[Nobel 2022] Annie Ernaux, “Một người phụ nữ” (trích)
Mẹ tôi qua đời sáng nay

Mẹ tôi qua đời sáng nay
Mẹ tôi mất vào thứ Hai ngày 7 tháng Tư tại nhà dưỡng lão thuộc bệnh viện Pontoise, nơi tôi đã đưa bà vào cách đây hai năm. Nam y tá thông báo qua điện thoại: “Mẹ bà mất vào sáng nay, sau bữa sáng.” Lúc đó là khoảng mười giờ.
Lần đầu tiên cửa phòng bà đóng. Người ta làm vệ sinh cho bà, một băng vải trắng quấn chặt đầu bà, luồn xuống dưới cằm, đưa toàn bộ da về quanh miệng và cặp mắt. Bà được đắp một tấm ga kéo trùm qua vai, che kín cả hai bàn tay. Trông bà giống một xác ướp nhỏ bé. Người ta để ở hai bên giường các thanh chắn nhằm ngăn bà nhỏm dậy. Tôi muốn mặc cho bà cái áo sơ mi ngủ màu trắng, móc viền, đã được bà mua từ lâu lắm rồi để dành cho đám tang của mình. Viên y tá bảo tôi rằng một nữ nhân viên sẽ phụ trách việc ấy, người đó cũng sẽ đặt lên người bà cây thánh giá, vốn dĩ nằm trong ngăn kéo bàn đầu giường bà. Nó bị thiếu mất hai cái đinh ghim hai cánh tay bằng đồng lên thập giá. Viên y tá không chắc có thể tìm thấy chúng. Điều này không quan trọng, dẫu vậy tôi vẫn mong họ đặt cây thánh giá của bà lên cho bà. Trên cái bàn gắn bánh xe, có bó hoa liên kiều tôi mang tới từ hôm trước. Y tá khuyên tôi đi ngay đến bộ phận hộ tịch của bệnh viện. Trong thời gian đó, người ta sẽ kiểm kê đồ đạc cá nhân của mẹ tôi. Bà gần như chẳng còn gì, một bộ đồ, đôi giày mùa hè màu xanh, một dao cạo râu điện. Một phụ nữ bắt đầu la hét, vẫn là cái bà ấy từ nhiều tháng nay. Tôi không sao hiểu được việc bà ta còn sống mà mẹ tôi thì chết.
Tại bộ phận hộ tịch, một phụ nữ trẻ hỏi tôi có việc gì. “Mẹ tôi qua đời sáng nay. – Ở bệnh viện hay nội trú dài ngày? tên gì?” Cô ta nhìn một tờ giấy và hơi mỉm cười: cô ta đã biết từ trước. Cô ta đi tìm hồ sơ của mẹ tôi và hỏi tôi vài câu về bà, nơi sinh của bà, địa chỉ cuối cùng của bà trước khi nhập viện điều trị dài ngày. Những thông tin ấy phải viết vào hồ sơ.
Trong phòng mẹ tôi, người ta đã soạn sẵn một túi ni lông đựng đồ của bà đặt trên bàn đầu giường. Viên y tá chìa cho tôi tờ phiếu kiểm kê để tôi ký. Tôi không muốn mang quần áo cùng các món đồ bà có ở đây về nữa, ngoại trừ bức tượng nhỏ mua trong một chuyến hành hương tới Lisieux cùng bố tôi ngày xưa, và một cậu bé nạo ống khói Savoie, đồ lưu niệm từ Annecy. Giờ đây, khi tôi đã đến, người ta có thể đưa mẹ tôi vào nhà xác của bệnh viện, khỏi phải đợi hết thời hạn hai tiếng giữ thi thể tại chỗ sau khi chết theo quy định. Lúc đi khỏi, tôi trông thấy trong văn phòng gắn vách kính dành cho nhân viên cái bà ở cùng phòng với mẹ tôi. Bà đang ngồi, với cái xắc cầm tay, người ta đưa bà vào đó đợi cho đến khi mẹ tôi được chuyển vào nhà xác.
Chồng cũ đưa tôi tới chỗ dịch vụ mai táng. Đằng sau giá để hoa giả, có nhiều phô tơi cùng một cái bàn thấp chất đầy tạp chí. Một nhân viên dẫn chúng tôi vào một văn phòng, đặt các câu hỏi về ngày giờ qua đời, địa điểm chôn cất, có làm lễ mi xa hay không. Anh ta chép mọi điều vào một bảng kê lớn và chốc chốc lại bấm máy tính. Anh ta đưa chúng tôi vào một căn phòng tối đen không cửa sổ rồi bật đèn. Khoảng một chục cỗ quan tài được kê dựa vào tường. Anh nhân viên nói rõ: “Giá đã bao gồm thuế”. Ba quan tài được mở sẵn để người ta có thể chọn cả màu lớp lót trong. Tôi lấy gỗ sồi vì đó là loại cây bà thích nhất và lúc nào ở trước một món đồ gỗ mới bà cũng lo lắng cố biết xem có phải nó được làm bằng gỗ sồi hay chăng. Chồng cũ của tôi gợi ý màu hồng ngả tím cho lần lót. Ông kiêu hãnh, gần như sung sướng vì nhớ được là mẹ tôi hay có áo chẽn ngực màu ấy. Tôi viết một tờ séc đưa cho anh nhân viên. Họ lo mọi việc, trừ cung cấp hoa tươi. Quãng giữa trưa tôi về nhà và uống porto cùng chồng cũ. Tôi đã bắt đầu thấy đau đầu và đau bụng.
Khoảng năm giờ, tôi gọi điện tới bệnh viện để hỏi có thể cùng hai con trai tới nhà xác thăm mẹ tôi không. Cô nhân viên trực tổng đài trả lời là đã quá muộn, nhà xác đóng cửa lúc bốn rưỡi. Tôi lái xe ô tô ra ngoài một mình để tìm một hàng hoa mở cửa vào thứ Hai, trong các khu phố mới gần bệnh viện. Tôi muốn hoa bách hợp trắng, nhưng cô bán hàng khuyên tôi đừng chọn loại đó, người ta chỉ dùng chúng cho bọn trẻ con, cùng lắm thì cũng là các thiếu nữ.
Lễ chôn cất diễn ra vào thứ Tư. Tôi đến bệnh viện cùng hai con trai và chồng cũ. Nhà xác không có mũi tên chỉ đường, chúng tôi lạc mãi mới tìm được nó, một tòa nhà bằng bê tông chỉ có một tầng, nằm ở cạnh cánh đồng. Một nhân viên vận bờ lu trắng đang gọi điện thoại ra hiệu bảo chúng tôi ngồi xuống ghế trong hành lang. Chúng tôi ngồi ở chỗ dãy ghế đặt dọc sát tường, đối diện với khu vệ sinh để cửa mở. Tôi muốn nhìn thấy mẹ lần nữa và đặt lên người bà hai cành hoa mộc qua nhỏ mà tôi để trong túi xách. Chúng tôi không biết người ta có định cho chúng tôi vào chỗ mẹ tôi lần cuối trước khi đóng nắp quan tài hay không. Nhân viên dịch vụ mai táng mà chúng tôi đã gặp ở cửa hàng đi ra từ một căn phòng bên cạnh và, hết sức lịch sự, bảo chúng tôi đi theo anh ta. Mẹ tôi nằm trong quan tài, đầu ngửa về phía sau, hai tay chắp lại trên cây thánh giá. Người ta đã tháo dải băng và mặc áo sơ mi ngủ bo viền cho bà. Cái chăn xa tanh kéo cao lên ngang ngực. Đó là trong một phòng lớn trơ trọi, bằng bê tông. Tôi không biết từ đâu rọi vào chút ánh sáng bên ngoài.
Người nhân viên nói với chúng tôi là đã hết thời gian thăm, và dẫn chúng tôi ra ngoài hành lang. Tôi thấy dường như anh ta đưa chúng tôi tới trước mẹ tôi để chúng tôi ghi nhận chất lượng cao các cam kết của hãng. Chúng tôi băng ngang những khu phố mới để đến nhà thờ, được xây dựng bên cạnh trung tâm văn hóa. Xe tang còn chưa tới, chúng tôi đứng đợi trước nhà thờ. Đối diện, trên mặt tiền của siêu thị, có dòng chữ viết trên mặt đường, “tiền, hàng hóa và Nhà nước là ba cột trụ của apartheid”. Một ông linh mục tiến đến, hết sức hòa nhã. Ông hỏi, “đó là mẹ bà à?” rồi hỏi các con tôi xem chúng có đang đi học không, ở trường đại học nào.
Một thứ trông như chiếc giường nhỏ để trống, bọc nhung đỏ vòng quanh, được đặt thẳng xuống sàn xi măng, trước ban thờ. Một lúc sau, người bên mai táng đặt quan tài của mẹ tôi lên đó. Ông linh mục bỏ một cuộn băng cát xét phát nhạc đàn ống nhà thờ vào cái đài. Chỉ có chúng tôi dự lễ mi xa, mẹ tôi không quen biết ai ở đây. Ông linh mục nói tới “cuộc sống vĩnh hằng”, về “sự phục sinh của người chị em chúng ta”, ông hát các bài thánh vịnh. Tôi những muốn cứ như thế mãi, muốn rằng người ta còn làm thêm điều gì đó nữa cho mẹ tôi, các động tác, các bài hát. Tiếng nhạc đàn ống lại vang lên và ông linh mục thổi tắt nến ở hai bên quan tài.
Xe ô tô của dịch vụ mai táng ngay lập tức khởi hành về Yvetot, vùng Normandie, nơi mẹ tôi sẽ được chôn cạnh bố tôi. Tôi đi trên xe riêng cùng hai con trai. Trời mưa suốt hành trình, gió thổi phần phật. Hai thằng bé hỏi tôi về lễ mi xa, vì trước đó chúng chưa bao giờ xem lễ và đã không biết phải cư xử như thế nào trong lúc buổi lễ được cử hành.
Ở Yvetot, gia đình đã quần tụ gần cửa sắt lối vào nghĩa trang. Một người chị họ hét lên với tôi từ xa. “Thời tiết kinh quá, cứ như đang là tháng Mười một!”, để khỏi phải ở yên đó nhìn chúng tôi bước đến mà không nói gì. Chúng tôi cùng nhau bước về phía mộ bố tôi. Huyệt đã được mở, đất được hất sang bên thành đống màu vàng. Người ta mang quan tài mẹ tôi tới. Vào lúc nó được đặt trên miệng huyệt, giữa đống dây dợ, mấy người đó bảo tôi tiến lại gần để có thể nhìn thấy quan tài trượt xuống dọc theo thành huyệt. Phu đào huyệt đứng chờ cách đó vài mét cùng cái xẻng. Ông ta mặc đồ bảo hộ lao động màu xanh, đội mũ bê rê và đi ủng, nước da tím tái. Tôi muốn nói chuyện với ông ta và đưa ông ta một trăm franc, nghĩ có lẽ ông ta sẽ dùng tiền đó để đi uống rượu. Điều này chẳng mấy quan trọng, ngược lại, ông ta là người cuối cùng chăm lo cho mẹ tôi bằng cách phủ đất cho bà cả buổi chiều, ông ta cần phải cảm thấy sung sướng khi làm việc ấy.
Gia đình không muốn tôi đi ngay mà không ăn gì. Dì tôi dự định sẽ ăn bữa sau lễ tang ở quán. Tôi ở lại, cả điều đó tôi cũng thấy là một việc tôi còn có thể làm cho bà. Quán phục vụ chậm chạp, chúng tôi nói chuyện công việc, con cái, thỉnh thoảng là chuyện mẹ tôi. Họ bảo tôi, “để chị ấy sống trong tình trạng đó suốt nhiều năm thì có được gì đâu”. Đối với tất cả, mẹ tôi chết thì tốt hơn. Đó là một câu, một khẳng định chắc chắn, mà tôi không hiểu. Buổi tối, tôi quay về vùng Paris. Mọi thứ đã thực sự kết thúc.
Thu Phương dịch
(Tác phẩm Một người phụ nữ của Annie Ernaux sẽ được Nhã Nam phát hành vào thời gian tới. Trân trọng cảm ơn Nhã Nam đã đồng ý cho Zzz Blog đăng đoạn trích này.)
Chấm sao chút:
Đã có 0 người chấm, trung bình 0 sao.
Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3