Haruki Murakami, Có một người đương thời như Kazuo Ishiguro
Trong bao nhiêu năm đọc Ishiguro, ông chưa bao giờ làm tôi thất vọng, khiến tôi phải nghi ngờ.

Trong bao nhiêu năm đọc Ishiguro, ông chưa bao giờ làm tôi thất vọng, khiến tôi phải nghi ngờ.
Có một vài tác giả hễ ra tiểu thuyết mới nào là tôi chạy ngay ra hiệu sách mua một cuốn, rồi dẹp qua tất cả những gì đang đọc để vùi đầu vào cuốn sách vừa mua. Ngày nay chỉ còn một vài tác giả đối với tôi là vậy, trong đó có Kazuo Ishiguro.
Tôi nghĩ đặc trưng nổi bật nhất của ông là mọi tác phẩm của ông đều quá khác nhau; mỗi cuốn được dựng theo những cách khác nhau và đi về những hướng khác nhau. Về cả cấu trúc lẫn phong cách, mỗi cuốn rõ ràng có ý tránh đến gần nhau. Nhưng mỗi cuốn cũng lại mang dấu ấn Ishiguro không thể lầm lẫn với ai khác, và mỗi cuốn tự thân là một vũ trụ nhỏ nhưng khác lạ đến tuyệt vời.
Nhưng không chỉ có thế. Khi những vũ trụ nhỏ này được đặt lại bên nhau (một việc dĩ nhiên chỉ xảy ra trong đầu người đọc), một vũ trụ lớn rộng hơn nhiều sẽ thành hình sống động, đó là tổng số mọi tiểu thuyết của Ishiguro. Theo nghĩa này, các sách của ông vừa chiếm một chiều thẳng đứng theo lịch đại, lại vừa chiếm chiều ngang đồng đại. Chính khía cạnh này của Ishiguro làm tôi say mê nhất. Mỗi tiểu thuyết của ông có thể đánh dấu một bước tiến trong quá trình tiến hóa (tất nhiên là chúng đều tiến hóa rồi). Nhưng những điểm cụ thể về quá trình đó, nó có thực tồn tại hay không, nó bao hàm và không bao hàm những gì, ít khiến tôi quan tâm hơn hẳn cách tất cả những tác phẩm này được ràng nối lại với nhau. Chính đó là điều tôi nghĩ làm Ishiguro đặc biệt, khác hẳn hầu hết những nhà văn khác.
Trong bao nhiêu năm đọc Ishiguro, ông chưa bao giờ làm tôi thất vọng, khiến tôi phải nghi ngờ. Tôi chỉ cảm thấy về ông duy nhất có lòng ngưỡng mộ sâu sắc cái biệt tài bất bại mà ông đặt chồng lên nhau bằng ấy thế giới khác nhau. Tất nhiên, tôi cũng có sở thích riêng khi đọc sách của ông, cuốn A có thể khiến tôi thích hơn cuốn B chẳng hạn; nhưng so với các nhà văn khác, thế giới hư cấu của Ishiguro khiến vấn đề so sánh này thực chẳng còn quan trọng mấy. Điều tôi thấy quan trọng hơn nhiều là mỗi cuốn sách của ông đều bổ sung và nâng đỡ cho những cuốn còn lại, như các phân tử liên kết bên nhau.
Hiển nhiên, chỉ rất ít nhà văn có khả năng tạo ra một vũ trụ tổng hợp như vậy. Không chỉ là vấn đề thỉnh thoảng lại phải viết ra một cuốn tiểu thuyết thành công. Đúng hơn là Ishiguro có một tầm nhìn nhất định, một kế hoạch tổng thể, để nhào nặn tác phẩm mình theo đó – mỗi cuốn tiểu thuyết mới mà ông viết lại là một bước nữa để kiến trúc nên đại tự sự lớn này. Ít nhất đó là điều tôi cảm thấy.
Có lẽ tôi có thể nói như thế này cho rõ hơn. Ishiguro giống như một họa sĩ đang miệt mài với một bức tranh mênh mông. Bức tranh có quy mô rộng lớn và dàn trải thuộc loại trám kín những vòm trần hay bức tường thánh đường nào đó. Đấy là một công việc rất cô đơn, đòi hỏi một khối lượng thời gian khổng lồ, và một kho năng lượng vô tận. Đấy là công việc của cả đời. Cứ vài năm, ông lại vẽ xong một mảng tranh và đưa ra cho chúng ta thấy. Chúng ta cùng chiêm ngưỡng không gian dần mở rộng của vũ trụ ông đang trải dần ra từng chặng một trước mắt ta. Đây là một kinh nghiệm vừa tuyệt diệu, vừa riêng tư đến tận cùng. Nhưng chúng ta còn chưa có được cái nhìn bao quát về bức tranh toàn cảnh. Chúng ta chỉ có thể đoán chừng rằng những hình ảnh nào sẽ xuất hiện khi bức tranh hoàn tất, chúng sẽ làm ta xúc động và phấn chấn ra sao.
Là một người đọc tiểu thuyết, tôi vui mừng vì đã được sống làm người cùng thời với Kazuo Ishiguro. Là một người viết tiểu thuyết, tôi thấy đây là một sự khuyến khích to lớn. Hình dung ra những tiểu thuyết mới khả thể của ông, cũng chính là hình dung ra tác phẩm còn chưa viết của mình.
T. G. dịch từ bản tiếng Anh của Ted Goosen
(Lời nói đầu cuốn Kazuo Ishiguro: Contemporary Critical Perspective, Sean Matthews và Sebatian Groes chủ biên, Continuum, 2009)
Chấm sao chút:
Đã có 5 người chấm, trung bình 4.2 sao.
Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3