“Nhật ký cá sấu”: Lời dịch giả
Từ queer có thể được dịch sang tiếng Đài theo ba cách, và một trong ba cách đó là “quái thai” (怪胎 guaitai), từ thường dùng để chỉ những kẻ dị hợm, quái gở.

Từ queer có thể được dịch sang tiếng Đài theo ba cách, và một trong ba cách đó là “quái thai” (怪胎 guaitai), từ thường dùng để chỉ những kẻ dị hợm, quái gở.
Nhà văn Khâu Diệu Tân (1969-1995) sinh ra tại Chương Hóa, một thành phố phía Tây đảo Đài Loan. Cô là một trong những nhà văn hiện đại phá cách nhất, và là nhà văn đồng tính nữ nổi tiếng nhất của Đài Loan. Khâu Diệu Tân tốt nghiệp đại học Quốc lập Đài Loan với tấm bằng cử nhân tâm lý học, sau đó tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu với chuyên ngành tâm lý học lâm sàng tại đại học Paris VIII. Cô tự vẫn ở tuổi hai mươi sáu, để lại hai cuốn tiểu thuyết Nhật ký cá sấu và Di thư ở Montmartre.
Ngay từ phần mở đầu Nhật ký cá sấu, Khâu Diệu Tân đã viết thế này:
“Chừng nào cậu đến tiện thể đem theo ít đồ chơi được không?” Cá sấu hỏi.
“Được, tôi sẽ đem theo đồ lót tự may là được chứ gì.” Dazai Osamu nói.
“Tôi tặng cho cậu khung tranh lộng lẫy nhất thế giới, được không?” Mishima Yukio nói.
“Tôi photo bằng tốt nghiệp Waseda của tôi ra một trăm bản dán trong toilet của cậu.” Murakami Haruki nói.
Cô nhắc tới ba nhà văn lừng lẫy trên văn đàn Nhật Bản, và hơi hướm của họ phảng phất xuyên suốt chiều dài cuốn tiểu thuyết cô viết. Không khí truyện bảng lảng một màu buồn thương xanh ngắt, màu được dùng để đặt tên cho nỗi buồn trong tiếng Anh. Và những u sầu, bế tắc, tuyệt vọng, giải thoát của những người trẻ trong câu chuyện này gợi nhớ sâu sắc tới Rừng Na Uy; “Tôi” và Toru, Thủy Linh và Naoko, Thôn Thôn và Midori, Tiểu Phàm và Reiko chẳng khác nào những cặp song trùng đối ứng qua tấm gương u uẩn. Tình yêu của Sở Cuồng và Mộng Sinh, xét trên một khía cạnh nào đó, cũng cuồng dại, độc hại và cực đoan như nỗi ám ảnh của Mizoguchi về Kim Các “phá nát, hủy diệt […] làm nghẽn đời sống và đầu độc cuộc sống[1]”. Ảnh hưởng của Dazai Osamu, hay cụ thể hơn là Thất lạc cõi người, càng thể hiện rõ qua hình tượng cá sấu. Nhân vật “Tôi” trong Thất lạc cõi người tự cho rằng mình “đã sống một cuộc đời đầy hổ thẹn[2]”, rằng mình không có tư cách làm người (Tên gốc của tác phẩm này là Nhân gian thất cách – Mất tư cách làm người). Tương tự, “Tôi” của Nhật ký cá sấu cũng tự cho mình là một thứ quái vật, “dùng bàn tay quái vật vuốt ve ôm ấp chị, dùng cái miệng quái vật hôn chị, cồn cào thèm muốn thân thể chị bằng dục vọng quái vật”, và cuối cùng đã tự phân tách mình thành bản thể cá sấu, con quái vật được miêu tả có làn da xanh lục với những chiếc răng lởm chởm.
Từ queer có thể được dịch sang tiếng Đài theo ba cách, và một trong ba cách đó là “quái thai” (怪胎 guaitai), từ thường dùng để chỉ những kẻ dị hợm, quái gở. Đó hẳn cũng là cách nhìn của xã hội những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX, thời điểm cuốn sách được viết ra, dành cho những người đồng tính nói chung và đồng tính nữ nói riêng. Con cá sấu trong truyện là đối tượng bị cả xã hội lùng sục, săn đuổi, tìm cách đưa vào khu bảo tồn và nghiên cứu, coi như một thứ dịch bệnh phải tránh né phòng ngừa. Nó phải sống lẩn lút, trốn tránh con người trong tầng hầm chật hẹp, chỉ có thể ra ngoài hít thở không khí và đổ bô một lần một ngày, thậm chí phải kìm nén cả cái tôi, cố khoác lên “lốt người”, giấu giếm cả sở thích ăn bánh su kem, sợ bị người ta chú ý.
Hai trong ba nhà văn được Khâu Diệu Tân nhắc tới ở trên đã tự tử, và cô cuối cùng cũng đã chọn cho mình cách kết thúc khá đau đớn, bằng một con dao đâm ngập ngực. Tuy không phải tự truyện, nhưng Nhật ký cá sấu cũng gần như một cuốn tiểu thuyết tự sự của tác giả, tương tự với Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian của Ocean Vuong. Những khát khao kìm nén, những đớn đau khi cố gắng gọt giũa mình cho vừa với “lốt người”, những cảm thức sa đọa và băng hoại của “Tôi”, xét trên một khía cạnh nào đó, cũng chính là nỗi niềm của Khâu trước xã hội còn nặng nề định kiến và ác ý với người đồng tính ở thế kỷ trước.
Tôi dịch cuốn sách này trong giai đoạn cả Hà Nội đang lao đao vì dịch bệnh Covid-19, và tôi cũng không phải ngoại lệ. Cảm giác buồn bã, ngột ngạt từ ngoại cảnh bủa vây, đẩy tôi lún sâu thêm vào không khí u hoài, tuyệt vọng của tác phẩm, tưởng chừng không thể giãy thoát. Văn chương của Khâu Diệu Tân như một ly rượu mà dù biết có độc người ta cũng vui lòng uống cạn. Đọc Khâu Diệu Tân là tận hưởng một cái thú đau thương, chìm đắm trong những câu chữ hoa lệ rướm máu. Dịch Khâu Diệu Tân, tôi như bước vào một mê cung rối rắm mà tràn đầy mê hoặc của ngôn từ, bất cứ lúc nào cũng có thể sẩy chân, lạc lối, bước nhầm, chỉ biết nhắm mắt lần theo sợi chỉ đỏ làm dấu mà chẳng biết ở ngã rẽ tiếp theo sẽ là lối ra hay con quái vật đầu bò. Rất nhiều lần, câu chữ của tôi tắc nghẹn hoặc bất lực trước cảm thức dữ dội và mãnh liệt trong văn cô; ở nhiều chỗ, tôi sững sờ và rợn ngợp trước những hình tượng và so sánh cực kỳ giàu sức gợi. Nên nếu dịch phẩm này có chỗ nào đặc sắc, thì ấy là tài hoa của Khâu, còn những chỗ chưa hoàn hảo thì hẳn là phần lỗi của tôi vậy. Mong quý vị độc giả bỏ quá cho những bất toàn, và mời các vị bước vào xứ sở diệu kỳ tàn bạo dưới ngòi bút Khâu Diệu Tân.
Tố Hinh
[1] Trích trong Kim Các Tự của Mishima Yukio, bản dịch Nguyễn Văn Thực.
[2] Trích trong Thất lạc cõi người của Dazai Osamu, bản dịch Hoàng Long.
Chấm sao chút:
Đã có 2 người chấm, trung bình 5 sao.
Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3