Thời gian đọc: 18 phút

Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Milan Kundera (sinh 1929, nhà văn Czech), viết năm 1965, xuất bản 1967. Nhân vật chính của tác phẩm là Ludvik Jahn, một sinh viên cộng sản ở Tiệp Khắc. Một hôm anh gửi bưu thiếp cho cô bạn sinh viên Marketa trên đó viết mấy câu đùa cợt: “Chủ nghĩa lạc quan là thuốc phiện của nhân dân! Tinh thần lành mạnh sặc mùi ngu ngốc! Trotsky muôn năm!” Thế là Ludvik bị kết tội chính trị nặng nề, bị khai trừ Đảng, bị đuổi khỏi trường đại học, bị bắt vào lính gia nhập đội quân “đen”, tức những kẻ thù chính trị của chế độ. Từ đó cuộc đời anh bị trở thành “trò đùa” trong tay chính trị và số phận.

Tác phẩm lấy khung cảnh chính trị của đất nước, lại được xuất bản tại Tiệp Khắc năm 1967, đêm trước của phong trào “Mùa xuân Praha” (1968) với ý định dân chủ hoá đất nước song đã bị đè bẹp dưới xích xe tăng Liên Xô, nên “Trò đùa” thường được tiếp nhận chủ yếu dưới góc độ chính trị. Có lẽ cũng vì thế nên cuốn tiểu thuyết đã nhanh chóng được dịch ra hầu hết các thứ tiếng châu Âu trong khoảng thời gian 1968-1970.

Nhưng Milan Kundera phản đối điều đó, ông cho đây là một “chuyện tình”, thứ tình cảm duy nhất chống chọi được sự vỡ mộng của Lịch Sử. Nhà phê bình văn học Pháp François Ricard trong lời bạt cho «Trò đùa» đã gọi đây là cuốn tiểu thuyết nói về sự tàn phá («le roman de la dévastation»). Ông viết: “Điều này không kém gì sự tàn phá siêu hình. Một sự tàn phá cổ xưa và rộng lớn hơn nhiều so với sự tàn phá của các chế độ toàn trị, cơ bản hơn nhiều so với cái gọi là « sự vỡ mộng » thời hiện đại, bởi vì nó moi hết khỏi bản thể họ tất cả các phạm trù về tư duy và tồn tại, phá huỷ hết tất cả các giá trị, làm hỏng hết các định hướng, đập đổ hết các ý nghĩa, và chỉ để lại sau mình sự trống vắng, sự thế vì và sự hỗn loạn.”

“Trò đùa” gồm bảy phần (kết cấu yêu thích của nhà văn, được ông sử dụng nhiều lần trong các tác phẩm về sau) luân phiên giọng kể của bốn nhân vật (Ludvik, Helena, Jaroslav, Kostka) trong đó Ludvik chiếm 2/3 dung lượng (các phần 1, 3, 5, và 7). Riêng phần 7 là xen kẽ ba giọng kể của Ludvik, Helena và Kostka.

Cuốn tiểu thuyết do dịch giả Ngân Xuyên dịch ra tiếng Việt theo bản tiếng Pháp (được Milan Kundera coi là bản gốc cho các dịch giả nước ngoài) và sẽ được xuất bản trong thời gian tới. Đoạn trích ở đây là hai chương 2 và 3 ở phần III “Ludvik” nói về chuyện tấm bưu thiếp.

Ngân Xuyên

*

2

Việc vì sao tôi đi đến sự suy sụp đầu tiên trong đời (và qua trung gian không mấy dễ chịu của nó, đến với Lucie) không khó kể lại bằng một giọng nhẹ nhõm, thậm chí vui vẻ: lỗi tất cả là do cái thiên hướng tai hại thích đùa cợt ngu ngốc của tôi cũng như sự kém cỏi tai hại của Marketa không biết cách hiểu chuyện đùa. Marketa thuộc loại phụ nữ nhìn mọi việc đều nghiêm túc (hoàn toàn hòa hợp với tinh thần thời đại) và ngay từ trong nôi đã được các bà tiên ban cho cái khả năng cả tin là phẩm chất chủ yếu của họ. Tôi không muốn nói xa nói gần bằng uyển ngữ như vậy để nói cô ấy là một người ngây ngô; không: cô ấy khá có thiên tư, thông minh, lại trẻ (đang tuổi mười chín) và đẹp đến mức tính ngây thơ cả tin của cô được coi là ưu điểm hơn là khuyết điểm. Mọi người ở khoa đều yêu cô và không ít thì nhiều cũng đều tìm cách chinh phục cô, điều đó không ngăn cản chúng tôi (ít nhất là một vài người trong bọn) trêu đùa cô một cách nhẹ nhàng, tử tế.

Chắc chắn sự hài hước và Marketa ít kết hợp được với nhau, càng ít với tinh thần thời đại. Đó là năm đầu sau tháng Hai bốn tám; một cuộc sống mới đã bắt đầu, một cuộc sống hoàn toàn khác trước mà diện mạo của nó, như tôi còn nhớ, là nghiêm túc đến cứng ngắc, nhưng lạ cái là sự nghiêm túc đó không có vẻ gì ảm đạm mà ngược lại như có nét cười; vâng, những năm tháng đó tuyên bố mình là thời kỳ vui sướng nhất trong mọi thời kỳ và bất kỳ ai không vui với nó lập tức sẽ bị nghi ngờ là đau khổ trước thắng lợi của giai cấp công nhân hoặc giả (điều này cũng không kém phần nghiêm trọng) đắm chìm theo lối cá nhân chủ nghĩa trong những nỗi buồn thầm kín của mình.

Tôi khi đó không có nhiều những nỗi buồn thầm kín, ngược lại, tôi có khiếu hài hước đáng kể, tuy nhiên không thể nói là tôi hòa nhập hoàn toàn với niềm vui của thời đại: các chuyện đùa của tôi không nghiêm túc lắm, trong khi niềm vui thời đại không chịu được sự pha trò hay giễu cợt, đó là niềm vui, tôi xin nhắc lại, nghiêm trọng, tự hào phong mình là “chủ nghĩa lạc quan lịch sử của giai cấp chiến thắng”, một niềm vui khổ hạnh và long trọng, tóm lại là Niềm Vui.

Tôi nhớ ở khoa hồi đó chúng tôi được tổ chức thành các “tổ học tập” thường họp để phê bình và tự phê bình nhau một cách công khai để dựa vào đó đưa ra nhận xét đánh giá từng người. Cũng như mọi đảng viên khác, tôi đảm nhiệm nhiều chức trách (tôi giữ một chức vụ cao trong Hội sinh viên) và ngoài ra vì tôi còn học tốt, nên một đánh giá tốt không phải là điều khiến tôi bận tâm. Nhưng những lời công thức khen ngợi tôi về hoạt động, sự chuyên cần, thái độ tích cực đối với Nhà nước, công việc và sự hiểu biết chủ nghĩa Marx lại thường đi kèm với một câu nói rằng tôi còn rơi rớt “tàn tích của chủ nghĩa cá nhân”. Cái câu đó thực ra không đáng lo lắm vì thông thường những bản đánh giá cá nhân tốt nhất cũng vẫn phải có những nhận xét phê bình, với người này là “ít học tập lý luận cách mạng”, với người khác là “không hòa đồng với tập thể”, với người kia là “thiếu cảnh giác và thận trọng”, rồi người nữa là “không tôn trọng phụ nữ”; tất nhiên, ngay khi một hạn chế kiểu thế không còn biệt lập nữa mà có thêm một hạn chế khác làm nó đậm hơn, hoặc ta bị cuốn vào một xung đột nào đó hoặc trở thành cái đích của sự nghi ngờ hay bôi nhọ, thì “những tàn tích của chủ nghĩa cá nhân” hay “không tôn trọng phụ nữ” có thể biến thành mầm mống tai họa. Và như một định mệnh kỳ lạ, một mầm mống như thế luôn nằm trong hồ sơ của từng người, vâng, của từng người trong số chúng tôi.

Đôi khi (đùa cợt hơn là e sợ) tôi phản đối những lời kết tội tôi về chủ nghĩa cá nhân và yêu cầu các đồng chí cùng tổ học tập đưa ra bằng chứng. Họ không có những bằng chứng thật cụ thể; họ nói: “Bởi vì cậu xử sự như thế. – Tôi xử sự như thế nào? tôi hỏi. – Cậu luôn có cái cười lạ lùng. – Thế thì sao nào? Đấy là tôi thể hiện niềm vui của mình! – Không phải thế, cậu cười như thể cậu đang nghĩ một điều gì đó cậu giữ cho riêng mình.”

Khi các đồng chí kết luận rằng thái độ và cái cười của tôi có vẻ trí thức (một từ xấu nổi tiếng nữa thời ấy) thì rốt cuộc tôi tin họ, tôi không thể hình dung (nó vượt quá sự táo tợn của tôi) rằng tất cả những người khác là nhầm, rằng bản thân cuộc Cách Mạng, tinh thần thời đại, là nhầm, trong khi tôi, một cá nhân, tôi lại đúng. Tôi bắt đầu theo dõi từng cái cười của mình và nhanh chóng nhận ra bên trong mình một khe nứt nhỏ giữa con người tôi đang là và con người tôi phải là và muốn là (theo tinh thần thời đại).

Vậy thì tôi thực sự là ai? Với câu hỏi này tôi muốn trả lời hết sức trung thực: tôi là người có nhiều bộ mặt.

Và số lượng của chúng ngày càng nhiều lên. Khoảng một tháng trước khi nghỉ hè tôi bắt đầu gần với Marketa (cô học năm nhất, tôi năm hai), tôi gắng hết sức để gây ấn tượng với cô, theo cái cách kỳ quặc mà tất cả các chàng trai tuổi hai mươi trên đời đều làm: tôi đeo một cái mặt nạ, tôi giả như mình già hơn (về tinh thần và kinh nghiệm); tôi vờ xa lánh mọi vật, vờ nhìn thế giới từ trên cao và vờ như ở trên da mình có lớp biểu bì thứ hai vô hình, đạn bắn không thủng. Tôi cho rằng (và nó đúng) nói đùa sẽ biểu hiện rõ ràng sự xa lánh và nếu tôi đã vốn thích đùa thì với Marketa tôi càng đùa một cách thật quá quắt, giả tạo và kiểu cách.

Nhưng tôi thực sự là ai? Tôi buộc phải nói lại: tôi là người có nhiều bộ mặt.

Trong các cuộc họp tôi là người nghiêm túc, nhiệt tình, tin tưởng; thoải mái, thích trêu chọc lúc ở giữa đám bạn bè thân; yếm thế và cầu kỳ đến phát mệt lúc ở bên cạnh Marketa; và khi ở một mình (khi nghĩ về Marketa) tôi nhỏ bé và run rẩy như một cậu học trò.

Bộ mặt cuối có phải là mặt thật?

Không. Mặt nào cũng là thật: tôi không giống như những kẻ đạo đức giả có một mặt thật còn lại là mặt giả. Tôi có nhiều bộ mặt vì tôi còn trẻ và chính tôi còn chưa biết tôi là ai và muốn trở thành ai. (Điều này không cản trở việc sự lệch nhau giữa các bộ mặt khiến tôi sợ; tôi hoàn toàn không gắn được vào bất cứ mặt nào trong số đó và ì ạch đi sau chúng một cách mù quáng.)

Cơ chế tâm sinh lý của tình yêu phức tạp đến nỗi vào một thời kỳ nhất định của cuộc đời người trẻ gần như chỉ tập trung vào việc nắm bắt nó mà quên mất đối tượng chính của tình yêu: người phụ nữ mà hắn yêu (giống như người nhạc công violon trẻ không thể tập trung vào nội dung bản nhạc khi chưa thành thạo kỹ thuật đánh đàn đến mức chơi không cần nghĩ). Tôi đã nói về sự run rẩy như cậu học trò của mình khi nghĩ về Marketa thì phải nói thêm đó không phải là do tôi đang yêu mà là do sự vụng về và thiếu tự tin của tôi, tôi luôn cảm thấy sức nặng của chúng đè lên tôi, choán hết mọi suy nghĩ tình cảm của tôi, vượt xa Marketa.

Tôi còn làm trầm trọng thêm sự bối rối và vụng về đó bằng những trò điệu bộ với Marketa: cố tình nói ngược lại, hoặc thẳng thừng châm chọc mọi ý kiến của cô, việc này không khó vì tuy giỏi giang (và đẹp đẽ mà như mọi vẻ đẹp gây cho người xung quanh cảm giác đánh lừa là khó tiếp cận) cô là một cô gái trong trắng ngây thơ; cô luôn luôn không có khả năng nhìn vượt lên sự vật, mà chỉ nhìn thấy sự vật trước mắt; cô thành thạo môn thực vật học, nhưng lại không hiểu những chuyện cười do các bạn đồng học kể; cô phó mình cho những nhiệt tình hừng hực của thời đại nhưng vào lúc trở thành chứng nhân của một hành động chính trị theo phương châm “mục đích biện hộ cho phương tiện” thì đầu óc cô lại kẹt cứng như trước một chuyện đùa; vì thế các đồng chí mới cho rằng cô cần phải củng cố nhiệt tình thông qua việc học tập chiến lược và sách lược phong trào cách mạng và họ quyết định trong kỳ nghỉ hè cô phải dự một lớp bồi dưỡng cán bộ Đảng kéo dài hai tuần.

Quyết định này không hợp với tôi chút nào, bởi vì chính hai tuần đó tôi đã có kế hoạch tận hưởng ở Praha với Marketa để đẩy quan hệ của chúng tôi (cho đến lúc đó chỉ mới có vài lần dạo chơi, trò chuyện và vài cái hôn) tiến xa hơn; ngoài mười lăm ngày ấy ra tôi không còn sự lựa chọn (phải dành một tháng tham gia đội công tác về nông thôn và hai tuần cuối hè là dành về thăm mẹ ở Moravia), mà tôi cũng đến thâm tím vì ghen trước việc Marketa không chia sẻ nỗi buồn cùng tôi, không hề bực mình với chuyện học và tệ hơn cô còn nói thẳng là nôn nóng chờ đến lúc đó!

Từ nơi học (được tổ chức tại một lâu đài nào đó ở miền trung xứ Bohemia) Marketa gửi cho tôi một bức thư đúng như con người cô: nó đầy sự hài lòng thành thật với mọi thứ cô đang sống; cái gì cũng làm cô thích thú, bao gồm mười lăm phút thể dục buổi sáng, các bản báo cáo, những cuộc thảo luận, những bài hát; cô viết cho tôi rằng nơi đây đang có một “tinh thần lành mạnh” ngự trị; và với một tinh thần hừng hực cô viết thêm rằng ở phương Tây cuộc cách mạng không bao lâu nữa sẽ đến.

Xét về mọi mặt, cơ bản tôi đồng ý với mọi điều khẳng định của Marketa, cũng như cô tôi tin vào cuộc cách mạng sắp sửa ở Tây Âu; chỉ có một điều tôi không tán thành: cô hài lòng và sung sướng trong khi tôi buồn não nề vì vắng cô! Vậy là tôi mua một tấm bưu thiếp (và để làm cô bị tổn thương, bị sốc, bị bối rối) tôi viết: Chủ nghĩa lạc quan là thuốc phiện của nhân dân! Tinh thần lành mạnh sặc mùi ngu ngốc! Trotsky muôn năm! Ludvik.

3

Đáp lại tấm bưu thiếp khiêu khích của tôi Marketa gửi một tấm bưu thiếp với lời lẽ cụt lủn nhạt nhẽo và không hề trả lời những bức thư tôi viết cho cô trong suốt dịp hè. Khi đó tôi đang ở vùng núi tham gia thu dọn cỏ khô cùng với đội sinh viên tình nguyện, sự im lặng của Marketa đè nặng nỗi buồn lên tôi. Từ nơi ấy tôi viết thư cho cô gần như hàng ngày, những bức thư đầy lòng yêu đương khẩn khoản và sầu muộn, tôi xin cô làm sao để chúng tôi có được ít nhất hai tuần cuối hè ở bên nhau, tôi sẵn sàng không về Moravia nữa, bỏ cuộc thăm bà mẹ đơn độc, sẵn sàng đến bất cứ đâu để được ở bên cạnh Marketa; tất cả những điều đó không chỉ vì tôi yêu cô, mà trước hết vì cô là người phụ nữ duy nhất ở quanh tôi và tình cảnh chàng trai không có cô gái đối với tôi là không thể nào chịu nổi. Nhưng Marketa không trả lời các thư của tôi.

Tôi không hiểu chuyện gì xảy ra. Tháng tám tôi trở lại Praha và cũng gặp được cô ở nhà. Chúng tôi lại cùng nhau dạo chơi như thường lệ dọc sông Vltava và đi ra hòn đảo có tên gọi Đồng cỏ Hoàng gia (bãi cỏ buồn tẻ này chỉ có cây dương mọc và những khu đất trống) và Marketa khẳng định không có gì thay đổi giữa chúng tôi, thực tế là cô vẫn cư xử như trước, nhưng chính cái sự như thường lệ đó (vẫn cái hôn ấy, vẫn cách nói chuyện đó, vẫn kiểu cười đó) lại đâm khó chịu. Khi tôi bảo mai gặp lại cô nói tôi cứ gọi điện cho cô rồi sẽ thỏa thuận.

Tôi gọi điện, đầu máy bên kia một giọng nữ không quen cho biết Marketa đã rời Praha.

Tôi đau khổ như chỉ chàng trai hai mươi tuổi có thể đau khổ khi hắn không còn phụ nữ; chàng trai đó hãy còn nhút nhát, hắn chỉ mới biết đến tình yêu nhục thể một vài lần mà cũng chóng vánh và ngượng ngập, hắn cứ luôn nghĩ về nó trong tâm trí. Ngày cứ kéo dài lê thê và trống trải đến không chịu nổi; tôi không thể đọc sách, tôi không thể làm việc, ngày ba lần vào rạp chiếu bóng, xem tất cả các suất chiếu, suất ngày, suất tối, chỉ cốt để giết thời gian, để bóp nghẹt tiếng kêu chim cú cứ dội lên liên tục từ bên trong tôi. Tôi, người mà Marketa có ấn tượng (nhờ sự kiêu ngạo được vun đắp cẩn thận của tôi) là tôi đã gần như chán chường phụ nữ, tôi lại không dám buông một lời nào với các cô gái trẻ trên phố, các cô gái có những cặp chân dài đẹp khiến tôi mê mẩn.

Vì thế tôi đã vui mừng chào đón tháng chín khi cuối cùng nó cũng đến và cùng với nó là năm học mới, trước đó hai ba ngày tôi đã bắt đầu trở lại công việc của mình ở Hội sinh viên nơi tôi có một phòng riêng và nhiều nhiệm vụ khác nhau. Nhưng ngay hôm sau có một cú điện gọi tôi đến ban chấp hành đảng. Từ giây phút ấy tất cả mọi việc, cho đến những chi tiết nhỏ nhất, đã găm chặt vào đầu tôi: ngày ngập nắng, tôi bước ra khỏi tòa nhà Hội sinh viên và cảm thấy nỗi buồn bao phủ tôi suốt cả dịp hè dần dần tiêu tan. Tôi đi đến ban chấp hành với cảm giác tò mò dễ chịu. Tôi bấm chuông và người mở cửa là bí thư, một thanh niên cao lớn có khuôn mặt hẹp, mái tóc sáng và cặp mắt xanh lạnh lùng. Tôi nói “Lao động là vinh quang” như cách những người cộng sản thời ấy hay chào hỏi nhau. Anh ta không đáp lại lời chào của tôi mà bảo: “Đi sâu vào trong, mọi người đang đợi cậu ở đấy.” Tôi đi vào căn phòng cuối của ban thư ký nơi có ba ủy viên đảng ủy sinh viên đang đợi tôi. Họ bảo tôi ngồi. Tôi ngồi xuống và hiểu ngay là sẽ có chuyện. Ba đồng chí mà tôi biết rõ và cũng thường hay tán phét với nhau, trưng ra ba cái mặt khó gần; chắc chắn họ sẽ xưng hô cậu tớ với tôi (theo quy tắc giữa những người bạn với nhau) nhưng đó không còn là cách xưng hô bạn bè mà đã mang tính quan phương và đe dọa. (Tôi phải thú nhận là từ đó tôi ác cảm với cách xưng hô cậu tớ; vốn gốc nó thể hiện sự thân mật tin cậy, nhưng nếu những người xưng hô cậu tớ mà không quen biết nhau thì nó có nghĩa trái ngược hẳn, nó thể hiện sự thô lỗ đến mức cái thế giới mà đâu đâu cũng xưng hô cậu tớ thì đó không phải là thế giới của tình bạn chung mà là thế giới của sự thiếu tôn trọng chung.)

Vậy là tôi ngồi trước mặt ba anh sinh viên “cậu tớ” đang đặt cho tôi câu hỏi đầu tiên: tôi có biết Marketa không. Tôi đáp có. Họ hỏi tôi có trao đổi thư từ với cô ấy không. Tôi đáp có. Họ hỏi tôi có nhớ những gì đã viết cho cô ấy không. Tôi đáp không nhớ và chính lúc ấy tấm bưu thiếp có dòng chữ khiêu khích lóe lên trước mắt tôi và tôi bắt đầu đánh hơi thấy vụ việc. Cậu không nhớ ư? họ hỏi. Không, tôi đáp. Thế Marketa viết gì cho cậu? Tôi nhún vai để tạo cảm giác là cô ấy chỉ viết về những chuyện riêng tư thầm kín mà tôi không thể nói ra ở đây. Còn chuyện học tập cô ấy không viết gì à? họ hỏi. Có, cô ấy có viết, tôi nói. Cô ấy viết gì? Cô ấy viết là ở đấy cô ấy thích, tôi đáp. Còn gì nữa? Ở đấy có những bản báo cáo hay và một tập thể tốt, tôi thêm. Cô ấy có viết cho cậu là lớp học có một tinh thần lành mạnh ngự trị không? Có, tôi nói, cô ấy có viết cái gì đó đại loại như vậy. Cô ấy có viết cho cậu là cô ấy đã học cách biết được sức mạnh của chủ nghĩa lạc quan? họ hỏi tiếp. Có, tôi nói. Thế cậu nghĩ gì về chủ nghĩa lạc quan? họ hỏi. Chủ nghĩa lạc quan? Tôi nghĩ gì về nó ư? tôi hỏi lại. Cá nhân cậu có nghĩ mình là người lạc quan không? họ hỏi. Nhất định rồi, tôi rụt rè nói. Tôi thích đùa, tôi là một người vui vẻ, tôi thấy mình đang cố giảm nhẹ giọng điệu của cuộc hỏi cung. Ngay một kẻ hư vô chủ nghĩa cũng có thể là người vui vẻ, một cậu trong bọn nói, hắn có thể đùa cợt những người đang đau khổ. Và nói tiếp: một kẻ yếm thế cũng có thể là người vui vẻ! Cậu tin là có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội mà không cần đến chủ nghĩa lạc quan? một cậu khác hỏi. Không, tôi đáp. Vậy là cậu không tán thành việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, cậu thứ ba nói. Sao lại thế? tôi cãi lại. Bởi vì đối với cậu, chủ nghĩa lạc quan là thuốc phiện của nhân dân! cả ba cùng hô lên. Cái gì, thuốc phiện của nhân dân là sao? tôi vẫn cự cãi. Không thoát được đâu, chính cậu đã viết thế! Marx nói tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân, nhưng trong mắt cậu thuốc phiện lại là chủ nghĩa lạc quan! Cậu đã viết thế cho Marketa. Tôi tò mò muốn biết công nhân và các điển hình tiên tiến đã hoàn thành vượt mức các kế hoạch sẽ nói gì nếu họ biết chủ nghĩa lạc quan của họ là thuốc phiện, một cậu khác thắt buộc. Cậu thứ ba thêm vào: Đối với một tên trotskyist thì chủ nghĩa lạc quan mang tính xây dựng không bao giờ là cái gì khác hơn thuốc phiện. Mà cậu là một tên trotskyist! Lạy Chúa, các cậu lấy đâu ra những chuyện đó? tôi cãi lại. Cậu đã viết nó rõ ràng, có hay không? Hình như tôi có viết một điều như thế cốt để đùa thôi, mà việc cũng đã qua hai tháng, tôi không nhớ gì nữa. Chúng tôi sẽ làm cho cậu nhớ lại, họ nói, và đưa cho tôi đọc tấm bưu thiếp của tôi: Chủ nghĩa lạc quan là thuốc phiện của nhân dân! Tinh thần lành mạnh sặc mùi ngu ngốc! Trotsky muôn năm! Ludvik. Trong căn phòng nhỏ của đảng ủy mấy câu đó vang lên khủng khiếp đến mức lúc ấy khiến tôi sợ hãi và tôi thấy chúng có sức mạnh tàn phá khiến tôi không chống đỡ nổi. Các đồng chí, đó chỉ là vui đùa thôi, tôi nói, và cảm thấy ở đây không ai tin tôi cả. Các cậu có thấy cái này buồn cười không? một người hỏi hai người kia. Họ lắc đầu. Các cậu phải biết Marketa cơ! tôi nói. Chúng tôi có biết cô ấy, họ đáp. Vậy thì các cậu thấy rồi đấy, tôi nói. Marketa luôn nhìn mọi thứ nghiêm túc, chúng tôi hay nói nhạo một chút để cô ấy bị sốc cho vui. Hay thật, một trong ba đồng chí nói, theo những bức thư về sau của cậu thì chúng tôi không cảm thấy cậu thiếu nghiêm túc với Marketa. Sao, các cậu đã đọc tất cả các thứ tôi gởi cho Marketa? Như vậy lấy cớ Marketa nhìn mọi thứ nghiêm túc, một người khác xen vào, nên cậu đã nói nhạo cô ấy. Nhưng cậu hãy nói cho chúng tôi biết cô ấy nhìn những gì là nghiêm túc? Có phải là Đảng, chủ nghĩa lạc quan, kỷ luật, đúng không? Và tất cả những thứ cô ấy coi là nghiêm túc thì cậu lại cười cợt. Các đồng chí, xin hãy hiểu tôi, tôi nói, thậm chí tôi không còn nhớ tôi đã viết cái đó thế nào, nó được viết rất nhanh, hai dòng ấy, chỉ cốt đùa thôi, tôi còn không nghĩ là mình ngoáy những gì, chứ nếu có chút ý xấu nào thì tôi đã không gửi nó đến lớp học của Đảng! Cậu đã viết nó thế nào, điều ấy không quan trọng. Dù cậu viết nó nhanh hay chậm, kê đầu gối viết hay viết trên bàn, thì cũng chỉ viết ra cái có ở cậu. Không gì khác. Cũng có thể nếu cậu suy nghĩ kỹ thì cậu sẽ không viết nó. Bằng cách này cậu đã viết rất thật không đeo mặt nạ. Như thế ít ra chúng tôi cũng biết được cậu là ai. Chúng tôi biết rằng cậu có nhiều bộ mặt, mặt này cho Đảng mặt kia cho người khác. Tôi cảm thấy sự biện bạch của mình không có hiệu quả. Tôi nhắc đi nhắc lại nhiều lần điều đã nói: đó chỉ là một câu đùa, những từ ngữ đó không có nghĩa gì hết, đằng sau chúng chỉ là tâm trạng của tôi, vân vân. Họ không muốn nghe gì nữa. Họ nói rằng tôi viết trên một tấm bưu thiếp để ngỏ, bất kỳ ai cũng có thể đọc được, những câu chữ đó có ý nghĩa khách quan, không kèm theo sự lý giải nào liên quan đến tâm trạng của tôi. Sau đó họ hỏi tôi đã đọc những sách gì của Trotsky. Không đọc gì, tôi đáp. Họ hỏi ai đã cho tôi mượn những sách ấy. Không ai cả, tôi đáp. Họ hỏi tôi đã gặp những người trotskyit nào. Không gặp ai hết, tôi đáp. Họ thông báo ngay trong cuộc họp này họ bãi miễn hết mọi chức vụ của tôi ở Hội sinh viên và đề nghị tôi đưa lại chìa khóa phòng. Tôi có chìa khóa trong túi và đưa lại cho họ. Tiếp đó họ nói về mặt Đảng thì chi bộ ở khoa Tự nhiên sẽ xử lý trường hợp của tôi. Họ đứng lên không nhìn tôi. Tôi nói “Lao động là vinh quang” và bước ra.

Một lát sau tôi mới nhớ ra trong phòng của mình ở Hội sinh viên còn có mấy thứ đồ cá nhân. Tôi chưa bao giờ là người ngăn nắp trật tự nên trong ngăn kéo bàn làm việc giữa đống giấy tờ có mấy đôi tất, còn trong tủ hồ sơ tài liệu có một cái bánh ngọt pha rượu rum đã ăn dở, quà của mẹ từ nhà gửi cho. Dù mới rồi ở văn phòng đảng ủy tôi đã trao lại chìa khóa nhưng vẫn còn một chiếc khác ở chỗ người trực tại tầng trệt, nó được treo cùng những chìa khác trên một tấm bảng gỗ; tôi cầm lấy nó; mọi chi tiết tôi vẫn còn nhớ rõ: chiếc chìa khóa được móc bằng sợi dây gai vào một miếng gỗ nhỏ có dòng sơn trắng đề số của phòng. Nhờ chiếc chìa đó tôi vào được phòng mình và ngồi xuống bên bàn làm việc; tôi mở ngăn kéo lấy ra những thứ thuộc về mình một cách chậm rãi và lơ đễnh để tranh thủ khoảng thời gian tương đối bình lặng ngắn ngủi này nghĩ về việc vừa xảy đến với tôi và cách tôi phải làm gì.

Khoảng lặng không kéo dài lâu và cửa phòng mở ra. Ba đồng chí đảng ủy viên lại xuất hiện. Lần này bộ mặt họ không lạnh lùng đóng chặt nữa. Bây giờ họ nói bằng một giọng phẫn nộ và to tát. Đặc biệt là người bé nhất trong bọn, phụ trách công tác cán bộ. Anh ta nghiêm khắc hỏi tôi làm cách nào vào được đây. Lấy quyền gì. Tôi có muốn anh ta lệnh cho một nhân viên an ninh đến giải tôi đi không. Tôi muốn lục lọi gì trong văn phòng này. Tôi nói tôi chỉ vào để lấy cái bánh và mấy đôi tất. Anh ta nói tôi không có mảy may quyền gì để vào đây, cho dù tôi có một tủ đầy tất đi nữa. Sau đó anh ta đến bên ngăn kéo và nhặt lên từng tờ giấy, từng cuốn vở soi mói. Thực sự ở đấy chỉ là những đồ cá nhân của tôi, rốt cuộc anh ta ra lệnh cho tôi xếp chúng vào chiếc va li nhỏ ngay trước mặt anh ta. Tôi tống cả vào đấy mấy đôi tất nhàu nát và bẩn thỉu và cái bánh ngọt để trong tủ trên một tờ giấy vương vãi vụn bánh. Họ theo dõi từng động tác của tôi. Tôi xách va li rời phòng, vị phụ trách công tác cán bộ nói với tôi thay lời tạm biệt là đừng bao giờ trở lại đây nữa.

Ngay khi vừa ở ngoài tầm ngắm của ba đồng chí và cái logic thẩm vấn không thể đánh đổ được của họ, tôi thấy ngay rằng mình vô tội, rằng ba cái câu viết của tôi không có gì khủng khiếp cả, và cần phải tìm một ai đó biết Marketa và hiểu được sự lố bịch của toàn bộ câu chuyện này. Tôi liền đi tìm một sinh viên cùng khoa, một người cộng sản; sau khi tôi kể hết mọi chuyện cho anh nghe, anh nói bọn ở đảng ủy toàn là những kẻ đạo đức giả, không biết đùa cợt là gì, còn như anh, người biết Marketa, thì dễ dàng hình dung toàn bộ câu chuyện diễn ra. Sau đó anh khuyên tôi nên đến gặp Zemanek, người năm nay sẽ là bí thư chi bộ khoa tôi và là người biết rõ cả Marketa và tôi.

Ngân Xuyên dịch từ tiếng Pháp

 

Chấm sao chút:

Đã có 3 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3