Thời gian đọc: 6 phút

Năm 2017, Kazuo Ishiguro, nhà văn Anh gốc Nhật, được trao giải Nobel văn chương, với lời vinh danh của ban giám khảo, “tiểu thuyết giàu sức nặng cảm xúc, làm lộ ra vực thẳm ẩn bên dưới ảo tưởng về sự kết nối với thế giới của chúng ta”. Có lẽ, không tác phẩm nào của Ishiguro minh họa cho cái hình ảnh về bề mặt ảo tưởng che đậy hố sâu bằng tiểu thuyết giành giải Booker năm 1989 “Tàn ngày để lại”. Bằng kỹ thuật bậc thầy, Ishiguro bày ra trước mắt người đọc một cuộc đời của một quản gia người Anh, sau ba thập kỷ cúc cung tận tụy, vào lúc cuối ngày nắng tắt, chợt nhận ra: tất cả có thể chỉ là ảo tưởng.

Cuốn tiểu thuyết thứ ba này của Ishiguro đã được khơi mào từ một câu chuyện bên lề khác trong cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông là “Cảnh đồi mờ xám”: một giáo viên đã về hưu suy ngẫm về những giá trị mà suốt cả đời mình đã tận tụy cống hiến vì chúng. Muốn viết một cuốn tiểu thuyết trọn vẹn dành cho ý tưởng đó, kết hợp với cái ý thức phải viết cho một độc giả quốc tế, Ishiguro đã lấy một hình tượng đặc Anh, một huyền thoại nổi tiếng thế giới: người quản gia Anh.  Và thế là “Tàn ngày để lại ra đời”.

Câu chuyện trong “Tàn ngày để lại” bắt đầu vào quãng tháng bảy năm 1956 tại Dinh Darlington, khi người quản gia Stevens quyết định làm một hành trình đi về miền Tây nước Anh, dưới sự gợi ý của ông chủ mới người Mỹ Farraday, người đã mua lại dinh thự này từ họ hàng của người chủ cũ là Huân tước Darlington, để tìm cô nội quản cũ của mình, nhằm thuyết phục cô quay trở lại làm việc nơi đã cô rời đi hơn 30 năm trước. Thời gian của câu chuyện hiện tại thực tế chỉ diễn ra trong vòng sáu ngày, khi Stevens khởi sự ra đi, và chuyến đi kết thúc sau khi gặp lại cô Kenton ở Cornwall. Nhưng dưới những sự kiện thăm thú cảnh đẹp miền Tây nước Anh, gặp gỡ những người nhà quê  trên đường và ở nhà trọ nơi Stevens ngủ lại, là một quãng ký ức lần lượt trải ra suốt từ quãng những năm 1920 tới tận sau Thế chiến thế 2: những tháng ngày trên đỉnh vinh quang, tới tận khi gần như suy tàn.

Stevens, người luôn đau đáu với cái gọi là “phẩm cách”, với sự “vĩ đại” đặt mục tiêu của đời mình là một “người quản gia không từ bỏ con người nghề nghiệp mà ông ta sắm vai.” Ông kính ngưỡng những mẫu hình quản gia của các gia đình bề thế khác, và luôn coi mình cũng đứng vào hàng ngũ những con người xuất sắc ấy, nhờ thi triển một cách chuyên nghiệp và đầy xuất sắc, chính hai đặc điểm mà người sáng tạo ra ông đã nhắc đến trong cuộc phỏng vấn với tờ Paris Review: Người quản gia Anh trong con mắt của nhà văn là ẩn dụ của hai điều: một là sự lãnh đạm về mặt cảm xúc – họ phải cực kỳ kín đáo và dè dặt, không được bộc lộ phản ứng cá nhân với bất kỳ chuyện gì xảy ra chung quanh mình. Điều thứ hai: là biểu tượng cho loại người để những quyết định chính trị lớn lao cho người khác. Cái thế ẩn dụ nước đôi này, ngay trong bản thân nó đã ẩn chứa những nguy cơ tiềm năng, sẽ được Ishiguro khai thác một cách bậc thầy trong “Tàn ngày để lại.”

Ở “Tàn ngày để lại”, Ishiguro dựng lên hai lớp mâu thuẫn giằng co chỉ chực xé toạc và vạch mặt nhau. Lớp thứ nhất ở ngay trong con người quản gia Stevens, giữa một bên là bổn phận, phẩm giá, và một bên là cảm xúc thực sự bị đè nén thật kỹ càng một cách đầy khắc kỷ. Phần lớn thời gian, độc giả sẽ nhận thấy cái mặt nạ phẩm cách vĩ đại luôn ngự trị và chiến thắng, nhưng cũng có những chút le lói nhất định, khi những cảm xúc cá nhân có dịp được trỗi dậy, ta nhìn thấy một Stevens đang khổ sở chật vật, dù không nhiều lắm. Cái mặt nạ mà ông sắm cho mình đã bị cô nội quản Kenton bất ngờ giật xuống, “Vì sao, hả ông Stevens, vì sao cơ chứ, vì sao mà ông lúc nào cũng phải giả bộ?”

Lớp mâu thuẫn thứ hai diễn ra ngay trong câu chuyện: đấy là sự giằng co giữa sự thật xảy ra và sự thật theo các diễn giải của Stevens. Rất nhiều các sự kiện diễn ra trong dòng tự sự, người đọc nhận ra sự thật không hẳn như là cái cách mà Stevens nói. Toàn bộ câu chuyện của “Tàn ngày để lại” chính vì thế cần phải nhìn dưới một góc độ: đây là một người kể chuyện bất khả tín, và có không ít những chối cãi, những biện minh, những chống chế, những nhầm lẫn, đến từ phía người kể chuyện.

Cái tình thế cặp đôi còn được duy trì ở hai nhân vật mà về cơ bản cực kỳ tương đồng với nhau: những con người mù quáng răm rắp tuân theo lý tưởng. Đó là cả ông chủ Huân tước Darlington, một con người cao quý tin vào cái lý tưởng “người quân tử”: một nhà quý tộc Anh điển hình, đàng hoàng, thành thực, giàu thiện ý, để rồi vô tình biến mình thành con rối, tay sai của Phát xít; và người người hầu là quản gia Stevens, người đã tin, “đã tin vào trí thông tuệ của đức ngài,”: người đã giao toàn bộ quyền tự chủ của đời mình vào tay người ông phục vụ và an tâm rằng mình đang đi theo chính nghĩa mà phụng sự nhân loại.

Đến cuối ngày, độc giả đứng trước một tình thế lưỡng nan: tin vào Stevens, tin vào Huân tước Darlington, hay ngược lại? Chứng kiến hai con người đang lao xuống đáy cùng với nhau, hay vẫn tin rằng những cách họ làm là đúng đắn? Có lẽ cái sự giằng co khốn khổ, cái quan điểm không về phe, cái cảm giác bi đát và chua chát đang trong lúc đọc và càng lúc càng sâu đậm hơn khi câu chuyện kết thúc sẽ ngự trị: nói đúng như Salman Rushdie, đó là câu chuyện đời về một người đàn ông “bị tiêu hủy bởi những lý tưởng mà ông dựng cả đời mình dựa trên đó.”

Độc giả có thể đọc được nhiều câu chuyện trong “Tàn ngày để lại”: câu chuyện về hình tượng người quản gia nước Anh, câu chuyện về phẩm giá và những lý tưởng, câu chuyện về sự lạc lõng khi bị đẩy sang một thời đại khác, câu chuyện về niềm tin mù quáng và cái giá của nó, thậm chí có thể đọc nó như một câu chuyện tình. Tất cả đan xen, hòa quyện, tạo thành một trong những viên ngọc văn chương hoàn mỹ. Nhiều người đặt câu hỏi liệu Stevens có để vụt mất tình yêu trong một vài khoảnh khắc, nhưng quả đúng như chính người tạo ra Stevens nhận định, ông ấy đã để vụt tình yêu từ rất lâu rồi. Như rất nhiều các nhân vật khác của Ishiguro, đến những ngày cuối đời đều trải qua những giây phút ngắn ngủi chua chát, và có thể ngẫm ngợi: “Có một khoảnh khắc này khi mọi chuyện có thể đã khác đi”. Nhưng chính cái kết của “Tàn ngày để lại” cho thấy: cả cuộc đời đã dựng lên trên những nguyên tắc, lý tưởng, và những le lói nắng tắt cuối ngày ấy chỉ là những rạn vỡ, bởi rất nhanh chóng, Stevens và các nhân vật của Ishiguro buộc phải bịt kín vết rạn, để tiếp tục. Bởi vì đã quá muộn để có thể hối hận, hoặc làm khác đi.

Với nhân vật chính như thế, với cốt truyện như thế, không ngạc nhiên gì khi “Tàn ngày để lại” thể hiện một kỹ thuật viết kiểm soát đỉnh cao của Ishiguro. Nhân vật Stevens với cái lối nói chuyện cố tình được ngụy tạo từ những gì mà ông học được từ ông chủ và các vị quý tộc danh giá, từ sách vở mà ông coi là khuôn mẫu, trở thành một trong những nhân vật thú vị và gây sốt ruột bậc nhất trong văn chương. Những từ vựng mà Stevens dùng, những cấu trúc câu dài dòng và nhuốm màu sang trọng ấy, tạo nên một cái nhịp văn chương, mà khi trộn lẫn với những giải thích, những trình bày, những dằng dai trải ra qua dòng hồi tưởng, vừa thú vị khi đọc, vừa có tác dụng lừa mị độc giả. Thứ văn chương ấy cuốn ta vào cái sự khả tín của Stevens, chỉ để đến lúc cuối, ta ngỡ ngàng nhận ra, có thể mọi thứ không như lời Steven nói.

Trong bài tâm sự của chính tác giả kể lại chuyện mình đã viết “Tàn ngày để lại” trong bốn tuần, Ishiguro nhắc đến một bài hát kể về người lính lên tàu ra đi giã biệt người tình đang ngủ đã gây ảnh hưởng lên cách ông kết truyện. Độc giả dễ dàng nhận thấy một sự tương đồng giữa “cái vẻ khắc kỷ cứng rắn kiểu đàn ông đã giữ cả một đời nay vụn vỡ trước một mối buồn mênh mang” của người lính và chính Stevens. Và chính lúc đó, Ishiguro quyết định cả câu chuyện sẽ là một hành trình bịt kín mọi cảm xúc của Stevens, cho tới khi, “lá chắn thép của ông ta sẽ rạn, và một tâm hồn lãng mạn mà bi kịch trước giờ giấu kín sẽ chớp mắt lộ ra.”

 

 

Chấm sao chút:

Đã có 9 người chấm, trung bình 4.7 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Website | Các bài viết khác

trên đỉnh cao tuyệt vọng.