Thời gian đọc: 37 phút

Đang giữa tiết đại hàn nhưng chẳng hề có cảm giác tuyết rơi, trong suốt hai, ba ngày chỉ có sụt sùi mưa ở dạng pha lẫn tuyết. Kōjirō mệt rã rời vì đi quanh trong phố từ lúc ban trưa. Anh tự nhủ, liệu có nhà nào cho mình ngủ trọ đêm nay chăng, dẫu là nhà ở đâu cũng được. Anh nhảy hú họa lên chuyến tàu điện trên phố vừa chạy đến trước mặt, bỏ qua chừng ba trạm dừng trong bóng tối, rồi thử xuống tàu ở quãng phố xem chừng sẽ có nhà. Cứ như kéo giật thân mình ra khỏi chuyến tàu điện đông kín đến suýt bị nghẹt thở, anh bước xuống con đường đang lầy lội khủng khiếp trong mưa. Ngay khi xuống khỏi tàu, Kōjirō đã thử hỏi người đàn ông đang đứng cạnh mình, rằng chỗ này là nơi nào vậy. “Chỗ này là điểm xuất phát của tuyến tàu Seto đấy”, người đàn ông kia nói thế rồi rời đi, sau khi bật đánh xoạch cây dù gọng to đã nhuốm màu cũ kỹ. Dường như khách xuống tàu lẫn lên tàu đều không đáng kể, nên khi tàu điện chạy đi rồi thì trên đường phố rộng và tối chẳng còn lấy một bóng người đi. Kōjirō, ướt như chuột lột trong chiếc áo khoác trùm kín từ đầu xuống, đi trở lui về phía có ngọn đèn. Cuốc bộ dưới mái hiên những ngôi nhà đóng cửa đang chìm trong bóng tối, Kōjirō nhận thấy dường như cảm giác trống rỗng không thể đo đếm được trong anh biến thành khối muộn sầu, đọng lại nặng trĩu giữa cõi lòng giá lạnh. Ngay cả trong mơ anh cũng không nghĩ rằng mình lại còn có thể quay trở về Nhật Bản. Chính vì thế mà hơn một tuần nay, kể từ khi đặt chân lên mặt đất ở Sasebo, Kōjirō cảm thấy thời gian trôi qua cứ như đã một năm rồi vậy.

Đến trước ngọn đèn thì biết chỗ đó quả nhiên là quán rượu, nhưng từ phía bên này lại trông như đã bị thiêu rụi cả. Ngôi nhà ấy là kiểu nhà dựng tạm, và có thể thấy những tàn tro rải khắp xung quanh nhà, giống như một đầm sen trải rộng, ánh lên mờ ảo giữa đêm mưa. Kōjirō mở khung cửa kính kêu lọc xọc rồi bước vào trong quán.

“Ồ, quán đã đến giờ nghỉ rồi ạ.”

Ông chủ quán, có vóc người nhỏ như trẻ con, vội tắt đi ngọn đèn trong quán. Kōjirō vẫn đứng sững trên nền đất chìm trong bóng tối. “Cho cháu uống chút đi”, anh nói rồi ngồi xuống chiếc ghế gỗ ở ngay chỗ chân mình.

“Chẳng còn gì nữa cả.”

“Thế ạ? Cháu đang có việc đi xa nhà, trời mưa thế này oải người thật đấy nhỉ… Nếu có rượu thì vui lòng cho cháu một cốc, cho dù đắt bao nhiêu cũng được. Cháu rã rời hết cả người rồi.”

Chủ quán giữ im lặng giây lâu. Dường như trời nổi gió, nên nghe rõ tiếng mưa đập mạnh xuống ván lợp mái nhà.

“Ông chủ ạ, cho cháu một cốc đi…”

Kōjirō vừa di di mũi giày lạnh ngắt xuống nền đất nhiều lần, vừa vắt chiếc áo khoác bị ướt lên lưng ghế.

“Hâm nóng chứ nhỉ?”

“Vâng, nếu mà hâm nóng giúp cho thì càng tốt.”

Kōjirō, trong cảm giác nhẹ nhõm, tháo chiếc khăn choàng cổ bị ướt, đặt lên chiếc ghế bên cạnh cùng với bọc hành lý được gói lại bằng loại khăn vuông. Một thiếu niên khoảng mười lăm, mười sáu tuổi, mũi đang sụt sịt, từ trong bếp đi ra đóng chốt cửa kính của gian quán.

“Rõ khổ vì quán sắp hết giờ phục vụ!”

Cũng chẳng quay nhìn về phía Kōjirō, cậu thiếu niên lẳng lặng biến vào trong bếp. Ngay lúc ấy, trong bóng tối của gian phòng nền đất, chủ quán mang đến cốc rượu đã hâm nóng, và chiếc đĩa có đựng gì đó hình như là món kho.

“Làm phiền ông chủ quá!”

“Mực kho với củ cải. Chỉ còn có thế này thôi đấy.”

“Không sao ạ, món gì cũng được mà.”

Kōjirō liền cầm lấy chiếc ví, đưa cho chủ quán tờ bạc một trăm yen được gấp nhỏ lại.

“Chỗ này thì tôi tính giá hai lăm yen.”

“Vâng, cháu xin gửi tiền ạ.”

Rượu nóng đến không thể nhấp môi, nhưng thấm qua lưỡi đang bị lạnh có vị ngon tê tái. Chủ quán kéo ngọn đèn trong bếp về phía mép vách trượt shōji[1] ngăn giữa nhà bếp và gian quán.

“Không sao đâu, vẫn nhìn thấy được mà.”

“Nhưng thế vẫn là quá tối ấy.”

“Rượu ngon đấy, ông chủ ạ!”

“Vâng. Trước đây nơi này là quán rượu, cũng có chút rượu ngon…”

“Đã bị cháy thật ạ?”

“Đúng thế.”

“Rõ khổ nhỉ!”

Chủ quán không đáp lời mà chỉ mang số tiền thừa đến. Kōjirō vội giơ một cánh tay lên, nói rằng “Thêm một cốc nữa. Vui lòng cho thêm một cốc nữa… Rượu ngon nên cháu muốn uống thêm một cốc.” Chủ quán nhìn Kōjirō trong khi vẫn đang cầm mấy tờ giấy bạc. “Nếu vậy thì tôi lấy thêm hai mươi lăm yen nữa” – Ông nói, vừa vân vê ngón tay vừa rút ba tờ bạc, rồi đặt chỗ tiền còn lại lên quầy và đi vào góc phía trong gian quán.

Kōjirō lục tìm trong túi lấy thuốc lá ra, châm lửa vào thuốc rồi hút với vẻ ngon lành. Có lẽ vì mệt nên mắt anh rất khô và bị đau khi chớp mắt. Khi anh ghé mặt xuống gần chiếc cốc đang tỏa ra hơi nóng thì cùng với hương rượu phả lên nồng nàn, làn hơi ấm dịu dàng khơi dậy trong anh niềm vui sống. Kōjirō cảm giác như ở khóe mắt đang bị khô có ứa ra giọt lệ. Lần đầu tiên, nước mắt cô độc lặng lẽ dâng lên mí mắt anh. Khi chủ quán mang đến cốc rượu nóng thứ hai đặt trên một chiếc đĩa thì Kōjirō đang chếnh choáng say trong cảm giác dễ chịu.

“Ông chủ ạ, quanh đây liệu có chỗ nào là quán trọ không nhỉ? Sáng mai cháu sẽ đi tàu hỏa lên Tōkyō, nhưng liệu có nhà nào để có thể ngủ đẫy giấc không nhỉ?”

“Thế thì… Hơn nửa số nhà trọ đã cũng bị cháy mất rồi ấy.”

“Thế cơ ạ?”

Hình như chủ quán đang thì thào nói chuyện với cậu thiếu niên lúc nãy, và rồi bảo anh rằng “Có một chỗ ở khu vực trung tâm, vậy tôi hỏi cho nhé?” Kōjirō thầm nghĩ, người ta nói ‘Gặp Phật nơi địa ngục’ là trường hợp này đây.

“Xin phiền ông chủ ạ.”

“Dào, chẳng biết có trọ lại được không, nhưng cứ thử hỏi xem đã nhé.”

“Chỗ như thế nào cũng được ạ. Dù sao đi nữa, trời mưa thế này thì…”

“Nagoya cũng bị cháy mất hơn một nửa rồi ấy…”

“Thế ạ? Thật không ngờ, vì cháu mới từ Trương Gia Khẩu[2] trở về dạo gần đây.”

“Cậu đã nhập ngũ phải không nhỉ?”

“Vâng ạ.”

“Thế thì vất vả cho cậu nhỉ!… Con trai tôi cũng đi Myanmar rồi tử trận.”

“Thế ạ? Rõ khổ!”

Hình như vì xe tải chạy qua nên nước bắn rào rạt lên cửa kính Kéo cốc rượu thứ hai lại gần, Kōjirō châm điếu thuốc hút dở đã bị tắt rồi lại hút.

“Gia đình bác ngủ lại ở đây ạ?”

“Vâng, tôi và thằng con út, hai người ngủ lại đây.”

“Còn bà chủ thì sao ạ?”

“Đang ở một nơi tên gọi là Handa, cách đây chừng hai tiếng.”

“Chỉ có đàn ông thôi mà làm giỏi quá nhỉ!”

“Vì cũng có làm món gì ghê gớm đâu mà…”

Cậu con trai đã quay trở lại. Cậu thì thào nói chuyện với bố. Chủ quán gật đầu nhưng thái độ chừng như không được hào hứng lắm.

“Không ổn ạ?”

“Nghe nói họ nghỉ rồi, không còn cho thuê chỗ trọ nữa.”

“Gay go nhỉ!”

“Khu này tuyệt nhiên không có lữ quán nào…”

“Thế ạ?”

Kōjirō chậm rãi uống cốc rượu thứ hai, vẻ như đang nóng lòng vì không thể chịu đựng nỗi cô đơn thêm nữa.

“Sáng mai cậu lên tàu hỏa à?”

“Vâng, đúng thế ạ.”

“Vậy thì cậu ở lại đây nhé? Chỗ hẹp chỉ có hai chiếu[3] thôi, xem như là thức qua đêm vậy.”

“Thế là tốt lắm rồi… Thật phiền bác, nhưng nếu được thế thì cháu rất cảm kích đấy ạ.”

Biết rằng mình có thể ở lại nơi này, Kōjirō cảm thấy sự mệt mỏi lan dần trong cơ thể, cứ như mình đã mất hết sức lực vậy.

“Chỗ đó lạnh đấy, cậu nên đến chỗ này rồi dùng lò sưởi mà hơ nóng chẳng hạn…”

Kōjirō gom hành lý của mình lại một chỗ trong gian quán, rồi cầm chiếc cốc và chiếc đĩa đựng món oden[4] đi về phía ngọn đèn.

“Chăn đệm cũng chỉ thế này thôi, chẳng có gì nữa cả.”

Dưới ánh đèn, gương mặt ông chủ quán không ngờ trông lại già hơn tuổi, nhưng dù sao cũng có vẻ là người tốt tính. Cậu con trai dường như sống nhọc nhằn cùng bố nên vẻ mặt rầu rĩ, và có cố tật sụt sịt mũi liên hồi. Có vẻ như góc phía trong gian quán, rộng hai tấm chiếu, được dùng làm nhà bếp và nơi để vật dụng. Từ phía ấy, thỉnh thoảng mưa gió hắt hơi lạnh vèo sang.

Chỉ là một gian nhà lạnh lẽo đơn sơ với vách gỗ và vách trượt shōji, nhưng vẫn hơn là ở ngoài trời. Bên trong tấm chăn chừng như không còn thấy được mẫu hoa văn vì cáu bẩn, có đặt lò sưởi kotatsu[5] dùng điện, nhỏ bằng cỡ một chú mèo trong tư thế cuộn tròn. Tháo đôi giày đã cứng lại vì ướt, Kōjirō đưa chân vào gần chiếc lò sưởi nhỏ ấy. Hình như chủ quán cũng uống một cốc rượu trước khi đi ngủ, nên cũng đặt cốc rượu trên sàn chiếu giống như Kōjirō, và nhờ cậu con trai nướng cá trích loại nhỏ trên chiếc lò than.

Thế rồi, chủ quán cũng vừa thổi vừa uống cốc rượu nóng. Ông đang mặc chiếc áo khoác dài tay, trông có vè chắc chắc là kiểu người cương trực. Kōjirō lấy ra chiếc hộp bằng nhôm đựng thuốc lá, đưa mời ông.

“Bác thật tốt với cháu. Đúng là đành bó tay lúc trời mưa thế này… Cháu từ Shinshū tìm đến thăm một người, nhưng nhà ấy cũng không còn tồn tại…”

“Shinshū là ở đâu?”

“Ở chỗ có Matsushiro[6] đấy ạ.”

“Trong quân ngũ thế nào?”

“Vâng, có lẽ cháu cũng may mắn ạ… Vì dẫu sao, cháu cũng đã cố gắng hết sức với mong muốn là còn sống trở về… Cháu cứ nghĩ là mình muốn sống, rồi dốc hết tâm lực chỉ vì điều đó thôi đấy ạ. Nếu mà nghĩ rằng giờ đây mình sẽ chết, rằng vậy là hỏng rồi, thì không thể được đâu. Trong bất cứ việc gì, chỉ cần cảm thấy quyết tâm sống vì nó là có thể sống được.”

“Có lẽ là đúng như thế đấy.”

“Hai lần cháu bị gọi nhập ngũ, nhưng may là cả hai lần cháu đều nghĩ đến chuyện đi bệnh viện. Vì thành thật mà nói, cháu cũng không muốn chết đâu ạ.”

“Ồ! Có thể làm thế sao?”

“Chẳng có nơi nào giả dối như quân đội đâu ạ. Khi nhận giấy triệu tập lần thứ hai, cháu đã nghĩ là đến thế này rồi thì khó mà sống được. Dù sao đi nữa, vì hằng ngày cháu chỉ đan bè để luyện tập cho tình huống lênh đênh, nên trong quá trình đó cháu dần cảm thấy sợ, rồi có ý chạy trốn…”

“Thì đấy. Tôi cho rằng cuộc chiến tranh này không kết thúc đơn giản được đâu, nhưng họ gây chuyện bê bối kinh khủng quá ấy nhỉ, vì dẫu sao thì họ đã gây chiến mà không suy xét đến hậu quả, cứ như dựa vào trực cảm mà đoán định… Thật khốn khổ, như vợ tôi đây, vì con trai thì chết, nhà thì bị cháy, con rể cũng sang Trung Quốc, giờ thì con gái phải lo gánh vác chuyện con cái, hơn nữa, thằng bé này lại mất một cánh tay do tai nạn ở nhà máy Okazaki…, nên mụ vợ tôi cũng vì vậy mà thành ra dở người ấy chứ, mất đến nửa năm như hóa thành cô bé, cứ vẩn vơ mà hoàn toàn chẳng làm được việc gì luôn kia.”

Kōjirō nhìn về phía cậu con trai đang nướng cá trích. Cậu ta đang nướng cá trên lò bằng tay trái. Vì cậu mặc Âu phục, anh đã không để ý cho đến khi nghe chuyện cánh tay. Nhưng Kōjirō ái ngại nghĩ rằng, phải chăng vì thế mà có làm việc gì thì cậu vẫn cứ im lặng suốt, chẳng nói lời nào cả. Có lẽ phần vì trạng thái hơi say rượu nên khi nghe ông chủ quán này cứ kể chuyện đều đều, lòng anh chợt dấy lên cảm giác thân thương như trong mối quan hệ chân thành đã có từ lâu theo một kiểu nào đó, chứ không phải là những người quen biết mới ngày một ngày hai.

Khi chiến tranh kết thúc, đơn vị của Kōjirō tập kết về địa điểm có tên gọi là Cảo Sinh Trấn, một nơi nhỏ và gần Bắc Kinh, rồi sống ở đó chừng ba tháng. Họ bán bít tất hay thuốc lá, đã được cấp phát với số lượng lớn, cho dân địa phương ở nơi này, rồi mua lấy thực phẩm. Dân địa phương không hề khiến cho lính Nhật cảm thấy bị tổn thương, mà thậm chí còn tử tế với họ. Trong ba tháng ấy, Kōjirō có nghe phong thanh chuyện một đơn vị nào đó trong vùng núi đã âm thầm hàng phục Bát lộ quân[7]… Kōjirō vốn dĩ không phải là lính trong đơn vị này. Có thể nói là giữa chừng Kōjirō trà trộn vào đơn vị, còn đơn vị trước đó của anh thì chắc hẳn đã phải lên tàu đi về một hòn đảo nào đấy ở phía nam.

Hồi sinh hoạt trong đơn vị chính thức đóng ở Sơn Hải Quan, hằng ngày cứ luyện tập đan bè rồi dần dần cảm thấy sợ hãi, Kōjirō chợt nghĩ mình bị ốm, nên một hôm thử nhờ bác sĩ quân y khám bệnh cho. Chợt nhận ra rằng chuyện sẽ nghiêm trọng nếu người ta phát hiện mình giả ốm, trống ngực anh đập dồn, và trước mặt bác sĩ anh không dám ngước mặt nhìn lên. Vị bác sĩ trẻ tuổi đo huyết áp cho Kōjirō, bảo rằng cậu bị loạn nhịp tim kinh khủng, lúc nào cũng vậy sao, rồi xác định liệu pháp là có lẽ anh cần nghỉ ngơi đến một tuần. Công việc của Kōjirō là vẽ tranh, nên vị bác sĩ trẻ có đến nhờ Kōjirō vẽ tranh hoa lá… Trong thời gian tại ngũ, Kōjirō chỉ có thiện cảm với bác sĩ quân y. Anh nghĩ rằng có nhiều người hiền lành và yêu thích tranh vẽ.

Khi mới nhập viện, Kōjirō bị chứng tiêu chảy nặng vì ăn sashimi[8] cá sông. Ngay sau đó anh được chuyển đến bệnh viện ở Bắc Kinh, nhưng vị bác sĩ quân y ấy vẫn đến nhờ Kōjirō vẽ tranh. Kōjirō vốn không phải là họa sĩ thực thụ nhưng anh thích vẽ tranh. Là con nhà nông dân, khi học hết trung học cơ sở thì anh làm việc cho công ty gỗ ở Suzaka, nhưng anh thích hội họa, và có niềm vui là thỉnh thoảng đi xem triển lãm, hoặc mua và sưu tập các dụng cụ vẽ tranh mỗi lần đến Tōkyō. Lần đầu tiên từ quân ngũ trở về, anh đã cưới vợ ở miền quê, rồi đến năm thứ hai sau đó lại bị gọi nhập ngũ.

Sau khi ra viện ở Bắc Kinh, anh gia nhập vào một đơn vị hỗn hợp, đi đến Trương Gia Khẩu, rồi trải qua chừng một tháng ở đó chẳng làm gì cụ thể rõ ràng… Chiến tranh kết thúc, từ khi anh chuyển đến Cảo Sinh Trấn thì không còn những thứ như luật lệ đáng sợ trong quân đội kia nữa, binh đội chẳng có gì khác hơn là một tập hợp những con người bình thường. Sự nhẫn nại lâu ngày đã làm chai sạn đi tâm hồn người lính. Cũng có người khiến cho ai nấy đều bật cười khi nói rằng tuy mất cơ hội nhận huân chương nhưng giữ được mạng sống, còn Kōjirō thì cảm thấy trút bỏ được gánh nặng trong lòng, cứ như anh được cứu rỗi nhờ chiến tranh kết thúc. Không khí mùa thu càng rõ rệt thì tiếng côn trùng cũng râm ran quanh vùng ấy, và những người lính mỗi ngày càng thêm da diết nhớ quê hương. Mỗi người trong số họ đều vô cùng nhớ công việc mình làm đã từ lâu trước đó. Cứ sáng ra là chuyện giải đoán giấc mơ lại trở nên sôi nổi. Binh đội chỉnh tề vẫn rầm rập hành quân mải miết cùng với xe chở đạn và xe tăng cho đến mãi gần đây đã biến thành một đám người thảm hại khi chiến tranh kết thúc… Bao giờ cũng vậy, không gây sự chú ý cho bất kỳ ai, Kōjirō rời khỏi nhóm người đang trò chuyện để được ở một mình. Anh chưa từng cảm thấy yêu quý sinh mạng mình như vậy. Anh rất sợ phạm phải dù chỉ là một vết thương nhỏ sượt qua, khi bị cuốn vào những cuộc tranh luận ngớ ngẩn giữa đám người thảm hại. Một nhóm trong đơn vị bắt đầu chơi đánh bạc. Kōjirō bị nhóm ấy nài nỉ nhờ vẽ cho cỗ bài, vì chẳng biết làm cách nào khác nên anh vẽ cỗ bài cho họ, nhưng chẳng được bao lâu thì xảy ra hậu quả là do cỗ bài ấy mà hai người lính đã chĩa súng bộ binh vào nhau. Vì những chuyện như thế mà Kōjirō ngày càng sống khép mình. Hằng ngày, anh trải qua cuộc sống đời thường ngột ngạt và buồn tẻ vì chẳng làm gì cả. Kōjirō mơ tưởng, mong có diễm phúc được sớm được trở về quê, ngồi uống trà nóng bên chiếc bàn làm việc được lau chùi nhẵn bóng ở công ty gỗ nọ. Anh nhớ tất cả bạn bè đồng trang lứa ngày xưa. Anh thương nhớ vô cùng ngay cả những kẻ mình từng ghét. Đặc biệt, anh cảm thấy dưới da tê rần khi nhớ về hình bóng Hatsuyo bấy lâu mình đã để lại nhà. Nỗi nhớ ấy khiến anh hình dung rõ ràng cảnh tượng vui vẻ ngày gặp lại. Không biết mình sẽ cập bến ở cảng nào, nhưng anh muốn đánh điện báo tin để khiến nàng bất ngờ sau khi mình cập bến. Nàng là một phụ nữ thôn quê bình thường, và lồng ngực Kōjirō bị vò xé vì dáng vẻ nàng chừng như rối bời lúc chia xa. Đôi khi Kōjirō mơ thấy vóc người thấp và đầy đặn ôm choàng lấy cổ mình. Chắc hẳn là nàng đang mòn mỏi ngóng trông. Mẹ thì vẫn tự hào là sức làm việc của Hatsuyo bằng ba người khác, còn Kōjirō thì cảm thấy ái ngại vì ngần ấy thể lực đang tha thiết yêu mình. Cả những trường hợp như khi nhìn thấy con ngựa gục xuống vì mỏi mệt, Kōjirō cũng nghĩ đến hình ảnh người nông dân Hatsuyo đang làm lụng bằng sức làm việc của ba người, và anh có cảm giác muộn phiền khó tả. Kōjirō nhập ngũ mà vẫn chưa hề có ý niệm gì về tiền tuyến, nhưng anh nghĩ rằng kẻ nhút nhát như mình nếu mà đến một nơi như thế thì chắc chắn sẽ điên loạn mất thôi. Thời gian ở bệnh viện, Kōjirō đã nhìn thấy hàng trăm thương binh do mặt trận gửi về. Người lính nào cũng kêu rên khổ sở. Trong số đó, có trường hợp nước mắt chảy xuống gương mặt tái nhợt và lem luốc. Nhưng suốt đời anh không thể quên được người thương binh nọ đã tỏa ra thứ mùi xú uế xộc thẳng lên mũi. Đây không phải là đời sống của con người bình thường. Đây là chuyện dị thường. Kōjirō thầm nghĩ trong lòng, cảm thấy mình rõ ràng đang ở chốn địa ngục… Những thương binh gọi bác sĩ quân y trong tình trạng bi thảm, khi được đặt nằm chật cứng giữa những tấm ván, và trên mình chỉ có một chiếc chăn lông. Thậm chí còn có những trường hợp được đưa vào ở trạng thái đang nằm trên cáng, rồi cứ vậy mà trút ra hơi thở cuối cùng. Cũng có những thương binh hóa thành người điên bởi vì đau đớn quá. Nhìn những người lính trong thảm cảnh như vậy, Kōjirō chỉ có thể nghĩ rằng, cái gọi là sự thảm hại của đời sống con người thì còn tệ hơn cả con vật. Khi những quân nhân này rời xa quê hương, những người sống ở quê hương ấy đã vẫy cờ đưa tiễn. Bản thân anh cũng thế, được gia quyến và bè bạn tiễn đưa. Nhưng Kōjirō không thể quên được những lời mà ai nấy đều nói ra khi đó, bảo anh đi rồi nhớ trở về, bảo anh hãy dốc lòng phụng sự. Cái việc được gọi là phụng sự ấy giống như chẳng mang vũ khí phòng vệ mà vào dọn vệ sinh bên trong chuồng sư tử. Mọi người lớn nhỏ đều bị thương rồi được gửi trả về… Chỉ cần những thứ mùi kinh khủng như mùi thuốc sát trùng và mùi các chất thải của cơ thể cũng đủ khiến người ta cảm thấy nôn nao. Và lính thì ai nấy đều khắp người đầy rận.

Kōjirō cầu mong rằng trong tình thế làm sao đó, mình sẽ không bị cuốn vào vòng xoáy dị thường này. Anh những muốn chạy trốn nếu có thể trốn được. Kōjirō không từ bỏ hy vọng rằng mình sẽ còn sống trở về. Một cách âm thầm nhưng táo bạo, anh dốc lòng giữ lấy sinh mệnh của bản thân.

Rốt cuộc rồi cũng đến hồi kết thúc chiến tranh như anh hằng mong đợi. Rồi sẽ đến một ngày là thời điểm anh được đưa về với tổ quốc… Nhưng để về được tới quê hương đất nước thì dặm đường sông núi còn xa. Kōjirō nhìn xuống hai tay mình. Được rồi, chỉ cần cố gắng chút nữa thôi, anh lên tiếng động viên mình như vậy. Dẫu là bằng cách bơi đi nữa, anh vẫn phải trở về tổ quốc nay đã trở thành chốn điêu tàn. Đi rồi nhớ trở về. Anh thấy giận những người đã bảo mình hãy dốc lòng phụng sự. Trái ngược với tất cả những người dường như chỉ sống vì thói chuộng hư vinh, Kōjirō cảm thấy u buồn… Anh muốn sớm trở về rồi vẽ bức tranh đẹp như hoa, không có gì sánh được. Không thể chịu nổi nếu không nhìn thứ gì đẹp đẽ. Không thể sống mà không ăn thứ gì ngon ngọt. Không thể nào không yêu phụ nữ. Đó là cách sống của con người. Kōjirō có cảm giác ghen tỵ khi hình dung đời sống của các loài động vật cứ vô tư chơi đùa với thiên nhiên nơi núi đồi thung lũng. Cứ cho rằng dẫu có thế nào đi chăng nữa con người cũng chỉ sống được vỏn vẹn năm mươi năm, thì phải chăng những phát minh của con người từ trước đến nay chỉ là những thứ đẩy người ta rơi vào cảnh quá ư thảm hại? Kōjirō không khỏi cảm thấy thật lạ lùng trước sự ngớ ngẩn của đời sống con người cứ lặp đi lặp lại theo lối sống dị thường như thế. Anh không thể lý giải sự kỳ lạ của số phận con người, khi người ta không thể sống một cách tốt đẹp để bù đắp đủ đầy cho cuộc đời ngắn ngủi. Như lầm rầm độc thoại, Kōjirō cứ nhẩm đi nhẩm lại trong lòng, rằng thấm thoát mà mình đã hai mươi chín tuổi. Anh vô cùng nuối tiếc những ngày tháng lưu lạc nơi trận địa thế này. Kōjirō vẫn nhớ mãi chuyện hồi còn ở đơn vị ban đầu, khi hằng ngày anh cứ đan bè và tập luyện đối mặt với cái chết, một ngày nọ có vị thượng cấp mắng binh lính lười nhát, bảo rằng ‘nếu nghĩ đến cái chết thì chắc chắn việc gì cũng có thể làm được’. Chính vì muốn sống nên có thể làm bất cứ điều gì, chứ nghĩ rằng sẽ chết thì cắn lưỡi chết ngay lúc này là cực kỳ đơn giản đấy thôi. Những người lính bị mắng đã nói khi khuất mặt vị kia như vậy, Kōjirō cũng chia sẻ điều đó. Người ta nói về nỗi khổ đau khi chết, nhưng với Kōjirō thì cái gọi là nỗi khổ đau khi chết chỉ mơ hồ trong cảm giác chơ vơ. Với một người như Kōjirō, cảm xúc thực tế rõ ràng hơn khi nghĩ về nỗi khổ đau lúc sống.

Vào buổi sáng một ngày trong tháng Một, đặt chân lên đất liền ở Sasebo khi bình minh vẫn đang dần hé rạng, Kōjirō nhặt chiếc hộp thuốc lá rỗng không bị rơi nằm dưới đất. Có tranh vẽ lạc đà trên chiếc hộp bọc giấy sáp bên ngoài. Trong tranh vẽ là hình ảnh con lạc đà màu vàng, kim tự tháp màu vàng và ba cây dừa, toát lên vẻ tinh xảo đúng kiểu của hộp thuốc lá Mỹ. Trên hộp thuốc còn có ghi chữ CAMEL màu trắng rõ ràng. Đó là những màu sắc đầu tiên anh gặp khi mới vừa về đến tổ quốc.

Trong tình thế dẫu sao thì cũng phải ở lại Sasebo một đêm để thu xếp cho xong mọi việc, Kōjirō nhìn diện mạo tổ quốc đã trở nên khác hẳn mà thấm thía nỗi buồn. Như một đứa trẻ, anh không thể ngăn dòng nước mắt tuôn tràn. Tất cả những người lính cùng về với anh đều có vẻ mặt chừng như muốn bật khóc. Thật ra ai đã lựa chọn sự rủi ro thế này?… Kōjirō cảm thấy rất kỳ lạ, không thể hiểu vì sao tất cả mọi người đều lặng thinh chịu đựng cho đến lúc thành ra thế này đây. Vẻ điêu tàn bạc trắng dường như cũng đang thể hiện ra sự thú nhận thực lòng của người Nhật. Thậm chí quang cảnh này có cả sự nghiêm túc. Dường như vì đám lính đổ bộ lên bến cảng nên có những bóng người vất vưởng đó đây. Trời có mưa lất phất. Những người như Kōjirō đã mất sự nhạy cảm với thời tiết, đến mức chẳng có cảm giác nóng hay lạnh… Chẳng biết thế nào mà trong lòng những người lính cảm thấy chán ghét với tất cả – nỗi chán ghét ngày càng đậm sâu hơn. Chưa bao giờ nhiều nỗi sầu nhân thế đồng thời đến xâm chiếm tâm hồn những người lính như vậy. Người thì đoán rằng sẽ không còn nhà cửa. Người thì đoán rằng gia quyến còn sống sót. Người thì lo nghĩ mai này liệu có tìm được việc làm chăng. Khi đặt chân lên đất liền tổ quốc, tất cả những điều họ đã hình dung ở chiến trường giờ đây đều tựa như bọt nước mong manh.

Đêm thứ ba thì Kōjirō về đến Matsushiro, gặp bố ra ga đón. Vừa mới gặp là Kōjirō như bị bố kéo đi, bước về phía đường ruộng trong bóng tối. Kōjirō vừa khóc vừa bước đi trên con đường tuyết phủ, vừa nói đến điều gì đã rơi nước mắt ngay.

“Thật ngạc nhiên là con còn sống!”

“Con đã gắng hết sức để còn sống trở về.”

“Cứ tưởng là con đã chết rồi ấy chứ. Hầu hết lính cùng đơn vị với con đều tử trận ở vùng biển phía nam, và cũng có tin từ phía cơ quan hữu trách mà.”

“Chuyện đó là khi nào thế ạ?”

“Hồi mùa xuân năm ngoái.”

“Mọi người cho là con đã tử trận rồi ư?”

Như thể những ngọn núi tối mờ lúc đêm buông cứ đua chen nhau gọi gió về, không biết từ đâu trỗi lên tiếng hú nghe ghê rợn. Gió lạnh có pha lẫn tuyết và nước mưa chừng như đang làm đông cứng đôi gò má. Không chừng rồi sẽ có bão tuyết đêm nay. Bố anh đi về phía thị trấn. Kōjirō thắc mắc trong lòng, nhưng anh vẫn khoác hành lý đi theo bố.

“Mình không về nhà ạ?”

“Ờ thì… đã chuẩn bị sẵn rồi, nên mình sẽ đi uống chén rượu.”

Bố anh bước vào căn nhà tựa một lữ quán nhỏ. Đi lên cầu thang tương đối rộng, bước vào căn phòng ở phía trong thì thấy chiếc lò sưởi có mặt bàn lớn ở phía trên, trên bàn có đặt bình đựng và chén để uống rượu. Trong ánh đèn tối mờ, bố anh cởi bỏ chiếc áo choàng ngắn tay.

“Thế mà con vẫn sống khỏe mạnh đấy chứ. Cứ như trong mơ vậy. Con cũng không gầy đi mà đã trở về được hẳn hoi…”

“Bản thân con ấy ạ, cho dù có chuyện gì xảy ra thì con vẫn muốn sống. Con muốn mình sống và được gặp bố mẹ.”

Bố anh, ông Sakutarō, chớp mắt trong thoáng chốc. Trong hai năm không gặp, bố anh đã già đi khá nhiều.

“Chắc là con đã vất vả lắm nhỉ!…”

Bố anh bất ngờ nói vậy. Kōjirō vội lấy khăn tay áp lên mặt rồi bật lên tiếng khóc nức nở. Anh xiết bao vui sướng vì mình còn sống để trở về. Thoắt có thoắt không, những suy đoán bất an vẫn như cái bóng chờn vờn trong tâm trí, nhưng điều đó lập tức tan biến hết nhờ những lời bố đã nói ra. Anh chỉ còn thấy vui, khiến những giọt nước mắt vui mừng rơi thánh thót.

“Mẹ vẫn mạnh khỏe ạ?”

“Ừ cũng mạnh khỏe đấy. Trong nhà, mọi người đều khỏe cả…”

“Thế ạ? Con cứ nghĩ về điều đó suốt thôi.”

“Nào, chắc con thấy lạnh nhỉ? Mình uống một chén chứ?”

Cầm lấy chiếc bình đựng rượu chỉ còn hâm hẩm nóng, ông Sakutarō rót vào chén uống rượu. Rượu được rót đầy, sóng sánh trong chiếc chén cỡ lớn. Người bố đưa cho con trai rót rượu, rồi chính mình cũng nhanh chóng uống cạn hai, ba chén. Bầu không khí trầm lặng khó tả kéo dài trong ít lâu. Kōjirō lại gợn lên cảm giác hơi lo lắng.

“Thật ra, bức điện báo đó mẹ con đã nhận rồi đưa cho bố xem… Nhìn bức điện ấy rồi, hằng ngày trong lòng bố cứ ngổn ngang bao điều suy nghĩ… Hồi chiến tranh mới kết thúc ấy mà, bố đã cho Hatsuyo về làm vợ của Sōzaburō. Chuyện đã lỡ ra như vậy đấy… Bố cứ lo lắng vì không biết làm sao mà giải thích với con…”

Ồ, ra vậy cơ à. Kōjirō im lặng nhìn vào phía trên bàn ăn một hồi lâu. Cô gái trẻ phục vụ bàn mang đến một đĩa cá trích kho rong biển. Gió thổi rung lách cách một góc của vách trượt shōji.

Sōzaburō là em kề của Kōjirō. Trở về sau khoảng hai năm tòng quân vì chiến tranh Trung – Nhật, cậu ấy ở nhà phụ giúp việc đồng áng. Với bản tính thành thật, cậu là đứa em mà Kōjirō yêu thương nhất. Nếu mà mình tử trận, thế nào Sōzaburō cũng phải trở thành người nối nghiệp gia đình.

“Hatsuyo có khỏe không ạ?”

“Ờ, nó là đứa chăm làm. Sống với Sōzaburō, hai đứa làm lụng cứ như là ngựa kéo xe ấy…”

Ông Sakutarō đã thành thực nói rõ ra sự tình như vậy… Kōjirō cảm thấy ái ngại cho hai người. Hatsuyo hình như đúng là lớn hơn Sōzaburō hai tuổi. Nghe chuyện em trai bị ép lấy chị dâu và làm lụng cứ như ngựa kéo xe, Kōjirō chẳng thể nào ghét ai được cả. Không còn tâm thế như trẻ con với bao điều hình dung mỗi ngày nơi chiến địa, cõi lòng anh trống trải cứ như đã mất hết tinh thần. Ông Sakutarō đứng dậy đi vào nhà vệ sinh. Ông đi qua mà cứ để nguyên cánh cửa trượt mở ra độ chừng hai, ba tấc[9], nên hơi lạnh từ phía bên kia cửa thổi thốc tới như xuyên thấu vào vai. Kōjirō nằm vật ra sàn chiếu, nhắm mắt lại. Bức vẽ con lạc đà to lớn hiện lên trong đầu anh. Cảm giác say rượu cũng dường như mất hẳn. Nghe bố kể đầu đuôi sự việc, giờ đây anh thậm chí càng cảm thấy nhẹ tênh. Theo một cách nào đó, hình bóng Hatsuyo cũng tan biến vào trong sương mù, chẳng cách nào níu giữ. Chừng như vì cơ thể mỏi mệt nên anh cũng chẳng cảm thấy đau đớn về thân xác, chỉ có cảm giác cứ như mọi thứ giờ đây đều là lớp vỏ rỗng đã bị loài vật thoát xác lột bỏ đi.

“Rốt cuộc bão tuyết cũng đến rồi. Cơn bão to lắm đấy!”

Ông Sakutarō cúi khom người khi trở về chỗ cũ.

“Con suy nghĩ thế này bố ạ. Đúng là con không trở về nhà thì tốt hơn… Để giải quyết vấn đề một cách tự nhiên thì cần thêm chút thời gian nữa, cho nên con định có thể ngày mai sẽ thử đến chỗ bạn con ở Nagoya. Bố thấy thế nào ạ? Thật lòng mà nói, con không muốn trở về nhà đâu!…”

“Ờ thì vậy… Bố cũng đã nghĩ nhiều phương án nhưng mà…”

“Nên làm thế nào thì hay hơn cả ạ?”

“Trước hết, bố mừng vì con đã tiếp nhận mọi chuyện một cách nhẹ nhàng. Bố lo là có thể con sẽ giận. Mẹ con hằng ngày cũng chỉ toàn phàn nàn về điều đó, nói là tội nghiệp con…”

“Dù con có giận thì cũng chẳng cách nào giải quyết đâu cả đúng không? Được biết Hatsuyo cũng đang hạnh phúc khi về chung sống với cậu ấy, như vậy là nhất rồi… Chỉ còn vấn đề về phía con… Con định trước mắt sẽ đến Nagoya hoặc Tōkyō, rồi thử suy nghĩ về cuộc sống trong thời gian tới…”

Kōjirō cảm thấy buồn như khi không thể chĩa mũi kiếm vào người chính trực, đồng thời trong anh cũng dấy lên cảm giác buồn cho bản thân mình đã nỗ lực giữ gìn mạng sống và tìm về đến đây. Khi nghĩ rằng mình đã sống được vì bản thân muốn sống, đâu đó trong lòng mình vẫn có tình cảm sâu đậm dành cho người thân nữa kia mà. Nghĩ vậy, anh không thể nói rằng mình không có cảm giác tựa như lòng biết ơn.

Mấy chiếc bình đựng rượu đặt cạnh nhau trên bàn. Đêm dần về khuya. Nghe có tiếng động chừng như cô gái phục vụ bàn khi nãy đang sửa soạn đệm nằm ở căn phòng bên cạnh, nhưng âm thanh đó rồi cũng ắng lặng ngay. Ông Sakutarō cời tro và cho thêm than vào lò sưởi.

“Tối nay có thể ở lại đây chứ ạ?”

“Ờ, bố cũng ở lại mà…”

“Hình như lâu rồi con mới ngủ chung với bố ấy nhỉ.”

Ông Sakutarō vừa cười vừa ló mặt ra từ trong chăn, vẻ như bị chói mắt. Hai người đều có tửu lượng cao nên mãi mà vẫn chưa ngủ được. Cuối cùng, họ lấy dưa cải Nozawa làm thức nhắm để uống rượu. Cứ lặp đi lặp lại bao nhiêu chuyện lan man. Ông Sakutarō có vẻ thích thú nhất khi nghe chuyện con trai đã giữ được mạng sống vì rời đơn vị cũ rồi đi theo đơn vị hỗn hợp. Cô gái phục vụ bàn cho biết rằng đã gần mười hai giờ, rằng rượu cũng đã hết. Rượu là do ông Sakutarō mang đến, cùng với những thứ như gạo và than củi. Rốt cuộc rồi cảm giác buồn ngủ cũng đến, khi ấy chắc là khoảng một giờ. Kōjirō kéo đệm nằm từ phòng bên cạnh sang, rồi đặt lò sưởi ở giữa khi trải đệm. Để bố nằm ở phía vách phòng, Kōjirō cởi quần áo mặc ngoài, rồi vẫn mặc nguyên đồ lót mà chui vào trong chăn, nằm kề bên cửa trượt. Hẳn là có những người nào đó đã sử dụng qua tấm chăn này. Tấm chăn có hơi người trong mùi mốc tỏa ra. Kōjirō mãi vẫn chưa ngủ được. Nghe nói rằng sáng sớm mai mẹ anh sẽ đến, Kōjirō cảm thấy nghẹn lòng. Ông Sakutarō thì vừa đặt lưng xuống sàn nhà đã ngủ ngáy đúng kiểu người luống tuổi. Cứ để mặc cho nước mắt chậm rãi lăn xuống chảy vào tai, Kōjirō nằm trong chăn suy nghĩ hồi lâu về nơi mình sẽ đến. Trong đầu anh hiện ra hình ảnh Sōzaburō với gương mặt tươi cười, có nốt ruồi đen ở khóe miệng bên phải. Ngôi nhà nơi người thân của anh đang yên giấc ở cách đây những bốn cây số. Chắc hẳn Hatsuyo cũng đang say sưa ngủ bên cạnh Sōzaburō. Anh không muốn gây xáo trộn cho những người đang sống bình yên, nhưng cứ thế này thì cũng có cảm giác như chưa được thỏa lòng. Anh cũng thấy hiện ra trong đầu cả gương mặt nữ giới mơ hồ khó tả. Anh chỉ đi tàu hỏa một mạch từ Kyūshū về đây, nên chẳng thể biết được đời sống đã thay đổi thế nào. Thỉnh thoảng lại có tuyết bay vào bám trên lớp cửa kính phía bên ngoài cửa trượt. Anh đã cầu mong sẽ được thêm một lần hít thở bầu không khí như đang đóng băng thế này ở quê hương, nhưng giờ đây khi điều đó đã trở thành hiện thực, thì anh chỉ cảm thấy quá ư lạnh lẽo. Từ ngày mai mình sẽ sống chỉ với nỗi buồn đau trong lòng, không mục đích, không hy vọng, chẳng có việc gì mà làm cả. Nghĩ vậy, Kōjirō tự hỏi phải chăng điều đó là phần thưởng cho bản thân đã giữ được mạng sống, rồi chẳng biết làm gì khác hơn là tự gật đầu với chính mình, ừ, vậy đấy sao, vậy đấy sao. Lúc này thậm chí anh còn hoài niệm về cuộc sống ở chốn lưu đày Cảo Sinh Trấn – hẳn là quãng đời lao khổ nhất mà anh đã trải qua.

Kōjirō choàng tỉnh vì giọng nói của bà Ume, mẹ anh. Anh ngóc đầu dậy thì thấy bà Ume đang ngồi bên cạnh chỗ anh nằm, nở nụ cười với đôi mắt dường như đã sưng phồng vì khóc. Chỉ thấy khoảng tối ở phía trong bờ môi nhợt nhạt của bà, vì không có răng giả.

“Con đã trở về hẳn hoi rồi đấy nhỉ!…”

“Mẹ đến khi nào thế?”

“Mẹ đến lúc còn sớm, nhưng nghĩ là không nên đánh thức con, nên nói chuyện với bố con vậy…”

“Mấy giờ rồi nhỉ? Ngủ lâu thật ấy chứ!”

Thấy Kōjirō vẫn mặc nguyên đồ lót trở dậy, bà Ume đứng lên lấy áo kimono chần bông của lữ quán dành cho khách ở trọ, đã được hong chỗ lò sưởi cho ấm, đưa cho Kōjirō mặc vào.

“Súp miso[10] cũng đã nấu từ lúc nãy rồi đấy.”

Anh ngửi thấy mùi hương thơm ngon đúng kiểu món súp này. Không gian xung quanh đã sáng chói cả mắt. Nắng rọi vào lối đi ngay cạnh cửa ra vào. Anh xuống phía dưới cầu thang để rửa mặt, thì thấy trong bồn rửa vẫn còn nguyên lá cây nổi trên mặt nước nhưng nước đã đóng băng. Có vẻ như đêm qua rất lạnh, dưới mái hiên có đến mấy chỗ đóng nhũ băng cáu bẩn như những chiếc sừng bò. Trong khoảng vườn nhỏ, nơi có đặt chiếc bồn rửa mặt, những đụn tuyết tơi xốp mới hình thành lấp lánh trong ánh nắng. Đã lâu rồi Kōjirō mới ngủ say mê mệt. Khi anh trở về phòng thì thấy bà Ume làm gì cũng ngại ngần rón rén. Được biết anh hầu như không ăn không uống khi xuất phát từ Sasebo, đôi mắt bà Ume đã ngân ngấn lệ. “Khốn khổ biết bao! Khốn khổ biết bao!” Bà nói thế và đưa tay áo lên quệt mũi. Kōjirō ăn đến bốn chén cơm gạo trắng. Không hẳn là vì thức ăn ngon, mà đúng hơn là vì sự háu ăn chừng như vô độ.

… Công ty gỗ bây giờ cũng thay đổi hầu hết nhân công. Bà Ume, theo kiểu thường thấy ở đàn bà, đi vào từng chi tiết tỉ mỉ khi kể cho anh nghe mọi chuyện. Bà kể rằng còn có chuyện mùa thu năm ngoái trời mưa suốt cả tháng, đồng ruộng nhà ta cũng thất thu, tưởng chừng lúa phơi trên hanren[11] cứ thế mà nẩy mầm lên ấy. Bà Ume mang đến rất nhiều bánh giầy đựng trong vuông khăn buộc lại làm tay nải. Bánh giầy ăn với nước tương shōyu đủ để khơi lên trong lòng Kōjirō nỗi sầu nhớ quê hương thời thơ ấu. Nhiều lần anh những muốn đi luôn về nhà để gặp gỡ mọi người.

Ông Sakutarō gợi ý rằng anh nên đến khu suối nước nóng gần đó mà nghỉ dưỡng khoảng chừng một tháng, nhưng Kōjirō cứ ngủ li bì suốt hai ngày ở lữ quán ấy. Đến tối thì anh lại thức dậy, uống rượu của bà Ume mang tới rồi một mình thẫn thờ bên lò sưởi đến tận khuya. Ngay cả với những người anh đã từng thương yêu đến thế, dần dần anh cũng không còn muốn gặp nữa. Niềm ao ước mong sẽ được vẽ tranh cũng trở nên phai nhạt, anh chỉ muốn cứ mang bộ dạng này mà sống trong trạng thái lơ mơ. Lẽ ra mọi thứ đều sáng tươi nhẹ nhõm, vậy mà bản thân anh cũng không thể ngăn được cảm giác thực sự là sầu não thế này. Nghĩ rằng có thể ngày mai mình sẽ đột ngột rũ bỏ lối sống như hiện tại, anh không thể chịu nổi cảm giác bồn chồn khi sắp phải đối mặt với sự mạo hiểm đáng sợ ấy. Có lẽ vì nhập ngũ mà con người thành ra hỏng bét. Kōjirō suy nghĩ theo hướng như vậy. Làm bất cứ việc gì anh cũng cảm thấy buồn bực không chịu nổi. Hễ anh muốn suy nghĩ điều gì cho thấu đáo thì như một phản xạ ngay lập tức, trong đầu anh hiện ra nhập nhằng bao nhiêu chuyện buồn chán cứ lẫn lộn vào nhau. Dù anh lắc đầu hay phẩy tay xua đuổi thì cũng chẳng có tác dụng gì. Anh bị ám ảnh bởi một điều gì đó đến mức cố chấp. Kể ra nếu mình cứ thế này mà biến mất thì sẽ là may mắn cho tất cả mọi người, thế nhưng… Thế nhưng nói thật lòng thì mình không thể cứ thế này mà biến đi mất được. Có thể là Hatsuyo đã rời đi mà cứ mãi vướng víu vì cảm giác u sầu buổi chia tay thuở trước… Cũng có thể với tâm tính đàn bà, nàng một lòng gắn bó với Sōzaburō, như thể giờ đây đã hoàn toàn quên lãng những kỷ niệm phai màu. Không thể nào hiểu nổi. Tình cảm vô tư của đàn bà như vậy thì đáng sợ vô cùng. Cứ cho rằng bố mẹ mình đã ép nàng về làm vợ Sōzaburō, xem nàng như một thứ công cụ tiện lợi có thể làm việc gấp ba lần người khác. Dẫu là như vậy đi chăng nữa… Kōjirō muốn biết tâm tư của Hatsuyo ở thời điểm đó. Nàng là người không chăm chút cho vẻ bề ngoài, thuần túy là phụ nữ miền quê, cơ thể căng đầy nhựa sống cứ như một củ hành. Chung sống với Kōjirō, nàng chưa một lần nào bị ốm, buổi sáng chừng bốn giờ là thức dậy nhóm lửa lò, tối thì cũng làm việc tất bật đến tận khuya… Từ khi Kōjirō ở trọ để làm việc ở Suzaka thì Hatsuyo vẫn sống ở nhà, một tháng chỉ đến chỗ Kōjirō khoảng chừng một hai lần mà thôi. Cũng có người châm chọc, nói rằng chẳng biết cô về làm vợ ai ở nhà nào luôn ấy, nhưng Hatsuyo chẳng thể xa rời gia đình Kōjirō quá lâu.

Có lẽ vì đã ngủ li bì đến tận hai ngày nên Kōjirō hết cảm giác thèm ngủ. Điều mà anh nhớ đến lúc này, trong tâm trạng vẩn vơ buồn chán, là hình bóng thuở nào của Hatsuyo… Có vẻ như khách ở lữ quán này là quan chức nhà nước hoặc thương nhân, nên không gian tương đối tĩnh lặng. Khi đêm đã về khuya, ngoài tiếng còi tàu hỏa vang vọng bốn bề và tiếng đóng mở cánh cửa gỗ đôi lúc vang lên ở nơi có bồn nước rửa tay, thì chỉ có tiếng nước sôi riu riu trong chiếc ấm thiếc đặt trên lò ủ than trong phòng. Trong căn phòng yên tĩnh như vậy, Kōjirō đã bất chợt nhớ về người bạn từng thân thiết với anh hồi còn học cấp hai ở Nagoya. Anh không biết rõ về cuộc sống của người bạn ấy lúc này, mà chỉ nghe phong thanh rằng anh ta kinh doanh hàng gốm sứ, nhưng cũng mơ hồ đoán định rằng, nếu mình tìm đến thì người bạn ấy sẽ có hướng giúp đỡ. Anh bạn ấy, tên gọi là Tsuda, từ nhỏ đã bị cận thị nặng, nên không cần lo đến chuyện bị gọi nhập ngũ. Ý nghĩ tìm đến nhờ cậy ở chỗ người bạn nọ phần nào đã định hình rõ rệt trong anh. Sáng nay, bà Ume đã gửi đến cho anh áo khoác và khăn quàng cổ ngày xưa, cùng với cả bộ com-lê nữa. Vẫn đang trong tâm trạng chán chường, Kōjirō kéo những món đồ ấy lại gần và ngắm nhìn với cảm giác đong đầy hoài niệm. Chiếc khăn quàng cổ màu xám lông chuột đúng là món đồ anh đã mua trong cửa hàng trang phục kiểu phương Tây ở Nagano, với giá chưa tới năm yen, trước đó lâu lắm rồi. Dạo ấy thứ gì giá cũng rẻ… Trước hết, chiếc áo khoác bằng len màu đen thì chắc là cũng chưa tới năm mươi yen. Hình như cánh phụ nữ trong nhà đã cho băng phiến vào áo khi cất giữ, nên nghe mùi băng phiến sực nức tỏa ra. Còn com-lê thì có dán tấm giấy đã nhăn nheo, là danh thiếp trước kia của một người xa lạ.

… Kōjirō cầm lấy chiếc bình một thăng[12] chỉ còn lại chút ít, rót hết sang chiếc bình gốm nhỏ, tự hâm lên rồi rót ra chén uống một mình. Với chỗ rượu ấy, Kōjirō cố gắng để khuây khỏa nỗi buồn và cảm giác phấp phỏng khi vấn đề quan trọng là nơi anh sẽ đến chưa hề được xác định rõ ràng.

Kōjirō bước vào chuyến đi Nagoya với điều hứa hẹn, rằng mình sẽ làm việc ở chỗ người quen cho đến khi cảm thấy mọi chuyện bình thường, rồi sẽ trở về gặp mọi người trong gia đình sau đó. Nhưng chỗ anh tìm đến thì đã bị hỏa hoạn. Cứ như là anh đi nắm lấy mây trời, chẳng biết Tsuda đã đi đâu. Kōjirō đã đi bộ trong mưa ở thành phố Nagoya một ngày. Đi mỏi chân, anh vào bên trong nhà ga Nagoya có không gian rộng rãi, cũng vẩn vơ thử đứng vào dòng người xếp hàng dài ở trước cửa soát vé, nhưng không có cảm giác bình tâm. Anh không có vé tàu, mà cũng không biết sẽ đi đâu. Phòng đợi rộng rãi, dành cho khách hạng ba, như trở thành nơi tập hợp những người phiêu bạt, nam phụ lão ấu đều chen chúc nhau mà giành chỗ nghỉ ngơi. Đã có sự thay đổi khủng khiếp như thế nào ấy nhỉ? Kōjirō thầm nghĩ và nhớ lại những cảnh tượng trước đó anh đã từng nhìn thấy trong các nhà ga ở Mãn Châu hay Trung Quốc. Chính vì ga Nagoya đẹp mắt cũng là một tòa nhà rộng lớn với nhiều cây cột tròn thật to chống đỡ, nên đám đông những người không chốn nương thân chen chúc ở bên trong nơi ấy trông thảm hại không thể nào chịu được. Trời chẳng hề ngớt mưa. Anh thấy lạnh thấu xương, có lẽ vì đã đi bộ suốt cả ngày. Thử ra ngoài nhà ga, Kōjirō định đi xa hơn nữa, với hy vọng may ra sẽ tìm được lữ quán. Vì nhà ga sáng đèn nên thấy mưa đang lấp lánh rơi theo chiều gió thổi. Với tiếng mưa rơi trong không trung và không gian loáng ánh mưa trước mặt, anh cảm thấy rờn rợn trước phố phường có vẻ như cánh đồng cháy rụi, tựa một vùng biển tối trải ra tận đằng xa. Trong không gian tối đen như biển ấy, có ánh đèn xe jeep bật lên rọi sáng những tia nước mưa rơi mờ mịt không trung, rồi xe chạy. Những hành khách không biết từ đâu xuất hiện, ai nấy đều đẫm nước mưa, lướt thướt mang hành lý vào ga. Kōjirō thờ thẫn tựa người vào cây cột, cảm thấy như nước mưa đang thấm sâu vào tận tủy xương mình. Ký ức chiến trường hiện về như lá rơi xao xác. Làn sóng ký ức chuyển động xôn xao ấy đối với Kōjirō lúc này u buồn và cay đắng xiết bao. Anh chợt thấy thèm muốn vô cùng được mở lời trò chuyện cùng người khác. Nhìn những người đàn ông trạc tuổi mình, Kōjirō lại thấy não lòng như đang nhìn những chiến hữu trước kia. Anh thèm kinh khủng được thử trò chuyện cùng người khác. Anh những muốn hỏi xem, rằng thật ra vì lẽ gì mà người ta chịu đựng cho đến khi mọi thứ trở thành cánh đồng bị cháy rụi thế này. Ai sẽ bù đắp cho số phận hẩm hiu của những người không nhà, chen chúc trong phòng chờ dành cho hành khách hạng ba ở nhà ga?… Vừa mới trở về, Kōjirō thấy đầy rẫy những điều không sao chấp nhận được. Trong anh trào lên nỗi tức giận, tự hỏi rằng dân chúng sau khi đã bị tận dụng mọi khả năng và bị vắt kiệt sức lao động, thì kết quả cuối cùng là rơi vào thảm cảnh thế này chăng? Nỗi tức giận ấy dần biến thành sự thúc bách sôi sục trong lòng. Chắc là những người đã chết vì trung nghĩa phải sững sờ thất vọng. Hãy cứ gọi những người đã chết sống dậy mà xem! Ngay cả bản thân mình đứng đây cũng là hồn ma thì đúng hơn ấy chứ. Kōjirō tự đặt mình vào vị thế của dũng sĩ tử trận, nuối tiếc vì bị đẩy vào tình cảnh cô độc thế này. Anh cảm thấy khó thở, như thể vừa đâm đầu vào thứ gì nhơ nhuốc. Lồng ngực anh cứ dần nghẹn lại vì cảm giác chán ghét cuộc đời không thể tả. Một khi đã trượt tay vuột mất sợi dây vận mệnh, anh buộc phải vá víu manh áo rách để mà khoác lên người. Những giọt nước mắt trong veo làm Kōjirō thấy đau ở hai tai, như khi gặp bố Sakutarō đêm tuyết đổ anh đã khóc nức nở nghẹn ngào.

“Dù sao thì đi bộ mãi rồi cũng mỏi chân, nên cháu đã lên tuyến tàu điện chạy trên phố, xuất phát từ nhà ga, mong rằng có thể sẽ tìm được lữ quán, rồi ngẫu nhiên xuống tàu ở chỗ này đấy ạ… Cháu mừng lắm, khi ánh đèn ở đây đập vào mắt ấy mà…”

Ông chủ quán phủ một tấm chăn lông cáu bẩn lên trên tấm chăn phủ lò sưởi vốn có. Cậu con trai đã ngáy nhè nhẹ trong giấc ngủ. Anh thấy nao lòng trước dáng cậu ấy nằm co lại như con tôm, trên tấm đệm mỏng không có cả vỏ bọc. Đêm càng về khuya, tiếng mưa càng xối xả. Vì gió từ hướng tây thổi mạnh nên nước mưa tuôn thành dòng đổ xuống bãi cháy, quất sầm sập vào mái nhà lợp ván sơ sài.

“Nghe chuyện thế này, mới biết cũng có nhiều điều sai lạc về tình hình những người từ ngoại quốc trở về ấy nhỉ. Giá mà gặp trường hợp may mắn, thì thằng con tôi cũng đang sống sởn sơ ở Miến Điện không chừng ấy chứ nhỉ… Ối chà chà!…”

“Bác nhận được khi nào thế ạ? Giấy báo tử ấy mà…”

“Mùa hè năm 1919. Di cốt cũng đã nhận được hồi năm ngoái, nhưng mà mở ra xem di cốt thì chỉ thấy đất thôi…”

“Chắc cũng có rất nhiều binh sĩ còn sống và trở về đấy ạ…”

Tựa lưng vào cây cột ngay bên cạnh vách trượt, Kōjirō kẹp điếu thuốc lên môi. Có tiếng nước mưa từ chỗ mái dột nhỏ vào khoảng tối của gian bếp. Chủ quán hỏi rằng khoảng mấy giờ rồi nhỉ, nhưng chiếc đồng hồ đeo tay của Kōjirō thì đã ngưng chạy rồi. Có vẻ trời vào khuya đã lâu, nhưng tiếng mưa ồn ã gây cảm giác như vẫn chưa khuya lắm.

“Lạnh quá rồi, làm thế nào bác nhỉ? Hay ta uống một chén nữa đi…”

Anh uống cạn hai chén rượu đã từ lâu khi nãy, cảm giác chuếnh choáng giờ cũng hết hẳn rồi. Có làm gì đi nữa thì cơ thể vẫn thấy lạnh tê tái vì gió mưa hắt vào qua khe hở. Chủ quán bước xuống chỗ khoảng sàn đất nện, vo giấy báo và cho dăm gỗ vào hỏa lò rồi nhóm lửa lên. Sau khi đặt chiếc ấm bị ám đen muội khói lên lò, chủ quán đi xuống gian bếp tối, chiết rượu vào loại bình có một chỗ miệng rót.

“Bác cũng uống một chén đi ạ. Cháu mời bác một chén. Bởi vì, chỉ cần nhìn mưa thế này thì cũng thấy mình may mắn đã không bị làm sao, bác nhỉ?…”

“Tôi cực kỳ thích rượu ấy chứ, nhưng cảm thấy giá như không đắt đỏ thế này thì tuyệt. Đến phải tròn mắt vì thứ gì cũng đắt đỏ ấy mà… Làm lụng cũng đâu phải là chuyện dễ… Nhưng mà trước hết, tôi nghĩ rằng mình không chết cháy là đã may mắn rồi. Đúng như lời quý khách, chết đi mất rồi thì chẳng còn ý nghĩa gì nữa cả.”

“Thật thế đấy ạ. Mình phải sống thọ để thêm một lần được nhìn thấy tường tận thế giới này rốt cuộc cũng trở nên yên ổn. Vì sinh mạng là đáng quý cơ mà.”

Có nghe chuyện thì thấy không phải chỉ riêng mình bất hạnh. Nào chuyện đưa con ra chiến trường. Nào chuyện cho con đi làm ở nhà máy. Chính vì yêu tổ quốc mà những người như thế vẫn chịu đựng cuộc chiến tranh phi lý dài lâu. Ai nấy đều đâm ra nản lòng về mọi chuyện, cứ như cảm giác sau khi khóc cạn nước mắt rồi… Thế nhưng, sự nản lòng ấy không phải chỉ là kiểu nản lòng vu vơ. Ngay cả những người đàn bà tẻ nhạt, cho đến giờ chưa một lần nào thử nghĩ về đất nước của chúng ta, hay là về chính trị, thì trong tình cảnh bại chiến này cũng cảm thấy như mình nâng dáng hình đất nước trên tay mà xót xa nhìn ngắm. Trong tâm tưởng những người đã cùng nhau khóc đến thỏa lòng mà chẳng ngại ngùng gì với ai, những niềm hy vọng nhỏ nhoi có thể được nhen nhóm lên dần. Nghĩ rằng thà chiến bại còn hơn là cứ kéo dài nỗi bất an tăm tối khi chiến tranh tiếp diễn, ai cũng thở phào nhẹ nhõm trước thực tại ngày nay.

“Khoảng một giờ rồi hay sao nhỉ?…”

“Không, chắc là khuya hơn chứ. Vì đến khoảng một giờ vẫn có ô tô chạy qua đây, nhưng từ nãy đã bặt hẳn tiếng xe qua lại rồi mà.”

“Chắc bác buồn ngủ phải không ạ? Thứ lỗi cho cháu nhé.”

“Ồ không, do tuổi tác nên về đêm tôi vẫn thường cứ hay thức mãi… Còn việc đi Tōkyō ấy, là đi buổi sáng lúc mấy giờ?”

“Vâng thì… cháu định sẽ mua vé, rồi kịp lên chuyến tàu hỏa nào thì đi lúc ấy thôi.”

“Sẽ mua được vé chứ?”

“Vâng, cháu mới vừa trở về, nên cũng xoay xở được…”

Chiếc ấm có đựng rượu đã lục bục sôi lên. Có vẻ như chủ quán thích rượu hâm cực nóng. Ông rót ra chỗ rượu nóng tưởng chừng khiến cho chiếc cốc cũng giật mình. Kōjirō dùng năm ngón tay cầm lấy chỗ vành của chén rượu nóng ấy, rồi đưa chén lên chạm vào môi. Uống được vài ba hớp rượu nóng, anh cảm thấy cơ thể đang bị lạnh của mình lâng lâng như khói tỏa.

“Cũng khổ cho bà chủ quá ấy ạ!…”

Vì anh nhớ về Hatsuyo từ nãy, nên câu chuyện bỗng ngoặt sang vấn đề vợ ông chủ quán bị bất ổn tâm thần.

“Gì cơ? Bây giờ thì đã tỉnh táo rồi… Đã hết thức nhắm, cậu có ăn rong biển sợi nhỏ sấy khô không?”

Chủ quán lấy chiếc túi giấy trên kệ xuống, dùng tay bốc rong biển sấy khô rồi trút cả vốc tay lên tờ giấy báo. Không đến mức như người ta vẫn nói là ‘mưa như thác đổ’[13], nhưng mưa kèm theo gió giật tương đối mạnh, nghe như có tiếng quét trên mái nhà lợp ván.

“Một trận mưa kéo dài hiếm gặp. Mưa thế này thì đúng là bó tay thật nhỉ!…”

Chủ quán không uống rượu. Ông nằm như tựa lưng vào dáng nằm của cậu con trai. Bóng đèn chớp nháy vài lần rồi mất điện, theo kiểu một sự tồn tại mong manh biến mất vì dường như không còn khả năng để cố gắng duy trì. Trong lòng đêm, có cảm giác chút ánh sáng sau cùng của ngọn đèn, tựa như huyết quản, vẫn hoài nổi trôi trong bóng tối. Tàn lửa trong hỏa lò bất chợt cháy bùng lên. Cạn chén rượu cuối cùng, Kōjirō đặt chiếc cốc ra nền đất rồi nằm xuống. Trong đầu óc anh đang mệt mỏi chỉ hiện ra toàn những điều rời rạc linh tinh.

Kōjirō mơ thấy cơn ác mộng ghê người, về một đoàn quân đông đúc tràn xuống từ phía trên vách đá, như thể ai đó đổ chất nhựa đường ra. Ôi, một giấc mơ khó chịu! Anh dùng một bàn tay xoa mặt, kiểu như bôi xóa một bức vẽ trên nền bảng đen. Khi anh hé mắt nhìn thì thấy lờ mờ ánh bình minh ở chỗ cửa kính của gian quán. Có vẻ như mưa đã ngớt đi nhiều. Nghe gần đấy có tiếng nước chảy nhẹ nhàng róc rách. Ông chủ quán chừng như cảm thấy lạnh, vẫn vùi mặt dưới tấm chăn lông như lúc mới đi ngủ. Cậu con trai thì vẫn còn đang ngáy. Trong chiếc lò sưởi đã mất điện, dường như còn đọng lại hơi gió lạnh mỏng manh. Vì quá lạnh, Kōjirō rón rén trở dậy, đến lấy chiếc áo khoác anh đã vắt trên ghế ngồi trong quán. Gấu áo mỏng vẫn còn đang ẩm ướt vì đã dính mưa. Anh lơ đãng thử cho tay vào trong túi áo, thì bắt gặp hộp thuốc Camel rỗng mà anh nhặt ở Sasebo, đã bị nhăn nhúm lại. Có lẽ không đành lòng vứt bỏ nên anh đã mang theo hộp thuốc ấy đến giờ. Con lạc đà trên hộp Camel có vẻ tròn trịa trong sắc màu ấm áp. Kōjirō kéo dồn mấy chiếc ghế được bày trong quán, chỉ gồm có bốn chiếc, rồi lại giăng rộng tấm áo khoác còn ướt trải lên phơi. Anh chẳng có nơi nào cụ thể là điểm đến, nhưng vẫn còn có thể ở đây thêm hai, ba tiếng đồng hồ… Kōjirō mở cửa quán, bước ra phía ngoài đi tìm nhà vệ sinh. Trước mắt anh là đường xe điện rộng không ngờ, có một chiếc xe chở hàng chất đầy hành lá đang đỗ lại phía trước gian quán.

Lam Anh dịch

(Truyện đã được đăng trong tập truyện ngắn Phố tuyết do NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh xuất bản. Cảm ơn dịch giả Lam Anh đã đồng ý cho Zzz Blog đăng lại truyện ngắn này.)

[1] Loại cửa trượt có khung gỗ với sườn khung là những thanh gỗ ngang dọc kiểu mắt cáo đan thưa, và có lớp giấy dày màu trắng được dán vào để che lấp những ô vuông mắt cáo – loại giấy dán đủ dày để ngăn tầm nhìn nhưng vẫn để một phần ánh sáng lọt qua. (Tất cả các chú thích trong bản dịch đều là chú thích của người dịch).

[2] Một địa danh thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.

[3] Loại chiếu dày thường dùng làm mặt sàn trong ngôi nhà theo kiến trúc truyền thống Nhật Bản, có hình chữ nhật với kích thước 91cm × 182cm. Người Nhật thường tính diện tích phòng theo đơn vị cơ bản là diện tích của loại chiếu này.

[4] Món hầm, gồm củ cải và nhiều thực phẩm khác, là một trong những món ăn truyền thống của Nhật Bản.

[5] Kotatsu là loại lò sưởi truyền thống của Nhật Bản, có bộ phận tỏa nhiệt đặt trong khung làm bằng gỗ, thường là hình vuông hoặc hình chữ nhật. Có thể dùng chăn dày phủ lên kotatsu để giữ hơi ấm bên trong chăn. Trong xã hội hiện đại, kotatsu thường được dùng ở dạng lò sưởi điện cỡ nhỏ gắn bên dưới mặt bàn chân thấp. Kết hợp với tấm chăn phía dưới mặt bàn và phủ lên phần khung lò sưởi, loại bàn có gắn kotatsu vừa được sử dụng như lò sưởi truyền thống vừa có chức năng như một chiếc bàn chân thấp thông thường.

[6] Tên một di tích thành quách ở tỉnh Nagano.

[7] Lực lượng quân đội do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, hoạt động ở Hoa Bắc trong thời kỳ diễn ra cuộc vận động chống Nhật, là lực lượng chủ đạo chiến đấu chống Nhật Bản trong chiến tranh Trung – Nhật (1937-1945).

[8] Một món truyền thống của ẩm thực Nhật Bản, là cá sống, hoặc một số loại hải sản tươi sống, được cắt thành từng lát. Món này thường được ăn với mù tạt và nước tương shōyu.

[9] “Tấc” ở đây là đơn vị đo độ dài theo kiểu cũ, mỗi tấc chỉ bằng 3,03cm.

[10] Một món ăn truyền thống của Nhật Bản. Súp miso thường có rau củ, đậu phụ và tương miso – là loại tương được làm từ đậu nành, có pha trộn các loại ngũ cốc khác.

[11] Một loại giá phơi lúa được dựng bằng những thanh gỗ hoặc những cây sào tre. Lúa phơi trên hanren là lúa gặt xong còn nguyên nhánh, được giắt lên sào để bông lúa chúc ngược xuống phía dưới, những cụm lúa xếp khít vào nhau trải dài ra như một bức rèm.

[12] “Thăng” là đơn vị đo thể tích theo lối cũ. Một thăng bằng 1,8 lít.

[13] Trong nguyên tác dùng cụm từ ví von bằng hình ảnh, rằng ‘mưa cuốn trôi trục bánh xe’, ý nói mưa ào ạt thành những dòng nước tuôn đổ xuống.

Chấm sao chút:

Đã có 0 người chấm, trung bình 0 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3