Mia Couto, “Mộng du địa” (trích)
Cuộc đời mở mắt qua những giấc mơ và chúng tôi đã bị mù.

Cuộc đời mở mắt qua những giấc mơ và chúng tôi đã bị mù.
Có một vài giải thưởng văn chương rất danh giá xong lại hay bị so sánh khiến ấm ức vô ngần: “phòng chờ Nobel”, chẳng hạn như giải Neustadt. Bao vị tai to mặt lớn đã được Neustadt ngó trước, rồi Nobel mới cun cút theo sau: Octavio Paz, Czesław Miłosz, Tomas Tranströmer. Mia Couto, nhà văn Mozambique viết bằng tiếng Bồ Đào Nha, được Neustadt từ hồi 2014. Hẳn nhiên, trong các cuộc cá cược Nobel hằng năm, tên ông đều hiện diện. Tác phẩm của Couto đã được dịch ra hơn 20 tiếng trên thế giới. Tờ New York Times bảo, “Lời của Mia Couto giúp dệt nên lịch sử Mozambique.” Trong xê ri rượt Nobel năm nay, Zlog xin giới thiệu trích đoạn cuốn tiểu thuyết đầu tay của Couto, Mộng du địa, viết về một đất nước sau nội chiến đầy tang tóc, tác phẩm được bình chọn là một trong những tiểu thuyết xuất sắc nhất của văn học châu Phi thế kỷ 20.
Người ta bảo rằng có một nơi gọi là mộng du địa. Bởi ở nơi đó, khi con người đi ngủ, vùng đất sẽ trôi dần qua không gian và thời gian. Khi thức dậy, họ phải nhìn lại quang cảnh quanh mình và biết rằng sự huyền diệu của mộng đã ghé thăm họ trong đêm.
Niềm tin của các cư dân Matimati
Điều gì khiến những con đường đi mãi? Chính là những giấc mơ của chúng ta. Miễn là con người còn mơ, con đường còn sống và đi. Đó là lý do chúng tồn tại: giành lấy tương lai cho giống loài chúng ta.
Tuahir
Có ba kiểu người:
Người sống, người chết, và người đi trên biển.
Plato
CHƯƠNG I: TỬ LỘ
Vì chiến tranh, con đường và quang cảnh xung quanh đều chìm trong vẻ chết chóc. Những con linh cẩu nằm phủ phục dọc con đường, đánh hơi con mồi giữa tro tàn và bụi bặm. Toàn bộ vùng đất mang vẻ thê lương chưa từng có, với những sắc màu thường thấy trong vòm miệng con người. Những mảng màu bẩn thỉu, mất hết sinh khí và không còn chút tinh thần nào để cất cánh bay tới những nơi xa xôi chưa biết. Bầu trời ở đây thật ngoài sức tưởng tượng. Mọi sinh vật đã quá quen với mặt đất, nơi chúng nằm dài và tập chấp nhận cái chết.
Con đường trước mắt chúng ta trải dài một đường thẳng tắp, thẳng hơn cả quãng thời gian hàng trăm năm và một mình gánh lấy sức nặng của mọi khoảng cách. Dọc theo vệ đường, những chiếc xe cháy rụi, phần còn lại sau những vụ cướp bóc, đang phân hủy. Trên những đồng cỏ hoang xung quanh, chỉ có những cây bao báp nở hoa đứng trầm ngâm.
Một ông già và một cậu bé đang đi bộ trên đường. Họ lảo đảo, như thể vẫn luôn viễn du từ khi sinh ra. Họ đến nơi không thể rời bỏ, đi tới bờ kia của hư vô và sẵn sàng đón nhận mọi điều sẽ đến. Chạy trốn cuộc chiến tranh tàn phá ô uế cả đất nước mình, họ đi với ảo tưởng rằng đâu đó ngoài kia sẽ có một thiên đường tĩnh lặng. Hai đôi chân trần, màu quần áo đã hòa lẫn màu đường. Ông lão tên là Tuahir, gầy gò và có vẻ đã mất hết xương thịt. Cậu bé là Muidinga. Nó cứ đâm đầu đi thẳng mãi như thế từ khi nó rời trại tị nạn. Dáng đi hơi khập khiễng khá rõ, một chân của nó lê lết sau mỗi bước đi. Chút hậu quả sót lại của một trận ốm mới đây khiến nó suýt chết. Chính ông lão Tuahir đã nhặt nó về khi tất cả mọi người đều đã bỏ mặc nó. Thằng bé này đã không còn quê hương; toàn bộ cái đầu nó đang chảy dịch. Ông lão dạy lại mọi thứ từ đầu cho nó: đi đứng, nói năng, nghĩ ngợi. Muidinga lại trở về làm một cậu bé, nhưng tuổi thơ thứ hai nhanh chóng biến thành một cuộc sinh tồn. Vừa mới bắt đầu hành trình, thằng bé thường hát hò, vui vẻ tự giải trí cho mình. Nhưng đồng hành cũng nỗi cô độc, bài hát của thằng bé rốt cuộc cũng tự thoát khỏi nó. Hai người lữ hành hòa vào con đường, héo mòn và không còn hy vọng.
Bây giờ, Muidinga và Tuahir đang dừng trước một chiếc xe bus cháy rụi. Trao đổi vài câu và bất đồng ý kiến. Thằng bé vứt túi của nó xuống đất, một lớp bụi bay lên. Ông lão bực mình nói với nó:
“Ta bảo này nhóc, chúng ta sẽ nghỉ lại luôn ở đây, chính chỗ này.”
“Ở đây? Trong một cái xe bus cháy rụi?”
“Nhóc thì biết gì. Đã cháy rụi rồi thì chắc chắn sẽ không thể cháy được nữa.”
Muidinga vẫn không tin. Nó nhìn ra đồng cỏ, mọi thứ như nhòa cả đi. Ở vùng đất đã chẳng còn sự sống, bạn sẽ chẳng còn quan tâm đến chuyện đúng hay sai nữa. Vì lẽ đó, nó cũng chẳng cự nự thêm. Nó đi bộ quanh chiếc bus. Chiếc xe này ngáng ngang đường bọn họ, một nửa nằm trên lòng đường, nửa sau đã bẹp dí vì đâm vào cây bao báp khổng lồ. Muidinga tựa vào thân cây và nói:
“Nhưng nghỉ ở giữa đường thế này chả nguy hiểm hơn à, ông Tuahir? Trốn trong bụi cây thì tốt hơn chứ?”
“Không hề. Ở đây ta sẽ quan sát được những kẻ qua đường. Thế mà không hiểu à?”
“Ông thì cái gì chả biết.”
“Khỏi phàn nàn về ta. Chính nhóc là đứa đầu sỏ nhé, đứa nào muốn đi tìm bố mẹ hả?”
“Vầng, nhưng kẻ qua đường ở đây thì chỉ có bọn cướp thôi.”
“Nếu gặp cướp thì chúng ta sẽ giả chết. Giả vờ là chúng ta chết cùng với cái xe này.”
Họ trèo vào trong xe. Những xác cháy đen vẫn rải đầy lối đi và ghế ngồi. Muidinga không muốn đi tiếp. Ông lão đi dọc lối đi trên xe, kiểm tra mọi xó xỉnh ngóc ngách có thể.
“Những người này thật sự là bị thiêu chín đấy. Nhìn họ bị teo tóp hết cả thế này. Có vẻ lửa thích biến chúng ta về làm trẻ con.”
Tuahir ngồi xuống một chiếc ghế ở phía sau, nơi lửa còn chưa lan đến. Thằng bé vẫn đang phát khiếp. Tuahir an ủi nó:
“Thôi, sợ gì, những người chết đều được lửa tẩy rửa sạch rồi mà.”
Muidinga chầm chậm bước tới, cẩn thận từng li từng tí. Cái chết đã làm ô uế nơi này. Phải mất đến nghìn buổi lễ mới thanh tẩy được cái xe bus mất.
“Đừng bày ra cái vẻ mặt thế chứ nhóc! Nhìn họ với ánh mắt ghê tởm như thế là làm họ thấy xúc phạm đấy.”
Muidinga đặt túi xuống một cái ghế. Nó cũng ngồi xuống và xem xét cái góc xe còn lành lặn. Góc này vẫn còn trần xe, mấy ghế ngồi và tay vịn. Ông lão đã nằm thẳng cẳng xuống mấy cái ghế còn lại, bất động. Hai mắt vẫn nhắm, ông uể oải cất giọng:
“Bóng râm ở những chỗ như thế này thật thích. Ta chưa nghỉ ngơi chút nào từ lúc chúng ta rời trại. Nhóc không muốn náu vào chỗ râm một tí à?”
“Hay chúng ta chuyển mấy cái xác ra ngoài đi?”
“Sao phải thế? Thấy mùi à?”
Thằng bé không trả lời ngay, nó ngoảnh mặt nhìn qua ô cửa sổ đã vỡ. Lão Tuahir vẫn kiên quyết nằm thẳng nghỉ ngơi. Họ chưa từng nghỉ chân một lần nào kể từ khi rời trại tị nạn. Muidinga vẫn đang quay lưng lại với lão. Tất cả những gì lão nghe được là tiếng hơi thở, dần dần biến thành tiếng thổn thức. Rồi thằng bé lại thì thầm lời khẩn cầu của nó: dọn sạch cái xe.
“Xin chú đấy, chú Tuahir. Cứ phải sống giữa những người chết làm cháu mệt mỏi phát chán rồi.”
Ông lão vội vàng sửa lời nó: “Tao không phải chú của nhóc nhé!” và dọa nó: “Đừng có thân thiết quá, nhóc con ạ!”
“Nhưng theo truyền thống thì vẫn gọi thế mà!” Muidinga phân trần.
“Tao không thích nhóc gọi tao thế.”
“Thế cháu hứa cháu sẽ không bao giờ gọi là chú nữa!”
“Còn nữa, sao tự dưng nhóc lại muốn đi tìm bố mẹ vậy hả?”
“Cháu đã nói hàng trăm lần rồi còn gì.”
“Tao không hiểu. Nhưng để tao bảo cho nhóc biết một điều: bố mẹ nhóc sẽ không muốn gặp nhóc đâu, kể cả còn sống.”
“Tại sao ạ?”
“Chiến tranh thế này trẻ con là gánh nặng phiền phức, gây ra bao vấn đề ấy chứ.”
Họ cùng ra ngoài để chôn mấy cái xác. Họ đào một hố lớn ở gần đấy cho đỡ tốn sức. Trên đường quay lại xe, họ lại nhìn thấy một thi thể nữa. Cái xác nằm sấp ngay bên lề đường, không phải chết cháy mà là bị bắn. Chiếc áo thấm đẫm máu đến nỗi không nhìn ra màu áo ban đầu là gì. Cạnh cái xác là một chiếc vali, bị khóa, còn nguyên vẹn. Tuahir đưa chân đá đá thăm dò cái xác, và lục lọi một lượt các túi trong vô vọng: có người đã soát trước họ rồi.
“Chà, gã này không có mùi này. Thế tức là chúng tấn công chiếc bus cũng chưa lâu đâu.”
Muidinga rùng mình. Hóa ra thảm kịch này mới xảy ra thôi à. Linh hồn người chết chắc vẫn quanh quẩn đâu đây, nhưng lão Tuahir có vẻ thờ ơ với thế giới xung quanh. Họ cùng chôn cái xác cuối cùng. Chưa bao giờ nhìn mặt người ấy. Họ kéo anh ta nguyên tư thế ban đầu, hàm răng tạo thành một đường trên mặt đất. Lấp hố xong, ông lão đem chiếc vali lên xe và cố gắng mở nó, nhưng không được. Ông gọi Muidinga tới giúp:
“Mở ra đi, xem có gì bên trong.”
Họ cạy khóa, rất vội vàng. Bên trong chiếc vali là quần áo, một hộp thức ăn, và trên cùng, những tập vở bung gáy, vương vãi, nguệch ngoạch những chữ cái khó nhìn. Tuahir nhấc hộp thức ăn ra còn Muidinga lấy tập vở.
“Xem này, Tuahir, là thư.”
“Ta chỉ quan tâm đến đồ ăn thôi nhóc.”
Thằng bé đảo tìm trong đống đồ còn lại. Đôi tay háo hức lục khắp bốn góc vali. Ông lão nhắc nhở nó: tốt nhất là để nguyên mọi thứ và đóng nắp vali lại.
“Lấy đống giấy ra thôi. Để nhóm lửa cũng tốt đấy.”
Cậu nhóc cầm đống thư ra và đặt dưới ghế của mình. Có vẻ nó không muốn hy sinh chỗ thư đó để nhóm lửa. Cậu ngồi yên, chìm trong suy nghĩ của riêng mình. Trong khi đó, ngoài kia, mọi thứ dần chìm trong màn đêm. Một màu đêm sâu thẳm tịch mịch ngự trị không gian, tối đặc và đen kịt. Muidinga nhìn bầu trời tối tăm mà rùng mình. Màu đen sâu và đặc đến mức cả bầy quạ cũng không rỉa hết được. Tất cả bóng tối của trái đất như thể đều đã đổ ụp lên nơi này. Nỗi sợ giong cờ gióng trống trong ngực khi cậu nằm xuống, cuộn mình lại thật chặt như con rết. Chiếc xe chìm vào yên lặng, tất cả là một sự tịch mịch thâm nghiêm.
Lát sau, có tiếng thút thít rất khẽ vang lên. Muidinga đang khóc. Ông lão bật dậy, cáu.
“Đừng có khóc nữa!”
“Cháu buồn đến nỗi thấy đau…”
“Khóc như thế là gọi vong đến đấy biết không hả. Trật tự ngay không là tao cho nỗi buồn của nhóc một trận nên thân đấy.”
“Chúng ta sẽ không bao giờ thoát khỏi được nơi này.”
“Không đâu. Một ngày nào đó, sẽ có điều xảy tới. Cuộc chiến này sẽ kết thúc. Con đường này sẽ lại tấp nập người và xe. Như ngày xưa.”
Giờ bình tĩnh lại, ông lão vòng tay ôm lấy vai cậu bé và hỏi:
“Mày sợ đêm tối hả?”
Muidinga gật đầu.
“Vậy ra ngoài nhóm lửa.”
Cậu nhóc đứng lên và thu dọn đống giấy, chỉ sợ làm rách chúng. Cuối cùng, cậu xé bìa của một cuốn, dùng nhóm lửa. Cậu ngồi xuống bên đống lửa, sắp xếp lại đống sách theo trật tự và bắt đầu đọc. Cậu nấn ná ở từng chữ, nhìn theo từng nét cong, mỉm cười và hài lòng với chiến lợi phẩm của mình. Cậu dần quen với nó và đọc nhanh dần.
“Đang làm gì thế nhóc?”
“Cháu đọc.”
“Ờ. Tất nhiên rồi. Tao quên mất đấy. Nhóc biết đọc. Chà, đọc to lên xem nào, xem tao có nghe mà ngủ được không.”
Cậu nhóc đọc thành tiếng. Hai mắt mở lớn hơn cả giọng đọc, khi cậu chầm chậm và cẩn thận giải mã từng chữ. Chỉ đến lúc này cậu mới nhớ ra đọc là chuyện như thế nào. Lão Tuahir vô tri trong chuyện chữ nghĩa, bấy lâu nay vẫn chưa đánh thức khả năng đọc của cậu.
Giọng đọc của Muidinga như gọi ánh trăng tụ lại, dần dần dâng đầy trong màn đêm. Tắm trong ánh sáng bạc, con đường cũng nằm lắng nghe câu chuyện dần dần mở ra từ cuốn sách:
Tôi muốn đặt thời gian…
GHI CHÉP CỦA KINDZU -1
Khi thế giới còn trẻ như ta
Tôi muốn đặt thời gian vào trật tự phẳng lì của nó, với mọi ngắt quãng và biến động, nhưng những ký ức của tôi không chịu nghe lời, nó không dám chắc muốn tan biến vào hư không hay muốn kéo tôi khỏi hiện tại. Tôi nhen nhóm một câu chuyện và tự nhấn chìm mình. Khi viết xong những dòng này, tôi sẽ lại trở về làm một chiếc bóng lặng câm.
Tên tôi là Kindzu. Đấy cũng là tên một loài cọ gầy gò nhỏ bé, đứng nghiêng ngả dọc bờ biển. Ai mà không biết chúng chứ, loài cây dường như luôn nhớ nhung mặt đất và hối hận vì cao lên. Bố chọn cho tôi cái tên đó là để tỏ lòng với sở thích duy nhất của ông: uống sura, loại rượu cọ trứ danh của chúng tôi. Ông ấy là thế đấy, lão ngư dân đơn độc Taímo của tôi. Lúc đầu bố còn thực sự đợi thời cơ làm rượu cho chuẩn chỉnh, vì ông cụ đam mê cái việc bị cấm là nấu và chưng cất rượu. Sau dần ông cụ kệ thây: cắt luôn mầm cọ và nằm ngửa ra, miệng há to, đợi từng giọt rơi xuống cái bát trời ban. Như thế chẳng cảnh sát nào dám bóp họng ông: ông có chưng rượu đâu nào. Và lời khuyên của ông cụ để sống một đời vui vẻ là gặm xoài cả vỏ.
Trong khi làm tất cả những việc trên, ông sẽ gọi chúng tôi lại nghe ông dông dài. Những câu chuyện của ông khiến mảnh đất nhỏ của chúng tôi rộng ra rộng ra mãi cho đến khi nó vượt qua cả thế giới này. Không câu chuyện nào của ông có hồi kết, chỉ có cơn buồn ngủ khiến giọng ông nhỏ dần trước khi hồi kết đến. Chúng tôi xúm lại dìu cơ thể nặng nề của ông cụ nhưng không để ông cụ nằm trong nhà. Ổng không thích nằm giường tạm bợ. Lý lẽ của ông cụ là thần chết sẽ bắt ta đi khi ta chăn ấm đệm êm quá. Giường của ông cụ là mặt đất bằng phẳng, kiểu giường mà nước mưa cũng rất thích nằm. Chúng tôi sẽ chỉ dựng ông dựa lên bức tường ngoài nhà. Cứ thế ông cụ ngủ được đến sáng. Hôm sau chúng tôi thấy người ông cụ đầy kiến. Có lẽ lũ kiến đó cũng thích những giọt mồ hôi ngọt như đường trên người ông. Ông cụ còn thậm chí chẳng thấy buồn khi kiến cứ bò lổm ngổm trên da như thế.
“Trời! Mồ hôi ta còn nhiều hơn dầu cọ mất!”
Tỉnh ngủ là ông cụ lại nói mấy câu buồn cười kiểu đấy. Chúng tôi sẽ xua sạch lũ côn trùng không biết mệt mỏi kia khỏi người ông, còn ông cũng xua chúng tôi đi, không quen với sự quan tâm và chú ý mà ông nhận được.
Bố tôi khổ sở vì những giấc mơ. Ông cụ thường mở hai mắt trừng trừng mà đi vào màn đêm. Vì bố nằm ngoài trời, chúng tôi không để ý, nhưng sáng hôm sau, mẹ gọi chúng tôi lại:
“Lại đây! Hôm qua bố lại nằm mơ đấy!”
Và thế là chúng tôi lại tụ tập quanh bố, nghe những chân lý vừa được tiết lộ cho người. Taímo của tôi biết trước tương lai nhờ tổ tiên mách bảo. Ông cụ nói ra nhiều tiên đoán đến nỗi chúng tôi chẳng có thời gian kiểm chứng xem liệu có cái nào đúng là thật không. Tôi luôn tự hỏi những viễn kiến ấy liệu được bao phần thật, khi ông cụ đã quen kể chuyện như cái máy quay tơ không ngừng.
“Nhớ lời bố,” mẹ nhìn và nhắc chúng tôi.
Và cứ thế thời gian đem tuổi thơ của chúng tôi đi. Những năm tháng ấy, mọi thứ đều có một ý nghĩa: logic của thế giới này không cần lời giải thích khi đến thế giới khác. Cầu nối giữa hai thế giới ấy là mấy cụ già. Tôi nhớ một ngày bố gọi chúng tôi lại, có vẻ như thể lại là một buổi tụ họp để nghe kể về màu sắc và tầm vóc giấc mơ của ông. Nhưng không. Lần này, ông cụ mặc vét, đeo cà vạt và đi giày thắt dây đàng hoàng. Giọng hơi cường điệu nhưng vững vàng. Ông cụ tuyên bố: đất nước đã độc lập. Lúc đó chúng tôi không hiểu ý nghĩa thực sự của tuyên bố này, nhưng trong giọng nói khi ấy của ông cụ có một niềm xúc động sâu sắc làm chúng tôi cảm thấy như thể mọi giấc mơ của ông đã thành hiện thực. Ông gọi mẹ tôi lại, chạm vào chiếc bụng căng tròn như trăng rằm của mẹ, và nói:
“Đứa bé này sẽ tên là Hai lăm tháng Sáu.”
Hai lăm tháng Sáu là cái tên quá dài. Cuối cùng, anh bạn nhỏ ấy được gọi ngắn gọn là Sáu, hay kiểu yêu thương trìu mến là Xíu. Mẹ tôi không sinh thêm em nào nữa. Xíu là đứa cuối cùng được nằm trong bụng mẹ.
Khi cuộc chiến nổ ra, thời gian của chúng tôi vẫn đi thư thả. Bố bảo mấy người bị mất đặc quyền ở đất nước nào đó tới và gây chút lộn xộn. Ban đầu tất cả những gì chúng tôi nghe được chỉ là những mẩu tin tức mơ hồ về vụ việc này kia ở đâu đó xa xôi. Sau đó, tiếng bom qua đạn lại gần hơn và những nỗi sợ của chúng tôi nhanh chóng nhuộm màu máu. Chiếc răng nanh của con rắn chiến tranh cuối cùng cũng đớp được chúng tôi. Nọc độc của nó chảy khắp những dòng sông trong lòng chúng tôi. Chúng tôi không còn lang thang thăm thú vào ban ngày và không còn nằm mơ vào ban đêm. Cuộc đời mở mắt qua những giấc mơ và chúng tôi đã bị mù.
Dần dần, tôi nhận ra gia đình mình đang vỡ ra từng mảnh như một cái ấm bị ném xuống đất. Nơi luôn là chỗ nương náu của tôi nay đã chẳng còn gì. Chúng tôi chưa từng nghèo khổ đến thế. Hai đầu gối của thằng Xíu lòi ra khỏi cẳng chân, và thở thôi cũng làm nó mệt. Chúng tôi không thể trồng trọt mùa màng gì nữa. Mỗi sáng mẹ tôi vẫn mang cuốc đi làm đồng nhưng chẳng đi được đến cánh đồng nào nữa. Mẹ không thể đi quá hàng rào bụi gai ở sân sau, chỉ đứng đó nhìn chăm chăm vào thời gian đã qua. Người mẹ ngày càng nhỏ lại và bóng mẹ ngày càng lớn thêm. Chẳng mấy chốc, bóng mẹ đã phủ lên cả trái đất.
Ngay cả với những người vẫn còn chút gì để sống như chúng tôi, cuộc đời cũng đang chìm dần vào lớp bụi khốn khổ. Tất cả chúng tôi đều đang chìm dần, tất cả, trừ bố tôi. Ông hoan nghênh hoàn cảnh mới, tuyên bố rằng: nghèo chính là cách phòng vệ tốt nhất. Ta nên giả vờ rằng khốn khổ đã trở thành ông chủ mới. Chỗ lương này sẽ bảo vệ chúng ta khỏi lũ cướp bóc và những ý đồ xấu xa của chúng. Ông cụ vô cùng hài lòng thốt lên:
“Chính là thế đấy! Chẳng ai ghen tị với kẻ chẳng có gì. Không có cửa trước chính là lớp bảo vệ tốt nhất.”
Mẹ tôi lắc đầu. Mẹ dạy chúng tôi làm những cái bóng, rằng điều duy nhất chúng tôi nên khao khát là cơ thể chúng tôi có thể dần thấm vào đất. Mẹ dạy mà không cần nói tiếng nào, mẹ chỉ gác chân này lên chân kia và ngồi đó.
Chúng tôi trở nên khác dần mà không hề hay biết. Tôi nhận ra điều đó khi em trai tôi được đưa đi xa. Đêm hôm trước bố tôi lại phải chịu một cơn điên. Nhưng lần này, chúng tôi đã chứng kiến tất cả. Chúng tôi thò đầu ra ngoài cửa sổ, nhìn ông mất trí chạy qua hàng rào bụi gai. Tiếng gào của ông vang dội vào trong phòng, màn đêm làm tiếng rống của ông nghe càng thống thiết hơn. Chỉ có thằng Xíu không ra cửa sổ đứng xem, nó cuộn tròn trên cái chiếu và tất cả chúng tôi đều giả vờ tin lời nó: “Đấy không phải bố đâu, là mấy con thú hoang thôi.” Chúng tôi quay về giường, không còn thấy buồn ngủ chút nào nữa.
Sáng hôm sau, mẹ gọi. Chúng tôi trầm mặc ngồi xuống. Đầu của bố đang chôn trong lồng ngực của ông. Bố vẫn đang ngủ đấy à? Ông cứ như thế, như thể vẫn đang đợi từ ngữ đến. Khi cuối cùng ông cũng quay lại nhìn, chúng tôi gần như không còn nhận ra giọng ông nữa:
“Một người trong nhà ta sẽ chết.”
Và ngay sau đó ông giải thích tại sao: gia đình ta chưa mất chút máu nào trong cuộc chiến. Giờ sắp đến lượt rồi. “Thần chết sẽ đến và ngự ở đây. Ta chắc chắn.” Ông tuyên bố, “Các con, một trong các con, sẽ tan biến theo cách này.” Và ông trợn ngược đôi mắt hằn tia máu khi trầm ngâm nhìn lũ con đang khom vai trước mặt mình.
“Nó. Nó là đứa sẽ chết.”
Ông chỉ vào thằng Xíu, đứa em út của tôi. Tất cả chúng tôi đều thấy kinh hoàng, trong khi thằng bé thậm chí còn không hiểu người lớn đang nói gì. Tai nó đã thế từ hồi nó suýt chết đuối. Nước vào trong tai quá sâu, sâu đến nỗi không bao giờ lấy ra được nữa. Nó lắc lên lắc xuống, nó đem mình đi phơi: chẳng ích gì. Nước ở đây và thằng bé có thể nghe tiếng ì ọp văng vẳng trong đầu. Tôi phải nhắc lại lời của bố cho nó. Thằng Xíu trốn trong vòng tay tôi, cả người run lên vì sợ. Bố giơ cao cái gậy chống và ngăn lại mọi lời phản đối.
“Yên lặng! Ta không muốn nghe tiếng thút thít nào hết. Ta đã suy nghĩ rất kỹ về chuyện này và quyết định rồi. Từ giờ trở đi, thằng Xíu sẽ sống trong chuồng gà!”
Ông đảm bảo mệnh lệnh của mình được thực thi cho đúng: thằng bé phải thay đổi tất cả, hình dáng và tâm hồn, thành một con gà. Bọn cướp sẽ không động đến nó. Một con gà không thể nào khơi lên điều gì tàn bạo và độc ác được.
Mẹ tôi vẫn đang trình bày lý lẽ để ngăn cản ông: thiếu gì vụ chuồng gà bị phá đâu. Bố tặc lưỡi, mất hết kiên nhẫn và chấm dứt bàn bạc: đây là cách duy nhất để cứu Hai lăm tháng Sáu.
Từ ngày hôm đó, em trai tôi không sống trong nhà nữa. Bố nhốt nó vào một chỗ trong chuồng gà. Mỗi sáng sớm, bố lại dạy nó gáy, như một con gà trống. Thằng bé mất một thời gian mới làm được. Và sau rất nhiều buổi sáng luyện tập, tiếng ó ò o của Xíu đã đạt độ hoàn hảo, và thằng bé khoác lên người một bộ lông sặc sỡ mà mẹ đã cất công may cho nó. Bộ lông bị bọ cắn nham nhở ấy có vẻ rất hợp với nó.
Những đêm sau đó, bố không còn kể câu chuyện nào nữa. Thứ tin tức duy nhất truyền đến nhà chúng tôi là những câu chuyện về súng đạn, mã tấu và hỏa lực. Chúng tôi co cụm lại với nhau, cùng chệu chạo sự yên lặng lạnh lẽo. Bố hỏi:
“Thức ăn thừa đâu? Đã vứt đi rồi à?”
Bố đang hỏi về bữa ăn của Xíu. Nhưng gọi là thức ăn thừa, có gì có thể là thức ăn thừa từ mấy mẩu vụn bánh mì chứ? Vậy mà vẫn có. Chắc chắn bụng dạ của chúng tôi đã teo nhỏ lại: dù chúng tôi có ăn gì, dù lượng đồ ăn ít đến đâu, luôn có chút gì đó còn thừa lại.
Xíu ngày càng xa cách với chúng tôi. Chúng tôi bị cấm nhắc đến sự tồn tại của thằng bé. Thậm chỉ cả mẹ tôi cũng có vẻ như chấp nhận điều ấy. Nhưng tôi biết buổi đêm mẹ vẫn ra thăm chuồng gà mà cả nhà không hay. Cứ gần rạng sáng là mẹ đi. Mẹ sẽ ngồi xuống và hát ru cho thằng Xíu, bài hát đã từng ru tất cả chúng tôi vào giấc ngủ. Lúc đầu thằng Xíu hay hát theo. Giọng nó đầy nặng nỗi buồn tủi hổ. Sau dần, nó không còn phát âm được một tiếng nào giống người nữa. Nó chỉ có thể bật ra được một hai tiếng khục khù rồi rúc đầu vào cánh. Và cứ thế ngủ thiếp đi.
Một buổi sáng, mặt trời đã lên và không thấy thằng bé trong chuồng gà. Chúng tôi không bao giờ gặp lại Xíu nữa. Thằng bé đã chết, trốn thoát hay hóa kiếp bất tử? Không ai biết chắc. Hàng xóm thì bảo là tại bố tôi, hôm đấy say nên nhầm cổ của con mình thành cổ của con gà thật. Những người khác thì bảo là lũ cướp đã phá chuồng gà vì chúng lên cơn đói. Mẹ tôi, yên lặng trầm ngâm, nghĩ đến những khả năng khác. Biết đâu, ai mà biết được đấy, mẹ đã mở cửa chuồng gà và thả nó tự nhặt nhạnh đi tìm đường cho mình.
Sự biến mất của em tôi khiến tất cả nhà rơi vào hỗn loạn. Bố là người thay đổi nhiều nhất. Dần dần, bố bỏ hết mọi việc khác chỉ để uống không ngừng từ sáng tới chiều. Con thuyền của ông ngủ vùi trên bờ cát, buồm cuộn lại và thèm ăn gió. Ông cụ cứ ngồi dựa vào thuyền mà uống, như thể cả ông và nó đều đang đợi một hành trình sẽ không bao giờ bắt đầu. Tình trạng của bố tệ dần, tệ dần đến mức không thể tệ hơn được nữa: tóc ông đã rụng hết và hơi thở nồng mùi rượu. Trong người ông toàn là sura. Một hôm, chúng tôi tìm thấy bố trong tình trạng phù nề đến mức ông không thể nói bình thường được. Những đốm bọt đỏ sùi lên từ miệng, mũi và hai tai ông. Ông cứ xẹp dần xuống như một cái bao bị thủng, và khi không còn gì ngoài lớp da, cả người ông buông xuống đất như một chiếc lá khô.
Chiêu Dương dịch từ bản tiếng Anh Sleepwalking Land của David Brookshaw
Chấm sao chút:
Đã có 2 người chấm, trung bình 5 sao.
Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3
Một người dịch