Thời gian đọc: 14 phút

Mùa xuân năm 18 tuổi, trong lớp Nhập môn Văn học So sánh năm nhất Đại học Hồng Kông, tôi đọc Xi Xi lần đầu tiên với truyện ngắn “像我一樣的一個女子” (Tạm dịch: Một cô gái như tôi), đánh dấu khởi đầu chặng đường đại học 5 năm mà mỗi năm chúng tôi đều được đọc và học văn Xi Xi, trong cả hai chuyên ngành Nghiên cứu Hồng Kông và Văn học So sánh, từ những tác phẩm kinh điển như 我城 (Thành phố của tôi) mà bạn sẽ đọc sau đây, đến những truyện ngắn về thân phận phụ nữ trong xã hội Hồng Kông xưa nay, về một thành phố từ trên trời rơi xuống trôi nổi giữa biển sương mù, những vần thơ với lượng từ đảo lộn, và câu chuyện về những chú gấu bông mà tác giả làm sau khi phẫu thuật ung thư vú.

Năm 2020, khi được mời viết một số bình luận về văn hóa Hồng Kông sau những sự kiện của năm 2019, tôi không biết phải nói gì dù là người nghiên cứu Hồng Kông; hay đúng hơn, bởi tôi là người nghiên cứu Hồng Kông nên càng trăn trở suy nghĩ làm sao để nói cho độc giả Việt Nam biết Hồng Kông có nhiều hơn là một số những hình ảnh rập khuôn đã cũ. Tôi chọn dịch một bài phỏng vấn với Xi Xi, bởi tôi tin rằng Xi Xi giúp tôi truyền tải tất cả tình yêu mình dành cho thành phố này. Đọc văn Xi Xi là một cuộc hành trình tiến vào, hay trở về với tuổi thơ, trong những nơi chốn và thời khắc thuần khiết nhất của một đời người, của một thành phố, của Hồng Kông. Là nơi và lúc mà ta đắm mình trong những dòng thời gian và ý thức để rồi bước ra và phát hiện mình đã luôn ở Hồng Kông, mình lớn lên và già đi cùng tác giả, cùng những người đọc như tôi và như bạn.

Nhân chúng ta đang bàn về các nhà văn nghe-đồn-sắp-được Nobel, tôi muốn kể với người đọc rằng trong phim tài liệu 我城 My City (2015) do đạo diễn Fruit Chan (Trần Quả) thực hiện về Xi Xi, nhà văn người Trung Quốc đạt giải Nobel Mạc Ngôn nhớ lại khi xưa mỗi lần gặp Xi Xi đều được mời ăn cơm nên tưởng nhà văn Hồng Kông nào cũng giàu lắm, về sau mới ngỡ hóa ra Xi Xi ở nhà rất bé, toàn là đem bàn học đem ghế đẩu ra giữa bếp ngồi viết văn. Ấy là tinh thần Hồng Kông vậy.

Xi Xi (sinh ngày 7 tháng Mười, 1938), tên thật là Trương Ngạn, là một cây bút thuộc thế hệ “nhà văn Nam Lai” cuối cùng của Hong Kong, sau Trương Ái Linh, Kim Dung, Lưu Dĩ Sưởng, v.v. Bà sinh tại Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông và theo gia đình đến sống tại Hong Kong từ năm 12 tuổi. Tuy kín tiếng và chủ yếu làm nghề dạy học tại trường Trung học Heep Yunn ở To Kwa Wan, Xi Xi nổi danh là một trong những cây bút góp phần quan trọng trong việc định hình danh tính bản địa Hong Kong thông qua văn học, với những tác phẩm kinh điển như My City (Thành phố của Tôi), tập truyện ngắn “A Girl Like Me (Một cô gái như tôi)” hay tiểu luận “Shops (Những Cửa Hiệu)” từng được đưa vào đề thi đại học môn ngữ văn Trung của Hong Kong (trước đổi mới năm 2011). Năm 2019, Xi Xi được trao Giải thưởng Newman về Văn học Hoa ngữ của (Hoa Kỳ) và Giải thưởng Cikada (Thụy Điển).”

Lý Ái Mỹ
Hồng Kông, 30/09/2022

 

Tôi gật đầu với họ. Đúng vậy, ngoài gật đầu ra, tôi chẳng còn gì để nói. Căn nhà rộng thênh thang, cổ kính mà thú vị này có mười bảy cánh cửa, họ nói rằng: để cho mọi người ở đấy.

Mọi người mà họ nói là chỉ: Tú Tú mẹ tôi, Phát, em gái tôi, và tôi, Quả. Còn họ là hai cô em và một bà chị gái cha tôi. Hôm qua, tôi cố nhớ một canh giờ sớm, mới nhớ ra rằng, tôi tổng cộng mới gặp họ hai lần. Có một lần, tôi nhớ họ giống như hoa sen, tức ý là rực rỡ; lần còn lại, tôi nhớ họ như củ sen, mặt xám ngoét bùn lầy.  Hôm ấy, họ tìm tôi.

– Không được đi bơi.

Họ nói. Họ cho rằng mình là vua. Họ dặn tôi theo họ đi xem nhà, tôi bèn đi theo. Tôi trông thấy căn nhà, nó và những căn nhà bè bạn xếp thành hai hàng dọc theo con phố, đúng theo kiểu chúng thích, san sát như rừng. Căn nhà bề thế một mình thụt vào một góc, những nhà khác cao thì nó thấp, những nhà khác hẹp thì nó to, những nhà khác sáng sủa hoạt bát, còn nó vừa thô kệch lại ù lì. Nghĩ ra thì nó giống hệt như tôi. Nó đang say ngủ, tôi cũng mặc nó ngủ. Trời không lạnh nhưng nó lại mặc áo trắng toát, bức tường đá xám xịt bên ngoài như khoác một tấm áo dạ dày sụ, quàng thêm khăn nhung rỗ lỗ chỗ, xỏ cả găng tay, bít tất. Tầng dưới có cổng sắt, móc hẳn năm cái khóa. Bên trong cổng sắt là cửa lớn, lắp khóa lò xo. Cầu thang nằm nép bên trong cửa, mỗi bậc đủ cho năm đứa như tôi chen chúc ngồi.

– Mọi người ở trên gác ấy.

– Còn dưới nhà để anh Bắc giữ cổng ở.

Các hoa sen nói. Các hoa sen lại nói thêm rằng, chẳng biết bao nhiêu năm nữa mới quay về, chưa chừng sẽ không về nữa. Cái ổ này họ chẳng hơi đâu, và cũng chẳng thèm luyến tiếc, vân vân.

Nói xong, họ nhướng mày, từng túm lông đà điểu phủ trên vai cũng bung xòe phất phơ, hồng nhạt. Hôm ấy, trông họ giống hệt hoa sen.

Chúng tôi cùng bước lên cầu thang. Bậc thang gỗ kêu thình thịch, tiếng nặng tiếng nhẹ nhịp nhàng, lúc khoan lúc nhặt, trong đầu tôi bỗng tràn ngập những câu chuyện. Thình thịch thình thịch. Tôi nghĩ mình thực sự đã bước vào một cánh rừng, đám thổ dân ăn thịt người đi chân đất đang đánh trống. Thình thịch thình thịch. Tôi lại nghĩ, mình đã gặp một cây đại phong cầm, cả đám người có thể chạy nhảy trên cầu thang, giậm thành một bài hát, hát rằng: Bánh mì nướng, bánh mì nướng, ăn giòn giòn, nở to tướng. Có điều chắc chắn các hoa sen không thích hát những bài như vậy. Các hoa sen cũng không thích đi lại nhiều, họ vẫy tay bảo tôi tự đi thăm thú trong nhà, làm quen với những tường vách cửa sổ, kỷ bàn ghế, bát thùng chậu, a ă â bờ cờ. Thế là tôi tự đi xem trần nhà và đầu cầu thang, cả cửa ra cửa vào, chẳng nhớ nổi là bao nhiêu lần.

Tôi gặp rất nhiều cửa. Cánh cửa lớn nhất đen như táo tàu, phải khép hai cánh vào mới đóng được. Lúc tôi trông thấy, nó đang cửa đóng then cài, sừng sững bệ vệ. Tôi đẩy mạnh nó, hé ra một khe hở đủ cho mười con mèo chen nhau chui vào.

Chu choa, nó kêu lên, tiếng kêu kéo dài, hơn nữa còn ném cho tôi cả nắm bụi bặm vừa như vụn bánh mì vừa như xà phòng bột. Tôi hắt xì liền hai cái, còn tưởng là đổ tuyết. Sau đó, tôi gặp cửa sổ. Kính cửa sổ gợn sóng lăn tăn, như một thứ giáp cốt văn. Từ bên này ô kính trông ra, không thấy được màu sắc và hình ảnh bên kia, cảnh vật bên kia cũng chẳng thể đi vào. Chỉ có ánh sáng rọi qua được, những tia sáng rọi qua ấy cũng không giữ được độ sáng như ban đầu, tôi đã quan sát kỹ, ban đầu chúng giống như cháo yến mạch.

Về sau, bắt gặp một cái chậu tắm to bự phủ đầy gỉ sắt bên khe cửa giăng đầy những cụm bụi xám, tôi lễ phép chúc nó buổi trưa tốt lành. Cứ thế đi tiếp, tôi gặp một cổng vòm (hình dạng cổng vòm là mặt cắt của loại bánh mì gối một pound). Bên ngoài cổng vòm là hành lang (nếu tường hành lang treo một tấm thảm Ba Tư thì đẹp tuyệt). Cuối hành lang là cầu nối lộ thiên (cầu nối là lối đi bắc ngang qua khoảng không). Bên dưới cầu nối là giếng trời (giếng trời là khoảnh sân nhỏ lộ thiên). Trong giếng trời có cây (một cây là ổi, cây kia không phải ổi). Cành lá đang tỉ mẩn cắt mấy khuôn giấy do ánh nắng họa nên, định dán lên mũi ô gạch bông dưới đất (mùi hoa ổi sẽ thoang thoảng trên mũi).

Sau đó, tôi gặp lũ chim, rặt những chim sẻ, đang thi nhảy chí chách men nắp thùng nước trên sân thượng. Thỉnh thoảng chúng lại xòe cánh ra, làm vậy có thể họp bạn với cây sào phơi lốm đốm và chậu hoa miệng rộng vân xéo bằng cát thô, điều chỉnh lại trật tự màu đôi chút. Thế là tôi gật đầu với các hoa sen.

– Cháu về bảo mẹ nhé.

Các hoa sen nói.

***

Mẹ chẳng nói gì cả.

Hôm nay là chủ nhật. Chủ nhật cũng như các ngày trong tuần, theo lệ sẽ xảy ra đủ thứ chuyện, có chuyện rất mới mẻ, có chuyện lại cũ xì. Hôm nay xảy ra một chuyện cũ xì. Sáng sớm ra, mắt mẹ đã mòng mọng như cà chua, sưng húp như bí đỏ. Bên cạnh là bảy tám người đàn bà, chìa ra những bàn tay trắng trẻo, béo có gầy có, dài có ngắn có, phải có trái có, từ đủ mọi phương hướng vươn tới, dìu đỡ lấy bà. Bọn họ đều mặc áo dài đen nên tay trông càng trắng hơn. Có điều trong đó cũng có một hai bàn tay sơn móng đỏ. Đám người vận áo đen ấy, ngoài đôi tay trắng trẻo lạ thường ra, còn một điểm đặc biệt nữa là, ai nấy đều để lộ gương mặt rất dễ nhận.

Thường ngày, những gương mặt này thích nấp trong cuốn album ảnh trong nhà. Cuốn album ấy lúc mới thì phẳng phiu, giờ đã phồng lên thành quả bóng bầu dục, nếu lôi ra xem không cẩn thận, bên trong sẽ rơi ra cả đống gương mặt: có gương mặt sẽ xuất hiện vào một buổi chạng vạng, cùng với mảnh trăng tròn, vào tết Trung thu, hoặc đằng sau bao lì xì đỏ vào đầu năm mới khi người ta truyền tay nhau nước cam và rượu, lọ đường và đồ ngọt. Hôm nay là ngoại lệ, họ cùng xuất hiện ở một nơi, lại cùng mặc những chiếc áo đen nhìn thì cũng được nhưng thực ra chẳng hề vừa người, giơ hai bàn tay trắng bệch ra, quơ quơ đằng trước đằng sau mẹ tôi, còn thận trọng dìu đỡ.

Trước mặt tôi là một hàng áo đen nữa đang đứng, trên đỉnh những lá buồm bằng vải đen ấy, có ba gương mặt lạ lùng, hệt như như củ sen. Có một gương mặt (điệu bộ buồn thảm) đang cố giãi bày cảm xúc đằng sau gương mặt nên mắt nhắm nghiền, lông mày hai bên chau lại. Một gương mặt khác (điệu bộ đau thương) cũng chẳng biết là hít thở bằng miệng hay mũi. Còn một gương mặt nữa (điệu bộ khổ sở) chỉ để lộ ra hai vành tai đỏ lựng, bởi các bộ phận khác trên mặt, bao gồm cả kính mắt, đều bị vuông khăn tay nền xanh in hoa trắng li ti che kín cả. Cạnh ba gương mặt ấy, xa hơn một chút là dì tôi, Du Du, đứng lẻ loi một mình. Về sau tôi nhìn kỹ mới nhận ra đứng bên cạnh dì còn có Phát, em gái tôi. Dì tôi đứng gục đầu ủ rũ như một con bù nhìn đứng trên đống đá. Bà mím miệng, mím rất chặt. Phát níu lấy một bên tà áo dài của dì, vùi đầu vào nếp áo. Thỉnh thoảng nó lại ló đầu và cổ ra, như một con sóc. Tay nó cầm khăn giấy, đã bị vò tướp ra, lúc thì chặm lên miệng, lát sau lại chặm lên mũi.

Tôi đứng cạnh mấy sợi chão. Mấy sợi chão vốn nằm im sau gót giày dưới chân tôi, chợt đằng trước có người kéo, tức thì chúng trườn đi như rắn nước. Phía trước khá đông người, có một người cao lớn, trông như sĩ quan, hoặc lúc đi lính từng làm trung đội trưởng cũng chưa biết chừng (điệu bộ hoa chân múa tay), đang ra lệnh. Tôi nghĩ mãi không ra người nọ tên gì. Đằng sau ông ta lô nhô cả đống những cái đầu, trong đầu là não, những đầu và não ấy, tôi cũng không nhận ra. Có điều mọi người đến đều rất lịch sự, ăn vận chỉnh tề, như đã hẹn cùng tới tham gia một buổi diễn tập quan trọng vậy. Đúng vậy, thời gian diễn tập hơi dài, vì vậy có một người hơi ít tóc hơn những người bên cạnh, trước là ngáp dài, sau đó cử  động tay trái, làm một loạt ba hành động theo thứ tự dưới đây:

Một, duỗi tay ra trước mặt thật nhanh

Hai, gập khuỷu tay lại vái

Ba, nhìn chằm chằm vào cổ tay

Câu chuyện cũ xì xảy ra hôm nay có liên quan tới quan tài. Khi có người nhìn đồng hồ tay, một cỗ áo quan đang được người ta khiêng lên thềm. Dây chão và quan tài tạo thành một cơ cấu như thang máy, muốn trơn tru bao nhiêu có bấy nhiêu. Vân gỗ và thớ thừng khớp nhau lạ thường, màu sắc cũng hài hòa. Lúc này có rất rất nhiều người cảm mạo.

– Hẹn gặp lại.

Tôi nói.

– Thôi chào nhé.

Tôi nói.

Nói xong, tôi mới biết sau khi về nhà mình nhất định phải tìm một viên “Kẹo xinh” mà uống. “Kẹo xinh” là tên loại thuốc cảm nhà tôi vẫn chuẩn bị sẵn. Lúc này mẹ tôi nhận lấy một bó hoa gói bằng giấy bóng kính, đặt nó lên nóc thang máy. Những bông hoa ấy sau khi đáp chiếc thang máy đặc biệt nọ, lập tức ấn chữ B.

Hôm nay trời nắng đẹp, từ sáng sớm mặt trời đã chiếu sáng rực. Vầng dương rọi lên những vằn trắng vàng trên mình con ngựa bơm hơi trên hồ bơi trong bức tường bao. Vầng dương chiếu lên chai nước ngọt trên đống rác đối diện ngôi đình tròn trên đỉnh núi. Vầng dương chiếu xuống cả đuôi một chiếc máy bay cạnh đám mây hình con cừu. Vào buổi ban mai nắng ngời, vầng dương thích làm những việc như thế đấy. Khi những đóa hoa đáp thang máy, vầng dương cũng chiếu lên giấy bóng kính bọc ngoài, thành một dải sáng trắng bạc hình bươm bướm, từ đó bắn ra vô vàn mũi tên như mưa rào, găm vào mắt mọi người. Về sau tên bắn hết, cánh hoa rơi vào bóng râm, nụ cười trên hoa dĩ nhiên cũng không thực.

Mẹ ngồi xuống, chầm chậm chầm chậm chậm chậm, nhặt một nắm đất dưới chân lên. Động tác của bà rất chậm, chậm thành nếp, một cơn gió thổi qua, rắc tung nó thành một chứng bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng tới cả trọng tài chính, trọng tài biên và cầu thủ hai bên đang chạy trên sân bóng cách đó không xa, ngay trái bóng đá cũng trở thành khuôn mẫu cho chuyển động chậm. Về sau có một dòng sông, không chảy nữa. Có một con quạ cứng lại thành một khối hình kỳ quái, xạch một tiếng, rơi xuống đầu mẹ.

Mẹ xòe tay ra, đất cát lả tả rơi xuống.

– Đổ mưa rồi.

– Đổ tuyết rồi.

Có lẽ là kiến hoặc sâu róm đang kêu. Có điều mẹ không nghe được. Bà bỗng sa đà vào làm một thợ làm vườn hạng nhất, cố trồng ra một đóa hoa quỷ dị. Mọi người đều xúm lại giúp bà một tay, bốc hết nắm đất này đến nắm đất khác, vùi hạt giống xuống.

Những người mặc đồ bảo hộ giũ mấy cái túi to, dốc ngược xuống, cũng giúp một tay trồng hoa. Họ rắc vôi bột như như bón phân, không lâu thì dệt thành một bức màn bột trắng xóa, rất nhiều bàn chân cùng băng qua bức màn ấy, bước liền mấy bậc xuống thềm.

– Chào nhé.

Tôi nói. Nói xong, tôi quyết định về nhà không uống “Kẹo xinh” nữa mà uống một viên “Ngon tuyệt”. “Ngon tuyệt” cũng là tên một loại thuốc cảm nhà tôi hay chuẩn bị sẵn, hiệu quả còn hơn cả “Kẹo xinh”.

Bím tóc Phát bện một bông liễu trắng muốt, nhiều cánh, mịn như nhung. Đúng thế, vì bông hoa này nên các củ sen mới nói:

– Để cho mấy người ở đấy.

Mẹ chẳng nói chẳng rằng, gió dừng trên cánh thiên sứ vô danh, trước cảnh vôi bột bay lả tả, bậc đá dài mà lạnh giá chằm chằm nhìn bà, chỉ thấy bà đi một bước lại ngoái đầu một lần.

[…]

Cao ốc Hải Cảng mà Du Du tới tản bộ là một tòa nhà đông ấm hè mát, hình dạng như một đường băng trên biển ở sân bay. Ba mặt nó hướng ra biển, chỉ có một mặt gắn với đất liền, chỗ gần mép nước có thể đậu thuyền, phần nối với đất liền thì nối dài ra thành hành lang, đặt nhiều cửa hàng san sát. Sảnh lớn dưới nhà lại ưa triển lãm ikebana, bày mấy chiếc bàn ghế và ô tô. Thỉnh thoảng còn tổ chức ca nhạc cho mọi người nghe. Thế nên hễ đến chủ nhật, mọi người lại kéo tới đây đông nghịt.

Hôm nay, trong sảnh lớn cao ốc Hải Cảng đang có triển lãm mỹ thuật. Du Du vừa bước vào đã chạm trán một cái thùng dầu rỗng sơn trắng toát, đứng lù lù trên sàn gỗ tếch giữa sảnh lớn, bên hông viết mấy chữ bằng sơn, mỗi chữ một màu: Tôi đói bụng (thùng dầu đói bụng không phải lỗi của thùng dầu).

Cạnh nó là một vòi nước đã vặn mở, van cũng đã mở ra, có thể thấy từng vòng rãnh xoắn lồi lõm ở mối nối. Vòi nước được gắn vào một bức tranh, trong tranh nổi lên một bong bóng trắng xóa. Bong bóng trong tranh nổi lên ở miệng vòi nước, bên trong viết: Tôi khát nước (vòi nước khát nước, không phải lỗi của vòi nước).

Phía trước thùng dầu là một thảm cỏ, nhưng những lá cỏ đều đen kịt (cỏ đen kịt, không phải lỗi của cỏ), đen như bánh mì nướng cháy vậy. Một góc vạt cỏ dựng một tấm biển ngang chạy dài, vốn viết là: Xin đừng giẫm lên chúng tôi. Giờ lại đổi thành: trả lại màu xanh lá cho tôi.

Cuối vạt cỏ là một dãy cầu thang dẫn lên tầng hai. Một đứa bé ngồi dưới chân cầu thang, tay cầm xấp giấy đang mở trang đầu tiên, lộ ra nội dung in bên trong.

Thằng bé không phải một phần của triển lãm, mà tới bán vé số cho hội Bảo trợ nhi đồng, khi Du Du đi ngang qua, nó liền chào mời:

– Mua cho cháu một tờ đi.

Nó trông có vẻ thấm mệt, nên mới ngồi bệt dưới chân cầu thang sảnh lớn.

Hôm nay ở cổng cao ốc Hải Cảng có mấy thanh niên tóc tai bù xù đang cười đến không ngậm được miệng lại, tay cầm giấy đưa cho mọi người xem. Có người vì không thích đánh bạn với tờ giấy in thiên thần đang thổi kèn, đã đi vòng để tránh từ xa. Song có người lại giành lấy giấy nói mình biết rồi: bởi hôm nay trong thành phố, có một vị chúa cứu thế được sinh ra vì mọi người, các người sẽ thấy một đứa bé quấn tã, nằm giữa máng lừa, ấy là dấu hiệu.

Có người chẳng có thời gian xem, bèn nhét giấy vào túi áo. Về sau lại đem bỏ thùng rác. Du Du không bỏ giấy vào thùng rác, dì đọc. Dì trông thấy một loạt những câu thế này:

Mặt trời trắng toát mặt trời
trắng toát mặt trời trắng toát
Nếu sáng sớm dậy thấy trời nắng đẹp, tôi rất vui
Nếu sáng sớm dậy thấy trời nắng đẹp, bò đang ăn cỏ bạn đang uống sữa bò, tôi rất vui
Nếu sáng sớm dậy thấy trời nắng đẹp, bò đang ăn cỏ bạn đang uống sữa bò, mọi người cùng ngồi đọc một bài thơ, tôi rất vui
Nếu sáng sớm dậy thấy trời nắng đẹp, bò đang ăn cỏ bạn đang uống sữa bò, mọi người cùng ngồi đọc một bài thơ, nói rằng trông thấy một đôi vợ chồng và mười chín đứa bé cưỡi một con hà mã to tướng cười khì khì, tôi rất vui
rất vui tôi rất vui
tôi rất vui tôi

Khi về đến nhà, Du Du còn mang theo hộp màu bột, và hai cuốn sổ vẽ giấy dày.

– Chào cả nhà.

Du Du nói. Mọi người cũng chào lại mấy câu rồi ai làm việc người nấy thích. Du Du thích vẽ, dì ngồi ngay xuống trước bàn ăn, giở sổ vẽ, lấy bút màu ra. Dì vẽ một người cao tóc xoăn, một người thấp má hồng, rồi lại vẽ mười chín đứa bé tóc đuôi ngựa tóc thắt bím tóc thẳng tóc xoăn, cùng cưỡi một con hà mã to tướng cười khì khì. Du Du không nhớ được chân hà mã có bốn hay năm ngón nên chạy tới lục trong thùng đồ cạnh giường, tìm cuốn sách tranh động vật. Du Du có một thùng để đồ.

Thùng để đồ của Du Du vốn là thùng táo, bên trong nhét đầy đồ. Cuốn sách tranh động vật Du Du muốn tìm ở tít dưới đáy thùng. Mỗi lần lấy ra, Du Du phải bê tất cả những thứ bên trên ra rồi lại phải xếp vào.

Những thứ Du Du bê ra gồm: Một mảnh giấy nhăn trong lọ đường, là loại vừa mở lọ đường ra đã thấy ngay. Một cái mõ, thực ra là miếng gỗ được đẽo thành hình cái mõ. Một chiếc ly chân cao, sứt miệng. Một bình rượu nhặt ngoài đường, quấn lá xung quanh.

Có người nhìn nhận các sự vật sự việc trên đời theo cách:

Có thể dùng để bày biện ngắm nghía, như hoa lan, tác phẩm điêu khắc năm xu

Có thể lấp đầy cái bụng, như bít tết, ốc sến ba mươi xu

Có thể mang ra phố cho người ta trầm trồ, như áo lông, kim cương ba mươi xu

Đeo lên một bảng hiệu choang choang như danh tác, danh họa một trăm xu

Đổi được huân chương như từ thiện, làm quan lớn một nghìn xu

Sau này bán được giá cao như nhà cửa, cổ phiếu ba nghìn xu

Những thứ trong thùng táo của Du Du, toàn bộ không xu.

Thế nên thùng táo của Du Du chẳng khác nào một cái thùng toàn đồ bỏ. Du Du tìm thấy cuốn sách tranh động vật rồi, chỉ tiếc rằng con hà mã trong đó đang đứng giữa sông nên không thấy được ngón chân. Du Du quyết định thích vẽ thế nào thì vẽ, dì vẽ một con hà mã mỗi chân có bốn ngón.

Tố Hinh dịch

Chấm sao chút:

Đã có 4 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3