“Những kẻ hèn nhát”: Lời người dịch
Những lúc nghỉ viết, tôi thường ngồi chơi các bản nhạc như St. James Infirmary, Riverside Blues, Sweet Sue, St. Louis Blues, hay Dinah để lấy hứng và viết dễ dàng hơn.

Những lúc nghỉ viết, tôi thường ngồi chơi các bản nhạc như St. James Infirmary, Riverside Blues, Sweet Sue, St. Louis Blues, hay Dinah để lấy hứng và viết dễ dàng hơn.
Được viết xong vào tháng 9 năm 1949, bốn năm sau khi Đại chiến Thế giới II kết thúc, Những kẻ hèn nhát, tiếng Séc Zbabělci, là một cuốn tiểu thuyết đặc biệt của văn học hiện đại Séc, trước hết là bởi tác giả Josef Škvorecký, một trong những nhà văn Séc nổi tiếng, người cùng thế hệ các nhà văn Séc ở hải ngoại như Milan Kundera[1] và Arnošt Lustig,[2] sau là về chính bản thân cuốn sách.
Nhà văn và dịch giả Josef Škvorecký sinh năm 1924, chỉ 6 năm sau khi Cộng hòa Tiệp Khắc được thành lập (28. 10. 1918). Ngược xa về lịch sử, nhà nước tiền thân của Cộng hòa Tiệp Khắc là Vương quốc Bohemia, Vương quốc dưới các triều đại từ Přemysl (khoảng 867–1306) tới Habsburg-Lothringen (1780–1918). Đại chiến Thế giới I (1914–1918) kết thúc, nhà nước Quân chủ Áo–Hung của triều đại Habsburg-Lothringen sụp đổ, dẫn tới sự ra đời của nhiều nhà nước cộng hòa mới ở châu Âu, trong đó có Cộng hòa Tiệp Khắc (gồm Séc và Slovakia). Không đầy hai mươi mốt năm sau, cuộc chiến tranh mới, Đại chiến Thế giới II (1. 9. 1939–2. 9. 1945) bùng nổ và ngay từ tháng 3 năm 1939, Tiệp Khắc đã bị Đức chiếm đóng, chịu dưới quyền bảo hộ của Quốc xã Đức. Thế là từ tuổi 15 tới lúc trưởng thành, cậu học sinh trung học say mê jazz và swing, yêu thích điện ảnh Hollywood và luôn luôn mơ mộng Josef Škvorecký đã sống trong những năm tháng đầy sự kiện của Đại chiến Thế giới, đặc biệt các sự kiện của những ngày tháng 5 năm 1945, khi cuộc Đại chiến đi tới kết thúc ở châu Âu. Ngày 30. 4. 1945 Adolf Hitler tự vẫn tại Berlin. Ngày 1. 5. 1945 cuộc khởi nghĩa bắt đầu ở Tiệp Khắc và ngày 5. 5. 1945 bùng nổ ở Praha. Ngày 8. 5. 1945 Đại chiến Thế giới II chính thức kết thúc ở châu Âu, nhưng ngày 9. 5 Praha mới được giải phóng và chiến tranh thực sự chấm dứt ở Tiệp Khắc vào ngày 11. 5. 1945, sau trận đánh khốc liệt tại làng Slivice (cách Praha khoảng 60 km về phía tây nam) thuộc miền Trung Séc.
Josef Škvorecký sinh ra trong một gia đình viên chức ngân hàng tại thành phố Náchod (cách Praha khoảng 155 km về phía đông bắc) và sống ở đó suốt từ nhỏ cho đến khi vào đại học. Náchod là một thành phố nằm ở vùng Đông Bắc Séc, liền biên giới với Ba Lan ngày nay, vốn là thành phố vùng biên giới có nhiều người Đức sinh sống. Đó là thành phố được thành lập từ giữa thế kỷ 13, nổi tiếng với lâu đài Náchod, cũng được xây dựng vào thời gian đó, và là địa danh được ông nhiều lần nhắc đến trong tiểu thuyết Những kẻ hèn nhát.
Josef Škvorecký tốt nghiệp trung học năm 1943, nhưng do phải lao động cưỡng bức, hơn nữa từ năm 1939 các trường đại học Séc bị đóng cửa, nên sau chiến tranh mới bắt đầu học đại học. Ông vào học khoa Y trường Charles University, nhưng năm 1946 chuyển sang học tiếng Anh và Triết học thuộc khoa Triết học cùng trường, tốt nghiệp năm 1949. Năm 1951 nhận học vị tiến sĩ Triết học. Sau khi ra trường, Josef Škvorecký được phân công làm giáo viên giảng dạy ở trường trung học. Năm 1953, sau hai năm thực hiện nghĩa vụ quân sự trong quân đội, Josef Škvorecký vào làm biên tập viên ở Nhà xuất bản Văn học Nghệ thuật quốc gia. Năm 1956, ông chuyển sang làm biên tập viên cho tạp chí Văn học thế giới, từ 1957 giữ trách nhiệm phó Tổng biên tập. Những năm năm mươi là giai đoạn sáng tác rất mạnh của tác giả. Khi tiểu thuyết Những kẻ hèn nhát được xuất bản lần đầu tiên, những bài phê bình gay gắt và thái độ của các cơ quan có chức năng đối với tác phẩm dẫn đến việc ông phải rời tòa soạn tạp chí Văn học thế giới, nhưng sau đó được quay trở lại Nhà xuất bản Văn học Nghệ thuật quốc gia. Trong giai đoạn này, và khi sống ở hải ngoại, ông đã dịch sang tiếng Séc rất nhiều sách, đặc biệt là những tác phẩm của các nhà văn Mỹ như R. Bradbury,[3] W. Faulkner,[4] E. Hemingway,[5] R. Chandler,[6] S. Lewis[7] hay W. Styron,[8] v.v. Năm 1969, ông thỉnh giảng ở Đại học Cornell (New York, Mỹ), cùng năm đó được nhận học bổng ở Đại học California (Berkeley, Mỹ). Tình hình Tiệp Khắc sau Mùa xuân Praha 1968[9] khiến Josef Škvorecký cùng vợ (Zdena Salivarová, cưới năm 1958) quyết định không trở về Praha, mà nhận lời giảng dạy ở Toronto, và từ năm ấy họ định cư tại Canada. Ông giảng dạy về sân khấu và điện ảnh Séc, văn học Anh – Mỹ và khóa viết văn sáng tạo ở trường Đại học Toronto từ năm 1969 đến năm 1990, được phong hàm giáo sư tại đó. Năm 1971, ông cùng vợ thành lập Nhà xuất bản Sixty-Eight Publishers, chuyên xuất bản sách của chính mình và của các nhà văn Séc bị cấm xuất bản tại Tiệp Khắc. Sixty-Eight Publishers trở thành Nhà xuất bản Séc quan trọng ở hải ngoại. Josef Škvorecký từ trần ngày 3. 1. 2012 tại Toronto.
Josef Škvorecký viết nhiều thể loại: thơ, tiểu phẩm, truyện ngắn, tiểu thuyết, kể cả tiểu thuyết lịch sử, truyện trinh thám, kịch bản phim v.v., sáng tác của ông có khối lượng khổng lồ (tới gần 100 cuốn sách đã xuất bản, nhiều bài báo, kịch bản phim, cộng nhiều bản thảo thơ, truyện ngắn, truyện dịch chưa xuất bản v.v.). Nhiều tác phẩm của ông đã được chuyển thể sang điện ảnh. Ngoài ra, tình yêu lớn trọn đời của ông với jazz được thể hiện qua cộng tác trong nhiều tác phẩm với dịch giả và nhà âm nhạc học nổi tiếng của Séc Lubomír Dorůžka (1924–2013). Thơ là thể loại ông yêu thích ngay từ tuổi học sinh, trong thời gian 1938–1946 Josef Škvorecký chủ yếu làm thơ và tự xếp chúng thành nhiều tập bản thảo. Josef Škvorecký là một nhà văn tài năng, nhưng đồng thời là một người hết sức giản dị. Ông đặc biệt có tài kể chuyện, với giọng văn hài hước, châm biếm sâu sắc, và hay sử dụng tiếng Séc khẩu ngữ. Trong văn ông có những trang dài miêu tả nội tâm, miêu tả cảnh vật tuyệt vời, rồi chuyển sang các đối thoại sống động mà một phần ông học hỏi được từ E. Hemingway. Trả lời phỏng vấn của tạp chí Central Europe Review vào tháng 10 năm 2000, chính Josef Škvorecký đã khẳng định rằng E. Hemingway, W. Faulkner, S. Lewis và R. Chandler là những tác giả có ảnh hưởng tới sáng tác của ông. Và thêm vào đó sự mộng mơ. Về Những kẻ hèn nhát, cuốn tiểu thuyết làm ông nổi danh, ông đã viết: “Hay là mọi người nghĩ rằng nhà văn viết vì tiền và vì danh vọng? Nếu tự vấn lương tâm thì đối với tôi có lẽ là danh vọng. Trong trường hợp của tôi và ở độ tuổi non trẻ, bao giờ nó cũng có nghĩa chính xác và cụ thể, là tôi ước ao muốn các cô gái xinh đẹp để ý đến mình… Sigmund Freud, trong Giới thiệu về Lý thuyết phân tâm học, đã một phần nào có mô tả trường hợp như của tôi: ‘Lúc khởi đầu, nhà văn tương lai là một người không hề quen biết, nghèo khó và không gây được ấn tượng gì đối với phụ nữ. Vì vây, ngày nào anh ta cũng mơ ước về tiền tài và danh vọng, để nhờ có nó mà chiếm được cảm tình của những người phụ nữ xinh đẹp. Sau đó, anh ta bắt đầu ghi chép lại những giấc mơ hàng ngày của mình, rồi được người ta in ra thành sách. Vậy là anh ta nhận được tiền và trở nên có tiếng. Nhờ cả hai thứ ấy mà anh ta có những người phụ nữ đẹp.’ Đối với tôi, cái đó cũng gần đúng. Căn bệnh nặng mắc phải[10] đã khiến tôi bị loại ra khỏi cuộc sống bình thường trong nhiều năm ở tuổi dậy thì, và nó càng làm tôi thích các cô gái xinh đẹp hơn. Nhưng bệnh tật cũng khiến cho tôi đầy mặc cảm và, thay vì nghệ thuật yêu đương, tôi chủ yếu tự rèn luyện cho mình khả năng đối đáp và viết thư, trong cả hai việc đó thì tôi đã đạt được đến trình độ bậc thày.”
Một trong số tiểu thuyết nổi bật nhất và đáng chú ý nhất của Josef Škvorecký là cuốn đầu tay Những kẻ hèn nhát, xuất bản lần đầu năm 1958 tại Praha, cuốn sách mà ngày nay “được coi là sự kiện mang tính bước ngoặt trong văn học Séc. Và hơn một nửa thế kỷ sau khi ra đời, nó vẫn còn giữ nguyên được cái tươi mát mới mẻ ban đầu.”[11] Những kẻ hèn nhát viết về tám ngày cuối cùng (từ 4. 5 đến 11. 5. 1945) của Đại chiến Thế giới II tại thành phố mà Josef Škvorecký đặt tên là Kostelec, nhưng những địa danh trong nó chỉ ra rằng đó chính là thành phố Náchod của ông. Josef Škvorecký bắt đầu viết cuốn sách vào tháng 10 năm 1948, ông nhớ lại là đã viết “trong căn phòng ở Praha của chú tôi, nơi có một chiếc đàn piano rất lớn. Những lúc nghỉ viết, tôi thường ngồi chơi các bản nhạc như St. James Infirmary, Riverside Blues, Sweet Sue, St. Louis Blues, hay Dinah để lấy hứng và viết dễ dàng hơn. Tôi viết thế khoảng một tháng, rồi bắt đầu học thi quốc gia môn tiếng Anh.”[12] Phần thứ hai của cuốn tiểu thuyết được viết ở Karlovy Vary,[13] khi Josef Škvorecký nghỉ chữa bệnh dạ dày, đồng thời học thi quốc gia ngành Triết học, và hoàn thành cuốn sách vào tháng 9 năm 1949.
Những kẻ hèn nhát là cuốn tiểu thuyết mang nhiều tính chất tự truyện. Thậm chí, khi phải khai báo ngày sinh, thì nhân vật chính của sách, cái tôi thứ hai alter ego của tác giả trong nhiều tác phẩm khác, đã đưa ra đúng ngày tháng năm sinh của ông. Trong sách có nhiều sự kiện lịch sử, nhưng nó không phải là tiểu thuyết lịch sử. Cũng trong cuốn sách Tự khen mình, xuất bản tại Toronto, ông đã viết: “Tôi có thuận lợi khi viết Những kẻ hèn nhát, cũng như phần lớn các tiểu thuyết và truyện ngắn mà trong thời gian bị cấm xuất bản tôi đã cho ra mắt dưới nhiều tên tác giả khác nhau, đó là việc tôi quyết định chỉ viết về những gì tôi đã có trải nghiệm. Vì vậy, phác thảo của Những kẻ hèn nhát chỉ có năm trang, giống như những trang của dàn bài tập làm văn, ghi chép những sự kiện có thật: đơn giản là mô tả các sự kiện chính xảy ra xung quanh nhân vật Danny, từng ngày một trong vòng tám ngày. Sau đó thì từ năm trang ghi chép ngắn gọn ấy, tôi bắt đầu viết rộng ra, tô vẽ và thêm vào đó hàng loạt chi tiết.” Bản thảo Những kẻ hèn nhát đã được tác giả viết bằng bút mực vào 13 quyển vở không dòng kẻ, số trang nhiều nhất là 96, ít nhất 59, hầu như không có gạch xóa hoặc viết lại ở chỗ nào.[14]
Tuy được viết xong ngay từ năm 1949, nhưng vì tình hình chính trị Tiệp Khắc lúc đó mà mãi đến cuối năm 1958 Những kẻ hèn nhát mới được xuất bản lần đầu tiên. Sau khi sách ra mắt, bài phê bình khen thì hiếm hoi, phản đối thì rất nhiều. Và sách đã bị thu hồi. Tác giả viết về việc đó: “Vậy là mùa thu năm 1948, khi ngồi vào ghế trong căn phòng của người chú ở Praha và viết câu mở đầu của Những kẻ hèn nhát ‘Chúng tôi đang ngồi ở quán Port Arthur và Benno bảo…’ thì tôi không những không ngờ rằng, bằng cuốn sách ấy tôi sẽ kéo theo những ma quỷ nào tới, mà quả thật tôi đã không muốn gì hơn, ngoài việc sống lại những ngày phiêu lưu của tháng 5 năm 1945, những ngày để lại các vết hằn in sâu và chính xác trong tâm hồn vẫn còn ngây thơ, muốn chơi trên giấy bản độc tấu saxophone tenor lớn của mình, mà với cái dăm kèn ngậm trong miệng tôi đã không biết chơi.”[15]
Năm 1964, để được xuất bản Những kẻ hèn nhát lần thứ hai, theo yêu cầu của một số cơ quan có chức năng, tác giả đã phải sửa một số chỗ và viết Lời nói đầu giải thích. Cuốn tiểu thuyết được tái bản vào năm 1966 và 1968, nhưng sau khi Josef Škvorecký cùng vợ rời Tiệp Khắc, sách lại bị cấm cho đến tận năm 1989. Tính đến năm 2021, Những kẻ hèn nhát đã được tái bản tổng cộng 11 lần. Và kể từ năm 1990, nó là một trong số những cuốn tiểu thuyết của ông trở thành sách đọc ở nhà trường, thành một trong những câu hỏi thi tốt nghiệp văn học tại trường phổ thông trung học Séc. Tên tuổi các tác giả như Josef Škvorecký và Milan Kundera, cùng việc đưa sáng tác của họ vào danh sách các tác phẩm văn học đọc trong nhà trường, là tượng trưng cho sự thay đổi về mặt đọc sách giáo dục ở Séc. Từ năm 2007, Séc còn có thêm giải thưởng văn học mang tên Josef Škvorecký, trao tặng cho tác giả Séc có sáng tác văn xuôi hay nhất của năm.
Nhà văn Josef Škvorecký nổi tiếng tại Séc, và cũng rất nổi tiếng ở hải ngoại. Ông đã được tặng nhiều giải thưởng văn học trong và ngoài nước, thí dụ giải thưởng của Hội Nhà văn Tiệp Khắc (1963), của Nhà văn Tiệp Khắc (1966), giải văn học Quốc gia năm 1999, giải Jaroslav Seifert[16] năm 2004, giải thưởng của Toàn quyền Canada cho tiểu thuyết hay nhất năm 1984, của Quỹ Echoing Green – New York 1990, Huân chương Nghệ thuật và văn học của Pháp năm 1996 v.v., nhưng giải thưởng danh giá nhất ông được trao tặng là giải Văn học quốc tế Neustadt[17] năm 1980.
Những kẻ hèn nhát đã được dịch và xuất bản ở Đan Mạch (1967), Nam Tư cũ (1967), Slovakia (bằng tiếng Hungary1968), Tây Đức (1968, 1986), Ý (1969), USA (1970, 1980), Anh (1970, 1972, 1986, 1994, 2010), Ba Lan (1970), Pháp (1978, 2007), Canada (1980, 1995), Tây Ban Nha (1990) Hà Lan (1992) Đức (1993, 2000), Hungary (1998), Áo (2000), Bulgary (2021).[18] Cho đến năm 1994, tất cả các bản dịch sang tiếng nước ngoài đều xuất phát từ nguyên bản có sửa chữa, xuất bản năm 1964.[19]
Bản tiếng Việt bạn có trong tay được dịch theo nguyên bản xuất bản lần đầu năm 1958. Vào thời điểm 2022, mười năm sau khi nhà văn Josef Škvorecký qua đời, đây là bản dịch sang tiếng nước ngoài mới nhất của cuốn tiểu thuyết. Hy vọng là Những kẻ hèn nhát, một trong những tác phẩm đáng kể nhất của văn xuôi Séc sau chiến tranh,[20] sẽ chiếm được cảm tình của bạn đọc Việt Nam.
Bình Slavícka
BÌNH SLAVICKÁ
[1] Mila Kundera, sinh năm 1929, nhà văn, dịch giả Séc mang quốc tịch Pháp, hiện sống ở Pháp.
[2]Arnošt Lustig (1926–2011), nhà văn, nhà báo Séc gốc Do Thái, nhiều về đề tài Holocaust.
[3] Raymond Douglas Bradbury (1920–2012), nhà văn, nhà thơ và kịch gia. Thường sáng tác những tiểu thuyết kinh dị và khoa học viễn tưởng.
[4] William Cuthbert Faulkner (1897–1962), nhà văn, nhà thơ, giải Nobel văn học năm 1949.
[5] Ernest Miller Hemingway (1899–1961), nhà văn, nhà báo. Giải Pulitzer (1953), Nobel văn học (1954).
[6] Raymond Chandler (1888–1959), nhà văn, chuyên viết tiểu thuyết trinh thám.
[7] Harry Sinclair Lewis (1885–1951), nhà văn, nhà báo, kịch gia. Giải Nobel văn học năm 1930.
[8] William Clark Styron (1925–2006), nhà văn, giải Pulitzer năm 1968.
[9] Mùa xuân Praha là tên gọi thời kỳ nỗ lực cởi mở về chính trị do Đảng Cộng sản tại Tiệp Khắc, dưới sự lãnh đạo của Tổng bí thư Alexander Dubček (1921–1992) khởi xướng năm 1968. Mùa xuân Praha bắt đầu từ 5. 1. kéo dài đến 21. 8. 1968, khi quân đội Liên Xô và các nước thành viên của Hiệp ước Warszawa tấn công Tiệp Khắc, nhằm chống lại cuộc cải cách. Đơn vị cuối cùng của quân đội Liên Xô rút quân khỏi Tiệp Khắc vào năm 1991.
[10] Thuở nhỏ, Josef Škvorecký thường hay bị ốm, bị viêm phế quản mãn tính, nhiều lần bị viêm phổi, đương thời đó là căn bệnh nguy hiểm.
[11] ČTK (Thông tấn xã Séc) 3.1.2012: Spisovatel Josef Škvorecký podlehl rakovině/Nhà văn Josef Škvorecký qua đời vì bệnh ung thư/
[12] Josef Škvorecký, Zdena Salivarová: Samožerbuch (Tự khen mình) Toronto: 68 Publishers, 1972.
[13] Karlovy Vary là thành phố nghỉ mát và dưỡng bệnh, có nước khoáng chữa bệnh đường ruột. Cách Praha khoảng 120 km về phía tây.
[14] Michael Špirit: Zbabělci, Nakladatelství Lidové Noviny, Praha 1998. /Những kẻ hèn nhát, NXB Lidové Noviny/.
[15] Josef Škvorecký, Zdena Salivarová: Samožerbuch (Tự khen mình), Toronto: 68 Publishers, 1972.
[16] Jaroslav Seifert (1901–1986), nhà thơ Séc, giải Nobel Văn học năm 1984.
[17] Giải Neustadt là giải thưởng văn học quốc tế rất uy tín, đánh giá toàn bộ sáng tác của tác giả, thường được so sánh với giải Nobel Văn học và được coi là giải Nobel Mỹ. Được công bố trao giải vào những năm chẵn, bắt đầu từ năm 1970.
[18] Theo Michal Přibáň, Viện Văn học Séc, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Séc.
[19] Theo Michael Špirit: Zbabělci, Nakladatelství Lidové Noviny, Praha 1998./Những kẻ hèn nhát, NXB Lidové Noviny, Praha 1998./
[20] Theo Alena Přibáňová: Jaký je Danny? A byl on vždycky takový? Nad knižním vydání rukopisu Škvoreckého Zbabělců. Česká literatura č. 1, 2010. /Danny là người thế nào? Có phải bao giờ Danny cũng thế không? Suy nghĩ về việc xuất bản bản thảo Những kẻ hèn nhát của Škvorecký. Tạp chí Văn học Séc số 1 năm 2010/
Chấm sao chút:
Đã có 1 người chấm, trung bình 5 sao.
Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3