Thời gian đọc: 21 phút

Ngày 16 tháng 11 năm 1989, tôi gọi cho Đại sứ quán Xô Viết ở Paris và đề nghị nói chuyện với ông S. Người chuyển điện thoại không đáp. Sau một hồi im lặng dài, giọng của người đàn bà cất lên: “Bà biết đấy, ông S đã về Moscow hôm qua.” Tôi liền cúp máy. Tôi cảm thấy như mình đã từng nghe câu này từ trước, qua điện thoại. Không chính xác là những từ này, nhưng cũng cùng ý nghĩa đó, cùng sức nặng của nỗi khiếp sợ đó, và cũng khó tin như thế. Sau đó, tôi nhớ đến lời thông báo mẹ tôi chết ba năm rưỡi trước, cách người y tá ở bệnh viện đã nói: “Mẹ cô vừa qua đời sáng nay sau bữa sáng.”

Bức tường Berlin đã sụp đổ một tuần trước đó. Các chính thể Xô Viết thành lập ở châu Âu lần lượt đổ nhào. Người đàn ông vừa trở về Moscow ấy là một bầy tôi trung thành của Liên Xô, một nhà ngoại giao Nga được bổ nhiệm ở Paris. Tôi gặp anh vào năm ngoái trong một chuyến công du tới Moscow, Tbilisi và Leningrad, một chuyến đi mà anh được cử theo cùng. Chúng tôi đã dành đêm cuối ở bên nhau, tại Leningrad. Sau khi về Pháp, chúng tôi vẫn gặp nhau. Hoạn lộ của anh, mà tôi chắp nối lại từ các cuộc gặp gỡ của chúng tôi, là điển hình cho một cán bộ trẻ: là đoàn viên Đoàn thanh niên và rồi là đảng viên Đảng Cộng Sản Liên Xô, đã sống một thời gian ở Cuba. Anh nói tiếng Pháp nhanh, nhưng giọng nặng. Dẫu bề ngoài là người ủng hộ Gorbachev và cải cách perestroika, khi uống rượu anh lại thương tiếc thời Brezhnev và chẳng giấu gì lòng tôn kính dành cho Stalin. Tôi không bao giờ biết chút gì về những hoạt động của anh, mà một cách chính thức thì là làm gì đó liên quan tới văn hoá. Hôm nay, tôi ngạc nhiên vì mình đã chẳng hỏi nhiều hơn.

 Trong giai đoạn ấy, chốn duy nhất tôi thực sự viết là trong cuốn nhật ký tôi đã viết, thi thoảng, từ thời niên thiếu. Sau khi anh rời nước Pháp, tôi khởi thảo một cuốn sách về niềm đam mê đã quét qua mình. Tôi xuất bản nó vào năm 1992, với cái tên Đam Mê Giản dị.

 Vào tháng Giêng hay tháng Hai năm 2000, tôi bắt đầu đọc lại nhật ký cái năm diễn ra mối tình với S. Đã 5 năm kể từ khi tôi mở nó. (Vì những lý do không cần viết rõ ra đây, nó đã được lưu trữ ở nơi không ở trong tầm với của tôi). Tôi nhận ra có một sự thật bên trong những trang viết ấy khác với sự thật tìm được trong Đam Mê Giản Dị – một thứ gì đó thô ráp và đen tối hơn, không cứu rỗi, một kiểu dâng hiến. Tôi nghĩ rằng điều này, cả nó nữa, cũng nên được đưa ra ánh sáng. Tôi không chỉnh sửa hay cắt bỏ bất cứ đoạn nào trong phần bản thảo gốc khi gõ chúng xuống. (Phần văn bản sau được trích từ bản gốc.) Với tôi, những từ ngữ đã được viết lên giấy để bắt lấy những suy tư và rung cảm của bất cứ khoảnh khắc nào là không thể đảo nghịch, như thời gian – tự thân chúng là thời gian.

 

Thứ ba, ngày 27 tháng 9 năm 1988
Ba cảnh nổi bật lên. Đêm hôm ấy (Chủ nhật) trong phòng của S, khi chúng tôi ngồi gần nhau, sờ soạng, chẳng nói lời nào, háo hức về những gì sẽ diễn ra tiếp, vốn vẫn do tôi định đoạt. Tay anh vuốt nhẹ đùi tôi mỗi khi anh hẩy tàn thuốc vào gạt tàn trên sàn. Trước mặt mọi người. Chúng tôi trò chuyện như thể chẳng có gì diễn ra. Rồi những người khác rời đi (Marie R., Irène, RVP) nhưng F. nán lại. Tôi biết rằng nếu tôi rời khỏi phòng S. bây giờ thì tôi sẽ không bao giờ có dũng khí quay lại. Rồi F. ra ngoài, hay gần như thế, cửa mở, S. và tôi lao vào nhau. Rồi chúng tôi ở sảnh vào. Lưng tôi, đè vào tường, làm đèn tắt, bật. Tôi buông rơi áo mưa, túi sách, áo vét. S. tắt đèn.

Khoảnh khắc thứ hai, chiều thứ Hai. Khi tôi đã sửa soạn xong vali, anh gõ cửa vào phòng tôi. Chúng tôi âu yếm ở lối vào. Anh muốn tôi nhiều đến mức tôi quỳ xuống và chậm rãi dùng miệng mình làm anh xuất ra. Anh im lặng, chỉ thầm thì tên tôi như một câu kinh cầu, với chất giọng Nga. Lưng tôi đè vào tường – bóng tối (anh không muốn bật đèn) – hiệp thông.

Khoảnh khắc thứ ba là trên chuyến tàu nằm ở Moscow. Chúng tôi hôn nhau ở phía sau khoang, đầu tôi cạnh một bình cứu hoả (mà chỉ sau đó tôi mới nhận thấy). Tất cả chuyện này diễn ra ở Leningrad.

Kể từ chuyến bay về nhà hôm qua, tôi đã cố tái hiện các sự kiện, nhưng chúng cứ lẩn đi mất. Tất cả những gì tôi chắc chắn là vào thứ Bảy ấy, ở Zagorsk, khi chúng tôi thăm quan những báu vật trong tu viện, chân đi dép lê, anh đã ôm lấy eo tôi trong vài giây, và tôi đã biết ngay rằng tôi sẽ đồng ý ngủ với anh. Chúng tôi đi Leningrad bằng tàu nằm. Bữa ăn ở khách sạn Europe: tôi ngồi cạnh anh, nhưng điều đó đã diễn ra rất nhiều lần từ đầu chuyến đi này. (Một lần, ở Georgia, khi anh ngồi cạnh tôi, tôi bỗng nhiên chùi đôi tay ướt của mình lên quần bò của anh). Vào chuyến đi tới Hermitage, chúng tôi không ở bên nhau nhiều lắm. Khi băng qua cây cầu trên sông Neva trên đường trở về, chúng tôi dựa vào lan can bằng khuỷu tay mình. Bữa tối ở khách sạn Karelia: RVP thúc anh mời Marie nhảy. Đó là một bản slow. Nhưng tôi biết anh cũng thèm muốn như tôi. (Tôi đã quên mất một đoạn: vở ballet, trước bữa tối. Ngồi bên cạnh anh, tôi chẳng nghĩ được gì ngoài nỗi thèm muốn anh, nhất là trong suốt phần hai màn trình diễn: Ba chàng lính ngự lâm, phong cách Broadway. Âm nhạc vẫn còn trong đầu tôi. Tôi tự nhủ rằng nếu tôi nhớ được tên người bạn đời của Louis-Ferdinand Céline, một vũ công, chúng tôi sẽ ngủ với nhau. Tôi nhớ ra rồi, là Lucette Almanzor.)

Thứ Năm, ngày 29 tháng 9

Đôi khi, tôi hình dung được gương mặt anh, nhưng chỉ thoáng qua thôi. Đó, và giờ tôi lại để mất nó rồi. Tôi biết đôi mắt anh, dáng hình đôi môi anh, hàm răng anh, nhưng chúng không tạo thành một khối. Chỉ cơ thể anh là có thể nhận ra – đôi tay anh thì chưa. Tôi bị dục vọng thiêu đốt, đến mức phát khóc. Tôi muốn sự toàn bích trong tình yêu, như tôi tin mình đã đạt tới một kiểu toàn bích trong viết lách với cuốn Chuyện Người Đàn Bà. Điều ấy chỉ có thể xảy ra bằng việc cho đi, thây kệ mọi thứ.

Thứ Sáu, ngày 30 tháng 9
Anh vẫn chưa gọi. Tôi không biết mấy giờ máy bay của anh tới. Làm sao giải thích được sự đồng lòng im lặng kỳ lạ của ngày Chủ nhật ấy ở Leningrad đây, nếu định mệnh là chấm dứt?

Thứ Bảy, ngày 1 tháng 10
Một giờ kém mười lăm. Chuyến bay của anh muộn ba tiếng. Niềm hạnh phúc đau đớn. Tôi sợ sẽ chết trên đường đi giữa Lille và Paris tối nay, sợ bất cứ điều gì có thể ngăn tôi không được nhìn thấy anh lần nữa.

Chủ Nhật, ngày 2 tháng 10
Mệt mỏi, tê bì. Ngủ bốn tiếng sau khi từ Lille về. Làm tình hai tiếng trong studio của David. [David và Éric là hai con trai tôi.]

Những vết bầm, khoái cảm và ý thức liên tục về việc tận dụng tối đa những khoảnh khắc này, trước khi ra đi, trước khi ham muốn lụi tàn. Trước mối đe doạ khủng khiếp của việc “tôi già quá rồi”. Nhưng ở tuổi 35, tôi có thể đã đố kỵ với người phụ nữ xinh đẹp ở tuổi 50.

Công viên Parc de Sceaux, những ao nước và con kênh, thời tiết lạnh ẩm, mùi của đất. Năm 71, khi tôi ở đây để thi công chức, tôi không bao giờ ngờ mình sẽ trở lại công viên này với một nhà ngoại giao Xô Viết. Anh thích những chiếc ô tô sang chảnh, sự xa xỉ, những mối quan hệ xã hội, và không trí thức gì mấy. Điều này, cả nó nữa, cũng là một bước lùi vào quá khứ, tới cái hình ảnh đáng ghét của chồng tôi, nhưng ngay cả nó giờ đây cũng xuất hiện với tôi vẻ dễ chịu, vì nó tương ứng với một phần quá khứ của tôi.

Làm thế nào để không lộ ra quá nhanh là tôi quyến luyến anh quá và và để chí ít là thảng hoặc anh hiểu ra rằng giữ được chân tôi cũng khó đấy?

Thứ Hai, ngày 3 tháng 10

Tối qua anh gọi. Tôi đương ngủ. Anh muốn ghé qua. Không được. (Éric đang ở đây). Đêm trằn trọc, làm gì đây với ham muốn này? Hôm nay vẫn thế, khi một lần nữa tôi sẽ không gặp anh. Tôi khóc vì ham muốn, sự thèm khát anh bao trùm. Anh đại diện cho phần “xổi” của chính tôi, cả phần thiếu thời nhất. Anh thích “gây sự chú ý”. Anh là “chàng trai thời thanh xuân của tôi”, tóc vàng và không chải chuốt (đôi tay anh, những móng tay vuông của anh), người lấp đầy tôi bằng khoái cảm (và người tôi không còn muốn trách cứ vì sự thiếu trí tuệ của anh). Tuy nhiên, tôi thực sự cần phải đi ngủ bây giờ. Tôi đang hoàn toàn kiệt sức, chẳng làm nổi bất cứ điều gì.

Bài hát của Édith Piaf: “Chúa ơi, để lại chàng cho con thêm chút nữa, một ngày, hai ngày, kịp để yêu và để đau . . .” Càng sống lâu, tôi càng vứt bỏ mình để yêu. Bệnh tật và cái chết của mẹ đã làm lộ ra tôi cần người khác rất nhiều. Khi tôi nói “em yêu anh” với S., tôi vui thích khi nghe anh đáp, “Cám ơn em!” Anh nói với tôi cùng niềm hạnh phúc và tự hào, “Em sẽ gặp vợ anh”. Còn tôi, tôi là con nhà văn, con ngoại quốc, con điếm – con đàn bà tự do nữa. Tôi không phải “phụ nữ tốt”, người mà ta sở hữu và trưng ra, người mang đến sự an ủi. Tôi chẳng an ủi được bất cứ ai.

Thứ Ba, ngày 4 tháng 10
Tôi không biết liệu anh có muốn chúng tôi tiếp tục. Tôi chỉ chực rơi nước mắt. Quá thường xuyên tôi đã đợi chờ, chuẩn bị sẵn sàng, làm cho mình “xinh đẹp” và đón chào, và rồi – chẳng gì cả.

Mảnh hạnh phúc duy nhất của tôi suốt cả ngày: bị thả thính trên tàu điện ngầm bởi một cậu trẻ ranh, và nói ra một câu tiếng lóng phù hợp, ngẫu nhiên phát ra trên môi tôi: “Cứ thế đi rồi tao cho mày tắt điện”, vân vân.

Có phải hạnh phúc với S. đã qua rồi?

Thứ Tư, ngày 5 tháng 10
Chín giờ, đêm qua, một cú điện… “Anh đây, gần thôi, ở Cergy…” Anh ghé qua và chúng tôi dành hai tiếng đóng kín trong phòng làm việc của tôi, vì David đang ở đây. Sau đó, tôi không ngủ được, tôi không thể tách mình khỏi cơ thể anh, nó vẫn còn ở lại trong tôi. Đó là toàn bộ bi kịch của tôi, tôi không được quên người khác, không tự chủ được. Tôi thấm lấy ngôn từ và hành động của người khác, và cơ thể tôi hấp thụ cơ thể khác. Thật khó để làm việc sau một đêm như thế.

Thứ Năm, ngày 6 tháng 10

Đêm qua, anh đón tôi ở Cergy và chúng tôi tới studio của David trên đường Lebrun. Tranh tối tranh sáng, cơ thể anh vừa hiện hữu vừa bị che khuất. Vẫn sự điên cuồng như mọi khi trong gần ba tiếng đồng hồ. Trên đường về anh lái xe nhanh, radio chơi bài (“En rouge et noir,” một bản hit từ năm ngoái), đèn pha nháy lên nháy xuống. Anh cho tôi xem chiếc xe hơi mạnh mẽ mà anh muốn mua. Anh có chút quê mùa (“Kỳ nghỉ vẫn chưa kết thúc, bọn mình vẫn có thể cặp kè,” anh nói). Kỳ thị phụ nữ nữa: đàn bà làm chính trị thật nực cười, đàn bà lái xe kém kinh khủng, vân vân… khoái cảm kỳ lạ của tôi trong tất cả những chuyện đó. Sau khi chúng tôi tới cổng trước nhà, có một cảnh cuối, một màn trình diễn tuyệt vời (nó gây cảm giác như thế với tôi) của thứ được gọi là tình yêu, vì không có từ nào khác: anh để radio bật (Yves Duteil, bản “Le petit pont de bois”) và tôi vuốt ve anh bằng miệng mình cho đến khi anh ra, ở đó, trong chiếc xe hơi, trên đại lộ Lozères. Sau đó, chúng tôi chìm trong mắt nhau. Sáng nay khi tỉnh dậy, tôi liên tục nhớ lại cảnh ấy. Anh về Pháp được chưa đầy một tuần, mà chúng tôi đã thật gắn bó, đã thật tự do với cơ thể nhau (chúng tôi đã làm gần như mọi thứ có thể làm), so với những gì chúng tôi từng làm ở Leningrad. Tôi đã luôn làm tình và luôn viết như thể sau đó tôi sẽ chết (tôi khao khát bị tai nạn, được chết, khi chúng tôi lái xe về chỗ tôi trên đường quốc lộ vào đêm hôm ấy).

Thứ Sáu, ngày 7 tháng 10
Đêm qua, tôi đương ngủ thì anh gọi, điều vẫn thường xảy ra. Tên tôi, được thì thầm bằng chất giọng từ yết hầu tạo thành âm vòm và nhấn mạnh vào âm tiết đầu tiên, khiến cho âm tiết thứ hai trở nên rất ngắn (âni). Không ai sẽ lại gọi tên tôi theo cách ấy.

Thứ Bảy, ngày 8 tháng 10
Studio trên đường Lebrun. Một chút mệt mỏi lúc đầu, sau đó là sự ngọt ngào và kiệt sức. Có một lúc anh nói: “Anh sẽ gọi cho em vào tuần sau” – hay nói cách khác, “anh không muốn gặp em vào cuối tuần.” Tôi mỉm cười – hay nói cách khác, tôi chấp nhận. Tôi trở về với trạng thái hỗn loạn hậu gặp gỡ. Tôi sợ mình có vẻ đeo bám và già cỗi (đeo bám vì già cỗi), và băn khoăn liệu tôi có nên chơi bài chia tay, được ăn cả ngã về không!

Thứ Ba, ngày 11 tháng 10
Anh về lúc 11 giờ tối. Đó là lần đầu tiên tôi làm tình nhiều giờ liền, không ngơi nghỉ. Lúc mười giờ ba mươi anh thức giấc. Tôi: Anh có muốn gì không? Anh: Có, em. Trở lại buồng ngủ. Mọi sự sẽ khó khăn ra sao vào cuối tháng 10, thời điểm đánh dấu cái kết cho những cuộc gặp của chúng tôi, với sự xuất hiện của vợ anh. Nhưng liệu anh có thể từ bỏ mọi thứ dễ dàng như thế? Với tôi anh dường như khá gắn kết với khoái cảm mà chúng tôi có cùng nhau. Cứ nghe anh phê phán tự do tình dục và phim khiêu dâm, và thói ve gái của dân Georgia! Giờ anh dám hỏi tôi, “Em lên đỉnh chưa?” Hồi đầu anh không hỏi. Đêm nay, tình dục hậu môn lần đầu tiên. Thật tốt khi lần đầu là với anh. Đúng là lên giường với đàn ông trẻ mới khiến tâm trí ta quên đi thời gian và tuổi tác. Nhu cầu có đàn ông thật khủng khiếp, gần như ham muốn được chết, một sự hủy diệt bản thân, nó còn có thể kéo dài bao lâu nữa…

Thứ 5, ngày 13 tháng 10
Ở đây, cần phải nhắc đến tác động qua lại liên tục giữa tình yêu và ham muốn quần áo, khôn thoả. Y hệt hồi năm 84, khi tôi liên tục mua chân váy, áo len, váy dài, vân vân,… chẳng bao giờ nhìn giá cả – tiêu pha như thể không có ngày mai.

Sự đợi chờ một tiếng điện thoại réo, bên cạnh vẻ đóng kín mịt mùng nơi anh – tôi có ý nghĩa gì với anh?

Và tôi đang bắt đầu học tiếng Nga!

Thứ 2, ngày 17 tháng 10

Phải luôn đoán sẽ hững hờ. Hôm nay, tôi chắc chắn rằng chẳng có gì hơn sẽ đến sau tháng 10, và nó thậm chí có thể kết thúc trước đó. Tôi nhận ra rằng mình chưa hỏi tên vợ anh.

Thứ Ba, ngày 18 tháng 10 / Thứ Tư, ngày 19 tháng 10

1 giờ 30 sáng. Anh rời đi lúc 1 giờ kém 15. Anh làm tình (hay đúng hơn, chúng tôi làm tình), với ham muốn ngày càng bén nhọn và sâu sắc. Anh nói chuyện, uống vodka, và chúng tôi lại làm tình, vân vân… ba lần trong bốn tiếng. Một cách tự nhiên, có rất ít suy ngẫm, hay một cách chính xác hơn, suy nghĩ không đi xa hơn hiện tại: xác thịt và Người Kia. Vào mỗi khoảnh khắc, tôi là cái hiện tại khó nắm bắt này – trong xe hơi, trên giường, trong phòng ngủ khi chúng tôi trò chuyện. Nỗi bất an mang đến cho những cuộc gặp này một sự mãnh liệt dữ dội, không kiềm chế nổi.

Suốt ngày hôm sau, tôi vẫn mắc vào trạng thái hiện tại này. Trong những hình ảnh chớp nhoáng, tôi thấy chúng tôi làm tình đêm trước đó. Rồi ký ức và sự tê bì bay hơi, và việc đợi chờ lại tiếp tục.

Thứ Sáu, ngày 21 tháng 10
Không một lời nào từ tối thứ Ba. Không bao giờ hiểu được tại sao. Đợi chờ.

Luống cuống làm việc trong vườn. Một vài tiếng nữa và sẽ là quá muộn để chúng tôi gặp nhau ở Paris đêm nay. Tôi vẫn chưa khóc, dù chỉ một lần, kể từ khi mối quan hệ này bắt đầu. Có lẽ tối nay tôi sẽ, nếu chúng tôi không gặp nhau.

Thứ Bảy, ngày 22 tháng 10
Nằm mơ tôi ăn cắp chiếc Renault Alphine mà chúng tôi có 9 năm trước. Thật là một biểu tượng sáng rõ, cái xe hơi ấy: một đối tượng quyến rũ đối với S., người điên cuồng với những chuyến lái xe tốc độ và “sang trọng”. Thật là một hiểu nhầm. Tất cả những gì thu hút anh là địa vị nhà văn của tôi, “hào quang” của tôi và tất cả những gì xây trên nỗi đau khổ của tôi, thất bại của tôi trong việc sống, những mãnh lực có tác động trong mối quan hệ của chúng tôi.

Chủ nhật, ngày 23 tháng 10
Sáng nay, tôi gần như một mình ở café Les Deux Garçons ở Aix-en-Provence. Không một lời từ anh từ đêm thứ Ba. Không biết chuyện gì đang diễn ra. Sự hờ hững ấy từ anh, rõ ràng, khiến tôi sợ hãi điều tệ nhất.

Thứ Hai, ngày 24 tháng 10

11 giờ 10 phút tối, một cuộc điện thoại hẹn gặp vào thứ Tư (có lẽ). Rõ ràng, những chuyện về đêm này không lớn lao với anh như với tôi. Tôi có quá nhiều thời gian để suy nghĩ về niềm đam mê, đó là vận rủi của tôi. Không nhiệm vụ thực sự bắt buộc nào áp đặt lên tôi từ bên ngoài.

Thứ Tư, bữa trưa với đại sứ Liên Xô. S. nhất định phải có mặt, một tình huống vừa khó xử vừa phấn khích. Với anh, đến với tôi đêm ấy, sau một buổi liên hoan chung nơi chúng tôi đã tỏ ra hoàn toàn thờ ơ với nhau, sẽ là sự hoàn hảo.

Thứ Ba, ngày 25 tháng 10
Tôi sẽ mặc áo vét đen, áo blouse xanh và đeo vòng ngọc trai, chiếc vòng tôi vẫn đeo khi làm tình (nếu anh nhận ra nó khi chúng tôi ngồi ở bàn). Tôi biết mình chưa bao giờ xinh đẹp như bây giờ, xinh đẹp hơn hồi 20 hay 30 – mọi người đều bảo tôi thế, và đàn ông liên tục thả thính tôi, chuyện ấy lại xảy ra hôm qua ở Auchan. Giờ tôi nhớ ra điều đã xảy ra trong căn phòng ở Leningrad. Tôi định rời đi, chỉ vừa suýt khép cánh cửa đằng sau mình, và rồi tôi lại bước vào. Anh hẳn đã ở ngay đó, vì chúng tôi lập tức lao vào nhau.

Thứ Tư, ngày 26 tháng 10

Làm thế nào để miêu tả niềm vui của bữa trữa ấy? Của việc anh ở đó đối diện tôi. Của việc biết rằng tôi sẽ gặp anh tối ấy, biết chúng tôi là tình nhân nhưng không để điều gì lộ ra (thực ra, có lẽ là không để lộ ra đủ nhiều như ý thích của tôi). Tám giờ. Anh sẽ đến đây trong một hay hai tiếng nữa. Những giờ đợi chờ là tận thế – niềm hạnh phúc lớn lao chưa hoàn chỉnh. Tiền hạnh phúc. Rằng, tôi biết bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, rằng anh có thể không tới, rằng có thể có một tai nạn. Bài hát của Piaf: “Chúa ơi! Chúa ơi! Chúa ơi! Để chàng lại cho con thêm chút nữa… Dẫu con có nhầm lẫn, cứ để chàng cho con thêm lần nữa.”

Thứ Năm, ngày 27 tháng 10
Thứ 4, ngày 26 tháng 10, là một ngày hoàn hảo. Anh lên danh sách: áo sơ mi Saint Laurent của anh, áo khoác thể thao Saint Laurent của anh, cà vạt Cerruti của anh, quần Ted Lapidus của anh. Một nỗi thèm khát sự xa xỉ, cho những thứ họ thiếu ở Liên Xô. Từng là một thiếu nữ thiếu thốn áo quần, bị nhận chìm trong khao khát váy áo của bọn con gái giàu có, làm sao tôi trách anh đây? Và dường như với tôi tất cả những bộ quần áo của anh đều mới, và anh muốn ăn mặc bảnh bao hơn. Màn tán tỉnh phô ra. Cả nó nữa cũng đẹp.

Giờ đây, tôi không còn tìm kiếm chân lý trong tình yêu, mà tìm sự hoàn hảo trong mối quan hệ, cái đẹp, khoái cảm. Tránh nói những thứ gây tổn thương; hay nói cách khác, chỉ nói những thứ anh sẽ thích.

Chủ nhật, ngày 30 tháng 10
Tôi tới La Rochelle. Ngày Chủ nhật trời trong, bến tàu mở. Trên tàu, tôi cố đọc, ám ảnh bởi thực tế là vợ anh sắp tới. Đêm qua, anh gọi lúc khoảng 12 giờ 30, muốn gặp tôi tuần này, thứ Hai hay thứ Ba. Và rồi, sau cuộc gọi của anh, tôi nói to, vài lần, “Vui quá!” Chiều nay, tôi nghĩ về cái ngày tháng 12, năm 16 tuổi, khi mà, để gặp G. de V., tôi đã chịu đựng trong lớp cả ngày một cơn sốt 39 độ, và sẵn sàng tới rạp chiếu phim ngày hôm sau với cơn sốt 40 độ. Rồi cậu ấy không đi được. Tôi về nhà, chui vào giường, chiến đấu với bệnh viêm phổi trong hai tuần. Tôi không hề thay đổi.

Thứ Tư, ngày 2 tháng 11
Tối. Đã một tuần rồi. Cảm xúc của tôi, khi ấy, rằng chẳng có gì sẽ lại dữ dội như thế. Tôi ngày càng sợ nó hơn.

Cảm giác rằng tất thảy sẽ chậm rãi kết thúc. Tôi không nói ngôn ngữ của anh. Anh không bao giờ gọi tôi trừ khi để làm tình. (Tôi định nói địt, thế mới đúng trọng tâm hơn).

Thứ Sáu, ngày 4 tháng 11
Kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười… Một đám người nhỏ buồn rầu từ đại sứ quán Xô Viết, đám “trốn trại”. S. hỏi: “Anh ghé qua chiều nay được không?” Tôi đã không kỳ vọng điều này, cho nên không đợi chờ và mơ mộng. Thời tiết đẹp, tôi đóng cửa chớp và cơ thể anh trở lại với tôi.

Nỗi lo lắng về bữa tối ở Élysée vào thứ Hai cùng Charles và Diana. Vậy là chuyện sẽ không bao giờ kết thúc, sẽ luôn có điều gì đó còn nản chí hơn cả sự kiện xã giao gần nhất? Bữa trưa khốn khổ mới đây tại Gallimard, với F. Mitterrand, sẽ bị hạ bệ ư?

Một cuốn sổ mới. Mong ước: có mối quan hệ ngày càng vững chãi hơn với S., viết được (như tôi khao khát) một cuốn sách lớn hơn, bao quát hơn, bắt đầu từ đầu năm 89; không phải lo nghĩ chuyện tiền bạc.

Thứ Ba, ngày 8 tháng 11
Nỗi lo lắng dữ dội rằng mình sẽ tới muộn, nỗi sợ rằng sẽ đến đúng giờ để rồi “bị hoà lẫn”, len lỏi giữa dòng xe cộ trong chiếc Renault 5 xuôi đại lộ Champs-Élysées và đại lộ Marigny. Với tôi thái tử Charles có thực không? Bữa tối hoàng gia, âm nhạc… Tôi thoáng nghĩ thứ “entente cordiale”[1] cựu thế giới này một ngày kia sẽ bị quét sạch bởi những thế lực khác – tôi đang nghĩ tới Liên Xô và Trung Quốc.

Có lẽ đêm qua chúng tôi giống như những người của năm 1913 hay 1938, tụ tập trong cùng những sảnh đường dát vàng – hay, trong thoáng chốc, những người dự bữa tối của Bà Bovary ở lâu đài Vaubyessard.

S. sinh ngày 6 tháng 4 năm 1953. Mẹ tôi mất ngày 7 tháng 4. Éric được thụ thai ngày 2 tháng 4.

Một lần nữa tôi lại khao khát gặp anh. Song tất cả những gì xảy ra là thế này: anh địt, anh uống vodka, anh nói về Stalin. Tôi hình dung anh khi ở tuổi trung niên, hơi có bụng, hoa râm hai bên thái dương. Tôi sẽ trở thành gì trong ký ức anh?

Thứ 5, ngày 10 tháng 11
Hôm qua tôi được biết từ các dì rằng mẹ tôi đã gặp một người đàn ông “tốt” ở Annecy và nghĩ tới việc tái giá. Giờ tôi biết vì sao bà đi gặp một bà đồng: vẫn còn đó một tương lai, ở tuổi 65, cả sau đó nữa. Tôi là con gái một người đàn bà chất chứa khát khao mà bà không dám đẩy nó tới giới hạn. Nhưng tôi thì có. Bây giờ tôi đang đợi S. Có Éric ở đây thật không chịu nổi. Nó ở lại tới tận phút chót, khiến tôi khỏi mơ mộng và chờ đợi.

Tối. Tôi tiếc đã cho S. xem đoạn đầu nhật ký này. Đừng bao giờ nói gì, đừng vồ vập yêu đương: quy luật ham muốn của Proust. S. biết điều đó một cách bản năng. Nhưng tôi thấy anh đáp lại đam mê ấy, với một chút giúp sức từ nửa chai vodka anh uống. Có lẽ anh sẽ đi trong năm tới. Anh nói: “Sẽ rất khó khăn.” Đầu tiên, tôi không thực sự hiểu, nhưng anh nói thêm: “Anh hy vọng nó cũng khó khăn với em.” Và đó là cách mà anh nói rằng anh quan tâm tới tôi.

Thứ Sáu, ngày 11 tháng 11
Tôi nhận ra mình đã đánh mất một bên kính áp tròng. Tôi tìm thấy nó trên dương vật của anh. (Tôi nghĩ về Zola, người đánh mất chiếc kính một tròng của mình nơi khe ngực phụ nữ.)

Thứ Ba, ngày 15 tháng 11
Sự đợi chờ bắt đầu ngay khi tôi tỉnh dậy. Cuộc sống dừng lại vào khoảnh khắc anh nhấn chuông và bước vào. Tôi bị hành hạ bởi nỗi sợ rằng anh sẽ không tới được. Vẻ đẹp của toàn bộ mối quan hệ này nằm ở sự bất trắc không ngừng của nó.

4 giờ chiều. Tôi sẽ ghi nhớ những chiều tràn ánh dương lộng lẫy tháng 11, chờ S., chờ âm thanh xe hơi của anh báo trước việc chúng tôi bước vào một thời khác nơi thời gian biến mất, bị ham muốn thay thế.

Nửa đêm. Một đêm điên cuồng. Anh uống quá nhiều. Lúc 10 rưỡi, xe không khởi động. Những thủ thuật ngu ngốc, nguy hiểm. Tôi van anh đợi cho đến khi động cơ không còn bị úng. Anh không đứng nổi, hay không vững lắm. Anh muốn làm tình ở hành lang, rồi bếp. Lộn ngược, rất thú vị – màn nhào lộn khôi hài của đàn ông và đàn bà, nhằm biểu thị tình yêu, thể hiện nó, hết lần này tới lần khác.

Thậm chí càng nhiều khao khát hơn nữa. Anh nói “em yêu” một lần nhưng lại không nói “anh yêu em”, và cái gì còn chưa được nói ra thì không tồn tại.

 Thứ Tư, ngày 16 tháng 11
Hôm qua, như mọi khi, nếm chút đỉnh cái vị quỵ lụy. Lần cuối chúng tôi lên tầng: mùi bia hăng nồng, anh nói “Giúp anh” (xuất tinh). Rồi sau sự cố xe hơi, một lần nữa, trong tiền sảnh, áo xống hững hờ, ép vào bộ tản nhiệt, và ở trong bếp. Anh say thấy rõ, những từ ngữ tiếng Pháp chạy trốn khỏi anh, anh gần như ngừng nói, chỉ đơn giản là muốn tôi.

Trước đó, anh đã nói về tuổi thơ, về Siberia, nơi anh làm ở khu chở gỗ. Về đám gấu tự do lang thang. Anh có tí chút bài Do Thái, nếu không nói là cực nhiều: “Không phải cái thằng Mitterand ấy Do Thái à?” (!) Cứ như tôi sẽ không tin được điều đó, là do bị nhồi sọ thuần túy, mà đó không phải là trách nhiệm của anh.

Thứ Năm, ngày 17 tháng 11
Chu kỳ lại bắt đầu: một ngày uể oải, buồn bã khi tôi không thể làm gì sáng tạo. Rồi sự đợi chờ trở lại, nỗi khao khát, và nỗi đau khổ, vì tôi hoàn toàn lệ thuộc vào những cuộc điện thoại của anh. Và tôi phải viết về cuộc Cách Mạng năm 1789. Kinh khủng.

Thứ Sáu, ngày 18 tháng 11
Tỉnh dậy lúc bốn rưỡi và nghĩ, Anh ấy không gọi. Thời gian trôi qua – chỉ hai tuần kể từ buổi tiếp đón tại đại sứ quán nhân Cách Mạng Tháng 10! Khi đó tôi lo ngay ngáy việc gặp vợ anh, người cuối cùng không tới. “Chắc” tối nay anh gọi. Anh thường gọi ba ngày sau lần gặp trước của chúng tôi.

Thứ Bảy, ngày 19 tháng 11
Tôi thực sự tự hỏi mình, tôi có buộc phải tiếp tục sống thế này, giữa kỳ vọng và thất vọng, lãnh đạm và ham muốn? Lúc mẹ tôi mất và giờ đây tôi cư xử giống hệt nhau: tôi luôn làm gì đó cho anh (như khi ấy tôi làm cho bà). Giờ tôi ra ngoài mua vodka, và có lẽ là một chiếc chân váy ngắn bó sát “thời trang” (nhất là từ khi tôi biết vợ anh không mặc kiểu chân váy ấy).

Thứ Ba, ngày 22 tháng 11

Tối nay, một bữa tiệc ở chỗ Irène. Anh sẽ ở đó với vợ anh. Khốn khổ. Nhất là vì chúng tôi sẽ không thể một mình bên nhau sau đó. Đêm qua, anh gọi tôi, rõ ràng đã say (vậy đây đang trở thành chuyện thường xuyên ư? Tôi không nhận thấy điều này hồi ở Moscow), và mò mẫm tìm từ ngữ. Hai mươi phút sau, anh gọi và bắt đầu bằng “Anh cũng thế”, như thể đáp lại điều gì đó tôi đã nói trong cuộc gọi trước, có lẽ là một câu “Em yêu anh”. Anh đang rối rắm, cười quá nhiều. Nhưng anh nói “Anh yêu em” lúc cuối, dù chỉ sau khi tôi đã nói điều đó.

Tối: khó khăn, hẳn thế. Tôi tìm nguồn của cơn đau, nỗi buồn vô tận mà tôi đã cảm nhận trên đường về từ bữa tối nhà Irene.

Maria, vợ S., không quá hấp dẫn – quả thực là “cứng queo”, như người ta nói về vải. Nỗi buồn có liên quan tới việc biết, nhờ nhớ một cách vô thức, một vài trong những gì có thể cô đang phải chịu đựng. Tôi “đã là” cô, hồi xưa, ở những buổi tiệc nơi chồng tôi tỏ ra quan tâm đến những người phụ nữ khác và G., nhân tình của anh, có mặt. Vài lần, S. chăm chú nhìn tôi với cái nhìn đắm đuối. Rồi tôi đột nhiên quyết định nói chuyện với vợ anh. Chúng tôi “trò chuyện” rất lâu, S., vợ anh, và những người khác. Ra vẻ thân thiện, trong khi chúng tôi thực sự là những kẻ khốn hai mặt. Tôi buồn vì thế đó. Vì thế và vì thực tế là phải đợi tới thứ Năm mới được ở bên anh một mình.

Thứ Năm, ngày 24 tháng 11
Những nỗi thất vọng hôm nay:

(1) Anh vẫn chưa nói những lời dịu dàng tôi hằng mong ngóng.

(2) Sau sự kiện hợp tác Pháp – Liên Xô, anh rời đi với những cô gái từ đại sứ quán mà không lái xe đưa tôi về Cergy.

Và tôi nhận ra bài báo của mình về cuộc Cách Mạng tệ kinh hoàng. Ngủ, vâng.

Và tôi đã đang băn khoăn (mà đầy kinh tởm), Bao giờ anh gọi?

Thứ Sáu, ngày 25 tháng 11
Hai ví dụ thú vị về cư xử: tôi đốt nến trong nhà thờ cầu thành công trong ái tình, và chiều Chủ nhật tôi tới khu Tình Dục trong gian bán sách ở khu bách hóa Printemps. Tôi lướt qua các trang, người ta đến rồi đi: một người đàn ông cũng đang xem sách; một phụ nữ cọ vào người tôi nên tôi nghĩ có thể là lesbian. Rồi tới bàn tính tiền, với cuốn Chuyên luận về ve vuốt của Tiến sĩ Leleu và cuốn Cặp đôi và ái tình: các kỹ thuật của tình yêu thể xác, 75 tấm ảnh, đã bán 800.000 bản. Phụ nữ xếp hàng sau lưng tôi. Tôi vẫn mặt lạnh. Người thu ngân gói sách lại. Tôi không trả bằng thẻ ngân hàng, cho nên sẽ không ai biết tên tôi, và tôi không đọc những cuốn sách này khi đi tàu điện ngầm.

Chủ nhật, ngày 27 tháng 11

Sống này cũng gọi là sống sao? Vâng, có lẽ nó tốt hơn hư không. Tôi ngồi bên điện thoại đợi một cuộc gọi có thể không tới. Tôi không mở những cuốn sách về “các kỹ thuật làm tình” ra, sợ rơi vào sự hành hạ của ham muốn mà không chắc khi nào chúng tôi có thể bên nhau, như những con người trong sách… Thừa nhận đi: tôi chẳng bao giờ muốn bất cứ thứ gì ngoài tình yêu. Và văn chương. Tôi chỉ viết để lấp đầy hư vô, để cho mình một cách kể lại và chịu đựng ký ức của năm 58, vụ phá thai và tình yêu của bố mẹ. Nếu như đến tối mai anh không gọi, thế là, bốn ngày sau cuộc gặp lần cuối của chúng tôi, tôi nghĩ mình sẽ bắt đầu tưởng tượng về cái kết, và, nếu có thể, khiến nó đến nhanh hơn. Tuần này, nhớ: sở hữu chiếc xe hơi mới nhất chắc chắn sẽ chiếm lĩnh anh nhiều hơn bất cứ suy nghĩ nào về tôi.

 

Hiền Trang dịch

(Từ bản tiếng Anh của Alison L. Strayer, đăng trên Paris Review số 239, Mùa xuân 2022)

 

[1] Entente Cordiale gồm một loạt các thoả thuận được ký kết ngày 8 tháng 4 năm 1904 giữa Vương quốc Anh và Cộng hoà Pháp, nhằm cải thiện quan hệ Anh-Pháp.

Chấm sao chút:

Đã có 7 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Hiền Trang
Các bài viết khác

Chả biết làm gì nên viết.