Thời gian đọc: 7 phút

Aeneis là sử thi bằng tiếng Latin cổ điển của Publius Vergilius Maro, còn gọi là Vergil. Aeneis kể về con trai nữ thần Venus là Aeneas, người đã chạy khỏi Troia trước khi tòa thành rơi vào tay Hy Lạp. Dẫn đầu một đoàn người tị nạn, Aeneas lên đường sang Ý, nơi mà theo số phận định sẵn thì chàng sẽ thành ông tổ của người La Mã.

 

Aeneis được sáng tác vào khoảng 29-19 TCN, trong một thời kỳ đầy biến động ở La Mã. Năm 27 TCN, sau khi chấm dứt các cuộc nội chiến, Gaius Octavius lên nắm quyền cai trị La Mã và trở thành Hoàng đế La Mã đầu tiên, lấy tên là Augustus. Vergil – một thi sĩ được Augustus mến mộ – đã viết sử thi với sự bảo trợ của Augustus nhằm kiến tạo nguồn gốc và sự chính đáng mang tính thần thoại cho nhà nước La Mã mới. Khác với các sử thi Hy Lạp truyền miệng, Aeneis được viết thành văn với phong cách và tầm nhìn của riêng Vergil. Aeneis ngay lập tức được quý tộc và công chúng La Mã chào đón; lời thơ của Aeneis còn được khắc bậy lên tường nhà ở các thành phố như Pompeii. Aeneis cũng truyền cảm hứng cho nhiều thi sĩ sau này như John Milton và Dante Alighieri.

 

Dưới đây là một đoạn của bản chuyển ngữ Aeneis trực tiếp từ tiếng Latin sang song thất lục bát tiếng Việt. Trích đoạn này lấy từ cuốn I, sau khi vua gió Aeolus nhận lệnh thần Juno và lùa gió đi tấn công đoàn thuyền của Aeneas (ở đây phiên âm là Ai-nê). Thấy gió bão lộng hành mà chưa xin phép mình, thần biển Neptune vào cuộc.

Nguyễn Bình

 

Aeneis I, dòng 124-156

 

Thấy mặt bể bão bùng bề bộn,[1]

Thấy đáy sâu nước đọng dập dềnh,

Nép-tuyn[2] nặng nỗi bất bình,

Nâng vừng trán lặng trông hình sóng khơi.

Quân Ai-nê rạc rời hết cả,

Thân Troi-a trời giã bể giày.

Nhớ bà chị gái thù say,

Vừa nhìn, thần đã hiểu ngay chiêu trò.

 

Liền cất giọng trước sau quát tháo,

Mắng những tuồng vũ bão tây đông:

“Sinh ra ngạo quá phải không?

Chưa lệnh mà đã ngông ngông đất trời!

Nhiêu núi nước ai đòi mà dẫy,

Chúng mày đà đến vậy thì ta…[3]

Thôi giờ dọn hết phong ba,

Tội sau sẽ phạt khác xa thế này!

Mau mà bay theo đường chín chắn,[4]

Về chầu vua thì nhắn nghỉ rằng:

Cầm đinh ba, trị biển bằng,

Số ta đã định, chớ hòng bon chen.

Cứ để nghỉ quản miền núi dữ,

Nhà bọn mi cũng ở đấy thôi.

Miễn là ngục gió then cài,

Tha hồ bày vẽ những bài quân vương.”[5]

 

Thần ra tay mau hơn truyền lệnh,

Bể sóng cồn thoắt tĩnh tứ phương.

Mây đùn thoắt tản trăm đường,

Trời đen thoắt thấy rỡ ràng nắng khô.

Tri-tông[6] với Quy-mo-thuê[7] nữa,

Rặng đá ngầm nham nhở dẫm lên.

Hai mình gồng sức hải tiên,

Ấn lưng vào đá, ẩn thuyền ra xa.

Một đinh ba, thần nâng cả đội,

Rẽ cát ngầm, mở lối thênh thênh.

Bể khơi thần trị cho bình,

Bánh xe lướt sóng nhẹ tênh một đường.

Như nước lớn bình thường bạo loạn,

Đám dân đen căm hận bời bời.

Sỏi bay, đuốc cháy ngợp trời,

Cơn cuồng trao tặng cho người vũ trang.

Ví thấy ai lần đường bước tới,

Vốn siêng công trạng, giỏi hiếu trung,

Phiến quân đứng lặng nghe rằng,

Bỗng hồn quy phục, bỗng lòng an nhiên.[8]

Trận sóng cả đã yên thế đấy,

Êm trời nhìn chỉ thấy uông dương.

Cha già thúc ngựa nhẹ nhàng,

Chiến xa một chiếc lỏng cương bay về.

Nguyễn Bình dịch

 

 

Bản gốc tiếng Latin cổ điển của Vergil

Interea magno misceri murmure pontum,
emissamque hiemem sensit Neptunus, et imis
stagna refusa vadis, graviter commotus; et alto
prospiciens, summa placidum caput extulit unda.
Disiectam Aeneae, toto videt aequore classem,
fluctibus oppressos Troas caelique ruina,
nec latuere doli fratrem Iunonis et irae.
Eurum ad se Zephyrumque vocat, dehinc talia fatur:

‘Tantane vos generis tenuit fiducia vestri?
Iam caelum terramque meo sine numine, venti,
miscere, et tantas audetis tollere moles?
Quos ego—sed motos praestat componere fluctus.
Post mihi non simili poena commissa luetis.
Maturate fugam, regique haec dicite vestro:
non illi imperium pelagi saevumque tridentem,
sed mihi sorte datum. Tenet ille immania saxa,
vestras, Eure, domos; illa se iactet in aula
Aeolus, et clauso ventorum carcere regnet.’

Sic ait, et dicto citius tumida aequora placat,
collectasque fugat nubes, solemque reducit.
Cymothoe simul et Triton adnixus acuto
detrudunt navis scopulo; levat ipse tridenti;
et vastas aperit syrtis, et temperat aequor,
atque rotis summas levibus perlabitur undas.
Ac veluti magno in populo cum saepe coorta est
seditio, saevitque animis ignobile volgus,
iamque faces et saxa volant—furor arma ministrat;
tum, pietate gravem ac meritis si forte virum quem
conspexere, silent, arrectisque auribus adstant;
ille regit dictis animos, et pectora mulcet,—
sic cunctus pelagi cecidit fragor, aequora postquam
prospiciens genitor caeloque invectus aperto
flectit equos, curruque volans dat lora secundo.

 

 

 

[1] Bản gốc viết là “interea magno misceri murmure pontum”, trong đó âm đầu /m/ được lặp lại đến 4 lần để mô phỏng tiếng sấm. Theo tôi, tiếng sấm của âm /m/ này không phải là tiếng sấm đánh ruỳnh ruỳnh trực tiếp vào tai, mà là sấm râm ran trên mặt biển, vọng vào tai Neptune trong cung điện ở nơi đáy nước.

[2] Nép-tuyn (Neptune): thần biển trong thần thoại La Mã, là em trai của thần Iuno và được đặt ngang hàng với Poseidon của Hy Lạp. Trong Odysseia, những cơn cuồng nộ của Poseidon chính là căn nguyên mười năm trôi nổi giữa đại dương của Odysseus, nhưng trong Aeneis, có thể thấy thần Neptune điềm tĩnh đến lạ thường.

[3] Neptune chỉ thốt lên “quos ego” (lũ chúng mày thì tao), rồi tự cắt lời mình để chuyển sang một câu nói nhẹ giọng hơn. Đây là ví dụ của phép lặng hóa (tạm dịch từ chữ aposiopesis, bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ điển là “ἀποσιώπησις” – trở nên im lặng), một phép tu từ phổ biến trong văn học cổ điển phương Tây. Theo định nghĩa ngữ pháp nghiêm ngặt nhất, phép lặng hóa là khi một câu điều kiện thể hiện cảm xúc mới chỉ được nói hết phần mệnh đề điều kiện thì bị đứt quãng, thường là vì nhân vật không dám hoặc không muốn đề cập tới hệ quả của điều kiện đi trước, song người đọc vẫn có đủ thông tin để biết hệ quả này có đại ý như thế nào. Chẳng hạn, trong Kinh Thánh, Sách Thánh Vịnh 27:13 có viết: “Nếu tôi không tin chắc rằng sẽ thấy ơn của Đức Giê-hô-va tại đất kẻ sống …” (trích bản dịch của Phan Khôi), rồi bỗng dưng đứt quãng, không hoàn thành mệnh đề chính của câu điều kiện. Tuy nhiên, một cá nhân đọc Sách Thánh Vịnh đều hiểu được rằng nhân vật nói câu trên ắt sẽ sa ngã, sẽ suy sụp tinh thần, v.v. nếu không tin rằng mình sẽ thấy được ơn của Đức Giê-hô-va. Trong nhiều bản dịch Kinh Thánh (bao gồm cả bản của Phan Khôi), dịch giả tự thêm thắt mệnh đề chính cho câu điều kiện để làm minh bạch ngôn từ, song trong nguyên bản bằng tiếng Do Thái, nhân vật chỉ nói mệnh đề điều kiện rồi tự cắt lời mình, tương tự như Neptune ở đây.

[4] Dòng này dịch xuôi một phép chơi chữ của Neptune. Ông bảo các cơn gió là “maturate fugam”, trong đó “fugam” là danh từ chỉ sự bay, còn “maturate” vừa có thể hiểu là “khiến cho mau lên”, vừa có thể hiểu là “trưởng thành”. Lối nói đa nghĩa này thể hiện rõ thần thái điềm tĩnh của Neptune: thay vì buông lời mắng mỏ, răn đe các cơn gió, ông muốn chúng bay nhanh trở về phong vương Aeolus, và theo chuyến bay đó thì cũng trưởng thành, cũng bớt ngông cuồng đi.

[5] Cặp lục bát này tôi dịch thoát ý từ câu gốc là “illa se iactet in aula Aeolus et clauso ventorum carcere regnet” (Aeolus làm lãnh chúa trong sân chầu đó và làm vua ngục gió đóng chặt cửa). Dù sự lặp ý là đặc thù điển hình của thơ Vergil, tôi thấy rằng nếu dịch cả ý “làm lãnh chúa” của động từ “se iactet” lẫn ý “làm vua” của động từ “regnet” thì nghe sẽ rất lủng củng đối với độc giả Việt. Ngoài ra, cả hai động từ “làm lãnh chúa” (se iactet) và “làm vua” (regnet) đều không có sắc thái nhấn mạnh vào danh hiệu “lãnh chúa” hay “vua”, mà nhấn mạnh vào sự “làm”, ngụ ý là Neptune khinh thường cái thứ vương quyền trong tay Aeolus. Do đó, tôi gộp ý của “làm lãnh chúa” và “làm vua” thành một cụm thống nhất là “bày vẽ những bài quân vương.”

[6] Tri-tông (Triton): một chàng tiên cá (nửa thân trên là người, nửa thân dưới là cá), con trai của thần Neptune và nữ thần nước mặn Salacia.

[7] Quy-mo-thuê (Cymothoe): một nàng tiên biển (Nereis) từ thần thoại Hy Lạp.

[8] Đây là phép so sánh mở rộng (extended simile) đầu tiên của Aeneis, nổi bật nhờ màu sắc chính trị La Mã đương thời. Vergil so sánh hành động làm dịu gió bão của thần Neptune với một quan chức La Mã dùng lời lẽ khôn ngoan để thu phục một đám thường dân nổi loạn. Đây là một hình tượng đặc biệt, nhất là khi ta nhớ lại rằng tương truyền, sử thi Aeneis đã được Vergil sáng tác với sự ủy nhiệm và bảo trợ của Augustus, Hoàng đế La Mã đầu tiên. Thời đại Augustus không những đánh dấu hồi kết của các cuộc biến loạn dai dẳng, tiêu biểu như của Marcus Antonius và Cleopatra ở Ai Cập, mà còn từ đó mở ra giai đoạn Thái bình La Mã (Pax Romana). Hình tượng quan chức La Mã thu phục lòng dân theo đó có thể được hiểu như mắt xích trung gian của một phép so sánh bắc cầu, qua đó Hoàng đế Augustus sánh ngang với thần biển thông qua trung gian là nhân vật quan chức vô danh, còn các cuộc phản loạn bị Augustus dẹp thì được ví với bão tố siêu nhiên thông qua hình ảnh trung gian là đám đông nổi loạn. Theo Lee Fratantuono (2015), “ở cuộc thu phục gió bão của Neptune ở cuốn I của Aeneis, chúng ta thấy cái bóng của trận hải chiến Actium và chiến thắng đánh dấu hồi kết của Antonius và Cleopatra – cái chiến thắng mà sau này được kỷ niệm như buổi bình minh của La Mã thời Augustus.”

Chấm sao chút:

Đã có 9 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3