Moacyr Scliar – Một đời trọn ý nghĩa
Đằng sau văn phong tưởng chừng chân phương của Scliar ẩn giấu một nhà kể chuyện đầy nhiệt huyết luôn tin tưởng vào những phẩm chất cứu chuộc của văn chương.

Đằng sau văn phong tưởng chừng chân phương của Scliar ẩn giấu một nhà kể chuyện đầy nhiệt huyết luôn tin tưởng vào những phẩm chất cứu chuộc của văn chương.
Lời giới thiệu cho ấn bản mới tác phẩm Con Nhân mã ở trong vườn
Sự kiện nhà ngụ ngôn người Brazil Moacyr Scliar qua đời ở tuổi bảy mươi ba vào ngày 27 tháng Hai, 2011, tại quê nhà Porto Alegre, Rio Grande do Sul, cũng chính là sự ra đi của nhà văn Do Thái – Mỹ Latin danh tiếng và có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong thế hệ của ông. Scliar thu hút một lượng độc giả đông đảo cả ở quê nhà và trên thế giới, phản ánh những mối quan tâm chính yếu định nghĩa nên thế giới hiện đại: vị trí của những lớp người thiểu số trong xã hội và sức căng giữa giáo dục và vô minh, giữa đức tin và thế tục. Tác phẩm kinh điển của ông, Con nhân mã ở trong vườn (1980), đã được tái bản vô số lần, giữ chắc vị trí trong chương trình giáo dục nhà trường tại Brazil.
Scliar là một người bạn thân thiết và người đồng hành trên những chuyến lữ hành bất tận qua khắp châu Âu, Israel và Hoa Kỳ. Vào năm 2003, khi được bổ nhiệm làm thành viên Học viên Ngôn ngữ Quốc gia Brazil, ông đã gửi cho tôi một bức email đầy tự hào: “Không còn là kẻ ngoài lề nữa rồi!” Là con trai trong một gia đình nhập cư nói tiếng Đức Do Thái, ông sinh năm 1937 và lớn lên trong vùng Porto Alegre thuộc Bom Fim. Ông theo học ngành bác sĩ nội khoa, một công việc ông đã cống hiến trọn những năm sung mãn nhất đời mình. Cuốn sách đầu tiên của ông, về những năm nền tảng của mình với tư cách bác sĩ, mang tựa đề Histórias de um Médico em Formaҫão (1962). Cơ thể con người, cụ thể là cơ thể người Do Thái, là mối quan tâm thường trực của ông. Rất nhiều truyện ngắn của ông, được tập hợp thành một cuốn sách duy nhất vào năm 1999, được đề cử Giải thưởng Sách Do Thái Quốc gia tại Hoa Kỳ, trình hiện những nhân vật kinh qua đủ kiểu đột biến (dị dạng, biến dạng, tái định hình) và cuối cùng phải tìm ra cách để mà đương đầu với chúng. Họ đạt tới thành quả chỉ khi đã tìm được ý nghĩa nơi sự dị thường của mình.
Scliar viết năng suất tới đáng kinh ngạc: ông đã xuất bản mười ba tuyển tập truyện ngắn, hai mươi mốt tiểu thuyết (được gọi là romances trong tiếng Bồ Đào Nha), hơn hai tá sách thiếu nhi và thanh thiếu niên, và bốn luận văn tầm cỡ sách in, bao gồm cả một chuyên khảo về văn hóa Do Thái tựa đề A condiҫão judaica (1987) và Enígmas da culpa (2007), một chuyên luận về tội lỗi. Các tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành phim điện ảnh. Theo vô số cách khác nhau, sự nghiệp của Scliar là tiếng nói bày tỏ lòng trung thành và là một phản ứng với những đột phá đáng kể trong giới học thuật Do Thái ở cuối thế kỷ hai mươi. Sau khi nghiên cứu ảnh hưởng của conversos tới xứ Brazil thuộc địa, ông cho ra mắt cuốn tiểu thuyết Đất nước lạ lùng của Refael Mendes (1983). Ý tưởng, theo Harold Bloom diễn giải, rằng một người đàn bà trong vương triều của Vua David có thể đã góp tay viết nhiều phần trong Kinh Thánh, đã truyền cảm hứng cho ông khảo nghiệm những khả năng ấy qua tiểu thuyết A mulher que escreveu a Bíblia (1999), vẫn chưa được dịch sang tiếng Anh. Và ông cũng tiểu thuyết hóa cuộc đời một bác sĩ và nhà hoạt động người Brazil đã từ bỏ cuộc sống đại đô thị để hòa nhập vào một bộ tộc da đỏ sống trong rừng với cuốn A majestade do Xingu (1997), cũng chưa được dịch.
Ông luôn nói với tôi rằng có bốn nhà văn đã định hình nên thế giới quan của ông: Sholem Aleichem, người ông đã học được cách viết về tộc người Do Thái đầy tình yêu thương mà không chút kẻ cả, bằng một thứ ngôn ngữ chân thành, ngập tràn tham chiếu tới Kinh Thánh và kinh Talmud (tác phẩm bản thân ông yêu thích là Các con gái của Tevye); Franz Kafka và Isaac Babel, người thứ nhất đã hồi sinh lối kể chuyện Hasidim [1] thông qua phép phúng dụ, người thứ hai đã khắc hoạ lớp người Do Thái ngoài rìa ở tuổi mình, ví như tay côn đồ Benya Krik (ông cực kỳ yêu thích Những truyện kể xứ Odessa); và, gần hơn với hoàn cảnh của chính ông, Clarice Lispector, tiểu thuyết gia danh tiếng người Brazil (ông vẫn thường trích dẫn những Ràng buộc Gia đình và Thời khắc Ngôi sao), với căn tính Do Thái đầy mâu thuẫn đã giúp Scliar cởi mở hơn với căn tính của chính mình.
Đằng sau văn phong tưởng chừng chân phương của Scliar ẩn giấu một nhà kể chuyện đầy nhiệt huyết luôn tin tưởng vào những phẩm chất cứu chuộc của văn chương. “Đọc…” Ông thường nói với tôi. “… nghĩa là bỏ lại bản ngã mà trở nên toàn cầu. Và không chỉ toàn cầu mà còn trở nên vượt thời đại.” Sức thấu triệt đáng ngưỡng mộ này trình hiện đồng thời từ bên trong lẫn bên ngoài căn tính Do Thái của ông. Tại Brazil, một quốc gia đa chủng tộc nơi lòng khoan dung là một phần cá tính và những cộng đồng thiểu số không được coi như một mối đe dọa (xu hướng bài Do Thái tại Brazil là tương đối thấp so với những quốc gia Mỹ Latin khác), Scliar, thông qua những bài báo trên tờ Folha de São Paulo, đã là một phát ngôn viên đại diện cho sự khác biệt.
Năm 2002, ông rơi vào tâm điểm tranh cãi khi Yann Martel, tác giả người Canada với cuốn tiểu thuyết bán chạy Cuộc đời của Pi, giành Giải thưởng Booker tại London, thú nhận đã vay mượn – đạo văn? – cốt truyện cuốn tiểu thuyết Max và con Mèo của Scliar (1981). Câu chuyện kể về, trong trường hợp của Martel, một chàng trai trẻ một mình lênh đênh trên một con thuyền giữa đại dương. Tôi đã ở cùng với Scliar vài tuần sau đó giữa khi cả một ổ phóng viên vẫn còn đang hau háu săn câu trả lời của ông. Tôi hãy còn cảm thấy ấn tượng với câu trả lời độ lượng đáng khâm phục ấy. Scliar nói rằng ông cảm thấy hãnh diện với món vay của Martel bởi lẽ văn chương là những vọng âm, không một độc giả nào một khi ghi khắc một cuốn sách lại để nó trôi ra khỏi ký ức hết. Những ảnh hưởng lưu lại nơi ấy mới là điều quan trọng.
Song chính Con nhân mã ở trong vườn hẳn mới là cuốn sách sẽ được đọc qua nhiều thế hệ. Tác phẩm liên hệ Do Thái giáo với hiện tượng dị hình trong cộng đồng hải ngoại song còn với sự giải thoát độc nhất, và, khi đào sâu vào những hệ lụy của sự đồng hóa, cuốn sách còn tô vẽ Brazil và cộng đồng Do Thái tại đó theo những lối thật ám ảnh mà thần kỳ. Cuốn tiểu thuyết cùng một lúc vừa như truyện trẻ con vừa phức tạp đầy triết lý.
Đóng góp sâu xa của Scliar còn được tìm thấy nơi óc hài hước tinh tế, đầy trí thức của ông. Nó hiển hiện lên giữa ngã tư đường nơi văn hóa Do Thái và văn hóa Brazil chạm mặt nhau: một nét hài hước khinh khi đóng vai trò như một lối phản ứng lại cuộc khải huyền cứ không ngừng phủ bóng xuống con người. Chính thế giới quan ấy đã cho phép ông cười vào lịch sử – hay đáng kể hơn, cười cùng lịch sử.
Ilan Stavans
Nhật Phi dịch
[1] Do Thái giáo Hasidim: Một nhánh của Do Thái giáo chính thống, với tư tưởng chủ đạo là khuyến khích sống một cuộc đời thánh thiện, đạo đức và thiêng liêng.
Chấm sao chút:
Đã có 0 người chấm, trung bình 0 sao.
Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3