Thời gian đọc: 14 phút

Edna O’Brien, người được Philip Roth gọi là “người phụ nữ tài năng nhất viết bằng tiếng Anh hiện nay”, sinh năm 1930, là tiểu thuyết gia, nhà thơ, kịch tác gia, người viết hồi ký, với ngót nghét hơn 20 tác phẩm. Tác phẩm Mấy cô gái nông thôn (The Country Girls) của bà xuất bản lần đầu năm 1960, nhanh chóng trở thành một hiện tượng gây rúng động trong xã hội Ireland vì nội dung phơi bày trực diện tình dục, để rồi liền bị lên án chỉ trích và bị cấm. Sau đó bà xuất bản thêm 2 tiểu thuyết nữa, tiếp nối câu chuyện, là The Lonely GirlGirls in Their Married Bliss. Sự gay gắt của xã hội giáo điều tấn công lên án cuốn sách của O’Brien lên tới mức độ: khi vài du khách đến Limerick mua bộ ba Mấy cô gái nông thôn, một vị linh mục đã bắt họ đưa hết chúng cho ông và ông đã đốt luôn trong nhà thờ.

Mấy cô gái nông thôn kể về hai cô gái tên là Caithleen Brady và Bridget Brennan, hay còn gọi là Kate và Baba, bạn thân từ thuở nhỏ, lớn lên ở một vùng quê Ireland những năm 1950. Hai cô gái sẽ cùng nhau trải qua nhiều cuộc phiêu lưu, đến Dublin, rồi London. Nhân vật kể chuyện xưng tôi chính là Kate, lớn lên trong một gia đình Ireland điển hình: bố nghiện rượu, hay gây gổ đánh đập, mẹ yếu ớt chấp nhận, phục tùng, con gái thì e dè sợ hãi.

Mấy cô gái nông thôn được Eimear McBride coi là “một trong những tiểu thuyết Ireland nổi tiếng nhất, khét tiếng nhất, được yêu thích nhất, gây ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20.” Cái tên Edna O’Brien nhiều năm nay luôn nằm trong danh sách cá cược Nobel. Đã lâu lắm rồi Nobel không về với Ireland, kể từ 1995.

– Zzz Blog

 

1

Tôi tỉnh ngay, rồi bật dậy trên giường. Tôi chỉ tỉnh nhanh khi đang lo lắng và mất một phút tôi chưa hiểu vì sao tim đập nhanh hơn bình thường. Rồi tôi nhớ ra. Vẫn lý do cũ. Ông ấy không về.

Khi ra khỏi giường, tôi ngồi lại một giây bên mép giường, đưa tay vuốt phẳng khăn trải giường xa tanh xanh. Đêm qua mẹ và tôi quên gấp. Tôi chuồi từ từ xuống sàn, sàn vải sơn áp vào lòng bàn chân lạnh ngắt. Ngón chân bất giác co lại. Tôi cũng có dép đi trong nhà, nhưng mẹ bảo tôi để dành khi nào đến thăm họ hàng với các dì mới được đi; nhà cũng có thảm, nhưng cuộn lại cất vào tủ hết rồi, chừng nào có khách thủ đô về chơi hè mới lấy ra.

Tôi đi đôi tất dài đến mắt cá.

Từ bếp đưa ra mùi thịt xông khói đang rán, nhưng chẳng làm tôi vui lên tí nào.

Rồi tôi qua kéo rèm. Rèm bật cuộn lên, dây xoắn cả vào rèm. May mà mẹ xuống nhà rồi, bằng không sẽ lại giảng cho tôi một bài kéo rèm thế nào mới nhẹ nhàng, nền nã.

Mặt trời chưa lên, bãi cỏ lấm tấm cúc trắng còn say ngủ. Sương đọng khắp nơi. Thảm cỏ dưới cửa sổ tôi, bờ giậu bao quanh cỏ, cọc rào dây thép hoen gỉ bao quanh giậu, cả cánh đồng lớn ngoài xa kia đều vương một lớp mù bảng lảng bâng khuâng. Lá cành tắm trong mù, làm cây cối dường như không thực, như những cây nào ta thấy trong mơ. Quanh những đốm hoa lưu ly nhú lên bên kia giậu có những vầng nước bọc. Nước lóng lánh như bạc. Yên lặng quá, yên lặng mê hồn. Khói dâng lên từ dãy núi xanh mờ xa. Hôm nay sẽ nóng đây.

Thấy tôi ra cửa sổ, Hồng Tâm từ dưới giậu chạy đến, lắc mình cho văng nước rồi uể oải, rầu rĩ nhìn lên tôi. Con chó chăn cừu của nhà, tôi đặt tên là Hồng Tâm vì mắt nó có những chấm đen chấm trắng, như kẹo đóng hộp vậy. Bình thường nó ngủ trong cái nhà kho phủ đất mặt, nhưng tối qua thì trong hang thỏ dưới chân giậu. Nó toàn ngủ ở đó để canh chừng khi nào bố vắng nhà. Khỏi cần hỏi, tối qua bố tôi không về.

Đúng lúc đó thì Hickey trên tầng xuống. Tôi còn đang kéo áo ngủ qua đầu, nên lúc đầu không nghe ra.

“Gì cơ? Anh nói gì thế?” tôi hỏi và đi ra chiếu nghỉ, quấn khăn trải giường xa tanh quanh người.

“Chúa ơi, anh kêu đến khản cả giọng.” Anh tươi tắn nhìn tôi, hỏi lại: “Em ăn sáng trứng trắng hay trứng nâu?”

“Anh hỏi dễ thương vào, Hickey, gọi em là bé nữa.”

“Bé à, cưng ơi, nhóc ngoan, gái ạ, em muốn ăn sáng trứng trắng hay trứng nâu nào?”

“Nâu đi, Hickey.”

“Anh có một quả trứng gà so con con xinh cực cho em đây,” anh nói khi quay lại vào bếp. Đập cửa đánh rầm. Mẹ dạy mãi mà không sao khiến anh đóng cửa nhẹ tay được. Anh là người làm chính ở trại, và tôi yêu anh. Để chứng minh, tôi nói to câu đó với Mẹ Đồng Trinh, bà đang băng giá nhìn tôi sau khung mạ vàng.

“Con yêu Hickey,” tôi nói. Bà chả nói gì. Tôi ngạc nhiên vì bà không nói nhiều hơn. Có một lần bà đã nói với tôi, nhưng bà nói gì là chuyện riêng với tôi. Lần đó là khi tôi nửa đêm ra khỏi giường nói một câu nguyện. Đêm nào tôi cũng ra khỏi giường sáu bảy lần để thú tội. Tôi sợ hỏa ngục.

Ừ, mình yêu Hickey, tôi nghĩ; nhưng tất nhiên điều đó thực sự có nghĩa là tôi mến anh. Hồi bảy tám tuổi tôi suốt ngày nói mình sẽ lấy anh. Tôi nói với mọi người, với cả giám khảo môn giáo lý, là chúng tôi sẽ dọn vào sống trong sân nuôi gà rồi sẽ được nhận miễn phí cả trứng, sữa, rau từ mẹ. Bắp cải là thứ duy nhất ở đây trồng. Nhưng giờ tôi ít nói chuyện cưới hỏi hơn. Thứ nhất là, anh chả bao giờ tắm rửa, nhiều nhất chỉ tối tối cúi người trên vại hứng nước mưa té táp mặt mày. Răng anh xanh lè, và cuối cùng đêm đêm anh đi tè trong cái lon đào hộp nhét dưới gậm giường. Mẹ quở anh luôn. Mẹ toàn nằm thức cả đêm đợi ông ấy về nhà, đợi rồi nghe anh mở cửa đổ ụp lon xuống phiến đá lát ngoài nhà.

“Thề có Chúa nó giết hết mấy bụi cây ngoài đó cho mà xem,” mẹ suốt ngày nói thế, đêm nào tức lắm mẹ còn mặc cả áo ngủ xuống gõ vào cửa phòng hỏi xem sao anh không ra ngoài mà giải quyết. Nhưng Hickey không bao giờ đáp lại, anh ấy khôn quá mà.

Tôi mặc áo thật nhanh, rồi khi cúi xuống lấy giày tôi thấy gầm giường đầy những bụi bặm và lông gà bay. Nhưng giờ tôi oải quá chẳng muốn lau phòng tí nào, nên chỉ phủ lại chăn lên giường rồi đi vội ra ngoài.

Chiếu nghỉ vẫn tối tăm như thường. Thêm cái cửa sổ kính màu xấu ỉn, chỗ này toát ra vẻ tang thương như nhà có ai vừa chết xong.

“Trứng nhọn như viên đạn đây,” Hickey kêu lớn.

“Em xuống đây,” tôi đáp. Tôi phải tắm đã. Phòng tắm lạnh căm, chẳng ai dùng phòng này bao giờ. Một cái phòng tắm bị bỏ rơi, bồn rửa tay có vết rỉ vàng vàng ngay dưới vòi nước lạnh, bánh xà phòng hồng còn nguyên chưa sờ vào, cái khăn mặt trắng cứng đơ trông như treo ngoài sương giá cả đêm.

Tôi chán chả buồn tắm nữa, chỉ hứng xô nước để dội bồn cầu. Bồn cầu không giật nước được, mấy tháng nay nhà tôi vẫn đợi người đến sửa. Tôi rất ngượng lần Baba bạn cùng lớp tôi đi lên nhà và hỏi một câu trí mạng: “Vẫn hỏng à?” Ở nhà tôi đồ chỉ có hai kiểu, hoặc là hỏng hoặc là không bao giờ dùng. Mẹ có đồ cắt móng tay mới với vài cuộn thừng mới cất trong tủ trên nhà, mẹ nói mang xuống chỉ tổ bị hỏng hoặc bị ai lấy mất.

Phòng bố tôi thẳng đối diện phòng tắm. Quần áo cũ vứt trên ghế. Ông không có trong phòng, nhưng tôi vẫn nghe tiếng đầu gối ông kêu khùng khục. Đầu gối ông toàn kêu khùng khục khi nào chui vào giường hoặc ra khỏi giường. Hickey lại gọi tôi.

Mẹ ngồi cạnh bếp ăn bánh mì khô. Mắt mẹ xanh, nhỏ, đỏ ngầu. Mẹ không ngủ. Mẹ đang nhìn thẳng trước mặt, nhìn cái gì chỉ mình mẹ thấy, nhìn số phận và tương lai. Hickey nháy mắt với tôi. Anh ăn ba quả trứng rán cùng vài lát thịt xông khói nhà làm. Anh quệt bánh mì vào lòng đào trứng rồi mút sồn sột.

“Mẹ có ngủ tí nào không?” tôi hỏi mẹ.

“Không. Con ngậm kẹo nên mẹ chỉ sợ con nuốt phải sẽ chết ngạt, nên mẹ cứ thức đề phòng.” Nhà tôi lúc nào cũng để cả đống kẹo với sô cô la dưới gối nên tối qua tôi ngậm viên kẹo hoa quả trước khi ngủ. Tội nghiệp mẹ, mẹ là chúa lo âu. Tôi đoán chắc là mẹ cứ nằm đó nghĩ về ông ấy, chờ tiếng xe dừng ở đầu đường, chờ tiếng chân đi qua cỏ ướt, chờ tiếng then cổng – vừa chờ vừa ho. Mẹ cứ nằm là ho, nên mẹ cất vài miếng vải cũ dùng làm khăn trong cái túi nhung buộc vào một cọc cái giường đồng.

Hickey đập đầu quả trứng của tôi. Trứng đã chín kỹ, nên anh bỏ mấy chấm bơ vào cho ướt. Quả trứng gà so chỉ vừa cao hơn thành cái cốc sứ đựng trứng lớn. Quả trứng bé tẹo trong cốc trứng to bự nhìn dở hơi, nhưng ăn rất ngon. Trà nguội rồi.

“Con mang hoa tử đinh hương cho cô Moriaty được không?” tôi hỏi mẹ. Tôi ngượng mình đã lợi dụng lúc mẹ bơ phờ để đem hoa cho cô giáo, nhưng tôi rất muốn vượt mặt Baba để được cô cưng.

“Ừ, con muốn mang gì thì mang,” mẹ lơ đãng nói. Tôi đi lại choàng tay qua cổ mẹ mà thơm. Mẹ là mẹ tốt nhất đời. Tôi bảo mẹ thế, và mẹ ôm tôi thật chặt chừng cả phút như thể không bao giờ muốn buông ra. Tôi là tất cả trên đời của mẹ, tất cả.

“Chuyện mấy bà thật sự,” Hickey nói. Tôi lỏng tay, những ngón tay vừa đan chặt quanh gáy mẹ trắng mềm, và gỡ mình ra khỏi mẹ ngượng ngùng. Đầu óc mẹ đang ở đâu đâu, gà còn chưa được cho ăn nữa. Vài con đã bay từ sân lại gần, đang mổ mổ đĩa của Hồng Tâm ngoài cửa sau. Tôi nghe tiếng con chó đuổi chúng chạy và chúng đập cánh phành phạch bay đi, kêu lóe xóe.

“Trong thị trấn có kịch đấy, bà chủ à. Bà nên đi xem thử,” Hickey nói.

“Tôi nên đi.” Giọng mẹ có ý mỉa mai. Dù mọi thứ mẹ đều phải nhờ vào Hickey cả, thỉnh thoảng mẹ vẫn ra giọng gắt gỏng với anh. Mẹ đang nghĩ. Nghĩ, ông ấy ở đâu? Ông ấy có sắp về nhà trong xe cứu thương, hay trong xe thuê, lấy ba ngày trước ở Belfast và còn chưa trả tiền? Ông có loạng choạng đi lên mấy thềm đá sau nhà huơ chai whisky? Ông có hét, có giằng co, có giết mẹ, hay có xin lỗi? Ông có ngã lăn ra khi qua cửa cùng một thằng ngu say khướt nào đó mà bảo: “Mẹ nó ơi, giới thiệu với mẹ nó Harry bạn thân của tôi. Tôi vừa cho anh ta cái mảnh mười ba mẫu đổi lấy con greyhound đẹp cực kỳ…” Những chuyện này đã xảy ra quá nhiều lần đến nỗi cho rằng bố có thể tỉnh táo về nhà mới gọi là ngớ ngẩn. Bố đi từ ba ngày trước, trong túi có sáu mươi bảng để nộp tô.

“Muối không cưng,” Hickey nói, nhúm một nhúm rắc lên quả trứng của tôi.

“Không, đừng, Hickey.” Giai đoạn đó tôi đang không ăn muối. Đấy là thể hiện. Tôi nghĩ không bỏ muối đường thì sẽ tỏ ra rất người lớn.

“Giờ tôi làm gì thưa bà?” Hickey hỏi, lợi dụng mẹ đang bứt rứt để phết bơ thật dày cả hai mặt bánh. Mẹ không ki, nhưng Hickey sắp béo đến mức không làm việc được rồi.

“Chắc là ra đầm lầy,” mẹ nói. Giờ lột đất mặt được rồi, có thể sẽ không có ngày đẹp trời nào nữa.”

“Có khi anh không nên đi xa thế,” tôi nói. Tôi muốn có Hickey ở nhà khi bố về.

“Có khi cả tháng nữa ông ấy chưa về,” mẹ nói. Nghe mẹ thở dài nhói cả tim. Hickey lấy mũ vứt ở bậu cửa rồi ra ngoài cho bò ra khỏi chuồng.

“Mẹ cho gà ăn,” mẹ nói, rồi bỏ nồi cám gà đã đun cả đêm khỏi lò dưới.

Mẹ đang giã đồ ăn cho gà ngoài nhà để sữa, còn tôi soạn bữa trưa mang đi học. Tôi lắc lọ dầu gan cá và lọ bổ sung sắt để mẹ nghĩ tôi uống rồi. Rồi tôi cất lại lên tủ kéo, cạnh mấy cái đĩa Doulton đang bày. Đấy là quà cưới cho bố mẹ, nhưng nhà tôi chẳng bao giờ ăn vì sợ vỡ. Đằng sau đĩa nhét cả đống hóa đơn. Hàng trăm cái. Hóa đơn chẳng bao giờ khiến bố lo nghĩ, ông cứ nhét vào sau đĩa rồi quên đi.

Tôi ra ngoài hái tử đinh hương. Đứng trên bậc thềm đá nhìn bao quát cánh đồng, tôi cảm thấy như luôn cảm thấy, cảm giác khoan khoái và tự do xộc lên khi nhìn bao nhiêu là loại cây cùng những nhà phụ xây bằng đá thật xa nhà chính, cùng cánh đồng xanh mướt, yên bình. Bên ngoài cọc rào thép gai có cây phỉ, dưới bóng phỉ mọc những bụi chuông xanh, cao và xanh ngăn ngắt, một động hoa màu xanh thiên đường giữa những tảng đá phấn lớn. Và cái đu của tôi đung đưa trong gió, và trên mỗi ngọn cây mọi chiếc lá khẽ xao.

“Con lấy miếng bánh ngọt với ít bánh quy đi mà ăn,” mẹ nói. Mẹ lúc nào cũng chiều tôi, cho tôi đủ thứ đồ ngọt. Mẹ đang nghiền cám với khoai tây trong xô, đầu mẹ cúi xuống, mẹ đang khóc vào xô cám gà.

“Đời thế đấy, người thì làm, kẻ thì phá,” mẹ nói trong lúc mang xô ra sân. Vài con gà mái đã đậu trên miệng xô mổ mổ. Vai phải mẹ xệ hơn vai trái vì xách xô nhiều. Mẹ như sụm xuống vì việc nặng, mẹ làm luôn tay để trại chạy, đến đêm thì lại làm chụp đèn và bình phong chắn lò sưởi cho nhà xinh xẻo.

Một đoàn ngỗng trời kêu quang quác trên cao, bay qua nhà rồi bay tiếp qua rừng du. Rừng du là nơi đàn bò vào hóng mát mùa hè và từng đoàn ruồi bay theo chúng. Tôi hay chơi đồ hàng ở đấy, dùng những mảnh chén đĩa vỡ và hộp bìa các tông. Baba và tôi ngồi đấy tâm sự những bí mật của mình, có lần chúng tôi còn vào trong đó cởi bỏ quần lót và cù nhau. Đấy là bí mật lớn nhất. Baba thường bảo nó sẽ kể ra, mỗi lần nó bảo thế tôi lại cho nó cái khăn tay lụa hay nơ ca rô mới gì đó.

“Nào đừng nhăn nhó nữa, gái cưng bé bỏng ơi,” Hickey nói trong lúc đổ bốn xô sữa chuẩn bị mang ra cho lũ bê.

“Hickey, khi nào anh nghĩ thì anh nghĩ cái gì thế?”

“Búp bê. Bà vợ bé bỏng xinh xẻo. Nghĩ ngợi làm quái gì,” anh nói. Lũ bê đã kêu ò ò bên cổng, khi anh đi ra con nào con nấy vục đầu vào xô nuốt tòm tọp. Con đầu trắng mắt tím to đùng uống nhanh nhất, để còn kịp chúi vào xô bên cạnh.

“Nó sẽ bị đầy bụng cho xem,” tôi nhận xét.

“Tội nghiệp con nhỏ, đáng ra nó phải được xơi thịt.”

“Lớn lên em sẽ làm nữ tu; em đang nghĩ thế đây.”

“Anh thấy em cũng không khác gì nữ tu. Dòng Kerry – hai cái đầu trên một cái gối.” Anh nói thấy gớm, tôi bèn đi hái tử đinh hương. Phiến đá lát bằng xi măng cạnh nhà màu xanh và trơn trượt. Đấy là chỗ vại nước mưa thỉnh thoảng trào ra, đấy cũng là ngay dưới cửa sổ mà tối nào Hickey cũng đổ bô ra đó.

Dép tôi dính nước khi dẫm lên mặt cỏ.

“Khéo kẻo ngã,” mẹ gọi lớn, từ sân quay về tay cầm xô không, tay cầm mấy quả trứng. Mẹ chẳng cần nói cũng biết đang có chuyện gì.

Hoa ướt cả. Nước như những quả lý chua chín nẫu lăn xuống cỏ mỗi lần tôi bẻ một cành. Tôi quay về, ôm theo một ôm bồng bềnh như ôm củi.

“Đừng vào, xúi quẩy đấy,” mẹ nói lớn, nên tôi không vào nhà.

Mẹ cầm một tờ báo ra quấn quanh cành hoa để tôi khỏi ướt áo. Mẹ cũng cầm áo khoác và găng mũ ra cho tôi.

“Ấm mà, con không cần đâu,” tôi nói. Nhưng mẹ vẫn dịu dàng ép tôi, nhắc tôi nhớ rằng phổi tôi không khỏe. Thế nên tôi đội mũ, mặc áo vào, lấy cặp, miếng bánh và sữa đựng trong chai nước chanh cho bữa trưa.

Sợ hãi và run rẩy tôi đi học. Có thể tôi sẽ gặp ông ấy trên đường, hoặc ông ấy sẽ về nhà giết mẹ.

“Mẹ ra đón con nhé?” tôi hỏi.

“Ừ con, Hickey ăn tối xong mẹ dọn là ra đường đón con ngay.”

“Mẹ hứa nhé?” tôi hỏi. Mắt tôi ứa nước. Tôi luôn sợ rằng mẹ sẽ chết trong lúc tôi ở trường.

“Con yêu, đừng khóc. Nào, con phải đi rồi. Con có miếng bánh ngon lành để ăn trưa đây, còn mẹ sẽ ra đón con mà.” Mẹ sửa lại mũ trên đầu tôi rồi thơm tôi ba bốn cái. Mẹ đứng trên phiến xi măng nhìn theo tôi. Mẹ vẫy tay. Mặc cái áo nâu, trông mẹ thật buồn; tôi càng đi xa trông mẹ lại càng buồn. Như một con sẻ trong tuyết, màu nâu, lo lắng và đơn độc. Thật khó mà tưởng tượng rằng mẹ từng làm đám cưới một buổi sáng đầy nắng mặc váy ren và mũ vải mềm, mắt mẹ đã rơm rớm vì vui mừng còn giờ đây chỉ đong đầy nước mắt.

Hickey đang lùa bò ra đồng xa, tôi gọi với theo anh. Anh đi trước mặt tôi, ống quần nhét vào tất len dày xụ, lưỡi trai mũ quay ngược ra sau gáy. Anh bước như thằng hề. Đi đâu tôi cũng nhận ra dáng bước của anh.

“Chim gì đấy?” tôi hỏi. Có con chim trên cành dẻ ngựa trổ hoa dường như đang nói: “Nghe tôi này. Nghe tôi này.”

“Con sáo đen,” anh đáp.

“Có đen đâu. Em thấy rõ là màu nâu mà.”

“Được rồi, cô nàng tài lanh. Con sáo nâu vậy. Anh bận lắm, anh không có thời gian đi hỏi thăm tên tuổi sở thích và món sên yêu thích của lũ chim đâu. Như cái đám thần độn đi Burren mà ngắm hoa vậy. Hoa với chả hoét. Anh là dân lao động. Một mình anh gánh chỗ này đấy.” Quả đúng là Hickey làm hầu hết mọi việc ở đây, nhưng dù thế thì chỗ này cũng sẽ tan nát ra thôi, toàn bộ bốn trăm mẫu sẽ tan nát hết.

“Lượn đi, nhóc con, không thì anh đét đít cho bây giờ.”

“Anh dám nói thế à.” Tôi đã mười bốn và tôi không cho là anh có quyền nói năng với tôi như vậy.

“Qua mi một cái nào,” anh nói và tươi tắn nhìn tôi bằng cặp mắt hiền màu xám rất lớn ấy. Tôi nhún vai, chạy vù đi. Mi là chữ anh dùng để chỉ cái thơm và tôi không thơm anh đã hai năm nay rồi, kể từ hôm mẹ cho tôi miếng kẹo đường và thách tôi thơm anh mười cái. Hôm ấy bố nằm viện để phục hồi sau một đợt rượu chè mới và đấy là một trong số ít lần tôi thấy mẹ thực sự vui. Mẹ chỉ thanh thản được trong vài tuần liền sau mỗi trận say sưa của bố trước khi phải lo tới đợt kế tiếp. Mẹ đang ngồi trên thềm sau nhà, còn tôi giăng búp len để mẹ cuộn lại thành cuộn. Hickey đi hội chợ về kể cho mẹ bán con bò cái được bao tiền, rồi mẹ thách tôi thơm anh mười cái đổi lấy miếng kẹo đường.

Tôi hối hả chạy qua thảm cỏ, kinh sợ rằng bố có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.

Mọi người gọi nó là thảm cỏ vì nó đã từng là thảm cỏ, hồi xưa, khi còn tòa nhà lớn, nhưng bọn cảnh sát Anh đã đốt trụi tòa nhà và bố tôi, khác với tổ tiên ông, không hãnh diện gì về đất đai và để chốn này dần dà hóa hoang tàn.

Tôi đi qua mảng bụi gai ở cuối đồng. Cánh cổng rào ở phía đó.

Mảng đồng đầy những cây bụi gai, dương xỉ non và cúc vàng, cùng cây kế nhọn hoắt. Dưới tầng bụi, mặt đất điểm vô vàn những hoa dại li ti. Những đợt mưa phùn xanh, trắng, tím – những bài ca trắng tí con tràn ra từ đất. Bí mật, đẹp xinh, quý giá làm sao, chúng giấu mình dưới những gai góc và dương xỉ này.

Tôi chuyển ôm hoa sang tay kia rồi bước ra đường. Jack Holland đang đứng đợi tôi. Tôi giật mình khi thấy ông ta tựa vào tường. Ban đầu tôi nghĩ là bố. Hai người cao xấp xỉ nhau, cả hai đều đội mũ vành chứ không mũ lưỡi trai.

“A, Caithleen, con ngoan,” ông ta chào tôi, giữ cổng để tôi nhích ngang lách qua. Cổng này chỉ hé được một chút, phải uốn éo mới qua được. Ông cài lại then dây thép rồi đi qua đường xe bò kéo với tôi.

“Tình hình thế nào, Caithleen? Mẹ con khỏe chứ? Bố con vắng mặt thấy rõ rồi. Ta thấy Hickey ở nhà làm bơ mấy sáng nay.” Tôi trả lời ông rằng tình hình ổn, nhớ lại mẹ vẫn dạy rằng “ai khóc thì chỉ khóc một mình”.

Nguyễn An Lý dịch

 

 

 

 

Chấm sao chút:

Đã có 2 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Website | Các bài viết khác

không biết viết ngắn