Jessica Bruder, “Cõi người dưng” (trích)
Tiền lương và chi phí nhà cửa đã chênh lệch đầy bi kịch tới mức, với dân số Mỹ càng lúc càng gia tăng, giấc mơ đời sống trung lưu đã chuyển từ khó sang bất khả.

Tiền lương và chi phí nhà cửa đã chênh lệch đầy bi kịch tới mức, với dân số Mỹ càng lúc càng gia tăng, giấc mơ đời sống trung lưu đã chuyển từ khó sang bất khả.
CHƯƠNG 1 – “SQUEEZE INN”
Ở LỘ FOOTHILL, cách Los Angeles một giờ chạy xe về phía đất liền, một dải núi lừng lững hiện ra phía trước những dòng xe cộ hướng lên phía bắc, bất chợt ngáng qua vùng ngoại ô. Vùng hoang dã này chính là rìa phía nam dãy San Bernardino, một “dốc núi cao, thẳng đứng” theo mô tả của Cục khảo sát địa chất Hoa Kỳ (United States Geological Survey). Đó là một phần của kiến tạo đã bắt đầu hình thành cách nay mười một triệu năm dọc theo đứt gãy San Andreas và vẫn còn tiếp tục trồi lên, mỗi năm thêm vài milimet khi hai mảng kiến tạo Thái Bình Dương và Bắc Mỹ nghiến vào nhau. Tuy nhiên các đỉnh núi có vẻ như dồn tới nhanh hơn khi ta lái xe thẳng về phía chúng. Đó là một kiểu khung cảnh khiến ta phải ngồi thẳng lưng hơn và bắt đầu có cảm giáclồng ngực căng phồng, tựa như khí heli đang tuồn lấp vào khung sườn, đủ để thổi ta bay lên.
Linda May vừa giữ chặt tay lái vừa quan sát những ngọn núi đang tiến lại gần qua kính mắt hai tròng gọng màu hồng. Mái tóc bà bạc, dài quá vai, được ép ngược ra sau bằng kẹp nhựa. Bà rời khỏi lộ Foothill để vào cao tốc 330, còn có tên là City Creek Road. Trong đôi ba dặm, nền đường hãy còn phẳng tắp và thoáng đãng. Rồi nó trổ thành một con dốc ngoằn ngoèo uốn lượn, mỗi bên chỉ còn một làn xe, bắt đầu dẫn lên rừng quốc gia San Bernardino.
Bà ngoại 64 tuổi này đang lái một chiếc Jeep Grand Cherokee Laredo, chuẩn bị thanh lý để làm sắt vụn trước khi đến lượt bà tậu về từ một bãi lưu xe. Đèn tín hiệu “kiểm tra động cơ” đã giở chứng – vẫn nhá hỗn dù chẳng xảy ra vấn đề gì – và nếu quan sát kỹ hơn, ta sẽ nhìn thấy sơn trắng ở mui, vốn đã bị cũ nhàu và được sơn mới, có màu sai đi nửa tông so với phần thân còn lại. Cuối cùng sau nhiều tháng trời sửa chữa, chiếc xe đã có thể lên đường. Một thợ máy đã gắn thêm trục cam và cẩu nâng. Linda ra sức tân trang cho xe, cọ sạch đèn pha mờ câm bằng chiếc áo thun cũ với thuốc xịt côn trùng, một mẹo nhỏ bà tự nghĩ tự làm. Lần đầu tiên chiếc Jeep kéo theo “ngôi nhà” của Linda: một chiếc trailer nhỏ xíu, màu vàng nhạt mà bà gọi là “Squeeze Inn”. (Nếu khách còn chưa hiểu ý nghĩa của cái tên này khi được nhắc tới lần đầu, bà sẽ cho nó vào một câu hoàn chỉnh – “Đúng rồi, còn chỗ, cứ chen vào đi!” – và mỉm cười, để lộ ra những vết nhăn hai bên cánh mũi.) Chiếc trailer là một cổ vật bằng sợi thủy tinh ép, một chiếc Hunter Compact II chế tạo năm 1974, và ban đầu được rao là “một thành tựu đỉnh cao của thú du ngoạn” sẽ “theo đằng sau như một chú mèo con trên đường bằng, và như hổ khi đường gồ ghề”. Bốn thập kỷ sau, Squeeze Inn mang lại cảm giác như một viên thuốc bổ con nhộng theo phong cách hoài cổ duyên dáng: một chiếc hộp có mép bo tròn và hai bên dốc xuống, hình dạng giống như hộp xốp vỏ sò trước đây hay dùng ở các điểm bán hamburger. Chiều dài bên trong xe là 3 mét, gần bằng chiếc wagon có mui từng được bà cụ cố của Linda lái rong ruổi trên khắp nước Mỹ hơn một thế kỷ trước. Chiếc xe có một số nét đặc trưng của thập niên 70: thành xe và mui xe bọc giả da màu kem với đường may chần, tấm lót sàn có hoa văn màu mù tạt và bơ. Nóc xe chỉ cao vừa đủ để Linda đứng thẳng. Sau khi mua chiếc trailer hết 1.400 đô ở một buổi bán đấu giá, bà mô tả về nó trên Facebook. “Bên trong 1 mét 6 còn tôi 1 mét 57,” bà viết. “Vừa khít.”
Linda đang na theo Squeeze Inn tới Hanna Flat, một khu cắm trại giữa rừng thông phía tây bắc hồ Big Bear. Đang là tháng Năm và bà dự định sẽ ở cho tới hết tháng Chín. Nhưng không giống với hàng ngàn du khách ngoạn cảnh nhân lúc trời đang ấm áp ở rừng quốc gia San Bernardino – một thảm tự nhiên hoang dã to hơn bang Rhode Island, Linda đi để làm việc. Đây là mùa hè thứ ba bà được thuê làm quản lý trại: một công việc thời vụ tương đương lao công quét dọn, kiêm thủ quỹ, coi sóc mặt bằng, bảo vệ và đón khách. Bà rất nóng lòng bắt đầu công việc và sẽ nhận được khoản tiền tăng thêm theo năm dành cho nhân viên cũ. Khoản tiền này sẽ giúp thù lao theo giờ của bà nay tăng lên 9,35 đô, tức tăng 20 cent so với năm trước. (Vào lúc này, lương tối thiểu của California là 9 đô/giờ.) Bà cùng với những quản lý trại khác được thuê “tự nguyện”, mà theo văn bản chính sách lao động của công ty, họ có thể bị sa thải “bất cứ lúc nào, có hoặc không có lý do hay thông báo”. Linda sẽ nhận đủ lương 40 giờ làm việc mỗi tuần.
Vài quản lý trại đến làm việc lần đầu kỳ vọng sẽ có một kỳ nghỉ nơi thiên đường đồng thời được trả lương. Khó trách họ. Các mẩu tuyển dụng dát đầy hình ảnh những dòng sông lấp lánh và những đồng cỏ ngập tràn hoa dại. Một tờ quảng cáo của California Land Management, đơn vị tư nhân được ủy quyền là nhà tuyển dụng của Linda, bày hình ảnh những phụ nữ tóc hoa râm hớn hở cười bên bờ hồ ngập nắng, tay trong tay, như những người bạn chí thân đang cắm trại mùa hè. Dòng chữ “Được trả lương để đi cắm trại!” được phô ra trên tấm banner tuyển dụng cho American Land & Leisure, một công ty khác cũng tuyển dụng quản lý trại tương tự. Bên dưới dòng tiêu đề là những chứng thực của người lao động: “Nhân viên của chúng tôi cho hay: ‘Nghỉ hưu chưa khi nào vui dường này!’; ‘Chúng tôi cùng tạo dựng tình bạn trọn đời’; ‘Chúng tôi chưa bao giờ khỏe khoắn thế này trong nhiều năm qua’.”
Nhân viên mới thường sẽ lãn công – đôi lúc còn bỏ việc – khi “vỡ mộng” bởi những khoản kém lung linh hơn của công việc: chăm sóc những người đi cắm trại nốc thật lầy, inh ỏi to mồm, xúc hàng đống tro và miểng chai từ bếp lửa (những du khách cao hứng ưa quẳng chai vào lửa để cho chúng phát nổ), và cái nghi thức lau chùi nhà tắm công cộng ba lần mỗi ngày. Mặc dù “chăm nom” nhà vệ sinh là phần việc kém ưa thích nhất của hầu hết quản lý trại, Linda lại không nề hà, thậm chí còn có chút tự hào khi hoàn thành. “Tôi muốn nhà vệ sinh sạch sẽ bởi người cắm trại chỗ tôi sẽ dùng tới chúng,” bà chia sẻ. “Tôi không mắc chứng sợ dơ – ta chỉ cần tròng găng tay cao su vào và cứ thế lau chùi.”
Lúc Linda đi tới dãy San Bernardino, cảnh quan của thung lũng vô cùng lộng lẫy nhưng cũng dễ gây phân tâm trong lúc lái xe. Vệ đường hẹp, một bên mép chỉ vừa đủ để gọi là dải rìa. Dọc theo một số quãng chẳng có gì khác ngoài hư không uốn lượn theo dốc núi. Bảng chỉ đường cảnh báo cánh lái xe: “Khu vực sạt lở” và “Tránh bị quá nhiệt: Tắt điều hòa 22km tiếp theo”. Dường như chẳng có cái nào trong số ấy khiến Linda nao núng. Sự mẫn cảm của người từng lái xe tải đường trường gần hai thập kỷ trước khiến bà chẳng chút nao núng trước đường sá hiểm trở.
Tôi chạy một chiếc van ngay phía trước Linda. Là một nhà báo, tôi trước đây và bây giờ vẫn đi theo bà, dù gián đoạn, suốt một năm rưỡi nay. Xen giữa những chuyến thăm viếng trực tiếp, chúng tôi liên lạc với nhau qua điện thoại nhiều lần đến nỗi, cứ mỗi cuộc gọi, tôi lại mong nghe thấy câu chào quen thuộc của bà, thậm chí trước cả khi Linda nghe máy. Câu chào “Hề lốôôô” đầy giai điệu, thốt theo cùng một câu nhạc ba nốt mà tôi hay dùng mỗi khi nói “Bắt được rồi!” trong lúc chơi ú òa với một đứa bé.
Lần đầu tiên tôi gặp Linda là lúc đang tìm hiểu để viết bài cho tạp chí về một nhóm văn hóa đang lớn mạnh của dân du mục Mỹ, những con người sống toàn thời gian trên đường. Giống Linda, rất nhiều những linh hồn lang bạt này đang cố thoát khỏi một nghịch lý về kinh tế: sự xung đột giữa tiền thuê nhà không ngừng tăng và lương vẫn cố định, một lực không thể ngăn chặn lao vào một vật thể không thể chuyển lay. Những người này cảm thấy bị mắc vào thế lưỡng nan, dồn cả thời gian của mình vào những công việc bòn rút hết tâm hồn và sức lực với đồng lương chỉ vừa đủ để trả tiền thuê nhà hoặc khoản vay thế chấp mà không cách nào cải thiện được tình thế về lâu dài và cũng chẳng có triển vọng nào được nghỉ hưu về sau.
Cảm giác kia đều dựa trên thực tế phũ phàng: Tiền lương và chi phí nhà cửa đã chênh lệch đầy bi kịch tới mức, với dân số Mỹ càng lúc càng gia tăng, giấc mơ đời sống trung lưu đã chuyển từ khó sang bất khả. Khi tôi viết những dòng này, đang có khoảng một tá các hạt và chỉ duy nhất một vùng đô thị ở Mỹ mà ở đó nhân công nhận lương tối thiểu toàn thời gian có thể xoay xở một căn hộ một phòng ngủ giá phải chăng. Ta phải kiếm ít nhất 16,35 đô/giờ – gần như gấp đôi mức lương tối thiểu của liên bang – mới có thể thuê được một căn hộ mà không phải mất ngót 30% thu nhập vào chỗ ở. Hệ lụy rất khốc liệt, nhất là đối với 1/6 số hộ dân ở Mỹ từ lâu phải chi hơn một nửa số tiền kiếm được cho mái ấm. Với không ít các gia đình thu nhập thấp, điều này đồng nghĩa với việc gần như chẳng còn xu teng nào để mua sắm thức ăn, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác.
Nhiều người tôi gặp gỡ cảm thấy họ đã bỏ ra quá nhiều thời gian vào một trận đấu không cân sức. Và thế là họ tìm ra một cách để “hack” lại hệ thống. Họ từ bỏ những ngôi nhà truyền thống, từ bỏ những cùm gông của tiền nhà và khoản vay thế chấp. Họ dọn vào xe van, xe RV, hay một chiếc trailer, chu du rày đây mai đó theo thời tiết thuận lợi, và đổ đầy bình xăng bằng tiền công từ các việc làm thời vụ. Linda là một thành viên của bộ lạc ấy. Lúc bà di chuyển quanh miền Tây, tôi bắt đầu đi theo tới nay.
Khi con dốc đứng dẫn lên dãy San Bernardino bắt đầu, niềm háo hức được thấy đỉnh núi từ xa của tôi phai đi mất. Bất giác tôi thấy lo lắng. Cái ý nghĩ phải lái chiếc van cọc cạch qua những khúc quanh khúc khuỷu khiến tôi không khỏi có chút sợ sệt. Nhìn Linda lôi chiếc Squeeze Inn theo chiếc Jeep cà tàng của bà khiến tôi phát khiếp hơn nữa. Mới đó bà còn ra hiệu cho tôi chạy trước. Bà muốn chạy theo sau. Sao vậy? Có phải bà nghĩ rằng chiếc trailer có thể bật móc và trượt về phía sau chăng? Tôi không biết nguyên do.
Băng qua tấm bảng báo hiệu đầu tiên của rừng quốc gia San Bernardino, một chiếc xe bồn chở dầu bóng lưỡng lù lù hiện ra phía sau Squeeze Inn. Tài xế có vẻ đang thiếu kiên nhẫn, chạy hơi sát trong lúc bọn họ đang tiến vào loạt các khúc cua cùi chỏ làm khuất tầm tôi có thể quan sát Linda qua kính chiếu hậu. Tôi cứ tìm chiếc Jeep của bà. Khi đoạn đường thẳng trở lại, chẳng thấy nó đâu. Thay vào đó, chiếc xe chở dầu lại xuất hiện ở đoạn lên dốc thẳng đuột. Chẳng có dấu hiệu nào từ Linda.
Đánh xe vào một đường tránh, tôi gọi cho bà và hy vọng sẽ nghe tiếng “Hề lốôôô” quen thuộc. Điện thoại đổ chuông liên tục, rồi chuyển sang thư thoại. Tôi dừng xe, nhảy ra ngoài, sốt ruột đi tới đi lui phía bên ghế lái. Tôi thử lần nữa. Không trả lời. Lúc này, có thêm nhiều xe – có lẽ năm bảy chiếc – vừa ra khỏi các khúc quanh, vào dốc và vượt qua đường tránh. Tôi cố dằn xuống cảm giác mắc nhợn, từng phút trôi qua adrenaline bùng lên thành cơn hoảng loạn. Chiếc Squeeze Inn đã biến mất.
NHIỀU THÁNG TRỜI, Linda mong mỏi được trở lại đường và bắt đầu công việc quản lý trại. Bà đang bị bỏ lại ở Mission Viejo, cách Los Angeles 80km về phía đông nam, đang trú trong ngôi nhà thuê của con gái và con rể, Audra và Collin, cùng ba đứa cháu ngoại đều đang tuổi vị thành niên. Chẳng có đủ phòng ngủ cho tất cả, thế là đứa cháu trai Julian nằm tạm ở chỗ đặt bàn ăn không có cửa bên trong nhà bếp. (Cách bố trí này dẫu sao cũng thoải mái hơn căn hộ trước đây của gia đình, nơi một phòng thay đồ phải kham thêm chức năng phòng ngủ cho một trong hai cô cháu gái của Linda.)
Linda giữ những gì sót lại: chiếc ghế xô pha ngay sát cửa chính. Đó là một “hòn đảo”. Dẫu mến yêu gia đình của mình đến đâu, bà vẫn luôn cảm thấy bị “mắc kẹt” tại đó, nhất là khi chiếc Jeep bị kẹt ở tiệm sửa xe. Hễ khi các thành viên trong nhà có kế hoạch đi chơi xa mà không có bà đi cùng, ai cũng phải đi qua chỗ ghế của Linda để ra cửa. Chuyện này bắt đầu trở nên khó xử. Linda lo lắng: Con cháu có cảm thấy mắc lỗi khi đi chơi mà không có bà hay không? Bà cũng nhớ nhung sự tự tung tự tác của bản thân. “Tôi thà là nữ hoàng ở nhà mình còn hơn là sống dưới ách một nữ hoàng khác, kể cả đó là con gái tôi,” bà chia sẻ với tôi.
Đồng thời, các vấn đề về sức khỏe đã khiến gia đình lao đao – cả về tình cảm lẫn tài chính – làm cho Linda càng khó cậy vào mọi người. Cháu gái Gabbi bệnh và buộc phải nằm liệt giường từng đợt trong hơn ba năm vì hệ thần kinh bị rối loạn chức năng một cách bí ẩn. Về sau, con bé có kết quả dương tính với hội chứng Sjogren, một bệnh tự miễn dịch. Julian, cháu trai của Linda, mắc bệnh tiểu đường loại một. Con gái bà, Audra, thì viêm khớp nặng. Và cứ như thể vẫn còn chưa đủ, Collin, trụ cột của cả gia đình, gần đây lại mắc các cơn đau nửa đầu trầm trọng và rối loạn tiền đình buộc anh phải nghỉ làm.
Có lần, Linda cân nhắc việc nộp đơn làm chân thời vụ ở một nhà kho Amazon thông qua CamperForce, chương trình do nhà bán lẻ trực tuyến lập ra để thuê những lao động du cư. Nhưng mới năm trước bà đã làm công việc này và bị một chấn thương do vận động lặp đi lặp lại vì sử dụng máy quét mã vạch cầm tay. Nó để lại dấu vết rõ mồn một, một cục u cỡ quả nho ở cổ tay phải của bà. Tệ hơn thế nữa là một thứ mắt bà không thể nhìn thấy: một cơn đau chạy suốt chiều dài cánh tay phải của bà, đi từ ngón cái tới cổ tay, qua cùi chỏ và vai, lên tới cổ. Nhấc tách cà phê cỡ 250g hay chiếc chảo chiên không thôi cũng đủ làm bà đau nhói. Linda cho rằng đây là trường hợp viêm gân nặng, nhưng việc biết cũng chẳng thể giúp loại bỏ cơn đau. Và khi nó chưa lành, bà không thể quay lại công việc.
Túng quẫn và bị kẹt dí vào “hòn đảo” ghế, Linda ra sức tập trung tương lai của bà trong vai trò nữ chủ – và cũng là khách ngụ cư duy nhất – của Squeeze Inn. Trước khi ở cùng gia đình, bà đã liên tục di chuyển từ chỗ làm này tới chỗ làm khác trong chiếc xe nhà ở El Dorado đời 1994 dài gần 9 mét, ngốn xăng và sắp sửa nát bung ra. Do vậy, việc đổi sang dùng chiếc trailer bé tẹo thật dễ chịu, kể cả khi Squeeze Inn cũng cần chút chỉnh trang. Những người chủ cũ đã bỏ nó nằm giữa không khí muối mặn ven biển Oregon, khiến cho một số bộ phận kim loại bắt đầu hoen gỉ; một vết sét màu cam làm ố thân xe bằng sợi thủy tinh. Linda bắt đầu dùng thời gian rỗi cho dự án nâng cấp nhà di động. Nhiệm vụ đầu tiên của bà là pha chế một chất mài rửa – thành phần bí mật chính là vỏ trứng xay bằng máy xay sinh tố – mà bà dùng nó để loại bỏ vết gỉ sét. Một nhiệm vụ khác là tạo ra một chiếc giường ấm cúng. Chiếc trailer có một gian ăn uống nhỏ phía vách sau, thế là Linda bỏ đi chiếc bàn và cắt một miếng các tông làm khuôn để cho nó vừa khớp mặt trên ghế. Khi một tấm nệm hai lớp cỡ 1,6×2,0m còn mới toanh bị hàng xóm bỏ đi, Linda tận dụng nó. Rạch nó ra, bà tháo bỏ hết lò xo như một tay hàng cá róc xương một con cá lớn. Tiếp theo, Linda lôi từng lớp đệm ra ngoài, đánh dấu bằng bút lông để chúng vừa khít với tấm các tông, và cắt đi chỗ thừa bằng dao cắt thảm. Khi đã cắt xong lớp vải bên ngoài để khớp với nhau, bà khâu lại – cắt, gọt các thứ – và nhồi bông vào, tạo ra một tấm đệm con 0,9×1,8m hoàn hảo. “Tôi không nghĩ là hẹp hơn kích thước này thì mình sẽ ngủ thoải mái với ‘bạn cùng giường’ đâu,” bà vừa kể vừa ra dấu với con Coco, loại chó tai dài, lông rậm giống Cavalier King Charles. “Nên tôi làm bề ngang 9 tấc cho cả hai bọn tôi.”
Một ngày trước, khi Linda rời đi để tới Hanna Flat, tôi hỏi bà có thấy háo hức không. Bà nhìn tôi như thể đó là điều hiển nhiên nhất trần đời. “Ồ, dĩ nhiên!” bà đáp. “Không xe. Không tiền. Tôi đã chết dí trên chiếc ghế.” Chi phiếu an sinh xã hội hằng tháng 524 đô của bà sẽ đủ dùng tới ngày đầu bà nhận lương cho công việc mới. Linda sẵn sàng để cảm nhận thế giới của mình rộng mở một lần nữa sau khi nó bị thu nhỏ lại bằng chiếc ghế xô pha. Bà thiếu vắng cái cảm giác tự do quen thuộc đã quá lâu rồi. Cái cảm giác làm tăng thêm niềm háo hức muốn tìm tới điều mới mẻ và khả năng đến với một con đường rộng mở. Đã tới lúc phải lên đường.
Sáng ngày 6 tháng Năm, trời êm và hơi mù mây. Linda và các thành viên trong nhà ôm nhau chào tạm biệt. “Tới nơi mẹ sẽ gọi,” bà hứa. Bà đưa con Coco vào chiếc Jeep và khởi hành, đi thẳng tới tiệm sửa xe nơi bà bơm những chiếc vỏ xe chẳng khớp nhau, nứt nẻ và mòn. Chiếc Jeep không có bánh dự phòng. Tiếp theo là tới trạm xăng Shell. Bà bơm đầy bình xăng và vào bên trong để lấy hóa đơn cùng một vài gói Marlboro Red 100s. Người đứng quầy trẻ tuổi gật đầu đồng tình khi bà nhắc tới ngày trước, khi còn tuổi thành niên, xăng chỉ có giá 25 cent/3,8 lít, khác thật xa với cái giá 3,79 đô bây giờ. “Ta có thể cho một đô vào bình xăng và chạy được cả ngày,” bà kể với anh chàng, vừa lắc đầu vừa cười.
Dường như chẳng gì có thể làm tâm trạng của Linda xấu đi, kể cả khi bà trở lại chiếc Jeep thấy cửa bị khóa và chìa bỏ lại bên trong. Coco đứng trên hai chân sau, cào móng lên cửa sổ chỗ ghế lái, vẫy đuôi. Con chó đã giẫm lên chốt cửa, Linda đoán thế. Dù sao thì cửa sổ cũng được quay xuống vài phân. Tôi tìm chiếc bật lửa châm BBQ cán dài từ chiếc van, luồn tay qua kẽ hở và dùng nó để bật chốt cửa. Thế là hành trình tiếp tục.
Squeeze Inn nằm chờ trong kho ngoài vùng ven Perris, thị trấn nằm phía xa dãy Santa Ana, một trong những rặng núi nằm dọc bán đảo, chia cắt vùng ven biển California với vùng nội địa sa mạc khắc nghiệt hơn của bang. Tới đó tức là phải băng qua cao tốc Ortega. Đây là một trong những con đường nguy hiểm nhất bang, “nơi sự bành trướng đô thị, lái xe cẩu thả và các kỹ thuật cầu đường lỗi thời xung đột trực diện,” theo mô tả của một phóng viên tờ Los Angeles Times. Con đường quanh co thường bị tắc nghẽn với dòng người đi lại giữa Quận Cam và Inland Empire, nhưng vào giữa trưa, giao thông may thay khá thông thoáng. Chẳng mấy chốc, Linda đã sang phía bên kia, băng qua một trong nửa tá những bãi trailer như những bầy hàu phía mép tây của hồ Elsinore. Ba năm trước, bà từng sống ở bãi đậu xe nhà ở Shores Acres, thuê một chiếc trailer giá 600 đô/tháng trên con đường trải nhựa nứt nẻ chạy từ cao tốc tới bờ nước.
Ở một cửa hàng Target, Linda mua thức ăn đủ để trụ một tuần cho tới ngày chi phiếu an sinh xã hội tới tay: một thùng các tông lớn ngũ cốc Quaker, 18 quả trứng, bò xay, xúc xích bologna, bánh mì burger, bánh quy Goldfish, bánh Nutter Butters, cà chua, mù tạt và 2 lít sữa. Mặc dù thời điểm bắt đầu làm việc vẫn còn cách ít ngày, bà đã gọi điện cho sếp-sắp-tới của mình từ bãi xe. Linda muốn ông ta biết rằng bà đáng tin cậy và nghiêm túc với công việc. Bà thông báo mình đang trên đường và dự định sẽ có mặt tại Hanna Flat trước khi trời tối.
Băng qua một hàng rào mắt cáo với dây kẽm gai giăng phía trên và những lá cờ Mỹ bạc thếch vì nắng, Squeeze Inn nằm ở bãi chờ phía bắc cao tốc 74. Linda lái xe qua cánh cổng. Nhân viên sửa chữa vặt, một anh chàng ốm con tên Rudy với bộ râu bạc kiểu Van Dyke, tiến ra để chào bà. Họ đùa với nhau trong lúc Linda sửa soạn cho chiếc trailer, cố sức nhớ hết mọi thứ trong danh sách việc cần thực hiện. “Tôi có một cái đầu như bẫy thép: Nội bất xuất, ngoại bất nhập,” Rudy hóm hỉnh nói. Khi họ mải tán chuyện rôm rả thì bà bước khỏi cửa trailer quá nhanh, khiến nó bị mất thăng bằng. Squeeze Inn lắc lư qua lại trên trục duy nhất của nó. Cản sau xe rơi tòm xuống đất. “Nhẽ ra sáng nay đừng ăn cái bánh mì cuộn hương quế nhỉ?” Rudy trêu chọc. Linda trấn tĩnh lại. “Vội quá!” bà đáp. May thay, chẳng có gì bị gãy vỡ, cả bà lẫn chiếc Squeeze Inn.
Linda siết chặt lại một cái giá phía trước trailer, nơi chứa hai bình ga 9kg cung cấp nhiên liệu cho tủ lạnh, bếp ga và một lò sưởi nhỏ. Rốt cuộc Rudy giúp Linda móc nối Squeeze Inn vào chiếc Jeep. Bà bắt đầu nổ động cơ và chạy lên trước, ban đầu hơi dè dặt. Vẫy tay chào, Linda lăn bánh qua cổng. Hệt như tờ bướm quảng cáo cũ kỹ hứa hẹn, chiếc trailer “theo đằng sau như một chú mèo”.
Y Khương dịch
Phạm Ngọc Thạch hiệu đính
(Cảm ơn NXB Phụ nữ đã đồng ý cho Zzz Blog đăng đoạn trích này.)
Chấm sao chút:
Đã có 0 người chấm, trung bình 0 sao.
Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3