Thời gian đọc: 9 phút

Tawada Yoko (1960) là một nhà văn vô cùng đặc biệt: bà viết bằng tiếng Nhật và tiếng Đức, và đều thành công vang dội ở cả hai thứ tiếng này, một tay gom hết các giải thưởng quan trọng của hai nền văn học, đồng thời tiện tay rinh luôn vài giải thưởng bên tiếng Anh, như đã được liệt kê trên Wikipedia: “Giải Akutagawa, Giải Tanizaki, the Noma Literary Prize, Giải Izumi Kyōka cho Văn chương, Giải Gunzo cho Nhà văn mới, Huy chương Goethe, Giải Kleist, và Giải Sách Mỹ cho văn học dịch.”

Đoạn trích dưới đây là phần đầu trong tiểu thuyết Hiến đăng sứ (tên bản dịch tiếng Anh là The Emissary) viết bằng tiếng Nhật của bà. Một tiểu thuyết giả tưởng phản địa đàng lấy bối cảnh Nhật Bản trong tương lai sau một thảm họa khiến đất nước này cắt đứt với toàn bộ thế giới bên ngoài, nơi người già thì càng ngày càng khỏe mạnh, sống mãi còn trẻ con thì sinh ra đã bị khuyết tật và dần chết yểu. Được so sánh với Một nỗi đau riêng của Ōe Kenzaburō, Hiến đăng sứ, như NXB New Directions giới thiệu, là “một chiêm nghiệm hóm hỉnh ngoạn mục về sự hữu tử”.

Zzz Blog

Mumei mặc nguyên bộ đồ ngủ lụa xanh ngồi bệt trên chiếu. Bộ dạng trông như gà con đó có lẽ do cái cổ ốm, dài so với cái đầu to. Mồ hôi khiến những sợi tóc mỏng như tơ bết vào da đầu. Mumei khép hờ mí mắt, ngúc ngoắc đầu như dò tìm trong không trung bằng đôi tai, và đón tiếng chân bước trên lối đi rải sỏi bên ngoài bằng đôi màng nhĩ. Tiếng bước chân mỗi lúc to dần rồi im bặt. Cánh cửa kéo kêu lạch cạch như tàu chở hàng, Mumei mở mắt, nắng sáng nhuộm vàng, tràn vào như hoa bồ công anh tan chảy. Mumei rụt hai vai thật mạnh về phía sau, ưỡn ngực, giơ hai tay ra ngoài như giang rộng đôi cánh.

Vừa thở hổn hển, vừa tiến lại gần, Yoshiro mỉm cười, đuôi mắt hằn sâu những nếp nhăn. Vừa định cúi xuống, giơ một chân lên để cởi giày thì từng giọt mồ hôi trên trán nhỏ xuống tong tỏng.

Sáng nào Yoshiro cũng mướn một con chó ở “Tiệm cho thuê chó” nằm ở ngã tư phía trước bờ đê và chạy song song với nó khoảng ba mươi phút trên bờ đê. Dòng sông như thắt chiếc nơ màu bạc, khi nước ít lại chảy xa không ngờ. Người xưa gọi kiểu chạy không mục đích như vậy là “jogging (chạy bộ)” nhưng kể từ khi từ ngoại lai dần biến mất, chẳng biết từ khi nào, kiểu chạy này được gọi là “kake-ochi (chạy tụt)”. Lúc đầu, nó là từ thịnh hành được dùng để nói đùa với nghĩa “hễ chạy thì huyết áp sẽ tụt”, nhưng rồi lại định hình luôn. Thế hệ của Mumei thì chưa từng nghĩ có liên hệ gì giữa “kake-ochi (dắt nhau bỏ trốn)” và yêu đương cả.

Tuy nói là từ ngoại lai không còn được dùng đến nhưng ở tiệm cho thuê chó vẫn thường viết chữ Katakana. Thời gian đầu khi Yoshiro bắt đầu thành “người chạy tụt”, do không tự tin với tốc độ chạy của mình nên ông nghĩ mình nên chọn loại chó nhỏ thì tốt hơn và chọn Yorkshire Terrier, nào ngờ giống này chạy quá nhanh. Yoshiro bị nó kéo chạy suýt ngã, thở hổn hển còn con chó thì thỉnh thoảng quay lại nhìn với vẻ mặt ra chiều đắc ý “sao rồi ông bạn?”. Mũi nó hếch lên trông rất láu. Sáng hôm sau, Yoshiro đổi sang giống Daschund thì xui sao lại tình cờ trúng con chó chẳng buồn chạy một tí tẹo nào, chạy được khoảng hai trăm mét thì ông phải dùng dây kéo lê con chó một mực ngồi bệt xuống đất, mãi mới quay về tiệm cho thuê được.

“Cũng có con không thích đi dạo nhỉ” – ông nhỏ nhẹ phàn nàn khi trả con chó,

“Hả? Đi dạo? À à, đi dạo nhỉ. Ha ha ha” – người đàn ông trông tiệm nói lảng. Phải chăng anh ta cảm thấy mình bề trên khi cười nhạo một người già dùng những tử ngữ như “đi dạo” này kia? Tuổi thọ của từ ngữ dần ngắn đi. Những tưởng chỉ có từ ngoại lai biến mất nhưng không phải vậy. Trong số những từ ngữ bị đóng dấu cổ lỗ sỹ và lần lượt biến mất có cả những từ không có từ kế tục.

Tuần trước, ông quyết định mướn thử con Shepherd, nhưng con này lại ngược với Daschund, được huấn luyện thái quá, khiến ông cảm giác mình yếu thế hơn. Mặc Yoshiro thình lình dốc hết sức để chạy, hay giữa chừng mệt mỏi như kéo lê đôi chân, mãi mới tiến lên trước được, nó vẫn luôn chạy sát bên cạnh ông. Yoshiro nhìn mặt con chó thì nó lại liếc mắt như muốn nói, “Sao? Hoàn hảo quá đúng không?”. Yoshiro cảm thấy khó chịu với cái vẻ học sinh ưu tú đó nên quyết định không mượn con Shepherd nữa.

Sự tình là vậy nên Yoshiro vẫn chưa tìm được con chó lý tưởng, nhưng ông thầm thỏa mãn với chính mình khi ấp úng trong miệng mỗi lần bị hỏi “ông thích loại chó nào?”.

Thời trẻ, mỗi khi được hỏi nhạc sĩ yêu thích, nhà thiết kế yêu thích, loại rượu vang yêu thích này kia, ông đều tâm đắc trả lời ngay. Ông cho rằng sở thích của mình thú vị, và tốn tiền bạc lẫn thời gian để mua đủ những sản phẩm để chứng minh cho điều đó. Giờ thì ông không còn dùng sở thích như cục gạch để xây một ngôi nhà có tên là cá tính nữa. Mang giày như thế nào là vấn đề quan trọng nhưng ông không còn chọn giày để phô diễn bản thân nữa. Đôi giày Idaten ông đang mang là loại mới được hãng Tengu bán gần đây, mang êm, thoải mái vô cùng, như dép rơm vậy. Hãng Tengu có trụ sở chính ở tỉnh Iwate, trong đôi giày có viết bằng bút lông “Made Iwate”. Chữ “made” này là cách diễn đạt có được từ cách hiểu của một thế hệ không còn học tiếng Anh, tự mình cho là “made” trong “made in Japan”.

Thời học cấp III, ông thấy khác lạ ít nhiều về bộ phận gọi là chân, đôi chân lớn nhanh, vượt xa những bộ phận khác, và mềm mại, dễ bị trầy xước nên ông rất thích mang loại giày thương hiệu nước ngoài bằng cao su dày, chắc, như ôm trọn đôi chân. Giai đoạn làm việc một thời gian cho một công ty sau khi tốt nghiệp đại học, ông luôn mang đôi giày da nâu cứng cáp, cố gắng để chung quanh không phát hiện ra việc mình thật sự không có ý tiếp tục làm nhân viên. Sau khi ra mắt với tư cách nhà văn và lần đầu nhận nhuận bút, ông đã dùng số tiền đó mua đôi giày leo núi. Ngay cả khi đi bưu điện gần nhà, ông cũng buộc dây đôi giày leo núi cẩn thận để không gặp nạn rồi mới đi.

Đôi chân vui mừng với guốc gỗ và dép rơm khi ông đã quá bảy mươi. Da chân để trần nào bị muỗi chích, nào bị ướt nước mưa. Chăm chú ngắm mu bàn chân đang âm thầm đón nhận nỗi bất an, ông nghĩ thì ra đây chính là mình và ý muốn chạy bộ trỗi dậy. Nghĩ bụng không biết có loại giày nào gần giống dép rơm không thì ông gặp giày của hãng Tengu.

Định cởi giày ở lối vào, loạng choạng vịn một tay vào cột gỗ trắng, Yoshiro cảm nhận mắt cây ở đầu ngón tay. Thời gian để lại trong thân cây những đường vân, vậy chứ trong cơ thể ta, thời gian đã được lưu lại ra sao? Không có chuyện thành vòng năm như cây mà lan thành vân gỗ, cũng không có chuyện xếp thành một đường thẳng đứng, mà biết đâu chừng hỗn độn đọng lại như trong ngăn kéo chưa từng được dọn dẹp ngăn nắp? Vừa nghĩ đến đó ông lại loạng choạng rồi để chân trái chạm sàn nhà.

“Xem chừng chân trái vẫn không đủ sức đứng” – Ông lẩm bẩm một mình thì Mumei nghe được, nheo mắt ngẩng mặt lên hỏi: “Ông cố, ông muốn thành con hạc ạ?”. Vừa cất giọng thì cái cổ đung đưa như chiếc bong bóng của Mumei thình lình dừng lại trên sóng lưng, đôi mắt cậu bé ánh màu nâu, trông vui mà lại đượm buồn. Yoshiro xốn xang khi ông trông khuôn mặt của đứa chắt xinh đẹp như mặt của ngài địa tạng.

“Còn mặc đồ ngủ sao? Mau thay đồ đi” – Ông cố tình nói giọng nghiêm khắc, mở ngăn tủ. Trong đó, từ tối qua trước khi đi ngủ, bộ đồ lót và đồ mặc đi học của con trẻ đã được xếp vuông vắn chồng lên nhau, sẵn sàng chờ chủ nhân lên tiếng. Mumei luôn lo lắng, sợ mấy bộ đồ của nó tự ý bỏ đi vào ban đêm. Nó sốt ruột, lo mấy bộ đồ uống thứ nước cocktail rồi nhảy nhót ở câu lạc bộ, bẩn thỉu nhàu nhĩ trở về nhà. Cho nên trước khi đi ngủ, Yoshiro cất đồ của Mumei vào tủ và khóa lại.

“Cháu tự mặc đi. Ông nhất định không giúp đâu đấy.”

Yoshiro đặt trước mặt đứa chắt một bộ đồ, rồi đi ra bồn rửa mặt, vỗ nước lạnh lên mặt để rửa. Ông vừa lau mặt bằng chiếc khăn vải lau tay, vừa chằm chằm nhìn bức tường trước mắt. Ở đó không có gương. Lần cuối ông soi gương là khi nào nhỉ? Trông vậy chứ, ở tuổi tám mươi ông vẫn soi gương kiểm tra mặt mũi, lông mũi có dài ra thì cắt, da đuôi mắt có bị khô thì bôi kem sơn trà.

Yoshiro vắt chiếc khăn lên cây sào bên ngoài, lấy kẹp phơi đồ kẹp lại. Chẳng biết tự khi nào ông không còn dùng khăn lông mà chỉ dùng khăn vải lau tay. Khăn lông có giặt thì mãi chẳng khô nên không đủ. Khăn vải thì chỉ cần vắt lên cây sào ngoài hàng hiên, gió thổi bay phấp phới, chẳng mấy chốc là khô ngay. Yoshiro ngày xưa rất quý khăn lông cỡ lớn. Cứ mỗi lần dùng xong là ông dồn vào máy giặt, rắc bột giặt lên trên không tiếc tay và tận hưởng cảm giác xa xỉ, nhưng bây giờ nghĩ lại cũng thật buồn cười. Chiếc máy giặt đáng thương phải khổ sở vần bao nhiêu chiếc khăn lông nặng trong bụng, mệt rã rời, được ba năm là chết vì làm việc quá sức. Cả triệu chiếc máy giặt đã chết chìm xuống đáy Thái Bình Dương, thành khách sạn con nhộng cho lũ cá.

Giữa căn phòng tám chiếu và nhà bếp có một căn phòng khoảng hai mét, ở đó có đặt một cái bàn đơn giản để đi picnic, một cái ghế xếp như của người đi câu hay dùng. Như kích thích cảm giác muốn đi dã ngoại vốn đã có sẵn trong lòng, trên bàn còn có bình nước tròn vẽ hình con lửng chó, trong đó cắm một bông bồ công anh lớn.

Bồ công anh thời gian này có cánh dài đến mười xen-ti-mét. Thậm chí có người từng đem bồ công anh đến thi trong Hội thi Hoa Cúc được tổ chức hằng năm ở nhà văn hóa, khiến nảy sinh vấn đề là có thể công nhận đó là hoa cúc hay không. Phe phản đối nói “hoa bồ công anh lớn không phải là hoa cúc, mà chỉ lạ bồ công anh đột biến mà thôi”, còn phe ngược lại thì cho rằng “đột biến là thuật ngữ phân biệt đối xử”, khơi mào cho một cuộc tranh luận. Thực tế, từ “đột biến” hầu như không còn được dùng trong ở những ngữ cảnh như thế này mà thay vào đó, từ “đồng hóa môi trường” thịnh hành hơn. Trong bối cảnh nhiều loài hoa dại trở nên khổng lồ, nếu chỉ có mình nhỏ bé thì sẽ phải sống trong bóng tối. Chắc hẳn, để sống trong môi trường hiện nay, bồ công anh cũng phải thay đổi kích thước. Nhưng, ngược lại, cũng có loại thực vật chọn chiến lược chỉ mỗi mình trở nên nhỏ bé. Có loại tre mới, dù chăm bón cách mấy cũng chỉ cao bằng ngón tay út, và được gọi là “tre ngón út”. Với loại tre này thì dù đứa bé từ mặt trăng giáng trần có tỏa sáng bao nhiêu đi nữa, ông lão và bà lão cũng phải lấy kính lúp, nằm bò ra soi may ra mới tìm thấy.

Trong phe phản đối bồ công anh có những người lập luận: “Hoa Cúc là loài hoa cao quí, được chọn làm gia huy, trong khi bồ công anh là cỏ dại nên không được đánh đồng chúng với nhau”. Còn liên minh phe ủng hộ bồ công anh được thành lập chủ yếu dựa vào công đoàn các tiệm mì ramen thì trích dẫn danh ngôn của hoàng thất, rằng “Không có loài cỏ nào là cỏ dại” để vặt lại đối thủ, đặt dấu chấm hết cho cuộc tranh luận hoa cúc hoa bồ công anh kéo dài bảy tháng.

Mỗi khi nhìn hoa bồ công anh, Yoshiro nhớ lại quãng thời gian ông còn nhỏ, một mình nằm lăn ra cánh đồng cỏ ngắm trời mây. Không khí ấm áp, lớp cỏ bên dưới mát lạnh. Tiếng chim ríu rít vọng từ xa. Quay sang nhìn là thấy bông hoa bồ công anh nở ngay bên cạnh, cao hơn tầm mắt một chút. Có lần Yoshiro nhắm mắt, chu miệng ra như mỏ chim, chạm môi vào bông hoa bồ công anh, rồi lật đật ngồi dậy, nhìn quanh xem có bị ai bắt gặp không.

Kể từ khi chào đời, Mumei chưa từng được chơi ở cánh đồng cỏ thật lần nào. Dù vậy, dường như thằng nhỏ vẫn tự hình dung về “cánh đồng cỏ” và ấp ủ cẩn thận trong lòng.

An Nhiên dịch

 

(Dịch theo bản tiếng Nhật Kentoshi, NXB Kodansha, 2014)

Chấm sao chút:

Đã có 11 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3