Thời gian đọc: 28 phút

Chương 1

 

Swede – Người Thụy Điển. Trong suốt những năm tháng chiến tranh, khi tôi vẫn còn là cậu học sinh tiểu học, Người Thụy Điển đã là cái tên có sức hút ma thuật khắp vùng Newark, thậm chí có sức hút cả với những người trưởng thành vốn thuộc về thế hệ đã từng sống ở những khu dân cư Do Thái nghèo nàn trên phố Prince cũ kĩ của thành phố – những người vẫn chưa bị Mỹ hóa hoàn toàn đến độ một vận động viên trung học với tinh thần quả cảm và kĩ năng thi đấu thành thục có thể chinh phục và khiến họ kinh ngạc. Cái tên Người Thụy Điển thật nhiều ma lực. Khuôn mặt khác biệt nổi trội của anh ấy cũng thế. Trong số tất cả các học sinh người Do Thái có nước da trắng mịn theo học tại trường trung học công lập Do Thái của chúng tôi, không một ai sở hữu đặc điểm nào có nguồn gốc di truyền mơ hồ như hàm trái xoan và vẻ mặt vô hồn của chiến binh Viking như chàng trai tóc vàng, mắt xanh có tên Seymour Irving Levov này.

Người Thụy Điển tỏa sáng như một ngôi sao trong vai trò chốt chặn khi thi đấu bóng bầu dục, trung phong của đội tuyển bóng rổ và là người phòng thủ chốt gôn thứ nhất trong đội tuyển bóng chày. Chỉ có đội bóng rổ là có chút thành tích chừng nào Người Thụy Điển vẫn đạt phong độ cao – hai lần vô địch thành phố, mà trong cả hai lần đó Người Thụy Điển đều là cầu thủ ghi được nhiều bàn nhất. Mà dẫu vậy, thành tích của các đội tuyển thể thao vốn chẳng quan trọng đối với đám thanh niên địa phương – những đứa trẻ lớn lên trong những gia đình lao động ít học mà với họ, chẳng có gì quan trọng hơn thành tích học tập. Khả năng vượt trội về thể chất, cho dù được ngụy trang dưới lớp đồng phục thể thao và các quy tắc thi đấu cũng như tính vô hại đối với người Do Thái cũng không thể khiến cho cộng đồng chúng tôi hài lòng bằng tấm bằng thạc sĩ. Tuy nhiên, nhờ có Người Thụy Điển mà cả một vùng xung quanh đều ấp ủ một ước mộng về chính bản thân và thế giới chung của họ. Đó là ước mộng đâu đâu cũng có người hâm mộ thể thao: giống như thế giới của người ngoại bang (như những gì họ tưởng tượng về người ngoại bang). Các gia đình có thể quên đi cách mọi thứ vẫn vận hành trong thế giới của họ từ trước đến giờ, và kí thác mọi niềm hi vọng vào một màn thi đấu thể thao. Chủ yếu là để họ có thể quên đi cuộc chiến tranh.

 

Tôi cho rằng, chỉ có cuộc chiến tranh chống lại quân Đức và Nhật cùng nỗi sợ hãi âm thầm nhen nhóm chực chờ bùng lên trong lòng họ là lời giải thích hợp lí nhất cho sự tôn sùng được nâng lên ngang hàng Thần hộ mệnh Apollo mà các gia đình người Do Thái tại Weequahic dành cho Người Thụy Điển. Khả năng áp đảo và tinh thần bất khuất của Người Thụy Điển trên sân thi đấu, một khía cạnh bề nổi chẳng có nghĩa lí gì trong cuộc sống bỗng trở thành một nguồn cảm hứng mạnh mẽ duy trì sức sống kì lạ đến hoang đường, một nguồn giải tỏa mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc gửi gắm nơi Người Thụy Điển, dành cho những con người vẫn luôn sống trong nỗi sợ hãi khôn xiết về một ngày không còn được gặp lại con cái, anh em hay các ông chồng của mình.

 

Những điều hiện hữu đó – tất cả những cú móc bóng vào gôn mà anh ấy thực hiện; tất cả đường dẫn bóng mà anh co chân nhảy lên vượt qua các đối thủ; tất cả những đường chuyền tạo thời cơ cho anh cướp lấy bóng để gập người lấy đà tung bóng vào rổ từ bên cánh trái đều được tôn vinh, ngợi ca và thần thánh hóa – đã tác động lên anh ra sao? Liệu đó có phải là những thứ đã biến anh trở thành một cậu bé mặt lạnh, vô cảm như đá với tính cách trầm tĩnh hay không? Hay sự điềm tĩnh có vẻ trưởng thành đó chỉ là biểu hiện bên ngoài của một cuộc đấu tranh gian khổ bên trong, nhằm kiểm soát và khống chế sự tự ái mà trong đó toàn cộng đồng đang dâng trọn tình yêu. Đội cổ động trường trung học có một màn cổ động dành riêng cho Người Thụy Điển. Không giống như các màn cổ động khác vốn được thực hiện nhằm nâng cao tinh thần thi đấu cho toàn đội hoặc khuấy động không khí khán giả, màn cổ động này là điệu nhảy nhịp nhàng với nhiều động tác dậm chân mạnh mẽ tôn vinh riêng Người Thụy Điển, thể hiện lòng nhiệt tình trọn vẹn và bất khuất đối với sự hoàn hảo của anh ấy. Màn cổ động làm rung chuyển cả phòng thi đấu bóng rổ mỗi lần anh ấy phản công hay ghi điểm, càn quét phía khán đài của cổ động viên trong sân vận động thành phố mỗi khi anh ấy giành được sân hay chặn được đường chuyền ở các trận đấu bóng bầu dục. Ngay cả trong các trận đấu bóng chày thưa thớt người xem ở Irvington Park – nơi không có đội cổ động hăng hái quỳ ở vạch biên, người ta cũng có thể nghe thấy bài cổ động đó được hô to theo vần theo nhịp bởi những người ủng hộ trung thành gốc Weequahic trên những bục gỗ không chỉ mỗi lần anh ấy tiến ra để đánh bóng, mà cả khi anh ấy bị đuổi ra ngoài vì phạm lỗi thường gặp ở vị trí hậu vệ chốt gôn số 1. Đó là một bài cổ động có tám âm tiết, trong số đó có ba âm tiết là tên anh ấy và sau đó là một tràng Cố lên! Cố lên!… Cố lên!. Đặc biệt, trong các trận bóng bầu dục, bài cổ động được hát theo nhịp độ tăng dần sau mỗi lần lặp lại cho đến khi đạt đến đỉnh điểm của sự cuồng mộ, những màn nhào lộn tung váy tỏa ra như làn sóng bùng nổ đẹp ngây ngất rồi tạo hình bông hoa màu cam có mười cánh, mỗi cánh là một thành viên với hình thể rắn rỏi, nhỏ xinh của đội cổ vũ bung xòe ra như pháo hoa lung linh trước những cặp mắt chiêm ngưỡng đầy kinh ngạc… Tất nhiên, những điều đó không phải vì tình yêu với bạn hoặc tôi, mà là dành cho Swede tuyệt vời. “Swede Levov! Đồng điệu với…. ‘The Love’!. Swede Levov! Đồng điệu với….‘The Love’!… Swede Levov! Đồng điệu với. ‘The Love’!”

Vâng, đúng vậy. Ở bất cứ nơi đâu anh ấy xuất hiện, mọi người đều yêu mến. Những chủ cửa hàng bánh kẹo mà chúng tôi, các cậu học sinh, vẫn hay quấy rầy thường gọi tất cả chúng tôi là “Ê, thằng kia, không làm thế!” hoặc “Này nhóc, thôi đi!” Nhưng với anh ấy, họ gọi một cách tôn trọng là “Swede”. Các bậc phụ huynh mỉm cười và ôn hòa gọi anh ấy bằng tên khai sinh “Seymour”. Những cô gái đang tám chuyện mà anh ấy đi ngang qua trên đường chết mê chết mệt anh ấy; trong số họ, cô nào dạn dĩ nhất sẽ gọi lớn từ sau lưng anh ấy “Quay lại đi, quay lại đi, Levov của đời em ơi!” Tất nhiên, anh ấy kệ họ và tiếp tục đi bộ về khu phố, mang theo trọn vẹn tình yêu của họ như thể anh ấy chẳng cảm nhận được chút tình cảm nào của họ hết. Ngược lại với những mộng tưởng hão huyền mà hầu hết chúng ta vẫn đang ấp ủ về việc chính chúng ta sẽ ngày một tốt đẹp hơn khi dành toàn bộ sự sùng bái, tôn thờ không vụ lợi cho Người Thụy Điển, tình yêu mãnh liệt và dồn dập đó dường như lại đang bào mòn cảm giác của anh ấy hoàn toàn. Anh ấy là biểu tượng mang trong mình niềm hi vọng ấp ủ của rất nhiều người, như một hiện thân của sức mạnh can trường, lòng quyết tâm, tính gan dạ trong chiến đấu – những đức tính sẽ mang các quân nhân tuổi trung học của chúng tôi trở về bình an vô sự từ những chiến trường như Midway, Salerto, Cherbourg, quần đảo Solomon, quần đảo Aleut, Tarawa – chẳng ai có thể chế giễu hay mỉa mai món quà vô giá mà cậu ấy có, tinh thần trách nhiệm tuyệt vời.

 

Nhưng trêu đùa hay mỉa mai chỉ giống như một cái hẫng trong cú đánh bóng của Người Thụy Điển, sự mỉa mai là trò giải khuây của con người trần tục và nó chẳng thể ngáng đường một vị thánh. Có thể đó là một khía cạnh khác trong cá tính mà anh ấy đang kìm nén, hoặc cá tính đó chưa thức tỉnh hẳn; nhưng nhiều khả năng là không có cá tính nào kiểu như thế tồn tại. Thái độ xa lánh, thờ ơ với mọi khao khát tình dục phi giới tính khiến anh ấy nổi bật lên, nếu không muốn nói là xuất chúng, khác biệt hẳn so với tính người nguyên thủy của tất cả những người khác trong trường. Anh bị trói buộc với lịch sử, là minh chứng của lịch sử, được tôn vinh bằng một tình yêu tôn thờ mà sẽ không bao giờ có được nếu như anh ấy không phá kỉ lục bóng chày Weequahic – bằng cách giúp đội nhà thắng đội Barringer hai mươi bảy điểm – vào một cái ngày không thể bi thương hơn, một ngày đau buồn trong năm 1943, khi năm mươi tám pháo đài bay đã bị máy bay chiến đấu của không quân Phát xít Đức bắn hạ, hai chiếc bị rơi do trúng hỏa lực phòng không, và thêm năm chiếc máy bay khác bị rơi sau khi vượt qua bờ biển Anh trên đường trở về từ cuộc ném bom nước Đức.

Em trai của Người Thụy Điển, Jerry Levov, là bạn cùng lớp của tôi. Jerry là một cậu bé có thân hình khẳng khiu như cây cam thảo với cái đầu nhỏ và tính tình linh hoạt kì lạ. Cậu ấy có tài năng được liệt vào hàng thiên tài toán học và là đại biểu đọc diễn văn từ biệt tại lễ tốt nghiệp của trường vào tháng 1 năm 1950. Mặc dù Jerry chưa bao giờ thực sự kết giao bạn bè với bất kì ai bởi tính cách nóng nảy và độc đoán, cậu ấy vẫn dành cho tôi sự quan tâm trong suốt nhiều năm; và đó là lí do tại sao từ khi 10 tuổi, tôi đã luôn tức giận vì bị cậu ấy đánh bại trong những trận đấu bóng bàn dưới tầng hầm hoàn thiện của một trong những ngôi nhà thuộc sở hữu của gia đình Levov ở góc đường Wyndmoor và Keer – cái từ “hoàn thiện” ám chỉ rằng tầng hầm được ốp ván bằng gỗ thông sần, nhiều mắt đã qua gia công bào nhẵn, chứ không phải như Jerry vẫn cho rằng tầng hầm là một nơi hoàn hảo để rút cạn sức lực một đứa trẻ khác.

Những đợt tấn công bùng nổ của Jerry trên bàn bóng bàn còn vượt quá cả anh trai mình trong bất kì môn thể thao nào. Một quả bóng bàn bình thường sẽ có kích thước và tạo hình được thiết kế một cách hoàn hảo để không thể đập vào mặt và làm bạn mù mắt. Tuy nhiên, lẽ ra tôi không nên đến chơi ở tầng hầm của Jerry Levov. Nếu không phải vì cơ hội có thể tuyên bố với mọi người rằng tôi biết mọi ngõ ngách trong nhà của Swede Levov, sẽ không ai có thể thuyết phục tôi bước vào cái tầng hầm đó mà không kèm theo bất kì biện pháp tự vệ nào ngoài một chiếc vợt bóng bàn nhỏ. Không thứ gì có trọng lượng nhẹ như một quả bóng bàn lại có thể gây chết người; tuy nhiên, khi Jerry đập bóng, cái nguồn năng lượng chết chóc ấy cứ đeo bám không rời tâm trí của cậu ta. Tôi chưa bao giờ mảy may nghĩ rằng biểu hiện đầy bạo lực đó hẳn phải có liên quan đến việc là em trai của Swede Levov. Bởi vì tôi không thể tưởng tượng ra điều gì tốt hơn là được trở thành em trai của Người Thụy Điển – chỉ trừ việc trở thành chính bản thân Người Thụy Điển – nên tôi không thể hiểu được rằng đối với Jerry,đó là một điều không thể tệ hơn.

 

Phòng ngủ của Người Thụy Điển – cấm địa mà tôi không bao giờ dám bước vào, nhưng sẽ dừng lại để lén nhìn khi tôi dùng nhà vệ sinh phía ngoài phòng của Jerry – lấp ló dưới mái hiên phía sau nhà. Trần nghiêng mái dốc, cửa sổ tò vò ở đầu hồi và cờ hiệu Weequahic treo trên tường, tất cả khiến cho căn phòng nhìn đúng như những gì tôi đã tưởng tượng về một căn phòng thực sự dành cho một cậu bé. Từ hai cái cửa sổ mở hướng ra bãi cỏ sau nhà, có thể thấy mái của ga-ra xe ô tô nhà Levov, nơi Người Thụy Điển, vào mỗi mùa đông kể từ khi còn là một cậu học sinh tiểu học, đã luyện tập đánh bóng trúng mục tiêu bằng cách vung gậy đập một quả bóng chày gắn với sợi dây treo vào cái thanh giằng của ngôi nhà – một ý tưởng có lẽ đã nảy ra sau khi anh ấy đọc một cuốn tiểu thuyết viết về bóng chày của tác giả John R.Tunis có tên là Kid – Cậu bé đến từ Tomkinsville. Tôi đã thấy cuốn sách đó và những cuốn sách về bóng chày khác của Tunis như Iron Duke, The Duke Decides, Champion’s Choice, Keystone Kids, Rookie of the Year, từng cuốn một được xếp ngay ngắn thẳng hàng trên cái giá gắn tường bên cạnh giường của Người Thụy Điển theo thứ tự bảng chữ cái, hai đầu giá có chốt chặn giữ sách. Đó là món quà mà Người Thụy Điển đã nhận được vào lễ trưởng thành truyền thống ở tuổi 13 của bé trai Do Thái, một mô hình thu nhỏ mô phỏng tuyệt tác điêu khắc nổi tiếng “Người suy tư” của điêu khắc gia Rodin2. Ngay lập tức, tôi đã tới thư viện để mượn tất cả các cuốn sách của tác giả Tunis mà tôi có thể tìm thấy ở đó và bắt đầu đọc cuốn Kid – Cậu bé đến từ Tomkinsville trước tiên. Đó là một câu chuyện hấp dẫn, thú vị, đầy tinh thần kiên định về một cậu bé tính tình cứng đầu nhưng thẳng thắn, đường hoàng có tên Roy Tucker – một cầu thủ ném bóng chày trẻ tuổi, có tiền đồ, đến từ những ngọn đồi thuộc vùng nông thôn của Connecticut, nơi cha cậu ấy mất khi cậu ấy vừa lên bốn và mẹ cậu ấy mất khi cậu ấy mười sáu tuổi. Chính cậu ấy đã giúp bà của mình thu vén chi tiêu để đảm bảo cuộc sống bằng cách làm việc cho một nông trại gia đình vào ban ngày, và làm thêm ban đêm ở một cửa hàng dược phẩm có tên Mackenzie’s tại một góc đường trục chính South Main trong thị trấn.

 

Cuốn sách được xuất bản năm 1940, có hình vẽ minh họa đen trắng được dàn dựng phần nào theo lối biến điệu của trường phái biểu hiện và ứng dụng một chút kĩ năng giải phẫu kết cấu cơ thể. Cuốn sách miêu tả một cách thận trọng nhưng tinh tường các đoạn thăng trầm, khó khăn trong cuộc đời của cậu bé đó, lật giở lại giai đoạn trước khi môn bóng chày được đem ra mổ xẻ và phân tích với cả hàng triệu số liệu thống kê, khi kết quả dự đoán của một trận bóng phụ thuộc hoàn toàn vào số phận, khi mà cầu thủ chơi trong các giải hàng đầu trông giống những nam lao động gầy gò và nghèo đói hơn là những đứa trẻ to khỏe. Các bức vẽ dường như được dựng lên từ những nét khắc khổ, tăm tối của nước Mỹ trong thời kì suy thoái.

***

Cứ sau mỗi mười trang sách miêu tả ngắn gọn một khoảnh khắc hiện thực ấn tượng trong câu chuyện – “Cậu ấy có thể dồn thêm một chút nghị lực vào việc đó”, “Điều đó không thể chấp nhận được”, “Razzle khập khiễng chạy vào hầm trú ẩn” – lại có một bức hình minh họa in mực đen kịt hình một cầu thủ chơi bóng có khuôn mặt u tối, gầy nhẳng, in bóng trên một trang trắng trông quạnh quẽ giống như linh hồn cô độc nhất trên đời, tách biệt khỏi cả tự nhiên và con người, hoặc được đặt trong bức vẽ bằng nét đứt mô phỏng bãi cỏ trên sân bóng chày, hình vẽ kéo rê bên dưới là một bức tượng nhỏ trong tư thế khom khom như một con sâu. Cậu bé thậm chí chẳng có tí quyến rũ hay nét thu hút nào kể cả khi đang mặc đồng phục chơi bóng chày; nếu chơi ở vị trí ném bóng, bàn tay đeo găng của cậu bé trông cứ như thể là bàn chân thú vậy; các bức hình nối tiếp nhau đều nhằm thể hiện một cách sinh động, rõ ràng rằng việc chơi bóng ở các vị trí chủ chốt trong đội hình, tuy có oai hùng và quả cảm, nhưng hóa ra lại là một dạng thức vắt kiệt sức lao động vốn đã không được hậu đãi xứng đáng.

 

Cậu bé từ Tomkinsville lẽ ra nên được đặt tên là Chú cừu từ Tomkinsville, hay thậm chí là Chú cừu từ Tomkinsville trên đường tới Lò mổ. Trong sự nghiệp của cậu bé với vai trò ngòi kích nổ mới cho câu lạc bộ bóng chày Brooklyn Dodger đang ở tuyến cuối, mỗi một chiến thắng của cậu đều được thưởng bằng một sự thất vọng ghê gớm hoặc một chấn thương chí mạng. Tình cảm gắn bó khăng khít ngày càng được vun đắp giữa cậu bé xa nhà, cô đơn và Dave Leonard, cầu thủ bắt bóng kì cựu của câu lạc bộ Dodger, người đã dạy dỗ cậu cách thức thi đấu tại một giải lớn; và anh ấy cũng chính là người đã “đứng sau gôn với đôi mắt nâu kiên định”, dẫn dắt cậu bé vượt qua sáu tuần thi đấu nghiệt ngã và tiến thẳng vào mùa giải mà không bị đánh trúng bất kì một trái bóng nào khi một cầu thủ kì cựu bị loại ra khỏi bảng phân công vị trí thi đấu chiến lược của câu lạc bộ ngay trong đêm. “Người ta thường không hay đề cập đến tốc độ này trong môn bóng chày: tốc độ lên voi xuống chó trong chớp mắt của một cầu thủ.” Sau đó, sau chiến thắng trong trận đấu thứ mười lăm liên tiếp của cậu bé – một kỉ lục tân binh mà không một cầu thủ ném bóng nào trong cả hai giải đấu từng vượt qua – cậu bất ngờ bị xô ngã trong phòng tắm bởi chính đồng đội của mình khi họ đang ăn mừng chiến thắng, và chấn thương khuỷu tay từ cú ngã đó đã khiến cho cậu không thể ném bóng nữa. Cậu phải ngồi ở băng ghế dự bị suốt thời gian còn lại trong năm và giữ vị trí đập bóng dự bị bởi sức mạnh của cậu; rồi sau đó, cậu quay trở về quê hương Connecticut và ở đó suốt cả mùa đông tuyết phủ. Cậu làm việc ban ngày ở nông trại và buổi tối ở hiệu thuốc trong thị trấn. Dù đã trở nên nổi tiếng nhưng cậu vẫn mãi là cháu trai cưng của bà mình. Trong khoảng thời gian này, cậu đã siêng năng tập luyện theo hướng dẫn của Dave Leonard để giữ được phong độ cú xuynh bóng (“Sai lầm tệ nhất của cậu ấy là luôn có xu hướng hạ vai phải xuống, rồi xoay bật người lên, vung gậy đánh bóng”) bằng cách vụt thật mạnh vào một trái bóng được gắn vào một sợi dây buộc trên cái xà nhà đơn sơ của mình trong những sáng mùa đông lạnh giá với chiếc “gậy bóng chày yêu dấu” cho đến khi cả người ướt đẫm mồ hôi. Tiếng cây gậy vụt bóng bôm bốp nghe thật gọn và ngọt. Tới mùa giải sau, cậu ấy đã sẵn sàng trở lại đội hình thi đấu của câu lạc bộ Dodger, chơi ở vị trí phòng ngự số 9 phía ngoài phần sân bên phải theo đội hình chiến lược, đánh gậy số 325 ở vị trí thứ hai và dẫn dắt đội tuyển của mình tiến thẳng vào chung kết của giải đấu. Vào ngày cuối của mùa giải, trong trận đấu với đội Giants, đội dẫn trước chỉ sau nửa đầu trận đấu, cậu ấy đã châm ngòi cho đợt đập bóng tấn công của đội Dodgers và đến cuối lượt bóng thứ mười bốn – hai cú đập trượt, hai cầu thủ đối phương đang chạy gôn, đội Dodgers dẫn trước một điểm do cậu ghi được với màn gồng hết mình chạy về gôn nhà – cậu đã cứu vãn kết quả trận đấu thành công với một cú lao thẳng vào tường phòng ngự vị trí giữa ngoài – vị trí số 8 bên phải – để bắt bóng. Chiến công táo bạo khủng khiếp đó đã đưa đội Dodgers vào vòng loại Cúp Thế Giới và để lại cậu nằm “quằn quại trong đau đớn tột cùng do chấn thương trên nền cỏ xanh của sân thi đấu, sâu ở vị trí số 8 bên phải”. Tác giả Tunis đã kết thúc câu chuyện như thế này: “Bóng tối chạng vạng đột ngột ập xuống một đám cầu thủ, bao phủ đám đông khổng lồ đang đổ ào ra sân và cả hai người đàn ông đang khênh cáng mang theo một hình hài bất động chậm chạp xuyên qua đám đông hỗn loạn… Có tiếng sấm nổ vang dội. Mưa trút xuống ào ào trên sân vận động Polo Grounds.” Tuôn rơi, tuôn rơi trong tiếng sấm đì đùng, và thế là Cuốn sách Hướng nghiệp dành cho các cậu bé đã kết thúc rồi.

 

Tôi khi đó đã mười tuổi rồi và chưa từng đọc một cuốn sách nào như thế. Sự tàn nhẫn của cuộc sống. Sự bất công của nó. Tôi không thể tin nổi cuộc sống chính là như thế. Thành viên đáng bị khiển trách của đội Dodgers là Razzle Nugent, một tay ném cừ khôi nhưng lại say xỉn và nóng tính, một kẻ bắt nạt dữ dằn, đố kỵ sâu cay với Cậu bé. Tất nhiên, Razzle không phải là người “bất động” trên chiếc cáng được khiêng ra sân, mà đó là cầu thủ chơi tốt nhất trong số tất cả bọn họ, là đứa trẻ mồ côi đến từ nông trại vẫn được gọi là Cậu bé, khiêm tốn, nghiêm túc, trong sáng, trung thành, ngây thơ, kiên cường, chăm chỉ, nói năng nhẹ nhàng, dũng cảm; một vận động viên xuất sắc, một cậu bé đẹp mộc mạc, chân phương. Khỏi phải nói, tôi liên tưởng ngay đến sự tương đồng giữa Người Thụy Điển và Cậu bé, rồi tự hỏi làm sao Người Thụy Điển có thể chịu đựng được khi đọc cuốn sách đã khiến tôi gần như bật khóc và trằn trọc không ngủ được này. Nếu tôi có đủ dũng khí để đối diện với anh ấy, có lẽ tôi sẽ hỏi anh xem liệu anh có nghĩ kết cục đó chính là dấu chấm hết cho sự nghiệp của Cậu bé không, hay Cậu bé có cơ hội quay lại sân thi đấu nữa không. Cái từ “bất động” khiến tôi cảm thấy hãi hùng. Liệu Cậu bé có mất mạng trong lượt bắt bóng cuối cùng của năm đó không? Liệu Người Thụy Điển có biết điều đó không? Anh ấy có bận lòng chút nào về chuyện đó không? Liệu cái thảm họa đó có xảy đến với anh ấy không? Nó đã có thể đốn gục Cậu bé đến từ Tomkinsville, vậy thì nó cũng có thể xảy đến và đốn gục Người Thụy Điển vĩ đại lắm chứ? Hay cuốn sách viết về một ngôi sao đáng yêu phải lãnh cú đòn thù bất công, đầy ác ý đó – một cuốn sách viết về một cậu bé trong sáng có tài năng thiên phú cao tuyệt, một con người với sai lầm lớn nhất là luôn có xu hướng hạ vai phải thấp xuống và xuynh bóng lên cao, nhưng lại bị ông trời ganh ghét mà hủy hoại – chỉ là “lại một cuốn sách khác” nằm giữa những bức tượng “Người suy tư” chặn sách trên giá của anh ấy mà thôi?

 

Đại lộ Keer là nơi ở của những gia đình người Do Thái giàu có, hoặc có vẻ giàu có so với phần lớn các gia đình phải thuê những căn hộ trong những tòa nhà có hai, ba hoặc bốn hộ gia đình cùng ở, với khoảng hiên lát gạch đã trở thành một phần không thể thiếu được trong hoạt động thể dục thể thao sau giờ học của chúng tôi: những trò chơi tầm phào, trò bài xì dách, và trò đập bóng tính điểm vào bậc thềm, kéo dài vô tận cho đến khi quả bóng cao su rẻ tiền bị vỡ tung sau những cú ném không thương tiếc vào vỉa hè. Chính đại lộ này đây, con đường nằm trong mạng lưới những con đường có hàng cây keo gai chạy dài đã khiến trang trại Lyon bị ngăn cách

trong suốt những năm kinh tế bùng nổ đầu thế kỉ hai mươi, thế hệ tiếp nối ngay sau đó của những người Do Thái di cư sống tại Newark đã tụ hợp lại thành một cộng đồng chung, lấy cảm hứng từ xu thế chủ đạo chính của đời sống Mỹ thay vì các ngôi làng nhỏ của người Do Thái vùng Đông Âu mà các đấng sinh thành nói và viết cổ ngữ Ri-di của họ đã tái dựng lại quanh con phố Prince thuộc khu vực Quận 3, nơi đã bị bần cùng hóa cực độ2. Những người Do Thái sống ở đại lộ Keer trong những ngôi nhà có tầng hầm hoàn thiện, có mái hiên được che rèm chắn sáng, có bậc tam cấp lát đá trước nhà, có lẽ là những người đứng ở hàng tuyến đầu, dám trở thành và đóng vai trò tiên phong táo bạo trong công cuộc vươn tới một cuộc sống thường nhật đầy đủ tiện nghi của người Mỹ chính gốc. Và dẫn đầu trong đạo quân tiên phong ấy chính là gia đình Levov, gia đình đã sinh ra Swede của chúng tôi, chàng trai có ngoại hình mà càng lớn chúng tôi càng cảm thấy gần giống như một người ngoại đạo.

 

Bản thân những người nhà Levov, ông Lou và bà Sylvia, cha và mẹ của anh ấy cũng chẳng khác những người Mỹ chính hiệu hơn là bao so với cặp cha mẹ người Do Thái gốc Jersey đã sinh ra tôi khi bàn tới cả ngoại hình lẫn phép cư xử lịch thiệp hay sự khéo ăn khéo nói, có tu dưỡng. Và điều đó đối với tôi là một bất ngờ lớn. Khác hẳn những ngôi nhà chỉ dành cho một hộ gia đình sống trên đại lộ Keer, giữa chúng tôi và gia đình Levov không hề xuất hiện sự phân biệt của tầng lớp bần nông và tầng lớp quý tộc như tôi đã và đang được học ở trường. Cô Levov cũng giống như mẹ ruột của tôi. Bà là một người quán xuyến công việc gia đình gọn gàng, có phong thái lịch sự hoàn hảo không chê vào đâu được, một người phụ nữ ưa nhìn và vô cùng quan tâm đến cảm nhận của người khác, luôn làm cho các con trai của mình cảm thấy rằng họ quan trọng – một trong số nhiều phụ nữ của kỉ nguyên đó, những người không bao giờ mơ tưởng tới chuyện thoát khỏi “doanh nghiệp gia đình” khổng lồ với trung tâm là những đứa con. Cả hai cậu bé nhà Levov đều được thừa hưởng từ mẹ vóc người cao ráo và mái tóc sáng màu; mặc dù vậy, mái tóc đỏ và xoăn hơn cùng làn da vẫn còn vương tàn nhang như một cô gái trẻ đã mang lại cho bà một vẻ ngoài phần nào nhạt chất Aryan hơn chúng. Có vẻ như so với hai đứa con của mình thì sự dị biệt trong mã gen của bà so với những người còn lại trong khu phố chúng tôi được thể hiện một cách ít rõ rệt hơn hẳn.

 

Cha Levov thì chỉ cao khoảng chừng 1 mét 75 – khổ người khẳng khiu, chân tay dài nghều ngào và tính cách kích động còn hơn cả cha của tôi – tôi nghĩ bản tính dễ hoảng loạn của tôi phần nào được định hình chính bởi sự thiếu bình tĩnh của cha mình. Chú Levov cũng là một trong số những người cha Do Thái lớn lên từ khu ổ chuột, những người đã dằn vặt cả một thế hệ Do Thái tiếp nối – những người trẻ có chí tiến thủ và được đào tạo đại học – với quan điểm thô kệch, thiếu hiểu biết của họ: một người cha coi mọi việc đều là nhiệm vụ không thể lay chuyển; một người cha chỉ biết có đúng hoặc sai chứ không chấp nhận bất cứ điều gì trung lập; một người cha với những tham vọng, thiên kiến và tín ngưỡng được củng cố bởi những suy nghĩ cẩn trọng, vững chắc đến mức chúng đang trói buộc ông chặt hơn ông tưởng. Họ là những người đàn ông hạn chế với nguồn năng lượng vô hạn; những người đàn ông tự phụ cũng cả thèm chóng chán; những người đàn ông tin rằng điều nghiêm túc nhất trong cuộc sống là tiếp tục tiến lên, bất chấp mọi thứ. Và chúng tôi là con trai của họ. Bổn phận của chúng tôi là yêu thương họ.

 

Chuyện là, cha tôi là một bác sĩ chuyên điều trị bệnh bàn chân. Trong suốt nhiều năm trời, phòng khách của chúng tôi đã bị trưng dụng làm văn phòng của ông. Ông cũng kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống của gia đình tôi, nhưng chỉ thế không hơn; trong khi đó, chú Levov giàu lên nhờ vào nghề sản xuất găng tay phụ nữ. Cha đẻ của ông ấy – tức là ông nội của Swede Levov – đã rời vùng quê nghèo để đến Newark vào những năm 1890, và tìm được công việc nạo thịt ở miếng da cừu tươi sau khi vớt ra từ thùng nước vôi sống (để thuộc da), một người Do Thái đơn độc bên cạnh những kẻ nhập cư gốc Ý, Ai-len, Xla-vơ thô lỗ nhất Newark trong xưởng thuộc da phố Nuttman của ông trùm da láng T.P.Howell, khi đó là cái tên nổi danh trong ngành công nghiệp lớn nhất và lâu đời nhất thành phố: thuộc da và sản xuất đồ da. Yếu tố quan trọng nhất để thuộc da là nước – các tấm da quay tròn trong những vại nước lớn, những chiếc thùng hình trụ xả nước bẩn ra ngoài ào ạt, các ống nước phun nước nóng và nước lạnh xối xả, lượng nước tương đương hàng trăm nghìn ga-lông. Nếu có nước mềm2, nước tốt, người ta có thể dùng chúng để sản xuất bia và làm đồ da. Tại Newark, người ta làm cả hai – có cả xưởng ủ bia lớn và xưởng thuộc da lớn; và món quà dành cho cộng đồng dân nhập cư là vô số các công việc trong môi trường ẩm ướt, bốc mùi và nặng nhọc.

 

Người con trai, Lou – cha đẻ của Swede Levov – đã tới làm việc tại xưởng thuộc da sau khi rời trường học ở tuổi mười bốn để đỡ đần cho gia đình chín miệng ăn, và dần trở nên thành thục không chỉ trong công việc nhuộm da hoẵng bằng cách dùng cọ cứng, phẳng rải thuốc nhuộm đất sét lên tấm da, mà còn thông thạo cả việc phân loại và xếp hạng các loại da. Xưởng thuộc da luôn bốc lên thứ mùi pha tạp giữa mùi lò mổ và mùi hóa chất dùng trong các công đoạn ngâm và nấu để lọc thịt, cạo lông, tẩy axit, tách mỡ cho da sống; tại đó, suốt một ngày dài đủ 12 tiếng vào mùa hè, các máy thổi sấy khô liên tục hàng ngàn các tấm da treo cao khiến cho nhiệt độ của phòng sấy dưới mái trần thấp lên đến một trăm hai mươi độ; ở nơi đó, có các phòng chứa thùng nước vôi sống rộng mênh mông, tối tăm như các hang động và lênh láng nước rửa da; ở nơi đó, những công nhân nam cục mịch đeo tạp dề dày nặng, người đeo lủng lẳng móc và gậy, kéo lê và đẩy các toa xe hàng chất cao ngồn ngộn như muốn rơi ra, vắt ép và treo các tấm da ngấm sũng nước lên, rồi bị quay như dế bởi guồng lao động của ca làm việc kéo dài suốt 12 giờ đồng hồ – một nơi dơ dáy, hôi hám, ngập thứ nước nhuộm đỏ có, đen có, xanh dương có và cả xanh lá cây; nơi có hàng đống những cuộn da lớn lăn lóc khắp sàn nhà, hàng ao mỡ, hàng núi muối, hàng thùng tô nô chứa dung môi – nơi đó chính là trường trung học và cũng là trường cao đẳng của Lou Levov. Điều đáng kinh ngạc không phải là ông ấy đã trở nên gai góc và bền bỉ như thế nào. Mà điều đáng kinh ngạc là đôi khi ông ấy vẫn có thể cố gắng cư xử một cách lịch thiệp.

Ông ấy đã tốt nghiệp và rời Howell & Co. khi mới hai mươi tuổi để cùng với hai người anh em của mình thành lập một cơ sở chuyên cung cấp da cá sấu làm túi xách phụ kiện nhỏ theo hợp đồng cho R.G.Salomon, vua da thuộc mềm Cordovan tại Newark và cũng là người dẫn đầu trong ngành thuộc da cá sấu. Đã có lúc, công việc kinh doanh tưởng chừng như sẽ phất lên rực rỡ, nhưng sau phi vụ đổ bể, công ty lâm vào tình trạng phá sản, cả ba người nhà Levov đã phải tất tả chạy vạy, mặt dày mày dạn để xoay xở ngược xuôi. Lou Levov khởi nghiệp với công ty phụ kiện da dành cho phụ nữ Newark Maid và sau đó vài năm thì ông tự kinh doanh riêng bằng cách mua lại các món đồ da cũ – những món đồ da có khiếm khuyết như túi xách tay, găng tay, thắt lưng – rồi bán lại chúng trên xe đẩy hàng rong vào các ngày cuối tuần và đến từng nhà để bán vào ban đêm. Down Neck – phần nhô ra của bán đảo, mũi cực đông của Newark là nơi đặt chân đầu tiên của những người di cư theo làn sóng mới, nơi có những vùng đất thấp với các đầm lầy muối nối liền từ phía Bắc đến phía Nam – là nơi tập trung

của người Ý, những người đã từng làm găng tay trên đất nước quê hương của họ. Và họ bắt đầu nhận làm găng tay tại nhà theo kiểu khoán sản phẩm cho ông ấy. Từ những tấm da mà ông ấy đưa, họ cắt và khâu thành những chiếc găng tay nữ mà ông ấy mang đi để rao bán trên toàn bang. Trước khi chiến tranh bùng nổ, có cả một tập thể các gia đình người Ý nhận cắt và khâu găng tay trẻ em cho ông trên những gác xép nhỏ ở phố Chợ Tây. Đó là một công việc kinh doanh nhỏ, thực sự không có lãi, cho đến khi vận đỏ tìm tới ông vào năm 1942: găng tay dài da cừu màu đen có lót, được Quân đoàn Phụ nữ Hoa Kỳ đặt hàng. Ông đã thuê lại nhà máy sản xuất ô dù cũ, một đống gạch nát xỉn màu khói đã năm mươi năm tuổi, cao bốn tầng trên Đại lộ Trung tâm và đường số 2; rất nhanh sau đó, ông mua lại luôn chỗ đó và cho một công ty khóa kéo thuê lại tầng thượng. Newark Maid bắt đầu sản xuất găng tay số lượng lớn; cứ mỗi hai hoặc ba ngày lại có xe tải ghé qua công ty và mang hàng đi.

 

Có một niềm hân hoan còn lớn hơn cả việc giành được hợp đồng cung cấp sản phẩm cho chính phủ chính là trở thành đối tác của Bamberger. Newark Maid đã thành công trở thành nhà sản xuất chính cho sản phẩm găng tay phụ nữ chất lượng cao của Bamberger sau cuộc gặp tình cờ giữa Lou Levov và Louis Bamberger. Trong một buổi tiệc tối nghi thức dành cho Meyer Ellenstein, Ủy viên hội đồng thành phố từ năm 1933, người Do Thái duy nhất từng trở thành thị trưởng của Newark, một số nhân sự cấp cao của công ty Bam nghe nói rằng cha của Swede Levov cũng có mặt và đã tìm đến để chúc mừng ông vì con trai ông đã được tờ Tin tức Newark bình chọn là trung vệ bóng rổ xuất sắc nhất toàn hạt. Nhận ra đó là cơ hội đổi đời – một cơ hội để vượt qua mọi chướng ngại và leo thẳng tới đỉnh cao – ngay tại đó, trong bữa tiệc tối của ngài Ủy viên Ellenstein, Lou Levov dạn dĩ đã lèo lái cuộc trò chuyện thành bài giới thiệu bản thân với huyền thoại L. Bamberger, nhà sáng lập cửa hàng bách hóa uy tín nhất tại Newark, đồng thời cũng là người đã tặng thành phố cả một tòa bảo tàng; một nhân vật quan trọng đầy quyền lực, có địa vị trong cộng đồng người Do Thái địa phương như Barnard Baruch trong toàn bộ cộng đồng người Do Thái cả nước nhờ mối liên hệ mật thiết của ông với Tổng thống Hoa Kỳ FDR.

 

Theo như những câu chuyện lan truyền trong khu phố, mặc dù Bamberger không làm gì hơn ngoài bắt tay và hỏi ông ấy vài câu (liên quan đến Swede) trong nhiều lắm chỉ là vài phút, nhưng Lou đã dám nói thẳng với ông ấy rằng, “Ông Bamberger, chúng tôi đảm bảo chất lượng hàng hóa tốt, chúng tôi đảm bảo giá thành hợp lý, vậy sao chúng tôi lại không thể bán găng tay cho công ty ông nhỉ?” Sau đó, chưa chờ đến sang tháng, công ty của ông Bam đã gửi đơn đặt hàng cho Newark Maid; đơn hàng đầu tiên của họ là 500 hộp 12 cặp găng tay.

 

Vào cuối cuộc chiến, Newark Maid đã tự thiết lập được chỗ đứng cho chính mình, chứ không còn dựa chút nào vào thành tích thể thao của Swede Levov, và trở thành một trong những tên tuổi đáng nể nhất trong làng sản xuất găng tay phụ nữ ở phía Nam Gloversville, New York – thủ phủ của ngành kinh doanh găng tay, cũng là nơi Lou Levov xuất da sống bằng đường sắt qua Fultonville tới xưởng thuộc da găng tay tốt nhất trong ngành để xử lí. Chưa đến một thập kỉ sau, cùng với sự mở rộng của nhà máy tại Puerto Rico năm 1958, Người Thụy Điển đã trở thành vị chủ tịch trẻ tuổi của công ty, mỗi sáng chạy xe ba mươi dặm có lẻ từ nhà anh ấy ở Tây Newark qua các vùng ngoại ô để đến Đại lộ Trung tâm đi làm – một người khai hoang tầm ngắn đang sống trong một trang trại rộng cả trăm mẫu Anh2 trên con đường đằng sau những ngọn đồi thưa người ở phía xa xa của Morristown, tại vùng nông thôn trù phú Old Rimrock, New Jersey, cách xa vị trí xưởng thuộc da đầu tiên mà ông nội Levov của anh ấy đã từng làm cái công việc lóc bỏ chỗ thịt úng nước, dai như cao su, trương phình lên gấp đôi kích thước thật ra khỏi miếng da thật sau khi được vớt ra từ thùng nước vôi sống khổng lồ từ ngày ông mới đặt chân lên đất Mỹ.

 

Vào một ngày tháng Sáu năm 1945, sau khi tốt nghiệp trường Weequahic, Người Thụy Điển đã gia nhập bộ đội Thủy quân lục chiến, háo hức tham gia trận đánh kết thúc cuộc chiến tranh. Người ta đồn rằng cha mẹ anh ấy đã phát hoảng và tìm mọi cách để đưa anh ra khỏi Thủy quân lục chiến và gia nhập Hải quân. Ngay cả khi anh có thể đánh bại được chủ nghĩa bài Do Thái khét tiếng của quân đoàn Thủy quân lục chiến thì liệu anh đã từng nghĩ xem liệu mình có còn sống sót được sau cuộc xâm lăng của quân phát xít Nhật hay không? Nhưng Người Thụy Điển sẽ không để ai lung lạc và khiến anh từ bỏ thử thách sự nam tính và lòng ái quốc mà anh đã âm thầm tự đặt ra cho bản thân ngay khi vụ Trân Châu Cảng vừa diễn ra để được ra trận chiến đấu như một trong những người con can trường nhất, dám xả thân cho tình thế cam go của tổ quốc trong chiến tranh, khi anh vừa mới tốt nghiệp trung học. Anh hoàn thành đợt huấn luyện cấp tốc tại đảo Parris, Nam Carolina, địa điểm được đồn là nơi lính thủy đánh bộ Mỹ chọn để khởi hành đi tấn công các bãi biển Nhật Bản vào ngày 1 tháng Ba năm 1946, cũng chính là ngày Mỹ thả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima. Hệ quả là Người Thụy Điển phải trải qua phần còn lại của đời lính trong vai trò một “chuyên gia của các trò tiêu khiển”. Anh ấy điều hành huấn luyện vận động giãn cơ, uốn dẻo cho tiểu đoàn trong nửa giờ trước mỗi bữa sáng, sắp xếp những trận thi đấu giao hữu quyền Anh nhỏ cho các tân binh vài đêm một tuần, và phần lớn thời gian anh ấy chơi cho đội tuyển bóng chày của đơn vị, thi đấu với các đội tuyển bóng chày khác thuộc lực lượng vũ trang khắp miền Nam; chơi bóng rổ suốt mùa đông và chơi bóng chày suốt mùa hè. Anh đóng quân ở Nam Carolina khoảng một năm thì đính hôn với một cô gái Công giáo Ireland. Cha cô là một Thiếu tá Lục quân và, cũng từng là huấn luyện viên bóng bầu dục cho đội Purdue. Ông đã kiếm cho anh một công việc nhẹ nhàng làm huấn luyện viên khóa tập cốt để giữ anh lại đảo Parris chơi bóng. Vài tháng trước khi Người Thụy Điển giải ngũ, cha anh đã đi một chuyến tới đảo Parris, ở đó suốt một tuần, ngay gần căn cứ, tại một khách sạn thuộc Beaufort và chỉ rời đi khi lễ đính hôn của anh với cô Dunleavy kết thúc. Năm 1947, Người Thụy Điển trở về quê nhà để đăng ký học tại Cao đẳng Upsala, East Orange ở tuổi hai mươi, không hề bị cản trở vì có một người vợ ngoại đạo mà trái lại còn anh hùng hào hoa hơn ai hết bởi vì anh ấy đã tạo được dấu ấn cho mình trong vai trò một người lính Thủy quân lục chiến gốc Do Thái – một huấn luyện viên không hề thua kém các trại huấn luyện quân sự được coi là khắc nghiệt nhất trên thế giới. Thủy quân lục chiến được xây dựng nên từ những trại huấn luyện tân binh như vậy, và Seymour Irving Levov đã góp phần vào công cuộc đó.

 

Chúng tôi đều biết tất cả những chuyện này bởi vì những câu chuyện thần bí về Người Thụy Điển vẫn luôn sống động và được lan truyền khắp các hành lang và lớp học của trường trung học. Tôi nhớ có khoảng hai hoặc ba lần cuốc bộ lặn lội cùng với bạn bè tới Viking Field ở East Orange để xem đội tuyển bóng chày Upsala thi đấu trên sân nhà vào ngày thứ Bảy. Ngôi sao qua mặt được cả cầu thủ đập bóng và cầu thủ canh gôn số 1 chính là Người Thụy Điển. Ba cú home run1 trong cùng một trận đấu với đội Muhlenberg. Cứ khi nào lũ chúng tôi nhìn thấy một người đàn ông mặc vest chỉnh tề và đội mũ đứng trên khán đài, chúng tôi lại thì thầm vào tai nhau, “Người chiêu mộ, người chiêu mộ đấy!” Khi tôi đang học đại học thì nhận được tin từ một cậu bạn thân vẫn đang sống trong khu phố rằng có câu lạc bộ hạng nhỏ Double A Giant mời Người Thụy Điển ký hợp đồng, nhưng anh ấy đã từ chối để gia nhập công ty của cha mình. Sau đó, tôi còn nghe được từ cha mẹ về đám cưới của Người Thụy Điển với Hoa khôi bang New Jersey. Trước khi tham gia cuộc thi giành danh hiệu Hoa hậu Mỹ tại thành phố Atlantic năm 1949, cô ấy đã từng đạt danh hiệu Hoa khôi hạt Union, còn trước đó, cô cũng đã từng giữ danh hiệu Nữ hoàng sắc đẹp mùa xuân ở Upsala. Từ Elizabeth. Một cô gái ngoại đạo Do Thái. Giờ cô ấy là Dawn Dwyer. Anh ấy thực sự đã cưới cô ấy.

 

Một tối mùa hè năm 1985, khi ghé thăm New York, tôi đã đi xem đội Mets thi đấu với đội Astros, và trong khi đang rảo quanh tìm lối đi tới ghế của mình cùng với một số bạn bè, tôi đã thấy Người Thụy Điển, khi đó đã già hơn thời điểm tôi xem anh ấy chơi bóng ở Upsala tới ba mươi sáu tuổi. Anh ấy đang mặc một chiếc áo sơ mi trắng, đeo cà vạt kẻ sọc, mặc bộ vest mùa hè màu xám tro và trông vẫn hết sức tuấn tú. Mái tóc vàng sẫm hơn một hoặc hai tông nhưng vẫn dày như trước; tóc anh ấy giờ không còn cắt ngắn nữa mà gần như phủ kín hai bên tai, dài chạm cổ áo. Trong bộ đồ hợp với anh ấy đến từng chi tiết, dáng người anh ấy trông có vẻ cao ráo và gọn gàng săn chắc hơn cái dáng vẻ của chính anh ấy trong bộ đồng phục một môn thể thao nào đó mà tôi còn nhớ được. Cô bạn đi cùng chúng tôi chú ý đến anh ấy trước tiên.

 

“Người đó là ai vậy? Người đó đó – người ngồi chỗ đó ấy… Anh ta có phải là John Lindsay không nhỉ?” Cô ấy hỏi.

“Không.” Tôi trả lời.

“Ôi Chúa ơi. Bà biết người đó là ai mà? Đó là Swede Levov đấy.” Tôi nói với các bạn bè của tôi, “Đó chính là Người Thụy Điển!”

Kiều Hòa và Thúy Quỳnh dịch

(Tác phẩm Bình yên nước Mỹ đã được Bách Việt xuất bản vào tháng 3 năm 2023. Zzz Blog trân trọng cảm ơn Bách Việt đã đồng ý cho chúng tôi đăng tải đoạn trích này).

Chấm sao chút:

Đã có 0 người chấm, trung bình 0 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3