Thời gian đọc: 11 phút

Gần như một cuốn tự truyện, Những kẻ hèn nhát của Josef Škvorecký viết về tám ngày cuối cùng (từ 4/5 đến 11/5/1945) của Đại chiến Thế giới II tại thị trấn nhỏ gần biên giới Séc – Đức mà tác giả đặt tên là Kostelec. Đầu tháng 5/1945, thủ đô Berlin bị Hồng quân Liên Xô đánh chiếm, Hitler đã tự sát nhưng tại Tiệp Khắc, quân Đức vẫn không chịu hạ vũ khí. Những người yêu nước Tiệp Khắc phát động cuộc khởi nghĩa nhưng bị quân Đức đàn áp nên đã kêu gọi Hồng quân giúp đỡ. Cả thị trấn xôn xao về tình hình chiến sự nhưng chàng sinh viên Danny chỉ có hai mối quan tâm thực sự, đó là phụ nữ và nhạc jazz. Phần lớn nội dung tác phẩm viết về sở thích chơi kèn sax của Danny và tình yêu của anh dành cho các cô gái, đặc biệt là nỗi khát khao Irena. Khi những người lãnh đạo Kostelec thành lập một lực lượng dân quân địa phương nhằm mục đích giữ gìn trật tự an ninh cho thị trấn, Danny và những người bạn trong ban nhạc của anh lại tỏ ra hoài nghi, thậm chí coi đó là trò hề. Khi bị buộc phải tham gia lực lượng quân sự và đi tuần tra quanh thành phố, Danny lại xem việc tham gia cách mạng và bắn súng là một cách hay để gây ấn tượng và giành lấy tình yêu của Irena. Những mộng tưởng xa vời của chàng sinh viên chỉ dừng lại khi những người tị nạn tràn vào thị trấn, quân Đức nổ súng cùng tình cảnh hỗn loạn trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến ở châu Âu bao trùm Kostelec. Lúc này, anh phải đối mặt với những câu hỏi về cuộc đời, mục đích và tương lai của anh nếu anh sống sót qua thời khắc nguy hiểm của chiến tranh.

Bằng giọng văn đậm chất hoạt kê, câu chuyện mở đầu bằng âm nhạc và kết thúc cũng bằng âm nhạc, tác phẩm Những kẻ hèn nhát khiến độc giả được trải nghiệm một giai đoạn lịch sử mà không có cảm giác đen tối, u buồn, ám ảnh. Những kẻ hèn nhát tuy được hoàn thành từ năm 1949, nhưng vì tình hình chính trị Tiệp Khắc lúc đó mà mãi đến cuối năm 1958 mới được xuất bản lần đầu tiên. Và hơn một nửa thế kỷ sau khi ra đời, nó vẫn còn giữ nguyên được vẻ tươi nguyên mới mẻ ban đầu. Cuốn sách được dịch ra 17 ngôn ngữ, được tái bản 11 lần, trở thành một trong những cuốn sách phải đọc ở nhà trường và có mặt trong đề thi tốt nghiệp văn học tại trường phổ thông trung học Séc.

NXB Phụ nữ Việt Nam

Thứ hai, ngày 7 tháng 5 năm 1945

 

Tôi tỉnh dậy, người đầm đìa mồ hôi. Lúc ấy đã là một giờ chiều. Tôi nằm kéo chăn lên đến cằm, thấy ướt ở ngực và ở cổ, cảm thấy rất khó chịu vì gió lạnh lùa vào đó qua mép chăn. Nhưng mà ra mồ hôi được là cái tốt. Tôi gọi mẹ mang cho cái khăn tắm. Mẹ mang vào cho tôi hai cái khăn bông và bộ quần áo ngủ sạch.

“Mẹ có phải gọi bác sĩ không?” mẹ tôi hỏi.

“Không đâu,” tôi trả lời. “Con chỉ bị lạnh bình thường thôi.”

“Con có muốn một ít nước trà không?”

“Vâng. Mẹ cho con ăn trưa nữa.”

Mẹ tôi đi vào bếp. Tôi hất chăn, cởi bộ quần áo ngủ đẫm mồ hôi rồi lấy khăn bông chà xát người. Tôi cảm thấy trong người dễ chịu. Tôi mặc bộ quần áo ngủ sạch, lật ngược cái mặt chăn có mồ hôi lên trên, xếp gối lại cho ngay ngắn rồi ngồi xuống giường. Tôi lấy khăn bông lau mặt và tóc. Tôi có cảm tưởng như vừa mới tắm gội xong. Mẹ mang khay thức ăn trưa vào, đặt nó lên chiếc gối. Tôi ăn một cách ngon lành, uống hết cốc nước trà, người tôi ấm lên. Tôi đặt chiếc khay xuống bên cạnh giường rồi lại chui vào chăn, nhắm mắt lại và thấy thoải mái khoan khoái. Sau đó, tôi lại bắt đầu nhớ nhung, thấy hài lòng với cuộc sống. Tôi nhớ lại đêm hôm qua, nhớ đến tiếng nổ ở bên nhà ga, đến cả cuộc phiêu lưu đã trải qua, rồi lại như tất cả những khi cảm thấy trong người khoan khoái, tôi lại bắt đầu nghĩ đến Irena, nhớ đến tất cả những buổi tối khi vui khi buồn vì em, nhưng bây giờ thì khi nhớ lại, tôi thấy tất cả đều là những khoảnh khắc vui vẻ thôi. Mắt vẫn nhắm lại, tôi nghe tiếng đồng hồ tích tắc, nhớ đến một buổi tối mùa đông năm nay, lần ấy tôi cùng Irena đi chuyến tàu đêm từ Thành phố cổ và chúng tôi ngồi với nhau trong khoang tàu mờ mờ tối. Tôi vòng tay ôm thắt lưng Irena và tỏ tình với em, nhưng em cự lại rồi lại bắt đầu nói như thường lệ, rằng chúng tôi chỉ là bạn thôi chứ không có gì khác, và chỉ nhớ đến đó thôi là tôi lại thấy rạo rực trong người để rồi lại nghĩ đến em. Tôi có cảm tưởng rằng cả cuộc đời tôi chỉ được chắp lại từ Irena, từ các cô gái như Verka, Eva và Járinka, chỉ từ những gì tôi đã trải qua với họ, chứ ngoài ra thì trong đó hoàn toàn chẳng có cái gì khác. Và không một ai có cuộc sống khác thế. Tôi nghĩ đến những thằng bạn của mình và thấy rằng tất cả bọn nó cũng chỉ nhớ đến các cô gái của mình, chỉ nói về họ chứ không nói về một cái gì khác. À, cũng còn chỉ nói về âm nhạc nữa. Vâng. Về âm nhạc và về các cô gái. Đó là cuộc sống. Nhưng mà khi nói về âm nhạc thì ta cũng lại chỉ nghĩ đến nó trong mối liên quan đến các cô gái. Hoàn toàn không nói gì đến cảm hứng hưởng thụ nghệ thuật hay gì gì đó tương tự. Không phải thế. Âm nhạc là cái tuyệt vời, nhưng bao giờ cũng vậy, cho dù tôi có nghĩ về quá khứ, hay nghĩ đến tương lai, bao giờ tất cả mọi thứ cũng đều có liên quan tới bọn con gái. Tôi nhớ lần chúng tôi tập nhạc ở quán rượu Con sư tử, bọn con gái ngồi ở bàn đối diện nhìn chúng tôi, còn tôi thì ngồi nghiêng người với cây saxophone và trông thấy Vera đang nhìn mình, tôi biết là mình rất bảnh trai, với búp saxophone ngậm trong miệng, với tất cả hình dạng và những phím bấm phức tạp của cây kèn dưới những ngón tay, điều ấy làm tôi khoan khoái dễ chịu, hay là nhớ đến dịp hội majáles[1] năm một nghìn chín trăm bốn mươi, đến sảnh lớn của quán rượu Con sư tử với những chùm đèn pha lê treo cao trên trần, với những cô gái mặc váy dài bằng vải tuyn, còn tôi thì đứng ở đó, trong chiếc áo vét màu trắng và chơi bài độc tấu dịu dàng tuyệt vời trong I’ve Got a Guy,[2] hay là bài độc tấu dữ dội trong Liza Likes Nobody.[3] Ông Fluxa chiếu đèn pha vào tôi, và tôi thì đứng trong ánh sáng trắng, với hai bên tóc mai và cây saxophone bóng nhoáng, và trong bóng tối phía bên dưới, Irena ngồi nhìn tôi, thế đấy, với âm nhạc là thế đấy, rồi tôi lại tưởng tượng một cảnh trong tương lai, đó là một quán bar với sàn diễn và ban nhạc, còn tôi thì chơi một cây saxophone vàng, ở đó có các cô gái đẹp cuồng nhiệt vì jazz, những cô gái trong những chiếc váy dài dạ hội xẻ ngực rất sâu, với nhiều nụ cười ẩn ý, tưởng tượng ra những cuộc đi bộ dưới trời đêm Praha, và những căn hộ lớn, ít đồ đạc nhưng sang trọng, vâng, đó là jazz, đó là cuộc sống, rồi bất chợt, tôi có cảm giác lo sợ từ cuộc sống đó, nhưng xem ra rất có thể cuộc sống sẽ là như vậy, là jazz, là các cô gái xinh đẹp, ngọt ngào, rực rỡ màu sắc để ta chiêm ngưỡng suốt cả cuộc đời, một cuộc đời sẽ không dài, và tôi lại nghĩ đến bọn con trai, nghĩ đến Fonda muốn trở thành kiến trúc sư, tôi không thể tượng tượng được muốn làm kiến trúc sư là cái gì khác, ngoài việc sẽ có nhiều tiền và biệt thự sang trọng ở ngoại ô Praha, tôi không nghĩ rằng Fonda có thể muốn làm kiến trúc sư vì một cái gì khác. Cuộc đời là như vậy. Jazz và các cô gái và những ký ức. Tôi cảm thấy rằng nó không thể khác đi được, vì đó là điều bất khả, bởi vì không một cái gì khác có thể được gọi là cuộc đời. Làm sao có thể gọi là cuộc đời, khi phải làm việc trong nhà máy, thức giấc vào lúc năm giờ sáng và về nhà vào lúc tám giờ tối. Không. Chỉ jazz và các cô gái và những ký ức mới là cuộc đời. Chỉ có nó thôi. Và tôi nghĩ sẽ là điều hay, khi mà Chúa Trời có tồn tại, rằng đó là chuyện dở, khi Chúa Trời không tồn tại, hay ít ra thì việc đó không giống như những gì ta được học về Chúa Trời theo giáo lý, kể ra thì đấy là điều bí ẩn, điều về tất cả mọi thứ là như thế nào và bắt đầu ra sao, rằng có thể nó cũng lại đúng như trong giáo lý, nhưng mà tôi đã không tin, và cũng không tin rằng Chúa Trời sẽ không cứu vớt linh hồn tôi, kể cả nếu Chúa Trời đúng như theo giáo lý, bởi vì tôi đã sống đúng đắn, tôi nghĩ rằng không bao giờ tôi làm cái gì sai trái cả, mặc dù tôi có thô tục và mặc dù tôi có bỏ các cô gái, bởi lẽ tôi không bao giờ coi đó là điều gì nghiêm trọng, và tôi nghĩ đến mình, nhớ đến hồi tôi còn nhỏ, nhớ đến Vocenil, cái thằng bạn học ở trường tiểu học, ở trong lớp luôn ngồi đằng sau tôi, người lúc nào cũng toàn mùi bánh mì, nhớ đến những trò chơi trẻ con thời xa xưa ở Bucina, đến những khẩu súng cao su và những tòa lâu đài chúng tôi dựng bằng đá và cành cây, tất cả được bao trùm trong màn sương mùa thu và cũng đã lâu lắm rồi, sau đó tôi nhớ đến những buổi tối mùa đông, đến trường trung học, rồi đến ban nhạc và ánh sáng điện trong sảnh ở tòa biệt thự gia đình ông Mánes, ở quán rượu Con sư tử và quán Port Arthur, đến những cây kèn saxophone và trumpet, đến mùi vị của những cái dăm mía ươn ướt ở trong miệng và bãi tắm nắng với các cô gái mặc đồ tắm, tất cả cứ kéo theo, quẩn quanh bên  tôi, và tôi hiện diện ở đó, nhìn vào việc tôi đã sống như thế nào và không biết mình đã sống tốt, hay không tốt và tại sao, bây giờ nằm trên giường thì tôi thấy điều đó thế nào cũng được, bởi vì tôi đang thấy dễ chịu và ấm áp, tất cả mọi thứ có thể bỏ đấy, chỉ những ký ức cũng đủ cho tôi, và sự mơ ước về tương lai. Điều đó đặc biệt đến mức làm tôi ngạc nhiên về tất cả mọi thứ, tôi nhận thức được là tôi đang sống trong năm một nghìn chín trăm bốn mươi lăm, rằng cuộc chiến tranh lớn nhất mọi thời đại đang kết thúc, hàng triệu người đã bị chết và hàng triệu người bị thương khủng khiếp và đang khốn khổ trong bùn đất và trong các trạm cứu thương, hàng triệu người đã bị quân Đức tra tấn giết chết trong các trại tập trung, tôi biết về tất cả những cái chết ấy và tự hỏi mình cuộc sống đúng ra thì vì mục đích gì, và tôi có  cảm tưởng là chẳng vì mục đích nào cả, ngoài sự suy nghĩ về các cô gái và về âm nhạc, và tôi lại nghĩ không biết như vậy có đủ để xứng đáng với cuộc sống hay không, nhưng tôi không thể nghĩ ra được cái gì khác nữa, thế là tôi thôi không nghĩ tiếp nữa mà lập tức bắt đầu nhớ đến Irena, nhớ đến một đêm tôi cùng Irena đi trong rừng và tôi đã bị lâm vào trạng thái mặc cảm tự ti, khi Irena lải nhải mãi về Victor Hugo[4] và Byron,[5] và tôi đã nhầm Byron với Balzac,[6] lẫn Balzac với Barbusse[7] và chưa hề đọc bất kỳ một tác phẩm nào của ai trong số họ cả, tôi nhớ tôi đã nghĩ rằng mình vẫn còn ngu làm sao, và trong cuộc sống nhất định không có cái gì khác ngoài cái này, rằng chuyện con người phát minh ra sự vật và thuốc men tất nhiên là điều quan trọng, nhưng nếu mà không có những thứ ấy thì con người vẫn có thể sống được, chứ nếu không có cái này thì cuộc sống hoàn toàn chẳng có gì đáng sống, và mọi suy nghĩ cứ luẩn quẩn trong đầu tôi như thế cho đến lúc tôi ngủ thiếp đi, và khi tôi tỉnh dậy thì trời đã xế chiều, bên ngoài cửa sổ là bầu trời nhuốm màu đỏ, cửa sổ của các ngôi nhà phản chiếu ánh sáng của mặt trời đang lặn, mùa xuân đã tới và chế độ bảo hộ của Đức đã kết thúc.

Bố đi vào phòng tôi và nói là sẽ bật đài. Tôi nằm dài trên giường nghe tin tức từ Praha, đó là những thông báo thú vị và kích động, tôi tượng tượng ra tất cả mọi thứ và bố tôi nói ở trong thành phố đang yên tĩnh, quân Đức thì chẳng làm gì cả sau vụ bị đột kích đêm hôm qua, ngày hôm nay thì cả đơn vị của chúng đã rời đi nơi khác, tôi hỏi những người ở nhà máy bia có được về nhà không và bố tôi nói là một số được về nhà, nhưng ngoài ra thì trong đó vẫn còn người, tôi hỏi bố có biết tin gì về Prema không, bố tôi nói là không biết. Sau đó, đài đưa tin là Hradcany[8] đang bị cháy, bố tôi nắm tay lại chửi bọn khốn nạn tàn phá, còn tôi thì thử tưởng tượng xem khi Hradcany cháy thì nó như thế nào, và tôi cảm thấy thinh thích, rằng tất cả bị cháy hết rồi sẽ xây dựng cái mới và có thể là mọi thứ sẽ mới và chẳng hạn sẽ tốt hơn, tôi mong đến ngày hôm sau ngủ dậy sẽ gặp Irena và lũ con trai, chúng tôi sẽ lại cùng ngồi với nhau và chơi nhạc, tôi mong lại chơi saxophone và mong tất cả mọi thứ, cả cô gái không quen biết mà tôi sẽ gặp ở Praha. Trời sâm sẩm tối, bố tôi tắt đài rồi đi ra khỏi phòng. Chỉ còn một mình tôi ở trong phòng, tôi tắt đèn rồi nhìn qua cửa sổ ra bên ngoài, nhìn lên những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời bởi lẽ những đám mây nặng nước mưa đã kéo nhau đi, và tôi lại nghĩ về nhiều thứ, rồi tôi thiếp đi và ngủ luôn.

Bình Slavická dịch

(Tác phẩm sẽ được NXB Phụ nữ Việt Nam phát hành trong tháng 12/2022)

[1] Majáles là ngày hội chào đón tháng Năm, ngợi ca cái đẹp đời sống sinh viên của sinh viên Séc. Đặc trưng nổi bật của ngày hội Májeles là tự do tư tưởng, chống giáo hội, tinh thần yêu nước, ăn mặc khác thường, vui chơi, liên hoan âm nhạc, các cuộc thi đấu, diễu hành đường phố v.v. Bao giờ cũng có cuộc bình chọn vua Majáeles.

[2] Tôi có một chàng trai (Ella Fitzgerald 1937).

[3] Liza không thích ai cả (The Ramblers 1939).

[4] Victor Hugo (1802–1885) nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch, đại diện của dòng văn học lãng mạn Pháp.

[5] Tên đầy đủ George Gordon Noel Byron (1788–1824), nhà thơ, nhà văn, kịch gia và chính trị gia người Anh, đại diện của dòng văn học lãng mạn.

[6] Tên đầy đủ Honoré de Balzac (1799–1850), bậc thầy của văn học hiện thực Pháp nửa đầu thế kỷ 19.

[7] Tên đầy đủ Henri Barbusse (1873–1935), nhà văn, nhà báo Pháp.

[8] Hradčany ngày nay là một phường nằm giữa quận Praha 1 và Praha 6. Tại Hradčany có Lâu đài Praha nổi tiếng, xây dựng từ thế kỷ thứ 9, là cung điện của các nhà vua Bohemie và Hoàng đế La Mã Thần thánh, từ 1918 là dinh Tổng thống. Ở khu vực lâu đài còn có Nhà thờ Chính tòa Thánh Vit, Václav và Vojtech. Lâu đài Praha là lâu đài cổ lớn nhất thế giới, là biểu tượng của thành phố và nhà nước Séc. Ngoài tổng thể Lâu đài Praha, ở Hradčany còn có nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng khác, như dinh thự Tổng giám mục, Tu viện Strahov, Loreta v.v.

Chấm sao chút:

Đã có 1 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3