trẻ thốt ra để giải khuây trong bữa ăn trưa càng ngày càng đạm bạc. Chẳng phải mới mấy tuần trước ngài đã ra lệnh đóng cửa hai ngôi đền cổ xưa nhất Ai Cập đó sao? Rồi sau đó lại ban chiếu chỉ ra lệnh cấm dân Ai Cập từ nay về sau không được ham mê các tập tục cúng tế nữa?
Cheops cũng đang cố dò xét nét mặt của họ. Mắt ngài loé lên một ánh mỉa mai cứ như đang hỏi: Điều đó khiến các khanh khổ sở đến đến vậy ư? Cứ như không phải là kim tự tháp của ta mà là của các khanh! Hỡi thần Ra, hãy xem họ đã lộ rõ bộ mặt khúm núm, hèn hạ như thế nào! Trong những năm sắp tới khi ta già đi và tàn nhẫn hơn thì sẽ ra sao?
Không nói một lời, thậm chí không ban cho họ một cái nhìn, ngài đứng dậy bỏ đi.
Ngay khi còn lại mình họ, các triều thần lo lắng quay sang nhìn nhau. Chuyện gì thế này? họ thì thầm. Tai hoạ gì đây? Một vị đại thần ngã bệnh luôn và phải dựa vào thành bao lơn. Vị Thượng tế rưng rưng nước mắt.
Những luồng cát xoáy do gió khuấy tung lên đang lung linh ngoài kia. Với vẻ mặt hoang mang, họ nhìn những xoáy cát ấy vươn cao dần lên trời. Họ im lặng, và chỉ có ánh mắt dường như muốn nói: Ôi Bệ hạ ơi, ngài sẽ lên cao bằng cầu thang nào đây? Khi đến ngày đó, làm sao Bệ hạ có thể thăng thiên, để đến lượt ngài biến thành một tinh tú trên trời, như mọi Pharaoh khác? Làm sao Bệ hạ soi sáng cho chúng tôi đây?
Họ nói thì thầm với nhau, rồi đi mỗi người mỗi ngã. Có hai người trong nhóm đến gặp Khentkaus, mẹ của nhà vua; người khác đi tìm rượu uống; những người khôn lanh nhất lại đi xuống các gian hầm nơi lưu giữ cổ thư để tìm Ipu, người chép sách chột mắt.
Cho đến hết mùa thu ấy, không ai nhắc lại chuyện kim tự tháp, ngay cả trong buổi tiếp đãi các sứ giả, dịp mà Cheops, khi đã say, thường thốt ra những điều không thích hợp cho một vị vua nói đến trước mặt người ngoại quốc.
Những người mà ngài đã thổ lộ ý định đều nuôi hy vọng rằng đó chỉ là một lời nói đùa, đôi khi thậm chí còn nghĩ rằng có lẽ tốt hơn hết là đừng nhắc đến nó nữa, cứ như thể ý tưởng đó nếu không được khơi lại nữa thì tự nó sẽ chìm sâu dưới cát. Nhưng nếu đặt giả thuyết ngược lại thì điều này lại đáng sợ đến mức họ, suốt ngày đêm, không nghĩ gì khác ngoài cách tự chuẩn bị để đối phó với nó.
Một số người vẫn hết sức coi trọng Thái hậu, mặc dù không có bất kỳ dấu hiệu khích lệ nào từ nội cung của bà, trong khi phần lớn vẫn đeo đuổi việc nghiên cứu của họ trong các văn khố.
Càng đào bới tàng thư, công việc của họ càng thêm khó khăn. Rất nhiều thủ bản đã bị thất lạc, số khác bị hư hỏng, và ngay cả những cuộn giấy papyrus còn lại cũng có nhiều đoạn văn bị bôi xóa và đục bỏ, bên lề thường có ghi chú “Thừa lệnh Cấp cao” hoặc thực sự là không hề có ghi chú nào hết.
Tuy vậy, ngay cả những cuộn giấy bị cắt xén cũng cho biết được đủ loại thông tin liên quan đến mục đích tra cứu của họ. Hầu như có tất cả mọi thứ về kim tự tháp: những lăng mộ thời xưa được gọi là mastaba là tiền thân của các kim tự tháp sau này, lịch sử của kim tự tháp đầu tiên, cái thứ hai, cái thứ năm, những thay đổi liên tục của chúng, sự gia tăng kích thước mặt đáy và chiều cao của chúng, công thức ướp xác bí mật, những mưu toan cướp mộ đầu tiên, những kế hoạch nhằm ngăn chặn hành động báng bổ đó, đủ thứ chuyện về việc vận chuyển đá, về những khối đá hoa cương dùng để chặn các lối vào, những chiếu chỉ thăng cấp đốc công này hay đốc công kia lên cấp bậc này hay cấp bậc kia, những bản án tử hình, những bản phác hoạ hoặc là khó hiểu hoặc là được vẽ theo cách đặc biệt để không thể giải mã được, v.v.
Tất cả những điều đó nói chung đều đơn giản, nhưng mục đích chính cho việc nghiên cứu này vẫn tiếp tục ngoan cố lẩn tránh sự hiểu biết của họ giữa rừng giấy papyrus, mặc dù có lúc nó đã loé lên như nháy mắt với họ trước khi biến mất trở lại, giống như một con bọ cạp chạy trốn vào hang. Họ đang truy lùng cái ý tưởng đã dẫn tới việc hình thành kim tự tháp, cái lý do bí mật cho sự tồn tại của chúng: và đó chính là điều cứ luôn lẩn tránh họ. Điều đó chủ yếu được ẩn giấu trong những mảnh giấy papyrus đã bị xóa sạch và thỉnh thoảng nó chỉ xuất hiện trong thoáng chốc.
Trước đây họ chưa bao giờ buộc phải vận dụng trí tuệ đến thế cho nên họ nhức đầu vì công việc này. Nhưng cho dù mục đích của việc kiếm tìm vẫn mãi lẩn tránh, cuối cùng họ cũng tìm ra được những nét đại thể. Nếu không tìm thấy chính sự vật thì ít ra cũng có được cái bóng của nó.
Họ đã tranh luận rất lâu về mọi điều liên quan đến nó và họ kinh ngạc khi nhận ra là họ đã biết rõ từ lâu họ đang tìm kiếm cái gì rồi. Họ vốn vẫn luôn ngầm biết cái điểm chính yếu, cái nguyên tắc đầu tiên, cái lý do tồn tại của kim tự tháp, chỉ có điều là nó nằm trong tâm trí họ dưới dạng chưa hình thành ngôn ngữ, thực tế là ở trạng thái không suy nghĩ. Những thủ bản papyrus trong tàng thư chỉ thể hiện điều đó bằng từ ngữ và ý nghĩa. Trong chừng mực mà một cái bóng có thể bị che phủ.
“Đã rõ ràng hết cả rồi,” vị Thượng tế nói trong cuộc họp kín cuối cùng của họ trước buổi triều kiến Pharaoh. “Chúng ta đã biết cốt lõi của vấn đề là gì rồi, nếu không thì chúng ta đã không hoảng kinh đến thế khi Hoàng thượng thốt ra những lời mà tôi không muốn nhớ lại nữa.”
Hai ngày sau, với dáng vẻ nghiêm trọng và kiệt sức vì mất ngủ, họ được Cheops cho tiếp kiến. Pharaoh cũng tỏ vẻ nghiêm trọng chẳng kém. Trong một thoáng chốc, đầu họ loé lên một ý nghi ngờ không biết có phải nhà vua đã quên hết toàn bộ chuyện này và liệu có phải họ sắp làm một việc vô nghĩa hay chăng. Nhưng khi vị Thượng tế nói mấy lời: “Chúng thần đến để bàn luận về ý kiến mà Bệ hạ đã nêu liên quan đến việc xây kim tự tháp cho Bệ hạ,” thì Cheops không hề tỏ ra ngỡ ngàng hay ngạc nhiên, và thậm chí còn không buồn thốt lên: “Khanh muốn nói gì?”
Ngài chỉ khẽ gật đầu một cái có nghĩa là: “Ta nghe đây!” Thế là họ bắt đầu nói, vị Thượng tế nói trước, những người khác lần lượt tiếp nối.
Họ tường thuật lại một cách dài dòng và khó nhọc về tất cả những điều họ đã biết được qua việc đọc các cuộn giấy papyrus, không ngừng bị dày vò với ý nghĩ rằng họ có thể nói nhiều hơn hoặc ít hơn mức cần thiết. Họ nói về kim tự tháp đầu tiên được xây dựng bởi Pharaoh Zoser, chỉ cao 25 cubit, rồi nói về nỗi tức giận của Pharaoh Sekhemkhet, người đã quất vị kiến trúc sư của mình bằng roi ngựa khi các đồ án được trình ra, bởi vì kim tự tháp này có vẻ quá thấp so với ý thích của ngài. Xong họ nói cặn kẽ về những thay đổi trong các đồ án về sau, đặc biệt là của kiến trúc sư Imhotep, và nói về các đường ăn thông, phòng an táng, những lối đi bí mật và những khối đá granit chặn các lối vào, về ba kim tự tháp mà Seneferu đã xây dựng, một trong số đó có cạnh dài gần năm trăm cubit và cao ba trăm cubit, tầm cỡ mà ta có thể gọi là ngoạn mục thực sự.
Với mỗi con số trích dẫn ra, họ đều chờ đợi sẽ bị Cheops ngắt lời – những chi tiết đó có ý nghĩa gì với ta! – và họ trông mong điều đó đến mức khi thấy mình không hề bị ngắt lời, vị Thượng tế khản giọng nói thêm: “Có lẽ Bệ hạ đang thắc mắc. Tất cả những sự việc này có liên quan gì tới ta? Và Bệ hạ quả là sáng suốt… Có lẽ những điều này đúng là không cần thiết đối với Bệ hạ, nhưng chúng chỉ nhằm giới thiệu cốt lõi của vấn đề mà thôi.”
Được khuyến khích bởi sự im lặng của quốc vương, họ đã nói dông dài còn nhiều hơn những gì họ đã biết trước về mặt cơ bản của vấn đề này. Thao thao bất tuyệt, họ giải thích rằng, theo nghiên cứu của họ, và mặc dù các kim tự tháp đúng là những nơi an táng nguy nga, nhưng ý tưởng xây dựng chúng ngay từ đầu lại không hề có mối liên hệ nào với lăng mộ hay cái chết. Nó đã tự động nảy sinh, nghĩa là độc lập với hai khái niệm kia, và sự liên kết với lăng mộ hay cái chết chỉ là chuyện tình cờ.
Lần đầu tiên nét mặt Cheops co giật bộc lộ một dấu hiệu của sự sống. Trước sự vui mừng tột độ của họ, ngài gật đầu và lẩm bẩm: “Lạ quá!”
“Đúng vậy,” vị Thượng tế nhấn mạnh. “Bệ hạ sẽ thấy nhiều điều chúng thần sắp nói ra đều có vẻ lạ lùng đối với Bệ hạ.”
Thượng tế hít một hơi thật sâu đến nỗi hai lá phổi già cỗi hết sinh khí của ông ta phát nhức nhối.
“Ý tưởng về các kim tự tháp, thưa Bệ hạ, được nảy sinh trong thời kỳ khủng hoảng.”
Vị Thượng tế hiểu rõ tầm quan trọng của việc tạm ngừng lời giữa các câu nói. Những chỗ ngừng ấy làm tăng thêm trọng lượng và sự cao cả cho những ý nghĩ, cũng như lớp màu tô đậm trên mí mắt phụ nữ làm tăng thêm vẻ bí ẩn trong cái nhìn của họ.
“Như vậy là lúc đó đang trong thời kỳ khủng hoảng,” lát sau ông ta nói tiếp. “Quyền lực của Pharaoh, như sử sách chép lại, vốn đã suy yếu. Điều này có lẽ không phải là một hiện tượng mới mẻ. Những cuộn giấy papyrus cổ ghi đầy những biến cố định mệnh như vậy. Điều mới mẻ vào lúc đó lại là một điều khác hẳn. Nguyên do của cuộc khủng hoảng đúng là chưa từng được biết đến, kỳ lạ và thực sự không hiểu nổi. Một nguyên do rất xảo trá, chưa từng có: khủng hoảng lúc đó không phải do nghèo đói, do lũ lụt chậm trễ của sông Nile, hay do dịch bệnh như các trường hợp thông thường trước đó gây ra, mà trái lại, do sự dư thừa.”
“Do sự dư thừa,” Hemiunu lặp lại. “Nói cách khác, bởi sự thịnh vượng mà ra.”
Cheops nhướn mày. Một góc mười hai độ, vị tổng kiến trúc sư lưu ý. Mười lăm . . . Cầu trời phù hộ chúng ta! Ông tiếp tục:
“Ban đầu, để hiểu được nguyên do này quả là vô cùng khó khăn. Nhiều bộ óc cao minh, nhiều người được Pharaoh tin cậy, những người đầu tiên giải thích nguyên do, đã được ban thưởng cho phát hiện đó bằng cái chết hoặc bị đày ải. Nhưng lời giải thích mà họ đưa ra cho cuộc khủng hoảng đó – là sự thịnh vượng, khi làm cho dân chúng trở nên độc lập, tự do hơn trong tư tưởng, thì cũng khiến họ có thêm khả năng kháng cự lại uy quyền nói chung và quyền lực của Pharaoh nói riêng – điều lý giải đó từ từ chiến thắng mọi lời phản đối đã nảy sinh từ đầu và dần dần tự nó đã khẳng định. Tới một lúc nào đó, ai ai cũng có chung quan điểm rằng cuộc khủng hoảng này nghiêm trọng hơn bất kỳ cuộc khủng hoảng nào xảy ra trước đó. Vẫn còn một câu hỏi chưa có lời đáp: Làm sao tìm ra cách giải quyết?
“Pharaoh đã cử vị pháp sư – chiêm tinh gia Sobekhotep đi vào sa mạc Sahara để suy ngẫm về vấn đề này trong sự cô độc hoàn toàn. Bốn mươi ngày sau, ông ta trở về với thân thể héo hon, như thực tế đã xảy ra với hầu hết những người đi giao tiếp với sa mạc để mang về những lời truyền báo của nó. Lời truyền báo của sa mạc đáng sợ hơn những gì có thể tưởng tượng: điều phải làm là trừ khử sự thịnh vượng.
“Vị Pharaoh ấy, và sau đó là toàn bộ hoàng cung, đắm chìm trong những suy nghĩ sâu xa. Phá hủy sự thịnh vượng? Nhưng bằng cách nào? Lũ lụt, động đất, làm cho sông Nile khô cạn tạm thời, những ý tưởng như vậy lướt qua tâm trí họ, nhưng không một ý tưởng nào trong số đó nằm trong quyền lực của họ. Chiến tranh ư? Đó là con dao hai lưỡi và có thể có tác dụng ngược, nhất là trong hoàn cảnh mà họ đang lâm vào. Vậy phải làm sao đây? Hoàn toàn không làm gì cả để đương đầu với một hiểm hoạ lớn lao như thế là không thể được rồi. Bằng cách này hay cách khác, họ sẽ phải nghe theo tiếng nói của sa mạc, nếu không họ có nguy cơ đâm đầu vào thảm họa.
“Có tin đồn rằng chính Reneferef, người hộ giá hậu cung, đã có đề xuất kỳ quặc là phải tìm một kỹ thuật nào đó có thể làm cạn kiệt phần nào tài sản của Ai Cập. Các sứ thần phục vụ tại các xứ sở phương Đông đã báo cáo về các công trình dẫn nước khổng lồ ở Lưỡng Hà, với quy mô vượt trội so với sản lượng kinh tế của xứ này, nghe nói thế. Nếu đúng như vậy, và có lẽ là vậy, thì Ai Cập cũng cần tìm ra một phương cách nào đó để tiêu hao năng lực dư thừa của dân số. Phải khởi động những công trình càng khổng lồ ngoài sức tưởng tượng càng tốt, để làm kiệt quệ, để vắt kiệt dân chúng. Nói tóm lại, một thứ gì đó làm kiệt sức, một thứ có thể hủy hoại thể xác và tâm hồn mà không hề có khả năng sinh lợi gì. Hay nói chính xác hơn là một kế hoạch vừa vô dụng đối với thần dân vừa tối cần thiết đối với nhà nước.
“Các đại thần của Pharaoh lúc bấy giờ nghĩ ra nhiều ý tưởng khác nhau: đào một cái hố sâu vô tận trong lòng đất, hướng tới cổng địa ngục; một thành lũy bao quanh toàn bộ Ai Cập; một thác nước nhân tạo… Nhưng cho dù có lấy cảm hứng từ những tư tưởng cao cả, yêu nước hay thần bí thì ý tưởng nào cũng đều bị Pharaoh bác bỏ. Tường thành đến một ngày nào đó sẽ kết thúc, và cái hố trong lòng đất, vì nó không có đáy, sẽ khiến người dân nổi giận. Phải tìm ra một thứ khác, một cái gì đó sẽ khiến dân chúng bận rộn cả ngày lẫn đêm đến mức họ đâm quên lãng hết. Nhưng về nguyên tắc, nó phải là một công trình có thể làm xong mà không bao giờ hoàn tất. Tóm lại, một công trình tự thân nó không ngừng đổi mới. Và là một thứ mà người ta sẽ thực sự nhìn thấy được.
“Như các cổ thư papyrus đã xác nhận, vị Pharaoh ấy cùng các đại thần dần dần nảy ra ý tưởng về một lăng tẩm vĩ đại. Một ngôi mộ khổng lồ.
“Vị Pharaoh bị ý tưởng này mê hoặc. Như vậy, công trình xây dựng chính yếu của Ai Cập sẽ không phải là đền thờ hay cung điện mà là một lăng mộ. Theo thời gian Ai Cập sẽ tự đồng nhất với ý tưởng này và cả hai sẽ là một, không thể tách rời.
“Các nhà hình học đã đệ trình nhiều bản phác hoạ công trình với nhiều hình dạng khác nhau rồi cuối cùng mới tập trung vào hình dạng kim tự tháp.
“Kim tự tháp có tất cả những đặc điểm cần thiết. Nó dựa trên một ý tưởng hoàn toàn siêu phàm: Pharaoh và cái chết, hay chính xác hơn là việc ngài thăng thiên về trời. Hình dáng này ai cũng nhìn thấy được, thực sự là có thể nhìn thấy từ rất xa. Lập luận thứ ba và có tính chung quyết thuận lợi cho nó: về bản chất, kim tự tháp vừa hữu hạn vừa vô hạn. Mỗi Pharaoh sẽ có kim tự tháp riêng, cho nên khi một thế hệ chưa kịp hết mệt nhọc và u mê vì chuyện xây dựng thì một vị Pharaoh mới, với kim tự tháp riêng cần phải xây, sẽ bắt dân chúng làm nô dịch một lần nữa. Và cứ thế, không chút thương xót, đến vô tận…”
Thượng tế Hemiunu dừng lời lâu hơn trước.
“Và vì vậy, thưa Pharaoh,” ông ta lại nói tiếp, “một kim tự tháp, trước khi phục vụ thế giới bên kia, đã có một công dụng ở cõi đời này. Nói cách khác, trước khi được thành hình cho linh hồn, nó được thành hình cho thân xác.”
Ông ta lại im lặng, rồi hít một hơi dài trước khi nói với nhịp điệu chậm rãi hơn.
“Trước hết, thưa Bệ hạ, kim tự tháp chính là quyền lực. Nó là sức mạnh đàn áp, và sự giàu có. Nhưng đó cũng là thế lực thống trị đám tiện dân; thu hẹp tâm trí của chúng; làm suy yếu ý chí của chúng; là sự buồn tẻ; và lãng phí, ôi Pharaoh, nó là người bảo vệ đáng tin cậy nhất của ngài. Mật vụ của ngài. Quân lực của ngài, hạm đội của ngài. Hậu cung của ngài. Kim tự tháp càng cao thì thần dân của ngài sẽ càng có vẻ nhỏ bé hơn. Và thần dân của ngài càng nhỏ bé thì thưa Bệ hạ, ngài càng vươn cao đến tột cùng.”
Hemiunu hạ giọng nói khẽ khàng hơn nữa, nhưng trong lòng ông ta tin chắc rằng khi giọng mình trầm lắng xuống thì lời lẽ của ông càng trở nên rõ ràng và đầy sức đe dọa hơn.
“Kim tự tháp là trụ cột nâng cao quyền lực. Nếu nó lung lay, mọi thứ sẽ sụp đổ.”
Hemiunu phác tay ra dấu một cách bí hiểm, và ánh mắt ông ta bỗng thất thần như thể đã thực sự nhìn thấy một bãi hoang tàn.
“Vì vậy, thưa Pharaoh, xin đừng nghĩ đến việc thay đổi truyền thống… Ngài sẽ sụp đổ và lôi chúng thần theo cùng.”
Hemiunu lại phác tay ra dấu lần nữa và nhắm mắt lại như để ngụ ý là ông ta đã nói xong.
Những người khác cũng nói những điều tương tự với cùng giọng điệu ai oán đó. Có người lại nhắc đến các kênh đào vùng Lưỡng Hà, nếu không có chúng thì vương quốc Akkad-Sumer đã tan nát từ lâu. Một người khác nói thêm rằng kim tự tháp cũng là ký ức trường tồn của Ai Cập. Một ngày nào đó, theo thời gian, mọi thứ khác sẽ dần tan biến. Giấy papyrus và mọi vật dụng hằng ngày sẽ cũ đi, bao cuộc chiến tranh, nạn đói, dịch bệnh, những đợt lũ lụt chậm trễ của sông Nile, các liên minh, chiếu chỉ, việc tai tiếng trong hoàng cung, tất cả sẽ bị lãng quên, và chỉ có mỗi kim tự tháp cao vời, kim tự tháp mà không sức mạnh nào, không thời đại nào có thể có chôn vùi, phá hỏng, hay làm mục rữa được, vẫn sừng sững trong sa mạc, như chính đặc điểm của nó, vĩnh viễn cho đến ngày tận thế, “Điều này vốn đã như vậy rồi. Thưa Bệ hạ, và nó phải luôn như vậy. Hình dạng của nó cũng không phải là tùy ý áp đặt. Đó là một hình dạng thiêng liêng do chính Thượng Đế đã gợi ý cho các nhà hình học cổ xưa. Ngài hiện diện trong mọi thành phần của nó, ở tột đỉnh, tối cao, chót vót, nhưng cũng hiện diện trong từng khối đá vô danh nâng đỡ ngài, dính chặt vào nhau, sát kề nhau, thưa Bệ hạ.”
Mỗi lần họ nhắc tới hình dáng cụ thể của công trình này, họ lại ám chỉ đến khả năng sụp đổ toàn bộ. Cheops bèn nhớ lại buổi sáng mùa thu ấy khi ngài nghĩ rằng vẻ sửng sốt của các triều thần khi nghe nói ngài không muốn xây kim tự tháp chỉ là một biểu hiện cho thói khúm núm của họ. Bây giờ ngài đã thấy mình sai lầm đến mức nào. Nỗi lo lắng của họ lâu nay đúng là thành thật. Từ đó, Cheops tin chắc rằng kim tự tháp này sẽ không chỉ là chuyện của riêng ngài mà cũng là chuyện của họ nữa, hệ trọng chẳng kém, nếu không muốn nói là hơn.
Ngài giơ tay phải lên để họ biết rằng ngài muốn kết thúc buổi triều kiến.
Nôn nao, lo lắng, họ lắng nghe lời phán xét ngắn gọn, khô khan và điềm tĩnh của Pharaoh.
“Hãy xây dựng đi. Một kim tự tháp cao hơn hết thảy. Một kim tự tháp uy nghi nhất trần đời.”
Đăng Thư dịch
Nguyên tác tiếng Albani Pluhubi mbreteror, dịch theo bản tiếng Anh The Pyramid của David Bellos, Arcade Publishing – 1996
Chấm sao chút:
Đã có 3 người chấm, trung bình 5 sao.
Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3