Kawabata Yasunari, “Bồ công anh” (trích)
Chà, những người tâm hồn điên loạn không hẳn sẽ khỏi bệnh nhờ môi trường yên ả được.

Chà, những người tâm hồn điên loạn không hẳn sẽ khỏi bệnh nhờ môi trường yên ả được.
Bồ công anh là tiểu thuyết cuối cùng của Kawabata, khởi thảo từ năm 1964, mãi mãi dang dở. Dịch giả Michael Emmerich của bản dịch tiếng Anh Dandelions do New Directions xuất bản trong lời bạt có viết: “Luôn có khả năng một tác phẩm của ông chưa được kết thúc, mở lại, biến đổi. Cái kết mà bạn biết có thể không phải là kết; có thể không có kết.” Đọc Kawabata quả là để tận hưởng khả năng chớp tắt, có thể đến bất kỳ lúc nào, hoặc không bao giờ đến. Ở Bồ công anh có đầy đủ những đặc điểm có thể bắt gặp ở những tác phẩm trước của tác giả: những dòng miêu tả thiên nhiên (và tiếng chuông) đẹp đẽ dịu dàng, lẫn với sự quái đản của nhân vật lẫn bối cảnh, triền miên bất ổn.
Zét Nguyễn
Bờ sông Ikuta có rất nhiều hoa bồ công anh. Nhiều hoa bồ công anh ở bờ sông thể hiện đặc trưng của thị trấn Ikuta. Một thị trấn như mùa xuân khi bồ công anh nở rộ. Dân số thị trấn khoảng ba mươi lăm ngàn người, có ba trăm chín mươi bốn người trên tám mươi tuổi.
Có một thứ không phù hợp với thị trấn Ikuta này. Đó là nhà thương điên. Nhưng, với nhà thương điên thì việc nằm ở một nơi có vẻ không thích hợp lại tốt. Cái người đã chọn thị trấn yên tĩnh, êm đềm và xưa cũ này làm địa điểm cho nhà thương điên hẳn là một người thông tuệ. Chà, những người tâm hồn điên loạn không hẳn sẽ khỏi bệnh nhờ môi trường yên ả được. Người điên ở trong một môi trường khác với môi trường thực tế, ngoài thế giới của từng người điên, khó lòng thay đổi điều đó bằng cách chuyển chỗ ở. Cả bệnh viện Ikuta của thị trấn cũng hoài nghi, liệu những người dẫn người điên đến gửi ở đây có phân biệt chính người điên đến mức kì vọng vào một nơi như thế này không. Cơn điên có đặc tính nổi bật hơn cả cảm xúc thông thường, việc điều trị cũng không đồng nhất.
Có điều, gia đình và vợ chồng của người điên thì có thể giảm nhẹ cảm giác đã vứt bỏ người nhà mình vào nhà thương điên, vốn thường ở những nơi âm u, khắc nghiệt, đóng kín và cảm thấy may mắn khi gửi người thân lại thị trấn Ikuta ấm áp như hoa bồ công anh với nắng, gió rạng ngời. Để lại người điên ở nhà thương trên đồi, đi dọc theo con đường ven sông Ikuta xuống thị trấn, sẽ nghe tiếng chuông từ trên đồi ngân lan xuống. Như tiếng đưa tiễn của người điên ở lại nhà thương. Như tiếng chuông biệt li. Âm thanh đó băng qua thị trấn, băng qua biển, buồn bã nhưng không phải là âm thanh cuồng nộ. Không có vẻ gì như tiếng chuông do người điên gióng lên cả.
Ngay cả khi mẹ của Kizaki Inako và người yêu cô, Kuno, để Inako lại nhà thương và rời đi, bác sĩ cũng nói:
“Trên đường về, nếu bà và anh đây có nghe tiếng chuông, hãy nghĩ đó là tiếng chuông của cô nhà gióng nhé.”
“Sao cơ?” – Mẹ Inako không hiểu.
“Tôi sẽ để cô nhà gióng chuông lúc ba giờ hôm nay.”
“Àa…”
“Tôi thử cho bệnh nhân gióng chuông thì thấy họ rất hào hứng. Ngày nào cũng nhiều đến mức chúng tôi không quản xuể. Có bệnh nhân đỡ rồi cũng tiếc rẻ đến gióng chuông khi xuất viện. Tôi quyết định cho bệnh nhân mới đến được gióng chuông nếu tình trạng bệnh cho phép. Đương nhiên, có y tá của bệnh viện theo cùng, và cũng không có mấy bệnh nhân không gióng nổi chuông. Mà bệnh của cô nhà đây thì còn nhẹ lắm.”
“Vâng.”
“Tôi cho rằng gióng chuông có hiệu quả điều trị. Vài phần thì, bệnh nhân ở đây, khác với khoa Nội hay khoa Ngoại, cứ tưởng đỡ rồi thì lại đột ngột xấu đi, thường không biết được nguyên nhân, mà hiệu quả của việc gióng chuông cũng không rõ ràng. Nhưng có bác sĩ trẻ ở đây nói có thể biết được tình trạng bệnh nhân qua tiếng chuông.”
“Vâng.”
“Tiếng chuông mà bệnh nhân gióng chắc chắn là tiếng nói mà bệnh nhân muốn thổ lộ. Có lẽ là tiếng vọng từ đáy lòng.”
“Ồô…” – Kuno vừa gật gù vừa nhìn mặt vị bác sĩ với vẻ bán tín bán nghi.
“Bệnh nhân ở đây bị cách li với xã hội bên ngoài đúng không nào? Tiếng chuông mà bệnh nhân gióng lên sẽ vang ra ngoài bệnh viện, đến tận thị trấn Ikuta đúng không? Cho dù có cảm nhận được hay không thì nhờ tiếng chuông mà bệnh nhân nói chuyện với thế giới bên ngoài, nói to tát thì đó là cách họ cho biết sự tồn tại của chính mình đấy.”
“Chà, nghe buồn nhỉ bác sĩ” – Mẹ Inako nói.
“Buồn ư? Không đâu!” – Bác sĩ nói. – “Người ở thị trấn Ikuta, đương nhiên, không biết tiếng chuông bấy giờ là của bệnh nhân nào gióng, hẳn cũng chẳng nghĩ ngợi gì. Chuyện thường ngày nên họ cũng chóng quên. Và chắc là cũng chẳng nghe đến tiếng lòng bệnh nhân ẩn chứa trong âm sắc của chiếc chuông. Chuông theo giờ mà. Nhưng đây là thị trấn vang tiếng chuông bệnh viện Ikuta.”
“…”
“Lúc trước, ở chùa người ta gióng chuông này vào lúc sáu giờ sáng và sáu giờ chiều. Do thấy bệnh nhân vui mừng trước tiếng chuông nên tôi quyết định xin thị trấn cho gióng chuông vào sáu và mười giờ sáng, rồi ba và sáu giờ chiều, sau đó là chín giờ tối, ngày năm bận như thế. Thị trấn mà chuông được gióng ngày năm lần thì lạ lắm đúng không nào? Cũng có người trong thị trấn phản đối việc gióng chuông vào lúc chín giờ tối, nhưng nhờ tiếng chuông tối này mà bệnh nhân ngủ được, tĩnh lặng và an bình nên thị trấn mới đồng ý.”
Từ lối ra vào của bệnh viện, mẹ của Inako và người yêu cô nhìn xuống thị trấn Ikuta. Bà nói:
“Đúng là một thị trấn yên bình, thích nhỉ. Ở một thị trấn thế này thì chẳng ai mắc căn bệnh kì quái là chứng nhân thể khuyết thị đâu nhỉ.”
“Thật tình, con gái bà mắc chứng bệnh lạ quá!” – Bác sĩ đã nói vậy. – “Đương nhiên, con gái bà là bệnh nhân đầu tiên bị nhân thể khuyết thị ở bệnh viện này.”
Bệnh viện Ikuta nằm trong khuôn viên chùa Joko. Đến mức có thể cho xây một nhà thương điên trong khuôn viên nên đây đúng là một ngôi chùa cũ kĩ, nghèo nàn, hiện nay, ngôi chùa như nằm trong bệnh viện thì đúng hơn. Bệnh nhân không chỉ gióng chuông mà những ai không có nguy cơ nổi điên hung tợn hay bỏ trốn vẫn có thể tự do đi dạo trong vườn chùa, hoặc vào tận trong chính điện, tùy thích làm những việc thủ công.
Ví dụ, lão nhân Nishiyama như ông chủ bệnh viện thường trải giấy ra chiếu ở chính điện rồi viết những chữ Hán thật to. Với ông lão điên này thì không cần giấy trắng của Nhật hay giấy hoa văn nên phần nhiều ông ta viết lên giấy báo cũ.
Pháp giới dị nhập, ma giới nan nhập – Những chữ ông ta viết đại khái là tám chữ này. Bản thân lão nhân Nishiyama đọc là “Pháp giới, dễ vào; ma giới, khó vào”. Mắt lão bị đục thủy tinh thể nên mờ lắm, nhưng chữ viết rất có lực. Không vướng mùi trần tục, cũng không khéo đẹp. Nhưng như có cuồng khí. Không phải kiểu chữ ồn ã, cũng chẳng phải chữ có vẻ điên loạn, nhìn kĩ thì cảm giác tiềm ẩn cuồng khí hay ma khí. Có lẽ vào một giai đoạn nào đó của cuộc đời, lão nhân Nishiyama đã muốn gia nhập ma giới, ma giới khó vào nên nỗi buồn đau đó đã thể hiện trên mặt chữ của tuổi già điên loạn. “Ma giới” của lão nhân Nishiyama như thế nào, tóm lại, cái giai đoạn nào đó trong đời, nguyện vọng muốn vào “ma giới” đó hẳn là nỗi đau đến mức khiến lão khùng điên chăng. Lão nhân Nishiyama không nghĩ nhà thương điên là ma giới hay gì khác. Không biết lão có nghĩ đó là nơi lánh nạn, nơi nghỉ giải lao của những người muốn mà không vào ma giới được không.
Lão nhân Nishiyama của hiện tại là một trong những bệnh nhân hiền nhất bệnh viện Ikuta. Răng rụng cứ để nguyên, không gắn răng giả, trông chẳng có sức lực để có thể vào được ma giới nào cả nên có thể nói giờ chỉ có ma khí là còn sót lại ở những chữ lão viết. Từng có lúc lão như bị động kinh khi viết chữ nhưng để ở viện cũng không ảnh hưởng gì đến ai.
Niềm vui mỗi ngày của lão nhân Nishiyama là nghe dự báo thời tiết trước phần tin tức trên radio lúc bảy giờ tối.
Nội dung dự báo thời tiết như: “Tối nay và ngày mai, ngoài khơi có thể có sóng và gió ít nhiều. Do sương mù nên tầm nhìn kém”, đối với ông thì chẳng can hệ gì, chỉ là ông thích giọng đọc của cô phát thanh viên trẻ mà thôi. Giọng đọc ấy vừa đủ ngọt ngào, dịu dàng. Lão nhân cảm thấy như một con người đáng yêu đang bắt chuyện với riêng mình từ thế giới bên ngoài bệnh viện. Một giọng đọc chan chứa tình cảm. Và xoa dịu cảm xúc của lão nhân. Là tiếng vọng của thanh xuân tươi đẹp. Lão không biết tên người con gái ấy, cũng chưa từng nhìn thấy dáng hình ấy, biết đâu chừng sau khi lão chết, cô gái ấy vẫn tiếp tục đọc dự báo thời tiết bằng giọng đọc mỹ miều ấy nhưng, lão nhân Nishiyama nghĩ, người hằng ngày bắt chuyện với cái tôi thất bại bằng giọng nói yêu thương chính là người con gái này. Những người điên cũng có vẻ ngại ngần lão nhân Nishiyama nên ít bệnh nhân bắt chuyện với lão. Nếu Kizaki Inako đến gần lão, hẳn là giọng nói của cô hay, nên muốn làm lão vui chăng. Nhưng biết đâu xảy ra chuyện lạ. Người mắc chứng nhân thể khuyết thị như Inako thì hoàn toàn không nhìn thấy cơ thể lão nhân Nishiyama, có điều lại thấy được cây bút mực chuyển động và viết dòng chữ Pháp giới dị nhập, ma giới nan nhập. Không hẳn là không có chuyện đó xảy ra. Nếu lão nhân biết được Inako không thấy hình dáng lão mà chỉ thấy bút lông và dòng chữ lão viết, hẳn lão phải vui mừng đến nhảy cẫng vì nghĩ mình đã vào được ma giới chính lúc này. Không, “ma giới” của lão nhân Nishiyama có thể không dễ dàng đến thế. Nhưng, biết đâu tinh thần càng suy nhược, ma giới của lão nhân Nishiyama cũng suy yếu theo. Cũng có thể được cô gái trẻ Inako dẫn đến ma giới mơ hồ. Cũng có thể đó không phải là ma giới mà lão muốn vào đến mức khùng điên.
Chùa Joko nằm trên đồi Bắc, thị trấn Ikuta. Ngọn đồi nhỏ với dòng sông Ikuta chảy bao quanh chân đồi. Sông Ikuta cũng nhỏ. Cả chỗ chảy ra biển cũng có thể lội băng qua, mực nước chỉ đến giữa ống quyển. Bề ngang sông chừng mười bước chân. Bờ sông thành đường đi. Chật hẹp, nên ô tô không chạy qua được.
Mẹ Inako và Kuno, người yêu của cô, cùng xuống đồi chùa Joko bệnh viện Ikuta, đi bộ dọc theo con đường ven sông này hướng về phía biển. Tức là hướng về trạm dừng xe lửa.
“Cậu Kuno này, cái cây to ở cửa ra vào bệnh viện ấy, là cây sồi hay cây dẻ gai nhỉ?” – Người mẹ nói.
“Chà, cháu không để ý ạ.”
“Lá cây rụng nhiều nên càng khó biết.”
“Vâng.”
“Cây dại mà như thế thì cũng lớn nhỉ. Cậu Kuno cũng không thấy cái cây ấy chảy nước mắt à?”
“Cây chảy nước mắt ấy ạ?”
“Bác thấy như nước mắt. Trên thân cây nhiều vết trầy xước lắm. Người điên hẳn là bị cấm dùng dao, bác không rõ dùng gì nhưng chắc là họ đã cào cái cây. Lâu ngày, vỏ cây đầy vết nứt chồng chất trở nên dày và cứng như mai rùa, để cào sâu vào vỏ cây hẳn là họ cần sức và cũng kiên nhẫn lắm nhỉ. Bác không nhìn rõ nhưng có chỗ như là khắc tên người điên vậy. Cậu Kuno này, cháu nghĩ tại sao người điên khắc tên mình lên trên cái cây của nhà thương điên vậy?”
“Chà! Vì người đó ở nhà thương điên. Vì ở đó có cái cây…” – Kuno nói rồi mới nghĩ. Vậy thì đâu có thành câu trả lời nhỉ. Dù là nhà thương điên hay ở đâu đi chăng nữa, một lúc nào đó, họ muốn xác nhận rằng mình đã sống ở đó, muốn để lại dấu vết của chính mình chăng?
“Việc Inako đã ở bệnh viện Ikuta một khoảng thời gian trong đời cũng là một sự thật không thể xóa bỏ. Cho dù là Inako không khắc tên lên cây đi nữa.”
“Bác nghĩ rằng cái cây chảy nước mắt vì những người điên ạ?”
“Không” – Người mẹ lắc đầu. – “Cây chảy nước mắt từ những vết thương bị người điên để lại. Gọi là nhựa cây nhỉ. Nếu vết thương sâu vào trong thân cây thì tạo ra chất nhầy đúng không? Rồi chất nhầy chảy đến miệng vết thương, đặc lại, giống sáp đèn cầy vậy. Bác nghĩ là nước mắt của cây. Không phải là cây khóc vì người điên mà cây bị người điên làm cho khóc đấy.”
Tháng Hai. Từ khoảng cuối năm, hoa bồ công anh bắt đầu nở ở những nơi nhiều nắng trong thị trấn Ikuta, mà bản thân thị trấn cũng như một nơi đón ánh nắng mặt trời. Mùa xuân vẫn chưa đến trên màu cỏ ven sông. Chẳng biết là hoa gì, những bông hoa màu lưu li bé xíu như mùa xuân đến sớm, chớm nở, không hề nổi bật. Kuno ngắm dòng nước sông.
“A!” – Anh thốt lên. – “Con chuột bạch. Bác, phía bờ bên kia có con chuột bạch.”
“Chuột bạch ư?” – Người mẹ hướng mắt về phía Kuno chỉ, nhưng không thấy có con gì động đậy.
“Bác không thấy ạ?”
“Không thấy.”
Hai người đứng lại.
“Kuno này, cháu nói là con chuột bạch à?” – Người mẹ nói. – “Không lạ sao? Làm gì có chuột bạch chứ.”
“Đúng là trông như con chuột bạch bác ạ. Nó chạy xuyên qua đám cỏ.”
“Làm gì có chuyện chuột bạch hoang ở một nơi như thế này. Mà cho dù không là chuột thì, con vật màu trắng độ bằng con chuột, có thể ở khu vực này là con gì nhỉ?”
“Con gì nhỉ?”
“Không có con nào như thế đâu.”
“Bác nói vậy thì là vậy rồi.” – Kuno chớp chớp rồi lia mắt tìm về bờ sông bên kia. – “Lạ thật. Vậy là con gì nhỉ? Hay đầu óc cháu có vấn đề?”
“Làm gì có chuyện đó.” – Mẹ của Inako nói. – “Mới đi nhà thương điên có chút mà”.
“Mới đi có chút?” – Kuno hỏi lại. – “Chúng ta đã dẫn Inako đi mà. Chẳng phải là chúng ta để Inako ở lại sao?” – Và nhìn mặt người mẹ. -“Chuyện này thì cháu xin lỗi. Bác là mẹ của Inako.”
“…”
“Phải rồi.” – Kuno đưa tay trái lên. – “Cây chảy nước mắt, cây bị người điên làm cho khóc, cái cây đó là Inako ạ?”
“Chà, gì mà cây là Inako chứ, bác chẳng nghĩ chuyện như thế. Chỉ là cái cây đó đập vào mắt, nên bác thấy mấy vết thương trên thân cây mà thôi.”
“Còn cháu thì không nhận ra cái cây lớn đó trong bệnh viện. Cháu lại thấy con chuột nhỏ màu trắng ở bên kia của con sông này. Bác lại không thấy con chuột nên chuột bạch không tồn tại. Còn với cháu thì cây sồi hay cây dẻ gai đó lại là thứ như không tồn tại.”
“Không phải đâu. Cái cây không động đậy giống như con chuột nên không lúc ẩn lúc hiện được, vì thế nó sẽ mãi ở cửa vào phòng bệnh. Trừ khi bị đốn hay bị héo thôi. Người điên họ dồn lại như bạo loạn rồi đốn hạ thân cây to bự đó.”
“Cuộc nổi loạn của những người điên?”
“Sao mà có được.”
“Vì những người điên thì từng người có cá tính mạnh mẽ hơn người thường. Mà không, nhưng mà, biết đâu là có người nào đó lấy được cái cưa, cưa thân cây, thế là chẳng mấy chốc lan truyền, họ tranh nhau xem ai đến trước. Vì tranh nhau cái cưa mà đổ máu nhỉ, chắc vậy.”
“Cây đã chảy nước mắt rồi cơ mà?” – Mẹ của Inako chớp chớp đôi mắt phiền muộn. – “Nếu đốn hạ thì những người điên làm sao khắc dấu lên thân cây là mình đang sống được?”
“Không cần thiết.”
“Mà thôi đi, cái cây hẳn là đã đứng ở đó cũng mấy chục năm trước, không chừng hơn trăm năm trước khi bệnh viện Ikuta được xây rồi. Lần tới, nếu cậu Kuno đến thăm Inako, nhất định cái cây đó sẽ đập vào mắt thôi.”
“Đương nhiên ạ. Một khi đã đập vào mắt rồi cháu sẽ nhìn kĩ ạ. Vì bác đã nói về cái cây rồi mà. Chắc là cháu sẽ đọc cả tên của những người điên được khắc trên thân cây. Cả nước mắt của cây.”
“Chắc là vậy nhưng trên đường từ bệnh viện về, dù có đi qua bờ sông này đi nữa thì cũng không thấy được con chuột bạch lần nữa đâu.”
“Ý bác là sao ạ? Vì làm gì có chuột bạch ở quanh đây ạ?”
“Không. Không có nhưng giả sử là đã có đi chăng nữa.”
“Cũng không gặp ạ?”
“…”
Từ phía biển, ba thiếu nữ đi học về đang đạp xe lên con đường ở bờ sông. Xem chừng không thể không tránh được, người mẹ và Kuno dừng lại mé sông để nhường đường. Ba cô gái nhẹ cúi đầu cảm ơn hai người rồi chạy ngang qua. Thị trấn ấm áp nhưng má ba cô gái ửng đỏ, đó là đặc trưng của vùng biển mùa đông. Có vẻ ba cô đạp xe lên thượng nguồn sông, hướng về quả đồi bệnh viện Ikuta. Có một rừng trúc ở phía chân đồi này. Từ trong rừng trúc bay lên một làn khói mỏng. Không thấy bóng người hay căn nhà đốt lá khô hoặc thứ gì đó đại loại vậy. Bệnh viện Ikuta cũng khuất trong rừng cây thẳng đứng trên đồi.
“Bác” – Kuno gọi, – “tự nhiên cháu muốn quay lại bệnh viện để nhìn cho ra cái cây đó. Cứ như vầy mà ra về thì cháu sẽ thắc mắc về nó lắm. Cháu lo mình sẽ bận tâm về một thứ mà mình không nhìn thấy. Chỉ cần chạy một chút là kịp tàu.”
“Cái cây đó sẽ nguyên như thế thôi, cho đến khi cậu Kuno đến đó.” – Người mẹ nói. – “Sẽ mãi luôn như vậy. Kể cả sau khi Inako khỏe lại và xuất viện.”
“Nếu bác và bệnh viện cho phép, cháu muốn kết hôn với Inako ngay tại nhà thương điên. A, cháu thật thất lễ. Là cháu muốn chăm sóc cô ấy, bên cô ấy.”
“Làm sao được chứ, cậu Kuno?”
“Cháu đã phải nhượng bộ bác, không thể trái ý bác nên đành gửi Inako vào nhà thương điên. Có thể là cháu nói dai nhưng trì hoãn việc kết hôn của Inako chỉ là sự lo lắng của một người mẹ, điều đó có thể hiểu được. Nhưng bác cũng chịu rời xa Inako nhỉ. Để Inako một mình trong nhà thương điên. Nhà thương điên là đáy vực, nơi các độc tố tâm hồn của con người chìm lắng, sục sôi. Đầy rẫy những độc tố xung quanh sẽ ăn mòn Inako. Bác à, chẳng may những người điên ấy lên cơn, làm tổn thương viên ngọc Inako xinh đẹp thì…”
“Cháu nói gì vậy?” – Người mẹ nói như cắt lời. “Có trật tự, lại có chắn song chứ, bệnh viện mà.”
“Chẳng phải bác nói cái cây lớn khóc vì bị người điên làm tổn thương sao? Bác còn nói không biết cái cây có bị đốn ngã vì những người điên làm loạn không mà?” – Kuno nhìn chằm chằm mặt mẹ của Inako, – “cái cây đó là Inako đúng không ạ? Thứ mà bác đã nhìn thành cái cây lớn đang chảy nước mắt.”
“Nước mắt của cây là nước mắt của cây, Inako không hề khóc.”
“Inako nói là sẽ mau khỏi để về. Nước mắt chảy từ hốc mắt xuống tận đáy lòng mà” – Kuno lại quay lại. – “Thấy được quả đồi bệnh viện nhưng không thấy được Inako. Trong hàng cây đó, trong những người điên đó, có thật là Inako ở trong đó không? Cháu muốn quay lại bệnh viện để kiểm chứng.”
“…”
“Hãy cho chúng cháu kết hôn thử đi, thay vì đưa cô ấy vào nhà thương điên. Cháu đã van nài đến thế, vậy mà…”
“Kuno à, cậu còn nhớ bác sĩ ở Tokyo kể gì mà nhỉ. Câu chuyện về một sản phụ trẻ bị nhân thể khuyết thị nên giết con mình đấy. Là chuyện người mẹ giết con vì không thấy cổ của đứa bé con mình…”
“Người cô ấy giết là đứa bé đúng không ạ? Một đứa bé mới sinh thì chỉ cần bịt miệng là chết. Hoặc chỉ cần giẫm một chút là chết. Cháu có phải là một đứa bé mới sinh đâu.” – Kuno nói. – “Cháu làm sao mà bị giết bởi một cơn điên của Inako được chứ. Cháu có sức mạnh để giữ cô ấy lại.”
“Bác không hề nghĩ Inako sẽ giết Kuno đây. Ý bác muốn nói là nếu Inako có con.”
“…”
“Sản phụ bị nhân thể khuyết thị ấy đã bóp cổ đứa bé mà cô ấy không nhìn thấy được. Không thấy cổ đứa con mình mới sinh ra, và bóp cái cổ không nhìn thấy được đó, là thế nào nhỉ. Nghe thôi bác đã rùng mình rồi.”
“Cháu cũng đã nghe bác sĩ kể khi đi với bác nhưng theo cháu nghĩ, cũng vì mọi người xung quanh thiếu quan tâm. Từ đầu chí cuối, nếu có ai đó ở bên cô ấy, không rời mắt thì…”
“Nhưng sản phụ đó, khi bóp cổ con là lần đầu tiên phát bệnh nhân thể khuyết thị. Làm sao mà cảnh giác được?”
Khoảng một tuần sau khi sản phụ đó giết chết đứa bé, cô ấy được chuyển từ bệnh viện phụ sản sang bệnh viện tâm thần. Mẹ của Inako và Kuno nghe được chuyện đó từ bác sĩ khoa Tâm thần ở Tokyo. Tại sao không thấy được cổ của đứa bé, trước câu hỏi của Kuno, khiến vị bác sĩ đó băn khoăn trong câu trả lời cũng là chuyện đương nhiên nhưng…
“Chuyện như thế xảy ra là từ tình yêu quá độ, cực độ ạ? Không phải xảy ra từ sự căm ghét quá độ, cực độ sao?” – Bác sĩ cũng không có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi của Kuno. Bác sĩ nói nguyên nhân điên loạn không chỉ ở hai cảm xúc yêu và ghét.
“Không có chuyện vì dễ thương quá, đáng yêu quá rồi chăm chú nhìn, nhìn đến nỗi thấy mờ ảo sao?” – Là câu nói của Kuno.
“Đúng vậy. Có thể có, nhưng điều đó lại bình thường.”
Nếu là bình thường, thì ngay khoảnh khắc nhận ra “á, tôi không nhìn thấy gì”, “đứa bé không có cổ” thì cho dù có chụp lấy cổ đứa bé vì hoảng sợ và ngạc nhiên, cô ấy cũng sẽ buông tay trước khi đứa bé chết chứ.
“Cô ấy đã bóp cổ đứa bé khoảng mấy phút ạ? – Kuno hỏi. – “Cô ấy không nhìn thấy cổ đứa bé trong khoảng mấy phút vậy bác sĩ?”
“Không biết chính xác. Vì không có ai ở đó cả.” – Bác sĩ nói. – “Khoảng thời gian ma quỉ.”
“Khoảng thời gian ma quỉ?” – Kuno vặn lại. – “Trong y học cũng có khoảng thời gian ma quỉ ư?”
“Toàn là thời gian ma quỉ cả đấy. Đặc biệt, vì là bác sĩ khoa tâm thần nên tôi hệt như đang đối đầu với khoảng thời gian ma quỉ vậy. Đến mức tôi còn nghĩ sinh mạng con người là khoảng thời gian ma quỉ nữa kìa.”
“Tưởng gì, nhảm nhí” – Kuno lẩm bẩm, sau đó – “Tôi muốn chữa và tin rằng có thể chữa căn bệnh nhân thể khuyết thị của Inako bằng cách kết hôn nên đến xin bác sĩ tư vấn. Tôi muốn thuyết phục mẹ của Inako rằng chí ít kết hôn không là trở ngại, và biết đâu kết hôn là liều thuốc thần.”
Nhưng giả sử, bác sĩ có khuyến khích đi chăng nữa, mẹ của Inako cũng sẽ do dự việc kết hôn của con gái mình. Vì cái người mà Inako không nhìn thấy được cơ thể dù đứng trước mặt, cái người đầu tiên đó, không ai khác chính là Kuno. Điều đó có nghĩa là, không thể không nghĩ rằng vì điều gì đó của Kuno mà Inako bị làm cho phát bệnh. Người mẹ còn được bác sĩ kể về những cơn điên sau khi giết đứa bé của người sản phụ trẻ. Điều đó càng khiến mẹ của Inako rơi vào sợ hãi.
Nhờ vị bác sĩ đó mà người mẹ quyết định dẫn Inako đến bệnh viện Ikuta, bà không thể đắn đo trước sự can ngăn như khẩn khoản, lại như tuyệt vọng của Kuno.
Thế nhưng, bà vẫn nhờ Kuno cùng đi đến bệnh viện Ikuta. Trên đường về sau khi để Inako lại bệnh viện, mẹ Inako cảm nhận việc Kuno cùng đi với bà như một chỗ dựa cho trái tim bà. Thật tự nhiên, cả sự thân thiết như cùng Kuno chung vai gánh lấy số phận của con gái mình lan tỏa khắp người bà.
“Chúng ta thấy được quả đồi của bệnh viện nhưng không thấy được Inako bên trong quả đồi. Cậu Kuno này, vì cậu nói năng lan man mà bác có chút bận tâm đấy.” – Người mẹ lại đứng lại.
“Không lan man đâu ạ. Đúng như cháu nói đấy ạ.”
“Không thể nhìn thấu bệnh viện khuất sau hàng cây trên đồi, từ đây cũng không thể nào nhìn thấu được Inako đang ở trong bệnh viện.”
“Dạo này, tự nhiên cháu sợ việc không thể thấy những gì tồn tại ở đó.”
“Hoàn toàn khác với chứng bệnh nhân thể khuyết thị đó, người đứng trước mặt biến mất, không thể nhìn thấy.”
“Là vậy, nhưng Inako mà chúng ta không thấy được ấy, ngay bây giờ, lúc này đây, đang làm gì, bộ dạng thế nào, bác có biết không? Cháu muốn quay lại bệnh viện.”
“Nếu chúng ta quay lại bệnh viện thì Inako sẽ cho là mình tệ quá đấy.”
“Chỉ cần nhìn qua hàng rào là được. Cả việc có cái cây đang chảy nước mắt, cháu cũng muốn tận mắt kiểm chứng” – Kuno có vẻ không bình tĩnh, – “khi ở bên cạnh nhau như thế này, cái bóng của hai bác cháu ta ở đây rõ ràng cơ mà. Cháu không muốn rời xa Inako.”
Mẹ của Inako nhìn xuống bóng của hai người. Bóng người vào chiều đông, đổ dài đến mức khiến người ta nghĩ đã muộn đến thế này rồi sao. Hai cái bóng kéo dài đến tận dưới bờ sông, gãy khúc ở ven bờ, thành một hình dạng bất định. Người mẹ bước đi để tránh hai cái bóng người trùng nhau.
Bên dưới có cây cầu, đường đi dẫn đến ga tàu nhưng có thể thấy cây cầu ở cửa sông bắc ra biển. Biển thấp thoáng dưới cầu. Cả chỗ mà dòng sông nhỏ đổ ra biển cũng không có gì nổi bật, chỉ là bờ sông hơi trũng xuống. Mặt biển và bầu trời đều hiền hòa.
Họ nghe được tiếng chuông.
“A, chuông, là chuông của Inako!” – Kuno nói.
“Chuông của Inako?” – Người mẹ cũng xem đồng hồ đeo tay, – “Ba giờ rồi. Bác sĩ đã nói sẽ cho Inako gióng chuông ba giờ mà nhỉ.”
Hai người họ ngoảnh về phía quả đồi, và nhìn lên trời. Tiếng chuông chùa như đến từ bầu trời, và ở lại bầu trời. Một ngôi chùa của thị trấn nhà quê thì không thể nào có quả chuông danh tiếng lớn như thế, nhưng hẳn là chuông cổ. Nó làm tiếng vang gỉ sét nổi lên trong không trung sau tiếng chuông không cứng nhưng khô khốc. Ngay cả sau khi âm thanh ngân dài ấy ngưng hẳn thì cảm giác tiếng chuông vẫn đọng lại trong tim của mẹ Inako và Kuno. Thị trấn dường như không âm thanh. Dòng sông nhỏ và biển cả cũng không một thanh âm.
“Sao mà yên tĩnh như thể thời gian dừng lại” – Kuno nói với người mẹ, – “trong tiếng chuông Inako gióng ấy, dòng thời gian như ngưng lại chờ chúng ta, bác nhỉ.”
Tiếng chuông thứ hai vang lên.
“À, lần này là Inako gióng một mình đây. Chắc chắc là vậy!” – Kuno nói. – “Cháu thấy nó nhẹ hơn tiếng ban đầu, bác thấy sao ạ?”
Người mẹ gật đầu, im lặng như muốn đón tiếng chuông vào sâu trong tai.
Kuno tiếp tục – “Vị bác sĩ đó có nói y tá của bệnh viện sẽ đi cùng để cho cô ấy gióng chuông, đúng không ạ? Lúc đầu, chắc là y tá cùng giữ dây thừng trên chiếc chày bằng gỗ để cùng gióng. Làm vậy rồi đến lần thứ hai thì họ nói cô thử gióng một mình xem.”
“Cậu nói cứ như chứng kiến tận mắt ấy!” – Mẹ của Inako mỉm cười. – “Cũng có thể Inako đề nghị cho cô ấy tự mình gióng chuông chứ.”
Kuno cao giọng. – “Bác, giá mà chúng ta ngắm chỗ treo chuông trên chùa thì tốt rồi nhỉ. Làm vậy thì có thể chúng ta cũng sẽ như thấy được bóng dáng Inako gióng chuông từ đây.”
“Chỗ đó là đâu nhỉ? Nơi Inako từng gióng chuông chùa…” – Màu mắt người mẹ như ngắm nhìn quá khứ, – “bác nhớ ra rồi. Là chùa Mi-i. Lúc đó là trên đường tham quan Kyoto, sẵn tiện hai mẹ con đi dạo bát cảnh O-umi. Gọi là chuông chiều ở chùa Mi-i. Chùa ấy thu tiền người tham quan rồi cho họ gióng chiếc chuông đó. Ngôi chùa lớn như thế mà, nên quả chuông cổ cũng to.”
“Chuyện lúc nào vậy ạ? Lúc ấy, Inako mấy tuổi ạ?”
“Inako là học sinh cấp hai. Phải, phải rồi, năm con bé vào cấp hai.”
“Là mùa xuân ạ, để chúc mừng nhập học?”
“Mùa đông. Bác còn nhớ lúc đó ăn lẩu vịt trong phòng lót chiếu của một quán ăn như nhô lên giữa hồ nước vậy. Cuối năm. Về sau, thỉnh thoảng Inako cũng nhắc lại chuyện ăn thịt vịt. Chắc là cảnh hồ mùa đông nhìn từ phòng chiếu ở đó ấn tượng lắm. Hồ nước dưới bầu trời mùa đông âm u cháu ạ. Hồ Biwa cũng lạnh lẽo như Kyoto.”
“Inako thời học lớp Bảy chắc dễ thương lắm bác nhỉ?”
“Còn con nít lắm.”
“Bác, nếu bác cho cháu gặp Inako lúc còn con nít đó thì Inako chắc đã thân quen, không ngại ngần xa cách mà chịu theo cháu, và làm gì bị cái bệnh nhân thể khuyết thị đó được chứ.”
“Cậu nói gì lạ. Cứ thử nghĩ xem. Lúc đó, Inako là học sinh cấp hai mà?” – người mẹ vừa nhìn Kuno vừa nói và dứt lời vì tiếng chuông thứ ba.
“Lần này cũng là Inako gióng chuông một mình nhỉ?” – Kuno nói.
“Được gióng mấy tiếng nhỉ?” – Mẹ của Inako lẩm bẩm.
“Chắc không giới hạn số lần đâu. Vì là do người điên gióng mà” – Kuno bình thản nói. – “Chắc là muốn gióng bao nhiêu thì gióng chứ ạ?”
“Làm sao mà gióng hoài như thế được.”
“Có vẻ như Inako sẽ gióng liên tục như lời tạm biệt để bác và cháu nghe được trong khi đi bộ ven bờ sông này.”
“Lẽ nào lại thế. Xỉu mất thôi.”
“Nếu mệt thì sẽ là tiếng chuông uể oải. Vị bác sĩ đó đã nói rằng gióng chuông có hiệu quả điều trị cho bệnh nhân, và nhờ tiếng chuông ta biết được tình trạng của họ.”
“Ông ấy không nói rõ. Chỉ nói có thể như thế thôi.”
Họ lại nghe được tiếng chuông. Khoảng cách không cố định giữa hai tiếng chuông, và độ mạnh yếu của âm thanh cũng không đều, chứng tỏ là do người gióng không quen tay, Kuno lắng nghe như thể phân biệt và nghĩ bụng hẳn một mình Inako đang gióng. Chắc là y tá chỉ đứng bên cạnh trông chừng cô ấy thôi.
An Nhiên dịch
Tác phẩm Bồ công anh đã được Huy Hoàng xuất bản vào tháng 3/2003. Trân trọng cảm ơn Huy Hoàng và dịch giả An Nhiên đã cho phép Zzz Blog đăng đoạn trích trên.
Chấm sao chút:
Đã có 2 người chấm, trung bình 5 sao.
Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3