Vladimir Nabokov, “Nói đi, ký ức” (trích)
Và khi cô ngồi xuống, hay đúng hơn là giải quyết nhiệm vụ ngồi xuống, lớp mỡ ở cằm dưới rung rinh, phần mông phì nhiêu với ba chiếc khuy ở cạnh bên, cẩn trọng hạ xuống.

Và khi cô ngồi xuống, hay đúng hơn là giải quyết nhiệm vụ ngồi xuống, lớp mỡ ở cằm dưới rung rinh, phần mông phì nhiêu với ba chiếc khuy ở cạnh bên, cẩn trọng hạ xuống.
Với tôi, đọc Speak, Memory mang đến sự sung sướng diễm lệ không thèm tiết chế, từng đoạn từng đoạn đều kỳ công như một bữa fine-dining đắt xắt ra miếng và ngon ná thở. Chính Speak, memory cũng đặt cho tôi bộ tiêu chí để tôi chọn ra những cuốn sách sau đây, những cuốn sách mà mỗi chương đều có thể là tuyệt tác, ta chỉ cần giở đại một trang cũng có thể bắt được vài câu ta muốn lấy ra cất vào tim mình mãi mãi không rời, những cuốn sách mà ta sung sướng khi nghĩ đến việc có thể đọc nó trước khi đi ngủ, lòng ta tràn đầy sự biết ơn với bất kể lực lượng vũ trụ nào đã ấn định cho ta ở đây, lúc này, cầm trên tay cuốn sách.
– Hiền Trang
CHƯƠNG NĂM
1
Tôi thường để ý thấy sau khi tôi đã ban tặng cho các nhân vật trong tiểu thuyết của mình một thứ quý giá nào đó từ quá khứ của tôi, nó sẽ héo mòn dần trong thế giới giả tưởng nơi tôi đã đột ngột đặt nó vào. Dù nó vẫn còn luẩn quẩn trong tâm trí tôi, hơi ấm cá nhân của nó, vẻ hấp dẫn hoài cổ của nó đã biến mất, và trong hiện tại, nó trở nên đồng điệu hơn với tiểu thuyết của tôi so với bản thân tôi ngày trước, nơi mà tôi đã tưởng là nó được an toàn khỏi sự xâm phạm của người nghệ sĩ. Các tòa nhà đã sụp đổ trong ký ức tôi một cách âm thầm lặng lẽ y như trong các bộ phim câm thuở trước, và bức chân dung bà gia sư già người Pháp của tôi, vốn đã được tôi cho một cậu bé trong truyện của tôi mượn, thì phai nhạt đi rất nhanh, khi giờ đây nó đã bị chìm nghỉm trong những mô tả về một tuổi thơ hoàn toàn không dính dáng gì đến tuổi thơ tôi, người đàn ông trong tôi phản kháng lại tiểu thuyết gia, và đây là những nỗ lực trong tuyệt vọng của tôi để cứu lấy những gì còn lại của Mademoiselle tội nghiệp.
Vốn là một người phụ nữ cao lớn, rất thô cứng, Mademoiselle lăn vào cuộc sống của chúng tôi vào tháng Mười hai năm 1905, khi tôi lên sáu còn em trai tôi lên năm. Cô ấy như thế này. Tôi thấy rõ mồn một mái tóc đen dày dặn, được chải ngược lên cao và đã điểm sợi xám của cô; ba hàng nếp nhăn ở giữa trán; cặp lông mày chỉa ra; cặp mắt sắc lạnh đằng sau chiếc kính kẹp mũi viền đen; vệt ria mép; làn da lốm đốm tàn nhang mà trong những phút cáu giận thì còn có thêm một màu hồng ở khu vực cái cằm thứ ba, cũng là cằm nhiều mỡ nhất, trải rộng một cách vương giả trên đống bèo nhún của hai vai áo phồng. Và khi cô ngồi xuống, hay đúng hơn là giải quyết nhiệm vụ ngồi xuống, lớp mỡ ở cằm dưới rung rinh, phần mông phì nhiêu với ba chiếc khuy ở cạnh bên, cẩn trọng hạ xuống; rồi, vào giây cuối cùng, cô chấp nhận dâng toàn bộ trọng lượng của mình cho chiếc ghế liễu gai, nó òa lên một tràng cót két chỉ từ nỗi sợ thuần tuý.
Chúng tôi đã ra nước ngoài khoảng một năm. Sau khi dành mùa hè năm 1904 ở Beaulieu và Abbazia, và vài tháng ở Wiesbaden, chúng tôi rời nước Nga và đầu xuân 1905. Tôi không nhớ nổi là tháng mấy. Một manh mối ở đây là khi ở Wiesbaden, tôi đã được dẫn đến nhà thờ Nga của họ – lần đầu tiên tôi tới một nhà thờ ở bất kỳ nơi đâu – và đó có thể là vào mùa tuần chay (trong lúc hành lễ tôi đã hỏi mẹ là mục sư và người trợ tế đang nói về chuyện gì; mẹ thì thào trả lời bằng tiếng Anh rằng họ đang nói tất cả chúng ta nên yêu thương lẫn nhau, nhưng tôi lại hiểu ý mẹ thành hai con người phi thường trong những bộ áo choàng có mũ chóp nhọn bóng loáng kia đang bảo nhau rằng họ sẽ mãi mãi là bạn tốt của nhau). Từ Frankfurt chúng tôi tới Berlin trong cơn bão tuyết, và buổi sáng hôm sau bắt chuyến tàu Nord-Express đã chạy tới từ Paris. Mười hai giờ sau đó nó tới được biên giới nước Nga. Trên nền phong cảnh mùa đông, nghi thức đổi khoang và đầu tàu đã mang theo một ý nghĩa lạ lùng mới. Một cảm giác háo hức của rodina, “quê mẹ”, lần đầu tiên đã hòa quyện một cách hệ thống với màn tuyết rơi lách tách dày dặn, những dấu chân lún sâu băng ngang nó, đám lửa đỏ của chồng than chạy máy, những thanh củi bạch dương được chất cao, bên dưới lớp tuyết vận chuyển được riêng chúng, trên khoang chở than màu đỏ. Tôi còn chưa được sáu tuổi, nhưng cái năm ra nước ngoài ấy, một năm của những quyết định khó khăn và niềm hy vọng tự do ấy, đã mở ra các cuộc thảo luận của người lớn cho một cậu bé Nga. Cậu không thể không bị ảnh hưởng theo cách nào đó bởi nỗi nhớ nhà của mẹ cậu và lòng yêu nước của cha cậu. Kết quả là, lần trở về nước Nga đặc biệt ấy, cuộc hồi hương có ý thức đầu tiên của tôi, với tôi bây giờ, sau sáu mươi năm, là một cuộc tập dượt – không phải là của màn vinh quy bái tổ hoành tráng vốn sẽ không bao giờ xảy ra, mà là của giấc mơ bất tận về nó trong những năm dài biệt xứ.
Mùa hè năm 1905 ở Vyra còn chưa có gì liên quan đến sâu bọ cánh vảy. Thầy giáo làng đưa chúng đi những chuyến dạo chơi để học hành (“Thứ các em đang nghe được là tiếng mài hái”; “Thửa ruộng bên kia sẽ được nghỉ ngơi trong mùa tiếp theo”; “Ồ, chỉ là một chú chim nhỏ – không có tên gì đặc biệt cả”; “Nếu ông tá điền kia bị say, thì đó chỉ là vì ông ta nghèo khổ”).
Mùa thu phủ thảm lá màu sặc sỡ lên công viên, và cô Robinson cho chúng tôi xem một cách trang trí xinh đẹp – mà cậu con trai của ông Đại sứ, một nhân vật quen thuộc trong thế giới nhỏ bé của cô, đã hết sức yêu thích vào mùa thu trước đó – đó là nhặt nhạnh trên mặt đất và sắp xếp trên một tờ giấy to những chiếc lá phong đủ để tạo ra gần như một dải màu hoàn chỉnh (trừ mỗi màu xanh lam – một sự thất vọng lớn!), từ xanh lục ngả sang vàng chanh, vàng chanh sang cam và cứ thể tới tận các sắc đỏ hay tím, nâu tía, rồi lại đỏ và quay lại màu vàng và màu xanh (màu ấy đã bắt đầu khá khó tìm chỉ trừ phần mép lá dũng cảm cuối cùng). Cơn gió lạnh đầu tiên đã chạm tới những cây cúc tây mà chúng tôi vẫn chưa chuyển về thành phố.
Mùa đông năm 1905 – 1906 ấy, khi Mademoiselle từ Thụy Sỹ đến, là mùa đông duy nhất trong ký ức của tôi trải qua tại vùng thôn quê. Đó là năm của các cuộc phản kháng, bạo loạn và tàn sát vì lí do chính trị, và tôi đoán là cha đã muốn giữ cho gia đình ông cách xa khỏi thành phố, ở nơi quê nhà bình yên của chúng tôi, nơi mà danh tiếng của ông sẽ giảm bớt nguy cơ của tình trạng náo động, và ông đã đoán đúng. Đó cũng là một mùa đông đặc biệt khắc nghiệt, mang đến cả đống tuyết y như Mademoiselle đã tiên liệu sẽ gặp phải khi đến cực Bắc của vùng đất của Sa hoàng hẻo lánh này. Khi cô bước chân xuống nhà ga Siverski nhỏ bé, từ đó cô vẫn phải đi thêm cả chục cây số nữa bằng xe trượt mới tới Vyra, tôi đã không có mặt để chào đón cô; nhưng giờ đây tôi đang làm như vậy khi cố mường tượng điều mà cô đã trông thấy và cảm thấy ở chặng cuối cuộc hành trình lý thú và sai thời điểm của mình. Tôi biết từ vựng tiếng Nga của cô chỉ gồm có nhõn một từ ngắn, và nhiều năm về sau này cô cũng vẫn mang về Thụy Sỹ có đúng từ ấy. Từ này, theo cách phát âm của cô có thể tạm phiên âm là “giddy-eh’ (thực ra nó là âm gde với chữ e như trong “yet”), có nghĩa là “ở đâu?” Và đó là một từ rất đắt. Phát ra từ miệng cô như một giọng kêu khàn đặc của chú chim lạc lối, nó tích tụ được nhiều sức mạnh cật vấn đến mức đủ cho mọi nhu cầu của cô. “Giddy-eh? Giddy-eh?” cô sẽ kêu lên, không chỉ để tìm xem mình đang ở đâu, mà còn để thể hiện nỗi thống khổ tột cùng: thực tế cô chỉ là một người lạ mặt, một khách đắm tàu, không tiền, ốm đau, đang trên đường tìm kiếm một vùng đất lành nơi rốt cuộc người ta cũng hiểu được cô.
Tôi có thể hình dung ra cô, nhờ thế thân, lúc cô đứng ở giữa sân ga, nơi cô chỉ vừa mới đặt chân xuống, và bóng ma thế thân của tôi đưa ra một cánh tay giúp đỡ trong vô vọng mà cô không thể trông thấy. (“Thế là tôi đã ở đó, bị tất cả mọi người bỏ rơi, comme la Comtesse Karénine1,” sau này cô đã phàn nàn, rất hùng hồn dù không hoàn toàn chính xác.) Cánh cửa phòng chờ mở ra với một tiếng rít rùng mình kiểu rất riêng có của những đêm đặc biệt lạnh giá; một đám mây khí nóng ào ra, to gần như làn hơi từ một động cơ xì khói; và lúc này người đánh xe Zahar của chúng tôi đã tiếp quản – đó là một người đàn ông vạm vỡ trong bộ áo da cừu với mặt da quay ra bên ngoài, hai chiếc găng tay to tướng của anh ta trồi lên từ cái túi vải đỏ thắm mà anh ta đã nhét chúng vào trong. Tôi nghe tiếng tuyết lạo xạo dưới đôi ủng nỉ trong lúc anh bận rộn với đám hành lý, bộ yên cương kêu leng keng và rồi đến chiếc mũi của chính mình. Anh ta làm dịu nó bằng một lần bóp và lắc khéo léo của ngón trỏ và ngón cái trong lúc đi vòng lại quanh xe trượt. Một cách chậm rãi, với vẻ mặt hồ nghi nghiêm nghị, “Madmazelya”, như người trợ giúp đã gọi cô, trèo vào trong, túm chặt lấy anh đánh xe trong nỗi sợ chết khiếp nhỡ đâu chiếc xe trượt lướt đi trước khi thân hình cao to của cô kịp ngồi gọn ghẽ bên trong. Rốt cuộc, cô cũng ngồi được xuống với một tiếng gầm gừ và nhét hai nắm tay vào bao tay vải nhung lông mỏng tang. Nghe tiếng bập miệng ướt át từ bờ môi của người lái xe, cặp ngựa đen, Zoyka và Zinka, kéo căng góc phần tư của chúng, giậm vó, lại kéo căng lần nữa; rồi Mademoiselle bị giật người lại phía sau khi chiếc xe trượt nặng nề vặn mình khỏi thế giới của sắt thép, lông thú, da thịt để lao vào vùng trung gian không có lực ma sát, nơi nó lướt dọc con đường phi thực mà nó gần như không chạm vào.
Trong một khoảnh khắc, nhờ vào ánh đèn đột ngột từ cột đèn duy nhất ở cuối quảng trường nhà ga, một cái bóng bị thổi phồng lên thành ghê tởm, cũng đang cầm bao tay, chạy đua bên cạnh chiếc xe trượt, trèo lên một cồn tuyết và biến mất, bỏ lại Mademoiselle bị nuốt chửng trong cái mà sau này cô hùng hồn kể lại là “le steppe1”. Ở đó, trong bóng tối bất tận, ánh sáng hấp háy, thay đổi từ các ngôi làng xa xăm với cô dường như là cặp mắt vàng khè của lũ sói. Cô bị lạnh, đông cứng cả người, đóng băng “tới tận cùng não bộ” – bởi cô vẫn thường dùng cách nói cường điệu nhất mỗi khi không tuân theo những châm ngôn tầm thường nhất. Chốc chốc cô lại ngước ra sau để đảm bảo chiếc xe trượt thứ hai, chở rương hòm và hộp mũ của cô, vẫn theo sau – luôn luôn giữ cùng một khoảng cách, giống như cặp thuyền ma bầu bạn với nhau trên những mặt nước ở Cực Bắc mà các nhà thám hiểm vẫn mô tả. Và xin hãy đừng để tôi bỏ qua mặt trăng – vì chắc chắn là ở đó sẽ có một vầng trăng, như chiếc đĩa tròn xoe và sáng trong không tưởng kết hợp quá đẹp với cảnh băng giá đầy sức sống của nước Nga. Và nó đây rồi, vừa ló dạng sau một cụm mây lốm đốm, nhuộm màu ngũ sắc mờ nhạt; và trong lúc bay lên cao hơn, nó rải ánh sáng xuống đường trượt bị bỏ lại trên con đường, nơi từng cụm tuyết lấp lánh càng được nhấn mạnh thêm bằng một cái bóng sưng vù.
Rất đẹp, rất cô độc. Nhưng tôi đang làm gì trong vùng đất mơ mộng trong không gian ba chiều này? Làm sao tôi tới được đây? Bằng cách nào đó, hai chiếc xe trượt đã lướt đi mất, bỏ lại đằng sau một tên gián điệp không giấy tờ đang đứng mãi trên con đường màu xanh-trắng trong đôi ủng tuyết New England và chiếc áo choàng chống bão của ông ta. Tiếng rung trong tai tôi không còn là những cái chuông bỏ xa dần của chúng nữa, mà chỉ còn là tiếng máu trong huyết quản tôi đang cồn cào. Tất cả đều tĩnh tại, như bị phù phép, bị vầng trăng mê hoặc, như chiếc gương chiếu hậu của trí tưởng tượng. Mặc dù vậy, tuyết là có thật, và khi tôi cúi xuống để nhặt lên đầy một bàn tay, sáu mươi năm vỡ vụn thành những bụi tuyết lấp lánh giữa các ngón tay tôi.
[…]
5
Trong lúc ấy, cảnh trí đã thay đổi. Cái cây được phủ sương muối và ụn tuyết cao với cái hố ngả vàng của nó đã được người phụ trách sân khấu câm lặng dọn đi. Buổi chiều hè lại sống động với những đám mây dốc đứng ưỡn bờ ngực xanh da trời. Những cái bóng có mắt di chuyển trên những con đường trong vườn. Lúc này, bài vở đã xong, và Mademoiselle đang đọc cho chúng tôi nghe từ trên hiên nhà, nơi những tấm nệm và ghế bện rơm tỏa ra một mùi hăng nồng và ngọt như bánh quy trong cái nóng. Trên những bệ cửa sổ trắng, trên cái ghế dài dọc cửa sổ phủ vải trúc bâu đã bạc màu, ánh mặt trời vỡ ra thành những viên đá quý có hình hình học sau khi chiếu qua những ô kính màu hình thoi và hình vuông. Đây chính là thời điểm tốt đẹp nhất của cô Mademoiselle.
Cô đã đọc cho chúng tôi nghe biết bao tập sách trên hàng hiên ấy! Giọng đọc nhẹ nhàng của cô cứ luyến láy mãi, không bao giờ yếu đi, không vướng chút chần chừ hay ngập ngừng nào, một chiếc máy đọc hoàn toàn độc lập với khí quản bệnh tật của cô. Chúng tôi đã được nghe cả các cuốn: Les Malheurs de Sophie1, Le Tour du Monde en Quatre Vingts Jours2, Le Petit Chose3, Les Misérables4, Le Comte de Monte Cristo5, và rất nhiều cuốn khác nữa. Cô ngồi đó, cất giọng đọc từ bên trong tù ngục của cơ thể mình. Ngoài môi, một trong mấy chiếc cằm của cô, cái nhỏ nhất nhưng lại là cái cằm đích thực, là phần duy nhất cử động trong cả cơ thể to lớn như Phật Tổ. Mắt kính viền đen phản chiếu sự vĩnh hằng. Thi thoảng một chú ruồi sẽ đậu lên vầng trán cương nghị của cô, và ba nếp nhăn nơi đó sẽ lập tức cùng nhướng cả lên như ba tuyển thủ vượt ba chướng ngại vật. Nhưng không có bất kỳ thay đổi gì trong biểu cảm trên khuôn mặt cô – khuôn mặt mà tôi rất thường xuyên cố gắng mô tả lại trong cuốn sổ phác thảo của mình, bởi vẻ bất động và cấu trúc đối xứng đơn giản của nó hấp dẫn chiếc bút chì vụng trộm của tôi hơn nhiều lần so một bình hoa hay con vịt giả trên chiếc bàn trước mặt, những thứ đáng ra tôi phải vẽ.
Chẳng bao lâu sau, sự chú ý của tôi càng lang thang đi xa hơn nữa, và có lẽ ấy chính là lúc nhịp điệu thuần khiết hiếm thấy trong giọng cô mới đạt được mục đích thực sự của nó. Tôi ngước nhìn một cái cây và cành lá rung rinh mượn âm điệu ấy. Egor đang trồng mấy cây hoa mẫu đơn vào chậu. Một chú chim chìa vôi bước tới, dừng phắt lại như thể chợt nhớ ra điều gì – rồi bước tiếp, diễn lại chính cái tên của nó. Không biết từ đâu ra, một chú bướm Comma tới đậu lên ngưỡng cửa, đắm mình trong ánh nắng với cặp cánh nâu đỏ xòe rộng, rồi đột ngột cụp chúng lại, chỉ để lộ những bụi phấn tí hon bám trên thân trong, và rồi chú ta bỏ đi cũng bất ngờ như lúc đến. Nhưng nguồn ham thích bất biến nhất trong tất cả những buổi đọc sách ấy lại tới từ những mảng kính màu xếp theo hoa văn sê-quin được gắn trong hai khung cửa sơn trắng ở hai đầu hàng hiên. Khu vườn khi trông qua lớp kính phép thuật này càng trở nên kỳ lạ và tách biệt hơn. Nếu một người trông qua lớp kính xanh lam, cát sẽ biến thành màu than xỉ trong khi những cái cây đen sì bơi lội trên nền trời nhiệt đới. Kính màu vàng tạo ra một thế giới hổ phách được hòa thêm một liều ánh nắng cực mạnh. Màu đỏ khiến tán lá nhỏ giọt hồng ngọc đậm trên nền đường màu hồng. Màu xanh lục nhuộm cỏ cây trong một bồn xanh sậm màu hơn nữa. Và sau khi đã trải qua tất thảy sự giàu có ấy, ai đó quay lại với một mảnh kính hình vuông nhỏ bình thường, vô vị, chỉ có một con muỗi hay chú nhện chân dài chán ngán trên đó, việc ấy chẳng khác nào uống một ngụm nước khi ta không khát, và khi ai đó trông thấy một chiếc ghế trắng thực dụng bên dưới những tán cây quen thuộc. Thế nhưng trong tất cả những cánh cửa sổ thì đây lại chính là khung cửa mà nhiều năm sau đó nỗi hoài niệm ngày cũ tha thiết muốn nhìn qua.
Mademoiselle không bao giờ khám phá ra giọng đọc đều đều của cô hiệu nghiệm đến mức nào. “Ôi,” cô thở dài, “comme on s’aimait – chẳng phải chúng ta đã rất mến nhau sao! Những ngày xưa tươi đẹp ấy ở château1! Con búp bê bằng sáp đã chết mà chúng ta chôn dưới một cây sồi [Không – một chú Golliwogg nhồi len]. Còn cả cái lần em và Sergey chạy biến đi và bỏ mặc tôi vấp váp và hú hét tận sâu trong rừng nữa! [Phóng đại]. Ah, la fessée que je vous ai flanquée – Trời ạ, tôi đã quật cho các em một trận ra trò làm sao! [Đúng là cô đã cố tát tôi một lần, nhưng nỗ lực ấy không bao giờ được lặp lại]. Votre tante, la Princesse1, người mà em đã đấm bằng nắm tay nhỏ xíu của mình chỉ vì bà ấy đã thô lỗ với tôi! [Không nhớ chút nào]. Và cái cách em thì thầm với tôi về các vấn đề trẻ con của mình! [Chưa bao giờ!] Cả cái hốc trong phòng tôi mà em rất thích chui vào vì thấy ấm áp và an toàn biết bao!”
Phòng của Mademoiselle cả ở điền trang lẫn dinh thự trong thành phố đều là một nơi chốn kỳ quái với tôi – một kiểu nhà kính dung dưỡng loại cây lá dày thấm đẫm thứ mùi nặng nề, khắm khú. Dù nó nằm ngay cạnh phòng chúng tôi hồi chúng tôi còn nhỏ, nhưng dường như nó không hề thuộc về ngôi nhà thơm tho dễ chịu của chúng tôi. Trong đám hơi sương buồn nôn ấy, thứ mùi màu nâu của lớp vỏ táo bị phân hủy bốc ra nồng nặc, lẫn với những mùi hôi từ len dạ khác. Chiếc đèn bàn cháy lập lòe, và các vật kỳ lạ sáng lên trên bàn viết: một chiếc hộp sơn mài có cắm que cam thảo, những phần màu đen của thứ cô sẽ dùng con dao nhíp của mình hớt lấy và cho tan chảy trên lưỡi; một tấm bưu thiếp có hình cái hồ và một tòa lâu đài có những tấm rèm xà cừ cho cửa sổ; một quả bóng xốp làm từ vô vàn những cuộn giấy bạc được vo viên thật chặt lại, lớp giấy gói những thanh sô cô la mà cô thường ăn mỗi đêm; những bức ảnh chụp một đứa cháu trai đã mất, ảnh của bà mẹ cậu bé, người đã ký dưới bức ảnh tên Mater Dolorosa, và của một quý ông de Marante nào đó, kẻ đã bị gia đình mình ép buộc phải cưới một quả phụ giàu có.
Ngự trên giá đỡ trông xuống cái bàn là bức ảnh một cô gái tóc nâu trẻ trung, mảnh mai trong chiếc khung cầu kỳ, mặc bộ váy áo vừa khít với cặp mắt dũng cảm và mái tóc dày dặn. “Một bím tóc dày như cánh tay tôi và vươn dài tới tận mắt cá chân!” là lời nhận xét đầy kịch tính của cô Mademoiselle. Vì đây từng là chính cô – nhưng cặp mắt tôi chỉ vô vọng khi cố tìm ra hình ảnh sinh vật duyên dáng, bị bao bọc trong thân thể quen thuộc kia. Những khám phá của tôi và em trai chỉ càng làm tăng trở ngại cho nhiệm vụ ấy; và những người lớn chỉ trông thấy một cô Mademoiselle áo quần dày dặn ban ngày, càng chưa bao giờ trông thấy điều mà lũ trẻ chúng tôi từng thấy. Ấy là mỗi khi cô bị dựng dậy từ trong giấc ngủ bởi tiếng gào thét vì ác mộng của một trong hai anh em chúng tôi, áo quần xộc xệch, nến trong tay, một thoáng vải ren xuyên thấu trên chiếc váy ngủ màu đỏ máu vốn không thể che hết thể hình to lớn của cô, một phiên bản xấu xí của Jézabel trong vở kịch ngớ ngẩn của Racine rầm rập lao vào phòng chúng tôi trên đôi chân trần.
Suốt đời mình tôi đã là một người rất khó ngủ. Những người đi xe lửa, chỉ đặt báo sang bên cạnh, khoanh hai cánh tay ngốc nghếch của họ và lập tức có hành vi xúc phạm quen thuộc là bắt đầu ngáy o o, luôn làm tôi thấy kinh ngạc chẳng khác nào một thằng nhóc vô pháp vô thiên có thể thoải mái đại tiện trong lúc người tắm bồn mải chuyện vẫn đang hiện diện, hay là kẻ tham dự vào những cuộc biểu tình khổng lồ, hoặc gia nhập một liên đoàn chỉ để bị hòa tan trong đó. Ngủ nghê là thứ hội đoàn ngớ ngẩn nhất trên thế giới, với hội phí cao nhất và những nghi thức tàn bạo nhất. Đó là một sự tra tấn về tinh thần mà với tôi là hạ thấp giá trị bản thân. Sự căng thẳng và kiệt sức của nghiệp sáng tác thường ép buộc tôi, than ôi, phải nuốt một viên thuốc mạnh để cho phép mình một hoặc hai tiếng mơ ác mộng kinh khủng, hoặc thậm chí là để chấp nhận một chút giải tỏa khôi hài từ giấc ngủ ban ngày, cái cách mà một tay chơi lúc về già có thể phải lê bước tới cái chết êm ái gần nhất; nhưng tôi đơn giản là không thể làm quen được với sự bội phản mỗi đêm với cả lý lẽ, nhân tính và trí tuệ. Bất kể có mệt mỏi đến mức nào, nỗi đau khi phải chia lìa với nhận thức với tôi là điều đáng ghét không sao tả xiết. Tôi có thù với Somnus, tên đao phủ mang mặt nạ đen đã gắn chặt tôi với tấm thớt ấy; và nếu trong quá trình nhiều năm sau này, với cách tiếp cận của một sự phân rã triệt để hơn nhưng còn tức cười hơn thế, mà tôi thú thực là giờ đây nó đã làm giảm đi rất nhiều những nỗi sợ thường thấy của tôi với giấc ngủ, và tôi đã trở nên quen thuộc với nỗi khổ ban đêm của mình đến mức gần như là vênh váo trong lúc chiếc rìu xưa nhấc lên khỏi cái hộp đại hồ cầm viền nhung to lớn của nó, lúc đầu tôi không có được sự thoải mái hay phòng vệ như thế: tôi không có gì cả – chỉ trừ một ngọn đèn chiếu lệ từ cái chân đèn hứa hẹn tươi sáng trong phòng ngủ của Mademoiselle. Nhờ chỉ thị của vị bác sĩ gia đình nhà chúng tôi (Xin chào ông, bác sĩ Sokolov!) mà cửa phòng cô vẫn để hé mở. Vệt sáng nhẹ thẳng đứng của nó (mà những giọt lệ của đứa trẻ có thể chuyển thành những tia sáng cảm thông rực rỡ) là thứ mà tôi có thể bám víu lấy, vì trong bóng tối tuyệt đối, đầu tôi sẽ bập bềnh và tâm trí tan chảy ra trong một cảnh vật lộn với cái chết giả.
Đêm thứ Bảy thường là, và đáng lẽ phải là, một viễn cảnh đáng vui mừng, bởi đó là đêm mà cô Mademoiselle, một người thuộc về kiểu vệ sinh cá nhân xưa cũ và coi toquades anglaises1 của chúng tôi chỉ là nguồn gốc của những cơn cảm lạnh, chiều chuộng bản thân trong thú vui xa xỉ hiểm nguy bằng buổi tắm táp hàng tuần. Vì vậy cô sẽ gia ân thêm thời gian cho nguồn sáng mong manh của tôi. Nhưng rồi một nỗi khổ khó thấy hơn lại bắt đầu.
Lúc đó chúng tôi đã chuyển đến dinh thự trong thành phố, một khối kiến trúc kiểu Ý bằng đá gra-nít của Phần Lan, do ông ngoại tôi xây khoảng năm 1885, với những bức bích họa trên trần tầng ba và cửa sổ lồi ở tầng hai, trong thành phố St. Petersburg (ngày nay là Leningrad), số 47 phố Morskaya (giờ là Hertzen). Trẻ con ngụ ở tầng ba. Năm 1908, cái năm nói đến ở đây, tôi vẫn đang dùng chung phòng trẻ với em trai. Phòng tắm được phân cho cô Mademoiselle nằm ở cuối hành lang hình dích dắc cách phòng ngủ của tôi tầm hai mươi nhịp tim, và khi bị giằng xé giữa nỗi sợ cô quay từ phòng tắm về phòng ngủ sáng đèn cạnh phòng chúng tôi sớm và niềm ghen tị trước tiếng khò đều đặn khe khẽ của em trai tôi đằng sau tấm màn nhật chắn giữa hai đứa, tôi thực sự chưa bao giờ có thể tận dụng khoảng thời gian thêm thắt này hữu dụng bằng cách lặng im chìm vào giấc ngủ trong lúc một khe sáng giữa bóng tối vẫn còn giữ một phần trong tôi tỉnh táo giữa sự vô tri. Rồi cũng đến lúc những bước chân kiên quyết kia tiến lại, nặng nề bước dọc lối đi và làm cho vật thể bằng thủy tinh mong manh nào đó, vốn đã bí mật chia sẻ buổi thức đêm cùng tôi, rung lên buồn khổ trên giá của nó.
Giờ thì cô đã vào phòng mình. Một sự thay đổi lớn nơi cường độ ánh sáng cho tôi biết rằng cây nến trên bàn đầu giường của cô đã nhận công việc của cụm đèn trần vừa tắt ngóm, sau khi nó đã tăng thêm đến hai bậc ánh sáng tự nhiên, rồi phi tự nhiên chỉ bằng vài lần bật công tắc. Nguồn sáng của tôi vẫn còn đó, nhưng nó già cả, yếu ớt và lập lòe mỗi lần Mademoiselle làm chiếc giường kêu cọt kẹt bằng cách cựa mình. Vì tôi vẫn nghe tiếng cô. Bấy giờ là tiếng sột soạt của giấy bạc mang tên “Suchard”; rồi lại đến tiếng rẹt-rẹt-rẹt của con dao cắt hoa quả cắt vào các trang giấy của cuốn tạp chí La Revue dé Deux Mondes. Khoảng thời gian suy tàn đã bắt đầu: cô đang đọc Bourget. Không có từ nào của ông ta cứu sống ông được. Tận thế đã gần kề. Tôi đang khổ sở cực kì, cố gắng trong tuyệt vọng để khơi gợi giấc ngủ, cứ vài giây lại mở mắt để kiểm tra ánh sáng đang nhạt dần, và tưởng tượng ra thiên đường là nơi mà một người hàng xóm mất ngủ sẽ đọc cuốn sách dài bất tận bên ánh sáng của một ngọn nến vĩnh cửu.
Điều không thể tránh khỏi đã đến: chiếc hộp đựng kính đóng lại với một tiếng sập, cuốn tạp chí đặt lại trên mặt đá của chiếc tủ đầu giường, cặp môi mím chặt của Mademoiselle thổi phì phì; nỗ lực ban đầu thất bại, ngọn lửa chao đảo cuộn mình lại và né tránh; rồi đến lần tấn công thứ hai, và ánh sáng gục hẳn. Trong bóng tối thăm thẳm ấy, tôi mất luôn sức chịu đựng, chiếc giường như đang chầm chậm trôi dạt, nỗi hoảng loạn làm tôi phải ngồi bật dậy và nhìn chằm chằm; rốt cuộc cặp mắt đã điều chỉnh với bóng tối của tôi cũng nhận ra, giữa đám vật thể bơi trong nội nhãn, một hình ảnh mờ mịt quý giá vẫn trôi trong cơn mê vô định, cho đến khi chúng sực nhớ ra, ổn định lại và trở thành những nếp gập trong bóng tối của tấm màn che cửa sổ mà đằng sau chúng, những ngọn đèn đường vẫn đang sáng tỏ ở chốn xa xăm.
Những rắc rối của ban đêm mới hoàn toàn lạ lẫm làm sao nếu so với những buổi sáng náo nhiệt của St. Petersburg, khi mùa xuân mãnh liệt và dịu dàng, ẩm thấp và lấp lánh của vùng Cực Bắc đã tống khứ lớp băng vỡ xuống dòng Neva xanh màu đại dương! Nó làm cho các mái nhà tỏa sáng. Nó nhuộm bùn trên các con phố thành một màu xanh ánh tím đậm đà mà tôi chưa bao giờ bắt gặp ở bất kỳ nơi nào khác kể từ hồi đó. Trong những tháng ngày huy hoàng on allait se promener en équipage1 ấy – cách nói của Lục địa già thịnh hành trong thời điểm đang nhắc đến. Tôi có thể dễ dàng cảm nhận lại sự thay đổi đầy thích thú từ chiếc polushubok2 độn dày khừ dài đến đầu gối, với lớp cổ áo bằng lông hải ly nóng rẫy, sang chiếc áo choàng ngắn màu xanh hải quân với những núm khuy bằng đồng mang hình mỏ neo. Trên cỗ xe ngựa mui trần, tôi nhập hội với một chồng chăn che đùi cùng những người chiếm phần ghế sau thú vị hơn, Mademoiselle đường bệ, và cậu bé Sergey đắc thắng, mắt lệ nhòa. Tôi và nó vừa mới có một trận cãi nhau ở nhà. Thỉnh thoảng tôi lại đá thằng bé dưới lớp chăn chung, cho đến khi Mademoiselle phải nghiêm khắc bảo tôi dừng lại. Chúng tôi lướt qua những cửa sổ trưng bày của tiệm Febergé, những món đồ quái lạ bằng khoáng vật của họ, những cỗ troyka đá quý gắn bên trên trứng đà điểu bằng cẩm thạch, và những thứ tương tự được gia đình Hoàng gia đánh giá cao, nhưng với gia đình chúng tôi, chúng chỉ là biểu trưng của sự lòe loẹt xấu xí. Chuông nhà thờ đang đổ, chú chim hoàng yến đầu tiên bay cao bên trên mái vòm Cung điện, chỉ một tháng nữa là chúng tôi sẽ quay về thôn quê; và trong lúc nhìn lên tôi có thể trông thấy những tấm phù hiệu khổng lồ, phẳng lì, nửa xuyên thấu đang phồng gió, chúng được căng trên những sợi thừng giăng từ mặt nhà bên này sang bên kia, cao bên trên mặt phố. Ba dải màu rộng của nó – đỏ nhạt, xanh lam nhạt và một màu đùng đục – bị ánh mặt trời và bóng đổ của những cụm mây bay tước đoạt bất kỳ mối liên quan sỗ sàng nào, nếu có, với một ngày hội quốc gia, nhưng giờ đây trong thành phố của ký ức, không nghi ngờ gì chuyện tinh thần của cái ngày mùa xuân ấy, lớp bùn mới hiện, sự khởi đầu của những dỗi hờn, chú chim ngoại lai xù lông với một bên mắt vằn đỏ trên mũ của Mademoiselle ấy, đang được tụng ca.
Orkid dịch
(Tác phẩm Nói đi, ký ức đã được Bách Việt xuất bản. Trân trọng cảm ơn Bách Việt đã đồng ý cho Zzz Blog đăng lại đoạn trích trên.)
Chấm sao chút:
Đã có 1 người chấm, trung bình 5 sao.
Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3