Thời gian đọc: 35 phút

Nội dung buổi thảo luận bàn tròn do British Council Vietnam và Zzz Review phối hợp tổ chức, tại Viện Goethe Hà Nội, ngày 14.5.2023, với sự góp mặt của tác giả Maik Cây, Nguyễn Quang Khải (Việt Nam) và Joshua Jones (Wales, Vương quốc Anh). Điều phối của buổi trò chuyện là tiến sĩ Quyên Nguyễn.

Về diễn giả

Sinh vào nửa sau thập kỷ 80, Maik Cây là một người viết và một nhà làm phim độc lập, một thành viên của tổ hợp sáng tác Tiếng-Thét, một người đi tìm những khả thể để hoặc dốc ngược thế giới, hoặc lộn trái bóng tối, hoặc kéo một chiếc thuyền qua núi, hiện đang sống tại Hà Nội. Một số tác phẩm nổi bật của Maik Cây bao gồm phim ngắn Khi tôi nằm chết (2015), tiểu thuyết ngắn Wittgenstein của thiên đường đen (2018), kịch ngắn Độc thoại xanh (2020), kịch ngắn Mộng tam sinh (2022).

Khải Q. Nguyễn là một người viết và nhà thơ từ Việt Nam. Tác phẩm của anh đã xuất bản trên Mekong Review, CounterPunch, Zzz Review và được tuyển vào Suitcase of Chysanthemums của great weather of MEDIA. Anh có bằng thạc sỹ nghiên cứu văn chương và văn hóa từ các trường đại học Perpignan, St Andrews, và Santiago de Compostela.

Joshua Jones là một nhà văn đồng tính, mắc chứng tự kỷ đến từ Llanelli, South Wales. Anh có bằng Thạc sĩ về Viết sáng tạo của trường đại học Bath Spa University và là một nhà giáo ưu tú cũng như thường xuyên điều phối các workshop về viết tại Cardiff và khắp miền Nam xứ Wales. Các tác phẩm của anh đã được xuất bản bởi Poetry Wales, Broken Sleep Books, Tạp chí Nawr, v.v. Anh cũng nhận được giải thưởng từ Hiệp hội Thơ ca, tiểu thuyết ngắn của anh lọt vào danh sách rút gọn Giải thưởng Truyện ngắn Rhys Davies 2021, do Parthian Books khởi xướng, và đứng ở vị trí thứ Ba trong Giải thưởng Reflex Fiction Winter Prize năm 2021. Tập truyện ngắn đầu tay mang tên Local Fires sẽ được Parthian Books xuất bản vào tháng 9 năm 2023. Hiện tại anh đang dành thời gian cho tuyển tập tác phẩm với tựa đề là Ghost Town, dự kiến xuất bản vào năm 2024.

Quyên Nguyễn là đồng sáng lập Zzz Review, một trang review trực tuyến độc lập ở Việt Nam. Chị có bằng tiến sỹ văn chương tại Đại học NTU Singapore với luận văn viết về James Joyce. Mối quan tâm nghiên cứu của chị là lý thuyết văn chương, James Joyce, văn học Ireland, chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại, nghiên cứu dịch thuật, và văn chương đương đại. Các tiểu luận của chị đã được Palgrave Macmillan xuất bản. Quyên Nguyễn cũng là dịch giả Anh-Việt với hơn 14 năm kinh nghiệm; tác phẩm dịch của chị bao gồm Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình của Raymond Carver (đồng dịch giả), Chuộc tội của Ian McEwan, Middlesex của Jeffrey Eugenides.

***

Quyên: Ban đầu chúng tôi định live stream buổi nói chuyện hôm nay, nhưng cả ba diễn giả đều có vẻ khá căng thẳng nên cuối cùng quyết định không live nữa mà sẽ qua Zoom. Buổi nói chuyện hôm nay cũng nhằm tạo ra một không gian thoải mái, dễ chịu và an toàn để các diễn giả có thể chia sẻ những điều mật thiết với cá nhân mình, nên có thể có những điểm gây trigger với các cá nhân thì mong các bạn thông cảm hoặc thoải mái bước ra nếu cần thiết.

Ý tưởng đằng sau bàn tròn này khi tôi đề xuất với Hội đồng Anh là, tôi quan sát thấy những năm gần đây phong trào LGBT ở Việt Nam rất mạnh, nhiều hội nhóm, hợp tác, talk, diễu hành, phim ảnh cũng nhiều, nhưng về văn chương hầu như chưa có buổi nói chuyện nào, chúng tôi tự hào là nơi đầu tiên làm một mẻ bài về văn chương LGBTQIA+. Nên khi anh Joshua ở Wales sang đây, tôi cảm thấy là thời điểm thích hợp để làm buổi này. Ở đây cũng có Khải là biên tập viên đã hỗ trợ tôi làm mẻ bài Zzz đó, cũng có MaiK là người đã phối hợp với tôi làm nhiều dự án, nên chúng tôi đã ngồi lại cùng nhau để làm buổi này.

Tôi lớn lên trong một môi trường gần như không tiếp xúc gì về văn chương LGBT, điện ảnh hay các lĩnh vực khác. Lần đầu tôi đọc là cuốn Chuyện tình núi Brokeback lúc vừa ra trường, lúc đó rất sững sờ và thực sự cũng không hiểu, vì quá khác với những gì mình hình dung từ trước đến nay. Khi xem phim cũng không hiểu gì. Mãi vài năm sau khi được mời dịch Middlesex là cuốn sách được giải Pulitzer, tôi mới bắt đầu đọc các tác phẩm liên quan, đọc Foucault, đề tài này đến với mình một cách tự nhiên và khi gặp Khải là người nghiên cứu văn chương LGBT+ thì đến thời điểm thích hợp để làm mẻ bài đấy. Ở đây so ra có lẽ tôi là người ngoại đạo nhất so với cả ba tác giả.

Dòng tít nhỏ “Bàn về văn học đồng tính” có lẽ là lỗi của tôi, khi chị Hồng gửi bài đến tôi đang bận bế con nên mải đọc phần nội dung mà bỏ qua phần tít này. Như vậy đẩy chúng ta đến một vấn đề là, có thể dịch Queer Writing là văn học đồng tính hay không, có nên không, và nếu không thì nên dịch Queer như thế nào?

Vậy tôi xin bắt đầu với một câu hỏi dành cho cả ba diễn giả, là câu hỏi một bạn gửi đến chương trình: đối với mỗi cá nhân ở đây thì Queer là gì? Có lẽ mọi người cũng không muốn nghe một khái niệm chung chung mà muốn biết cách nghĩ mật thiết nhất, riêng tư nhất, xin mọi người chia sẻ.

MaiK: Khi nhận được câu hỏi Queer là gì đối với một cá nhân, tôi nghĩ mình tự định danh là một người Queer nhưng chưa bao giờ tự hỏi nó là gì, có nghĩa gì cả, vì nó tồn tại sẵn, được nhận diện sẵn như thế rồi. Đến lúc gặp câu hỏi ấy mình phải tự nhìn lại cuộc sống và lựa chọn của mình. Tôi thấy queer không chỉ là danh tính của một con người, mà còn là một đường thoát, tôi tạm mượn của Deleuze và Guattari “a line of flight”, đường thoát ra.

Không chỉ là thoát về mặt giới, giới tính hay định danh về tính dục, mà còn là đường thoát về thân phận con người. Queer là một umbrella term chỉ những thứ không phải dị tính, không phải hợp giới, mình nhìn lại queer writing – viết lách của lệch pha – đâu đấy cũng bị trói buộc trong những thứ về giới, về tính dục, nhưng với tôi queer và những thực hành viết lách, thực hành sáng tạo của queer không chỉ dừng lại ở câu chuyện ấy, nó là việc cho phép con người đi ra khỏi thể chế, trói buộc thân phận, cho người ta thoát ra ngoài, khi nói về LGBT người ta nói về quyền bình đẳng, điều đó rất quan trọng, nhưng đối với tôi đó không chỉ là câu chuyện về quyền bình đẳng, mà còn là mưu cầu được làm người, làm người toàn vẹn.

Bọn tôi có một nhóm sáng tạo gọi là Tiếng Thét, vừa ra số 2 gọi là Quể, tức là Queer theo bộ gõ Telex và cũng gần với Quỷ, vì tôi nhớ có câu Kiều “Ma đưa lối quỷ dẫn đường, lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”. Rõ ràng với danh tính queer, khi sinh ra ta không lựa chọn là con người đó, nhưng khi ta bước ra ngoài không gian xã hội và cả không gian rất riêng của mình, mình thể hiện cái queer ấy ra thì nó rất đoạn trường. Nó đau như dứt từng khúc ruột ra vậy. Nhưng không phải vì nó đoạn trường mà mình không lựa chọn, bởi mình phải mưu cầu sự toàn vẹn của thân phận làm người. Đấy là cái queer đối với tôi.

Joshua: Với tôi queer không chỉ là một danh tính, nó là một phong trào, một sự ăn mừng (celebration). Trước kia, queer ở Anh là lạ lùng, là kẻ khác, là bẩn thỉu. Định danh là queer là thừa nhận sự khác đó, là ăn mừng sự khác đó. Nó bao gồm cả những mặt khác trong danh tính của tôi. Tôi là một người đa dạng thần kinh, tôi tự kỷ và tăng động giảm chú ý, và tính queer cũng bao gồm cả hai thứ ấy. Và rất nhiều người trong cộng đồng queer mà tôi thuộc về ở Anh cũng vậy, cũng đa dạng thần kinh. Nên với tôi queer cũng là cộng đồng.

Tôi tham gia vào rất nhiều tổ chức grassroot, ở Cardiff tôi phụ trách một thư viện cộng đồng và một không gian nghệ thuật, gọi là Dyddiau Du, tiếng Wales nghĩa là những ngày tối. Chúng tôi cố gắng làm một điều tốt, mang ánh sáng rọi vào những ngày tối. Và mọi điều chúng tôi làm đều do và dành cho những nghệ sĩ queer và đa dạng thần kinh. Thành viên trong nhóm của chúng tôi đều là người chuyển giới, phi nhị nguyên giới, toàn tính, song tính v.v. Nên với tôi từ queer bao gồm tất cả những thứ đó, và là một cách ăn mừng những thứ đó.

Khải: Ý tưởng của tôi về queer đã được hai anh chị nói phần lớn rồi. Với tôi đơn giản là ý niệm về sự có thể khác biệt và quan trọng nhất là tự do, tự do là chính mình và tự do với những mong muốn, nhu cầu về mặt thể xác lẫn tinh thần, tự do để được làm một con người trong thế giới này. Tôi cũng đồng ý với anh Joshua rằng nó tạo ra cảm giác về một cộng đồng, một cộng đồng không có sự chèn ép phải như thế này, phải như thế kia với nhiều quy tắc.

Quyên: Trong mẻ bài chúng tôi cũng gần như để nguyên từ này không dịch ra tiếng Việt. Lựa chọn này hơi lai căng, Tây hóa một chút nhưng tôi cảm giác như nó phổ quát và dễ nhận diện hơn nếu dịch ra tiếng Việt. Có một số gợi ý tôi đã nghe thấy như lệch pha, lập dị… nhưng tới thời điểm này tôi vẫn nghĩ queer là một từ phù hợp để các tác giả viết về chủ đề ấy, nhận mình thuộc về cộng đồng ấy, và như một thuật ngữ để nhắc đến thì biết mình đang nói về gì.

Cả ba diễn giả hôm nay đều là người viết. Chị MaiK trong cuốn truyện vừa Wittgenstein của Thiên Đường Đen nhân vật cũng thuộc giới queer, và truyện ngắn vừa gửi cho Zzz Review cũng viết về một người bà thuộc cộng đồng queer. Tại sao chị lại viết về đề tài này? Trong giai đoạn vừa qua, văn chương LGBT được dịch sang Việt Nam rất nhiều, Oscar Wilde, Ocean Vuong và các tác giả từ cổ điển đến hiện đại. Khi chọn viết về đề tài này, chị có bị ảnh hưởng bởi tác giả nào không, hoặc có ai khơi gợi cảm hứng? Và chị có nhằm đến điều gì không?

MaiK: Khi viết về nhân vật xoay quanh chủ đề người thuộc cộng đồng, tôi chưa bao giờ nghĩ mình có nhiều lựa chọn và mình chọn cái đó, nó đến tự nhiên. Nó giống như một món quà, mình nhận được và cứ thế viết chứ không bao giờ nghĩ vì nó hợp trend hay muốn thể hiện. Thậm chí, dù luôn tự nhận mình là một con người rất hợp trend và rất chính trị, tôi cũng không bao giờ nghĩ khi viết là nó đấu tranh cho cái gì hay nó nhằm mục đích nào, đơn giản là nó ở đó và nó bật ra. Tôi cũng thuộc thế hệ 8x, giống như chị Quyên, còn chưa có ảnh hưởng của văn học queer. Mới có LGBT và theo tiến trình lịch sử của nó có thêm QIA và kéo dài ra nữa. Hiểu biết nói chung về queer rất mông muội, thiếu vắng, và những người queer có rất nhiều đấu tranh trong đời sống. Nếu hỏi về ảnh hưởng văn chương hoặc văn chương chính thống thì rất khó, vì từ nhỏ mình không có ảnh hưởng đó, tới lúc mình lớn lên tìm đọc thì có tính tham khảo tìm hiểu hơn là ảnh hưởng.

Nhưng cũng có những người đặc biệt hơn, chẳng hạn mười mấy năm trước tôi đọc một nhà thơ người Mỹ tên là Richard Siken, tôi rất thích thơ của anh ấy. Sau này tôi cũng thích Ocean Vuong, họ viết về tình yêu với sự tinh tế mà mình kinh ngạc và xấu hổ vì không viết được như thế, khi đứng trước những viết lách như một vầng sáng tỏa thẳng vào mặt mình. Ít lâu sau tôi không follow anh ấy nữa, mấy tháng trước tôi mới biết anh bị đột quỵ, bạn bè kêu gọi ủng hộ anh ấy và tôi rất sốc. Đấy là một cái tên yêu dấu mà rồi sau đó mình đã bỏ qua, và trong lúc ấy thì con người sáng tạo queer gục ngã ngoài đời thật mà mình không biết. Lúc đó tôi nghĩ việc viết lách và những buổi thế này cũng quan trọng, vì ở ngoài kia có những người queer rất vô danh, hoặc họ từng đến với bạn và rồi họ chìm trôi xuống dòng chảy lịch sử, dòng chảy đời sống, mình không biết. Nên đến với nhau những buổi thế này để nhớ về nhau. Đấy là điều tôi thích.

Về influence, tôi cũng muốn hỏi các bạn ở đây influence của các bạn ở đâu? Thời kỳ mông muội của tôi thì có fanfiction. Ở đây ai đã đọc fanfiction? Viết fanfiction? Hay thuộc về một fandom nào đấy? Thế hệ bọn tôi là thế hệ đầu tiên biết đến fanfiction. Đến khi tôi rời khỏi địa bàn đó thì có đam mỹ. Những thứ đó thường bị coi là giải trí và bị hắt hủi. Những người đọc đam mỹ nữ thì bị gọi là hủ nữ, nam thì gọi là bại nam à? Đến nay khi nói về ảnh hưởng chúng ta thường thích namedrop những cái gì hay một tí, nhưng tôi quyết định hôm nay tôi chỉ drop Richard Siken thôi, còn lại tôi sẽ drop fanfiction. Nó có thể là thứ rất giải trí và với một số người rất vớ vẩn, hiện nay các bạn K-pop rất bị coi thường vì lựa chọn của họ, nhưng tôi biết nhiều người đối với họ đấy là cửa ngõ đi vào sáng tạo, đi vào khám phá con người mình, thân phận của mình. Nên hôm nay tôi quyết định sẽ namedrop cho những dòng văn hóa không chủ lưu.

Joshua: Trước khi trả lời câu hỏi của chị, tôi xin phép đọc bài thơ của một nhà thơ Wales, Thomas Stewart, từ tập thơ Based on a true story. Bài này hơi bựa một chút, hơi thô một chút. Nếu các bạn đã từng nghe đến Grindr thì các bạn sẽ hiểu.

Cardiff Grindr, 2013.

I told you to call me
anything but my name

the slut, the student,
the whore, the boy

my anonymity is my authority

it means that
when I leave

you cannot
come after me.

Xin lỗi người dịch!

Tôi muốn chia sẻ thêm một bài thơ nữa, cũng của nhà xuất bản đó. Đấy là Fourteen Poems, họ in tuyển tập này một quý một lần, thơ ca queer từ khắp thế giới. Vậy nên có thể sau hôm nay sẽ có một đợt sóng các nhà thơ Việt Nam chăng. Nhưng đây là thơ của một nhà thơ Singapore, Kendrick Loo, gọi là “Bildungsroman with Thorns”.

He told me he had gutted a chicken
trekked through the mud
until it was too dark to see
asked if I had seen the trees
how they grew
    trunks
            littered with thorns
He said they hurt someone
a guy tumbled skin forced onto spikes
talked about tears           how the medic spent hours
cutting cloth          the welling of blood
              a bright emergency
I found out the tree’s name later
          bombax ceiba
Surely something about it
              related to paradise
How boys were sent to be kissed   by thorns
in promise of             manhood
What is strength but bodies
                  shaped by stimuli
root hairs inching
          for water       branches
for light
When he spoke of paradise
I thought of childhood       How I woke
            with bruised on my knees
There are pains I use         for my living
              or am used to biting through
                            but even the toughest of us
                    want to be loved
It is what we shine a light on that tells us
This is a paradise I can understand and keep

Và mấy dòng cuối đó tôi nghĩ đại khái là lý do vì sao tôi viết về queer. Rằng ngay cả những kẻ cứng nhất trong chúng ta cũng muốn được yêu, và những gì ta rọi sáng lên sẽ cho ta biết rằng đây là một thiên đường mà tôi có thể hiểu và có thể giữ. Khi vươn tới thiên đường của tự do, trong xã hội, trong cộng đồng, trong mỗi chúng ta, điều đó đã gợi cảm hứng cho tôi viết.

Rất khó nói về queer trên bình diện cá nhân khi tôi viết; khi tôi viết, hay nói, tôi nói về “chúng ta”. Nó liên quan đến quá nhiều người. Một số người viết và nghệ sĩ đã truyền cảm hứng cho tôi thì, có Derek Jarman, ông là nhà làm phim, nhà văn và nghệ sĩ. Rất buồn là ông đã chết vì bệnh AIDS hồi thập kỷ 90, nhưng cuộc sống của ông và cách ăn mừng cuộc sống của ông đã là một nguồn ảnh hưởng lớn đối với tôi. Không phải chỉ riêng tác phẩm viết lách, mà còn là việc người queer sống như thế nào, và những kỹ thuật họ dùng trong viết lách của họ nữa.

Quyên: Khi làm bài tập cho buổi này, tôi đi đọc rất nhiều bài viết và phỏng vấn của các tác giả queer, trong đó có bài của Vũ Đình Giang nói về cuốn Song song, là một cuốn tôi rất yêu thích và biết đến nhờ Khải. Anh nói trong những năm gần đây phim ảnh về đề tài đồng tính nổi trội lên và mang tiếng khá xấu, cách đây 15-20 năm người đồng tính được xây dựng rất kỳ quặc, đa số là Việt kiều, dụ dỗ con nhà lành để tha hóa, một ông từ Mỹ về tha hóa tộc Việt, tạo nên một sự trình hiện rất nhiều ý xấu. Anh Giang nói thực ra viết về đề tài này là tự thân và anh đã viết trong nhiều tác phẩm rồi, đối với anh chất lượng văn chương là quan trọng chứ đề tài anh không quan tâm đến. 15-20 năm trước chỉ viết về đề tài đó đã bị kỳ thị rồi, đến nay mọi người đã tương đối thoải mái cởi mở hơn. Vậy chị MaiK khi tự định danh mình là người LGBT+ thì có gì cản trở, gánh nặng, hay có điều tiếng gì không?

MaiK: Có thể làm cả luận văn về đề tài này mất. Khi nói về cản trở thì quá nhiều, cả về cá nhân và xã hội, nó ở không gian riêng lẫn không gian công cộng. Có những câu hỏi lớn tôi thường xuyên dành cho bản thân mình. Queer heterosexuality – những người thẳng tự định danh mình là queer – tôi tự định danh mình là queer nhưng trong đời sống tôi từng có những lựa chọn rất thẳng: lấy chồng, có con, xã hội hỏi tôi như vậy bạn hòa vào xã hội có dễ hơn không? Dễ hơn rất nhiều. Và khiến tôi tự hỏi nếu lựa chọn và sáng tạo của mình là queer thì mình có cảm thấy tội lỗi về điều đó không?

Vì có rất nhiều người nổi tiếng chẳng hạn tự định danh mình là queer, nhưng họ hớt hết váng ngon ngọt ở trên, thời trang, cách nói năng, những giá trị gây sốc nhưng vẫn rất hấp dẫn của việc là queer, họ hấp thụ hết và đưa vào như một sự tô điểm trang trí cho mình, nhưng lại không bao giờ phải trải qua sỉ nhục, đau khổ vật lộn của việc tôi là ai, tôi là gì trong xã hội này. Họ không bao giờ phải chịu những đau khổ ấy, nhưng những giá trị tốt đẹp của cộng đồng LGBT+ xây dựng nên thì họ hớt hết và bồi đắp vào cho mình. Tôi có bị phân vân về chuyện đó. Mình biết mình là queer, nhưng có phải nói với ai đó rằng mình có lịch sử với một bạn gái này để có đủ thẩm quyền để sáng tạo, viết lách hay không. Đấy là một câu hỏi cần đặt ra, vì chúng ta đang bước vào một thời đại rất queer. Queer càng ngày càng được đưa vào dòng chính nhiều hơn, và những người mình cũng không biết họ định danh hẳn là gay hay lesbian hay trans nhưng họ vẫn có thể dùng mác queer đó gắn lên họ.

Ngoài ra, một đằng xã hội đặt ra câu hỏi về đạo đức: mày viết về đồng tính như thế thì có sợ ảnh hưởng đến trẻ con không? Nhưng một đằng lại có câu hỏi là: mày viết như thế để trendy à? Vì đấy đang là trend, người ta nói về nữ quyền, queer, đấy là các từ khóa khi mình đi xin tiền, xin học bổng chẳng hạn, và có những người nghĩ như thế thật. Nên mình cần nghĩ xem lựa chọn ở đâu.

Một cản trở nữa là, mình là người nữ. Đúng là cả người nam ở các nhóm lề hóa hơn như người nam đồng tính, người nam chuyển giới, thậm chí cả người nam dị tính hợp giới, đều có những khó khăn và áp bức, nhưng khi là người nữ, những thử thách rất dài và nhiều. Khi tôi xuất bản cuốn sách đầu tiên thì được phỏng vấn, tôi cũng rất cảm ơn nhà báo cho cơ hội lên tiếng, nhưng người ta hỏi là: Ăn mặc cá tính như thế này để che đi sự yếu đuối bên trong, liệu tôi nói thế về MaiK có đúng không? Tôi không biết có nhà văn nam nào từng bị hỏi về ăn mặc cá tính không? Câu hỏi làm mình ngỡ ngàng và có lẽ cũng hơi đau xót. Là người viết, dù bạn viết dị tính hay queer thì vẫn có những cản trở như thế. Và ở Việt Nam – tôi đồng ý là queer cần phải là cộng đồng và nên là cộng đồng, lề hóa như thế này đã rất khó rồi, không phải để làm cái gì đó thành công mà đơn giản là để sống – ở Việt Nam bây giờ vẫn còn thiếu vắng một cộng đồng có tính thống nhất, cho phép người ta có nguồn lực để phát triển. Cộng đồng không chính thức thì có nhiều, nhưng cộng đồng cho thành viên nguồn lực thì chưa có.

Quyên: Nhiều điều chị nói tôi cũng chưa hề hình dung đến. Nhưng đúng là có thể bị hỏi có phải muốn đú trend không, muốn bám fame không, và khi làm đề tài này tôi cũng nghĩ người ta bảo có phải đang muốn xin tiền xin bạc gì không, bởi những năm gần đây môi trường, nữ quyền, chủng tộc, LGBT rất hot và được sự quan tâm công chúng rất nhiều. Nên tự dưng mình làm lại có sự kỳ thị rất kỳ lạ như vậy.

Anh Joshua, anh có cảm thấy cản trở gì không? Hay ngược lại có lợi thế gì không?

Joshua: Về thách thức và cản trở thì không hẳn nằm ở việc viết lách cá nhân của tôi, mà như một người thủ lĩnh cộng đồng điều hành không gian nghệ thuật của mình, là không gian vật lý trong trường hợp Dyddiau Du. Trong không gian đó chúng tôi có cờ tự hào đồng tính, có cờ chuyển giới, và thế là chúng tôi có rất nhiều người kỳ thị chuyển giới đến tấn công chúng tôi, những người cầm Kinh thánh đến phản đối người chuyển giới. Đấy là một điều chúng tôi đã phải học cách đối phó.

Nhưng về mặt tốt thì, đã có rất nhiều điều tốt, rất nhiều niềm vui. Và đấy là một trong những điều quan trọng hơn cả đối với tôi, là niềm vui của người queer. Có một cuốn sách của một nhà văn Wales chuyển giới, tên là Stories of Transjoys, nó nói về đề tài đó, những mẩu chuyện ngắn về niềm vui và hy vọng cho cộng đồng queer, và đó là một điều tuyệt đẹp, vì chúng ta nghe quá nhiều về những cản trở và thử thách và điều xấu và tấn công, nên niềm vui gần như là một sự cấp tiến. Trong tự sự queer ta đã quen nghĩ câu chuyện phải nói về khó khăn đau khổ, nhưng niềm vui cũng có thể là một nguồn sức mạnh và làm phong phú cho chúng ta, và chúng ta cũng cần những câu chuyện như vậy.

Quyên: Trong khoảng 10 năm trở lại đây, truyện về LGBT cũng đã được dịch nhiều sang Việt Nam, không đến nỗi ồ ạt, nhưng độc giả tiếng Việt cũng có nhiều lựa chọn. Chân dung Dorian Gray có đến 3 bản dịch, ta còn có Chết ở Venice, và các bạn trẻ chắc đều biết Ocean Vuong, lúc mới ra mọi người còn đọc bằng tiếng Anh, và khi chúng tôi đăng đoạn trích thì rất nhiều view. Ocean Vuong hot boy không kém gì Murakami.

Xin giới thiệu Khải một thời gian dài là biên tập viên NXB Trẻ, và nếu các bạn biết Gọi em bằng tên anh thì Khải chính là người đấu tranh và thuyết phục nhiều năm để dịch sang tiếng Việt, và khi sang tiếng Việt nó trở thành một cú hit khủng khiếp, đặc biệt là có phim nữa. Có một đợt Facebook của tôi toàn quả đào. Tác phẩm được Booker cách đây 2 năm, Shuggie Bain, cũng chính Khải là người vớt được cuốn đó trước cả khi đoạt giải, và ngoài ra Khải đưa rất nhiều cuốn dòng này về với các công ty khác. Đồng thời Khải giới thiệu rất nhiều nhà văn dòng này trong tiếng Việt cho tôi. Là người nghiên cứu, là người trực chiến, biên tập viên, Khải có thể chia sẻ một chút về văn chương LGBT trong tiếng Việt cũng như các nhà văn nước ngoài khiến anh thích thú, và cho biết phong trào đó đang tiến đến đâu?

Khải: Là độc giả, và cũng như chị Quyên và chị MaiK, khi tôi lớn lên dòng văn học và văn hóa phẩm về đề tài này mang nhiều sắc thái có hơi tiêu cực. Với tôi, một đứa trẻ lớn lên ở vùng nông thôn, thì hầu như cô độc. Trong thế giới của mình tôi là người duy nhất queer, không có một hình mẫu và nguồn cảm hứng nào, cảm giác rất cô đơn và sợ hãi. Đến sau này được tiếp xúc với các tác phẩm này, tôi mới biết tình yêu là có thể như thế, chúng ta có thể làm tình như thế, có thể yêu.

Ấn tượng của tôi với Call me by your name là, hai người ấy có rất nhiều đặc quyền, họ trẻ, ngoại hình họ đẹp, trong tình yêu họ yêu nhau và không ai xung quanh phản đối, tôi nghĩ điều đó mang lại hy vọng, rằng những người như thế có thể có tình yêu đẹp như thế với sự chấp nhận xung quanh. Bản thân tôi có một cuốn của nhà văn Pháp rất trẻ, sinh năm 92, The End of Eddy, là một cuốn tiểu thuyết mang tính tự truyện kể rằng mình sống ở vùng nông thôn nước Pháp, bị bạo hành bởi chính gia đình mình cũng như người làng. Sau này bạn bỏ làng quê, lên Paris học tiến sĩ, và quyết định đổi tên từ Eddy thành Eduard Louis. Câu chuyện này khá click với tôi, lúc đi học cũng hay bị bạn bè trêu chọc, có chấn thương tâm lý, nên câu chuyện cho mình cảm thấy không phải người duy nhất trải qua chuyện ấy, trên thế giới có rất nhiều, họ vẫn có thể vươn lên sống một cuộc sống tốt. Dòng văn chương này khi được giới thiệu ra ngoài, nhiều người đọc hơn, sẽ mang lại sự đồng cảm về các vấn đề như bạo lực, kỳ thị đồng tính, kỳ thị người có identity khác so với cái được coi là bình thường và chuẩn mực.

Quyên: Cảm ơn Khải đã nỗ lực mang những tác phẩm như vậy về Việt Nam và cũng cảm ơn các nhà xuất bản đã đồng ý in. Khi tôi đọc về tình yêu trong câu chuyện Gọi em bằng tên anh, mối tình ấy có gì đó rất rộn ràng náo nức, khiến mình cũng liên tưởng lại ngày xưa đọc Chiến tranh và hòa bình về mối tình của Natasha và Andrey, hay Middlesex khi cô bé đặt tên cho cô bạn cùng lớp là Đối tượng mơ hồ, theo tên phim Đối tượng mơ hồ của dục vọng.

Vậy vấn đề là, không phải viết về đề tài ấy, mà là viết về đề tài ấy như thế nào. Cho đến nay tôi thấy với các đối tượng đã bị lề hóa, bị đẩy vào góc nhỏ thiểu số, thì bàn đến chất lượng văn chương trở thành chủ đề nhạy cảm. Chỉ cần phê phán một tác phẩm văn chương thuộc dòng này, người phê phán có thể bị dán nhãn là kỳ thị chứ không phải phê bình. Là người nghiên cứu và phê bình văn chương, tôi không quan tâm đến viết về đề tài nào, tác giả thuộc nhóm nào, chủng tộc và identity politics, tôi chỉ quan tâm đến giá trị văn chương. Chẳng hạn tôi đang đọc Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian, tôi thấy đó không phải tác phẩm hay, nó rất sến súa và cliché, nhưng nói ra sẽ rất nhiều người cảm thấy bị xúc phạm. Xin hỏi chị MaiK, là người viết, chúng ta nên nhìn nhận tính văn chương của các tác phẩm này như thế nào, có nên coi là bình đẳng với các dòng khác hay không, hay coi đó là đang trong giai đoạn phát triển và có cách tiếp cận khác để khỏi gây ra những tổn thương không cần thiết?

MaiK: Nếu nói về queer trong chuyển động xã hội, tất nhiên ta phải nói chuyện các nhóm lề hóa, yếu thế có rất ít cửa tiếp cận nguồn lực, ta phải làm gì để ưu tiên họ. Nhưng nói về chất lượng văn chương, chất lượng nghệ thuật thì ta lại phải quay lại trước tiên nó là văn chương, nghệ thuật. Nhưng nếu chị và Khải là những người đã được đào tạo để thành chuyên gia, thì lại đặt ra câu hỏi hệ thống nào đã đào tạo chị, hệ thống ấy theo những tư tưởng nào, có chắc nó thoát ra được những thể chế tư tưởng của phương Tây, hoặc những giá trị trắng, hoặc những giá trị cổ điển, của chế độ phụ hệ, được đưa vào, định hình cả nghìn năm. Chị bước vào Nhà hát lớn, nghe Opera, chị đã có sẵn sự tôn trọng rồi, chị có thể thấy nó dở ẹc, nhưng vẫn nghĩ nó là hệ giá trị đã được thừa nhận. Nên những nhà phê bình nghiên cứu được đào tạo bởi hệ giá trị nào, sẽ đem hệ giá trị ấy đem đi đánh giá queer này, hoặc những cái khác nữa – chủng tộc, bản địa, rất khác, khi mình dùng một hệ quy chiếu để đánh giá một hệ hoàn toàn khác, có thể nó sẽ không nằm ở thang điểm cao.

Nhưng tôi nghĩ khi đánh giá văn chương nghệ thuật phải có sự mở cho các khả thể về chất lượng nữa. Phải liên tục có sự phản tư, truy vấn về việc như thế nào là nghệ thuật. Có thể chị Quyên đọc một quyển sách rất nổi, sẽ hỏi thế này mà là văn chương ư, bạn đã lãng phí bao nhiêu cây để in sách. Nhưng khi có ý nghĩ đó mình phải lập tức phản tư, để thấy có agenda nào, những bóng ma nào đang đứng sau lưng mình. Con người chúng ta được thể chế nhào nặn, khi đi vào những thứ ngày càng cá nhân như thế này, mình phải hỏi vì sao thể chế từ chối cá nhân này, và để những cá nhân ấy được sống, được thở thì phải làm gì. Phải phản tư liên tục về ảnh hưởng của mình và những thể chế mình tiếp nhận.

Khải: Tôi quên không nhắc đến tác giả Việt Nam tôi rất hâm mộ là anh Vũ Đình Giang. Anh Giang có nhiều sáng tác về đề tài này, có một cuốn ít xuất hiện trên thị trường là Song song. Khó mà nói vì sao tôi thấy nó hay, nhưng nó đề cập đến rất nhiều vấn đề thường thấy ở những cuốn trước về LGBT và cả những queer khác trong tình dục, ví dụ như giữa người và vật, với thanh thiếu niên, là những chủ đề khó được các nhà văn khác khai thác và cũng hơi taboo một chút. Ngoài ra tôi thấy các tác phẩm bình thường, trong tương tác giữa các nhân vật luôn có khoảnh khắc coming out, nhưng trong Song song không bao giờ có khoảnh khắc như thế mà đùng một cái nhân vật xông vào yêu nhau luôn. Đó là một tác phẩm mạnh mẽ mà tôi thấy rất trần trụi, chân thực và cũng rất mới. Ngoài ra trong cách hành văn của anh, ngữ pháp tiếng Việt, những cái thuộc về chính tả cũng thay đổi đi, và đấy cũng là tôi nghĩ nó đã queer hóa ngôn ngữ về một mặt nào đó rất thú vị.

Chị MaiK khi sáng tác bằng tiếng Việt có mong muốn, gửi gắm nào vào tác phẩm về cấu trúc, ý tưởng không?

MaiK: Cảm ơn câu hỏi này, mình quên mất nói về queer cũng là nói về tiếng Việt. Tôi rất thích tiếng Việt, dù sách của tôi thường bị bảo viết gì mà như dịch vậy, như cuốn của ai đó ở phương Tây suốt ngày đi namedrop những thứ của phương Tây, chắc cũng có bóng ma bóp cổ.

Hồi nhỏ chưa nhận ra điều đó ngay, có sự culture cringe, vì thuộc về văn hóa Việt Nam bị định danh là đang phát triển, kém phát triển, ít tiền, không có thể chế văn hóa, nhà văn lớn, nhạc sĩ lớn, không biết phải coi ai là một tiền nhân rạng rỡ. Nguyễn Du cũng từng bị cụ Huỳnh Thúc Kháng chửi kinh khủng. Mình thấy trong vòng 100 năm đã có sự thay đổi như thế, vậy tại sao không có hy vọng cho văn học queer này.

Lại nói về tiếng Việt, tôi thích thứ tiếng Việt như dịch vậy, mọi người hỏi tại sao không viết theo kiểu Việt Nam, thì lại đặt câu hỏi thế nào là Việt Nam, vì Nguyễn Du còn từng bị coi là lai căng mà giờ đi vào sách giáo khoa và thành cái chuẩn cho tiếng Việt. Thơ mới cũng từng bị coi là lai căng, là ảnh hưởng của Tây phương, mà giờ có một tư cách rất khác. Tôi nghĩ tiếng Việt có rất nhiều điều gửi gắm, nhưng nó cũng có những khả thể của nó. Có chỗ cho những cái khác, những cái other và mình sử dụng nó, tôi nghĩ đó cũng là cách mình thể hiện sự queer của mình trong thực hành viết lách của mình.

Joshua: Tôi không chắc 100% trong genre writing nhưng tôi có để ý với các nhân vật trong truyện hư cấu của mình. Tôi thích có đại diện của nhân vật queer, cốt truyện và tự sự sẽ xoay quanh tính queer. Tôi cố viết các nhân vật chuyển giới hay song tính đơn giản là tồn tại, như có tồn tại trong cuộc sống. Đây cũng là một vấn đề mà tôi cảm thấy trong rất nhiều nhân vật queer, tính queer là một phần trung tâm trong cuốn sách hay tác phẩm, nhưng không nhất thiết phải vậy, họ có quyền chỉ là một nhân vật trong thế giới trong sách. Nên tôi cố gắng để ý về điều đó.

Trong viết lách của tôi như một nhà thơ thể nghiệm và cả trong tác phẩm thị giác, tôi cũng cố gắng đưa rất nhiều văn bản và ngôn ngữ vào các tác phẩm thị giác, thì tôi được gợi hứng rất nhiều từ những kỹ thuật queer, thi pháp queer. Chẳng hạn tác giả William S. Burroughs đưa rất nhiều cắt dán (collage) vào thơ ca của mình, và Derek Jarman cũng vậy. Cắt dán văn bản là một cách tôi dùng rất nhiều, vì thí nghiệm với thời gian không gian trong rất nhiều viết lách queer, vì thời gian không tuyến tính.

Quyên: Tôi cũng quan sát thấy kỹ thuật đó, cắt ghép, lồng ghép giữa các hình thức và chất liệu khác nhau trong cùng một tác phẩm cũng khá phổ biến trong văn chương đương đại thế giới, nhưng ở Việt Nam thì chưa thấy mấy, chủ yếu là các nhà thơ tiếng Anh. Trong văn chương thế hệ trẻ hơn như chị MaiK cũng không có, chúng ta vẫn thực hành tương đối cổ điển và truyền thống. Văn chương có rào cản lớn là ngôn ngữ, so với các hình thức nghệ thuật khác thì văn chương Việt Nam chạy sau khá nhiều, nên tôi chỉ nghĩ là do ngôn ngữ. Hy vọng trong tương lai có những hình thức mới và anh Joshua có thể thể hiện tác phẩm của mình để giao lưu với các tác giả và tác phẩm Việt Nam.

Ngược lại, các anh chị có nghĩ văn chương queer tác động gì đến xã hội hiện nay hay không, ngoại trừ sự đồng cảm mà ta đã nhắc đến? Nó có giúp cho phong trào hay thúc đẩy sự cởi mở không, hay lại gia tăng sự kỳ thị? Vì tôi thấy bạn bè mình nhiều người nói thẳng nếu là văn chương LGBT thì không đọc. Với sự nở rộ của một phong trào như thế và gặp phải kỳ thị thì mình có nên giải thích không? Hay phải làm thế nào?

MaiK: Tôi có chia sẻ nhiều lần rằng mình là một con người rất chính trị. Có một câu người ta hay liên hệ với nữ quyền, bình quyền là The personal is political. Cái cá nhân là cái chính trị. Và đối với tôi thì queer là cái cá nhân và cái cá nhân đó chính trị, nên cái queer của mình là chính trị. Chính trị không phải đảng phái, phong trào, chiến dịch như người ta tưởng tượng, mà hiện diện trong từng cái ta làm, thậm chí trong không gian cá nhân là một mình. Bạn có những lựa chọn khi ở một mình mà có ảnh hưởng đến xã hội theo butterfly effect. Khi ở một mình tôi nghe nhạc này, tôi mặc quần áo này, tôi xem bộ phim này, khám phá nghệ sĩ này, tôi không nói với ai, nhưng nó có ảnh hưởng đến xã hội không? Có. Vì không đại tự sự nào không được xây dựng từ các tiểu tự sự. Tiểu tự sự của chúng ta là từng con người.

Lựa chọn của các bạn đến ngồi đây ngày hôm nay đối với tôi là một lựa chọn chính trị. Và nó có ảnh hưởng không? Có. Có thể bạn không đi pride, bạn là một người queer nhưng bạn không thích đi pride, và bạn nghĩ mình không chính trị. Nhưng có những lựa chọn vi tế trong đời sống sẽ có tác động đến diễn ngôn chung của xã hội. Khi có niềm tin ấy thì cũng là một sự nhắc nhở, rằng hãy suy tư khi lựa chọn, hãy suy tư khi mình ở một mình. Vì đôi khi điều dễ không phải điều đúng, còn điều đúng là thế nào thì còn tùy từng người.

Xã hội Việt Nam công tâm mà nói cũng có những cởi mở nhất định với người LGBTQIA. Trong so sánh với những xã hội tương đương về kinh tế hoặc chính trị, chúng ta có cởi mở, nhưng không có nghĩa là ta cởi mở hoàn toàn. Lên mạng ta sẽ thấy tấn công kỳ thị khủng khiếp, và có những điều không phải văn chương mà là con người. Social media sẽ gợi ý cho mình những nội dung mình quen xem, và bạn cảm thấy đều thân thiện, nhưng đến khi mình bước ra, tôi cũng có trải nghiệm bị expose với những nhóm kỳ thị khiến mình rất sốc, có cả những lời dọa giết chẳng hạn. Mình không hiểu sao làm con người với nhau lại phải như thế. Nhưng sẽ có.

Chị hỏi có nên giải thích không, đấy cũng là một lựa chọn cá nhân. Bạn có thể lựa chọn giải thích, nhưng đôi khi im lặng cũng là một lựa chọn chính trị. Để biết có thù ghét thì cũng có yêu thương. Có ánh sáng thì có bóng tối. Biết rằng có thù ghét ở đó thì mình hãy yêu thương nhiều hơn. Hãy tử tế hơn. Có câu hay được chia sẻ là nếu có thể trở thành bất kỳ thứ gì thì hãy trở thành tử tế. Tôi nghĩ đấy là một điều rất quan trọng.

Quyên: Khi bạn bè tôi nói không đọc sách vì nó là đề tài LGBT, tôi chỉ luôn có một lời khuyên nhất quán: hãy đọc nó vì nó là văn chương, chứ không đọc nó vì nó là đề tài đó. Nhưng tôi cũng thích ý tưởng của chị là chúng ta có bóng ma nào đằng sau mình, ta luôn phải phản tư, xem hệ giá trị nào khiến mình lớn lên, thế nào là đẹp, thế nào là hay. Đấy cũng là điều tôi rất đồng cảm.

Q&A.

Q1. Khi nào thì một writing trở thành queer? Đôi khi mình tự nhận mình queer nhưng writing nó không queer, và đôi khi người ta không nhận mình queer nhưng writing nó lại queer. Khi bạn bè chị Quyên kỳ thị văn chương queer là kỳ thị người viết hay đề tài?

Khải: Tôi nghĩ đơn giản văn học là tác phẩm hư cấu, nhà văn queer có thể viết về nhiều đề tài khác nhau, cũng có thể viết về tình yêu chuẩn mực. Writing trở thành queer khi có nhân vật queer, tình yêu queer, cảm xúc queer.

Quyên: Họ nói về đề tài queer. Tôi nói chuyện này vẫn rất e dè vì nói sai thì ăn chưởng. Nhưng tôi nghĩ văn chương có thể viết về rất nhiều đề tài khác nhau, như gần đây còn có cả tiểu thuyết khí hậu, môi trường. Tất nhiên xếp loại có điều nguy hiểm là sẽ luôn có những thứ rơi ra khỏi thể loại, các nhà nghiên cứu ngày càng bớt xếp loại quá chặt vì khi mình khuôn vào nhóm này là mình đẩy số còn lại vào nhóm kia, rất dễ xảy ra tình trạng bị phê phán và không đem lại cách tiếp cận mở hơn. Tôi nghĩ đã viết về đề tài đó thì có thể xếp vào loại văn chương queer, còn tính queer của tác phẩm thì tôi không đi theo và nên hạn chế đi theo hướng như thế.

Q2. Cảm ơn chị Quyên khi vào buổi đã đưa ra trigger warning rất cụ thể. Em thuộc vào cộng đồng người tự kỷ và cũng tự identify mình là queer. Về viết queer, em nghĩ không chỉ viết về đồng tính hay queer mà còn có thể là các cách nghĩ khác ra ngoài nhị nguyên giới, và giới thì ẩn ở mọi vấn đề trong xã hội. Người queer có thể là người khác biệt, nhưng có thể là người không nghĩ queer, thậm chí là nghĩ rất thẳng. Nghĩ thẳng cũng không sao, vì ta bị xếp vào tôn ti trật tự về giới, hệ giá trị của người thẳng và nghĩ như thế rất bình thường. Theo em quan sát thì gần đây có viết lại sử đồng tính, đấy cũng là điều tốt, nhưng thế nào là sử. Cộng đồng queer rất khác biệt và có tính alternative, nhưng khi ta đưa vào một kiến tạo sử mang tính mainstream, chính thống thì nó đã phá vỡ hoàn toàn cái alternative, thậm chí đã ở trong hệ tôn ti trật tự về giới rất thẳng rồi, đấy là một nghịch lý.

Đợt này em đang đọc “Unhappy queer”, nằm trong cuốn The Promise of Happiness của Sara Ahmed. Bà có nhắc các phim queer các năm 2000 kết thúc luôn buồn, như minh chứng cho lời răn dạy là nếu sống như thế này, đồng tính, khác biệt, thì con sẽ không hạnh phúc đâu. Nhưng bà đặt thêm vấn đề, có thực như vậy không, hay còn gì khác nữa? Bà có nói dị tính đã trở thành một hình thức của mất mát, lịch sử của tình dục khác giới đã trở thành lịch sử những trái tim tan vỡ, thậm chí lịch sử của trái tim, tức là chỉ người dị tính mới có trái tim. Đương nhiên khi công nhận trái tim của họ thì công nhận họ có khả năng tan vỡ, nhưng người queer thì không. Khi nỗi đau của ta không được công nhận thì ta không được hỗ trợ, người đồng tính có thể trở thành người cô đơn trong xã hội, không bạn bè, không họ hàng, cô đơn trong nỗi đau của mình. Nhưng Sara Ahmed viết từ năm 2000, đến nay có thể có những phim queer hạnh phúc hơn rồi, mọi người có nghĩ gì khi xem hoặc đọc những tác phẩm queer có hậu không?

MaiK: Nếu bạn hỏi có recommend gì không thì chắc bạn có thể đọc fanfiction hoặc đam mỹ sẽ có rất nhiều happy ending… Nhưng tôi nghĩ cả các sáng tác dòng chính cũng có thay đổi. Trước kia thì u ám, nhưng tôi nghĩ cũng là do con người nữa, con người phải trải qua đấu tranh nội tâm đau khổ thì làm sao viết sáng tươi được. Nhưng chắc là sẽ có. Và nếu mình tìm thì sẽ có thể tìm thấy các tác phẩm hướng đến tương lai nhiều hy vọng hơn. Tôi thích điều bạn nói về các khả thể. Có một cái căn cốt trong queer là đả phá đi những thành trì cũ, như nhị nguyên giới chẳng hạn. Tôi thích bạn nhận xét rằng mình vẫn nghĩ rất thẳng. Mình áp dụng những cách suy nghĩ như đàn ông đàn bà vào quan hệ queer yêu đương giữa hai người đàn ông, hai người đàn bà, hay với người chuyển giới… Bây giờ mình thực hành nghệ thuật hoặc những gì có tính chính trị xã hội hơn mà vẫn áp dụng mô hình ấy thì có hợp lý không.

Tôi nghĩ câu hỏi này vẫn có khi các nước áp dụng hôn nhân đồng giới chẳng hạn. Nhiều nhóm cánh tả rất phê phán hôn nhân như một thể chế, vì nó là hình thức áp bức trong thời gian rất dài, trong hôn nhân có một người nam một người nữ, nhìn thấy ngay người phụ nữ mất tên hoàn toàn. Mãi đến lúc gần 20 tuổi tôi mới biết bà tôi không tên là bà Thụy, mà là bà Mùi. Một định chế có tính áp bức như thế, những người queer muốn có quyền vào định chế đấy để làm gì. Như vậy mình vẫn sống trong xã hội này, nếu muốn tìm đường thoát thì thoát đi đâu. Mình đi tìm alternative nhưng mình vẫn phải tồn tại trong cái đã có. Như vậy ít nhất là bước đầu, cả thực hành viết lách lẫn đấu tranh xã hội, mình vẫn phải khớp vào: người dị tính có hôn nhân, người đồng tính cũng nên có quyền như vậy; viết lách của người dị tính hợp giới được quan tâm, thì vẫn phải tìm cách trao quyền cho người đồng tính có những nguồn lực ấy. Không thể nói nó là xã hội phụ quyền nên gạt đi làm lại từ đầu, vì không có thế giới nào xây dựng từ số 0, luôn là một sự luân chuyển. Nên tôi nghĩ đấy là câu hỏi đáng suy ngẫm, nhưng tôi nghĩ cuộc đấu tranh nào cũng phải dần dần, và viết lách của queer cũng vậy.

Q3. Những tác phẩm bi kịch, mọi người nói là cliché nhưng em vẫn resonate, vì lịch sử cộng đồng queer bên cạnh hạnh phúc thì vẫn có những đau thương và cái chết cận kề. Trong thời gian gần đây em cũng bắt đầu có những cuộc nói chuyện thoát ra khỏi dị tính hợp giới, và thoát ra khỏi cả phi nhị nguyên giới, nên cũng rất mong chờ vào tương lai.

Em không phải nhà văn nhưng cũng có làm sáng tạo, mọi người đã chia sẻ về quan điểm tác phẩm chỉ cần có nhãn queer đã bị coi là kém hơn, không bằng những thứ khác. Em có viết tác phẩm này, cũng được đánh giá khá cao trong quá trình sáng tác, có cả nhân vật queer rồi, nhưng đến đoạn cuối thì gay nên tất cả đều nói nhà xuất bản sẽ không dám xuất bản tác phẩm này vì cái kết. Nên đấy cũng là một nỗi sợ của em, rằng chưa gì đã có định kiến rồi. Vậy mọi người có cách nào vượt qua nỗi sợ ấy để thoải mái sáng tạo không?

Joshua: Tôi hoạt động như một nhà thơ trình diễn suốt nhiều năm, và có rất nhiều người đã tới gặp tôi trực tiếp, nói thẳng với tôi rằng họ nghĩ thơ tôi chỉ đáng vứt đi. Rất khác với việc có người chê thơ tôi online. Thực ra tôi thích người ta đến nói thẳng với tôi hơn, vì tôi nghĩ là khá buồn cười. Tôi là người đa dạng thần kinh nên tôi không thể ngồi yên một chỗ được, khi trình diễn, tôi sẽ đi loanh quanh, cũng hay ngó ngoáy chân tay, nên có lần có người lại đến bảo với tôi là: Tôi thích thơ của anh lắm, nhưng anh không đứng yên một chỗ được à? Tôi cảm thấy tính đa dạng thần kinh của tôi bị cho vào hộp. Tôi có thể thể hiện bản thân mình và sự đa dạng thần kinh của mình một cách thể chất khi tôi trình diễn thơ, nên khi có người đến bảo tôi rằng tôi cần phải đứng yên, cần thôi ngó ngoáy đi, thì đấy là một nhận xét nhằm vào con người tôi, danh tính của tôi. Tôi không có nhận xét nào chê thơ tôi online mà tôi biết, nên tôi có thể chỉ cần lờ nó đi.

Q4. Chúng tôi đang chuẩn bị một danh sách các phim queer có kết thúc có hậu đây, để chia sẻ với mọi người. Tôi rất quan tâm đến nhận xét rằng nếu anh là nhà văn queer, anh bắt buộc phải là nhà hoạt động. Tôi lớn lên ở Wales vào thời Margaret Thatcher đang trục xuất tất cả các tác phẩm có nội dung queer khỏi nhà trường. Tôi không phải nhà hoạt động nên tôi chỉ đọc văn học như một cách cưỡng lại, nhưng tôi nghĩ chúng ta đã đi qua giai đoạn đó, và viết lách queer đã du nhập cả những cấu trúc và cách viết bên cạnh nội dung queer, so với thời trước viết lách queer đều có vẻ báo chí. Tôi muốn hỏi hiện giờ còn cảm giác đó không? Rằng anh phải làm một nhà hoạt động nếu muốn làm nhà văn queer?

Joshua: Tôi cảm thấy sức ép đó bắt đầu từ khi tôi chuyển sang viết truyện ngắn, đấy là một sức ép tôi không cảm thấy khi viết thơ. Khi viết truyện, tôi lo lắng xem truyện và nhân vật của tôi có làm hại đến những người queer trong xã hội không, nên tôi phải nghiên cứu trước khi viết, để mọi thứ chính xác. Tôi nghĩ viết lách của tôi queer bởi vì tôi queer, tôi không phải cố sức trở thành queer bởi vì nó đã sẵn đấy rồi, tôi viết để tìm kiếm chính mình, tôi không chỉ là một nhà văn queer mà còn là một nhà văn giai cấp lao động, nhà văn Anh…

MaiK: Tôi ngay từ đầu đã thấy mình là activist rồi, kể cả tôi có viết hay làm gì nữa. Như đã nói, cái cá nhân là cái chính trị, nên thực hành thế này là chính trị và là một phần của đấu tranh nào đó. Thậm chí không nhận thức rằng mình đấu tranh, hoặc hình thức lựa chọn là bất bạo động chẳng hạn. Ta thường hình dung đấu tranh là một nắm đấm, một sự chuyển động, nhưng có những người do tình trạng cá nhân có những lựa chọn khác, không phải lúc nào cũng thể hiện ra, nhưng những lựa chọn khác của họ vẫn có tính đấu tranh đó. Còn đối với tôi, đấu tranh là việc đến tự nhiên và luôn song hành cùng việc viết.

Q5. Em là sinh viên chuyên ngành viết văn, tác phẩm tốt nghiệp chọn viết về LGBT. Em không phải một người trong cộng đồng, khi viết em sẽ viết những điều rất chi tiết, rất sâu sắc. Em có một người bạn thân chơi từ bé và nhiều người bạn khác. Những người trong cộng đồng khi đọc sách của các nhà văn không trong cộng đồng sẽ có ý nghĩ thế nào, có nghĩ không phải trong cộng đồng thì không hiểu được không? Ngồi phía ngoài làm sao cảm nhận được? Vì em còn đánh vào cảm xúc một cách sâu sắc, không chỉ câu chuyện thường ngày mà còn cách họ nhìn nhận cơ thể mình, hay khi yêu một người đồng giới. Thì những người trong cộng đồng nhìn nhận những tác giả như em thế nào, có thể bị chỉ trích không?

Joshua: Đây là một câu hỏi khá cắc cớ. Câu hỏi đặt ra không chỉ với văn học mà cả với phim. Giống như người đa dạng thần kinh và người thần kinh bình thường ở trong tình huống đó. Chẳng hạn có ca sĩ tên là Sia, làm phim về người tự kỷ, đã không chịu nghiên cứu kỹ và phim của cô cho thấy vậy. Tôi không phản đối người viết là người queer hay không queer nếu người đó viết với lòng thấu cảm, với sự trân trọng, tôn trọng, và có nghiên cứu kỹ.

Q6. (Nguyễn Ngọc Hiệp – ISEE) Em cảm thấy trong bối cảnh văn học Việt Nam hiện nay đã có một trend về văn học queer, nhưng em chỉ thấy sự xuất hiện của người đồng tính nam chứ không thấy sự xuất hiện của các nhóm khác trong LGBT. Như em là một người chuyển giới nữ thì hoàn toàn không thấy sự xuất hiện của những nhân vật mà em đồng cảm được. Đây có phải một vấn đề hay không? và làm thế nào cái tạm gọi là sự cởi mở này, sự vận động của văn học, văn hóa này inclusive hơn với các nhóm khác chứ không chỉ nhóm đồng tính nam?

Joshua: Nếu bạn không thấy bạn được đại diện trong số đó thì tốt nhất là bạn hãy viết tác phẩm đó và tìm cách xuất bản.

MaiK: Đây cũng là một câu hỏi nhức nhối. Như là Call me by your name, hai người đàn ông da trắng, trẻ đẹp, có rất nhiều privilege như thế nên mới được yêu thích như thế, chúng ta bỏ qua nhiều nhóm bên lề khác. Những người có thể là trans hay là người lớn tuổi, người già, hoặc có trạng huống đặc biệt về cơ thể, tâm lý… đấy là một điều quan trọng. Và mình cũng đồng ý với Joshua là nếu bạn chưa đọc được quyển sách như thế thì bạn hãy viết. Việc viết chúng ta đều được đọc trong nhà trường, nó không phải vấn đề hạn chế với một nhóm người, mình nghĩ rằng chuyện làm thế nào cho nó có tính dung hợp, inclusive hơn không phải chỉ là câu hỏi dành cho văn chương mà cả mình làm cho xã hội, policy và advocacy trong chính trị, trong những không gian rộng lớn hơn nữa. Nhưng việc mình đặt câu hỏi và cùng với nhau đã là một sự thay đổi rồi. Ít ra từng ấy con người cùng với nhau trong phòng này đã nghĩ lại rằng mình có viết cho một nhóm có đặc quyền hơn không. Và khi mình làm một việc như thế, mình yêu thích một cái gì đó thì có những bóng ma nào sau lưng mình. Như thế đã là một sự cổ động rồi. Và khi Hiệp đặt câu hỏi như thế thì đó đã là câu trả lời cho Hiệp rồi.

Quyên: Giống như Toni Morrison nói: nếu bạn cần một câu chuyện thì bạn hãy viết câu chuyện đó. Tiện đây xin quảng cáo MaiK cũng có một truyện ngắn về đồng tính nữ.

MaiK: Tôi viết cũng chính vì câu hỏi đó, nó quá nhức nhối. Vì mình cứ bị định hình trong đầu là người suy tư là người nam. Kinh khủng như vậy, mình là một người nữ suy tư, một người nữ sáng tạo, mà mình không viết nổi. Vì thế đợt vừa rồi khi viết truyện ngắn tôi quyết định chọn một bà già, bà già khi là queer khi là lesbian trong những trạng huống khác nhau. Từ câu hỏi đó nên mình phải viết, phải thay đổi từ chính mình. Nếu không có người đặt câu hỏi thì câu hỏi sẽ bị chôn lấp đi, và câu hỏi đó, tôi là MaiK, và sâu hơn là Phương Anh, cũng đã thường xuyên hỏi về các bóng ma của mình. Tôi hy vọng sẽ một lúc nào đó có nhiều thứ đồng vọng với Hiệp hơn và các nhóm khác nữa, và cái đó phải đến từ chính chúng ta.

Q7. Đọc Dorian Gray của Oscar Wilde, mình không thấy một chút queer nào cả giữa ba nhân vật đó. Liệu có phải tác giả là queer nên mọi người assume đó là queer hay không? Phân loại queer writing và writing queer như thế nào?

Joshua: Tôi nghĩ vấn đề này rất khó khăn với các tác giả kinh điển vì họ không được phép viết vào thời kỳ khi làm thế an toàn, có rất nhiều ngôn ngữ mã hóa, biểu tượng, giấu sự queer đi. Gần đây NXB Parthian ở Wales xuất bản một tập truyện ngắn khoảng 50 truyện gọi là Queer Square Mile, lấy từ các truyện 150 năm trở lại đây. Những truyện viết gần đây thì rất thẳng thắn, không giấu mình queer gì cả, nhưng những truyện khoảng giữa thế kỷ 19 thì rất giàu tính biểu tượng. Tôi không rõ điều đó có trả lời câu hỏi của bạn hay không.

Quyên: Rất cảm ơn ba diễn giả. Buổi nói chuyện hôm nay tôi học được rất nhiều điều, ngay cả phản tư cũng vậy. Và biết được sự nhiệt tình của đội ngũ đến ủng hộ mọi người. Mong rằng tương lai chúng ta sẽ có bàn tròn về tác phẩm cụ thể của thế hệ 8x như chị MaiK, thế hệ Gen Z đang rất nhiệt tình và bị dán nhiều nhãn. Hy vọng sẽ có nhiều tác phẩm văn chương đến từ thế hệ sau để chúng tôi thưởng thức, và những người như anh Khải sẽ tiếp tục hoạt động để nhiều sách LGBT được dịch ra tiếng Việt. Tôi nghĩ đây là điều rất quan trọng, tạo ra sự đối thoại giữa văn chương trong nước và quốc tế.

Chấm sao chút:

Đã có 2 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Website | Các bài viết khác

trên đỉnh cao tuyệt vọng.

MaiK Cây
Các bài viết khác

Sinh vào nửa sau thập kỷ 80, Maik Cây là một người viết và một nhà làm phim độc lập, một thành viên của tổ hợp sáng tác Tiếng-Thét, một người đi tìm những khả thể để hoặc dốc ngược thế giới, hoặc lộn trái bóng tối, hoặc kéo một chiếc thuyền qua núi, hiện đang sống tại Hà Nội. Một số tác phẩm nổi bật của Maik Cây bao gồm phim ngắn Khi tôi nằm chết (2015), tiểu thuyết ngắn Wittgenstein của thiên đường đen (2018), kịch ngắn Độc thoại xanh (2020), kịch ngắn Mộng tam sinh (2022).

Joshua Jones
Các bài viết khác

Joshua Jones là một nhà văn đồng tính, mắc chứng tự kỷ đến từ Llanelli, South Wales. Anh có bằng Thạc sĩ về Viết sáng tạo của trường đại học Bath Spa University và là một nhà giáo ưu tú cũng như thường xuyên điều phối các workshop về viết tại Cardiff và khắp miền Nam xứ Wales. Các tác phẩm của anh đã được xuất bản bởi Poetry Wales, Broken Sleep Books, Tạp chí Nawr, v.v. Anh cũng nhận được giải thưởng từ Hiệp hội Thơ ca, tiểu thuyết ngắn của anh lọt vào danh sách rút gọn Giải thưởng Truyện ngắn Rhys Davies 2021, do Parthian Books khởi xướng, và đứng ở vị trí thứ Ba trong Giải thưởng Reflex Fiction Winter Prize năm 2021. Tập truyện ngắn đầu tay mang tên Local Fires sẽ được Parthian Books xuất bản vào tháng 9 năm 2023. Hiện tại anh đang dành thời gian cho tuyển tập tác phẩm với tựa đề là Ghost Town, dự kiến xuất bản vào năm 2024.

Khải Q. Nguyễn
Các bài viết khác

Khải Q. Nguyễn là một người viết và nhà thơ từ Việt Nam. Tác phẩm của anh đã xuất bản trên Mekong Review, CounterPunch, Zzz Review và được tuyển vào Suitcase of Chysanthemums của great weather of MEDIA. Anh có bằng thạc sỹ nghiên cứu văn chương và văn hóa từ các trường đại học Perpignan, St Andrews, và Santiago de Compostela.