Frank McCourt, Tro tàn của Angela (trích)
có lẽ không nỗi bất hạnh nào có thể sánh nổi với nỗi bất hạnh của người Ireland: nghèo đói

có lẽ không nỗi bất hạnh nào có thể sánh nổi với nỗi bất hạnh của người Ireland: nghèo đói
I.
Lẽ ra bố mẹ tôi phải sinh sống ở New York, nơi hai người gặp gỡ, xây dựng gia đình và là nơi họ sinh ra tôi. Thay vào đó, họ quay trở về Ireland khi tôi lên bốn, em trai Malachy của tôi lên ba cùng cặp song sinh Oliver và Eugene, và suýt nữa là cả Margaret, nếu cô em út tội nghiệp của tôi không bị bệnh, mất sớm.
Mỗi khi nhìn lại tuổi thơ của mình, tôi tự hỏi tại sao tôi lại có thể sống được tới ngày nay. Có lẽ là do thời thơ ấu khốn cùng của chúng tôi: hiếm khi tôi có được cảm giác hạnh phúc trong suốt tuổi thơ đằng đẵng. Nhưng tệ hơn cả một tuổi thơ khốn cùng thông thường, ấy là tuổi thơ của một đứa trẻ Ireland, và điều tệ hại ở đây chính là tuổi thơ cùng quẫn của đứa trẻ theo Công giáo ở Ireland.
Ở đâu cũng có những người luôn khoác lác và ca cẩm về những nỗi bất hạnh của mình trong những năm tuổi trẻ, nhưng có lẽ không nỗi bất hạnh nào có thể sánh nổi với nỗi bất hạnh của người Ireland: nghèo đói; một ông bố nát rượu ươn hèn và lắm điều; một bà mẹ sùng đạo nhưng luôn miệng than vãn; những thầy tu khoác cái vẻ ngoài đạo đức; những giáo viên hách dịch hay ức hiếp; ngôn ngữ tiếng Anh và những thứ kinh khủng mà người ta nhồi nhét cho chúng tôi với cái gọi là truyền thống tám trăm năm lịch sử.
Nhưng hơn cả những cái đó, chúng tôi luôn sống trong tình trạng ẩm ướt.
Ở ngoài khơi kia. Đại Tây Dương không ngừng tung vào bờ những cơn mưa lớn, chậm rãi kéo lên sông Shannon và dường như định cư vĩnh viễn ở Limerick. Những cơn mưa khiến thành phố ướt dầm dề từ ngày lễ Thánh đầu năm cho tới tận đêm Giao thừa. Nó gây ra những chứng bệnh kinh niên cho người dân vùng này như ho khan, viêm phổi, hen suyễn hay tệ hơn nữa là bệnh lao. Nó biến những cái mũi thành đài phun nước, phổi thành những cái túi xốp chứa vi khuẩn. Nó như trêu ngươi tất cả các phương pháp điều trị bệnh thông thường, và để chặn những cơn chảy nước mũi, bạn phải luộc hành với sữa và đánh cùng hạt tiêu; còn nếu muốn chữa khỏi chứng sung huyết, bạn phải nhào bột mỳ luộc với cây tầm ma, bọc nó vào trong miếng giẻ rồi lăn qua lăn lại trên ngực.
Từ tháng Mười cho tới tháng Tư, những bức tường của Limerick luôn sũng nước. Áo quần chẳng có cơ hội để khô: áo khoác bằng vải tuýt hay sợi len luôn là nơi cất giữ những vật ngoài ý muốn, đôi lúc có thể là chỗ nảy mầm của một loài thực vật bí ẩn nào đó. Trong các tiệm rượu, người ta hít đẫy hơi nước bốc lên ngùn ngụt từ những bộ quần áo ẩm ướt khoác trên những cơ thể cũng không kém phần ướt át, hòa với khói thuốc lá và xì gà, tất cả được trộn cùng mùi vị của những cốc bia đen hoặc whisky để rồi quyện thêm hương thơm phảng phất của nước tiểu ngoài cửa, nơi không ít kẻ đã mửa ra hầu hết số tiền công kiếm được trong tuần.
Những cơn mưa khiến chúng tôi hướng cả nhà tới nhà thờ – nơi trú ẩn của mọi người bởi nó là chỗ duy nhất trong thành phố còn khô ráo. Trong những buổi lễ Misa, lễ Giáng phúc hay những buổi cầu nguyện đặc biệt, chúng tôi thường túm tụm thành một đống lộn xộn và ẩm ướt, gà gật trong tiếng giảng kinh đều đều của linh mục. Trong khi đó, hơi nước cứ mặc nhiên bốc lên từ cơ thể mọi người, trộn lẫn với hương thơm của hương hoa và nến.
Limerick đã nổi lên như một thành phố có những công dân mộ đạo nhất Ireland, nhưng chỉ có chúng tôi mới biết rõ nguyên nhân sâu xa khởi nguồn từ những cơn mưa.
Malachy McCourt, cha tôi sinh ra trong một trang trại ở Toome, tỉnh Antrim. Cũng giống ông nội, cha tôi lớn lên một cách hoang dã, với cái thứ tiếng Anh chẳng giống ai, và rất có thể ông cũng gặp vấn đề tương tự với tiếng Ireland của mình. Ông từng tham gia quân đội Cộng hòa Ireland cũ (IRA), trải qua một số trận chiến sống còn, nhận mấy vết thương và cuối cùng là đào ngũ để rồi bị quân đội treo giải thưởng bằng chính cái đầu của mình.
Khi còn là một đứa trẻ, tôi thường hay ngắm ông: một người đàn ông tóc thưa, răng rụng gần hết. Tôi tự đặt cho mình một câu hỏi mà hồi đó không thể nào lý giải nổi: ai lại trả tiền cho một cái đầu như thế kia chứ? Năm tôi mười ba tuổi, bà nội cho tôi biết một bí mật: “Khi người cha đáng kính của cháu còn nhỏ, bố đã bị ngã đập đầu xuống đất. Đó là một tai nạn, sau cú ngã đó, bố cháu không bao giờ còn được nhanh nhẹn như trước nữa, cháu phải nhớ rằng những người bị ngã đập đầu thường hay bị những biến chứng ít nhiều có ảnh hưởng đến đầu óc”.
Sau khi lệnh truy sát được ban hành rộng rãi, bố tôi buộc phải bí mật trốn khỏi Ireland trên một chiếc tàu thủy chở hàng từ Galway. Ở New York, khi luật Cấm nấu và bán rượu lên đến cao trào, bố cho rằng mình đã chết và bị đày xuống địa ngục bởi những tội lỗi của mình. Nhưng không lâu sau đó, khi phát hiện ra một số nơi bán rượu lậu, ông lại lập tức cảm thấy hoan hỉ.
Sau bao nhiêu năm tháng lang thang và say sưa ở Mỹ cũng như ở Anh, ông chợt cảm thấy mong mỏi chuỗi giây phút thanh bình cho những năm ở bên kia triền dốc cuộc đời. Ông quay trở lại Belfast, nơi mà ông cho rằng sẽ được yên ổn. Ông nói, suốt ngày các thiếu phụ ở thị trấn Anderson cứ vây lấy ông, họ đã tìm cách quyến rũ ông do ông quá duyên dáng và khéo léo. Nhưng ông đã xua bọn họ đi bằng hết và chỉ ngồi nhấm nháp trà một mình. Ông không còn hút thuốc và chạm môi vào bất kỳ thứ nước có cồn nào, vậy ông sống bằng cái gì? Đó chính là thời gian ông ra đi trong bệnh viện Thắng Lợi của Hoàng gia.
Mẹ tôi, Arigela Sheehan, là một người thuộc thế hệ trước. Sinh trưởng trong khu ổ chuột cùng với bà ngoại, với hai anh trai là bác Thomas và Patrick, và chị gái, bác Agnes. Mẹ tôi chưa một lần nhìn thấy mặt cha, người đã chạy sang Úc chỉ vài tuần trước khi mẹ ra đời.
Sau một đêm nốc đẫy bia đen trong một quầy ba nhỏ ở Limerick, ông tôi bước chệnh choạng xuống con hẻm nhỏ và nghêu ngao bài hát “tủ”:
Thằng nào đã ném quần vào món xúp cá
của bà Murphy?
Không ai mở mồm và hắn nói đó là
tên khuân vác
Lại cái trò bịp bợm của bọn Ireland, rồi mình
sẽ nện cho tên Mick
Thằng nào đã ném quần vào món xúp cá
của Murphy.
Ông cho rằng mình hoàn toàn tỉnh táo và muốn chơi với cậu con cưng Patrick, lúc này được một tuổi. Ôi, cục cưng nhỏ bé của ta. Bác Patrick cũng rất quấn ông tôi. Bác cứ cười sằng sặc mỗi khi ông tung bác lên cao. Lên nào, xuống nào, Paddy cưng của bố, lên nào, xuống nào, lên nào… trò chơi diễn ra trong bóng tối, rất tối. Chúa ơi, ông đã đỡ hụt Patrick khi bác rơi xuống. Bác Patrick đáng thương lần này phải tiếp đất bằng đầu, rầm một cái, bác kêu lên được mấy tiếng rồi im bặt. Bà tôi nặng nề rời khỏi giường một cách khó nhọc, khó nhọc là bởi mẹ tôi đang trong bụng bà. Bà chỉ còn đủ sức nâng bác lên khỏi sàn nhà rồi ôm lấy bác mà rên rỉ, khóc lóc. Một hồi bà quay về phía ông: “Cút ngay khỏi đây. Cút. Nếu tôi còn thấy ông đứng đây thêm một phút nào nữa, tôi sẽ chẳng tiếc nuối gì mà không cho ông một rìu, cút ngay cái lão nghiện ngập mất trí kia. Thề có Chúa, tôi phải treo cổ ông lên. Cút ngay”.
Ông tôi vẫn đứng hiên ngang như một người đàn ông đầy quyền lực. Ông vẫn chưa chịu đi mà còn lè nhè chống chế: “Nhà tao, tao ở, tao có quyền…”
Bà nhảy xổ vào ông như một cơn lốc với đứa trẻ bị thương trên tay trong một cơn phẫn nộ khủng khiếp. Phải tới lúc đó, ông ngoại dường như mới ý thức được chuyện gì sắp xảy đến với mình, thế là ông nhảy một bước từ trong nhà xuống con hẻm nhỏ rồi cắm đầu chạy, chạy miết, ông chỉ dừng lại khi tới được Melbourne, một thành phố ở tận nước Úc.
Pat nhỏ bé, ông bác tôi từ đó không bao giờ còn được như trước nữa. Bác Pat lớn lên với dị tật ở đầu, một bên chân của bác như thể đang đi trên một lề đường, và những bộ phận còn lại trên cơ thể thì đi trên lề đường bên kia. Bác chưa từng được học đọc học viết nhưng Chúa lại có cách khác để bù đắp cho bác. Lên tám, bác tôi bắt đầu bán báo và có thể đếm tiền nhanh hơn cả Bộ trưởng Bộ Tài chính. Không ai biết từ đâu mà bác tôi lại có cái tên Ab Sheehan, Ab có nghĩa là cha tu viện trưởng. Nhưng cả Limerick đều yêu mến bác.
Mẹ tôi gặp rắc rối ngay từ cái đêm có mặt trên cõi đời này. Bà ngoại nằm trên giường hổn hển, đau đớn khi trở dạ, bà chỉ biết cầu Thánh Gerard Majella, thần hộ mệnh của những bà mẹ sắp sinh nở. Cạnh bà là y tá O’ Halloran, bà đỡ của Limerick. Dường như toàn bộ váy xống diêm dúa của bà đều được vén lên hết cỡ. Sở dĩ như vậy bởi đêm đó chính là đêm Giao thừa và bà O’ Halloran lo lắng cho đứa trẻ trong bụng bà ngoại, chính vì thế mà bà bỏ dở bữa tiệc mừng năm mới đến giúp bà tôi. O’ Halloran nói với bà: “Bà có rặn được không, có rặn được không? Lạy Chúa, lạy Đức Mẹ và lạy cả Thánh Joseph linh thiêng nữa. Nếu các Người không nhanh chóng giúp đứa trẻ này ra đời trước Năm mới thì đi toi bộ váy mới của tôi mất thôi! Thôi, bỏ qua Thánh Gerard Majella. Đàn ông thì làm được gì cho một người phụ nữ vào đêm Giao thừa như thế này, nhất là khi ông ta là Thánh? Thánh Gerard Majella cái con khỉ.”
Bà tôi thôi không cầu nguyện Thánh Gerard Majella nữa mà chuyển sang Thánh Ann, vị này hộ mệnh cho những ca sinh khó. Nhưng đứa trẻ vẫn chưa chịu ra. Y tá O’ Halloran nói với bà tôi: “Bà thử cầu Thánh Jude xem, vị này chỉ dành cho những ca nan y thôi.”
Ah, Chúa chứng giám – y tá O’ Halloran thốt lên – con bé này sinh ra trong hai năm, cái đầu của nó ra trước vào năm cũ và cái mông nó phải đợi tới năm sau mới chịu ra hay đại loại như thế. Bà sẽ phải khai sinh cho nó cẩn thận đấy, mẹ nó ạ, để xem nó sinh vào năm nào còn bây giờ tôi phải để dành bộ váy này tới Tết sang năm vậy.
Và đứa trẻ được đặt tên là Angela bởi nó sinh vào đúng thời khắc Giao thừa, khi cả thành phố đang gióng lên những hồi chuông cầu Kinh Đức Bà mang tên Angelus, và còn bởi một nhẽ: dẫu sao nó cũng là một thiên thần bé bỏng đáng yêu.
Yêu mẹ từ thuở còn thơ
Dẫu tháng năm có khiến Người mệt mỏi
Bởi con sẽ sống trong tình yêu vô hạn
Cho tới một ngày mẹ dưới lớp đất kia
Cô bé Angela bắt đầu tập đọc, tập viết và làm tính ở trường Thánh Vincent de Paut, lên chín tuổi cô đã kết thúc mọi việc học hành. Cô bắt đầu phải kiếm tiền với công việc của người giúp việc, người hầu gái với nhiệm vụ đội một chiếc mũ trắng đứng đón khách từ ngoài cửa. Nhưng Angela lại không thể nhún người theo đúng kiểu mà người ta yêu cầu. Mẹ cô bực lắm, mắng mỏ: “Mày không tập được cái thói quen đấy hay sao? Đúng là đồ vô dụng. Tại sao mày không sang Mỹ cho tao nhờ, ở đấy mới có chỗ cho cái loại vô dụng như thế? Tao cho mày tiền tàu đấy.”
Angela tới New York vào đúng lễ Tạ ơn trong năm xảy ra cuộc Đại Suy thoái. Cô gặp Malachy trong bữa tiệc do hai vợ chồng Dan MacAdorey và Minnie ở đại lộ Classon thành phố Brooklyn tổ chức. Malachy thích Angela và cô cũng mến anh. Anh trông giống một kẻ vô lại, cũng bởi anh mới ra khỏi xà lim sau ba tháng bị giam vì tội cướp xe tải. Anh cùng với người bạn Jonh McErlaine đã tin vào những gì nghe được trong quán rượu lậu, rằng chiếc xe tải được lèn chặt lên tận nóc bởi những thùng thịt lợn và đậu. Cả hai chẳng ai biết lái xe, chỉ tới khi cảnh sát trông thấy chiếc xe tròng trành, lắc lư như chính những gã say đang điều khiển nó trên đại lộ Myrtle, họ mới kèm vào lề đường. Khi cảnh sát lục soát chiếc xe, họ tự hỏi không biết mấy cái gã kia có điên hay không lại đi cướp lấy một chiếc xe chở toàn cúc áo chứ không phải là thịt lợn và đậu thế này.
Thoạt tiên, khi Angela trông thấy một gã với vẻ ngoài vô lại như Malachy, hai gối cô tưởng như run lên vì sợ hãi. Ngược lại, Malachy chẳng việc gì phải sợ nhưng sau ba tháng ngồi xà lim, nay được bước ra ngoài cũng khiến anh lập cập không vững.
Cơn run gối kia vô tình lôi hai người về cùng một phía và chẳng bao lâu họ đã dựa hẳn vào tường trên hai đôi chân lập cập, căng thẳng nhưng hai con tim lại dạt dào xúc cảm.
Dẫu sao hai gối run rẩy lại khiến Angela rơi vào tình trạng hưng phấn, và dĩ nhiên, họ phải tìm cách che đậy cảm xúc của mình bằng cách nói với nhau vài ba câu bâng quơ. Angela có vài người anh em họ, mấy người chị em của MacNamara, đó là Delia và Philomena. Cả hai người đều đã lập gia đình với Jimmy Fortune ở hạt Mayo và Tommy Flynn ở ngay thành phố Brooklyn này.
Delia và Philomena là hai phụ nữ có vóc người đẫy đà, lắm lời và có phần hung tợn. Khi họ sánh bước bên nhau trên các con lộ ở Brooklyn, bất kỳ một sinh vật nào nhỏ bé hơn cũng phải nép sang một bên, sự e sợ thể hiện rõ trên từng nét mặt. Hai chị em luôn biết thế nào là đúng và thế nào là sai, hơn nữa, bất kỳ một điều gì đáng ngờ cũng sẽ nhanh chóng bị đập tan bởi Thánh thần, Giáo hội, Tín đồ tôn giáo và Tòa Thánh. Họ biết Angela là một thiếu nữ chưa chồng, một người như vậy không có quyền hưởng thụ trạng thái hưng phấn như thế kia, và họ quyết định phải can thiệp.
Hai chị em họ lừng lững bước đi, tay dắt theo hai ông chồng là Jimmy và Tommy. Mấy người tới một quán rượu lậu nằm trên đại lộ Atlantic, nơi họ có thể kiếm được Malachy vào ngày thứ Sáu, cái ngày mà anh được thanh toán tiền công tuần trong trường hợp tìm được việc. Joey Cacciamani; người gác cửa không muốn cho hai chị em vào nhưng Philomena đã nói với anh, nếu anh còn muốn mũi nằm trên mặt và cánh cửa còn treo trên bản lề thì nên biết điều mở cửa ra và đứng tránh sang một bên để họ thực hiện nhiệm vụ của Chúa. Joey thốt lên: “Được rồi, được rồi, đám Ireland đáng ghét. Chúa ơi! Phiền phức quá.”
Trong khi đó, Malachy đang gà gật cạnh ly rượu phía bên kia quầy bar, nét mặt đang chuyển sang tái xanh nhưng vẫn cố nở một nụ cười dọn đường đối với hai chị em phổi bò và không quên mời họ một ly. Hai người ghi nhận nụ cười của Malachy nhưng nhổ toẹt vào lời mời của anh. Delia bắt đầu: “Chúng tao chưa rõ mày đến từ tầng lớp nào ở miền Bắc Ireland.”
Philomena tiếp lời: “Người ta nói rằng trong gia đình mày hình như có một tín đồ của Giáo hội Trưởng lão, mày nói xem đã làm những gì với cô em họ của chúng tao.”
Jimmy không giấu nổi nỗi tò mò: “Ơ kìa, thế nhà nó có người theo đạo Scotland thì nó có lỗi à?”
Những gì mày làm với cô em đáng thương và kém phần may mắn của chúng tao là một sự sỉ nhục đối với dân tộc Ireland, mày hiểu chứ? Lẽ ra mày phải biết lấy làm xấu hổ mới phải. – Tommy quyết định tham gia vụ này.
Ờ,… ờ… Tôi, tôi… – Malachy ấp úng.
Ai cho phép mày nói – Philomena hoạnh họe – Mày đã làm quá đủ những chuyện bậy bạ rồi, câm ngay.
Và trong lúc mày câm mõm, chúng tao muốn được trông thấy mày làm điều phải với cô em họ Angela Sheehan đáng thương của chúng tao. – Delia thêm vào.
Ơ, vâng, quả thực… quả thực… thì đâu sẽ vào đó thôi ạ. Tôi rất hân hạnh nếu được mời mọi người uống một chút trong lúc chúng ta nói chuyện. – Malachy e dè đề nghị.
Gọi đồ uống – Tommy dõng dạc – và tao sẽ tưới đẫm cái con lừa này.
Mày đã dính lấy cô em tao kể từ khi nó vừa bước chân xuống tàu. Ở Limerick chúng ta là những người có đạo đức, mày biết đấy, đạo đức. Chúng tao không phải là bọn thỏ mối ở Antrim, cái nơi đầy những đứa theo Giáo hội Trưởng lão như mày. – Philomena bắt đầu triết lý.
Nhưng trông hắn không giống tụi thuộc Giáo hội Trưởng lão lắm thì phải – Jimmy thẽ thọt.
Đã bảo là câm ngay kia mà. – Delia dường như không thể kiềm chế được hơn nữa.
Còn một điều nữa mà chúng ta để ý thấy – Philomena nhận xét – đó là mày có một kiểu gì đó rất dị hợm.
Malachy mỉm cười:
Đúng thế, tao nghĩ đây chính là điều đầu tiên chúng tao phát hiện ra ở mày, cái kiểu dị hợm ấy, nó khiến tao thấy khó chịu lắm. – Delia chêm vào.
Đấy, mọi người có thấy nó cười có vẻ rất Scotland không? – Philomena quả quyết.
Ôi trời, đấy là do tôi đang bị đau răng thôi mà – Malachy thanh minh.
Không răng hay có răng, dị hợm hay bình thường, mày cũng phải lấy con bé làm vợ – Tommy đi thẳng vào vấn đề – đừng có tính đến chuyện chuồn.
Ôi Chúa ơi, các người biết đấy, tôi chưa có ý định lấy vợ. Thất nghiệp thì lấy đâu ra tiền để mà… – Malachy phân trần.
Cưới là việc không thể tránh khỏi – Delia kết luận.
Đừng có tính đến chuyện chuồn – Jimmy tỏ vẻ hăm dọa.
Có im đi không – Delia hét lên.
Malachy dõi theo mấy người khi họ kéo đi. “Sao tao lại khốn nạn thế kia chứ!”, anh nhăn nhó quay sang Joey Cacciamani.
Malachy ngẫm nghĩ về hoàn cảnh của mình. Anh còn vài đô la sót lại trong túi, thu nhập từ công việc cuối cùng, hình như anh còn một ông bác ở San Francisco hay ở một quận nào đó của California. Liệu anh có nên tránh xa cái nơi này không nhỉ, phải chăng nên tránh càng xa hai mợ phổi bò cùng với hai gã chồng hung tợn kia càng tốt? Quả thật, anh nên ra đi, phải làm gì đấy kỷ niệm sự ra đi này chứ nhỉ? Joey rót đầy một cốc rồi tu ừng ực khiến cổ họng Malachy nóng ran. Đúng là đồ Ireland! Anh nói với Joey rằng những chuyện về tín đồ Giáo hội Trưởng lão chỉ là bịa đặt. Joey nhún vai vô can: “Tôi không biết, tôi chỉ biết rót rượu thôi”. Thế cũng tốt, còn hơn là chẳng có gì đổ vào mồm. Malachy gọi thêm một cốc rồi quay sang hai gã người Ý bảnh bao ngồi kế: “Hai ông cần gì không, đang nói chuyện gì thế?”
Anh tỉnh dậy trên băng ghế của ga tàu hỏa Long Island khi một viên cảnh sát gõ nhẹ lên đôi ủng bằng chiếc gậy tuần đêm. Không một xu dính túi, mấy chị em nhà McNamara sẽ nuốt sống anh ở Brooklyn mất.
Đó là một ngày tháng Ba xầm xì, bốn tháng kể từ cái hôm “run gối” ấy, một bữa tiệc nhỏ được tổ chức tại nhà thờ Thánh Joseph để chứng kiến lễ cưới của Malachy với Angela. Họ có con đầu lòng vào tháng Tám. Vào một ngày tháng Mười Một, nhân dịp say bí tỉ, Malachy nhận ra rằng đã đến lúc phải khai sinh cho đứa trẻ. Anh cho rằng có lẽ mình sẽ gọi đứa trẻ là Malachy, giống như bố nó, nhưng do cách phát âm của người Ireland cộng với cái giọng nát rượu lè nhè mà viên thư ký khi buông bút xuống khai tên cho đứa trẻ chỉ viết đơn giản có mấy chữ Male.
Không cần phải đợi đến tận tháng Mười Hai họ mới đem Male đến Nhà thờ Thánh Paul để làm lễ rửa tội và đặt tên Thánh Francis theo họ của ông nội bé và của Thánh Assisi đáng kính. Angela muốn đặt tên lót cho con là Munchin, ngay sau tên của Thánh đỡ đầu vùng Limerick nhưng Malachy thề rằng chỉ có bước qua xác anh mới có thể đem một cái tên nào đó của Limerick ra mà đặt cho con trai mình. Nhưng đứa trẻ không thể sống cả đời với một cái họ. Việc thêm cho thằng bé tên đệm là một việc mà người Mỹ cho là điềm gở, bởi vậy không cần thiết phải có tên thứ hai làm gì, nhất là nó được làm lễ rửa tội theo phép của Thánh Assisi.
Lễ rửa tội của thằng bé đã không diễn ra theo kế hoạch do việc chậm trễ khi chỉ định ai làm cha đỡ đầu cho thằng bé, John McErlaine say bí tỉ trong một quán rượu lậu thay vì phải có mặt và làm lễ để trở thành cha đỡ đầu cho đứa trẻ. Philomena quay sang chồng: “Tommy, đến nước này thì anh phải làm cha đỡ đầu cho thằng bé thôi. Linh hồn đứa trẻ đang gặp nguy hiểm anh có thấy không?” Tommy cúi gằm mặt càu nhàu: “Thôi được rồi. Tôi sẽ làm bố đỡ đầu cho nó nhưng tôi không chịu trách nhiệm nếu như cái thằng ranh này lớn lên lại giống hệt thằng bố nó và tiếp tục gieo rắc tội lỗi và hễ sểnh ra một tí là y như rằng lại chuồn tới quán rượu lậu của lão Jonh McErlaine đâu nhé”. Vị linh mục gật đầu vẻ đồng tình: “Ta đồng ý với con, Tom à. Con quả là một người đứng đắn, một người đàng hoàng thì không bao giờ bước chân vào những quán rượu lậu cả”. Trong khi đó thì Malachy, cha của đứa trẻ vừa trở về từ một quán rượu lậu cảm thấy như mình bị lăng nhục và chỉ chực cất lời tranh cãi với vị linh mục đáng kính, nhưng quả thực đó là hành động báng bổ thánh thần ghê gớm nhất không một ai nên làm. Bỏ cái áo linh mục xuống thì chưa chắc ai đã hơn ai đâu nhé. Hai người đàn bà to lớn cùng những gã chồng dữ tợn đã kịp giữ anh chàng hăng tiết lại. Người mẹ trẻ Angela do bị kích động đột ngột nên không còn nhớ mình đang ôm đứa bé trên tay và kết quả là thằng bé rơi thẳng vào bình đựng nước thánh, thật không may, việc đắm chìm trong nước phép như vậy lại là một nghi lễ của đạo Tin Lành. Một lễ sinh giúp việc cho linh mục nhanh tay lôi thằng bé lên khỏi bình nước và trả lại nó cho Angela, người mẹ vụng về tội nghiệp ngay lập tức vồ lấy thằng bé ướt rượt rồi òa khóc. Trong khi đó vị linh mục khả kính lại cười phá lên và nói: “Ta chưa từng chứng kiến một chuyện nào thú vị như thế này, hê hê, thằng nhỏ này đã làm theo phép rửa tội của người lớn rồi còn gì, thế thì nó cần gì đến ta nữa, hê hê…” Điều này càng khiến Malachy sôi máu, anh chỉ muốn nuốt chửng vị linh mục vì cái tội dám coi thằng bé như một tín đồ của đạo Tin Lành. Vị linh mục phải trấn an: “Trật tự, nên nhớ anh đang đứng trong nhà thờ”. Ngay lập tức Malachy đốp lại: “Nhà thờ cái mông tao ấy”, và thế là anh chàng bị quẳng ra ngoài phố vì không ai được phép nhắc tới mông đít trong nhà thờ.
Sau lễ rửa tội, Philomena nói rằng cô có trà, bánh ngọt và đùi lợn muối ở nhà. Malachy hỏi lại: “Trà à?” “Ừ, trà. Nếu chú muốn thì có thể gọi nó là whisky cũng được.” Anh nói trà rất tuyệt nhưng trước hết anh có chuyện muốn giải quyết với Jonh McErlaine đã, cái gã thiếu đứng đắn ấy đã không chịu thực hiện trách nhiệm như một người được chỉ định làm cha đỡ đầu của thằng bé. Angela tỏ ra quá hiểu chồng: “Anh lại kiếm cớ thoái thác để chuồn đến quán rượu lậu chứ gì?” “Thề có Chúa chứng giám, anh coi rượu là thứ vớ vẩn nhất trên đời.” Malachy trả lời. Angela bắt đầu sụt sịt khóc: “Hôm nay là ngày gì nào? Ngày con trai anh làm lễ rửa tội thế mà cứ cắm đầu vào mấy cái quán rượu lậu ấy.” Delia lầm bầm chửi rủa: “Chú là cái giống đáng ghê tởm nhất mà tôi từng thấy, nhưng các người trông đợi gì ở cái giống đến từ Bắc Ireland kia chứ?”
Malachy nhìn hết người này đến người khác, hai chân cọ vào nhau, kéo vành mũ xuống tận mắt, thọc hai tay sâu vào túi quần rồi lè nhè: “À… ừ… ờ thì…” Vẫn cái cách mà mấy gã nát rượu thể hiện ở hạt Antrim: hối hả và vội vã chạy băng qua phố Court để lao vào mấy quán rượu lậu trên đại lộ Atlantic, nơi anh đinh ninh rằng bọn họ sẽ chúc mừng lễ rửa tội của con trai anh bằng một chầu rượu miễn phí.
Tại nhà của Philomena, trong khi các anh chị ăn uống say sưa thì Angela ngồi lủi thủi một góc, vừa cho con bú vừa thút thít khóc. Philomena đang đầy một mồm toàn bánh mỳ và thịt lợn muối vẫn không quên quay sang Angela quát tháo: “Mày ngu chưa em, vội vội vàng vàng tới Mỹ rồi dính chặt lấy cái thằng thần kinh ấy. Có lẽ mày ở vậy thì tốt hơn, đem thằng bé kia cho ai muốn nhận con nuôi, thế là mày lại trở thành một thiếu nữ tự do”. Angela càng khóc to hơn, tới lúc đó Delia thấy mình không thể ngồi yên được nữa: “Thôi nào, Angela, có thôi đi không. Còn định ăn vạ ai nữa, không phải tại mày cả hay sao. Thằng chồng của mày nom cũng chẳng ra dáng một người Công giáo cho lắm, người không ra người, ngợm chẳng ra ngợm. Tôi đã bảo là… là… Malachy có cái kiểu của bọn tín đồ Giáo hội Trưởng lão rồi mà lị. Có im ngay đi không Jimmy.”
Philomena bắt đầu giảng giải: “Nếu chị là mày, chị sẽ không có với nó thêm một đứa con nào nữa. Nó chẳng nghề ngỗng gì, lại luẩn quẩn mãi bên chai rượu như thế. Không có thêm đứa nào nữa đâu nhé, Angela. Mày có nghe chị nói không đấy hả?”
Một năm sau, họ có với nhau thêm một đứa con. Angela gọi thằng nhỏ là Malachy, theo tên cha nó và đặt cho nó cái tên đệm là Gerard, theo tên bác nó.
Mấy chị em nhà McNamara bảo nhau: Angela thật chẳng được tích sự gì, chỉ được mỗi cái đẻ khỏe và họ chẳng muốn giúp cô nữa, cho tới khi nào cô trở lại minh mẫn như xưa.
Mấy ông chồng cũng hoàn toàn đồng ý với chị em họ.
Tôi đang ở ngoài sân chơi trên đại lộ Classon ở Brooklyn với cậu em trai Malachy. Nó lên hai còn tôi lên ba. Hai đứa đang chơi bập bênh.
Lên, xuống, lên, xuống.
Malachy đứng lên khỏi bập bênh.
Tôi rơi phịch xuống đất.
Malachy leo lên bập bênh đúng lúc nó đang trên đà xuống. Thằng bé hét toáng lên. Nó cho tay vào mồm và tôi nhìn thấy máu.
Ôi, Chúa ơi. Chảy máu là tệ lắm. Mẹ sẽ giết tôi mất.
Và đây, mẹ đã xuất hiện, tìm cách chạy băng qua sân chơi đến với Malachy. Cái bụng to của mẹ không cho phép mẹ chạy nhanh.
Mẹ quát lên: “Mày làm cái gì thế? Mày làm gì thằng bé thế kia?”
Tôi không biết trả lời mẹ như thế nào. Tôi không biết mình đã làm gì.
Mẹ kéo tai tôi rồi nói: “Về nhà. Lên giường nằm ngay lập tức.”
Đi ngủ? Vào giữa ban ngày thế này sao?
Mẹ đẩy tôi về phía cổng sân chơi. “Đi.”
Mẹ quắp Malachy lên rồi khó nhọc lê bước về nhà.
Chú Macadorey, bạn của bố tôi không sống cùng khu nhà với chúng tôi. Chú đứng cạnh vợ mình, cô Minnie bên mép vỉa hè, họ chăm chú quan sát con chó đang nằm dưới lòng cống. Đầu con chó bê bết những máu là máu. Mà nó cũng giống với màu máu chảy ra từ khóe miệng của Malachy.
Malachy có máu chó và chó lại có máu của Malachy.
Tôi kéo tay chú MacAdorey và nói với chú rằng Malachy cũng có máu giống như con chó.
Minnie nói: “Thôi đi Dan. Đừng có làm cho chàng trai của chúng ta lẫn lộn thêm như thế”. Cô cho tôi hay con chó đáng thương đã bị ô tô chẹt và nó đã bò từ giữa phố về trước cửa nhà trước khi chết. “Nó cũng muốn về nhà đấy cháu, con vật mới đáng thương làm sao.”
Chú MacAdorey nói: “Cháu nên về nhà đi Francis. Chú không biết cháu vừa làm gì với em, nhưng chú thấy mẹ cháu bế nó đến bệnh viện rồi. Về nhà đi con trai.”
Minnie hốt hoảng: “Nó cắn vào lưỡi. Nhưng em cháu không chết đâu.”
Thế con chó có chết không?
Nó chết rồi đấy thôi, Francis à.
Chấm sao chút:
Đã có 1 người chấm, trung bình 5 sao.
Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3