Thời gian đọc: 20 phút

“Sách này chẳng phải nghệ thuật gì mà chỉ toàn hài nhảm và tuyên truyền rẻ tiền.”[1] Đấy là kết luận vào năm 1939 của René Wellek, phê bình gia nổi tiếng người Mỹ gốc Séc, người được coi là cha đẻ của ngành Văn học So sánh ở Hoa Kỳ. Đến năm 1998, Séc tổ chức cho 23 nhà phê bình xuất sắc nhất trong nước bình chọn cuốn tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20 của văn học Séc. Đứng đầu danh sách được đăng trên tạp chí Týden là tác phẩm Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới.[2] Nhận định chắc nịch đầy ngạo mạn của Wellek giờ đây không còn được nhắc đến mấy, khi sách này không chỉ đi vào được điển phạm nhờ “sức mạnh thẩm mỹ”[3], mà còn tạo nên được một loạt: lựa chọn mới trong vốn từ vựng dùng để chửi mắng lẫn ca ngợi, cách chỉ loại hành vi, loại ứng xử, loại người. Một nhà văn Séc nổi danh thế giới khác, Milan Kundera, thì nhận định rằng, Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới có thể là cuốn tiểu thuyết dân gian lớn cuối cùng.[4] Xuất bản vào năm 1921, Vận mệnh người lính tốt Švejk là một kiệt tác đến từ một nền văn học nhỏ, sánh vai cùng một loạt các tiểu thuyết đình đám khác, biến thập kỷ 20 của thế kỷ 20 thành một giai đoạn lẫy lừng đầy thành tựu, với Ulysses – James Joyce (1922), The Waste Land  –  T. S. Eliot, (1922), Bên phía nhà Swann – Marcel Proust,  (1922), Gatsby vĩ đại – F. Scott Fitzgerald (1925), Lâu đài – Franz Kafka (1926), Âm thanh và cuồng nộ – William Faulkner (1929)…

“Một thằng đần trong đại đội”: Người anh hùng không ai biết đến

Vốn là một bộ phận của đế quốc Áo-Hung trong suốt nhiều thế kỷ, mãi đến năm 1918, sau Đại chiến Thế giới, khi đế quốc này sụp đổ, Séc mới trở thành một chính thể cộng hòa độc lập. Thời đại mới kéo theo hàng loạt những biến đổi lớn: Văn chương, như nhà nghiên cứu Wellek chỉ ra xác đáng trong bài viết “Hai mươi năm Văn học Séc (1918-1938)”, cũng như những hoạt động văn hóa và chính trị khác, phải tự cải tổ chính mình. Những chủ đề thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc đấu tranh cho sự độc lập của quốc gia trong văn chương giờ đây phải nhường chỗ cho những vấn đề cấp bách hơn của xã hội và con người mới: “Những câu hỏi thuộc về xã hội, những cảm xúc chung đa số quần chúng nhân dân.”[5] Một lượng độc giả mới khổng lồ hình thành (văn chương giờ đây được cả tầng lớp dưới tiêu thụ), báo chí và in ấn phát triển rực rỡ, số lượng người viết (trong cả ngành báo chí lẫn văn chương) đều tăng vọt: tất cả dẫn tới một sự dân chủ hóa lớn. Văn học Séc, như được thổi một luồng gió mới, bật lên vượt trội.

Giữa bối cảnh những gì thuộc về quần chúng đều trở thành nội dung trung tâm trong văn chương như vậy, cuốn tiểu thuyết với nhân vật tiểu anh hùng của Hašek ra đời. Viết về một cuộc chiến tranh đã qua, chế giễu sự kệch cỡm của một đế chế đã tan rã, những tưởng đây là sẽ một đề tài lạc hậu, song Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới lại cực kỳ thời đại nhờ mẫu nhân vật xuất phát từ nhân dân của nó: người lính tốt Švejk.

Như chính tác giả đã viết trong “Lời nói đầu”: đây là “người anh hùng khiêm tốn không tên tuổi”, người ta có thể gặp tình cờ trên các nẻo đường Praha, người không ý thức được vai trò ý nghĩa của mình trong thời đại lớn lao mới.[6] Nhân vật tiểu anh hùng này, tuy vậy, sẽ trở thành người có khả năng nhạo báng và lật đổ cái thế giới chiến tranh đầy phi lý bằng lối cư xử quái đản và những câu chuyện do chính anh kể lại.

Hình tượng tiểu anh hùng này, bắt nguồn từ một ý tưởng tưởng đầy thô sơ mà hơn chục năm sau được chính tác giả phát triển lên thành cuốn tiểu thuyết đồ sộ hơn một nghìn trang này, mà như chính lời tác giả của một tác phẩm phản chiến đương đại xuất sắc khác là Joseph Heller thú thật: Nếu không có Švejk, thì không có Bẫy-22. Quãng tháng 6 năm 1911, Hašek, trước khi lên giường đi ngủ, nguệch ngoạc bằng bút chì ra một mẩu giấy, “Một thằng đần trong đại đội. Anh ta tự đi khám [để chứng minh] rằng mình đủ khả năng làm một người lính  đích thực”[7]. Và kể từ quãng thập niên 1910, Hašek đã viết một số truyện ngắn có nhân vật chính là Švejk và độc giả có thể tìm ở những truyện ngắn giai đoạn này cái hình tượng anh lính ngu ngốc miệng lúc nào cũng mỉm cười trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Rồi từ những phác thảo ấy mà hình tượng người lính tốt được xây dựng thành kẻ tưởng như lúc nào cũng tuân phục nhưng thực chất lại tìm mọi cách đi vòng qua luật lệ là Švejk sau này.

Hašek, người sống cùng thời với Franz Kafka và Karel Čapek vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 ở Praha, là một trường hợp đặc biệt, với cuộc đời nhiều biến cố ngang ngửa tiểu thuyết của chính mình, mà những từ khóa luôn được gán cho ông gồm: lãng tử, phiêu bạt, nghiện ngập, vô chính phủ, lập dị,… Những huyền thoại về những hành vi phá phách gây rối trật tự của ông được kể liên tu bất tận từ thời ông còn sống đến tận ngày nay. Và đứa con tinh thần của ông, người lính tốt Švejk, nhân vật gây ra không biết bao nhiêu tranh cãi, nhân vật được cho là người đại diện cho tinh thần, tính cách, văn hóa Séc, dưới góc đọc tiểu sử học, sẽ là một trong những hình ảnh phản chiếu của chính tác giả, một ẩn số khó hiểu.

Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới gồm 4 phần: Ở hậu phương, Ngoài mặt trận, Trận đòn vẻ vang, Tiếp tục trận đòn vẻ vang, và cũng như các tiểu thuyết của Kafka, tác phẩm này của Hašek không có phần kết, bị dở dang do cái chết đột ngột của tác giả. Toàn bộ cuốn tiểu thuyết xoay quanh một nhân vật chính tên là Josef Švejk, làm nghề bán chó ở Praha. Gọi là tiểu anh hùng (hay nhiều nhà phê bình còn gọi là phản anh hùng), bởi lẽ thay vì là một nhân vật chính với những đức tính tốt đẹp có thể làm thay đổi vận mệnh của bản thân và dân tộc, thì Švejk không chỉ có xuất thân tầm thường, nhiều tính cách trái ngược chưa kể một loạt tính xấu khác, mà còn luôn gây ra tai họa vì sự tò mò thái quá và có vẻ như là xuẩn ngốc, ấy vậy mà anh làm suy yếu và nhạo báng cả một loạt thể chế.[8]

Từng nhập ngũ trước đây, từng bị bác sĩ trong quân đội kết luận là ngu độn và cho giải ngũ, Švejk lại bị cuốn vào vòng quay của chiến tranh, mà ít nhiều là do chính anh xung phong được phụng sự tổ quốc Áo-Hung. Kể từ đấy dòng tự sự lăn bánh, nói như chính nhà nghiên cứu J. P. Stern, cuốn tiểu thuyết bợm nghịch này “được xây dựng trên mô hình hết chuyện chết tiệt này đến chuyện chết tiệt khác.”[9] Švejk trải qua liên tục những chuyến phiêu lưu hoang đường đầy lố bịch trong đời sống thực: bị bắt giam vào sở cảnh sát, bị tống vào nhà thương điên, bị đưa vào trại giam quân đội, trở thành lính hầu, lên đường ra trận rồi bị lạc, bị nhầm thành quân đào ngũ (đến hai lần) rồi cuối cùng về được đến đại đội của mình…

Một trong những điểm độc đáo của cuốn tiểu thuyết hài hước và đi hết từ chuyện này đến chuyện khác do chính miệng nhân vật chính tuôn ra liên tu bất tận bất kể thời điểm, bất kể đối tượng nghe, về bất cứ đề tài gì này (đến nỗi dịch giả tiếng Anh đầu tiên của tác phẩm, Paul Selver, người dịch Hašek vào năm 1930, đã cắt bỏ gần một phần ba chính văn, mà người ta đoán phần nhiều là do chán quá), là độc giả biết rất ít về nhân vật Švejk.

Hašek gần như không dành thời gian để miêu tả cho Švejk: người ta không biết anh cao bao nhiêu, trong văn bản không thể tìm thấy chút chi tiết nào về ngoại hình lẫn tính cách do người kể chuyện thuật lại (duy nhất trong một bức thư, độc giả được chút lé nhìn vào bản báo cáo tố cáo Švejk đào ngũ rằng, “Người này có vóc dáng nhỏ và béo, nét mặt hài hòa, mắt xanh, không có dấu hiệu gì đặc biệt.”)[10] Sáng rỡ xuyên suốt tác phẩm là đôi mắt xanh hiền hậu và đầy trìu mến, và nụ cười ấm áp lúc nào cũng hiện diện trên khuôn mặt của Švejk.

Là sản phẩm đặc trưng của cái phương pháp xây dựng nhân vật đầy bí hiểm ấy của nhà văn, Švejk hiện lên như một ẩn số. Cái ẩn số ấy hoạt động và nói năng không theo bất kỳ một quy tắc hay chuẩn mực nào. Mọi sự kiện xảy đến với Švejk (dù là từ bên ngoài tác động vào, hay do chính anh thật thà táy máy ngây ngô mà nên sự) đều diễn biến như thể là một điều tất yếu trong một thế giới đầy phi lý.

Và Švejk đối phó hay xuôi theo cái tất yếu đấy như một cơ chế để tồn tại sẽ là chủ đề để các tranh cãi tiếp tục về ẩn số văn chương này: một kẻ đần thực sự, hay một thằng ngây ngô đầy mánh khóe, một kẻ thông minh lém lỉnh tốt tính, hay một kẻ ác đầy nhẫn tâm. Ở mỗi một chuyến phiêu lưu ít nhiều bất đắc dĩ, cái ẩn số Švejk lại phô bày ra một nét mặt mới của mình, để rồi hiện lên như một trong những nhân vật đa dạng khó nắm bắt nhất trong lịch sử văn chương.

 

“Bị lôi ra khỏi đời sống tử tế thường ngày”: Thời đại phi lý thuần túy

Mở đầu tập 3 Trận đòn vẻ vang, độc giả bắt gặp một hình ảnh vừa hài hước vừa rùng rợn khi Švejk cùng đồng đội lên tàu ra mặt trận:

Cuối cùng thì cũng đến lúc tất cả được nhét vào các toa tàu theo tỷ số bốn mươi hai người lính và tám con ngựa. Tất nhiên, trên đường đi thì ngựa sẽ sướng hơn, thoải mái hơn người, bởi vì chúng có thể ngủ đứng, nhưng mà cũng không sao cả. Và con tàu quân sự lại chở đến Galicia một đoàn người mới, đẩy họ đến lò sát sinh.[11]

Người và ngựa, có thể thấy ở đây, được đối xử như nhau, thậm chí ở một mức độ nào đó, được coi là một, và lò sát sinh để kết liễu đời động vật giờ đây cũng là nơi kết cùng của con người. Cái hình ảnh lò sát sinh ấy còn quay lại một lần nữa ở đoạn sau, khi “từng nhóm của đoàn người–đàn trâu bò ấy, những kẻ bị định sẵn cho lò sát sinh”[12]. Không ẩn dụ, không hoa hè hoa sói, đấy là cái hiện thực trắng đen nghiệt ngã dành cho những người lính được nói một cách trắng phớ ra: họ là những con vật sẽ bị giết thịt trong lò mổ chiến tranh. Không có gì bất ngờ nếu độc giả so sánh một cuốn tiểu thuyết phản chiến vĩ đại khác viết về Đại chiến Thế giới II, cuốn Lò sát sinh số 5 của Kurt Vonnegut với Người lính tốt Švejk, khi những người lính được cho ngủ trong chính lò sát sinh, bởi rất nhiều khả năng nó đã chịu ảnh hưởng, hay được viết trong truyền thống châm biếm chiến tranh của Người lính tốt Švejk.

 

Sự phi lý khi con người bị đối xử ngang con vật để phải chịu chết bất thần và sự vô nghĩa của cái chết ấy, hóa ra, lại thua xa khi đặt vào thế so sánh với sự phi lý cùng cực sau rốt: một cuốn tiểu thuyết chiến tranh nhưng lại không hề có trận chiến nào được miêu tả trực diện. Xuyên suốt hơn 1000 trang, bao quanh Švejk là một hệ thống những nhân vật phục vụ cho chiến tranh: tướng Fink, đại tá Schröder, trung úy Lukáš, thiếu úy Dub, tuyên úy Katz và tuyên úy Martinec, trung sĩ hậu cần Vaněk, lính tình nguyện một năm Marek… Trải qua bốn tập, toàn bộ các nhân vật đều được tả trên đường ra chiến trận nhưng không hề có cuộc chiến nào xảy ra, mà chiếm thời lượng lớn lao lại là chuyện hậu cần: lính hầu và những mẩu chuyện trong cuộc đời lính hầu bao gồm từ nhiệm vụ phục vụ cấp trên của mình như đi mua bữa trưa, đi mua chó, đi mua rượu gửi thư cho người tình… tới các hoạt động giao lưu với các người lính khác, tới việc ăn uống và phân phối thực phẩm…  Những anh lính cấp dưới được miêu tả như những con người nhỏ bé, tầm thường, không ai đoái hoài, đột ngột bị cuốn vào dưới vòng xoay chiến tranh. Nhân vật Baloun, anh chàng lính hầu háu ăn, ăn tất cả mọi thứ và không bao giờ biết no thốt ra một câu đầy cay đắng có thể đại diện cho toàn bộ những người lính trong tác phẩm, “Nhưng mà tôi có sinh ra để làm người lính đâu […] tôi bị lôi ra khỏi cuộc sống tử tế thường ngày.”[13] Và ngoài cái hình ảnh tàn khốc là chiếc lò sát sinh thì hiếm hoi lắm những người lính mới được thoáng nhìn thấy tương lai của mình, là “các khu mộ liệt sĩ đầy cây thập tự trắng, trải rộng làm trắng xóa vùng đồng bằng và cả nơi chân núi hoang tàn”[14], cái hình ảnh lướt ngang qua mắt họ trên chuyến tàu ra mặt trận. Ấy vậy mà cái hình ảnh ấy lại được miêu tả đầy hài hước, như một lời cợt nhả, như thể phủ nhận cái hiện thực ấy: “cả Tiểu đoàn có cơ hội nhìn thật kỹ và thưởng thức cái sung sướng của chiến tranh.”[15] Cái chết đột ngột của Hašek khiến tác phẩm dừng lại ở giữa phần 4 khi Švejk qua bao trắc trở trở về lại được với tiểu đoàn và chưa kịp ra đến mặt trận có thể là lý do chính cho sự vênh đầy khập khiễng về nội dung này, nhưng độc giả hoàn toàn có thể đọc toàn bộ văn bản dưới góc nhìn giễu nhại của một sự phi lý cùng cực: đây một tiểu thuyết chiến tranh không có chiến tranh.

 

Và những con người nhỏ bé ấy tham chiến mà chẳng màng chiến sự. Cái phi lý tràn ngập trong thế giới kệch cỡm ấy, quả đúng như Kundera đã chỉ ra trong Nghệ thuật tiểu thuyết: “Ở Homère, ở Tolstoi, chiến tranh mang một ý nghĩa hoàn toàn rõ ràng: người ta chiến đấu vì nàng Hélène xinh đẹp hay vì nước Nga. Chveik và các đồng đội của anh ra trận mà chẳng biết vì sao và, còn tệ hơn, chẳng quan tâm gì đến chiến tranh.”[16] Kundera hoàn toàn hợp lý khi đặt câu hỏi, “Như vậy thì động cơ của một cuộc chiến tranh là gì nếu không phải là nàng Hélène mà cũng chẳng là tổ quốc?” Câu trả lời chính sự hung hăng của quyền lực chiến tranh, là ý muốn khẳng định quyền lực, thứ “hoàn toàn vô tư, vô cớ; nó chỉ muốn cái nó muốn.”[17]

 

Dưới góc nhìn của Kundera, thế giới mà Hašek dựng lên là nơi “cái phi lý thuần túy (quyền lực chỉ còn muốn cái nó muốn) lại xâm chiếm cả thế giới, bởi không còn một hệ thống giá trị được chấp nhận chung nào có thể ngăn trở nó nữa.”[18] Đó là cái thế giới đầy lố bịch nơi người ta bất chấp mọi lý lẽ và vin vào nguyên tắc để từ đó bắt buộc mọi người phải làm theo, hiển hiện rõ rệt ở cách giới cầm quyền bắt giam bất cần biết bất cứ ai có liên quan đến vụ ám sát ngài Đại Công tước Franz Ferdinand của đế quốc Áo-Hung, đến cách tống kẻ khác vào trại thương điên, đến cách vận hành trong quân đội. Như thể toàn bộ cuộc sống được thu nhỏ thành một bộ máy quan liêu và nhất nhất mọi thứ đều phải nằm dưới sự chỉ huy của nó. (Mà hình tượng thiếu úy Dub với sự lộng hành bắt tất cả những ai dưới quyền phải một mực tuân theo mệnh lệnh của ông ta có lẽ là biểu trưng xuất sắc nhất cho sự quan liêu của quyền lực tuyệt đối: ông ta kiểm soát từ cách mà cấp dưới đưa mắt nhìn cho đến đối tượng mà họ được phép nhìn.)

Cái thế lực quyền lực vô hình bao trùm này thực ra đã lộ diện đầy phi lý ngay từ trong những truyện ngắn được xuất bản trước đó của Hašek: từ câu chuyện lòng tận tụy của ông Stefan người thu tiền cầu ở Praha không để sót bất kỳ một ai từ dân thường tới quan sách đến nỗi nhảy xuống sông để bắt kẻ trốn tiền vé, từ cách xử lý một cách cực đoan gia sản để lại chỉ gồm bảy hào của được một biên chế của ngành tư pháp, người tiêu tốn hàng núi tiền để lùng sục khắp cả nước tìm ra cho bằng được người thừa kế.[19] Quyền lực vĩ đại gây ra những sự mù quáng trong các thể chế và ở cả người tuân theo thể chế ấy. Trong miêu tả của Hašek, từ quan chức ở cấp thấp nhất đến lãnh đạo ở cấp cao nhất, từ cảnh sát đến tướng tá quân đội (đặc biệt là tướng tá!) tất thảy đều bị quyền lực vĩ đại điều khiển như những con rối.

Hẳn nhiên quyền lực khi thực thi cần phải có đối tượng bị quyền lực áp chế. Dân thường, lính hầu, người phục vụ, nông dân… những con người thấp cổ bé họng vì thế trở thành đối tượng của bạo lực do quyền lực sinh ra. Một thế giới đầy bạo lực được khắc họa rất rõ nét dưới ngòi bút của Hašek: từ những cú vả và tát vào mặt, ném cốc, tới những vụ đánh đập thượng cẳng chân hạ cẳng tay, hành hạ, thậm chí cả treo cổ, hành quyết bằng súng. Việc liên quan tới sinh mạng con người được thực thi một cách nhởn nhơ như một trò đùa và được kể bằng giọng văn tỉnh như ruồi: Một vị thiếu tá cố chấp với tính ác tiềm ẩn đòi treo cổ một anh lính bị cho là gián điệp mà không xét xử đàng hoàng, dù rõ ràng ông ta bị nhầm lẫn về “thẩm quyền của các cấp bậc sĩ quan trong vấn đề treo cổ”[20]; một vị tướng cho treo cổ hàng loạt chỉ dựa trên phiên tòa giản lược của mình và với ông việc treo cổ “như là một điều gì rất đơn giản và tự nhiên, như là cái gì đó cần thiết cho cuộc sống hằng ngày”, thậm chí ông ta còn phát hiện ra cái hài hước trong việc treo cổ nên khi viết thư cho vợ đã nhắc đến việc treo cổ đến 7 lần trong một lá thư ngắn ngủi gần 500 chữ[21]. Lò mổ chiến tranh, hóa ra, không chỉ là súng đạn, mà còn là thòng lọng của cấp trên.

“Một sự hiểu nhầm tai hại”: Tương đồng khác biệt

Dường như mọi biến cố, tai họa liên tiếp dồn dập trong tác phẩm này xảy đến với nhân vật chính Švejk (và cả những nhân vật khác nữa, điển hình là vụ việc ỉa ra quần và bệnh kiết lỵ của học viên trường sĩ quan Biegler) đều do một sự hiểu lầm tai hại nào đó, mà biến cố vĩ đại nhất chính là tham chiến. Bị cho ra quân vì ngu độn, khi Đại chiến thế giới xảy ra, Švejk xung phong đăng lính. Anh bị đau khớp chân thật sự, nhưng bị chính các bác sĩ khám cho khẳng định rằng anh giả bệnh để trốn lính (với người vừa xung phong nhập ngũ), lên tàu ra trận tìm mọi cách ra chiến trường thì lại bị vu cho là đào ngũ, mặc thử bộ quần áo lính của Nga vào do tò mò để rồi bị bắt vì bị cho là gián điệp. Mô típ có vẻ tương tự ở vẻ bề ngoài, nhưng thực chất bên trong lại hoàn toàn khác biệt có thể được gọi là sự tương đồng khác biệt, mà nhiều nhà nghiên cứu còn dùng một thuật ngữ khác là mỉa mai (irony).

 

Sự tương đồng khác biệt ấy được tác giả triển khai ở tất thảy các thành phần trong văn bản: từ tên tác phẩm, đến một câu trả lời, hay đến các câu chuyện nhỏ đóng vai trò như các phần độc lập, đến toàn bộ văn bản. Trong bài viết, “Sự mỉa mai tầm thường: Cấu trúc, Phương thức, và sự Lật đổ trong Người lính tốt Švejk”, Joshua P. Beall đã chỉ ra sự mỉa mai ấy bắt đầu ngay từ tên tác phẩm:

 

Osudy dobrého vojáka Švejka za světové války, dịch nghĩa đen là “vận mệnh của người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới”, ngụ ý rằng “người lính tốt này” thực sự chiến đấu trong cuộc chiến. Osud, dạng số ít của “Osudy”, hiểu là “vận may (rủi),” “số phận,” hay “định mệnh,” ngụ ý rằng nhân vật chính không đóng vai trò tích cực khiến tự sự được tiến triển. Mà dòng tự sự sẽ cuốn nhân vật chính theo.[22]

Trong các tác phẩm thông thường, nhân vật chính (hay người lính tốt) sẽ là người khiến cho câu chuyện được phát triển, nhưng với tên sách ngụ ý đầy mỉa mai như vậy, Švejk ít nhiều bị động dưới cái gọi là “vận mệnh”. Quả vậy, “lựa chọn đặt từ như vậy trong tên sách đã làm suy yếu cái giả định thông thường rằng mong muốn riêng của nhân vật chính sẽ thúc đẩy dòng tự sự.”[23] Sự tương đồng khác biệt ấy cũng diễn ra ở cả câu mở đầu câu kinh điển của bà giúp việc của Švejk, “Thế là họ giết mất Ferdinand của chúng ta rồi.” Nó nhắc đến vụ ám sát Đại Công tước Franz Ferdinand của đế quốc Áo-Hung, nguyên nhân trực tiếp gây ra cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Đáp lại lời thông báo đầy trịnh trọng ấy, Švejk hỏi rằng Ferdinand nào, bởi anh ta biết đến hai Ferdinand: một thằng hầu, và một thằng chuyên nhặt phân chó.

Yếu tố cấu thành nên và chắc chắn góp phần lớn trong việc thúc đẩy dòng tự sự chính là những chuyện bên lề được kể bởi người kể chuyện Švejk, Chúa trời của những chuyện nhỏ nhặt. Bụng một bồ những câu chuyện dân gian, Švejk luôn mồm kể đủ loại thứ chuyện ngớ ngẩn tưởng chừng chẳng hề liên quan đến bất kỳ sự việc khẩn cấp nào đang xảy ra. Kết quả là, các sự kiện được cho là trọng đại đều bị lung lay bởi những câu chuyện ngoài lề mang tính phá đám rất hồn nhiên của Švejk. Ngay cả những cơn giận dữ điên cuồng của các vị tướng, những nhiệm vụ tâm linh của cha tuyên úy, đều cũng sẽ bị những câu chuyện có vẻ liên quan nhưng lại lạc đề của Švejk triệt tiêu. Hašek bày ra cái mô hình tương đồng khác biệt nhằm phá hủy quyền lực và hạ bệ sự nghiêm trọng (mà chính Heller cũng bắt chước cái biện pháp ấy trong Bẫy-22) với người đầu trò thực thi những sự đả phá, không hiểu vô tình hay cố ý, chính là Švejk.

Trên cái đà “tương đồng mà không hẳn tương đồng,” tiểu anh hùng Svejk tuôn ra những câu chuyện ngồi lê đôi mách, chuyện phố phường thị phi hóng hớt, chuyện hàng xóm, chuyện người quen, chuyện người không quen, chuyện xa chuyện gần: tất cả cuồn cuộn tạo nên dòng tự sự mà theo thống kê là hơn khoảng 200 truyện nhỏ như vậy trong tác phẩm. Là người viết hơn 1000 truyện ngắn đăng báo, Hašek với biệt tài kể chuyện giờ đây như thể tìm được một nhân vật trung gian để ông gán các câu chuyện nhỏ của mình, tạo nên một Người lính tốt Švejk có cấu trúc phân mảnh, thậm chí bị phê phán là không được cố kết thành một toàn thể mạch lạc.

Trong bài luận nổi tiếng “Hašek và Kafka, hay là thế giới lố bịch” của mình, Karel Kosík nhận xét rằng, “Kafka được đọc để được diễn giải, trong khi Hašek được đọc để được chọc cười”[24] để từ đó lật ngược chính nhận định đó bằng cách phân tích rằng cái bề ngoài có vẻ minh bạch này của Người lính tốt Svejk hoàn toàn không đúng. Thực ra Kafka nên được đọc để cười cũng nhiều như Hašek nên được đọc để hiểu sự mỉa mai. Tiếng cười nhắm vào sự lố bịch thái quá, tức cái bất bình thường, nhưng lại diễn ra như bình thường, chính là cái bật lên từ sự vênh trong hàng loạt những thứ có vẻ hao hao tương đồng mà Svejk dọn ra cho độc giả. Tiếng cười nảy sinh từ những tình huống phi lý nho nhỏ, đến tiếng cười vào toàn bộ sự phi lý cùng cực của một tiểu thuyết chiến tranh không có chiến tranh.

Hơn nữa, chính sự tương đồng khác biệt là thứ tạo nên sự độc đáo gây tranh cãi cho đến tận ngày nay về kiệt tác của Hašek: sự nước đôi của nhân vật. Độc giả khó có thể đi đến một phán quyết cuối cùng nhân vật Švejk là người như thế nào bởi sự đa dạng nhưng lại giông giống nhau không thể thâu tóm trong một loạt nhân cách mà Švejk thể hiện. Trong mọi tình huống, Švejk luôn giữ được cái vẻ bề ngoài thản nhiên, bất khả lay chuyển hay nao núng, cho dù có sắp sửa bị đưa đi xử tử đi chăng nữa nhưng không ai có thể quả quyết cái bề ngoài thản nhiên ấy là của một kẻ ngu xuẩn hay một người thông tuệ. Những câu chuyện mà Švejk kể ra luôn bị cho là tầm phào và ngu ngốc ấy rốt cục lại có tác dụng kệch cỡm và hài hước hóa chiến tranh và những thành phần của nó và gây ra sự phủ định quyền lực. Sự nước đôi gắn liền với nhân vật này và các tình huống mà nhân vật vướng vào tạo nên một sự lung lay về nghĩa khiến mọi xác quyết về nó đều dễ trở nên lố bịch.

Với nhân vật chính là tiểu anh hùng như một ẩn số, với sự phô bày quyền lực vĩ đại, với sự mỉa mai đầy tiếng cười sảng khoái vào cuộc chiến và thời đại phi lý, Người lính tốt Švejk, có đầy đủ sức mạnh thẩm mỹ để trở thành kiệt tác. Có lẽ ngoài hài hước nhảm nhí do những câu chuyện ngoại đề, một lý do khác nữa khiến nhà phê bình Wellek coi sách này chẳng có giá trị nghệ thuật gì là thứ ngôn ngữ thô tục mà tác giả không ngần ngại để cho các nhân vật của mình thốt ra nơi cửa miệng. Độc giả rất dễ dàng tìm thấy hàng loạt những “đít” với “cứt” với “ỉa” trong tác phẩm bởi tác giả để cho các nhân vật ăn nói tự do không kiêng dè.

Ở “Lời bạt” của Tập I Ở Hậu phương, Hašek lên án lối viết giả tạo, hoa mỹ không có thật, mà người ta bảo rằng như thế mới là “những cái thẩm mỹ, những cái cao thượng mà văn học phải mang lại cho dân tộc.” Với ông, “việc viết cho đẹp hơn, hay đánh dấu lửng, là cái giả dối ngu xuẩn nhất.” Sử dụng những lối diễn đạt mạnh mẽ, Hašek “chỉ muốn nhân đó khẳng định về cách ăn nói thực sự ngoài đời.” Tái hiện lại hiện thực như trên thực tế, bởi “nó là bức tranh lịch sử của một giai đoạn nhất định,” Hašek tạo nên một cuốn tiểu thuyết đẫm chất hài hước đen, với những câu thoại như lấy trực tiếp từ đời sống thường nhật của những con người bình dân nhỏ bé ở phố phường và quán xá Praha. Bohumil Hrabal, một trong những tượng đài khác của văn học Séc hiện đại, với những tác phẩm kinh điển như Quá ồn một nỗi cô đơn, người ngưỡng mộ Hašek vô song, coi Hašek là “nhà sáng chế ra những chuyện bịa đặt vẽ vời, một thiên tài đầy sáng tạo, và một cây bút đắp da thịt cho cái nền văn chương.”[25] Hrabal là người học hỏi từ chính Hašek cái kỹ năng lọc hiện thực đời sống (phần lớn từ các quán rượu) và biến nó thành nghệ thuật. Ông say mê cuốn tiểu thuyết của Hasek đến độ nhận định rằng nó “được viết như thể ông ngoáy phát bằng tay trái, sau một trận say rượu, nó là niềm vui thuần túy trong viết lách.” Quả thực, dẫu cho độc giả đến với Người lính tốt Švejk để cười vui, hay để diễn giải, thì cái niềm vui bất tận trong một cuốn tiểu thuyết dân gian (nói theo lời của cả Bertolt Brecht[26] và Milan Kundera, hai thành viên tích cực của câu lạc bộ hâm mộ Hašek), đã được truyền dẫn từ người viết nó sang người đọc nó.

 

 

 

[1] René Wellek, “Twenty Years of Czech Literature (1918-1938)”, The Slavonic and East European Review, Tập 17, số 50 (Tháng Giêng, 1939), tr. 338.

[2] Andrew Roberts, From Good King Wenceslas to the Good Soldier Švejk: A Dictionary of Czech Popular Culture, NXB Central European University Press, 2005. tr. 164,

[3] Harold Bloom, The Western Canon: The Books and School of the Ages, NXB Harcourt Brace, 1994, tr. 29.

[4] Milan Kundera, Nghệ thuật tiểu thuyết, Nguyên Ngọc dịch, talawas. http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=2906&rb=0506

 

[5] René Wellek, “Twenty Years of Czech Literature (1918-1938)”, The Slavonic and East European Review, Tập 17, số 50 (Tháng Giêng, 1939), tr. 338.

[6] Jaroslav Hašek, Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới I-II, Bình Slavická dịch, NXB Phụ Nữ, 2020, tr. 20.

[7] Dẫn lại theo J. P. Stern, “On the Integrity of the Good Soldier Schweik”, Forum for Modern Language Studies, Tập II, Số 1, Tháng Giêng, 1966, tr. 14.

[8] Daniel Pratt có nhắc đến hình tượng tiểu anh hùng rất phổ biến trong văn hóa Séc, đối lập với những hình tượng anh hùng lớn lao, đây là những con người bình thường chống lại những “thể chế được coi là không chính đáng,” nhưng sự chống đối không phải do niềm tin tôn giáo, triết học, hay ý thức hệ, mà phần lớn là lý do cá nhân, trong bài  “Troubles with History: The Anecdote, History, and the Petty Hero in Central Europe”, trong Eastern Europe Unmapped: Beyond Borders and Peripheries, Irene Kacandes và Yuliya Komska biên tập, NXB Berghahn Books, 2017, tr. 133-50.

[9] J. P. Stern, “War and the Comic Muse: The Good Soldier Schweik and Catch-22”, Comparative Literature, Tập 20, Số 3 (Mùa hè, 1968), tr. 193.

[10] Jaroslav Hašek, Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới I-II, Bình Slavická dịch, NXB Phụ Nữ, 2020, tr. 408.

[11] Jaroslav Hašek, Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới III-IV, Bình Slavická dịch, NXB Phụ Nữ, 2021, tr. 17.

[12] Jaroslav Hašek, Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới III-IV, Bình Slavická dịch, NXB Phụ Nữ, 2021, tr. 266.

[13] Jaroslav Hašek, Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới III-IV, Bình Slavická dịch, NXB Phụ Nữ, 2021, tr. 63.

[14] Jaroslav Hašek, Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới III-IV, Bình Slavická dịch, NXB Phụ Nữ, 2021, tr. 217.

[15] Jaroslav Hašek, Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới III-IV, Bình Slavická dịch, NXB Phụ Nữ, 2021, tr. 217.

[16] Milan Kundera, Nghệ thuật tiểu thuyết, Nguyên Ngọc dịch, talawas. http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=2906&rb=0506

[17] Milan Kundera, Nghệ thuật tiểu thuyết, Nguyên Ngọc dịch, talawas. http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=2906&rb=0506

[18] Milan Kundera, Nghệ thuật tiểu thuyết, Nguyên Ngọc dịch, talawas. http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=2906&rb=0506

[19] Jaroslav Hašek, Một cuộc đính hôn, NXB Hội Nhà Văn & Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2006, tr. 28-43.

[20] Jaroslav Hašek, Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới III-IV, Bình Slavická dịch, NXB Phụ Nữ, 2021, tr. 339.

[21] Jaroslav Hašek, Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới III-IV, Bình Slavická dịch, NXB Phụ Nữ, 2021, tr. 354-5.

[22] Joshua P. Beall, “Prosaic Irony: Structure, Mode, and Subversion in The Good Soldier Švejk”, The Comparatist, Tập 36, Tháng Năm 2012, tr. 212

[23] Joshua P. Beall, “Prosaic Irony: Structure, Mode, and Subversion in The Good Soldier Švejk”, The Comparatist, Tập 36, Tháng Năm 2012, tr. 212

[24] Karel Kosík, “Hašek và Kafka, hay là thế giới lố bịch”, Nghiêm Quỳnh Trang dịch, Zzz Review. https://blog.zzzreview.com/?p=3887

 

[25] Bohumil Hrabal, Rambling On: An Apprentice’s Guide to the Gift of the Gab, David Short dịch, Karolinum Press, 2017.

[26] Brecht đã viết vở kịch Schweyk im Zweiten Weltkrieg (Schweik trong Đại chiến Thế giới II) vào năm 1934 khi lưu vong ở Mỹ, lấy bối cảnh là Praha bị Phát xít chiếm đóng. Švejk, sống sót sau Đại chiến Thế giới giờ đây lại tham gia vào một cuộc chiến tranh nữa.

Chấm sao chút:

Đã có 0 người chấm, trung bình 0 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Website | Các bài viết khác

trên đỉnh cao tuyệt vọng.