“Vùng đất quỷ tha ma bắt”: “Quá khứ không bao giờ chết”
“Sự thật của câu chuyện nằm ở chi tiết.”

“Sự thật của câu chuyện nằm ở chi tiết.”
Quãng năm 1994, Trần Tư Hoành, một cậu thanh niên từ một tỉnh lẻ xa xôi ở miền Trung Đài Loan về thành phố Đài Bắc học đại học chuyên ngành văn chương Anh. Tác phẩm đầu tiên mà cậu và các bạn được giao là “Bông hồng cho Emily” và lần đầu tiên trong đời cậu được nghe tên khái niệm “ái tử thi”. Faulkner và dòng văn chương gothic miền Nam nước Mỹ ám ảnh đã để lại dấu ấn mạnh mẽ lên Kevin Chen đến nỗi, “Vùng đất quỷ tha ma bắt”, cuốn tiểu thuyết được hoàn thành 25 năm sau, chia sẻ những chủ đề quen thuộc với dòng văn chương ấy – những nhân vật quái đản, những tình huống đầy nghịch dị, nghèo đói và bạo lực ngự trị, con người chật vật trong tồn tại.
“Vùng đất quỷ tha ma bắt” là rất nhiều trong một, nơi tác giả thực thi và thỏa nguyện rất nhiều mong muốn: được viết một câu chuyện ma, một câu chuyện về “khóc,” một câu chuyện về hà mã, một/nhiều câu chuỵen về Vĩnh Tĩnh. Faulkner, điểm chút Gabriel García Márquez, thấp thoáng Flannery O’Connor, đặt trong một bối cảnh phương Đông đầy những hủ tục nhưng cũng chan chát những biến đổi chóng mặt của quá trình hiện đại hóa. Và thế là, độc giả được đẩy vào một hành trình đi về vùng đất ma quái lầy lội những câu chuyện vừa đau đớn vừa hài hước, vừa thực vừa hư, của một gia đình đa thế hệ trong nửa cuối thế kỷ 20 vắt sang hai mươi năm đầu thế kỷ 21.
Nén chặt trong chấn thương
Nếu độc giả của “Trăm năm cô đơn” rối bời bởi hệ thống nhân vật dày đặc với những cái tên giống hệt nhau phải vịn vào cây phả hệ mà đi, thì độc giả của “Vùng đất quỷ tha ma bắt”, tuy được tiếp xục với phiên bản nhẹ đô hơn nhưng cũng có phần hoang mang không kém.
Cuốn tiểu thuyết được chia làm ba phần, mỗi phần gồm 15 chương nhỏ, lần lượt được kể từ các góc nhìn của tất cả thành viên trong gia đình của Trần Thiên Hoành – một nhà văn người Đài sống ở Đức, sau khi ra tù vì tội giết người, trở về quê – hợp lại thành 9 góc nhìn khác biệt (có một đoạn nhỏ kể từ góc nhìn của bà ngoại nhân vật chính, làm nên 10 góc nhìn). Mỗi góc nhìn đi liền với nó là câu chuyện gắn liền với mỗi số phận cá nhân, khi chồng chéo, khi đối nhau chan chát, khi bổ sung, khi soi rọi, bện dệt, tạo thành một bức tranh lớn là câu chuyện đầy bi thảm của nhà họ Trần ở vùng đất Vĩnh Tĩnh. Chuyện của người và chuyện của ma, chuyện quá khứ và hiện tại, đan xen, lẫn lộn, đến nỗi nhiều khi ta không phân biệt được ai đang kể. Tác giả Kevin Chen đã thảy một sợi chỉ đỏ của nàng Ariadne để độc giả lần theo: Tuy được kể ở rất nhiều góc nhìn như vậy, nhưng chỉ có người bố và người chị thứ năm là kể từ ngôi thứ nhất số ít, xưng tôi, còn tất cả các góc nhìn còn lại đều từ ngôi thứ ba. Phải chăng, khi còn sống, hai nhân vật này đều có định mệnh là không nói được, và chỉ khi thành ma, thì họ mới có cái năng lực và sức mạnh của lời nói, nói ra những điều mà họ không nói được khi còn sống?
Xoay trở như thế nào với một hệ thống nhân vật phức tạp như vậy, đương nhiên, không chỉ là khó khăn của người đọc, mà còn là nỗi nhức đầu của chính người tạo ra nó. Niềm hạnh phúc thì dễ giống nhau, niềm đau dẫu có muôn hình vạn trạng, vẫn có thể tóm gọn: Dường như không có một số phận nào trong “Vùng đất quỷ tha ma bắt” thoát khỏi định mệnh bi kịch. Họ hoặc mắc kẹt trong bạo lực của gia đình mình, hoặc bạo lực của xã hội. Phụ nữ bị người yêu lạm dụng rồi vứt bỏ, thậm chí bị cả những sang chấn tinh thần do người dưng gây ra, bị ép buộc phải lấy chồng, bị mẹ chồng và chồng hành hạ, bị hãm hiếp; người đồng tính thì bị kỳ thị, bị giáo viên và bạn bè đánh đập tra tấn, bị người thân ruột thịt dè bỉu, xua đuổi, bị chính quyền bắt giam gô cổ tống vào tù.
Cách giải quyết vấn đề hóc búa để tất cả các nhân vật không cùng nói một giọng đều đều như nhau đã cho thấy bậc thầy lên kế hoạch và triển khai văn bản. Kevin Chen là một tài năng trong việc xây dựng nhân vật: khéo léo ẩy những quân cờ đặc tính với vài cụm từ bắt từng người nắm giữ như cầm chiếc CV đời mình, và chỉ sở hữu ngần ấy tài sản thôi nhân vật sống bật dậy, đi đứng nói năng không ai lẫn vào ai. Người bố Trần Thiên Sơn Sơn, cả đời câm lặng bao trùm, bí ẩn từ lúc còn sống; người mẹ A Thiền, ve có thể tắt tiếng còn bà thì không, liên tiếp đẻ ra 5 cô con gái, khao khát có con trai để nối nghiệp gia đình; chị cả Thục Mỹ muốn giết chồng, bỏ xà phòng vào canh cho chồng ăn mà chồng ừng ực uống hết, không ốm không chết; chị hai Thục Lệ, nữ hộ tịch viên họ Trần, thích thuê khách sạn xem phim khiêu dâm của các cặp đồng tính, sống một đời sống vô hình trong công sở lẫn gia đình; chị ba Thục Thanh, với cơn thèm ăn khổ qua và cà tím không kiểm soát được, người duy nhất được học đại học ở Đài Bắc, lấy chồng phát thanh viên nổi tiếng, bị bạo hành; chị tư Tố Khiết, câu cửa miệng “Mẹ đâu mất rồi”, sợ cửa sổ, từ chối ánh sáng, giam mình trong tòa Bạch Cung của nhà chồng đại gia; chị năm Trần Xảo Mỵ, bộ ngực khổng lồ, hắt xì hơi liên tục, tắt kinh từ tuổi 17; anh sáu Trần Thiên Nhất, thản nhiên bỏ đi dù em trai gọi cầu cứu khi bị bắt nạt, làm xã trưởng rồi vào tù vì tham ô.
Nhưng những đặc tính ấy không phải là xi măng đóng cứng nhân dạng của mỗi thành viên, mà bản thân họ lại luôn có những cuộc hóa thân, từ sống thành chết, từ chết thành sống, biến đổi không ngừng, được tác giả tiết lộ một cách rất giật gân, bằng những cú twist luôn đặt ở cuối chương nhỏ, như một biến thể của “xem hồi sau sẽ rõ.”
Các cấp độ hiện thực
Nhà văn Paul Auster chiêm nghiệm, “Sự thật của câu chuyện nằm ở chi tiết.” Nhà phê bình James Wood giải thích, “Văn chương khác cuộc sống ở chỗ cuộc sống gồm muôn hình vạn trạng chi tiết, và hiếm khi hướng chúng ta đến nó, trong khi văn chương dạy chúng ta chú ý.” Giữa một ma trận tầng tầng lớp lớp các chi tiết mà Kevin Chen trút vào văn bản, từ mùi cao Thanh Thảo tới rừng tre có người treo cổ, độc giả ngầy ngụa trong hiện thực nghiệt ngã, nhưng đồng thời lại luôn bị giật xóc bởi những sự quái trên nhiều cấp độ.
“Vùng đất quỷ tha ma bắt”, đầu tiên, là một cú chơi đùa với khái niệm “autofiction”: rút tỉa rất nhiều yếu tố trong đời tư tác giả: từ tên tuổi, Trần Tư Hoành, Trần Thiên Hoành; từ xuất thân, một gia đình thuần nông đẻ tù tì nhiều hơn 5 chị gái mong mỏi một đứa con trai; từ bản dạng giới, đồng tính nam; từ nghề nghiệp và nơi sống, nhà văn, sống ở Berlin; khiến cho người đọc không phân biệt nổi đâu là chuyện thực xảy ra với tác giả, đâu là hư cấu.
Sự nghi ngờ hiện thực bắt đầu dấy lên từ những tiểu tiết rất đỗi tầm thường từ cách hành xử quái đản của nhân vật tới những sự vật ở những không gian khác được cấy vào thường nhật: con hà mã trong đám cưới và trong ruộng cúc, căn phòng đen kịt chất đầy báo chí bốc mùi hôi thối, cơn mưa thành cột nước, hàng rào nước ba ngày ba đêm… Những chi tiết đầy ma mị, nhưng lại tồn tại tự nhiên như không, như thể thuộc về cái thường nhật, làm độc giả chật vật trong việc lý giải hiện thực.
Kevin Chen đã xây nhiều cấp độ hiện thực và phi thực, đặt cạnh nhau, chồng chồng lớp lớp, bằng kỹ thuật montage đỉnh cao. Phân cảnh bà mẹ A Thiền tụng kinh ở Thành Cước Ma buổi sáng mùa hè cảnh sát tìm đến với đủ các loại âm thanh huyên náo như một thứ cú điện giật thốc cả làng quê bừng tỉnh và thành biến cố thay đổi số phận của nhiều người có lẽ là một trong những cảnh thảm thiết và rùng rợn nhất trong văn chương. Cái thiêng và cái phàm, cái thiện và cái ác, miếu thờ đặt cạnh lò mổ, tiếng kinh cầu lẫn trong tiếng lợn rống bị thọc tiết, quấn quít khôn rời, tạo nên sự đặc dị của bộ mặt vùng quê Vĩnh Tĩnh khó có thể lặp lại ở một tác phẩm khác.
“Có thể anh và tôi đều là ma”
Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết Trần Thiên Hoành tiến hành hai chuyến về nhà: một khi cha chết, và một sau khi ra tù. Chuyến đi sau, cũng là thời hiện tại của tác phẩm, trùng khớp với ngày rằm tháng Bảy, khi địa ngục mở cửa, khi ma lên sống cùng với người trong một ngày. Ta nghe được lời ma kể, ta sống lại quá khứ với những câu chuyện vảng vất đầy những hồn ma.
Kevin Chen khi viết “Vùng đất quỷ tha ma bắt” muốn chơi với khái niệm “ma”. Ma, với những định nghĩa và lớp nghĩa khác biệt tùy theo văn hóa, không chỉ là người chết, mà còn có thể là quá khứ ám ảnh mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi dân tộc. Ma còn có thể để chỉ cả một vùng đất nơi như thể cắt đứt khỏi thời gian, hoang vắng, nơi mọi sự kiện thế giới không gây ảnh hưởng. Ma còn có thể chỉ tới những ký ức chính trị dai dẳng đeo bám. Quả như lời tác giả trong bản dịch tiếng Anh “Ghost Town”: “Quá khứ giống như cái bóng theo ta đi mọi nơi, và nơi nào có ký ức và buồn đau mà chúng ta muốn chôn vùi, muốn che đậy, nơi đó có ma. Có thể anh và tôi đều là ma.”
Quật mộ tất cả những ký ức cá nhân và lịch sử tập thể từ lâu đã chôn kín, Kevin Chen đồng hiện mọi chi tiết và sự kiện trên trang giấy, bẻ gẫy thời gian tuyến tính. Ký ức không chỉ là chất môi giới cho sự tồn tại và truyền gửi của con ma ông bố. Lịch sử truyền miệng, ký sinh trên ký ức, thu góp cả những vạch trần của những con người còn sống mà chẳng khác gì ma. Toàn bộ tác phẩm như được thúc đẩy liên tục bởi một sức ép vô hình: các nhân vật bị ma nhập và nhiệm vụ chính là đăng đàn để kể, kể, và kể. Dẫu đôi chỗ bị quá đà và sáo mòn, nhưng về tổng thể “Vùng đất quỷ tha ma bắt” vẫn thành công, khi phục dựng được không khí tỉnh lẻ rộn trong tiếng mưa và các loại mùi, nơi trải qua những biến đổi của đô thị hóa, dưới sự kìm cặp của những phong tục và định kiến hủ lậu, trong bối cảnh chính trị đầy ngột ngạt.
James Joyce viết, “Nếu Dublin bị phá hủy, có thể dùng Ulysses để xây dựng lại.” Kevin Chen nói, “Tôi chỉ muốn kể câu chuyện Đài Loan của mình.” Luôn muốn thoát khỏi Vĩnh Tĩnh, vùng đất ở trong một mối quan hệ yêu-ghét phức tạp, nơi ta muốn chạy trốn, nhưng ta lại luôn tìm về, nơi ta bỏ nó mà đi tìm tự do, nhưng ta lại liên tục quay về nó trong tâm tưởng. Vĩnh Tĩnh, với kênh nước, cây nhội, Bạch Cung, hồ bơi Vĩnh Hưng, vườn khế, Minh Nhật thư cục, tháp nước…, như một con ma, sẽ xuất hiện, luồn vào phòng, và nằm xuống cạnh anh, như anh hình dung. Bởi ta không thể bao giờ thoát khỏi quá khứ.
(Bài viết đã được đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần)
Chấm sao chút:
Đã có 2 người chấm, trung bình 5 sao.
Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3
trên đỉnh cao tuyệt vọng.