Umberto Eco, “Lịch sử cái đẹp” (trích)
mười gã đàn ông thì vẫn khó mà thỏa mãn cho tốt một người đàn bà

mười gã đàn ông thì vẫn khó mà thỏa mãn cho tốt một người đàn bà
Chương VI
TỪ CÔ GÁI MỤC ĐỒNG TỚI NGƯỜI PHỤ NỮ-THIÊN THẦN
Các triết gia, các nhà thần học và các nhà huyền học thời Trung cổ nghiên cứu về Cái Đẹp đã không có nhiều lý do để bận tâm tới vẻ đẹp nữ giới, bởi họ đều là người của Giáo hội và luân lý Trung cổ khiến người ta dè chừng thú vui xác thịt. Tuy nhiên, họ cũng không thể không thừa nhận các văn bản Kinh Thánh và họ có nghĩa vụ phải diễn giải ý nghĩa phúng dụ trong Sách Diễm Ca bao gồm các bài hát của vua Salomon mà nếu được hiểu theo nghĩa đen thì nó là lời của đức lang quân ca tụng các đường nét quyến rũ của nữ hiền thê.
Và do đó, trong các văn bản giáo lý, ta có thể tìm được các trích dẫn cho thấy sự nhạy cảm về Cái đẹp nữ tính không hoàn toàn bị tê liệt. Có thể chứng minh điều này qua một trích đoạn của Hugues de Fouilloy (trong bài thuyết giáo của ông về Sách Diễm Ca) khi giáo sĩ tả bộ ngực phụ nữ phải như thế nào: “bộ ngực đẹp là bộ ngực chỉ hơi nhô lên, không quá đẫy đà cũng không bị nén chặt mà được quấn nhẹ nhàng sao cho không tự do đu đưa”. Không khó để liên hệ lý tưởng Cái Đẹp này với ngoại hình của rất nhiều quý bà quý cô trong các minh họa tiểu thuyết hiệp sĩ lãng mạn, thậm chí cả trong rất nhiều bức tượng khắc họa Đức Trinh nữ ôm hài nhi ta cũng có thể nhận thấy lớp áo lót bó vừa phải bầu ngực, đúng với quy định trang phục nữ giới thời đó.
Bên ngoài môi trường giáo lý, chúng ta bắt gặp rất nhiều mô tả thú vị về vẻ đẹp nữ tính trong thi ca trào phúng thuộc phong trào Goliard (ví như bản Carmina Burana), và trong các vần thơ “mục đồng”, nơi một thư sinh hay một kỵ sĩ tình cờ gặp gỡ một nữ mục đồng, quyến rũ nàng và tận hưởng sự duyên dáng mê hoặc của nàng.
Thời kỳ Trung cổ là thế, một thế giới ngợi ca sự ôn hòa nhũn nhặn chốn công cộng nhưng lại chấp nhận các biểu hiện hung dữ tàn bạo công khai; và bên cạnh các tác phẩm đạo đức giáo lý cực kỳ nghiêm khắc, nó cũng cung cấp cho chúng ta cả những trang sách đầy nhục dục chân thật không chỉ có trong các truyện ngắn của Boccaccio.
Nhục dục Trung cổ
Khuyết danh (thế kỷ XII-XIII)
Carmina Burana
Nhưng không sương giá nào có thể nguội lạnh ái tình, vốn là nguồn nhiệt mật thiết và có thể làm sống lại những gì bị mùa đông u mê làm cho tê liệt. Tôi đau khổ cay đắng nhiều và chết vì vết thương mà tôi lấy làm hãnh diện. Ôi, giá như nàng, người đã thích thú phóng những mũi tên ngọt ngào vào trái tim này, muốn chữa lành cho tôi bằng một nụ hôn!
Nụ cười vui vẻ và đáng yêu của nàng hấp dẫn mọi ánh nhìn. Đôi môi nàng mềm mại và gợi cảm, nhưng cũng vô cùng ngây thơ, khiến tôi ngây ngất khi những nụ hôn nàng thấm đẫm mọi vị ngọt mật ong; những lúc đó tôi tưởng mình đã gần giống thần linh! Vầng trán nàng thanh thoát và trắng như tuyết, ánh sáng lung linh trong mắt nàng, mái tóc nàng lấp lánh ánh vàng, đôi bàn tay nàng trắng hơn bó huệ, khiến tôi thở dài. […]
Thiếu nữ cho phép tôi nhìn nàng, nói chuyện với nàng, vuốt ve nàng và cuối cùng hôn nàng; nhưng còn thiếu mục tiêu cuối cùng và ngọt ngào nhất của ái tình. Nếu không đạt được nó thì những gì nàng đã trao chỉ khiến ngọn lửa khao khát trong tôi càng cháy bỏng.
Tôi tiến gần tới mục tiêu, những giọt nước mắt ngọt ngào của người thiếu nữ càng thổi bùng ngọn lửa đam mê, trong khi nàng ngần ngại mở cánh cửa dẫn tới sự trinh trắng của mình. Nàng khóc và tôi uống giọt nước mắt ngọt ngào của nàng, và như thế tôi càng say sưa, càng cháy bỏng khao khát.
Những nụ hôn đẫm nước mắt thậm chí còn mang hương vị ngọt ngào hơn và kích thích tâm trí nghĩ về những vuốt ve thân mật. Tôi choáng ngợp bởi đam mê, và ngọn lửa dục vọng càng bùng cháy dữ dội hơn nữa. Trong khi đó, Coronide trút nỗi thống khổ vào những tiếng nức nở và không để những lời cầu xin của tôi xoa dịu. Tôi van nài thêm và trao thêm bao nụ hôn; nàng đổ thêm nước mắt, cãi vã, mắng mỏ tôi, nhìn tôi với ánh mắt khi thù hằn khi cầu khẩn; và tôi càng nài nỉ vuốt ve thì nàng càng câm điếc trước những yêu cầu của tôi.
Tôi trở nên quả quyết và dùng vũ lực. Nàng dùng móng cào tôi, bứt tóc tôi, lấy hết sức đẩy tôi ra; nàng co người, khép chặt hai đầu gối để không mở cánh cổng kín đáo của mình. Tôi càng vật lộn thêm, cho tới khi giành được chiến thắng. Tôi ôm nàng sát vào người, giữ chân tay nàng, nắm cổ tay nàng và hôn nàng say đắm; và như thế, vương quốc của thần vệ nữ đã mở.
Cả hai chúng tôi đều thích thú tận hưởng. Người yêu dấu của tôi không còn đẩy tôi đi nữa, mà đã bình tĩnh lại và trao cho tôi những nụ hôn ngọt ngào như mật.
Chuyện chàng Masetto
Giovanni Boccaccio (1313-1375)
Decameron [Mười ngày] –, Ngày thứ ba, truyện thứ nhất
Cuối cùng, vào một hôm trời rất nóng, nữ tu viện trưởng, người vốn vẫn chưa biết gì về những việc này, đi dạo một mình trong vườn. Bà thấy Masetto, người ban ngày không chịu được mệt nhọc vì ban đêm vần vũ quá nhiều, đang nằm dài ngủ dưới bóng cây hạnh nhân, thân trước khá lộ bởi gió tung bay hết cả vạt áo. Người đàn bà quan sát, nhận thấy mình chỉ có một mình, bỗng lên cơn khao khát, chẳng khác gì cơn thèm ăn của các nữ tu sĩ, liền đánh thức Masetto và kéo anh ta lại phòng mình, nơi suốt vài ngày bà nếm đi nếm lại vị ngọt ngào mà trước đó bà vẫn phê phán khiển trách các nữ tu sĩ khác, mặc cho những người này phàn nàn rằng không thấy người làm vườn tới làm việc nữa.
Và cuối cùng bà cũng cho anh ta ra về, nhưng rồi lại cho gọi anh ta lên phòng mình hết lần này tới lần khác và nhiều lần còn đòi hỏi hơn những gì anh ta muốn. Masetto thấy mình không thể làm hài lòng tất cả những người đàn bà trong này, và nhận ra rằng nếu cứ để tình trạng giả câm của mình kéo dài thì những hậu quả tai hại có thể sẽ xảy đến. Vì thế một hôm, khi ở bên nữ tu viện trưởng, anh ta cắt sợi chỉ quấn lưỡi và do đó có thể cất tiếng nói:
– Thưa bà, tôi cứ nghĩ một con gà trống là đủ cho mười con gà mái, nhưng mười gã đàn ông thì vẫn khó mà thỏa mãn cho tốt một người đàn bà; mà ở đây tôi được kỳ phục vụ cả chín, thật là một gánh nặng quá đỗi với tôi, vì những gì đã trải qua mà giờ sức lực của tôi tiêu tốn nhiều, giờ hoặc xin bà cho tôi đi gặp Chúa trời, hoặc xin bà tìm cách thu xếp sao cho ổn.
Ngỡ ngàng khi nghe tiếng kẻ được cho là câm, người đàn bà thốt lên: “Thế là sao? Tôi tưởng anh bị câm kia mà!” Masetto đáp: “Vâng, thưa bà, tôi bị câm nhưng không phải từ thủa lọt lòng, mà vì đổ bệnh rồi thành ra như thế, và chỉ đúng có đêm nay mới bình phục, nên tôi xin hết lòng ngợi ca Chúa từ bi.” Người đàn bà tin anh ta, và hỏi anh ta có ý gì khi nói phải phục vụ chín người. Masetto kể hết sự tình; và thế là bà nhận ra rằng chẳng có nữ tu sĩ nào khôn ngoan hơn mình cả, và rằng nếu giờ đây bị đuổi đi thì hẳn Masetto sẽ bêu tiếng xấu cho tu viện, nên quyết tâm thu xếp vấn đề với các nữ tu sao cho anh ta có thể ở lại.
Vì vậy, khi người quản gia chết vài ngày sau đó, bà tập hợp tất cả các nữ tu lại; mọi lỗi lầm trong quá khứ của họ đều được công khai thú nhận và tha thứ; và với sự đồng tình của Masetto, mọi người dân quanh vùng đều được cho biết rằng nhờ những lời cầu nguyện của họ và công đức của vị thánh bảo trợ mà Masetto, kẻ vốn bị câm bấy lâu nay, đã lấy lại được tiếng nói, và sau đó họ cho anh ta lên làm quản gia, và sắp xếp sao cho anh ta có thể chịu được trọng trách phục vụ tất cả.
Suốt thời gian đó, mặc dù anh ta đã cho ra đời bao tu sĩ nhỏ, nhưng tất cả đều được bố trí kín đáo nên chẳng có vụ bê bối nào bị khui ra, có chăng là mãi tận sau này, khi nữ tu viện trưởng chết còn Masetto đã đứng tuổi và mong muốn quay trở về nhà.
Và như thế Masetto, giờ đã già, đã là cha và giàu có mà chẳng phải nặng nhọc làm việc nuôi con mà tất cả là nhờ tài trí đã vận dụng trong thời trai trẻ; vác chiếc rìu trên vai ra đi, tự nhủ thế là mình đã cắm sừng lên đầu Giêsu rồi đó.
(Tác phẩm Lịch sử cái đẹp được Nhã Nam phát hành vào quý I năm 2023. Xin trân trọng cảm ơn Nhã Nam đã đồng ý cho Zzz Blog đăng đoạn trích trên.)
Chấm sao chút:
Đã có 2 người chấm, trung bình 4.5 sao.
Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3