Thời gian đọc: 8 phút

 

Mấy năm sau khi nghe biết có nó trên đời, cuối cùng tôi cũng sờ được vào cuốn Chúng tôi của Zamyatin, đấy thật là một quái sự văn chương trong cái thời đại đốt sách chôn học trò này. Giở cuốn Hai mươi năm văn học Nga Xô viết của Gleb Struve, tôi tìm được lịch sử của nó như sau:

Zamyatin, tuy chết ở Paris năm 1937, là một tiểu thuyết gia kiêm nhà phê bình Nga đã cho xuất bản một số đầu sách cả trước lẫn sau cái mốc Cách mạng tháng Mười. Chúng tôi viết quãng 1923, là một cuốn sách không nói về nước Nga cũng không trực tiếp liên hệ với chính trị đương thời gì hết – đấy là một cuốn sách huyễn tưởng nói về thế kỷ 26 Công Nguyên, nhưng vẫn không được phép xuất bản, với lý do không thích hợp về mặt ý thức hệ. Bản thảo tìm được đường ra nước ngoài, nay đã có bản dịch bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Séc, nhưng tiếng Nga thì tịnh không có. Bản dịch tiếng Anh in ở Mỹ, tôi không làm cách nào kiếm được một cuốn; nhưng cuốn tiếng Pháp (dưới tên Nous Autres) thì không khó khăn gì, và cuối cùng tôi cũng mượn được về đọc. Cứ theo tôi thấy đấy cũng không thuộc hạng sách cực phẩm, nhưng hiển nhiên là một cuốn có điều thú vị, và thật kinh ngạc là không có nhà xuất bản nào ở Anh đủ mạnh dạn đi in lại quyển này.

Điều trước hết đập vào mắt bất kỳ ai đọc cuốn này, một điều tôi tin chưa từng ai chỉ ra, đấy là Thế giới mới diệu kỳ (Brave New World) của Aldous Huxley hẳn phải phần nào thoát thai từ đó. Cả hai cuốn đều nói về cuộc quật khởi của tinh thần người nguyên thủy chống lại một thế giới đã lý tính hóa, máy móc hóa để tiệt trừ đau đớn, và cả hai đều diễn ra vào mốc khoảng sáu trăm năm sau hiện tại. Bầu không khí trong hai cuốn tương tự nhau, xã hội được miêu tả cũng thuộc một loại hao hao nhau, dù cuốn của Huxley thể hiện một cấp độ ý thức chính trị [nói kiểu Mác là “giác ngộ chính trị”] thấp hơn mà lại chịu ảnh hưởng của các thuyết sinh học, tâm lý học gần đây nhiều hơn.

Vào thế kỷ 26, theo bức tranh của Zamyatin, cư dân của xã hội Không tưởng đã mất sạch tính cá thể, chỉ còn được đánh số để phân biệt. Họ sống trong những căn nhà bằng kính (cuốn này viết trước thời có ti vi), nhờ thế đám cảnh sát chính trị gọi là “Bảo Vệ” có thể theo dõi họ dễ dàng. Ai cũng ăn mặc một lối đồng phục như ai, và thay cho “người ấy” thì gọi là “mã số ấy” hay “đồng phục ấy”. Họ sống nhờ thức ăn tổng hợp, còn món giải khuây trường kỳ là diễu hành hàng bốn giữa tiếng quốc ca của Quốc Gia Thống Nhất ầm ầm phát ra từ loa. Cứ sau mỗi khoảng thời gian xác định họ lại được cho phép buông rèm che quanh căn hộ tường kính trong một giờ (gọi là “Giờ Riêng Tư”). Tất nhiên không có khái niệm hôn nhân ở đây, dù đời sống tình dục có vẻ cũng không đơn thuần giải quyết cơn rậm rật. Phục vụ cho nhu cầu nhục dục, mỗi người được phát một thứ sổ tem phiếu gồm các tích kê hồng, đối tác cùng qua một “Giờ Riêng Tư” trong thời lượng được bổ phải ký vào liên còn lại. Đứng đầu Quốc Gia Thống Nhất là một nhân vật được gọi là Lãnh Tụ Thiện Nguyện, hàng năm người này đều tái đắc cử trong cuộc bầu cử mà mọi người dân đều bỏ phiếu và mọi phiếu bầu đều đồng thuận. Nguyên lý chủ đạo của Quốc gia là “tự do” và “hạnh phúc” là hai điều không đội trời chung. Trong Vườn Địa Đàng, con người được hạnh phúc, nhưng hắn đã rồ dại đòi có tự do, và bị xua đuổi vào nơi hoang dã. Giờ thì Quốc Gia Thống Nhất đã trả lại hạnh phúc cho hắn bằng cách lấy của hắn tự do.

Cho tới đó thì Chúng tôi và Thế giới mới diệu kỳ giống nhau đến ngạc nhiên. Nhưng dù cuốn Zamyatin viết non tay hơn – cốt truyện khá yếu, liên tục cắt cảnh chứ không liền mạch, và khá rối rắm khó mà tóm tắt ở đây – thì nó lại có một tính chất chính trị mà cuốn kia không có. Trong thế giới Huxley dựng nên, vấn đề “bản chất con người” có thể nói là đã được giải quyết gọn, bởi tiền đề của nó là cái sinh thể người, nhờ điều trị trước sinh, ma túy và thôi miên mà có thể chế tạo chuyên biệt hóa cho bất cứ mục đích nào người ta muốn. Một nghiên cứu viên hàng đầu với một tên não ngẫn Epsilon cũng dễ sản xuất ngang nhau, và ở cả kẻ này lẫn kẻ kia, những dấu vết cuối cùng của những bản năng nguyên thủy như tình mẫu tử hay khát vọng tự do đều có thể dễ dàng gột sạch. Dù vậy, lại không có lý do cụ thể nào đưa ra giải thích vì sao cần phân tầng xã hội một cách tỉ mỉ như vậy. Mục đích tối hậu không phải là bóc lột kinh tế, nhưng xem ra mong muốn được áp bức và cai trị cũng không phải động cơ ở đây. Không thấy có cơn mê quyền lực, hay thói ưa hành hạ kẻ khác, hay thiếu thốn gian khổ về bất kỳ mặt nào. Những kẻ ở trên trốc cũng không có động cơ rõ rệt phải ngồi lại trên trốc, và dù ai nấy đều vui vẻ, một kiểu vui vẻ bong bóng, thì bản thân việc sống đã trở nên vô nghĩa tới mức khó mà tin được một xã hội như thế lại có thể tồn tại lâu dài.

Xét trên tổng thể thì cuốn Zamyatin gần gũi với tình cảnh thực của chúng ta hơn. Bất chấp giáo dục tẩy não, bất chấp cặp mắt diều hâu của đám Bảo Vệ, rất nhiều bản năng loài người từ tối cổ vẫn còn lại. Người kể chuyện “D-503”, một kỹ sư giỏi giang nhưng là một cá nhân khá vụng về, một kiểu “Billy Brown ở London Town” trong cõi Không tưởng [một nhân vật được giới chức London nghĩ ra làm một kiểu mascot trong thời Thế chiến II, thường xuất hiện trong các áp phích kèm các bài vè dạy thói quen văn minh hợp lý khi sử dụng phương tiện công cộng], thường xuyên phải kinh hãi khi phát hiện trong mình những xung năng có tính lại giống. Anh ta phải lòng (dĩ nhiên đấy là một tội ác) một cô nàng tên I-330, cô ta hóa ra là thành viên một phong trào phản kháng ngầm, và trong một khoảng thời gian ngắn còn dụ được anh ta cùng tham gia nổi loạn. Khi cuộc nổi loạn bùng lên, té ra kẻ thù của Lãnh Tụ Thiện Nguyện có kha khá, và ngoài việc mưu toan lật đổ Quốc Gia thì số người này khi rèm buông xuống còn tham gia những trò đồi bại như là hút thuốc hay uống rượu. Nhưng rốt cuộc D-503 cũng được cứu khỏi những hậu họa của lối cư xử rồ dại ấy. Nhà chức trách tuyên bố đã phát hiện ra nguồn gốc những rối loạn gần đây: là do một số con người mắc phải một chứng bệnh có tên là ảo tưởng. Giờ đây người ta đã tìm ra trung khu thần kinh gây nên chứng bệnh này, và có thể chữa trị triệt để bằng tia X. D-503 trải qua phẫu thuật, nhờ đó có thể dễ dàng thực hiện điều mà trước nay anh ta vẫn biết là bổn phận của mình: tức là đi tố các đồng mưu của anh cho cảnh sát. Dửng dưng, anh ta quan sát cảnh I-330 bị tra tấn bằng hơi ngạt trong chuông thủy tinh:

“Cô nhìn tôi, bấu chặt vào tay ghế, nhìn mãi cho đến khi mắt nhắm hẳn. Lúc đó người ta lôi cô ra, dí những điện cực vào để mau chóng hồi tỉnh, rồi lại đưa vào chuông. Cứ thế lặp lại ba lần, mà rốt cuộc cô vẫn không hé lấy nửa lời. Những người khác được đưa đến cùng với người phụ nữ này có vẻ thành khẩn hơn: nhiều người đã bắt đầu khai nhận ngay từ lần đầu. Ngày mai tất cả bọn họ sẽ lên bậc thang đến Cỗ Máy của Lãnh Tụ Thiện Nguyện.” (Bản dịch Tiếng Việt, “Chúng tôi,” Phạm Ngọc Thạch dịch, Tao Đàn, trang 292).

Cỗ Máy của Lãnh Tụ Thiện Nguyện là đoạn đầu đài. Trong cõi Không tưởng của Zamyatin, hành hình là chuyện thường ngày ở huyện. Hành hình giữa công chúng, có sự tham dự của Lãnh Tụ Thiện Nguyện, trong tiếng ngâm những bài tụng ca hoan hỉ của các thi sĩ nhà nước. Tất nhiên đoạn đầu đài của họ không phải thứ cấu trúc thô thiển ngày xưa, mà là một thiết bị tiến bộ hơn nhiều, trong nháy mắt có thể làm chảy tan nạn nhân của nó chỉ để lại một vũng nước trong và một bụm khói. Thực tế cuộc hành hình chính là một hình thức hiến sinh người, và cảnh đó trong tác phẩm được chủ ý miêu tả cho giống với những nền văn minh chiếm nô hắc ám thời cổ đại. Chính cái cảm nhận trực giác về khía cạnh phi lý tính của chế độ toàn trị ấy – tập tục hiến sinh người, tính độc ác chỉ vì độc ác, sự suy tôn một Lãnh tụ được cho là chứa những đặc tính thần thánh – đã khiến cuốn Zamyatin hơn hẳn một bậc so với Huxley.

Ta dễ nhận ra vì sao cuốn sách không được cho phép xuất bản. Nội cuộc đối thoại sau giữa D-503 và I-330 (tôi có rút ngắn đi một tí) là đủ cho những cây bút chì của nhà kiểm duyệt phải rột rẹt rồi:

“Lẽ nào em không thấy rõ rằng những gì bọn em trù tính… đó là cách mạng?”
“Phải, cách mạng! Vì sao lại ngớ ngẩn chứ?”
“Ngớ ngẩn… bởi vì không thể có cách mạng. Bởi vì – không phải em mà là anh nói – cuộc cách mạng của chúng ta đã là cuộc cách mạng sau cùng. Không thể có cuộc cách mạng nào khác nữa. Điều này bất cứ ai cũng đều hiểu rõ…”
“Anh yêu của em: anh là nhà toán học… thế này nhé, hãy gọi tên số tận cùng.”
“Điều ấy thật ngớ ngẩn. Số các số là vô tận, làm sao ó một con số tận cùng được.”
“Vậy làm sao anh lại nghĩ có thể có cuộc cách mạng cuối cùng được.” (Bản dịch tiếng Việt “Chúng tôi”, Phạm Ngọc Thạch dịch, Tao Đàn, trang 217-18.)

Còn nhiều đoạn tương tự khác trong tác phẩm. Tuy thế, cũng rất có thể Zamyatin không chủ định viết một cuốn giễu nhại đích xác chế độ Xô viết. Cuốn sách được viết quãng thời gian Lenin qua đời, ông không thể hình dung được thời kỳ độc tài của Stalin, và tình hình ở Nga năm 1923 không thể khiến ai nổi loạn với lý do đời sống đang trở nên quá dễ chịu và an toàn cả. Có vẻ Zamyatin không định nhằm đến một đất nước nào cụ thể, mà đến cái đích hàm ẩn của nền văn minh công nghiệp hóa. Tôi vẫn chưa đọc các cuốn khác của ông, nhưng Gleb Struve cho biết ông đã sống vài năm ở Anh, viết khá nhiều tác phẩm giễu nhại rát bỏng về đời sống ở Anh. Chúng tôi cho thấy rõ ông có thiên hướng ngả về chủ nghĩa nguyên thủy [primitivism] rất mạnh. Ông bị Sa hoàng bỏ tù năm 1906, rồi lại bị người Bolshevik bỏ tù năm 1922, tại cùng một nhà tù, trong cùng một hành lang, hẳn nhiên ông không ưa những chính quyền đã trải qua, nhưng cuốn sách của ông không chỉ nhằm tố khổ kể sở chuyện cũ. Về bản chất đấy là một nghiên cứu sâu Cỗ Máy, vị thần mà con người đã xốc nổi thả khỏi bình và giờ không cách nào nhét trở lại. Đây là một cuốn sách đáng tìm hiểu khi nào bản tiếng Anh lại ra.

Tribune, London, 4/1/1946

Nuyễn An Ní dịch

Chấm sao chút:

Đã có 1 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Website | Các bài viết khác

không biết viết ngắn