Thời gian đọc: 20 phút

Lời giới thiệu

Sau 5 năm tham gia lực lượng cảnh sát của Đế quốc Anh tại Miến Điện (Myanmar), năm 1927, Eric A. Blair bỏ việc, trở về quê nhà nước Anh. Sau này ông giải thích nguyên do hành động đó là bởi ghê tởm chủ nghĩa Đế quốc cùng gánh nặng mặc cảm tội lỗi vì chính mình cũng góp sức cho ách thực dân áp bức, bóc lột con người ở xứ thuộc địa. Chính tâm tư ấy đã khiến ông quyết định hòa mình cùng lớp người nghèo khổ và muốn được trở thành một trong số họ. Từ chối hưởng đời êm ấm tại nhà hai cụ thân sinh thuộc tầng lớp trung lưu ở thị trấn miền duyên hải Southword, Eric A. Blair tự nguyện ăn mặc như người lang thang, sống lê la vạ vật trong các nhà trọ tồi tàn hoặc trại tế bần vùng London để ghi lại các cảnh đời khốn cùng tại đây.

Đến mùa xuân 1928, ông tới Paris, mướn phòng trọ trong khu phố La tinh bần hàn và bắt đầu làm việc như một cây bút tự do. Trong vòng mười lăm tháng, ông viết liền hai cuốn tiểu thuyết cùng một số truyện ngắn, tuy nhiên tất cả đều bị từ chối hoặc bị chính tác giả xé bỏ. Sau này nhà văn thuật lại: “Các nỗ lực văn chương suốt cả năm đầu tiên chỉ mang về cho tôi vỏn vẹn có hai mươi bảng” nhờ mấy bài viết nhỏ gửi đăng trên các tờ báo vô danh. Họa vô đơn chí, nhà văn còn bị mất cắp tiền rồi công việc dạy tiếng Anh dạng năm thì mười họa cũng phải chấm dứt vì không có học viên. Tình thế bức bách, ông phải vào làm bồi bếp cho một khách sạn thời thượng tại Paris. Nhưng hóa ra khoảng thời gian chật vật này lại gieo những hạt mầm giúp ông có được những trang sách xuất thần để sau này gộp chung với trường đoạn mô tả lớp người lang thang ở London được viết từ trước đó làm thành cuốn sách các bạn đang cầm trên tay. Và trình tự những trải nghiệm tác giả viết trong sách, thực ra đã bị đảo ngược so với thực tế.

Lúc đầu tác giả gửi bản thảo chỉ có phần viết về cuộc lưu trú ở Paris cho Nhà xuất bản Jonathan Cape nhưng bị từ chối. Tiêu đề đầu tiên của quyển sách là A Scullion’s Diary (tạm dịch: Hồi ký của một phụ bếp). Một năm sau, với thời kì sống lang thang ở Anh đã được thêm vào, ông đem bản thảo mới tới Nhà xuất bản Faber & Faber để rồi bị chính T. S. Eliot danh tiếng từ chối. T. S. Eliot bày tỏ trong lá thứ phúc đáp thế này: “Chúng tôi nhận thấy đây là một cuốn sách cực kì lí thú nhưng rất lấy làm tiếc không thể nhận in vì quá mạo hiểm!”

Nhờ Mabel Fierz, một người bạn gái từng trợ giúp rất nhiều cho nhà văn trẻ dạo ấy hay lâm vào cảnh túng bấn, mà ngày nay chúng ta được thưởng thức Chìm nổi giữa Paris và London. Eric A. Blair, quá ngán ngẩm bởi liên tiếp bị hai Nhà xuất bản uy tín chối từ, đã nhờ bà bạn vứt bỏ tập bản thảo đánh máy, dặn chỉ cần giữ lại mấy cái kẹp giấy là được. Thay vì nhất nhất tuân theo lời dặn ấy, Mabel Fierz mang bản thảo giao cho Leonard Moore, người quen và cũng là một nhà môi giới xuất bản có uy tín, nhờ ông này đọc và đánh giá hộ mình ngay. Leonard Moore liền nhận ra chân giá trị của cuốn sách nên đã đem tiến cử cho Nhà xuất bản Victor Gollancz Ltd, khi ấy mới thành lập được có vài năm, và nhanh chóng sách được chấp nhận – với điều kiện đổi một số tên và xóa sạch các câu chửi thề. Sau khi hoàn tất những yêu cầu sửa đổi này, Eric A. Blair đã viết cho ông chủ Nhà xuất bản Victor Gollancz: “Ai viết mà chẳng như nhau nên tôi mong cuốn sách được xuất bản dưới một bút danh. Tôi chẳng có danh tiếng gì để mất cả và nếu sách đạt được bất kì thành công nào thì tôi sẽ có thể sử dụng luôn bút danh này.” Sách được in lần đầu tháng Giêng năm 1933 tại Anh, rồi cũng năm ấy, tháng Sáu, được Nhà Harper & Brothers xuất bản tại New York và cùng với đó Eric A. Blair trở thành George Orwell.

Kể từ đấy, với bút danh George Orwell, Eric A. Blair đã trở thành một nhà văn lừng lẫy, được công nhận là cây bút Anh có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới trong thế kỉ XX.

Người dịch

X

 

Khách sạn X. là một tòa nhà to lớn, uy nghi, với mặt tiền mang phong cách cổ điển, bên hông có một lối vào chật hẹp, đen ngòm như hang chuột, dành cho đội ngũ phục vụ. Tôi đến nơi lúc bảy giờ kém mười lăm phút sáng. Một dòng người bận quần lấm lem, đang hối hả đi qua một vọng gác nhỏ xíu có gã canh cổng ngồi kiểm tra. Tôi đứng đợi, và chẳng mấy chốc viên đốc công bếp, một chân giúp việc cho giám đốc ẩm thực, tìm đến và bắt đầu hỏi han. Anh này là dân Ý, khuôn mặt tròn nhưng xanh xao, phờ phạc vì làm việc quá sức. Anh ta hỏi tôi có kinh nghiệm bồi bếp không, tôi bảo có; anh liếc đôi tay tôi, nhận ra tôi nói dối, nhưng lúc nghe kể tôi là dân Anh thì anh liền đổi giọng, bằng lòng tuyển dụng.

“Chúng tôi đang cần có một người để thực hành món tiếng Anh,” anh ta bảo. “Khách đều là dân Mỹ mà chúng tôi chỉ biết độc câu —” Anh nhắc lại cái từ lũ oắt thường viết lên các bức tường London. “Cậu có thể hữu dụng đây. Xuống tầng hầm nào.”

Anh ta dẫn tôi theo dải cầu thang xoắn ốc đi xuống một đường hầm hẹp, sâu dưới lòng đất, có trần thấp đến nỗi nhiều đoạn tôi phải cúi lom khom. Dưới này nóng kiểu ngột ngạt, lại tối mò vì có mỗi mấy bóng đèn vàng vọt mắc cách nhau dăm thước một. Có cảm giác như thể con đường giữa lòng mê cung tăm tối này dài cả mấy dặm – thực tế, tổng cộng chắc cũng chỉ vài trăm thước – và gợi nhắc kì quái đến tầng hầm trong một con tàu thủy chở khách; cũng cái nóng, cũng không gian chật chội, cũng mùi đồ ăn nồng nặc, cũng tiếng ì ì, ù ù (phát ra từ bếp lò) hệt tiếng máy tàu vậy. Chúng tôi bước ngang qua các khung cửa, có cái vang lên tiếng thét nguyền rủa, có cái tỏa hừng hực ánh lửa đỏ rực, có một lần lại phả ra luồng khí lạnh toát từ hầm trữ đông. Đang đi bỗng có vậy gì thúc mạnh vào lưng tôi. Đó là một tảng nước đá nặng cả dăm chục cân đang được một anh bồi bận tạp dề xanh hì hụi vác. Theo sau người này là một thanh niên lặc lè tảng thịt to tướng trên vai, gò má áp cả vào khối thịt mềm ướt. Họ gạt tôi sang một bên, miệng la lớn “Xê ra[1], đồ ngốc!” rồi thoăn thoắt vượt lên. Trên tường, bên dưới một ngọn đèn, ai đấy nắn nót một dòng chữ: “Tìm thấy một ngày trong xanh giữa mùa đông còn dễ hơn lần ra một nàng trinh nguyên trong khách sạn X.” Xem ra đây quả là một nơi kì lạ.

Một nhánh đường hầm dẫn tới phòng giặt là, ở đây một bà già mặt mày hốc hác phát cho tôi cái tạp dề xanh cùng một chồng khăn lau bát đĩa. Sau đó, đốc công đưa tôi đến một gian nhỏ sâu tít bên dưới – đây thực ra là một căn hầm nằm dưới tầng hầm – trong có đặt một cái bồn rửa cùng mấy bếp lò đun ga. Căn hầm quá thấp khiến tôi khó bề đứng thẳng, và nhiệt độ có lẽ phải khoảng hơn bốn mươi độ C. Đốc công giảng giải việc của tôi là mang thức ăn lên cho các nhân viên cấp cao của khách sạn – họ sẽ ăn trong một phòng ăn nhỏ phía trên, đồng thời dọn dẹp phòng đó cũng như rửa bát đĩa cho đám người kia. Đốc công đi rồi thì có một anh bồi, cũng người Ý, thò cái đầu bù xù, hung tợn qua khung cửa, ngó nhìn xuống tôi.

“Dân Anh hử?” Anh ta nói. “Này, tao phụ trách ở đây. Nếu mày làm việc tốt”, anh ta làm động tác tu chai òng ọc. “Còn không” – anh ta đá vài cú rầm rầm vào khung cửa. “Vặn cổ ngữ mày với tao cũng chẳng to tát gì hơn việc nhổ bậy ra sàn. Có chuyện gì, người ta sẽ tin tao chứ không phải mày đâu. Coi chừng đấy.”

Tôi liền khẩn trương bắt tay vào việc. Ngoại trừ khoảng một tiếng được nghỉ, tôi phải làm quần quật từ lúc bảnh mắt bảy giờ sáng đến chín giờ mười lăm tối; đầu tiên rửa bát đĩa, rồi dọn bàn và lau sàn phòng ăn dành cho nhân viên, rồi đánh bóng cửa kính và dao nĩa, rồi bưng đồ ăn lên, rồi lại rửa chén bát, rồi mang thêm đồ ăn, rồi lại tiếp tục rửa chén bát. Công việc đơn giản và tôi dễ dàng làm quen ngoại trừ chuyện vào bếp nhận đồ ăn mang lên. Gian bếp chẳng hề giống với bất cứ địa điểm nào tôi từng thấy hay từng tưởng tượng – một gian địa ngục ngột ngạt, thấp tè, lập lòe ánh lửa đỏ, chói tai những tràng chửi rủa cùng tiếng loảng xoảng xoong nồi. Ở đây nóng đến độ tất tật đồ kim khí, ngoại trừ bếp lò, đều phải quấn giẻ. Khu vực chính giữa đặt mấy lò, có mười hai người nấu bếp chạy tới chạy lui, dưới những chiếc mũ vải trắng là các khuôn mặt ròng ròng mồ hôi. Xung quanh là các cửa giao nhận với cả đám đông bồi bàn, bồi bếp cầm khay kêu la, giục rối rít bên ngoài. Những tay phụ bếp, mình trần đến thắt lưng, đang nhóm lò hay dùng cát cọ rửa những cái chảo đồng to tướng. Ai cũng mang vẻ tất tả và giận dữ. Ông bếp trưởng, người đỏ lựng với bộ ria kếch xù, đứng giữa luôn mồm hét, “Tiếp theo, hai trứng bác! Tiếp theo, một bò bít tết khoai tây rán[2]!” ngoại trừ những bận ngưng lại để rủa một tay bồi bếp. Có cả thảy ba cửa giao nhận, và lần đầu tiên vào bếp, tôi vô ý tới nhầm cửa. Ông bếp trưởng bước lại gần, vê ria mép, nhìn tôi từ đầu đến chân. Sau đó, ông ngoắc tay gọi người đầu bếp phụ trách bữa sáng lại trỏ vào tôi.

“Cậu thấy không? Đây là loại bồi bếp dạo này họ gửi đến cho chúng ta. Mày quê đâu thế hả thằng ngốc? Tao đồ rằng từ Charenton?”(Đó là nơi có một nhà thương điên rất lớn.)

“Ở Anh ạ,” tôi đáp.

“Có lẽ tao biết chỗ đó. Này nhé, người bạn Anh thân mến ơi[3], tôi có thể xin phép được thông báo cho ông hay ông là con của một con điếm được không ạ? Còn giờ, cút xéo[4] sang quầy của mày.”

Tôi nhận được màn tiếp đón như vậy mỗi lần vào bếp vì tôi luôn phạm phải lỗi lầm nào đó; họ trông đợi tôi phải biết việc, cho nên cứ thấy tôi làm sai là chửi mắng. Tôi tò mò thử nhẩm đếm số lần bị rủa sả thằng ma cô[5] trong một ngày và kết quả là ba mươi chín lần.

Tới bốn giờ rưỡi chiều, anh bồi bàn người Ý kia bảo tôi có thể nghỉ tay, nhưng thật ra chẳng bõ công rời khách sạn ra ngoài vì năm giờ đã phải làm tiếp. Tôi vào nhà vệ sinh để hút thuốc; ở đây hút thuốc bị cấm ngặt, và Boris đã cảnh báo nếu muốn hút chỉ có nơi ấy là an toàn. Sau đó, tôi làm việc tiếp đến chín giờ mười lăm tối thì anh bồi lại thò đầu qua ngưỡng cửa bảo tôi bỏ cứ chỗ bát đĩa còn lại đó. Sau khi gọi tôi là đồ lợn, đồ ma cô, v.v…, thật sửng sốt giờ anh đột nhiên trở nên khá thân thiện. Tôi chợt vỡ lẽ những lời thóa mạ mình phải nhận lãnh kia thuần túy chỉ là một kiểu thử thách.

“Thế được rồi, chú nhóc[6],” anh bồi bàn bảo. “Không tháo vát lắm[7] nhưng chú làm cũng ổn. Lên mà ăn tối đi. Khách sạn cấp mỗi thằng hai lít vang, anh xoáy thêm được một chai nữa. Ta sẽ đánh một bữa ra trò.”

Với những đồ ăn thừa của đám nhân viên cấp trên, chúng tôi đã có một bữa tối thịnh soạn. Anh bồi, lúc đã ngà ngà, giãi bầy gan ruột về những cuộc tình của mình, về hai gã anh đã đâm ở Ý, và về vụ anh trốn nghĩa vụ quân sự ra sao. Lúc đã quen biết, tôi nhận ra anh là một người bạn tốt, chẳng hiểu vì sao gợi cho tôi nhớ đến Benvenuto Cellini[8]. Người mệt nhừ, mồ hôi vã đầm đìa nhưng sau một ngày được ăn no, tôi thấy như mình là một con người khác. Công việc chẳng có vẻ khó lắm và tôi cảm giác phù hợp với mình. Tuy nhiên chỗ làm này chưa chắc chân, vì tôi chỉ được nhận làm thời vụ trong ngày, với mức thù lao hai mươi lăm franc. Gã canh cổng có khuôn mặt cau có đếm chỗ tiền, giữ lại năm mươi xu tiền bảo hiểm (sau này tôi phát hiện là bịa đặt). Rồi gã rời bốt gác bước ra lối đi, bắt tôi cởi bỏ áo khoác để gã nắn bóp khắp người tìm đồ ăn mang trộm ra ngoài. Sau đó, viên đốc công xuất hiện, nói chuyện với tôi. Giống như anh bồi bàn, người này cũng tỏ ra niềm nở hơn sau khi thấy tôi đã làm việc tận tụy.

“Chúng tôi sẽ giao cho cậu một chân lâu dài nếu cậu thích,” anh nói. “Trưởng nhóm ở đó bảo hắn thích được sỉ vả một gã Anh. Cậu đồng ý kí giao kèo một tháng chứ?”

Cuối cùng tôi đã có việc và định bụng nhận ngay tắp lự. Nhưng rồi tôi nhớ ra nhà hàng Nga sẽ mở cửa sau hai tuần nữa. Thật chẳng hay ho gì nếu cam kết làm ở đây một tháng rồi lại bỏ đi giữa chừng. Tôi nói sắp tới mình có công việc khác – liệu tôi có thể làm hai tuần được không? Nhưng đốc công nhún vai, bảo khách sạn chỉ mướn người theo tháng. Hiển nhiên tôi đã đánh mất cơ hội có việc làm.

Như đã hẹn, Boris đang đợi tôi ở đoạn đường có mái che trên phố Rivoli. Nghe tôi thuật lại những gì xảy ra, anh rất bực tức. Lần đầu tiên kể từ khi quen nhau, Boris đánh mất kiềm chế buông lời cục cằn mắng tôi là ngốc.

“Trời ơi, đồ mặt nạc đóm dày! Sao tớ phải cày cục tìm một việc để cho cậu liệng đi ngay thế nhỉ? Sao cậu có thể ngốc đến mức đề cập đến một nhà hàng khác hả? Cậu chỉ việc hứa sẽ làm một tháng thôi cơ mà.”

“Nếu thành thực thì phải nói cho họ mình có thể không làm được lâu đến thế chứ,” tôi phản bác.

“Ôi thành thực! Thành thực kìa! Có chó nào từng nghe nói đến một thằng bồi bếp trung thực bao giờ chưa? Này anh bạn” – anh đột nhiên nắm ve áo tôi nghiêm mặt bảo – “Cậu làm ở đây cả ngày nay rồi. Cậu đã tận mắt thấy cái nghề khách sạn rồi đấy. Cậu nghĩ một thằng bồi bếp còn có thể giữ được danh dự không?”

“Không, có lẽ không.”

“Vậy thì lập tức quay lại bảo gã đốc công là cậu sẵn sàng làm việc một tháng. Nói cậu sẽ từ chối công việc kia. Sau này, khi lữ quán ta khai trương, mình chỉ cần xoay lưng bỏ đi là xong.”

“Nhưng còn tiền lương thì sao nếu tớ phá vỡ hợp đồng?”

Boris dộng cây can chan chát xuống vỉa hè, gắt lên trước câu hỏi ngốc nghếch đó. “Cậu sẽ không bị thiệt xu nào nếu yêu cầu được trả lương từng ngày. Cậu nghĩ người ta sẽ rỗi hơi đi kiện một thằng bồi bếp phá vỡ hợp đồng hay sao? Bồi bếp chỉ là hạng giun dế chẳng xứng để bị kiện.”

Tôi ba chân bốn cẳng trở lại khách sạn, tìm gặp đốc công, và nói mình sẵn lòng kí giao kèo làm việc một tháng. Đây là bài học đầu tiên cho tôi về đạo đức của bồi bếp. Sau này, tôi nhận ra thật ngớ ngẩn khi áy náy đắn đo, vì các khách sạn lớn luôn đối xử khá nhẫn tâm với nhân viên. Họ tuyển dụng hay sa thải theo nhu cầu, và hết mùa cao điểm luôn thải bỏ chí ít mười phần trăm số nhân viên. Họ cũng chẳng hề gặp khó khăn tìm người thay thế cho một nhân viên thình lình bỏ việc vì Paris đầy rẫy nhân lực khách sạn thất nghiệp.

 

 

 

XI

Hóa ra rốt cuộc tôi không phải phá vỡ giao ước, vì sáu tuần trôi qua rồi mà vẫn chẳng có dấu hiệu gì lữ quán Jehan Cottard sẽ mở cửa. Trong thời gian ấy, tôi làm tại khách sạn X., mỗi tuần bốn ngày tại phòng phân phối đồ ăn, một ngày phụ giúp anh bồi bàn tầng bốn, còn một ngày thế chỗ bà tạp vụ lau rửa ở phòng ăn. May mắn thay ngày nghỉ của tôi rơi vào Chủ nhật, nhưng lắm lúc có một nhân viên bị ốm và tôi vẫn phải đi làm ngày hôm đó. Tôi làm từ bảy giờ sáng đến hai giờ chiều, và từ năm giờ chiều đến chín giờ tối, tổng cộng mười một tiếng; nhưng riêng ngày dọn dẹp ở phòng ăn tôi phải làm mười bốn tiếng. Theo tiêu chuẩn thông thường của một chân bồi bếp Paris thì số giờ làm của tôi ít lạ thường. Cực nhọc nhất ở công việc này chỉ là cái nóng, cái ngột ngạt đáng sợ trong những căn hầm giữa mê cung. Ngoài ra, tòa khách sạn bề thế, được tổ chức tốt này, có thể xem như một chỗ làm dễ chịu.

Phòng phân phối đồ ăn là một căn hầm âm u dài sáu mét, rộng hai mét mốt, cao hai mét tư, để đầy những bình pha cà phê, máy cắt bánh mì cùng các dụng cụ tương tự khiến ta khó lòng di chuyển mà không va vào thứ gì đó. Nguồn sáng trong phòng từ một bóng điện lờ mờ cùng bốn, năm ngọn đèn khí tỏa ra mấy quầng sáng đỏ quạch. Trong phòng có lắp một nhiệt kế, và nó không bao giờ tụt xuống dưới bốn mươi ba độ – vào một số thời điểm trong ngày còn leo lên gần năm mươi tư độ. Ở đầu phòng đặt năm thang máy chuyển đồ ăn thức uống giữa các tầng, còn cuối phòng là khoang lạnh chứa sữa và bơ. Chỉ tiến một bước vào khoang lạnh, nhiệt độ quanh ta đã giảm cả hơn ba chục độ, điều này khiến tôi liên tưởng đến bản thánh ca về những ngọn núi băng Greenland cùng các dải san hô ở Ấn Độ[9]. Ngoại trừ Boris và tôi, còn hai người khác làm trong phòng. Một là Mario, dân Ý, dáng lừng lững và dễ bị kích động – anh nhang nhác một viên cảnh sát và hay làm các động tác khoa trương – còn người kia, một dạng nửa người nửa ngợm, lông lá, hoang dã mà chúng tôi thường gọi là ‘dân Hungary’; tôi nghĩ anh ta người vùng Transylvanian[10], hoặc đâu đó còn xa xôi hơn. Trừ ‘dân Hungary’ ra, ba người còn lại đều cao to, nên vào giờ cao điểm chúng tôi không ngừng va đụng nhau.

Nhịp độ làm việc ở đây thăng giáng từng cơn. Chúng tôi chẳng khi nào ngồi không, nhưng đợt công việc thực sự dồn dập ập tới thường chỉ kéo dài hai tiếng mỗi bận – chúng tôi gọi đó là một trận oanh tạc[11]. Trận đầu tiên xảy ra vào tám giờ, khi những vị khách trên lầu bắt đầu thức giấc, đặt bữa sáng. Đúng tám giờ, tiếng rầm rầm và la hét đột ngột lan khắp tầng hầm, chuông reo tứ phía, nhân viên bận tạp dề xanh lao nhanh trên lối đi, cabin thang máy chuyển thức ăn đồng loạt hạ rầm rầm và các bồi phòng ở cả năm tầng bên trên cùng chõ miệng vào giếng thang mà kêu gào, chửi thề bằng tiếng Ý. Tôi không nhớ nổi tất cả nhiệm vụ nhân viên bộ phận tôi phải làm, nhưng đó bao gồm pha trà, cà phê và sô cô la, chuyển món từ nhà bếp lên, mang rượu nho từ hầm, lấy trái cây hay những thứ đại loại như vậy từ phòng ăn, cắt bánh mì thành lát đem nướng, nặn các viên bơ, đong mứt, mở thùng sữa, đếm đường viên, luộc trứng, nấu cháo yến mạch, đập đá, xay cà phê – tất tật những việc này phục vụ cho từ một trăm đến hai trăm khách. Nhà bếp cách gần ba mươi mét, còn phòng ăn cách khoảng sáu chục mét. Mọi thứ chúng tôi gửi lên theo thang chuyển thức ăn đều được ghi trong biên nhận, và các tờ biên nhận này phải lưu giữ cẩn thận vì sẽ gặp rắc rối nếu mất dù chỉ một cục đường. Ngoài ra, chúng tôi phải phục vụ bánh mì, cà phê cũng như lấy đồ ăn cho đội ngũ bồi phòng ở các tầng trên. Nhìn tổng thể, đây là một công việc đầy rối rắm.

Tôi đã tính thử quãng đường phải chạy đi chạy lại mỗi ngày là tầm hai mươi tư cây số, thế nhưng cái căng thẳng chủ yếu lại nằm ở mặt đầu óc hơn là thể xác. Nhìn bề ngoài thì không gì dễ bằng công việc bồi bếp ngu ngốc này, nhưng lúc ta vội vã nó trở nên khó đến ngạc nhiên. Bạn có cả đống việc cần làm gần như đồng thời – tình trạng giống như ta phải phân loại cả mớ quân bài hỗn độn trong vỏn vẹn vài giây. Ví dụ, bạn đang dở tay nướng vài lát bánh mì thì rầm!, một thang máy thức ăn hạ xuống yêu cầu phục vụ trà, bánh mì cùng ba loại mứt khác nhau, rồi gần như đồng thời lại rầm!, hạ xuống một yêu cầu món trứng bác, cà phê và bưởi; bạn ba chân bốn cẳng chạy sang bếp lấy trứng, đến phòng ăn lấy trái cây và phải hộc tốc quay về trở về trước khi bánh mì đang nướng bị cháy, trong đầu vẫn phải nhớ tới trà và cà phê, cùng nửa tá đơn đặt món khác còn chưa giải quyết; cùng lúc đó, một anh bồi bàn lại nhằng nhẵng bám gót bạn kèo nhèo chuyện một chai nước soda bị mất và bạn phải lời qua tiếng lại đối đáp anh ta. Công việc này cần nhiều đầu óc hơn ta tưởng. Mario thật chí lí khi bảo cần hàng năm để đào tạo ra một chàng bồi bếp đáng tin cậy cho bộ phận này.

Từ tám giờ đến mười rưỡi là khoảng thời gian cuống cuồng đến mụ mị. Đôi khi chúng tôi hành xử như thể chỉ còn năm phút để thoát chết; cũng có những khoảng lặng đột ngột khi các đơn đặt món không tới nữa và tất thảy lặng im trong giây lát. Chúng tôi bèn quét dọn rác rưởi trên sàn, rắc một lớp mùn cưa mới, uống ừng ực các bình rượu vang, cà phê hoặc nước – bất kể thứ gì, miễn là chất lỏng. Chúng tôi thường đập vụn các tảng nước đá rồi mút trong mồm khi làm việc. Hơi nóng các bếp ga thật kinh khủng; chúng tôi tu dăm bảy lít thức uống mỗi ngày, và sau vài giờ, cả tấm tạp dề cũng ướt sũng mồ hôi. Nhiều lần, chúng tôi bị tụt lại trong vô vọng, và một số khách hàng có thể sẽ không được ăn sáng, nhưng Mario luôn đưa chúng tôi vượt lên. Anh đã làm mười bốn năm trong phòng này, và có kỹ năng chuyển từ việc này sang việc khác mà không bao giờ để phí một giây. ‘Dân Hungary’ đại ngốc, tôi lóng ngóng thiếu kinh nghiệm, còn Boris có xu hướng tránh việc, một phần vì cái chân đau, phần khác bởi mặc cảm phải làm trong bộ phận này dẫu trước đã là bồi bàn; duy có Mario là thật thượng thặng. Ngón nghề đưa cánh tay dài quá khổ ngang qua phòng rót đầy một bình cà phê, tay kia luộc một quả trứng, mắt trông chừng lò nướng bánh mì, mồm hét hướng dẫn ‘dân Hungary’, họng vẫn ừ hữ một khúc hát trong vở Rigoletto[12] của anh quả thật chẳng lời khen nào lột tả xiết. Ông chủ biết giá trị của anh, nên Mario được trả một nghìn franc mỗi tháng, thay vì chỉ năm trăm như lũ chúng tôi.

Trận náo loạn bữa sáng chấm dứt lúc mười giờ rưỡi. Sau đó, chúng tôi cọ rửa các mặt bàn, quét sàn, đánh bóng đồ đồng, và vào những buổi sáng tốt lành, từng người lần lượt vào nhà vệ sinh hút thuốc. Đây là khoảng thời gian thư nhàn của chúng tôi – chỉ tương đối rảnh vì tuy chúng tôi có mười phút để ăn trưa nhưng chẳng bao giờ được yên ấm ăn hết bữa mà luôn bị gián đoạn. Giờ ăn trưa của khách, từ mười hai giờ đến hai giờ chiều, cũng giống giờ ăn sáng, lại là một trận rối loạn nữa. Phần chính công việc của chúng tôi là đem đồ ăn từ nhà bếp lên, nghĩa là phải nhận lãnh những tràng quát tháo không dứt từ đầu bếp. Tới lúc này, các đầu bếp đã mồ hôi mồ kê đầm đìa trước bếp lò cả bốn, năm tiếng đồng hồ và tâm tính họ cũng nóng lên không kém.

Đúng hai giờ chiều, chúng tôi bỗng thành người tự do. Chúng tôi vứt bỏ tạp dề, choàng lên người áo khoác, ba chân bốn cẳng rời khách sạn, và nếu trong túi có tiền, chui ngay vào quán rượu gần nhất. Cảm giác lúc rời những gian hầm ngột ngạt, bập bùng ánh lửa chui lên đường thật lạ lẫm. Không khí cực kì trong lành và mát lạnh tựa mùa hè Bắc cực; và mùi xăng dầu mới ngọt ngào làm sao, sau những ngập ngụa hôi hám của mồ hôi lẫn thức ăn! Đôi khi, trong quán rượu, chúng tôi gặp một số đầu bếp cùng các bồi bàn và họ rất thân thiện, mời chúng tôi thức uống. Trong khách sạn chúng tôi là kẻ hầu người hạ của họ, nhưng đó là một thứ nghi thức trong cuộc sống chốn khách sạn, còn ở giờ nghỉ mọi người đều bình đẳng và chẳng ai còn để tâm đến cuộc cãi vã, la hét[13] nữa.

Năm giờ kém mười lăm chúng tôi trở về khách sạn. Từ đây đến sáu rưỡi tối sẽ không có đơn đặt món nào và chúng tôi dùng thời gian này đánh bóng đồ bằng bạc, súc rửa mấy bình cà phê hay làm các công việc vặt khác. Sau đó, cơn bấn loạn đỉnh cao trong ngày mở màn – bữa tối. Tôi ước mình tạm thời biến được thành Zola[14] để mô tả tường tận giờ ăn tối. Tình huống này về bản chất là từng vị trong một hai trăm khách gọi bữa ăn cho riêng mình gồm cả năm hoặc sáu món, còn năm sáu mươi người khác phải nấu nướng, phục vụ, sau đó lại dọn dẹp mọi thứ; bất cứ ai có kinh nghiệm trong nghề nhà hàng sẽ hiểu tình trạng này. Và trong lúc khối lượng công việc tăng gấp đôi thì mọi nhân viên thảy đều đã bơ phờ, một số người thậm chí còn đang say xỉn. Dẫu có viết nhiều trang chắc hẳn tôi vẫn chẳng thể lột tả đầy đủ được tình hình lúc đó. Thật chẳng bút nào tả xiết nổi tất cả tất bật, chen lấn trong các đường hầm chật chội, những va đụng, những la thét, những vật lộn với hòm, khay và tảng nước đá, cái nóng, bóng tối, những cãi cọ nảy lửa chẳng có thời gian giải quyết. Bất cứ ai lần đầu bước chân xuống tầng hầm cũng nghĩ mình đang ở giữa hang ổ một lũ điên. Mãi sau này, khi hiểu tường tận hoạt động của khách sạn, tôi mới nhìn ra cái trật tự trong tất cả cảnh tượng hỗn loạn ấy.

Tám rưỡi tối, cả guồng máy bỗng đột ngột dừng lại. Dù phải tận chín giờ tối mới được tự do nhưng thường cả đám chúng tôi đổ gục ngay xuống sàn, nằm duỗi dài đôi chân mỏi nhừ và kiệt quệ đến độ không sao lết nổi ra tủ đá lấy nước uống nữa. Thỉnh thoảng đốc công đến đem theo vài chai bia, vì lệ thường khách sạn sẽ phát thêm bia khi chúng tôi có một ngày cực nhọc. Thức ăn chúng tôi được cấp chỉ vừa đủ, nhưng ông chủ không hề keo kiệt đồ uống; họ cấp cho chúng tôi mỗi người hai lít rượu một ngày, biết rằng nếu một tay bồi bếp không được cho hai lít, hắn sẽ ăn trộm ba lít. Do còn mót được cả rượu thừa khách bỏ lại trong các chai nên rốt cuộc chúng tôi thường uống quá nhiều – một điều tốt, vì người ta dường như làm việc lanh lẹ hơn lúc đã ngà ngà.

Bốn ngày trong tuần của tôi là như thế; ở hai ngày còn lại thì một ngày dễ chịu hơn, một ngày nhọc nhằn hơn. Sau một tuần sống như vừa kể, tôi thấy cần được nghỉ xả hơi một ngày. Đó là tối thứ Bảy nên mọi tửu khách trong quán rượu chỗ tôi đều bận uống đến say dúi dụi, và bởi mai là một ngày rảnh rỗi nên tôi cũng vui vẻ nhập bọn. Đến tận hai giờ sáng chúng tôi mới lên giường, say khướt, định bụng sẽ ngủ tới trưa. Năm rưỡi sáng còn chưa kịp bảnh mắt, tôi đã bị đột ngột dựng dậy. Một người gác đêm, được khách sạn cử đến, đang đứng bên giường tôi. Anh ta giật tung chăn, thô bạo lay tôi.

“Dậy đi!” Anh ta nói. “Mày say mèm rồi hẳn[15]? Chà chà, cũng không sao, khách sạn đang thiếu người. Hôm nay mày phải đi làm.”

“Đời nào thế được?” Tôi phản đối. “Hôm nay là ngày tôi được nghỉ cơ mà.”

“Không có nghỉ ngơi gì cả! Việc còn đầy ra kia kìa. Dậy ngay!”

Tôi trở dậy và đi ra ngoài, cảm thấy lưng đau như gãy còn đầu thì chứa đầy than hồng. Tôi không nghĩ mình khả dĩ đi làm được. Tuy nhiên, chỉ sau một giờ dưới tầng hầm, tôi cảm nhận mình đã hoàn toàn khỏe mạnh. Cơ hồ trong cái nóng của những căn hầm ấy, cũng giống trong phòng tắm hơi kiểu Thổ Nhĩ Kỳ, người ta có thể thải bỏ gần như bất kỳ lượng đồ uống nào qua đường mồ hôi. Các bồi bếp biết và tận dụng điều này. Được nốc hàng lít rượu, nhưng sau đó vẫn thải được ra qua mồ hôi trước khi chất men gây nhiều tổn hại, âu cũng là một trong những món quà bù đắp cho cuộc đời họ.

Hà Thế Giang dịch

(Tác phẩm sẽ được NXB Phụ nữ phát hành trong tháng 12 năm 2022)

[1] Tiếng Pháp trong nguyên bản: Rangetoi.

[2] Tiếng Pháp trong nguyên bản: Ça marche, deux œufs brouillés! Ça marche, un Chateaubriand pommes sautées.

[3] Tiếng Pháp trong nguyên bản: mon cher monsieur l’Anglais.

[4] Tiếng Pháp trong nguyên bản: fous-moi le camp.

[5] Tiếng Pháp trong nguyên bản: maquereau.

[6] Tiếng Pháp trong nguyên bản: mon p’tit.

[7] Tiếng Pháp trong nguyên bản: Tu n’es pas débrouillard.

[8] Nhà điêu khắc, thợ kim hoàn người Ý thế kỉ XVI.

[9] Bài Từ những núi băng Greenland – sáng tác của vị linh mục Anh Reginald Heber (1783 –1826).

[10] Miền trung Rumani.

[11] Tiếng Pháp trong nguyên bản: un coup de feu.

[12] Vở opera ba màn của Giuseppe Verdi sáng tác năm 1851.

[13] Tiếng Pháp trong nguyên bản: engueulades.

[14] Émile Zola (1840-1902): Nhà văn hiện thực Pháp thế kỉ XIX.

[15] Tiếng Pháp trong nguyên bản: Tu t’es bien saoulé la gueule, pas vrai?

Chấm sao chút:

Đã có 0 người chấm, trung bình 0 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Hà Thế Giang
Các bài viết khác

Dân bơi Hồ Tây