Thời gian đọc: 27 phút

Lời mở đầu

Năm 1915, Virginia Woolf đã viết về một hiện tượng kỳ lạ diễn ra ở tất cả các tác phẩm nghệ thuật thực thụ. Các tác phẩm của một số nhà văn nhất định dường như thay đổi sau mỗi lần đọc (lúc bấy giờ bà đang nói đến Charlotte Brontë). Cốt truyện của những tác phẩm đó có thể đã thân quen nhưng những giác ngộ về cảm xúc đằng sau chúng lại thay đổi. Những tình tiết từng bị chúng ta bỏ qua, vì cho rằng chúng không quan trọng, giờ đây lại bừng lên những ý nghĩa mới, như thể thời gian là nguyên liệu còn thiếu để chúng ta có thể hiểu chúng. Woolf tiếp tục miêu tả về những tác phẩm mà bà đã tìm đọc hết lần này đến lần khác như sau:

 

Qua mỗi lần đọc, người ta lại nhận thấy một số thay đổi ở chúng, như thể nhựa sống đang tuôn tràn trong từng chiếc lá dệt nên những tác phẩm ấy, và nhờ những nhánh cây cùng bầu trời mà chúng đã có được sức mạnh thay hình đổi dạng, mùa này sang mùa khác. Để ghi chép lại ấn tượng của chúng ta về Hamlet khi đọc lại nó nhiều năm sau cũng chẳng khác gì ghi lại cuốn hồi ký của chính chúng ta, vì khi chúng ta hiểu nhiều hơn về cuộc sống thì những nhận định của Shakespeare cũng theo đó mà gia tăng.

 

Với tôi, Bà Dalloway chính là một trong những tác phẩm đó, một cuốn sách mà tôi đã dùng để ghi chép lại mọi biến cố và mọi thay đổi trong cuộc sống của chính mình theo thời gian. Mỗi lần đọc là một lần tôi bàng hoàng trước những liên tưởng trên từng trang giấy, nhưng chúng luôn là những liên tưởng mới, không bao giờ là những liên tưởng tôi hằng nhớ. Một chi tiết nhỏ tôi đã quên bỗng lại hiện lên rõ mồn một, và cảm xúc lúc nào cũng như thể mình đã lướt qua một thứ từng ở ngay trước mắt.

Bởi Bà Dalloway là một cuốn sách kỳ lạ đến không tưởng và sâu rộng đến phi thường. Những gì bạn đọc được ở phần tóm tắt truyện sẽ không thể chuẩn bị bạn cho tầng tầng lớp lớp những ẩn ý thâm sâu mà nó chứa đựng. Thậm chí, trên bề mặt, cuốn sách này có vẻ tẻ nhạt đến đáng ngờ. Truyện kể về một ngày duy nhất của tháng Sáu, từ góc nhìn của nhiều nhân vật. Đó là năm 1923. Thế chiến thứ nhất đã kết thúc, nhưng dư chấn mà nó để lại vẫn lảng vảng trên đầu toàn thể nước Anh. Trên khu phố sang trọng của thành phố London, một người phụ nữ đang chuẩn bị cho một bữa tiệc. Bà ra ngoài để mua hoa. Người đàn ông bà suýt đã kết hôn bỗng đến thăm bà. Bà bị một người quen làm cho tủi nhục. Bà nhớ đến nàng thiếu nữ đầy quyến rũ bà từng hôn. Rồi sau đó, những vị khách lũ lượt kéo đến bữa tiệc ở nhà bà. Giữa tất cả những chuyện ấy, bà đã nghe tin về cái chết thảm khốc của một người xa lạ. Và xen giữa những điểm chính khiêm tốn này, Clarissa Dalloway đã tản bộ khắp London, nằm xuống nghỉ ngơi, và để ý thấy tiếng chuông của Big Ben đang điểm hết giờ này đến giờ khác.

Nhưng đợi đã, tôi đã bỏ sót tất cả mọi thứ rồi. Để tôi nói lại từ đầu nhé.

Lần đầu tiên tôi đọc Virginia Woolf là vì những lý do không liên quan đến văn chương. Tôi đã biết rằng bà ấy bị điên. Tôi muốn biết chính xác là bị điên như thế nào. Mùa thu năm ấy tôi đã bị bóng đen bao phủ. Điểm cân bằng trong cuộc sống của tôi bỗng trật đi. Dường như tôi không còn cần giấc ngủ nữa. Đầu óc tôi cứ quay cuồng và ong ong. Mọi thứ dường như đang gắn chặt với nhau, nhưng bằng những cách mà tôi không dám tìm cách để giải thích. Lúc ấy, tôi đang mười bảy tuổi, hoặc có lẽ là mười tám. Tôi đang làm ca sáng ở một cửa hàng bánh, và thường đi xe đạp đến chỗ làm trước khi trời hửng sáng, bóng tối khẽ khàng và ẩn dật chạy qua tôi. Tại sao mày lại khóc một cách vô duyên cớ? tôi vẫn thường nghĩ, đưa tay xoa mặt.

Tôi đã ngờ ngợ rằng mình nên nói với ai đó về những tiếng vo ve và những lần bật khóc, nhưng tôi không đủ can đảm để làm vậy. Thay vào đó, tôi đã đến thư viện ở trường vào một buổi tối nọ và tìm những cuốn sách mà tôi nghĩ sẽ cho tôi manh mối về những điều đang đợi tôi phía trước. Bà Dalloway là một trong số đó. Trước khi ngồi xuống đọc nó một cách tử tế, tôi đã ngẫu nhiên lật từng trang sách, và dòng chữ này đã kỳ bí hiện ra trước mắt tôi: “Cả thế giới rúng động, run rẩy, và đe dọa sẽ bùng cháy.”

Tôi có thể cảm thấy sự cô đơn đang khẽ khàng thoái lui trong lúc đọc dòng chữ ấy.

Tôi lật ngược đến đoạn giới thiệu về Septimus Smith, một cựu chiến binh bị chấn động tâm lý, người đang trôi nổi giữa thế gian, người mà Woolf đã gửi gắm rất nhiều sự cuồng điên của chính mình. Ở cảnh đầu tiên, Septimus đã đứng trên cùng con phố với Bà Dalloway. Họ không biết nhau (và sẽ không bao giờ gặp mặt), nhưng, trong khoảnh khắc ấy, họ đã gắn kết với nhau, cả hai đều giật mình vì tiếng động cơ xe hơi. Đây là ấn tượng đầu tiên của chúng ta về nhân vật này:

 

Septimus Warren Smith, khoảng ba mươi tuổi, mặt nhợt nhạt, mũi khoằm, đi giày nâu và mặc chiếc áo khoác tả tơi, với cặp mắt màu hạt dẻ đầy e ngại khiến những người hoàn toàn xa lạ cũng phải e ngại theo. Thế giới đã vung roi; nó sẽ quất xuống đâu?

 

Thế giới đã vung roi; nó sẽ quất xuống đâu? Phải, câu này. Chính là câu này, tôi đã nghĩ. Tôi đọc từ đầu cuốn sách và nhận thấy bóng tối đang bao phủ Septimus bị dệt ra thành những sợi chỉ trần thuật của những nhân vật khác, những người mà tôi không có hứng thú. Tất cả những người lớn tuổi ấy đang nói về nhà cửa và những bữa tiệc và những chiếc mũ – họ thì có liên quan gì đến tôi? Tôi lướt qua những phân đoạn ấy, thỉnh thoảng để ý cách hành văn tuyệt mỹ, rồi đọc vội đến những đoạn về Septimus. Những suy nghĩ của anh ta dù buồn đến khôn tả nhưng lại tuyệt trần trong mắt tôi. Tôi nằm thu lu trong chiếc chăn cũ và đọc suốt đêm, hy vọng anh ta sẽ không phải chịu một cái kết bi kịch.

Tôi đã không đọc lại Bà Dalloway cho đến khi đang ở tuổi ba mươi, lúc ấy tôi đang đi trên một hành trình khác. Tôi là vợ và là mẹ của một đứa con nhỏ, và sau nhiều năm sống độc thân, tôi bỗng thấy mình sa lầy vào cuộc sống gia đình. Những ngày ở nhà với cô con gái nhỏ của tôi đã đầy rẫy những cảm xúc nhưng không có lấy dù chỉ một giai thoại nào. Tôi nổi hứng viết một cuốn tiểu thuyết về cảm giác này, nhưng lại sợ nó không hay, sợ nó quá tầm thường. Trước khi sinh, tôi đã định sẽ viết nhật ký về những năm đầu nuôi con. Tôi đã hình dung nó sẽ như một cuốn hồ sơ. Một mặt sẽ là dòng chữ “Ở nhà” và mặt kia là “Thế giới bên ngoài”.

Một người bạn là nhà thơ của tôi đã đặt in những chiếc tem có ghi những dòng chữ ấy và tặng cho tôi ngay sau khi tôi sinh. Nhưng chỉ sau một tháng, tôi đã từ bỏ ý định ấy. Tôi ghét phải nhìn thấy những khoảng trống nơi sẽ là ấn tượng của tôi về cuộc sống bên ngoài. Đó là tháng Hai, bão tuyết đang hoành hành, và tôi đã ngồi ru rú trong nhà với đứa con nhỏ hết ngày này qua ngày khác. Nhưng tôi vẫn tự hỏi sẽ phải làm thế nào, sẽ phải gỡ bỏ tấm bình phong đang chắn giữa Ở nhà và Thế giới bên ngoài như thế nào. Một cuốn tiểu thuyết mang tính triết học xoay quanh cuộc sống gia đình sẽ như thế nào? Thật ngớ ngẩn vì tôi đã không nghĩ đến Bà Dalloway, thứ mà tôi chỉ nhớ là một cuốn sách về sự cuồng điên. Nhưng rồi một ngày nọ tôi đã đọc lại bài tiểu luận “Tiểu thuyết hiện đại” của Woolf, viết năm 1919. Nó là một dạng tuyên ngôn, và tôi thấy nó nhắm thẳng đến tôi (sáu năm sau, bà đã vận dụng rất nhiều những ý tưởng này khi viết Bà Dalloway).

 

Hãy để chúng ta ghi chép lại những hạt nguyên tử trong lúc chúng rơi xuống tâm trí của chúng ta, theo thứ tự rơi của chúng, để chúng ta lần theo những quy luật ấy, dù bề ngoài chúng có vẻ rời rạc và phân cách, nhưng từng hạt và từng biến cố lại có ý nghĩa riêng trong nhận thức. Để chúng ta không xem nhẹ sự thật rằng cuộc sống vẹn đầy hơn trong những điều thường được cho là lớn, khi so với những điều thường được cho là nhỏ.

 

Tôi thích ý tưởng về việc ghi chép lại những hạt nguyên tử trong lúc chúng đang rơi, cảm nhận từng hạt, dù chúng có vẻ nhỏ nhặt đến nhường nào chăng nữa. Quan điểm của Woolf nghe có vẻ rất thần bí trong mắt tôi. Nhiều truyền thống thần bí khác cũng dạy rằng sự khác biệt giữa những điều vụn vặt và những điều lớn lao là không rõ rệt: khi chúng ta thực sự tỉnh thức, những khác biệt này sẽ trở nên mơ hồ.

Một khi tôi bắt đầu để ý đến ý tưởng đó, tôi nhận thấy sự dung hòa tỉ lệ này xuất hiện ở khắp nơi trong chủ nghĩa hiện đại. Robert Walser đã viết rằng sự kỳ tài của Cézanne nằm ở “việc hòa quyện những điều lớn và những điều nhỏ vào với nhau”. Và Picasso đã nói, “Người họa sỹ là bình chứa những cảm xúc đến từ vạn vật: từ bầu trời, mặt đất, từ một mẩu giấy, từ một hình dạng nhất thời, từ cái mạng nhện. Đó là lý do chúng ta không nên phân biệt việc này với việc kia.”

Nhưng đối với tôi, sự cân bằng căn bản về cao và thấp này đã thể hiện một cách thú vị nhất trong Bà Dalloway. Tôi đã coi nó như mô hình cho cuốn tiểu thuyết về cuộc sống gia đình mà tôi hy vọng sẽ có thể viết. Sự tài tình trong câu chữ của Woolf khác xa so với lối viết giản dị, cục mịch của tôi, nhưng sự chuyển dịch trong dòng ý thức, tầm quan trọng bất biến của những điều nửa hiện nửa ẩn, của cảm giác ẩn sâu trong từng câu chữ, của niềm vui và nỗi buồn trong cuộc sống gia đình lại tương quan. Lần này, tôi ít bận tâm hơn tới Septimus và những đoạn độc thoại lớn lao của anh ta về bản chất con người và cái chết. Thay vào đó, tôi thèm khát những dấu hiệu của sự sống. Lần này, tôi lởn vởn quanh niềm vui của Clarissa khi chứng kiến những điều bất chợt cắt qua đường đi của bà: những cô gái đang cười nói dắt “những con chó lông xù đến lố bịch đi dạo”; “những quả phụ phu nhân già kín tiếng đang phóng ra phố trên chiếc ô tô của mình để đi làm những công chuyện bí ẩn”; và “những con vịt đang hân hoan bơi chậm rãi” trong hồ. Lần này, tôi có hứng thú với những người già đang bàn về nhà cửa và những bữa tiệc (dù những chiếc mũ vẫn khiến tôi dửng dưng). Tôi tự hỏi, trong lúc đẩy cô con gái trên xích đu hay đứng mua những dẻ sườn lợn hoặc đếm tiền thối ở cửa hàng tạp hóa, rằng, Đợi đã, chính xác thì bản chất của khoảnh khắc này là gì? Hay, nói ngắn gọn là, Virginia Woolf sẽ làm gì?

Và giờ, sau mười lăm năm, tôi lại thấy mình đang nhởn nhơ trên mảnh đất cảm xúc của cuốn tiểu thuyết này. Điều khôi hài là, tôi đã gần bằng tuổi Bà Dalloway, người “chỉ vừa bước sang tuổi năm hai”. Tôi thấy mình bớt kinh ngạc hơn trước hiểu biết sâu sắc của cuốn sách mà trầm trồ hơn trước sự phức tạp trong ngôn ngữ và hình thái của nó. Tôi không ngừng nghĩ đến sự uyển chuyển trong câu chữ của Woolf, trong cách nó phóng thẳng lên trời cao, để lại những tia sáng của cảm xúc đằng sau. Tôi không ngừng nghĩ đến cách bà sử dụng những dấu gạch ngang, dấu chấm phẩy, hoặc dấu ngoặc đơn một cách tài tình, ảo diệu, và tinh tế để nắm bắt những bước ngập ngừng của cảm xúc được chuyển thành suy nghĩ. Nhưng dĩ nhiên vẫn còn những khoái cảm khi đọc những quan điểm sâu sắc trên từng trang giấy và tự hỏi liệu chúng có áp dụng cho trường hợp của tôi hay không.

Lần này, tôi râm ran vì đoạn người tình cũ của Clarissa, Peter Walsh, miêu tả cách tuổi già đã thay đổi ông như thế nào. Ông ấy nói về sự nhẹ nhõm khi đã thoái lui khỏi nỗi ám ảnh của những đam mê tuổi trẻ:

 

Đó là lời tự thú kinh hoàng (ông lại đội mũ lên), nhưng giờ, ở tuổi năm mươi ba, chẳng mấy khi người ta cần đến người khác nữa. Bản thân cuộc sống, từng giây từng phút, từng giọt của nó, ở đây, trong khoảnh khắc này, tại chốn này, trong ánh mặt trời, giữa công viên Regent, là đã đủ. Thậm chí còn quá nhiều. Cả cuộc đời là quá ngắn, khi giờ đây người ta đã đạt được khả năng này, để khơi dậy trọn vẹn hương vị, để chiết tách từng gam lạc thú, từng sắc thái của ý nghĩa; cả hai người bọn họ đã vững vàng hơn rất nhiều so với họ đã từng, đã bớt bận lòng đi rất nhiều.

 

Đã bớt bận lòng đi rất nhiều! Năm nay tôi sẽ bước sang tuổi năm hai, và câu này đã đâm mạnh vào tôi. Có lẽ bởi, cũng như Clarissa, chưa bao giờ tôi giỏi chuyện tách biệt mọi thứ. Đã có lần tôi thấy mối quan hệ của mình và những vướng bận được miêu tả cực kỳ cô đọng qua hai dòng của một truyện ngắn do Gary Lutz viết. “Anh có đang vướng bận với ai không?”, có người đã hỏi nhân vật ấy. “Với tất cả mọi người”, anh ta đã trả lời. Đối với tôi, bớt bận lòng là một kết cục khủng khiếp, dù Peter Walsh đã nói về nó trong vẻ bình thản, như thể đó là một việc dễ chịu lắm. Nhưng làm sao việc rút khỏi thế giới ồn ào, đầy rẫy con người này lại là việc dễ chịu? Woolf có vẻ đã ngụ ý rằng nguyện vọng được tách mình ra khỏi mọi thứ xung quanh này diễn ra một cách chậm rãi, gần như không thể nhận thấy, khi bạn già hơn – cho đến một ngày bạn thấy mình để ý tới những cánh hoa thay vì người đang cầm bó hoa ấy. Tôi muốn được nghĩ rằng bà đã sai về điều đó, rằng chỉ riêng lần này, những quan điểm sâu sắc của bà sẽ không áp dụng cho trường hợp của tôi (Rồi tôi lại nhớ, chỉ một đoạn trước, tôi đã không lưu tâm đến những nhân vật nổi trội của Bà Dalloway mà đến sự tinh diệu trong cách dùng những dấu gạch ngang, trong vẻ đẹp của những dấu chấm phẩy, và sự duyên dáng trong cách dùng những dấu ngoặc đơn).

Jenny Offill (Mrs. Dalloway, Penguin Books)

Bà Dalloway nói sẽ tự đi mua hoa.

Vì Lucy đã có đủ việc để làm. Cửa sẽ được tháo khỏi bản lề; toán thợ của Rumpelmayer đang đến. Và rồi, bà Clarissa Dalloway nghĩ, một buổi sáng tuyệt vời – trong lành như thể được ban cho lũ trẻ trên bãi biển.

Thật sảng khoái! Thật hân hoan! Vì dường như đối với bà lúc nào cũng vậy, khi, những cái bản lề rít khẽ, như bà đang nghe thấy, bà đã mở toang khung cửa sổ kiểu Pháp và ném mình vào tiết trời thoáng đãng của Bourton. Tươi tắn làm sao, êm ái làm sao, dĩ nhiên là thanh bình hơn lúc này, tiết trời sớm mai; như tiếng vỗ của một con sóng; như nụ hôn của một con sóng; lạnh và buốt nhưng khoan thai (đối với một thiếu nữ tuổi mười tám như bà thuở ấy), như tâm trạng của bà ngày ấy, đứng bên khung cửa sổ đang để ngỏ, ngờ ngợ rằng một chuyện khủng khiếp sắp xảy đến; nhìn vào những luống hoa, vào rặng cây nơi những đám khói đang ngoằn ngoèo uốn lượn và những con quạ đen mũi trọc đang bay lên, sà xuống; bà đứng đó và nhìn cho đến khi Peter Walsh nói, “Đang suy tư giữa luống rau hả?” – có phải vậy không nhỉ? – “Anh thì thích con người hơn súp lơ” – có phải vậy không nhỉ? Hẳn ông đã nói những điều ấy trong bữa sáng của một ngày nào đó khi bà bước ra ngoài sân – Peter Walsh. Một ngày của tháng Sáu hoặc tháng Bảy, ông sẽ trở về từ Ấn Độ, bà đã quên mất tháng nào, vì những lá thư của ông tẻ nhạt đến kinh hoàng; những câu nói của ông mới là thứ khiến người ta phải nhớ; đôi mắt của ông, con dao bỏ túi của ông, nụ cười của ông, tính cáu bẳn của ông và, khi hàng triệu điều đã tan biến không còn lại chút dấu vết – thật kỳ lạ làm sao! – một vài câu nói như những lời về bắp cải này.

Bà khẽ khựng người bên vệ đường, đợi cho chiếc xe tải nhỏ của Durtnall đi qua. Scrope Purvis nghĩ bà là một người phụ nữ quyến rũ (ông biết bà như người ta biết về hàng xóm sống cạnh mình ở Westminster); ở bà có chút dáng vẻ của một con chim, một con chim giẻ cùi, màu xanh lam, hoạt bát, dù bà đã quá tuổi ngũ tuần, và tóc đã bạc trắng kể từ khi đổ bệnh. Bà đứng đó, không nhìn thấy ông, đợi để băng qua đường, đứng thật thẳng.

Vì đã sống ở Westminster – bao nhiêu năm rồi nhỉ? hơn hai mươi năm, – nên người ta cảm thấy ngay cả khi đang đứng giữa làn giao thông hay đang thức giữa đêm, Clarissa vẫn là một người lạc quan, đặc biệt kín tiếng, hay nghiêm trang; một sự ngập ngừng vô tả; sự bồn chồn (nhưng người ta nói có thể vì tim của bà đã bị ảnh hưởng bởi bệnh cúm) trước khi tháp đồng hồ Big Ben đổ chuông. Kia rồi! Nó đã ngân vang. Đầu tiên là một lời cảnh báo, như nhạc hội; rồi tới giờ, không thể vãn hồi. Những đường tròn u ám tan biến vào không trung. Chúng ta thật là những kẻ xuẩn ngốc, bà nghĩ khi băng qua đường Victoria. Vì chỉ có Chúa mới biết vì sao chúng ta lại yêu nó đến thế, lại nhìn nó như thế, tự vẽ ra nó, dựng nên quanh nó, xô đổ nó, rồi làm mới nó cứ mỗi khoảnh khắc; nhưng ngay cả những người đàn bà nhếch nhác nhất, những người chán nản khổ đau nhất đang ngồi trên bệ cửa (và uống sự suy tàn của mình) cũng làm điều tương tự; bà cảm thấy lạc quan rằng nó sẽ chẳng thể nào bị dẹp bỏ bởi Luật của Nghị viện cũng chính vì nguyên nhân ấy: họ yêu cuộc sống. Trong mắt mọi người, trong từng chuyển động, trong mỗi bước đi nặng nề và khó nhọc; trong tiếng huyên náo và rộn rã; những cỗ xe ngựa, xe hơi, xe buýt, xe tải, những người đeo biển quảng cáo trên người đang lê chân và rảo bước; những dàn nhạc kèn đồng; những chiếc đàn thùng; trong khúc khải hoàn xủng xẻng và tiếng hát cao vút kỳ lạ của những chiếc phi cơ đang bay trên đầu là những điều mà bà yêu mến; cuộc sống; London; khoảnh khắc này của tháng Sáu.

Vì đang là giữa tháng Sáu. Chiến tranh đã kết thúc, ngoại trừ đối với một số người như Bà Foxcroft ở Đại sứ quán đêm qua, người đã cảm thấy tan nát cõi lòng vì cậu thanh niên tuấn tú đã bỏ mạng và giờ thì căn Trang viên cũ phải được chuyển giao cho người em họ; hoặc Phu nhân Bexborough, người đã mở một bữa tiệc bán đồ thiện nguyện, theo lời họ nói, với bức điện tín trong tay, John, đứa con mà bà cưng chiều nhất, đã bị giết; nhưng nó đã kết thúc; tạ ơn Chúa – kết thúc. Đang là tháng Sáu. Vua và Hoàng hậu đang ở Cung điện. Và khắp mọi nơi, dù vẫn còn rất sớm, có tiếng vỗ móng của những con ngựa pony đang phi nước kiệu, tiếng đập của những cây gậy cricket; trên sân Lords, sân Ascot, Ranelagh và tất cả những sân thể thao khác; bọc trong sự mềm mại rối mù của tiết trời buổi sớm xám xanh, mà, khi ngày dần lên, sẽ tháo gỡ, và đậu xuống những luống cỏ cùng những con ngựa pony đang bay nhảy, những cái móng trần của chúng chỉ vừa chạm đất đã lại bật lên, những cậu thanh niên đang xoay người, và những cô gái mặc váy muslin mỏng tang đang cười đùa, những người mà, ngay cả lúc này, dù đã khiêu vũ suốt đêm, đang dắt những con chó lông xù đến lố bịch đi dạo; và ngay cả lúc này, vào giờ này, những quả phụ phu nhân già kín tiếng đang phóng ra phố trên chiếc ô tô của mình để đi làm những công chuyện bí ẩn; và các chủ cửa hàng đang chộn rộn trong cửa tiệm với những viên đá quý và kim cương, với những chiếc trâm cài cũ đáng yêu màu xanh nước biển được làm từ thế kỷ mười tám hòng quyến rũ người Mỹ (nhưng họ sẽ phải tiết kiệm, không thể hấp tấp mua đồ cho Elizabeth được), cả bà cũng yêu nó bằng niềm đam mê ngớ ngẩn và thành thật, được làm một phần của nó, vì cha ông của bà đã từng làm cận thần cho các vua George, cả bà cũng sẽ thắp đèn và đốt nến để tổ chức một bữa tiệc vào chính đêm nay. Nhưng kỳ lạ làm sao, khi bước vào công viên, sự tĩnh lặng; màn sương; tiếng vo ve; những con vịt đang hân hoan bơi chậm rãi; những con bồ nông đang đi lạch bạch; và còn ai có thể đang đi tới, quay lưng lại với tòa nhà Chính phủ, một cách thích đáng nhất, cầm theo hộp công văn có khắc Quốc huy, còn ai khác ngoài Hugh Whitbread; ông bạn cũ Hugh của bà – Hugh đáng kính!

“Chúc buổi sáng tốt lành, Clarissa!” Hugh nói, có phần cường điệu, vì họ đã biết nhau từ thuở bé. “Bà đang đi đâu vậy?”

“Tôi thích đi bộ quanh London”, Bà Dalloway đáp. “Thực đó, thích hơn nhiều so với đi bộ ở miền quê.”

Không may, họ lên thành phố để khám bệnh. Những người khác lên thành phố để ngắm tranh; để xem opera; để đưa các cô con gái đi dạo phố; còn nhà Whitbread lên “để khám bệnh”. Đã không biết bao lần Clarissa đến thăm Evelyn Whitbread trong trạm xá. Có phải Evelyn lại đổ bệnh? Evelyn cảm thấy không được khỏe, Hugh nói, thể hiện qua cái bĩu môi và qua cách ông ưỡn cơ thể được ăn bận một cách hoàn hảo, vẻ khôi ngô choáng ngợp, đầy nam tính của mình (hầu như lúc nào ông cũng ăn bận quá chỉnh tề, nhưng phỏng chừng ông buộc phải làm vậy, vì chức vụ nhỏ ở Cung điện) rằng vợ ông bị bệnh vặt, không có gì nghiêm trọng cả, mà, với tư cách một người bạn cũ, Clarissa Dalloway có thể hiểu, không cần ông phải giải thích cụ thể. Ồ phải, dĩ nhiên bà hiểu; thật phiền toái làm sao; và đồng thời bà cũng ý thức rất rõ, rất kỳ quái về chiếc mũ của mình. Không phải loại mũ phù hợp cho buổi sớm tinh mơ, phải không nhỉ? Vì lúc nào Hugh cũng khiến bà dao động, khi ông sải bước đi tiếp, cường điệu nhấc mũ lên và đảm bảo với bà rằng trông bà chẳng khác gì một thiếu nữ mười tám, và dĩ nhiên ông sẽ đến dự bữa tiệc của bà tối nay, Evelyn nằng nặc đòi đi, chỉ có điều sẽ đến muộn một chút sau khi dự bữa tiệc ở Cung điện mà ông phải đưa một trong những cậu con trai của Jim tới – bà luôn cảm thấy kém cạnh khi đứng gần Hugh; như một cô học trò; nhưng lại gắn bó với ông, phần vì đã quen biết ông tự thuở nào, phần vì bà đánh giá cao Hugh theo cách riêng của ông, dù Richard đã suýt nổi điên vì Hugh, còn Peter Walsh thì, Peter chưa bao giờ tha thứ cho bà vì đã thích Hugh.

Bà vẫn nhớ hết sự vụ này đến sự vụ khác diễn ra ở Bourton – Peter đã nổi khùng; dĩ nhiên Hugh không thể nào sánh được với Peter, nhưng cũng không phải là một kẻ đần độn lạc quan như ông vẫn nói; không chỉ là một con ma-nơ-canh đội tóc giả ở hiệu cắt tóc[1]. Khi bà mẹ già của ông muốn ông từ bỏ thú vui đi săn hoặc đưa bà đến Bath, ông đã làm theo, mà không một lời cự nự; ông thực sự là một người không biết vị kỷ, còn những lời, như Peter đã nói, rằng ông không có trái tim, không có đầu óc, chẳng có gì ngoài tác phong và sự giáo dưỡng của một quý ông người Anh, thì đó chỉ là lối hành xử xấu tính nhất ở Peter thân thương của bà; Hugh có thể khiến người ta không tài nào chịu nổi; ông có thể bất khả khoan dung; nhưng lại đáng yêu để đi dạo cùng trong một buổi sáng như ngày hôm nay.

(Tháng Sáu đã gọi ra từng chiếc lá trên những rặng cây. Các bà mẹ ở khu Pimlico đang cho con bú. Tin tức đang được chuyển từ Hạm đội đến Bộ Hải quân. Dường như phố Arlington và Piccadilly đã mài nóng không khí trong công viên và nâng những cành lá hừng hực bay lên một cách rực rỡ, trên những gợn sóng của sức sống thiêng liêng mà Clarissa yêu mến. Để nhảy múa, để cưỡi đi, bà yêu tất cả những điều ấy).

Vì có vẻ họ đã xa cách suốt nhiều thế kỷ, bà và Peter; bà chưa từng viết thư, còn những lá thư của ông thì khô không khốc; nhưng đột nhiên bà nghĩ, nếu ông đang ở đây với bà, ông sẽ nói gì? – có những ngày, những cảnh tượng đưa ông về với bà một cách bình yên, không còn nỗi cay đắng cũ; mà có lẽ là phần thưởng của việc đã từng quan tâm đến nhau; họ trở lại công viên St. James một buổi sáng dịu dàng – quả thực họ đã. Nhưng Peter – bất chấp ngày có đẹp đến nhường nào, bất chấp những hàng cây và bãi cỏ, bất chấp cô gái nhỏ trong chiếc váy hồng – Peter không bao giờ nhìn thấy những điều ấy. Nếu bà nói, ông sẽ đeo kính và nhìn. Tình trạng của thế giới mới là thứ khiến ông quan tâm. Những áng thơ của Pope và Wagner, bản tính cố hữu của con người, và khiếm khuyết trong linh hồn của chính bà. Cách mà ông đã mắng nhiếc bà! Cách mà họ cãi vã! Bà sẽ cưới một ông thủ tướng[2] và đứng ở đầu cầu thang[3]; ông gọi bà là một nữ chủ nhân hoàn hảo (bà đã khóc ròng trong phòng ngủ vì điều đó), bà có đủ phẩm chất để trở thành một nữ chủ nhân hoàn hảo, ông đã nói.

Nên bà thấy mình vẫn tranh cãi giữa công viên St. James, vẫn khăng khăng rằng bà đã đúng – và quả thực bà đã đúng – khi không lấy ông. Vì trong hôn nhân phải có chút quyền, chút tự chủ giữa hai người sống suốt ngày này qua tháng khác dưới cùng một mái nhà; điều mà Richard đã cho bà, và bà cho ông (Chẳng hạn như sáng nay ông đang ở đâu? Một ủy ban nào đó, bà đã chẳng hỏi). Nhưng với Peter, mọi việc phải được chia sẻ; phải được thảo luận. Và điều ấy thật quá sức chịu đựng, nên khi đứng giữa khu vườn nhỏ bên cạnh đài phun nước ấy, bà phải chia tay với ông, bằng không họ sẽ bị hủy diệt, cả hai người sẽ lụi tàn, bà tin chắc vậy; dù thế, bà vẫn mang trong mình một nỗi thống khổ, một nỗi luyến thương suốt nhiều năm ròng như một mũi tên cắm giữa trái tim; rồi đến khoảnh khắc kinh hoàng khi có người nói với bà trong buổi hòa nhạc rằng ông đã cưới một người phụ nữ mà ông gặp trên tàu đến Ấn Độ! Bà sẽ không bao giờ quên được những điều đó! Ông đã gọi bà là người cả thẹn, lạnh lùng, thiếu trái tim. Bà sẽ không bao giờ hiểu được cách ông yêu thương. Nhưng có lẽ những người đàn bà Ấn Độ kia thì có – những cô nàng xuẩn ngốc mong manh, xinh đẹp, và khờ khạo. Bà đã lãng phí lòng thương hại của mình. Vì ông rất hạnh phúc, ông đã đảm bảo với bà – hoàn toàn hạnh phúc, dù chưa từng làm chỉ một việc mà họ từng mộng tưởng với nhau; cả cuộc đời ông là sự thất bại. Nó vẫn khiến bà nổi giận.

Bà đã đến cửa công viên. Bà đứng đó trong giây lát, nhìn những chiếc xe buýt trên phố Piccadilly.

Giờ bà sẽ không nói với bất kỳ ai trên đời này rằng họ là người như thế này hoặc như thế nọ nữa. Bà thấy mình rất trẻ, đồng thời lại già nua đến không lời nào tả xiết. Bà đã cắt qua mọi thứ như một con dao; đồng thời lại đứng ngoài, nhìn vào. Bà có cảm giác bất diệt, trong lúc ngắm những chiếc taxi, như đang ở tít ngoài khơi và đơn độc; bà luôn cảm thấy rằng phải sống dù chỉ một ngày cũng đã rất, rất nguy hiểm. Chẳng phải bà đã nghĩ mình là một người khôn ngoan, hay khác thường. Bà không tài nào hiểu nổi tại sao mình có thể sống trên đời mà chỉ dựa vào vài mẩu kiến thức vụn vặt do Fraulein Daniels dạy bà. Bà chẳng biết gì; không ngoại ngữ, không lịch sử; dạo này bà hiếm khi đọc sách, ngoại trừ những quyển hồi ký khi đã lên giường ngủ; ấy vậy mà tất cả những điều này lại thấm sâu vào con người bà; những chiếc taxi đang đi qua; và bà sẽ không nói về Peter, bà sẽ không nói về bản thân, tôi thế này, tôi thế kia.

Tài năng duy nhất của bà là thấu hiểu người khác chỉ dựa vào bản năng, bà nghĩ và bước tiếp. Nếu đặt bà vào cùng phòng với một người khác, lưng bà sẽ dựng đứng như một con mèo; hoặc bà sẽ kêu rừ rừ. Bà đã từng nhìn thấy tòa nhà Devonshire, tòa nhà Bath, và tòa nhà có con vẹt cockatoo Trung Quốc cùng thắp sáng; rồi nhớ tới Sylvia, Fred, Sally Seton – những vị chủ nhà đáng kính; những cuộc khiêu vũ xuyên đêm; những cỗ xe ngựa nặng nề chạy qua trên đường đến chợ; những lần lái xe xuyên công viên để về nhà. Bà nhớ có lần đã ném đồng siling xuống hồ Serpentine. Nhưng ai cũng nhớ; thứ bà thích là đây, ở đây, ngay lúc này, trước mặt bà; quý bà mập mạp trên taxi. Nó có quan trọng không, bà tự hỏi, rảo bước hướng về phố Bond, có quan trọng không khi cuối cùng thì bà cũng sẽ biến mất hoàn toàn; tất cả những điều này sẽ tiếp tục mà không có bà; liệu bà có ghét bỏ nó; hay phải chăng niềm tin rằng cái chết sẽ chấm dứt trọn vẹn mọi thứ lại trở thành một niềm an ủi? nhưng bằng cách nào đó trên những con phố của London, trên thăng trầm của cuộc sống, ở đây, ở đó, bà đã tồn tại, Peter đã tồn tại, sống trong nhau, bà tin mình đã được làm một phần của những hàng cây quanh nhà; làm một phần của chính căn nhà đó, dù nó có xấu xí và điêu tàn đến mức nào chăng nữa; được làm một phần của những người bà chưa từng gặp mặt; được lan tỏa như một màn sương bao bọc những người mà bà hiểu rõ nhất, những người đã nâng đỡ bà như những hàng cây nâng đỡ sương mai, nhưng nó trải rộng lắm, cuộc sống của bà, bản thân bà. Bà đã mơ tưởng gì khi nhìn vào cửa sổ hiệu sách Hatchards? Bà đã cố lấy lại điều gì? Hình ảnh nào của bình minh trắng nơi thôn quê, trong lúc bà đọc cuốn sách đang lật mở:

 

Đừng sợ nữa cái nóng của vầng dương

Hay cơn giận của mùa đông thịnh nộ

 

Trải nghiệm gần đây của thế giới đã gieo vào tất cả bọn họ, cả đàn ông lẫn đàn bà, cái giếng đầy nước mắt. Nước mắt và nỗi buồn; lòng quả cảm và sức chịu đựng; tính ngay thẳng và khắc kỷ hoàn mỹ. Tỉ dụ như, hãy nghĩ đến người phụ nữ mà bà ngưỡng mộ nhất, Phu nhân Bexborough, người đã mở một bữa tiệc bán đồ thiện nguyện.

Có cuốn Những buổi dạo chơi và những chuyến hội hè của Jorrocks; cuốn Bọt xà bông và Hồi ký của Bà Asquith, rồi Chuyến đi săn lớn ở Nigeria, tất cả đều đang mở. Thật nhiều sách; nhưng chẳng có cuốn nào phù hợp để mang đến cho Evelyn Whitbread đang nằm trong bệnh xá. Chẳng gì có thể giải khuây và giúp cho người phụ nữ bé nhỏ đã khô héo đến chẳng lời nào tả xiết ấy trông ấm áp hơn dù chỉ một khắc lúc Clarissa bước vào; trước khi họ bắt đầu những cuộc trò chuyện tràng giang đại hải thông thường về các chứng bệnh của phụ nữ. Bà mong muốn điều đó biết bao – rằng người ta sẽ tỏ ra vui mừng khi bà bước vào, Clarissa nghĩ và quay người bước về phía phố Bond, cảm thấy bực bội, vì thật ngớ ngẩn khi cần có động cơ để làm việc. Bà chẳng thà được giống những người như Richard, những người làm việc chỉ vì bản thân họ, còn bà, bà nghĩ trong lúc đứng đợi để qua đường, quá nửa thời gian, bà làm việc không phải vì bản thân những việc ấy, mà để khiến người ta nghĩ này nghĩ nọ; bà biết điều đó hoàn toàn là xuẩn ngốc (và lúc này viên cảnh sát đang giơ tay lên) vì chưa có ai bận tâm dù chỉ một chút. Ôi, giá mà bà có thể sống lại đời mình! bà nghĩ, và bước xuống lòng đường, hoặc thậm chí là có thể nhìn đời một cách khác hơn!

Trước hết, bà sẽ có làn da ngăm như Phu nhân Bexborough, nhăn như lớp vải da nhàu nhĩ, và cặp mắt hút hồn. Bà sẽ như Phu nhân Bexborough, từ tốn và trang nghiêm; có phần mập mạp; quan tâm đến chính trị như một người đàn ông; với căn nhà ở nông thôn; rất đĩnh đạc, rất thành khẩn. Thay vào đó, bà có thân hình mảnh khảnh như que đậu; mặt nhỏ đến lố bịch; vồ ra như mỏ chim. Quả thực bà biết cách chăm sóc cho bản thân; đôi bàn tay và bàn chân xinh xắn; bà ăn bận tươm tất, dù chẳng dành ra bao tiền cho việc đó. Nhưng nhiều lúc, cái thân thể mà bà mang theo (bà dừng lại để ngắm một bức tranh của người Hà Lan), cái thân thể này, với tất cả khả năng của nó, dường như lại trống rỗng – chẳng là gì cả. Bà có một cảm giác kỳ quái nhất rằng mình vô hình; không ai để ý; không ai biết; chẳng còn phải nghĩ đến chuyện cưới xin, hay sinh con đẻ cái nữa, mà chỉ còn quá trình đáng kinh ngạc có phần trang nghiêm, cùng tất cả bọn họ, đi về phố Bond, lớp vỏ bọc của Bà Dalloway này; thậm chí không còn là Clarissa nữa; chỉ còn là Bà Richard Dalloway.

Phố Bond khiến bà mê hoặc; phố Bond trong buổi sớm tinh mơ của mùa; những lá cờ tung bay; những cửa hiệu; không có tiếng nước bì bõm; không có ánh sáng lung linh; một cuộn vải tuýt trong cửa hiệu nơi bố bà đã mua những bộ vét suốt năm mươi năm; vài viên ngọc trai; những con cá hồi đặt trên tảng đá[4].

“Chỉ vậy thôi”, bà nói, nhìn vào tiệm cá. “Chỉ vậy thôi”, bà lặp lại, ngập ngừng trước cửa sổ của tiệm bán găng tay, nơi mà trước chiến tranh, bạn có thể mua những đôi găng tay gần như hoàn hảo. Ông chú già William của bà từng nói phong cách của một quý cô nằm ở đôi giày và đôi găng tay của nàng ấy. Một buổi sáng nọ giữa thời chiến, ông đã trở mình trên giường và nói, “Ta sống đủ rồi”. Giày và găng tay; bà say mê những đôi găng tay; nhưng con gái bà, Elizabeth của bà, thì chẳng mảy may bận tâm đến thứ nào trong số ấy.

Chẳng bận tâm dù chỉ một chút, bà nghĩ, đi dọc phố Bond đến cửa hiệu nơi họ vẫn giữ hoa cho bà mỗi khi bà tổ chức tiệc. Elizabeth quan tâm đến con chó của nó hơn tất thảy mọi thứ. Cả căn nhà sáng nay đã đầy mùi hắc ín. Nhưng chẳng thà là con Grizzle tội nghiệp còn hơn Cô Kilman; chẳng thà là bệnh carê[5], hắc ín và tất cả những thứ khác còn hơn ngồi chết dí trong phòng ngủ ngột ngạt với cuốn Kinh thánh. Phải nói rằng, tốt hơn bất cứ điều gì khác. Nhưng có thể chỉ là giai đoạn, như Richard nói, như tất cả những cô gái khác đều trải qua. Có thể nó đang yêu. Nhưng tại sao lại là với Cô Kilman? người rõ ràng đã bị đối xử thậm tệ; phải thừa nhận điều đó, Richard nói cô ta rất khá, cô ta có thiên khiếu về lịch sử. Dù sao thì, chúng bám lấy nhau như hình với bóng, Elizabeth, con gái của bà, đã tham gia nhóm đạo; nó không quan tâm đến chuyện ăn mặc, đến cách ứng xử với những vị khách đã ghé nhà bà để ăn trưa, theo kinh nghiệm của bà, sự mê mẩn giáo điều khiến người ta chai sạn (chính nghĩa cũng vậy); bào mòn cảm xúc của họ, bởi Cô Kilman sẽ làm mọi việc vì người Nga, tự bỏ đói bản thân vì người Áo, nhưng lại ngấm ngầm tra tấn người khác, thật là một con người vô cảm, lúc nào cũng mặc chiếc áo chùng đi mưa màu xanh lục. Năm này qua năm khác, cô ta cứ mặc chiếc áo chùng đó; rồi đổ mồ hôi như tắm; cô ta không thể ở trong phòng quá năm phút mà không khiến bạn cảm thấy sự ưu việt của cô ta, thấy sự thấp kém của bạn; cô ta nghèo khổ đến mức nào; bạn giàu ra sao; cô ta sống ở khu ổ chuột thế nào, chẳng có lấy một tấm đệm, một cái giường, một tấm thảm, hay bất kể thứ gì khác, toàn bộ linh hồn của cô ta bị hoen gỉ vì những lời trách cứ ấy đã bám chặt lấy nó, cô ta bị đuổi học giữa lúc chiến tranh – thương thay cho cái sinh vật bất hạnh đầy giận dữ ấy! Bởi người ta không ghét chính bản thân cô mà ghét ý tưởng về cô, thứ chẳng có gì phải bàn cãi đã tích tụ thành một thể lớn hơn nhiều so với bản thân Cô Kilman; nó đã trở thành một trong những bóng ma mà chúng ta phải chống chọi giữa đêm; một trong những bóng ma đang hiên ngang đứng cạnh và hút đi nửa nguồn nhựa sống của chúng ta, những kẻ thống trị và những tên bạo chúa; vì chẳng có gì phải nghi ngờ rằng trong một cuộc đời khác, nơi người da đen chiếm quyền thượng đẳng chứ không phải người da trắng, thì bà sẽ mến Cô Kilman! Nhưng không phải trong cuộc đời này. Không.

Dù sao thì bà cũng cảm thấy phiền lòng khi con quái vật hung tàn này cứ khuấy động trong tâm can bà! Nghe thấy tiếng những cành cây gãy nứt, cảm thấy những cái móng guốc cứ dộng xuống khu rừng ngập lá, linh hồn; chẳng bao giờ có thể yên lòng, hay thỏa mãn, vì bất kỳ lúc nào, con quái vật hung tàn này cũng có thể cựa quậy, sự thù ghét này, đặc biệt kể từ khi bà đổ bệnh, có quyền năng khiến bà cảm thấy bị cào xé, bị tổn thương tới tận xương tủy; mang tới cho bà những cơn đau thể chất, làm rúng động, lung lay, và bẻ cong toàn bộ lạc thú trong cái đẹp, trong tình bạn, trong sự bình an, trong việc được yêu thương và làm đẹp cho căn nhà của bà, như thể có một con quái vật đang gặm nhấm gốc rễ, như thể toàn bộ khái niệm về sự thỏa mãn chẳng là gì ngoài tình yêu bản thân! sự thù ghét này!

Phi lý! Phi lý! bà hét lên với chính mình, đẩy cánh cửa xoay của tiệm hoa Mulberry.

Bà đi tới, nhẹ nhàng, cao ráo, lưng thật thẳng, và được Cô Pym, người có bộ mặt tròn xoe chào đón ngay lập tức, tay cô lúc nào cũng đỏ ửng, như thể chúng đã bị nhúng trong nước lạnh cùng với những đóa hoa.

Có hoa phi yến, hoa hương đậu, hoa tử đinh hương; và hoa cẩm chướng, thật nhiều hoa cẩm chướng. Có hoa hồng; hoa diên vĩ. Ồ phải – bà hít hà hương thơm ngọt ngào của khu vườn trần thế trong lúc trò chuyện cùng Cô Pym, người đã chịu ơn bà, và nghĩ bà tử tế, vì bà đã tử tế suốt nhiều năm qua; rất tử tế, nhưng năm nay, bà đã già hơn, bà ngó nghiêng giữa những đóa hoa diên vĩ và hoa hồng, gật đầu với những chùm tử đinh hương, mắt nhắm hờ, hít hà, mùi thơm quyến rũ, sự mát lạnh tuyệt trần, giữa phố đông ồn ào. Và rồi, bà mở mắt ra, những bông hồng trông mới tươi tắn làm sao, như tấm vải lanh vừa được giặt, được gấp và được đặt trên chiếc khay làm bằng gỗ mây. Những bông cẩm chướng màu đỏ thẫm và nghiêm trang đang ngẩng cao đầu; những bông hương đậu dàn trải trong những cái tô, lấm tấm những màu tím biếc, màu trắng như tuyết, và màu xanh nhạt – như thể đang là buổi tối và những cô thiếu nữ mặc váy yếm muslin bước ra ngoài để ngắt những nhành hoa hương đậu và hoa hồng sau một ngày mùa hè rực rỡ với bầu trời xanh đen, với những bông phi yến, bông cẩm chướng, và tử đinh hương đã hết thời; đó là khoảnh khắc lúc sáu đến bảy giờ, khi mọi loài hoa – hoa hồng, cẩm chướng, diên vĩ, tử đinh hương – thi nhau đua sắc; trắng, tím, đỏ, cam đậm; mọi loài hoa như đang tự thiêu đốt, nhẹ nhàng, tinh khiết trong những luống mờ sương; và bà yêu những con ngài màu trắng xám đang quay mòng mòng, trên chiếc bánh anh đào, trên những đóa hương thảo nở đêm.

Và trong lúc đi cùng Cô Pym từ chậu này sang chậu khác, để chọn hoa, bà tự nói với chính mình, phi lý, phi lý, ngày càng nhẹ nhàng hơn, như thể vẻ đẹp này, mùi hương này, màu sắc này, Cô Pym yêu quý bà, tin tưởng bà, là con sóng chồm lên người bà, rửa trôi đi sự thù ghét ấy, con quái vật ấy, chế ngự mọi thứ; nó nâng bà lên, cao thật cao, khi – ôi! có tiếng súng ngoài đường!

“Chà, những chiếc xe hơi quái quỷ ấy”, Cô Pym nói, chạy đến bên cửa sổ để nhìn, rồi quay lại và mỉm cười áy náy, tay cầm một nắm hương thảo, như thể những chiếc xe ấy, những cái lốp xe hơi ấy, đều là lỗi của .

Trần Nguyên dịch

(Tác phẩm đã được Công ty Sách Cầu Vồng xuất bản vào tháng 10 năm 2022, xin cảm ơn dịch giả Trần Nguyên đã đồng ý cho Zzz Blog đăng đoạn trích trên.)

[1] Ma-nơ-canh đội tóc giả: chỉ đầu ma-nơ-canh để trưng bày tóc giả; ngụ ý Hugh là một gã đầu đất (ND) (Những chú thích có ghi chú ND là người dịch tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau).

[2] Hình ảnh thủ tướng đại diện cho các giá trị cũ và hệ thống xã hội phân cấp đang suy tàn của nước Anh. Bằng việc nói bà sẽ cưới một ông thủ tướng, Peter Walsh muốn miệt thị Clarissa rằng bà sẽ bán rẻ nhân cách và trở thành một nữ chủ nhân trong xã hội (ND).

[3] Vị trí của vị nữ chủ nhân (đứng ở đầu cầu thang) ngụ ý “những bậc thang của cuộc sống” (Lebenstreppe), và đứng ở “đầu” ngụ ý đã đạt đến đỉnh cao. Khi đã đến đỉnh cao, không còn nơi nào khác để đi, ngoài đi xuống (ND).

[4] Cá hồi là loài cá di cư, chúng quay lại nơi sinh ra để đẻ trứng. Và vì vậy, vòng đời của cá hồi đại diện cho vòng đời của cuốn tiểu thuyết này: nơi bắt đầu cũng là nơi kết thúc. Ngoài ra, trong cuốn Căn phòng riêng, Woolf đã so sánh việc nảy sinh ra ý tưởng cũng giống như việc câu cá (ND).

[5] Bệnh carê, còn gọi là bệnh sài sốt ở chó, là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm thường xảy ra ở chó con, lây lan nhanh và tỷ lệ chết rất cao. Đôi khi người ta dùng hắc ín để chữa trị (ND).

Chấm sao chút:

Đã có 2 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3