Thời gian đọc: 19 phút

Nay đã là 28 Tết, đã đến nước này cũng phải chấp nhận bánh chưng ăn Tết không có thịt bò Wagyu, ngồi trong quán café gõ những dòng này sau khi ngạo nghễ từ chối vài chiếc job để viết blog, tôi tự thấy mình xứng đáng được trao huân chương đại sứ văn hoá đọc. Theo truyền thống 3 năm qua, đáng lẽ bài viết nhìn lại một năm đọc sách phải được gói trong năm dương lịch, nhưng tôi đã lần lữa mãi tới tận bây giờ âu cũng bởi tự thấy năm qua mình làm gì chứ mình không đọc sách. Bữa xem bộ phim The Banshees of Inisherin của Martin Macdough, có ông nhạc sĩ từ mặt thằng bạn nhạt như nước chỉ để có thời gian sáng tác ra bản nhạc để đời, tôi bỗng tự hỏi bây giờ nếu mình tắt hết messenger, whatsapp, zalo, instagram với mỗi ngày phải vài trăm tin nhắn từ các loại mối quan hệ bạn bè gần xa bà con cuối phố, từ mặt tất cả để ngồi chỉ đọc sách thì sao nhỉ?

Nhưng việc không có thời gian đọc sách – mỗi ngày lắm khi chỉ đọc được một khổ sách – cũng khiến tôi vỡ ra một vài thứ mới mẻ với riêng mình về sự đọc. Tôi còn nhớ cái khoảnh khắc ấy, khi tôi đang đọc Speak, Memory của Vladimir Nabokov, một cuốn sách tôi mất cả tháng mới đọc xong dù tương đối mỏng. Bạn cũng biết rồi, Nabokov là kiểu nhà văn tả con thiên nga với cùng sự say sưa khi ông tả một con người; tả cái hộp đựng bút cũng với  sự công phu như tả một buổi hoàng hôn; nỗ lực nhớ tên một con chó của ông cũng kiên trì như khi hồi tưởng lại về người cha quý tộc từng làm cho nội các của thủ tướng lâm thời; chiếc vali hay đoàn tàu hoả trong văn ông cũng đầy đủ số phận như số phận một người thầy giáo.

Đọc Nabokov là đọc sự tráng lệ vô tận trong cái vặt vãnh nhất, một tiếng vỡ của hạt óc chó cũng ngân nga như giọng đọc một bài thơ. Một con bươm bướm cũng là vương quốc. Và thật ra Nabokov không gợi ý cho ta một cách viết, mà đúng hơn, ông gợi ý cho ta một cách đọc (vừa là đọc sách mà cũng là đọc thế giới), mà trong đó, sự đọc có thể không cần bao phủ độ rộng dài, sự đọc có thể xảy ra ở những ngách hẹp nhất, sự đọc có thể xảy ra trong một đoạn, trong một câu, thậm chí trong một từ.

Chẳng hạn, tôi học được một từ của Nabokov: Fata Morgana. Thay cho từ mirage (ảo ảnh), ông dùng từ Fata Morgana, nghĩa là “Nàng tiên Morgan”, một nhân vật trong huyền thoại về Vua Arthur, sau được lấy làm thuật ngữ chỉ những ảo ảnh lâu đài ở đường chân trời thường được thấy ở Vịnh Messina mà người ta tin là do Nàng tiên Morgan biến hoá thành. Trong Speak, Memory, Nabokov dùng từ đó để miêu tả một bài thơ của Lermontov về một tu sĩ lang thang. Đấy, có nhõn một từ, mà rồi người ta có thể dành cả ngày để đọc về huyền thoại chứa trong cái tên ấy, về số phận của cả một nhân vật, cả một truyền kỳ. Sự đọc có thể diễn ra trong phạm vi chật chội đến thế, mà sâu thẳm đến thế.

Speak, Memory nghiễm nhiên nằm ở vị trí số 1 trong danh sách rút gọn gồm 6 cuốn của tôi, (tôi thầm ước có thể dịch cuốn sách sang tiếng Việt một ngày nào đó, một ngày khi tôi nghỉ chơi hết bạn bè để chắt chiu thời gian cho một điều gì bõ công). Với tôi, đọc Speak, Memory mang đến sự sung sướng diễm lệ không thèm tiết chế, từng đoạn từng đoạn đều kỳ công như một bữa fine-dining đắt xắt ra miếng và ngon ná thở. Chính Speak, memory cũng đặt cho tôi bộ tiêu chí để tôi chọn ra những cuốn sách sau đây, những cuốn sách mà mỗi chương đều có thể là tuyệt tác, ta chỉ cần giở đại một trang cũng có thể bắt được vài câu ta muốn lấy ra cất vào tim mình mãi mãi không rời, những cuốn sách mà ta sung sướng khi nghĩ đến việc có thể đọc nó trước khi đi ngủ, lòng ta tràn đầy sự biết ơn với bất kể lực lượng vũ trụ nào đã ấn định cho ta ở đây, lúc này, cầm trên tay cuốn sách.

Thực lòng có những cuốn tôi rất muốn viết thêm, nhưng thời gian, ôi thời gian thứ không bao giờ đứng về phe ai cả, đành chấp nhận chỉ liệt kê 6 cuốn và bonus một vài cái tên ở cuối blog này.

2. Kafamda Bir Tuhaflık Xa lạ trong tôi – Orhan Pamuk

(dịch giả Thiên Nga – Nhã Nam và NXB Hà Nội)

Một ký ức mà tôi sẽ nhớ mãi của năm 2022, đó là khi tôi được nhìn thấy Orhan Pamuk bằng xương bằng thịt trong một buổi chuyện trò của ông ở thành phố New York. Ông đẹp và thông minh như tôi vẫn nghĩ, nhưng hài hước hơn. Chỉ tiếc, trong lúc ông đang thao thao bất tuyệt trên sân khấu, tôi – sau một ngày đi bộ rã rời gần hai mươi cây số – đã quá mệt mỏi để mà tải thêm cái gì vào đầu và ít nhất là hơn ba lần trong suốt một tiếng đồng hồ tôi đã toan gục xuống, nhưng vì ngồi ở dãy ghế thứ 2 nên đã cố gắng gượng để không tỏ ra là một bạn đọc thất thố.

Tôi đọc Xa lạ trong tôi vào đầu năm nay, cuốn tiểu thuyết dài 600 trang mà ông dành tới 6 năm để viết. Ông kể rằng mỗi ngày mình viết 10 tiếng, miệt mài cầm bút viết (theo nghĩa đen, chứ không phải gõ máy), tỉ mỉ kể lại cuộc đời Mevlut, một người bán hàng rong trên phố phường Istanbul, bán boza, bán sữa chua, bán cơm gà, bán kem, và không vì viết tay mà ông “làm biếng” bỏ qua cận tả một nồi súp sôi lục bục với những miếng khoai tây trôi như những hành tinh ngoài vũ trụ bao la để hối thúc câu chuyện diễn ra nhanh hơn. Và nói cho đúng, ông đã bằng đôi tay mình, đẽo gọt cuộc đời người ấy, đẽo gọt ký ức Istanbul, đẽo gọt một vọng ước về những điều luôn lẩn khuất: như đôi mắt sáng trong của người vợ đã từng nếm trải hạnh phúc ngọt lành. Ông đã đẽo gọt cuốn tiểu thuyết này theo cách của một nhà điêu khắc.

Nếu như Istanbul trong Bảo tàng ngây thơ là một bảo tàng, Istanbul trong Hồi ức về một thành phố là kỷ niệm, là bức tranh, thì Istanbul ở Xa lạ trong tôi đích thị là một nghĩa trang.

Chương 18, phần 4 của Xa lạ trong tôi, Pamuk mở đầu bằng chuyện một ngày nọ, một tàu buôn bị đắm ở Bosphore và hai mươi ngàn con cừu rơi xuống biển. Một số con chết đuối trên biển, một số con dạt vào thành phố, tràn lên đường xá, con nào cũng thật mong manh, buồn tủi và cuồng giận. Mevlut, tên nhân vật chính của chúng ta, người bán boza muôn năm cũ, tự hỏi Thượng Đế muốn nhắn gửi điều gì mà cho cả đàn cừu sầu bi ấy tới đây. Trong mấy ngày, thành phố trở thành nghĩa trang cừu.

Istanbul ở Xa lạ trong tôi đích thị là một nghĩa trang. Nghĩa trang của loài người và loài cừu, nghĩa trang của những ngôi nhà tạm gecekondu, nghĩa trang của những khu ổ chuột, nghĩa trang của những người bán rong ảo não, và ngay cả khi Istanbul đã trở thành một thành phố hiện đại với những toà nhà chọc trời, thì cái rừng rậm cao tầng ấy cũng khiến ta tưởng tượng ra những nấm mộ bia san sát. Và có khi nào, sự đô thị hóa xét cho cùng cũng là một nghĩa trang của những hồi ức, và những tòa tháp nhấp nháy kia cũng là phiến đá xây trên xác của những gì đã bị vùi trong đất – như ngôi nhà tạm nơi cậu thiếu niên Mevlut từng thủ dâm, từng học bài, từng nghe cha ngáy, từng nấu cơm mỗi tối.

Nhân vật Mevlut cũng như một nấm mộ biết đi giữa Istanbul luôn đổi dời. Anh mê say Samiha, em gái của Rayiha, viết thư ròng rã suốt mấy năm trời cho nàng, rồi lại bị lừa để cưới Rayiha. Và trong khi những người anh em họ và bạn thân dần trở nên giàu có, anh vẫn vậy, ngày ngày quẩy gánh hàng của mình qua những con đường hẻo lánh, cất tiếng rao “Bozaaa” nghe thật não nề, và về sau, khách hàng mua tiếng rao ấy nhiều hơn là mua boza. Mevlut biết về mọi mất mát và nỗi đau, anh chứng kiến người vợ Rayiha qua đời, đứa con trong bụng mà cô định nạo đi cũng chết dù anh đã có sẵn cả một cái tên cho nó, người bạn từng thân nhất trong năm tháng tuổi trẻ của anh cũng chết, và cả cha anh người đã “thừa kế” cho anh nghề bán boza cũng không còn.

Mevlut khiến ta nghĩ đến bản nhạc “Donna Donna” về một chú bê (một sinh vật cũng yếu thế như cừu) với đôi mắt rơm rớm ngẩng nhìn trời, không biết tại sao mình lại dễ bị xẻ thịt tới vậy, không biết tại sao mình không có cánh như con chim én đang bay trong gió.

Có lẽ điều khác ở đây chỉ là, Mevlut đã thử tập bay – anh đã quản lý trong những nhà hàng nhỏ, đã trông xe, đã đi thu tiền điện, đã hưởng cảm giác làm chủ một quán boza, cũng có lúc tưởng chừng sẽ bứt lên như mọi người và cũng có lúc đã quyết lòng sẽ không lang thang bán boza nữa – xong đến cuối cùng vẫn chỉ còn anh với gánh hàng đè lên hai vai, nhưng là điều duy nhất anh làm trong một hạnh phúc mênh mang không dằn vặt.

Cuối cùng, người bán hàng rong chỉ hạnh phúc khi là một người bán hàng rong, và con cừu vẫn chỉ hạnh phúc khi là con cừu, chỉ hạnh phúc khi đi trên mặt đất, dẫu mặt đất đầy những đàn chó hoang đe dọa nó.

3. Atemschaukel – Nhịp thở chao nghiêng – Herta Muller

(dịch giả Đỗ Phương Thuỳ – Phanbook và NXB Hội Nhà Văn)

Nhịp thở chao nghiêng được Herta Müller cho phát hành năm 2009, cùng năm bà nhận giải Nobel và lên đọc diễn từ về một chiếc khăn mùi xoa. Đúng hơn là câu hỏi về một chiếc khăn mùi xoa mà mẹ bà sẽ thường hỏi mỗi khi thấy bà ra khỏi nhà: “Con có mang theo khăn mùi xoa chưa?”

Câu hỏi ấy với bà là một dạng thức của tình yêu. Rồi bà nhớ đến câu chuyện của nhà thơ Oskar Pastior, nhân vật nguyên mẫu của Leo Auberg trong Nhịp thở chao nghiêng, một thanh niên Đức sống ở Romania bị đưa vào trại lao động cải tạo Gulag ở Liên Xô sau Thế Chiến II như một sự trả lại cái tàn ác bằng chính sự tàn ác, người mà trong cuốn sách này cũng được một người đàn bà Nga bố thí cho một chiếc khăn mùi xoa, với hy vọng anh có thể trở về nhà và đứa con trai trạc tuổi anh của bà cũng có thể trở về nhà. Một món đồ thật tầm thường nếu như anh đang ở nhà, nhưng vì lúc này, “nhà” là một nơi xa ngái, nên bỗng chốc, vẻ đẹp của nó khiến anh đau đớn. Anh dùng nó để xì mũi, để quàng khăn, để chấm những giọt nước mắt mà anh tự phỉnh phờ mình rằng đó là nước mắt lạnh.

Nhịp thở chao nghiêng gồm rất nhiều chương nhỏ, mỗi chương kể về một thứ, hoặc một điều, hoặc một người cụ thể trong thế giới Gulag. Thường là những thứ nhỏ tới li ti, như xi măng, than đá, hay mẩu bánh mì, hay một mái tóc, hoặc một cô gái tâm thần ăn kiến và nhện, một người bị rơi vào hố vữa và mãi mãi không còn ngoi lên được nữa. Tất cả những kẻ ở đây như những kẻ phạm nhân trong Trại Lao Cải của Franz Kafka, không biết bản án là gì, mà tại sao phải biết, có biết cũng chỉ là một kiểu thủ tục mà thôi, điều quan trọng hơn cả là đòn hành hình thì da thịt sẽ tự biết mà không cần ai phải nói.

Thế giới Gulag ảm đạm và sơ sài tới mức người ta có thể lên một danh sách tách bạch những gì hiện hữu để mà nhớ lại. Chỉ có bằng ấy thứ quanh ta và ta còn biết làm gì ngoài hão huyền và nhân tính hoá về chúng để duy trì chính sự tỉnh táo đang trên bờ vực chấp chới của mình? Con người phát triển một mối quan hệ với từng thứ vật chất như rau tân lê, một chiếc xẻng tim, một bể hoá chất, nhưng con người đã suy thoái đến mức từ chủ ngữ bị giáng thành tân ngữ trong câu.

Một số văn sĩ mở rộng ngôn từ theo trục hoành, như Shakespeare, bằng cách sáng tác ra từ ngữ mới và đào ngữ vựng theo chiều ngang, một số như Herta Müller, những người mở rộng ngôn từ theo trục tung, không cần dùng từ mới nhưng lại thay đổi kết cấu cơ bản của nó, thay đổi những nguyên tử cấu thành bên trong nó, để xi măng không còn là xi măng nữa, và giấc mơ cũng không còn là giấc mơ mà trở thành một đòn trả đũa, ngay cả con người cũng chẳng còn nguyên vẹn là con người, con người trở thành xi măng, xi măng trở thành kẻ trộm, kẻ trộm lại thành…, cứ thế. Đọc Herta Müller như bước vào một lễ bốc mộ ngôn từ, những xác từ đã đổi thay về nghĩa, chỉ còn bộ xương ngôn từ trắng hếu phô ra nhưng thịt của ngôn từ thì đã phân huỷ.

Nhân vật Leo Auberg đã đi qua một hành trình chết đi sống lại để về nhà. Nhưng anh không phải  một người hùng trong tiểu thuyết truyền thống rời khỏi “vương quốc” để bước vào hành trình khám phá một “kho báu” nào đó. Anh về nhà và vẫn không hơn gì một cái quan tài rỗng, chẳng đựng cái xác nào ở trong nó. Kho báu duy nhất anh thu hái được chỉ là anh “đã từng ở đó”. Trước và sau Gulag, không có anh. Anh làm sao xây đắp được những ký ức mới trong khi những ký ức không chịu ngủ yên – những ký ức cũ như một bao xi măng ướt không bao giờ khô lại, không cho ta đắp gạch lên để che giấu nó.

Hình ảnh cuối cùng của Nhịp thở chao nghiêng, Leo Auberg nhảy với cái ấm pha trà, với lọ đường, với hộp bánh quy, với gạt tàn thuốc lá, với chìa khoá nhà, với điện thoại, với cả một hạt nho khô mà anh sẽ nuốt nó vào miệng và thấy một điều gì đó “xa xôi”. Một hình ảnh nên thơ khủng khiếp mà cũng đáng sợ tột cùng, nên thơ vì con người có thể nhìn ra điệu luân vũ bên trong những đồ vật tầm thường nhất, nhưng đáng sợ vì trước đó, anh đã định nói chuyện với một người đàn ông song anh lại thôi, anh muốn nói chuyện với một con chó song anh lại thôi, anh chỉ có thể giam linh hồn mình trong một căn phòng với đồ đạc vô tri, chẳng khác gì một người tự đào hố chôn mình, song nếu không tự chôn mình thì anh cũng đâu còn biết làm gì với mình thêm nữa.

  1. Zbabělci – Những Kẻ Hèn Nhát – Josef Škvorecký

(dịch giả Bình Slavická – NXB Phụ Nữ)

Vào thế kỷ 18, khi nghiên cứu về vùng Bohemia, sử gia âm nhạc Charles Burney đã đặt dân tộc Séc ngang hàng với dân tộc Ý như là những con người mang nhạc tính sâu đậm nhất ở châu Âu. Âm nhạc là yếu tính, là anima, là bộ nhiễm sắc thể của dân tộc Séc. Milan Kundera lấy cớ viết tiểu thuyết mà như để lý luận âm nhạc, còn Josef Škvorecký – người bạn thân thiết của Kundera sau khi cả hai cùng chịu phận lưu vong – cũng chịu bao vu khống và gièm pha chỉ vì đã cuốn tiểu thuyết đầu tay Những kẻ hèn nhát về Danny, một cậu trai yêu nhạc jazz và tin rằng mình chẳng làm được điều gì đó cả đời trừ chơi tenor saxophone và yêu những cô gái, trong 8 ngày cuối cùng của Chiến dịch Praha, chiến dịch lớn cuối cùng của Liên Xô và quân Đồng Minh trong Thế Chiến thứ 2 ngay sau cái chết của Adolf Hitler, tàn quân Đức đang rút lui và những phe phái chống phá lẫn nhau giữa buổi tao loạn.

Jazz! Jazz! Jazz! Thứ âm nhạc tôn thờ vị thần hỗn độn, phun trào dòng nham thạch của tự do và không bao giờ biết tới ngủ đông. Thứ âm nhạc mà trong từng khoảnh khắc đều ngùn ngụt một tình yêu sống, tự thứ âm nhạc ấy mang mối quan hệ nhị phân với sự tiêu vong vô nghĩa, hay nói cách khác, với chiến tranh bất kể ta thuộc phe nào. Thời lượng của jazz trong tiểu thuyết không nhiều, bởi thì giờ đâu để chơi jazz khi Danny cũng những người bạn trong ban nhạc của anh còn phải lẽo đẽo đi theo cách mạng, còn phải dầm mưa dãi nắng làm nhiệm vụ tuần tra, còn phải lần đầu tiên cầm súng, khẩu súng mà mới đầu, họ hãnh diện biết bao khi được chạm vào và chụp hình kỷ niệm. Song đôi khi, Danny không cần phải chơi jazz để sống trong jazz và sống trong mơ, vì jazz và những giấc mơ sống trong anh, dòng ý thức miên man không dứt của anh tựa những câu nhạc jazz mở ra vô vàn ứng tác nối đuôi nhau bất tận.

Ta cũng biết, nhạc jazz bắt nguồn từ người da đen, cụ thể là người da đen bị những chuyến tàu buôn nô lệ đưa tới Tân Thế Giới. Jazz, vì vậy, là nỗi hoài hương của những kẻ mất nhà, jazz là bóng ma nhảy múa của những ngôi nhà đã khuất trông. Nhưng với Danny, nhà anh ở đấy, cha mẹ anh ở đây, bạn bè anh ở đấy, thành phố Kostelec của anh vẫn ở đấy, anh nghĩ mình sẽ đi Praha nhưng anh đã đi đâu, anh vẫn đang ở chính nhà mình cơ mà, vậy thì có một cảm thức ly hương nào ở Danny không?

Câu trả lời là có. Anh đã lưu vong ngay khi chân còn chạm vào đất quê hương. Khi nhìn thấy những đội quân giải phóng hớn hở mang mùi hôi của vùng đài nguyên và những cánh rừng tuyết phủ cưỡi trên lưng những con ngựa hoàn toàn xa lạ, chẳng một ai biết chút gì về jazz, trong cái giây phút đáng ra phải dâng trào lòng biết ơn ấy, anh lại thấy chuyện chẳng can gì tới anh: “Tôi không có gì chống lại bất kỳ cái gì, miễn là tôi có thể chơi saxophone với nhạc jazz và ngắm nhìn các cô gái”. Và khi bài diễn văn, tiếng vỗ tay, tiếng hát đồng ca, lễ diễu binh, tiếng kèn đồng những bài ca ái quốc không phải nhạc jazz vang lên trên quảng trường mừng chiến thắng, dường như đã có một dự cảm khẽ nhói rằng cái thời đại Danny có thể ầm ĩ chơi những bản nhạc của Dixieland đã đến hồi chấm dứt. Hoà bình lập lại, song cái giá cho hoà bình là sự mất đi jazz, một thứ “kỳ cục nhố nhăng và điên loạn” trong mắt một số người, nhưng trong mắt một số người khác, là cuộc sống. Cái tổ ấm âm nhạc và lục địa ký ức của một thời đầy jazz đầy những quán bar ấy đang lung lay tới tận nền móng, và Danny sẽ thành kẻ lưu đày đi lạc.

Những trang cuối của Những kẻ hèn nhát tựa một đoạn finale trong một bản giao hưởng jazz hoa lệ, với tất cả những xúc cảm sống động nhất nổ giòn như pháo hoa, khi Danny cầm hộp kèn saxophone tới quảng trường, cùng những người bạn ngạo nghễ tấu lên khúc điệu jazz trong buổi hoàng hôn. Ngạo nghễ, bởi chỉ mới một lúc trước thôi nơi đây còn là diễn trường cho vị đại tướng phát biểu bài diễn văn hùng tráng và sự phản kháng cuối cùng của tay lính Đức bướng bỉnh, thế mà lúc này, những chàng trai và những cô gái thanh xuân lại tụ tập về đây chơi thứ âm nhạc “gây rối” không ai hiểu được. Quang cảnh như một hồi quang phản chiếu trước khi tất cả tắt lịm, trong giây phút đó, âm nhạc là tất cả mọi thứ, vừa là bài ca vinh quang của dân tộc mà cũng là lời xưng tụng những thiếu nữ mơn mởn, vừa là lời nức nở cho những người bạn đã vô duyên vô cớ bỏ mạng vì bom rơi đạn lạc đến lời nức nở cho những tên lính Quốc Xã tàn ác đã bị xử bắn không khoan hồng, nức nở cho cả sự bất lực của chính mình và cho cả ánh tà dương. Tất cả đều như nhau, tất cả đều tội nghiệp và đều đẹp đẽ, đều đã đến và đã qua, tất cả vừa cao quý vừa hoài vọng, tất cả đều đáng để ta cười vì nó và thổn thức vì nó. Chẳng điều gì tốt hơn điều gì, mộng ước và vỡ mộng cũng ngang bằng, cùng náu mình bên trong jazz, chỉ có ngôi nhà jazz có đủ phòng ốc khang trang cho mọi kẻ xin tị nạn, vì nó là “cuộc sống. Và đối với tôi nó là cuộc sống duy nhất. Tốt nhất và duy nhất có thể” – Jazz.

5. Hồi ký của Hector Berlioz – Hector Berlioz

(dịch giả Lê Ngọc Anh, Nguyễn Tuấn Anh – NXB Phụ Nữ)

Phải nói trước, Hector Berlioz không phải một nhà văn mà là một nhà soạn nhạc. Nhưng đọc hồi ký của nhà soạn nhạc, ta không khỏi trộm nghĩ rằng, nếu ông chẳng sáng tác âm nhạc thì hẳn ông sẽ là một văn sĩ bậc thầy. Ta đôi khi ngỡ mình đang đọc một tiểu thuyết hơn là một tự truyện. Berlioz như sở hữu một thứ giả kim thuật, biến mọi ngôn ngữ qua tay ông đều hoá thành vàng ròng, hoặc giả ông là một “kiến trúc sư” tái dựng lại đời mình trong toà nhà ngôn từ lộng lẫy như một cung điện Roccoco hoa mỹ, phù phiếm và ngông cuồng. Thậm chí, có những đoạn trong cuốn sách vang dội như một màn pháo hoa của xúc cảm trào dâng, khi u uất thì u uất đến sôi sục, khi tươi vui thì tươi vui như muốn bay lên, mà nhất là khi ông nổi hứng yêu hay ghét một điều gì đó. Bởi con người này yêu ai thì yêu đậm sâu, ngược lại, đã ghét cái gì thì thậm ghét, không có lập lờ ở giữa.

Đọc Berlioz chửi những người ông ghét mới gọi là sướng làm sao, dù có khi ta cũng chẳng biết người ông chửi là cái thằng bỏ mẹ nào. Trần đời, ông ghét nhất là những tay nhạc trưởng thích sửa lại tổng phổ của những nhạc sĩ lớn (mà ông tính mình là một trong số đó). Chẳng hạn có một đoạn khi bản cantate Sardanapale của Berlioz được biểu diễn ở Viện Hàn Lâm, dàn nhạc chơi trôi chảy cho đến đoạn cao trào, khi đáng lẽ theo tổng phổ, các nhạc cụ sẽ mồi âm cho nhau để đi đến đoạn bùng nổ biểu thị cho đám cháy lớn sau cùng, nhưng rất cuộc trường đoạn sụp đổ ấy lại biến thành một “ngọn lửa tắt ngóm”. Berlioz không giấu nổi sự phẫn nộ gầm rống của mình: “Ba vạn chín nghìn lần đáng nguyền rủa các nhạc công không biết đếm dấu lặng!!!” Phải, ông dùng tận ba dấu chấm than!

Nhưng ngay cả khi bạn chẳng quan tâm gì về âm nhạc thì đọc hồi ký của Berlioz vẫn cứ sướng như thường, vì ông là một bậc thầy khi viết về tình yêu. Nói thế này không biết phải quá không, nhưng tôi tin cuộc gặp gỡ với người yêu cũ mà ông kể lại trong đây thách thức những trường đoạn gặp lại hay nhất trong văn chương; ngay cả lần gặp lại giữa Frédéric và Marie trong Giáo dục tình cảm cũng không thể nào khiến ta xốn xang đến thế, ngay cả lần gặp lại giữa Bá tước Monte Cristo và vị hôn thê năm xưa Mercédès sau 23 năm cũng chỉ khiến ta luyến tiếc đến thế mà thôi, luyến tiếc cho một điều gì đó đã có thể thành, nhưng sau rốt, lại chẳng thành gì cả.

Cái cách mà ông nhìn một phiến đá và nghĩ về đôi chân nàng đã đặt lên nó, còn ông đang choán cùng một khoảng không nơi nàng từng choán giữ; cái cách mà ông ôm lấy một thân cây anh đào nơi nàng từng tựa vào, cái cách mà ông vẫn còn dày vò mình trong sự tan vỡ của mối tình đầu; cái cách mà ông nói lời vĩnh biệt lý tưởng tình yêu trong trẻo thuở nào; cái cách ông vẫn nhìn thấy ánh sáng nơi nàng dù nàng lúc này đã già nua nhăn nhúm; cái cách ông xin nàng cho ông lâu lâu lại được biên thư cho nàng, được đón tiếp con cái nàng – chỉ vậy thôi, cái cách mà ông cố gắng níu lấy tất cả dẫu biết rồi cũng sẽ tiêu tán hết thôi, rồi cũng sẽ chẳng gì còn lại, như Macbeth đã nói, âm thanh và cuồng nộ thì sao chứ, phỏng có ý nghĩa gì, so cùng sự rộng dài của thời gian thì ta chẳng khác chi những tên hề về với cát bụi.

6. Storia della bellezzaLịch Sử Cái Đẹp – Umberto Eco

(dịch giả Lê Thuý Hiền – Nhã Nam, NXB Thế Giới)

Bạn đã biết cảm giác ấy rồi, cảm giác xuýt xoa khi ngắm nhìn John Travolta khiêu vũ một mình trên sản nhảy trong tiếng nhạc của Bee Gees và cảm giác muốn quỳ gối trước chân dung lực sĩ người ném đĩa, cảm giác như bị thôi miên khi xem thước phim Anita Ekberg như tượng tác tắm dưới đài phun nước Trevi trong La dolce vitta – một trong những cảnh tình lãng mạn nhất lịch sử điện ảnh dù chẳng có nụ hôn nào – và cảm giác cứ dùng dằng đứng mãi trước những bức tranh mà Paul Gauguin vẽ những người phụ nữ Tahiti khoả thân, đang nằm dài hay đang chải tóc, trong một bảo tàng mỹ thuật ở New York.

Cảm giác ấy, cảm giác khi đứng trước một điều gì đó cao cả hơn, bao la hơn thế gian ô trọc – cảm giác khi ta diện kiến Cái Đẹp, đấng quân vương của đức hạnh. Nhưng ta sẽ tự hỏi, làm sao những thứ khác nhau như thế lại được gán chung dưới một vành ô mang tên Cái Đẹp? Cái Đẹp thực sự là gì?

“Nếu bò, ngựa và sư tử có tay hoặc có thể dùng móng mà vẽ, mà sáng tạo như loài người thì các bậc thần linh do ngựa vẽ sẽ giống loài ngựa, do bò vẽ sẽ giống loài bò, và cơ thể họ cũng sẽ có hình dáng tương ứng với loài vật ấy”, Umberto Eco trích lại một nhà hiền triết xứ Alexandria ở phần mở đầu Lịch sử cái đẹp, một công trình vĩ đại khác của ông bên cạnh những tiểu thuyết dày công.

Không đi tìm lời giải cho những bí mật trong cuốn sách thất lạc của Aristotle về hài kịch hay căn phòng bí mật finis Africae của mê cung thư viện như trong tiểu thuyết Tên của đoá hồng, cũng không đôn đáo lục tung ý nghĩa khoá trong bản thảo mật về những hội kín của các hiệp sĩ dòng Đền ấp ủ âm mưu chiếm đoạt thế giới như trong tác phẩm Con lắc của Foucault, lần này, Umberto Eco theo đuổi một thứ còn xa xưa hơn, nguy hiểm hơn, thần bí hơn và cũng lôi cuốn hơn tất thảy những điều trên cộng lại, ông theo đuổi Cái Đẹp. Cái Đẹp và lịch sử quanh co của nó trong nền văn hoá phương Tây.

Từ Cái Đẹp ghê gớm gây ra cuộc chiến tranh tàn khốc ở thành Troy của nàng Helen với bộ ngực lộng lẫy khiến kẻ báo thù cũng không thể xuống tay rửa hận đến Cái Đẹp tinh xảo chính xác của cỗ máy tra tấn trong truyện ngắn của Franz Kafka, từ Cái Đẹp hài hoà theo trật tự tỷ lệ của những công trình kiến trúc và những điệu thức âm nhạc thời cổ đại đến Cái Đẹp địa ngục của quỷ dữ, của hành hình và những cơn ác mộng trong thời Trung Cổ. Cái Đẹp, vũ trụ tưởng mơ hồ ấy như được nhìn qua một chiếc kính viễn vọng khổng lồ, để ta thấy hết những tinh vân, những cột khí, những hố đen, những thiên thể, những quần tụ thiên hà, những sao siêu mới.

Cho dẫu Umberto Eco thành thật rằng cuốn sách của ông chỉ gói gọn trong văn minh phương Tây, nhưng tôi vẫn cứ tò mò ông sẽ nghĩ thế nào khi xem những bộ phim của Apichatpong Weerasethakul, một đạo diễn Thái Lan nổi tiếng, người đi ngược lại tất cả những tiêu chí về cái đẹp, người đưa những diễn viên xấu nhất, những bối cảnh tầm thường nhất, những màu phim đơn sơ nhất lên phim, vậy mà cộng gộp tất cả những thứ xấu xí đó lại, các bộ phim của ông vẫn cho ta trải qua một cảm giác siêu phàm không thua gì khi chiêm ngưỡng một phong cảnh đẹp vô song. Phải chăng, cả điều đó nữa, cũng đẹp? Nhưng thôi từ từ, hình như Umberto Eco có nguyên một quyển sách về cái xấu, nên tôi cứ đợi đọc rồi xem.

Và như đã hứa, bên cạnh 6 cuốn sách mà tôi đã chọn ra, có một vài cuốn tôi đã đọc trong năm qua và muốn recommend đến mọi người, phần lớn đã được dịch sang tiếng Việt và số còn lại tôi mong trong tương lai nhà nào đó sẽ phát hành (hãy cho tôi dịch với nếu chưa có dịch giả): Án Giả – Friedrich Durennmatt (dịch giả Thuý – Phanbook, NXB Đà Nẵng), Bán Mạng – Yukio Mishima (dịch giả Mai Đỗ – Tao Đàn, NXB Hội Nhà Văn), Mắt nào xanh nhất (dịch giả Thiên Nga – San Hô, NXB Phụ Nữ), The Big Green Tent – Lyudmila Ulitskaya, Cosmicomics – Italo Calvino, Mulberry and Peach – Nieh Hualing… Nhiêu đó thôi là đã đủ một bữa fine-dining cho tâm hồn cằn cỗi.

 

 

Chấm sao chút:

Đã có 5 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Hiền Trang
Các bài viết khác

Chả biết làm gì nên viết.