Roberto Bolaño, “Thám tử hoang dã” trích
Có thứ văn chương dành cho những khi ta chán. Thứ này vô khối.

Có thứ văn chương dành cho những khi ta chán. Thứ này vô khối.
Joaquín Font, Bệnh viện Tâm thần El Reposo, đường Sa mạc Sư tử, ngoại ô thủ đô Mexico, tháng Giêng 1977. Có thứ văn chương dành cho những khi ta chán. Thứ này vô khối. Có thứ văn chương dành cho những khi ta bình tâm. Là thứ văn chương hay nhất, theo tôi. Cũng có thứ văn chương dành cho những khi ta buồn. Và có thứ văn chương dành cho khi ta vui. Và có thứ văn chương dành cho khi ta tuyệt vọng. Đấy là thứ văn chương mà Ulises Lima và Belano muốn viết. Một sai lầm nghiêm trọng, sau đây ta sẽ thấy. Ta hãy lấy ví dụ, chẳng hạn một người đọc trung bình, tỉnh táo, trưởng thành, có học, có cuộc sống ít nhiều lành mạnh. Một người thường xuyên mua sách, mua tạp chí. Vậy là anh ta đó. Người này có thể đọc những gì được viết dành cho khi người ta bình tâm, nhưng cũng có thể đọc bất cứ loại văn chương nào khác, với con mắt phê bình, một cách vô tư, không có những rắc rối đáng tiếc hoặc vô lý. Tôi thì tôi cho như vậy. Tôi không muốn xúc phạm ai. Giờ ta hãy xem độc giả tuyệt vọng, kẻ được cho là công chúng của loại văn chương tuyệt vọng. Ta thấy gì nào? Thứ nhất: độc giả này là một thiếu niên hoặc một người lớn chưa trưởng thành, bồn chà bồn chồn, bứt rứt bất an. Anh ta là loại ngu si chó chết (tôi dùng chữ này xin quý vị bỏ quá cho) đọc Werther xong là đi tự vận. Thứ hai: là một độc giả hạn hẹp. Sao lại hạn hẹp? Dễ hiểu quá: vì anh ta chỉ có thể đọc thứ văn tuyệt vọng hoặc dành cho người tuyệt vọng, đằng nào thì cũng như nhau, cái thứ hoặc cái nòi không có khả năng đọc một hơi hết Đi tìm thời gian đã mất chẳng hạn, hoặc Núi thần (mà theo ý kiến khiêm nhường của tôi là một cõi văn chương viên mãn, tĩnh lặng, bình an), hoặc là kiểu như Những người khốn khổ hay Chiến tranh và hòa bình. Tôi nói vậy chắc rõ phải không? Rõ hả, tốt. Thế nên tôi nói chuyện với họ, tôi bảo họ, tôi khuyến cáo họ, tôi cảnh báo họ về những nguy cơ họ có thể đối mặt. Khác nào nói với bức tường. Lại nữa: độc giả tuyệt vọng thì cũng giống như mấy mỏ vàng ở California. Sớm muộn gì họ cũng cạn kiệt! Vì sao? Quá rõ ràng. Người ta đâu thể sống tuyệt vọng suốt cả đời, thân thể rốt cuộc sẽ nổi loạn, cái đau trở thành không chịu nổi, sự tỉnh táo sẽ phụt ra thành từng luồng lớn, lạnh. Độc giả tuyệt vọng (nhất là độc giả thơ tuyệt vọng, thứ này không ai chịu nổi, tin tôi đi) rốt cuộc sẽ quay lưng với sách, không tránh khỏi trở thành tuyệt vọng cực cùng. Hoặc bị rủa nguyền! Thế rồi, như một phần của quá trình tái sinh, anh ta từ từ quay lại, như quấn trong tã lót, như dưới một cơn mưa những viên thuốc giảm đau có thể hòa tan, anh ta quay lại, như tôi nói, với một thứ văn chương viết dành cho những độc giả bình thản, tự tại, có cái tâm định tĩnh. Cái đấy được gọi (nếu không phải ai gọi thì tôi gọi) là bước chuyển tiếp từ vị thành niên đến thành niên. Nhưng nói vậy không có nghĩa là khi người ta đã chuyển thành một độc giả bình tâm thì người ta không đọc những sách viết cho người tuyệt vọng nữa. Họ có đọc chớ! Nhất là nếu nó hay hoặc cũng đường được hoặc do một người bạn giới thiệu cho. Nhưng trong sâu xa họ thấy nó chán ngắt! Trong sâu xa đó là thứ văn chương cay nghiệt, đầy những dụng cụ sắc lẻm và những đấng tiên tri bị tùng xẻo giữa quảng trường, chẳng xuyên thấu vào tim anh ta giống như một trang văn định tĩnh, một trang có đắn đo thấu đáo, một trang hoàn hảo về kỹ thuật! Tôi bảo họ thế. Tôi cảnh báo họ. Tôi cho họ thấy trang văn hoàn hảo về kỹ thuật. Tôi cảnh báo họ về những nguy cơ. Chớ làm cạn kiệt mạch nguồn! Khiêm nhường! Hãy tìm kiếm, lạc giữa vùng đất lạ! Tuy nhiên với sách hướng dẫn, với những mẩu vụn bánh mì hay sỏi trắng! Thế nhưng tôi điên, bị điên vì mấy đứa con gái tôi, điên vì chúng, vì Laura Damián, thế nên họ chẳng nghe.
Lisandro Morales, phố Comercio, phía trước Vườn Morelos, quận Escandón, thủ đô Mexico, tháng Ba 1977. Chính Vargas Pardo, tiểu thuyết gia người Ecuador, kẻ luôn luôn chỉ làm những gì mình muốn và làm biên tập viên tại nhà xuất bản của tôi, là người đã giới thiệu tôi với Arturo Belano. Cũng chính Vargas Pardo này một năm sau đó đã thuyết phục tôi rằng nhà xuất bản rất nên bỏ tiền tài trợ cho một tờ tạp chí nơi những tác gia lớn nhất của Mexico và Mỹ latinh tụ hội về cộng tác. Họ cho tôi chức giám đốc danh dự còn Vargas Pardo và đôi ba người bạn của ông ta tự đề cử mình làm ban biên tập.
Ý đồ của họ, ít nhất là theo cách họ quảng cáo với tôi, là để tạp chí này quảng bá cho các sách của nhà xuất bản. Đấy là mục đích chính. Mục đích thứ nhì là làm ra một tạp chí văn chương hay làm tăng uy tín của nhà ta, vì nội dung của nó cũng như vì những người cộng tác. Họ nói với tôi về Julio Cortázar, về García Márquez, về Carlos Fuentes, về Vargas Llosa, về các nhân vật hàng đầu của văn chương Mỹ latinh. Tôi, vốn luôn thận trọng, nếu không nói là đa nghi, nói với họ rằng tôi sẽ hạnh phúc nếu như có được Ibargüengoitia, Monterroso, José Emilio Pacheco, Monsiváis, Elenita Poniatowska. Họ nói dĩ nhiên rồi, chả mấy chốc nữa hết thảy mấy người đó sẽ xếp hàng cầu xin được in ở tạp chí của chúng ta. Đồng ý, cứ để họ cầu xin, tôi nói, ta hãy làm cho tốt, nhưng chớ quên mục đích hàng đầu. Quảng bá cho nhà xuất bản. Họ nói rằng chuyện đó chả có vấn đề gì, nhà xuất bản của ta sẽ có mặt trên từng trang một, hoặc từng hai trang một, và rồi tạp chí cũng sẽ sớm thu lãi được thôi. Thì tôi nói: các ông ạ, số phận nó nằm trong tay các ông. Trong số đầu tiên, như ai cũng có thể dễ dàng kiểm chứng, chẳng hề có Cortázar, chẳng có García Márquez, José Emilio Pacheco cũng chẳng có luôn, nhưng có một tiểu luận của Monsiváis và bài này theo nghĩa nào đó cứu tờ tạp chí; các bài vở còn lại là của Vargas Pardo, một tiểu luận của một tiểu thuyết gia người Argentina sống lưu vong ở Mexico là bạn của Vargas Pardo, hai trích đoạn từ những tiểu thuyết mà chúng tôi đang định xuất bản, một truyện ngắn của một đồng hương chẳng ai còn nhớ tới của Vargas Pardo, và thơ, quá nhiều thơ. Trong phần phê bình, tôi chẳng có gì để phản đối, ít nhất là vậy; tầm chú ý tập trung cả vào các đầu sách mới của chúng tôi và về cơ bản là ngợi ca.
Tôi nhớ là sau khi đọc tờ tạp chí tôi đã nói chuyện với Vargas Pardo, tôi nói với ông ta: tôi có cảm tưởng là có quá nhiều thơ mà thơ thì không bán được. Tôi không quên câu trả lời của ông ta: làm sao mà không bán được hở ông Lisandro, ông ta nói với tôi, nhìn Octavio Paz và tạp chí của ông ấy mà xem. Được, Vargas ạ, tôi nói, nhưng Octavio là Octavio, và có những sự xa xỉ mà bọn còn lại như chúng ta đây không được phép tự dung dưỡng cho mình. Tôi không nói với ông ta, hẳn rồi, rằng tạp chí của Octavio tự đời thuở nào chẳng biết tôi không bao giờ đọc, tôi cũng không tự đính chính cái từ “xa xỉ” đã dùng không phải để chỉ công việc thơ ca của Octavio Paz mà là để chỉ tờ tạp chí tẻ ngơ tẻ ngắt của ông ta, bởi trong thâm tâm tôi nghĩ ấn hành một tạp chí thơ không phải là trò xa xỉ mà là một trò ngu xuẩn tột cùng. Nhưng dù gì thì chuyện cũng chỉ đến thế, Vargas Pardo in được thêm số thứ nhì và thứ ba, rồi số thứ tư và thứ năm. Thỉnh thoảng tôi nghe người ta nói tạp chí của chúng tôi đang trở nên quá hung hăng hiếu chiến. Tôi tin rằng tất cả là do lỗi của Vargas Pardo, ông ta đang dùng tờ tạp chí làm vũ khí chống lại những kẻ đã ruồng rẫy ông ta khi ông ta mới tới Mexico, làm cái công cụ hoàn hảo đặng tính sổ vài món nợ (ôi chao một số nhà văn sao mà nhỏ nhen và phù phiếm quá chừng!) và, nói thật, tôi cũng chẳng lấy đó làm điều. Một tạp chí mà gây tranh cãi là tốt, vậy tức là nó bán được, và tôi cảm thấy gần như là một phép mầu khi một tạp chí có nhiều thơ đến như vậy lại bán được. Thỉnh thoảng tôi tự hỏi tại sao thằng cha Vargas Pardo dấm dớ lại quan tâm đến thơ như vậy. Tôi biết hắn không phải nhà thơ, hắn viết văn. Vậy thì do đâu hắn lại đâm ra quan tâm đến thơ?
Phải thừa nhận rằng mãi một thời gian tôi cứ đoán già đoán non về chuyện đó. Tôi đi đến chỗ ngờ rằng hắn là một gã pê-đê, có thể lắm chứ, hắn có lấy vợ (một ả Mexico nào đó) nhưng dẫu vậy hắn vẫn có thể là pê-đê như thường; pê-đê loại gì? Một pê-đê trong sáng thanh cao, chỉ cần được sướng trên bình diện thuần túy văn chương là đủ, có thể nói vậy, hay là hắn có người thương của hắn trong số các nhà thơ mà hắn cho in trong tạp chí? Tôi không biết. Mỗi người mỗi phận. Tôi chẳng có gì phản đối mấy người pê-đê. Kiểu gì thì bọn họ cũng ngày một đông hơn. Hồi thập niên bốn mươi, nền văn chương Mexico đạt mức cao kỷ lục về tỷ lệ pê-đê và tôi đã từng nghĩ thế là đã tới đỉnh rồi, không thể cao hơn nữa. Thế nhưng bây giờ lại càng đông hơn bao giờ hết. Tôi cho rằng lỗi là ở hệ thống giáo dục, cái xu hướng chung ngày càng tăng ở người Mexico là phô phang bản thân mình, trong điện ảnh, trong âm nhạc và ở đâu nữa có trời biết. Đến cả Salvador Novo cũng có lần nói với tôi ông ta sững sờ đến thế nào trước hành vi và lời lẽ của một số người trẻ tuổi đến gặp ông ta. Và Salvador Novo biết mình đang nói cái gì.
Tôi làm quen với Arturo Belano như thế. Một chiều nọ Vargas Pardo nói chuyện với tôi về anh ta, rằng anh ta đang biên soạn một cuốn sách kỳ tuyệt (có phải đó là từ hắn ta dùng không nhỉ), tuyển tập độc nhất vô nhị về các nhà thơ Mỹ latinh, và đang tìm nhà xuất bản. Cái tay Belano này là ai? tôi hỏi. Cậu ta viết điểm sách cho tạp chí nhà ta, Vargas Pardo nói. Cái đám nhà thơ ấy, tôi nói, vừa nói vừa kín đáo quan sát phản ứng của hắn ta, giống như một đám ma cô đang ráo riết tìm những ả đàn bà mới đặng mà chăn dắt, nhưng Vargas Pardo vẫn điềm nhiên tự tại nói cuốn sách ấy hay lắm, một cuốn sách mà nếu chúng ta không in (ái dà, cái kiểu hắn dùng đại từ số nhiều mới thú làm sao chứ) thì nhà khác sẽ in. Chừng đó, lại kín đáo quan sát hắn, tôi nói: đưa cậu ta tới đây, thu xếp một buổi tôi gặp cậu ta rồi mình sẽ xem xem có thể làm gì.
Hai ngày sau Arturo Belano đến nhà xuất bản. Hắn mặc jacket vải chéo và quần jean. Cái áo jacket có những vết rách tả tơi không mạng vá ở hai tay và bên lườn trái, làm như có ai đó đã bắn cả đống tên hoặc chọc giáo vào người hắn để giỡn chơi. Còn cái quần, chà, nếu hắn cởi quần ra thì cái quần sẽ tự nó đứng thẳng được luôn. Hắn mang đôi giày thể thao chỉ nhìn thôi đã phát rợn rồi. Tóc hắn dài chấm vai và nhất định hắn xưa nay vẫn gầy nhom nhưng bây giờ hắn gầy nhom hơn bao giờ hết. Tuồng như đã nhiều ngày rồi hắn không ngủ. Trời đất quỷ thần ơi, tôi nghĩ, đồ thân tàn ma dại. Ít nhất thì hắn gây ấn tượng là sáng hôm đó hắn có tắm. Tôi liền nói, nào, ông Belano, ta hãy xem tuyển tập mà ông đang biên soạn nào. Thì hắn nói: tôi đưa cho ông Vargas Pardo rồi. Mới bắt đầu đã thấy thua rồi, tôi nghĩ.
Tôi nhấc điện thoại bảo thư ký gọi ông Vargas Pardo đến văn phòng tôi. Trong mấy giây hai chúng tôi chẳng nói một lời. Mẹ kiếp, nếu Vargas Pardo đến muộn hơn tí nữa thì chàng nhà thơ trẻ đã ngủ thiếp đi rồi. Ít nhất thì hắn cũng không có vẻ pê-đê. Để giết thời gian tôi giải thích cho hắn rằng chắc hắn cũng biết, các tuyển thơ người ta in hàng đống nhưng bán được ít lắm. Đúng, hắn nói, người ta in tuyển thơ hàng đống. Trời ạ, hắn nhìn cứ như thây ma sống dậy. Trong thoáng chốc tôi tự hỏi phải chăng hắn đang phê thuốc, nhưng ai mà biết được? Vậy, tôi nói, ông biên soạn tuyển thơ Mỹ latinh này có vất vả không? Không, toàn bạn bè tôi, hắn nói. Chao là cái mặt hắn. À được, tôi nói, nếu vậy thì cậu sẽ không gặp khó khăn gì về chuyện tác quyền, cậu được người ta cho phép cả rồi. Hắn bật cười. Tức là, cho tôi giải thích chỗ này, hắn vẹo miệng lại hoặc cong môi lên khoe ra mấy cái răng vàng vàng và phát ra một âm thanh. Tôi thề là tiếng cười của hắn làm tôi dựng tóc gáy. Làm sao lý giải được? Như một tiếng cười bật lên từ dưới đáy mồ? Như những tiếng cười mà đôi khi ta nghe khi đi dọc hành lang bệnh viện vắng tanh? Kiểu như vậy. Rồi sau đó, sau tiếng cười ấy, dường như chúng tôi lại chìm vào im lặng, cái im lặng sượng sùng giữa những người vừa mới quen nhau, hay giữa một biên tập viên và một thây ma sống dậy, trong trường hợp này thì cả hai là một, nhưng tôi tuyệt nhiên không muốn bị kẹt trong cái im lặng này lần nữa, thế nên tôi cứ nói, nói về quê hương bản quán của hắn, Chilê, về tạp chí của tôi nơi hắn đã đăng vài bài điểm văn thơ, về chuyện phải khó khăn thế nào mới trút được khỏi mình cả một đống tập thơ. Mà Vargas Pardo thì chả thấy đâu (chắc thằng cha đang cà kê dê ngỗng qua điện thoại với một nhà thơ khác!) Và rồi, ngay khoảnh khắc đó, tôi có một sự khải ngộ. Hoặc tiên cảm. Tôi nhận ra rằng tốt nhất chớ in tập thơ này. Tôi nhận ra rằng tốt nhất chớ in bất cứ cái gì của nhà thơ này hết. Kệ xác Vargas Pardo và những ý tưởng thiên tài của hắn ta. Nếu có nhà xuất bản khác quan tâm, cứ mặc họ in, tôi thì không, tôi biết, trong giây phút bừng sáng ấy tôi ngộ ra rằng in một cuốn của thằng cha này chỉ tổ chuốc vận rủi vào mình, rằng để cho thằng cha này ngồi trước mặt tôi trong phòng làm việc của tôi, nhìn tôi bằng cặp mắt trống huơ trống hoác kia, sẽ là gây vận rủi cho tôi, rằng vận rủi ngay lúc này ắt đang lướt qua trần phòng làm việc của tôi như một con kền kền hay một máy bay của hãng Aerolíneas Mexicanas mà số trời đã định sẽ đâm vào tòa nhà nơi đặt phòng làm việc của tôi.
Thì đột nhiên Vargas Pardo kia xuất hiện, tay vung vẩy tập bản thảo về các nhà thơ Mỹ latinh và thế là tôi bừng tỉnh khỏi cơn mê, nhưng mà rất chậm, thoạt đầu tôi thậm chí còn chả hiểu Vargas Pardo đang nói cái gì, tôi chỉ nghe có mỗi tiếng cười của hắn và cái giọng oang oang trời đánh của hắn thôi, tuồng như làm việc cho tôi là điều đẹp nhất từng xảy ra trong đời hắn, một chỗ làm được trả lương ở thủ đô, và tôi nhớ khi đó tôi bối rối đến nỗi tôi đứng dậy chìa tay cho Vargas Pardo, lạy Chúa, tôi chìa tay cho cái gã chết bầm đó cứ như hắn là ông chủ hay tổng giám đốc còn tôi là thằng loong toong chạy vặt, và tôi cũng nhớ là tôi nhìn Arturo thì thấy thằng này không đứng dậy khi gã Ecuador kia vào, và hắn không chỉ không đứng dậy mà thậm chí còn không thèm để tâm tới chúng tôi, không thèm nhìn tới chúng tôi, trời ạ, tôi thấy cái gáy đầy tóc tai của hắn và trong một giây tôi có cảm tưởng mình đang nhìn không phải một con người, không phải một con người bằng xương bằng thịt, có máu và mạch máu giống như quý vị và tôi, mà là một thằng bù nhìn, một nùi quần áo rách tả tơi quấn quanh một cái thân mình bằng rơm và nhựa, kiểu như vậy. Rồi thì tôi nghe Vargas Pardo nói mọi cái sẵn sàng hết rồi Lisandro à, chút nữa Martita đem hợp đồng tới. Hợp đồng nào? tôi lắp bắp. Hợp đồng cho cuốn của Belano chớ cuốn nào, Vargas Pardo nói.
Chừng đó tôi ngồi xuống lại mà nói đợi chút, đợi chút, hợp đồng này là thế nào vậy? Là vì ngày mai Arturo Belano đi rồi, Vargas Pardo nói, thành ra mình phải quyết cái này cho xong đi. Anh ấy đi đâu? tôi nói. Sang châu Âu, Vargas Pardo nói, đặng thử vài ba nường Scandinavia (với Vargas Pardo, sự thô thiển là đồng nghĩa với sự thẳng thắn, thậm chí cả sự trung thực nữa). Đi Thụy Điển à? tôi nói. Ít nhiều là vậy, đi Thụy Điển, đi Đan Mạch, chỗ nào lạnh ấy. Thế ta không thể gởi hợp đồng cho anh ấy qua bưu điện à? tôi gợi ý. Không, Lisandro à, anh xem đó, cậu ta sẽ sang châu Âu mà không có địa chỉ cụ thể, với lại cậu ta muốn vụ này được quyết cho xong. Thế rồi gã Vargas Pardo đốn mạt nháy mắt với tôi và ghé mặt vào sát sạt mặt tôi (tôi cứ ngỡ đâu hắn định hôn tôi, thằng cha điếm đực ẩn danh cự đại!) và tôi không thể, không biết làm sao mà tránh được, nhưng Vargas Pardo chỉ là đang muốn nói nhỏ vào tai tôi, thì thầm đôi câu đồng lõa đồng mưu. Và điều hắn nói với tôi là chúng ta chẳng phải ứng trước gì hết, rằng tôi hãy ký đi, ký ngay bây giờ, kẻo rồi cậu kia rút lại bản thảo gởi cho một đối thủ cạnh tranh. Tôi thì chỉ muốn nói với hắn ta: thằng cha kia có giao cho đối thủ cạnh tranh hay không tôi đếch quan tâm, tôi chỉ mong thằng cha giao cho họ đi để họ sập tiệm trước tôi, nhưng thay vì nói với hắn ta như vậy thì tôi chỉ đủ sức để hỏi bằng giọng mỏng như sợi chỉ: thằng oắt này có đang phê thuốc hay không vậy? Thế là Vargas Pardo lại cười ha hả rồi lại thì thầm với tôi: có đấy Lisandro ạ, kiểu như thế, ai mà biết được, nhưng thứ quan trọng là cuốn sách và nó thì nằm đây rồi, chỉ cần chúng ta ký hợp đồng chứ đừng chần chừ chi nữa. Nhưng liệu có khôn ngoan…? Tôi ráng thì thầm đáp. Chừng đó Vargas Pardo dịch cái mặt bè bè của hắn ta ra khỏi mặt tôi mà trả lời bằng giọng thường ngày, cái giọng rền vang như sấm mà chính hắn ta, với một vẻ ngông nghênh tự mãn không ai chịu nổi, từng định danh là tiếng cười Amazon. Dĩ nhiên rồi, dĩ nhiên rồi, hắn nói. Đoạn hắn tiến lại gần nhà thơ vỗ vai tay này, sao hả Belano, hắn nói, thế là gã Chilê trẻ tuổi nhìn hắn rồi nhìn tôi và một nụ cười ngây ngốc làm mặt gã sáng lên. Nụ cười của một kẻ thiểu năng trí tuệ, nụ cười của một người bị làm phẫu thuật cắt bỏ thùy trán, lạy Chúa lòng lành. Thế rồi Martita, cô thư ký của tôi vào, đặt lên bàn hai bản của bản hợp đồng, và Vargas Pardo đi tìm một cây bút để Belano ký, bây giờ, tại đây, nhưng tôi không có bút, Belano nói, vậy thì một cây bút cho nhà thơ, Vargas Pardo nói. Tuồng như nhất trí đồng lòng, mọi cây bút đều biến mất khỏi phòng làm việc của tôi. Dĩ nhiên tôi có một cặp bút trong túi áo khoác, nhưng tôi không muốn đưa ra. Không có chữ ký thì không có hợp đồng, tôi nghĩ. Nhưng Martita sục sạo khắp đống giấy tờ trên bàn tôi thì tìm được một cây bút. Belano ký. Tôi ký. Giờ thì bắt tay nữa là xong, Vargas Pardo nói. Tôi bắt tay gã Chilê. Tôi quan sát cái mặt gã. Gã cười. Gã sắp sụm đến nơi vì kiệt sức nhưng mà gã mỉm cười. Tôi đã thấy cái nụ cười này ở đâu rồi nhỉ? Tôi nhìn Vargas Pardo như muốn hỏi hắn ta tôi đã thấy cái nụ cười trời đánh này ở đâu. Nụ cười hiền lành vô hại tột cùng, nụ cười lôi tất cả chúng ta xuống âm ty địa phủ. Nhưng Vargas Pardo đương mải nói lời tạm biệt với gã Chilê. Hắn khuyên nhủ thằng kia nên làm gì khi sang tới châu Âu! Thằng cha giòi bọ đang nhớ lại những năm tuổi trẻ của mình hồi hắn còn làm thủy thủ tàu buôn! Đến cả Martita cũng cười ha hả khi nghe chuyện hắn! Tôi hiểu rằng chả còn gì để làm nữa. Cuốn sách sẽ được xuất bản.
Và tôi, vốn luôn là một nhà xuất bản can trường, lĩnh trọn cú đòn ô nhục vào hàm.
Amadeo Salvatierra, phố Cộng hòa Venezuela, gần Cung Tôn giáo Pháp đình, thủ đô Mexico, tháng Giêng 1976. Khi tôi bắt gặp bản Caborca của mình là tôi liền ôm nó vào lòng, tôi nhìn nó rồi nhắm mắt lại, các vị ạ, bởi vì chẳng có ai là bằng đá cả. Rồi sau đó tôi mở mắt ra tiếp tục lục lọi giấy tờ và thấy tờ biểu ngữ khổ to của Manuel, Actual No.1, mà ông ta đã dán lên vách quán Puebla vào năm 1921, trên đó anh ta nói về “nhóm tiền phong thực tại chủ nghĩa Mexico”, nghe kinh quá nhưng mà cũng đẹp phải không, ở đó anh ta cũng nói “sự điên của tôi không nằm trong bất kỳ dự toán nào”, ôi cha, đời thảnh thơi là sướng như vậy đó, “sự điên của tôi không nằm trong bất kỳ dự toán nào”. Nhưng cũng có những cái hay ho, như là: “Tôi vận dụng tất cả các nhà thơ, họa sĩ và nhà điêu khắc trẻ của nước Mexico, những ai hãy còn chưa vấy bẩn bởi vàng thủ trong két sắt của chính quyền ăn không ngồi rồi, hãy còn chưa bị suy đồi vì những ngợi ca trí trá của đám phê bình gia chính thống và những tung hô của công chúng dâm dật và thô bỉ, những ai hãy còn chưa liếm đĩa trong các lễ hội ẩm thực của Enrique González Martínez, tôi vận dụng tất cả họ hãy làm nghệ thuật bằng sự nhỏ giọt đều máu kinh trí tuệ của mình, tôi vận dụng tất cả những người thiện tín, những ai hãy còn chưa rụn vỡ vì sự nẩy nở sum suê thảm hại và khắm lặm của truyền thông dân tộc chủ nghĩa nước ta với cái mùi pulquería và tàn than đồ ăn chiên rán của nó, tôi vận dụng tất cả họ nhân danh trào lưu tiền phong thực tại chủ nghĩa Mexico hãy đến chiến đấu cạnh chúng tôi trong hàng ngũ chói ngời của decouvert…” Tay Manuel đó có cái lưỡi bằng vàng. Lưỡi vàng ròng! Giờ, có vài từ tôi không hiểu. Ví dụ: vận dụng. Ắt là ông ta muốn nói kêu gọi, mời gọi, hô hào, thậm chí là ra lệnh, nào, ta tra từ điển xem nhé. Không. Đúng vậy. Vận dụng có nghĩa khác. Nhưng ai mà biết được, cũng có thể là lỗi của nhà in, đúng ra không phải vận dụng mà là vận động, dùng từ ấy thì đúng là Manuel rồi, ít nhất là Manuel mà tôi biết hồi đó. Hay có thể là một từ Latinh hoặc một từ mới chế ra, ai biết được. Hoặc có thể là một từ không ai dùng nữa. Và tôi nói với mấy cậu trai kia như thế. Tôi nói với họ, các cậu à, văn của Manuel Maples Arce là vậy đó, hối hả và bừng cháy, đầy những từ khiến chúng ta động cỡn, một thứ văn mà nay đối với chúng ta chả có ý nghĩa gì song vào thời đó đã chinh phục những tướng quân Cách mạng, những con người dày dạn can trường từng nhìn thấy cái chết từng giết người và khi đọc được hay nghe được những lời của Manuel thì liền đứng sững như tượng muối hay tượng đá, như muốn nói cái thứ chết giẫm gì vậy, cái thứ văn xuôi hứa hẹn một thứ thơ mà rồi sẽ như biển, biển trên bầu trời Mexico. Nhưng tôi đi xa quá mất rồi. Tôi đang cắp nách bản duy nhất của Caborca, tay trái cầm tờ Actual No.1 tay phải cầm ly mezcal Los Suicidas, và tôi vừa uống vừa đọc cho họ nghe những gì từ cái năm 1921 xa xăm đó rồi thì chúng tôi bình luận mọi thứ, các đoạn văn và rượu mezcal, đọc và uống theo cách này thật là hay, thoải mái thong dong và giữa chỗ bạn bè (những người trẻ luôn luôn là bạn của tôi), và khi chỉ còn lại một ít tôi rót thêm một tuần rượu Los Sucidas cuối cùng, trong dạ thầm nói lời giã biệt món lưu niên quý tửu của tôi rồi đọc phần cuối của Actual, Danh bạ Nhóm Tiền phong mà vào thời ấy (và sau đó, nhất định rồi, và cả sau đó nữa) gây bao ngạc nhiên cho cả người trong cuộc lẫn người ngoài cuộc, những người sáng tạo lẫn các học giả về chủ đề này. Danh bạ mở đầu bằng những cái tên như Rafael Cansinos-Assens và Ramón Gómez de la Serna. Lạ ha? Cansinos-Assens và Ramón Gómez de la Serna, cứ như Borges và Manuel có thần giao cách cảm với nhau vậy, hả? (mấy cậu có biết là ông Argentina đó có viết một bài điểm cuốn sách của Manuel tên là Andamios interiores in năm 1922 không?) Rồi sau đó là thế này: Rafael Lasso de la Vega. Guillermo de Torre. Jorge Luis Borges. Cleotilde Luisi. (Cleotilde Luisi này là ai vậy?) Vicente Ruiz Huidobro. Đồng hương của mấy cậu đó, tôi nói với một trong hai chàng trai. Gerardo Diego. Eugenio Montes. Pedro Garfias. Lucía Sánchez Saornil. J. Rivas Panedas. Ernesto López Parra. Juan Larrea. Joaquín de la Escosura. José de Ciria y Escalante. César A. Comet. Isac del Vando Villar. Mấy cậu thấy đó, chỉ một chữ a thôi. Chắc là thêm một lỗi in nữa. Adriano del Valle. Juan Las. Chà tên gì kỳ cục. Mauricio Bacarisse. Rogelio Buendía. Vicente Risco. Pedro Raida. Antonio Espina. Adolfo Salazar. Miguel Romero Martínez. Ciriquiain Caitarro. Lại một cái tên quái chiêu nữa. Antonio M. Cubero. Joaquín Edwards. Đây chắc cũng là đồng hương của tôi, một trong hai cậu trai nói. Pedro Iglesias. Joaquín de Aroca. León Felipe. Eliodoro Puche. Prieto Romero. Correa Calderón. Nào nào, giờ thì ta chỉ có toàn những cái họ mà thôi, xem mòi không hay rồi. Francisco Vighi. Hugo Mayo. Bartolomé Galíndez. Juan Ramón Jiménez. Ramón del Valle-Inclán. José Ortega y Gasset. Don José làm cái quái quỷ gì trong cái danh sách này vậy chớ! Alfonso Reyes. José Juan Tablada. Diego Rivera, David Alfaro Siqueiros. Mario de Zayas. José D. Frías. Fermín Revueltas. Silvestre Revueltas. P. Echeverría. Atl. Chắc là Dr. Atl vĩ đại đây. J. Torres García. Rafael P. Barradas. J. Salvat Papasseit. José María Yenoy. Jean Epstein. Jean Richard Bloch. Pierre Brune. Mấy cậu có biết ông này không? Marie Blanchard. Corneau. Farrey. Tới đây thì chắc Manuel nhớ ra tên nào kể luôn tên nấy mà thôi. Fournier. Riou. Chắc luôn, tôi mà sai thì chặt tay tôi đi. Mme. Ghy Lohem. Đù mẹ, nói xin mấy cậu bỏ quá cho. Marie Laurencin. Tới đây thì khá hơn lên tí. Dunozer de Segonzac. Lại tệ hơn rồi. Thằng Pháp chó đẻ nào đang kéo giò Manuel vậy? Hay ông ta vớ được cái tên này trong một tạp chí? Honneger. Georges Auric. Ozenfant. Alberto Gleizes. Pierre Reverdy. Rốt cuộc cũng chui ra được khỏi vũng lầy. Juan Gris. Nicolas Beauduin. William Speth. Jean Paulhan. Guillaume Apollinaire. Cypien. Max Jacob. Jorge Braque. Survage. Coris. Tristan Tzara. Francisco Picabia. Jorge Ribemont-Dessaigne. Renée Dunan. Archipenko. Soupault. Bretón. Paul Elouard. Marcel Duchamp. Đến đây thì tôi và mấy cậu trai đồng ý với nhau rằng nhẹ nhất cũng phải gọi đó là lung tung tùy hứng nếu như ta gọi Francis Picabia là Francisco và Georges Braque là Jorge nhưng lại không gọi Marcel del Campo là Marcelo và Paul Eluard là Pablo, Eluard viết đúng theo tiếng Pháp chứ không thêm o, giống như tất cả những ai yêu thơ Pháp đều biết. Đó là còn chưa kể Breton bị thêm dấu giọng vào. Rồi thì Danh bạ Nhóm Tiền phong tiếp tục với các người hùng và các lỗi của mình: Frankel. Sernen. Erik Satie. Elie Faure. Pablo Picasso. Walter Bonrad Arensberg. Celine Arnauld. Walter Pach. Bruce. Làm ơn đi! Morgan Russel. Marc Chagall. Herr Baader. Max Ernst. Christian Schaad. Lipchitz. Ortiz de Zárate. Correia d’Araujo. Jacobsen. Schkold. Adam Fischer. Mme. Fischer. Peer Kroogh. Alf Rolfsen. Jeauneiet. Piet Mondrian. Torstenson. Mme. Alika. Ostrom. Geline. Salto. Weber. Wuster. Kokodika. Kandinsky. Steremberg (đ.ch. của B.A. ở Moscou). Ngoặc đơn là của Manuel, dĩ nhiên. Làm như thiên hạ biết rõ tất cả những người còn lại là ai, một trong hai cậu trai nói, Herr Baader chẳng hạn, hay Coris, hay cái tay Kokodika mà nghe giông giống như Kokoschka, hay Riou, hay Adam Fischer và Madame Fischer. Rồi lại, tại sao viết Moscou chớ không viết Moscú như một người Mỹ latinh sẽ viết? tôi tự hỏi thành tiếng. Sau cái vị đ.ch. của Moscou thì chúng ta chẳng thiếu gì những người Nga. Mme. Lunacharsky. Erhenbourg. Taline. Konchalowsky. Machkoff. Mme. Ekster. Wlle Monate. Marewna. Larionow. Gondiarowa. Belova. Sontine. Nhất định là Soutine trốn đằng sau cái chữ n này. Daiiblet. Doesburg. Raynal. Zahn. Derain. Walterowua Zur=Mueklen. Ông này thì xin miễn bình luận. Hay là bà này, bởi vì ai mà biết (ít nhất là ở Mexico ai mà biết) Walterowua Zur=Mueklen là đàn ông hay đàn bà. Jean Cocteau. Pierre Albert Birot. Metsinger. Jean Charlot. Maurice Reynal. Pieux. F.T. Marinetti. G.P. Lucinni. Paolo Buzzi. A. Palazzeschi. Enrique Cavacchioli. Libero Altomare. Cái tên này, vì cớ gì tôi chẳng biết, trí nhớ tôi hồi này tệ quá mấy cậu à, nó làm tôi nhớ tới Alberto Savinio. Luciano Folgore. Tên hay thiệt phải không? Trong quân đội của Lãnh tụ có hẳn một phân đội lính dù cũng có tên như vậy, Folgore. Một băng đĩ đực bị người Úc quần cho nhừ tử. E. Cardile. G. Carrieri. F. Mansella Fontini. Auro d’Alba. Mario Betuda. Armando Mazza. M. Boccioni. C.D. Carrá. G. Severini. Balilla Pratella: Cangiulo. Corra. Maríano. Boccioni. Chả phải tôi lặp lại đâu, là Manuel lặp lại hoặc không thì cái nhà in chết toi của ổng. Fessy. Setimelli. Carli. Ochsé. Linati. Tita Rosa. Saint-Point. Divoire. Martini. Moretti. Pirandello. Tozzi. Evola. Ardengo. Sarcinio. Tovolato. Daubler. Doesburg. Broglio. Utrillo. Fabri. Vatrignat. Liege. Norah Borges. Savory. Gimmi. Van Gogh. Grunewald. Derain. Cauconnet. Boussingautl. Marquet. Gernez. Fobeen. Delaunay. Kurk. Schwitters. Kurt Schwitters, một trong mấy cậu trai, cậu người Mexico nói, tuồng như cậu ta vừa bắt gặp người anh em sinh đôi của mình bị thất lạc trong địa ngục máy in. Heyniche. Klem. Chắc là Klee. Zirner. Gino. Quỷ tha ma bắt, hũ nút vậy còn chưa đủ à! Galli. Bottai. Ciocatto. George Bellows. Giorgio de Chirico. Modigliani. Cantarelli. Soficci. Carena. Tới đây thì Danh bạ chấm dứt, với mấy chữ vân vân dễ sợ đằng sau Carena. Và sau khi tôi đọc xong cái danh sách dằng dặc đó, các cậu trai quỳ gối hoặc đứng nghiêm, tôi thề là tôi không nhớ nhưng đằng nào thì cũng như nhau, đứng nghiêm như lính hoặc quỳ như những con chiên chân tín, và họ uống cạn những giọt mezcal Los Suicidas cuối cùng đặng vinh danh tất cả các họ tên quen thuộc hoặc lạ hoắc kia, những cái tên được nhớ tới hoặc ngay cả con cháu họ cũng đã quên phứt. Và tôi nhìn hai cậu trai này mà mới một thoáng trước còn có vẻ nghiêm trang, đứng nghiêm trước mặt tôi, chào lá cờ hoặc chào các đồng ngũ đã bỏ mình trong chiến trận, thế là tôi cũng nâng ly mezcal của mình lên nốc cạn vì tất cả những người đã chết của chúng tôi.
Trần Tiễn Cao Đăng dịch
(Tác phẩm Thám tử hoang dã được Nhã Nam phát hành vào tháng 4 năm 2023. Xin trân trọng cảm ơn dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng và Nhã Nam đã đồng ý cho Zzz Review đăng đoạn trích trên.)
Chấm sao chút:
Đã có 2 người chấm, trung bình 5 sao.
Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3
Nhà văn, dịch giả. Đã in: "Baroque và ẩn hoa" (2005); "Life Navigator 25: Người tình của cả thế gian" (2016); "Những gặp gỡ không thể có" (2018).