Mishima Yukio, Kim Các Tự (trích)
Dù nhìn không biết bao nhiêu lần Kim Các rành rành trong ảnh và trong sách học, nét diễm lệ của Kim Các mà cha tôi kể vẫn cứ chiếm ngự lòng tôi.

Dù nhìn không biết bao nhiêu lần Kim Các rành rành trong ảnh và trong sách học, nét diễm lệ của Kim Các mà cha tôi kể vẫn cứ chiếm ngự lòng tôi.
Chương Một
Thuở thiếu thời, tôi thường nghe cha nói về Kim Các[1].
Tôi được sinh ra nơi một mũi đất vắng vẻ nhô ra biển Nhật Bản, phía Đông Bắc Maizuru, nhưng cố hương của cha tôi lại không phải ở đó, mà ở Shiraku, ngoại ô phía Đông Maizuru. Nghe lời nài ép, cha tôi đi tu, và cuối cùng ông làm trụ trì một ngôi chùa ở mũi đất hẻo lánh, lấy vợ và sinh ra tôi tại đó. Quanh ngôi chùa trên mũi Nariu ấy không có lấy một ngôi trường trung học nào thích hợp. Và tôi phải rời nơi nuôi nấng sớm hôm, tới trọ học tại nhà của chú tôi nơi cố hương của cha. Tôi phải đi bộ từ nhà chú đến trường trung học Đông Maizuru.
Cố hương của cha tôi có nhiều ánh sáng, nhưng vào khoảng tháng Mười Một, tháng Mười Hai, ngay cả những ngày có vẻ quang đãng, trời vẫn đổ mưa tới bốn năm lần. Tôi nghĩ tính tình của tôi khi nắng khi mưa có lẽ cũng vì thế.
Những buổi chiều tà tháng Năm, khi đi học về tôi hay trèo lên phòng học ở tầng hai nhà chú, nhìn về ngọn đồi trước mặt. Triền đồi lá non đẫm ánh hoàng hôn, và ngay giữa cánh đồng cỏ, thấy như có một bức bình phong dát vàng ai đó đã dựng lên, mà tôi cứ ngỡ đó là Kim Các.
Dù nhìn không biết bao nhiêu lần Kim Các rành rành trong ảnh và trong sách học, nét diễm lệ của Kim Các mà cha tôi kể vẫn cứ chiếm ngự lòng tôi. Tuy chúng tôi không hề nói về một Kim Các cụ thể lóng lánh hoàng kim, nhưng theo ông, không có gì trên đời đẹp hơn Kim Các. Cứ thế, Kim Các ấy với mặt chữ, với âm vận ghi khắc vào lòng tôi: tòa Kim Các là một báu vật tuyệt thế.
Khi nhìn cánh đồng xa xa lung linh dưới ánh mặt trời, tôi cứ ngỡ đó là bóng hình của Kim Các. Đèo Kichizaka làm thành biên giới giữa phủ Kyoto nơi tôi sống và tỉnh Fukui, nằm ngay chính Đông. Mặt trời mọc lên nơi đèo này. Dù Kyoto thực ra ở hướng Tây ngược lại, tôi vẫn thấy Kim Các từ giữa vùng nắng sớm nơi núi đồi ấy sừng sững hiện lên trong bầu trời ban mai phía Đông.
Kim Các cứ hiện ra khắp nơi như thế. Dù rằng trong hiện thực, tôi chưa từng nhìn tận mắt Kim Các, cũng giống như biển ở vùng này. Vì dù vịnh Maizuru nằm cách thôn Shiraku phía Tây chỉ sáu cây số, nhưng vì bị núi che khuất, nên không thể thấy biển. Tuy nhiên, nơi đây vẫn luôn luôn phảng phất hơi hướm của biển. Đôi khi nghe mùi biển trong gió và khi biển động những đàn hải âu trốn biển, bay đáp xuống cánh đồng ở đây.
Tôi, thân thể yếu ớt, dẫu là chạy đua hay thi đu xà, gì tôi cũng thua người ta. Và từ hồi sinh ra tới giờ tôi cứ bị tật nói lắp, nên càng ngày càng nghĩ tới chuyện thu mình lại. Thế rồi khi mọi người biết tôi là con nhà chùa, bọn nhãi ranh cứ giả bộ làm thầy chùa cà lăm cà lăm tụng kinh mà giễu tôi. Trong truyện kể nọ có một tuần đinh nói cà lăm, thế là chúng nó lấy truyện đó đọc cho tôi nghe.
Cái tật cà lăm ấy, không cần phải nói ra, thì ai cũng biết nó ngăn cách tôi với ngoại giới. Cái âm đầu tiên thoát ra được cửa miệng thật khó khăn. Mặc dù biết cái âm đầu tiên này giống như chìa khóa để mở cánh cửa nội giới thông ra ngoại giới, tôi cũng xoay mãi chiếc chìa ấy mà chẳng được. Phần đông người ta nhờ nói được ngôn ngữ một cách thông suốt, mới mở được cánh cửa nội giới thông ra ngoại giới, giữ cho giao tiếp được trơn tru, nhưng tôi thì chẳng thể làm vậy. Ổ khoá đã đóng gỉ mất rồi.
Người bị tật cà lăm, trong khi vội vàng, tất tả để phát ra cho được cái âm thứ nhất, cũng giống như con chim nhỏ vùng vẫy gỡ thân khỏi keo đặc quánh, nhưng khi thân đã thoát được thì muộn mất rồi. Thực vậy, trong khi tôi vùng vẫy, ngoại giới hiện thực cũng có khi có vẻ khoanh tay chờ đợi, nhưng cái hiện thực đang chờ đợi tôi ấy không còn là hiện thực tươi mát nữa. Và cuối cùng cái ngoại giới mà tôi loay hoay mãi mới vươn ra được đó, dù vẫn còn đó, nhưng đã phai màu, đã vuột đi trong nháy mắt… Thế rồi, cái hiện thực mà tôi cứ nghĩ chỉ thích hợp cho tôi, vẫn nằm ra đó, đã mất vẻ tươi mát, và bắt đầu bốc mùi thối rữa.
Rất dễ tưởng tượng ra, loại người có cái tuổi trẻ như tôi sẽ dẫn tới chỗ ước ao ôm vơ vào mình hai loại quyền lực tương phản. Tôi thích những biên chép về các bạo chúa trong lịch sử. Nếu tôi là một bạo chúa cà lăm, tầm ngầm ít nói, hẳn thần dân sẽ phải dè chừng sắc mặt của tôi, ngày đêm lo ngay ngáy và run rẩy. Tôi chẳng cần phải dùng lời lẽ linh lợi, chính xác để bao biện cho cái ác của mình. Sự im lặng của tôi cũng đủ để biện minh cho mọi loại tàn bạo. Do đó, một mặt tôi nghĩ vu vơ là tôi sẽ trừng phạt từng thầy giáo, từng học sinh vốn hay xem thường tôi, mặt khác, tôi cũng vui thích mà tưởng tượng mình là chủ tể của thế giới nội tâm tôi, là một nghệ sĩ lớn tràn đầy sự thấu suốt lặng lẽ. Nhìn bên ngoài, tôi nghèo như thế đấy, nhưng tâm hồn tôi giàu có hơn bất cứ ai. Một thiếu niên có cái vẻ thất bại sao đó khó mà gột rửa, nhưng chính chàng ta là một kẻ đã được bí mật tuyển chọn. Liệu suy nghĩ như thế là suy nghĩ tầm phào? Tôi có cảm tưởng tôi có một sứ mệnh, mà chính tôi cũng chưa biết được, đang chờ tôi.
… Một chuyện sau đây tôi còn nhớ.
Trường trung học Đông Maizuru với những lớp học sáng sủa, hiện đại còn giữ lại được một khoảng sân rộng, và có núi non thênh thang bao quanh.
Một ngày tháng Năm, có anh cựu học sinh của trường bấy giờ đã là sinh viên trường hải quân Maizuru, được nghỉ phép, trở lại thăm trường cũ.
Anh ta da sạm nắng, và khi nhướng mắt lên, sống mũi sắc nét nhô ra khỏi vành nón lính kéo sụp tận mí mắt. Từ đầu đến chân anh ta đường đường là một anh hào. Đứng trước đám trò nhỏ, anh ta kể về sinh hoạt đầy kỷ luật nghiêm khắc của anh. Mặc dù đang kể về một cuộc sống khắc khổ, nhưng trong giọng nói tưởng như anh ta đang kể về những chuỗi ngày sống đầy hào hùng, ngạo nghễ. Nhất cử nhất động có vẻ khoa trương, song anh tuổi trẻ vẫn còn biết giữ mình để khỏi quá đà kiêu căng. Anh ta ưỡn lồng ngực dưới lớp binh phục, trông giống như tượng đầu thuyền đang chém sóng luồn gió.
Anh đi hai ba bậc thang xuống sân trường và ngồi xuống bậc thang làm bằng đá Đại Cốc. Rồi năm sáu trò nhỏ vây quanh, khom người say mê lắng nghe anh ta nói trong khi nơi những luống hoa trên triền dốc, muôn loài hoa tháng Năm, nào hoa tu líp, hoa hương đậu, hoa hải quỳ, hoa anh túc đỏ đua nhau khoe sắc, và phía trên đầu, những chùm lớn hoa mộc lan trắng đang nở rộ.
Cả người nói lẫn người nghe không động đậy; người ngoài nhìn vào cứ tưởng chừng đấy là những bức tượng. Phần tôi, tôi ngồi một mình, xa họ vài mét, trên ghế đá nơi sân trường. Ấy là phép tắc của tôi. Hoa tháng Năm, áo nhà binh ta đây là lính, tiếng cười nói trong trẻo, và, tôi, tôi lại cứ giữ phép giữ tắc.
Thế mà người anh tuổi trẻ hào kiệt ấy lại để mắt đến cái thằng hẩm hiu là tôi hơn mấy đứa nhóc đang sùng bái anh. Chỉ có tôi là kẻ không có vẻ phục lăn cái oai phong của anh, và điều này làm tổn thương lòng kiêu hãnh của anh ta. Anh hỏi mấy đứa kia tên của tôi, rồi anh cất tiếng gọi:
“Mizoguchi ơi!” Đó là lần đầu chúng tôi mặt đối mặt.
Tôi không trả lời trả vốn gì, chỉ nhìn chằm chằm vào anh ta. Trong nụ cười của anh dành cho tôi có cái vẻ của một người có quyền lực đoái mắt nhìn kẻ dưới.
“Em sao không nói gì với tôi cả. Bộ em câm hả?”
“Nó, nó bị… bị… cà… lăm.” Một đứa trong đám tôn sùng người anh hùng trả lời thay tôi, và cả bọn cười gập cả thân. Tiếng cười chế nhạo thật rực rỡ! Đối với tôi, tiếng cười của mấy đứa cùng tuổi là tiếng cười độc ác đặc thù của bọn choai choai, thế mà tiếng cười ấy trông chói lòa như những chòm lá bung ra ánh sáng.
“Ủa, cà lăm hả? Em có muốn vào trường hải quân không? Em mà bị cà lăm, thì chỉ nội một ngày, trường sẽ khai thông ngay thôi.”
Tôi, chẳng biết sao, bỗng trả lời rõ ràng, ngay lập tức:
“Tôi không vào đó đâu. Tôi sẽ làm thầy chùa.” Lời nói tuôn ra dễ dàng, không chút chậm trễ, chẳng cần cố công.
Mọi người im lặng. Anh tuổi trẻ hào kiệt cúi đầu, bứt cọng cỏ cạnh mình, bỏ vào miệng: “Ừ, nếu thế thì, vào một năm nào đó tôi sẽ có việc phải làm phiền em đấy.”
Năm đó cuộc chiến Thái Bình Dương đã bắt đầu.
… Vào lúc đó tôi chợt thấy một điều. Tôi thấy cái cảnh tôi sẽ dang rộng đôi tay đứng chờ đợi trong cõi tăm tối; chẳng bao lâu nữa hoa Tháng Năm, bộ binh phục, bọn ác độc cùng trang lứa với tôi sẽ sà vào trong vòng tay của tôi; còn chính tôi, tôi sẽ kéo cái thế giới ấy xuống tận đáy, túm chặt lấy nó… Nhưng sự chợt thấy mà tôi vừa nắm bắt được quá nặng nề đến nỗi tôi, chỉ là một thằng nhóc, khó mà hãnh diện được.
Đã là hãnh diện thì nó phải có cái vẻ nhẹ nhàng, trong sáng, tốt đẹp và tỏa ra rực rỡ, và tôi muốn niềm hãnh diện của tôi có thể hiển hiện trước mắt tôi, và ngay cả trước mắt ai đó, ví dụ, thanh kiếm ngắn mà anh ấy mang nơi hông chính là hiện thân của niềm hãnh diện như thế.
Thanh kiếm ngắn mà bọn học sinh trung học khát khao, quả thực là một món trang sức đẹp đẽ. Tôi nghe nói rằng các sinh viên trường hải quân lén dùng thanh đoản đao như thế để gọt bút chì, nhưng cố ý dùng một biểu tượng trang nghiêm như thế mà làm một chuyện dung tục, vặt vãnh như vậy, có lẽ muốn tỏ ra mình là dân chịu chơi sao đó.
Anh ta khơi khơi cởi bộ binh phục của trường và mắc lên hàng giậu sơn trắng. Cả chiếc quần và chiếc áo lót trắng cũng vắt lên như vậy, và lại ở thật gần hoa, quần áo này sẽ tỏa mùi da thịt của anh trai trẻ đang rịn mồ hôi. Có con ong mật tưởng lầm, nghỉ cánh trên chiếc hoa áo trắng lóa. Chiếc mũ đồng phục đính dây kim tuyến hoàng kim được chụp trên một trong những thanh giậu, trông như lúc được đội trên đầu của anh, ngay ngắn, với vành mũ kéo sụp xuống. Rồi, anh ta bị mấy thằng nhóc khích tướng, bèn đi ra sân sau đọ sức.
Nhìn những món đồ anh cởi ra để đấy, tôi tưởng như đang ở trong vùng mộ địa đầy tôn kính. Muôn hoa tháng Năm lại càng làm cho ta nghĩ như thế. Chiếc mũ lính phản chiếu vành màu đen bóng. Thanh đoản kiếm và cái nịt da treo bên cạnh khi tách rời khỏi xác thân anh càng phát ra một vẻ đẹp lãng mạn. Chúng hoàn hảo giống như những mảnh ký ức… hay nói cách khác, trông phảng phất như những di vật của người anh hùng trẻ tuổi.
Tôi chắc rằng chẳng có ai quanh tôi. Có tiếng reo hò nổi lên từ phía bãi đấu. Tôi móc trong túi ra con dao đã gỉ sét mà tôi dùng để gọt bút chì, rón rén lại gần hàng giậu, lén khứa vài vết mờ mờ vào mặt sau cái vỏ da đen đựng đoản kiếm đẹp đẽ đó.
… Cứ căn cứ vào những điều tôi vừa diễn tả, có lẽ người ta sẽ vội vàng cho tôi là một kẻ có máu thi sĩ, nhưng mãi cho tới hôm nay, những thứ đại loại như ghi chép những điều cần nhớ tôi còn không làm, nói gì đến chuyện làm thơ. Tôi chẳng có cái ý chí trui rèn một tài năng khác để bù đắp cho năng lực thua kém người của tôi mà nhờ thế vượt qua được người đời. Nói cách khác, tôi quá ngạo mạn để trở thành một người làm nghệ thuật. Mộng làm bạo chúa hay đại nghệ sĩ chỉ là chuyện trong mơ, còn tôi, tôi hoàn toàn không có hứng thú thực sự bắt tay vào làm trọn một cái gì đó.
Vì chuyện không ai hiểu mình đã trở thành niềm hãnh diện duy nhất của tôi, tôi không cần đau khổ vì phải phân trần và cố gắng giải thích này nọ. Tôi nghĩ là những chuyện thường dành cho người đời hẳn định mệnh không dành cho tôi. Nỗi cô độc càng ngày càng phình ra, giống y con lợn sề.
Bỗng nhiên tôi nhớ lại sự kiện bi thảm xảy ra trong làng chúng tôi. Mặc dù tôi thực sự không có chút nào can hệ tới chuyện này, nhưng tôi vẫn không rứt ra khỏi cái cảm giác rõ ràng là tôi có tham dự vào.
Suốt cái sự kiện ấy, trong cùng một lúc, tôi đã phải đối mặt với tất cả: cuộc đời, thú vui xác thịt, sự phản bội, sự ghét nhơ, ái tình và mọi thứ trên đời, nhưng rồi những điều cao quý tiềm ẩn bên trong những thứ đó, cái trí nhớ của tôi lại cứ muốn từ chối, muốn bỏ lơ.
Có một cô gái đẹp ở trong một ngôi nhà nằm cách nhà chú tôi hai căn. Tên cô là Uiko. Mắt cô to tròn và trong. Nhà lại giàu có nên cô cũng có thói kiêu kỳ. Lắm kẻ xun xoe với cô, nhưng chẳng một ai hiểu cô nghĩ ngợi gì vì cô lúc nào cũng một mình, xa cách. Mặc dù Uiko có lẽ vẫn còn trinh, thế mà có những ả đàn bà nặng lòng đố kị, nhìn nhân tướng cô, cứ xì xầm cô là loại gái có tướng không sinh con được.
Uiko chỉ học xong trường nữ trung học, rồi tình nguyện làm y tá trong bệnh viện hải quân Maizuru. Khoảng cách từ nhà cô đến bệnh viện có thể đạp xe đạp được, nhưng vì cô làm ca sáng, nên trời vừa mới rạng cô đã ra khỏi nhà, sớm hơn giờ tôi đi học cả hai tiếng.
Có một tối, nghĩ tới thân thể của Uiko rồi buông mình vào những mơ mòng u ám, nên tôi không ngủ được, thế là tôi từ trong bóng tối lẻn ra khỏi giường, đeo giày thể thao vào và ra khỏi nhà trong ánh nhập nhòe của sớm mùa hè.
Chuyện nghĩ tới thân thể của Uiko không phải tối hôm đó là lần đầu. Cái chuyện thỉnh thoảng nghĩ tới thân thể cô nàng dần dần kết dính trong tôi; thân thể của Uiko trắng trẻo, mềm dẻo trầm mình trong bóng tối lờ mờ, rồi ngưng kết lại thành một hình hài xác thịt thơm hương, giống như khối ý nghĩ trong đầu tôi. Tôi nghĩ là ngón tay mình sẽ ấm lên khi đụng chạm vào thân thể ấy, và cái mềm mại của xác thân còn truyền vào ngón tay tôi và tỏa hương như phấn hoa.
Tôi chạy thẳng ra con đường còn nhập nhoạng bóng tối. Đá trên đường không làm tôi vấp ngã, và bóng tối thong dong mở ra con đường trước mặt tôi.
Ở khúc này, đường đã rộng ra và dẫn tới bên ngoài xóm Azayasuoka thôn Shiraku. Ở đó, có một cây du to lớn. Thân cây còn đẫm sương mai. Tôi núp sau gốc cây và chờ Uiko đạp xe từ hướng xóm tới.
Tôi chỉ chờ. Không cố gắng làm gì hết. Tôi đã chạy muốn đứt hơi, và bây giờ tôi nghỉ xả hơi một chút dưới bóng cây du, nhưng rồi cũng không rõ từ nơi đây tôi sẽ làm gì. Tuy nhiên, vốn sống cách biệt ngoại giới rất nhiều, nên tôi cứ có ảo tưởng rằng một khi tôi nhảy vào được cái ngoại giới thì mọi sự cũng sẽ trở nên dễ dàng và chuyện gì tôi cũng có thể làm được.
Muỗi cứ chích vào chân tôi. Có tiếng gà gáy đó đây. Tôi nhìn xuyên suốt con đường. Xa xa có sắc trắng hiện ra lờ mờ, tưởng như là vệt nắng sớm, nhưng đó chính là Uiko.
Uiko đang cưỡi xe đạp đến. Bóng đèn phía trước xe bật sáng. Chiếc xe đạp âm thầm lướt tới. Tôi từ sau thân cây du phóng ra ngay trước xe đạp. Cô thắng gấp chiếc xe cách tôi trong gang tấc.
Lúc đó, tôi cảm thấy tôi như bị hóa đá. Ý chí lẫn dục vọng, tất cả đều hóa đá. Cái ngoại giới không liên quan gì tới nội giới của tôi, giờ lại hiện hữu quanh tôi một cách rõ ràng. Tôi, một kẻ đã chuồn khỏi nhà chú, thọc vào đôi giày thể thao trắng, phóng trên con đường còn chạng vạng, chạy tới dưới bóng sau cây du, vẫn chỉ là chạy hết tốc lực qua cái nội giới của mình. Trong ánh sáng nhập nhoạng ban mai, ngay cả nơi những mái nhà chập chờn đường nét lờ mờ trong thôn, nơi những thân cây đen sì, nơi đỉnh núi Aoba tối thẫm và ngay cả nơi Uiko trước mặt tôi đây, cái ý vị của cuộc sống hoàn toàn trống vắng, trống tới mức khủng khiếp. Chẳng màng đến sự tham dự của tôi, hiện thực đã được ban phát tại đó. Hơn thế nữa, cái hiện thực tối mịt mùng vô nghĩa này cứ chường ra và đè tôi bằng cái sức nặng mà cho tới giờ tôi chưa từng cảm thấy.
Có lẽ chỉ có ngôn từ là cứu vớt tôi khỏi chuyện này. Tôi luôn luôn suy nghĩ như thế, nhưng tôi đã lầm. Trong khi cần phải hành động, tôi lại luôn luôn để ý tới ngôn từ. Bởi vì ngôn từ khó thoát ra khỏi cửa miệng, nên tôi bị phân tâm, rồi cuối cùng sẽ quên luôn mình phải làm gì. Đối với tôi, cái chói lòa rực rỡ có tên là hành động phải luôn luôn đi đôi với ngôn từ rực rỡ chói lòa.
Tôi không nhìn thấy gì cả, nhưng tôi nghĩ Uiko thoạt đầu sợ hãi, rồi nhận ra tôi, cô ta chỉ nhìn vào miệng tôi. Có lẽ cô ta, trong hừng đông nhập nhoạng, nhìn vào cái miệng của tôi, hay đúng ra, vào cái lỗ nhỏ tối tăm, ngớ ngẩn, vặn vẹo vô nghĩa, cái lỗ méo mó, bẩn thỉu giống như hang ổ của loài động vật nhỏ bé sống trong ruộng đồng. Thế rồi, nhờ đó, cô mới xác định được là cái lực liên kết với ngoại giới nơi tôi bị nghẽn hoàn toàn, rồi thì cô mới yên tâm.
“Này, anh làm gì kỳ cục vậy anh? Mà anh bị tật cà lăm hả?”
Uiko nói, nhưng trong giọng nói ấy có cái vẻ đoan chính và tươi mát của làn gió sớm. Cô bấm chuông và chân lại đặt trên bàn đạp. Cô đạp vòng tránh tôi như tránh một tảng đá. Dù chẳng có lấy một bóng người, tôi vẫn nghe Uiko vừa đạp xe ra hướng cánh đồng xa vừa bấm chuông inh ỏi, liên hồi mà giễu tôi.
Tối đó, vì Uiko mách với mẹ, mẹ cô đến nhà chú tôi. Chú tôi thường ngày vốn rất hiền lành, đã mắng tôi một trận nên thân. Tôi rủa Uiko và cầu sao cho cô ta chết cho tiệt nòi. Và mấy tháng sau xảy ra y như lời nguyền rủa của tôi. Từ đó về sau, tôi cứ tin như đinh đóng cột chuyện rủa sả người khác.
Khi ngủ cũng như khi thức, tôi cứ ước sao Uiko chết quách đi cho xong. Tôi mong rằng cái kẻ đã chứng kiến sự xấu hổ của tôi sớm tiêu tùng. Một khi chứng nhân không còn nữa, sự hổ thẹn của tôi cũng không còn trên đời này. Tha nhân đều là chứng nhân. Không có tha nhân, không có xấu hổ. Trong bóng hình của Uiko, trong đôi mắt loáng như làn nước giữa buổi bình minh nhập nhoạng đã chăm chú nhìn vào miệng của tôi, tôi thấy thế giới của tha nhân – cái thế giới của đám người quyết không để ta được yên, sẵn lòng trở thành đồng phạm hoặc chứng nhân cho ta. Phải tiêu diệt hết tất thảy tha nhân. Để có thể thực sự ngước mặt lên nhìn mặt trời, thì phải hủy diệt cho được các loại thế giới.
Hai tháng sau vụ mách mẹ đó, Uiko thôi việc tại bệnh viện hải quân và chỉ ở nhà. Người trong làng đàm tiếu đủ thứ chuyện. Thế rồi cuối mùa thu, có chuyện xảy ra.
… Chúng tôi có mơ cũng không thể biết rằng có một tay đào binh khỏi hải quân chạy trốn vào làng chúng tôi. Mãi tới khoảng giữa trưa hiến binh tới trụ sở làng, nhưng chuyện hiến binh tới làng không phải là chuyện lạ lùng gì, do đó chúng tôi chẳng để ý gì cho lắm.
Vào một ngày trời trong sáng cuối tháng Mười, tôi đi học như thường lệ, tối làm bài tập xong, đi ngủ. Tôi chuẩn bị tắt đèn và nhìn xuống đường làng, ở đó nghe như có nhiều người chạy ào ào và thở hồng hộc như một bầy chó. Tôi bước xuống gác. Có một bạn học đang đứng nơi thềm cửa, trợn mắt hét kêu tôi và chú thím lúc đó đã trở dậy.
“Này ông bà ơi, hiến binh vừa mới bắt Uiko. Chúng ta cùng đến đó xem sao!” Tôi xỏ guốc vào và chạy nhanh ra. Giữa đêm trăng đẹp, những giàn phơi lúa nơi nơi trong những thửa ruộng vừa mới gặt trải bóng tươi mát.
Trong bóng tối của một chòm cây có những bóng người đang tụ tập và múa may tay chân. Uiko trong bộ đồ Tây màu đen đang ngồi trên đất. Mặt cô trắng bợt. Quanh cô có bốn năm hiến binh và cha mẹ cô. Một viên hiến binh đang cầm thứ gì như hộp đựng đồ ăn và hét. Người cha quay đầu khi thì bên này khi thì bên kia, hoặc nói với viên hiến binh, hoặc quở trách con gái mình. Người mẹ ngồi chò hỏ mà khóc.
Chúng tôi nhìn cảnh tượng này từ một bờ ruộng cách xa đó một thửa ruộng. Người xem càng lúc càng đông và lẳng lặng chen vai nhau. Vầng trăng nhỏ như thể bị bóp teo lại đang treo trên đầu chúng tôi.
Người bạn học giải thích thầm thì vào tai tôi: Uiko cầm hộp đồ ăn, lẻn ra khỏi nhà, đi tới xóm kế cận và bị một hiến binh đang mai phục bắt. Rõ ràng hộp đựng đồ ăn là để tiếp tế cho tay đào binh. Tay đào binh và Uiko trở nên thân thiết với nhau ở bệnh viện Hải quân, do đó Uiko có thai và bị đuổi việc. Hiến binh hỏi tra về nơi giấu tay đào binh, nhưng Uiko chỉ ngồi đó không nhúc nhích lấy một phân và ngoan cố không nói lấy nửa lời…
Còn tôi, tôi chỉ nhìn Uiko không chớp mắt. Cô ta trông giống một người đàn bà điên bị bắt. Mặt cô tê cứng dưới trăng.
Tôi chưa từng thấy khuôn mặt nào tràn đầy sự cự tuyệt đến như vậy. Phần tôi, tôi nghĩ mặt của tôi là mặt của kẻ bị thế giới chối từ, nhưng khuôn mặt Uiko là khuôn mặt từ chối thế giới. Ánh trăng chảy không ngơi nghỉ trên trán, trên mắt, sống mũi và má cô, nhưng khuôn mặt tê cứng của cô chỉ tắm trong ánh trăng ấy. Nếu cô nhấp nháy mắt, mấp máy miệng một chút, cái thế giới mà cô chối bỏ có lẽ sẽ lấy đó làm dấu hiệu mà ào ạt tràn vào cô như tuyết lở.
Tôi nín thở nhìn vào khuôn mặt ấy. Lịch sử bị đứt đoạn ở khúc này, và khuôn mặt ấy chẳng nói cho chúng ta biết gì về vị lai cũng như về quá khứ. Một khuôn mặt lạ lùng như đôi lúc chúng ta thấy trên gốc một cây vừa mới bị đốn ngã. Dù gốc cây còn mang cái màu tươi rói, nhưng sự lớn lên đã chấm dứt ở đây. Cái mặt cắt nơi gốc cây chợt được tắm gội bằng ánh mặt trời, bằng những làn gió mà lẽ ra nó sẽ chẳng bao giờ biết đến trong đời, nó đột ngột phơi mình ra trước một thế giới không thuộc về nó, và nơi mặt cắt ấy hiện khuôn mặt lạ lùng vẽ bằng những đường vân gỗ tuyệt đẹp. Khuôn mặt chường ra chỉ để chối từ với thế giới này.
Tôi không thể cầm lại cái ý nghĩ rằng trong đời cô cũng như trong đời tôi, sẽ không thể thấy lại lần thứ hai cái khoảnh khắc mà khuôn mặt của Uiko lại đẹp đẽ đến thế, nhưng cái khoảnh khắc ấy không kéo dài như tôi nghĩ, đột nhiên dung nhan xinh đẹp của cô biến dạng.
Uiko chồm dậy. Tôi có cảm tưởng lúc đó cô có vẻ đang cười. Tôi dường như thấy những chiếc răng cửa trắng của cô lóng lánh với ánh trăng. Tôi không thể viết thêm về sự biến dạng. Vì khuôn mặt của Uiko, khi cô trỗi dậy, đã quay đi khỏi ánh trăng và biến mất trong bóng cây.
Thật là đáng tiếc tôi không được thấy dung nhan cô nàng ra sao khi cô quyết tâm phản bội. Nếu tôi nhìn thật kỹ, thì lòng thứ tha dành cho người đời, lòng bao dung cho mọi sự xấu xa có lẽ sẽ nảy mầm trong tôi.
Uiko chỉ vào hốc núi Kawara xóm bên.
“A, như vậy hắn ở trong Kim Cương Viện.” Viên hiến binh kêu lên.
Nguyễn Văn Thực dịch
[1] Tòa kiến trúc ba tầng với hai tầng trên dát vàng rực rỡ, nằm trong khuôn viên chùa Lộc Uyển (thường được gọi là chùa Kim Các, tức Kim Các Tự).
Chấm sao chút:
Đã có 1 người chấm, trung bình 5 sao.
Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3