Thời gian đọc: 19 phút

Một họa sĩ phù thế là lời tự thuật của nhân vật Matsuji Ono, trước đây là một họa sĩ có tiếng tăm (theo lời ông). Ông từ bỏ dòng tranh phù thế (thể hiện vẻ đẹp phù du của thế giới đêm trụy lạc, nói chung là hơi lãng mạn) để đem nghệ thuật phục vụ cho đế quốc Nhật lúc đó bước vào Thế chiến 2. Thời gian truyện diễn ra vào thời điểm hậu chiến, khi Ono vật lộn trong một cuộc sống ở đó mọi kiêu hãnh (và ảo tưởng) của ông đã sụp đổ, những người như ông giờ đây bị thế hệ trẻ trút lên trách nhiệm đã đẩy nước Nhật vào hoàn cảnh bi thảm hậu chiến. Sự kiện chủ chốt trong truyện là Ono lo cho đứa con gái thứ hai lấy chồng (khá khó khăn, Ono nghĩ là do tiếng xấu của mình). Để lo cho hạnh phúc của con, Ono đã trải qua nhiều dằn vặt, và cuối cùng cũng thừa nhận những sai lầm của bản thân, thoát khỏi các mặc cảm từ quá khứ.

Cuốn tiểu thuyết cũng nói về quan hệ thầy trò. Các ông thầy chăm chút học trò mình, nhưng khi học trò có dấu hiệu sáng tạo vượt qua mình thì các ông thầy trở nên cay nghiệt và tàn nhẫn, coi học trò là phản bội, tìm mọi cách để hủy hoại học trò. Điều này xảy ra với Ono khi ông theo học Mori, và khi Ono thành thầy rồi thì ông cũng lại làm điều tương tự với học trò tâm đắc nhất của mình là Kuroda.

Những cuộc vui của chúng tôi cũng không chỉ giới hạn ở các cuộc phiêu lưu vào thành phố. Thầy Mori dường như có một danh sách dài vô tận những người quen từ thế giới giải trí, hay các gánh diễn rong đói kém gồm toàn những diễn viên, những vũ công và nhạc công cứ kéo mãi đến dinh thự để được đón tiếp như những bạn bè lâu ngày gặp lại. Lúc ấy rất nhiều rượu sẽ được mang ra, những vị khách của chúng tôi sẽ hát hò và nhảy múa suốt đêm, và chẳng bao lâu sau ai đó sẽ được cử đi đánh thức người bán rượu ở làng gần nhất để mà lấy thêm. Một vị khách thường lệ hồi bấy giờ là nghệ sĩ hài độc thoại tên là Maki, một con người bệ vệ vui tính, có thể khiến tất cả chúng tôi cười lăn cười bò lúc này rồi liền đó lại khóc lóc thảm thiết, qua cách ông diễn những câu chuyện cổ. Nhiều năm sau, tôi bắt gặp Maki vài lần ở Migi-Hidari, và chúng tôi sẽ kinh ngạc hồi tưởng lại những đêm ở dinh thự. Maki tin là ông nhớ nhiều bữa tiệc như thế liên tục thâu đêm sang ngày rồi thông đến tận đêm hôm sau. Dù chuyện đó tôi không được chắc chắn cho lắm, tôi phải thừa nhận là có những hồi ức về dinh thự của thầy Mori vào những buổi ban ngày, khắp nơi bừa bộn với những cơ thể ngái ngủ hay kiệt quệ, một số ngã vật ngoài sân, mặc ánh nắng trút thẳng lên mình.

Tuy nhiên, có một đêm như thế đã lưu lại sống động hơn hẳn trong ký ức tôi. Tôi nhớ mình đang đi bộ đơn độc ở giữa sân, khoan khoái thưởng thức khí trời đêm trong lành, được tạm thời thoát khỏi những cuộc chè chén say sưa. Tôi nhớ đã đi bộ đến cửa nhà kho, và trước khi bước vào, tôi liếc ra sau nhìn về phía căn phòng nơi bạn bè tôi và khách khứa đang mua vui với nhau. Tôi có thể nhìn thấy nhiều bóng người đang nhảy múa sau rèm giấy, giọng một ca kỹ bồng bềnh đến tai tôi qua màn đêm.

Tôi đã tìm đến nhà kho vì đó là một trong những chốn hiếm hoi trong dinh thự mà ta có thể ở đó bao lâu tùy ý mà không bị quấy rầy. Tôi hình dung trong những ngày đã qua, khi dinh thự còn nuôi những cảnh vệ và gia nhân, căn phòng từng được sử dụng để chứa vũ khí và áo giáp. Nhưng khi tôi bước vào trong đêm hôm đó và thắp đèn lồng treo trên cửa, tôi thấy sàn nhà cơ man là đồ vật đủ loại, đến nỗi muốn vượt qua chỗ bừa bộn đó ta buộc phải nhón chân nhảy cái một; khắp nơi là những chồng giấy toan cũ được buộc dây, những giá vẽ gãy, đủ loại bình và lọ lô nhô đầu hoặc cán cọ. Tôi chật vật mãi mới đến được một chỗ trống trên sàn nhà mà ngồi xuống. Tôi nhận thấy chiếc đèn treo trên cửa đang khiến cho mọi vật quanh tôi sinh ra những cái bóng quá khổ; nó gây một ấn tượng rùng rợn, như thể tôi đang ngồi giữa nghĩa trang thu nhỏ quái dị.

Tôi cho là mình hẳn đã chìm vào trong những suy nghĩ của bản thân, vì tôi nhớ đã giật mình bởi tiếng cánh cửa nhà kho mở ra. Tôi ngước lên thấy thầy Mori đứng ở cửa, liền vội vàng nói: “Thầy ạ.”

Có lẽ đèn lồng trên cửa không đủ ánh sáng chiếu vào chỗ tôi ngồi, hay có lẽ đơn giản là khuôn mặt của tôi chìm trong bóng tối. Dù thế nào thì thầy Mori cũng nhòm tới và hỏi:

“Ai thế? Ono à?”

“Quả vậy, là con thưa Thầy.”

Ông tiếp tục nhìn chăm chú một lát. Rồi, gỡ đèn xuống khỏi dầm phòng và cầm trước mặt, ông bắt đầu bước về phía tôi, thận trọng băng qua những đồ vật trên sàn. Khi ông bước, ngọn đèn trên tay ông khiến những cái bóng chung quanh tôi chuyển động. Tôi vội vã gạt đồ đạc để lấy chỗ cho ông, nhưng trước khi tôi kịp làm thế, thầy Mori đã ngồi xuống trên chiếc rương gỗ cũ kỹ cách tôi một đoạn. Ông cất tiếng thở dài đoạn nói:

“Ta ra ngoài hít thở chút không khí trong lành, và ta thấy ánh đèn ở đây. Bóng tối ở khắp nơi, ngoại trừ ngọn đèn này. Và ta tự nhủ, lúc này nhà kho khó có thể là nơi cho những cặp tình nhân lẩn trốn. Dù ở đó là ai, người ấy hẳn đang trong tâm trạng cô đơn.”

“Con nghĩ mình đã ngồi đây trong cơn mơ màng, thưa Thầy. Con không định ngồi lại đây lâu như vậy.”

Ông đặt đèn xuống sàn bên cạnh, và từ chỗ tôi ngồi, tôi chỉ có thể thấy đường viền thân hình ông. “Một trong những vũ nữ ấy có vẻ đã chú ý đến trò từ trước,” ông nói. “Cô ấy sẽ thất vọng nếu thấy con biến mất vào lúc này.”

“Con không muốn tỏ ra khiếm nhã với khách khứa, thưa thầy. Cũng như thầy, con chỉ ra ngoài tìm chút không khí trong lành thôi.”

Chúng tôi yên lặng một lúc. Bên kia sân, tiếng các đồng bạn chúng tôi đang hát hò vỗ tay vẳng đến.

“Này, Ono,” cuối cùng thầy Mori nói, “con nghĩ sao về người bạn cũ Gisaburo của ta? Một con người đặc sắc.”

“Quả vậy, thưa thầy. Chừng như ông ấy là một quý ông rất nhã nhặn.”

“Có thể giờ ông ấy ăn mặc rách rưới, nhưng có thời ông ấy là một nhân vật nổi tiếng. Và như tối nay chúng ta đã được chứng kiến, ông ấy vẫn còn giữ được ngón nghề xưa.”

“Quả vậy.”

“Vậy thì Ono. Điều gì khiến con lo lắng vậy?”

“Khiến con lo lắng ư, thưa thầy? “Chao, chẳng có gì đâu ạ.”

“Có lẽ nào con cảm thấy điều gì đó hơi xúc phạm nơi Gisaburo bạn cũ của ta chăng?”

“Không hề, thưa thầy.” Tôi cười lúng túng. “Chao ôi, không hề. Một quý ông hết sức quyến rũ.”

Trong một lúc, chúng tôi nói về những chuyện khác, bất cứ điều gì nảy ra trong đầu. Nhưng khi thầy Mori quay lại đề tài những “mối lo lắng” của tôi, khi đã rõ ràng là ông đã định tâm ngồi đây đợi cho tới khi tôi bộc bạch tâm tình, cuối cùng tôi nói:

“Gisaburo quả thực là một quý ông tốt bụng. Ông ấy và những vũ nữ đã rất tử tế vì giúp chúng ta tiêu khiển. Nhưng con không khỏi nghĩ, thưa thầy, chúng ta được họ ghé thăm quá thường xuyên trong mấy tháng qua.”

Mori không đáp, nên tôi tiếp tục:

“Xin thầy tha lỗi, thưa thầy, con không có ý coi thường Gisaburo và các bạn ông ấy. Nhưng nhiều lúc con hơi bối rối. Con bối rối về việc những họa sĩ chúng ta lại dành quá nhiều thời gian đàn đúm với những người như Gisaburo.”

Tôi tin rằng ở thời điểm này, thầy tôi đứng lên và, tay cầm đèn, ông bước trên sàn đi về phía tường hậu nhà kho. Bức tường lúc nãy còn chìm trong bóng tối, nhưng khi ông giơ đèn lên, ba bản in mộc, treo thứ tự từ trên xuống, được chiếu sáng rõ mồn một. Mỗi bức tranh họa một geisha đang sửa mái tóc, họ ngồi trên sàn và góc nhìn là từ phía sau. Thầy Mori nghiền ngẫm những bức tranh một lúc, ông dịch đèn từ bức tranh này sang bức tranh kế. Đoạn ông lắc đầu và lầm bầm một mình: “Sai lầm chí tử. Sai lầm chí tử vì những quan tâm vặt vãnh.” Vài giây sau, ông nói tiếp, vẫn nhìn bức tranh: “Nhưng người ta luôn cảm thấy một niềm trìu mến với những tác phẩm đầu tay của mình. Có lẽ một ngày nào đó con sẽ cảm thấy như vậy đối với những tác phẩm con đã vẽ ở đây.” Rồi ông lại lắc đầu, vừa nói: “Nhưng đây là những bức tranh hỏng chí tử, Ono à.”

“Con không thể đồng ý, thưa thầy,” tôi nói. “Con nghĩ những bản in kia là những mẫu mực phi thường về cách mà tài năng của một họa sĩ có thể vượt qua những giới hạn của một phong cách nhất định. Con thường nghĩ quả là tột cùng đáng tiếc khi những tác phẩm đầu tay của thầy lại bị cầm giữ trong những căn phòng như thế này. Chắc chắn chúng phải được trưng bày cùng với những bức tranh khác của thầy.”

Thầy Mori vẫn chìm đắm vào những bức tranh của ông. “Hỏng chí tử,” ông nhắc lại. “Nhưng ta cho rằng lúc ấy ta còn rất trẻ.” Ông lại xê dịch ngọn đèn, khiến một bức tranh nhòa vào bóng tối và bức tranh khác hiện ra. Đoạn ông nói: “Mấy tranh này đều là cảnh một kỹ viện nào đó ở Honcho. Một nơi rất được ưa chuộng thời ta còn trẻ. Gisaburo và ta thường cùng nhau đến những nơi như vậy.” Ngừng lại một khắc, rồi ông nói tiếp: “Đây là những bức tranh hỏng chí tử, Ono ạ.”

“Nhưng thưa thầy, con không thể nhận ra khiếm khuyết nào trong những bản in này, dù một con mắt tinh tường hơn hẳn có thể.”

Ông tiếp tục xem những bức tranh một lúc nữa, rồi bắt đầu băng qua căn phòng đi tới cửa. Tôi cảm tưởng như ông phải mất một lượng thời gian quá nhiều để xoay xở băng qua những đồ vật trên sàn; đôi khi, tôi nghe ông lẩm nhẩm gì đó một mình và tiếng chân ông gạt một cái bình hoặc chiếc hộp ra xa. Quả thật, một vài lần tôi nghĩ thầy Mori thực ra đang tìm kiếm gì đó – có lẽ những bản tranh in thủa đầu của ông – giữa những chồng hỗn độn này, nhưng cuối cùng ông ngồi xuống cái rương gỗ cũ rồi cất tiếng thở dài. Sau một lát yên lặng nữa, ông mới nói:

“Gisaburo là một người bất hạnh. Cuộc đời ông ấy thật buồn. Tài năng của ông ấy đã tàn lụi. Những người ông ấy từng yêu đã chết hoặc bỏ rơi ông ấy. Ngay thời chúng ta còn trẻ, ông ấy đã mang một tính cách đơn độc, buồn bã.” Thầy Mori ngừng một lát. Rồi ông tiếp tục nói: “Nhưng thỉnh thoảng chúng ta cùng uống rượu và vui thú với đàn bà ở lạc phố, và Gisaburo sẽ trở nên hạnh phúc. Những phụ nữ ấy sẽ nói những điều ông ta muốn nghe, và trong cái đêm đó, ông ấy có thể tin lời họ. Dĩ nhiên, khi ngày đến, ông ấy là một người quá lịch duyệt nên không tin vào những điều như vậy nữa. Nhưng cũng không vì thế mà Gisaburo bớt trân trọng những buổi tối như vậy. Điều tuyệt vời nhất, ông ấy từng hay nói, là hợp trong một đêm rồi tan biến vào sớm mai. Cái người ta gọi là phù thế, Ono ạ, thì với Gisaburo lại là một cõi mà ông trân trọng.”

Thầy Mori lại ngừng lời. Vẫn như trước, tôi chỉ có thể nhìn thấy viền thân hình ông, nhưng tôi cảm thấy như ông đang lắng nghe những âm thanh huyên náo từ bên kia sân vọng lại. Đoạn ông nói: “Bây giờ ông ấy già hơn và buồn hơn, nhưng ở nhiều khía cạnh thì ông ấy chẳng thay đổi mấy. Đêm nay ông ấy hạnh phúc, giống như ông ấy đã từng hạnh phúc trong những thanh lâu kia.” Ông hít một hơi dài, như thể ông đang hút thuốc lá. Rồi ông nói tiếp: “Cái đẹp tinh tế nhất, mong manh nhất mà một họa sĩ có thể hy vọng nắm bắt được, nó bồng bềnh trong những thanh lâu ấy khi màn đêm buông xuống. Và trong những đêm như vậy, Ono à, một chút cái đẹp ấy dạt vào trú sở của chúng ta đây. Nhưng những bức tranh kia, chúng không hề gợi được những phẩm chất nhất thời và hư ảo ấy. Chúng hỏng từ trong sâu xa, Ono à.”

“Nhưng thưa thầy, trong mắt con, những tranh ấy gợi ra một cách chẳng thể ấn tượng hơn, chính những điều ấy.”

“Ta còn rất trẻ lúc thực hiện những bức tranh đó. Ta ngờ rằng lý do ta không thể tôn vinh cõi phù thế ấy là vì ta không thể bắt mình tin vào giá trị của nó. Những thanh niên thường mang nặng cảm giác tội lỗi khi nghĩ về khoái lạc, và ta cho là ta cũng không phải ngoại lệ. Ta cho rằng mình đã nghĩ như thế để cho mau hết thì giờ ở những nơi như vậy, để dùng tài khéo của mình vinh danh những điều mơ hồ và phù du đến thế, ta cho rằng ta đã nghĩ tất cả những điều đó là phí phạm, là suy đồi. Thật khó mà trân trọng vẻ đẹp của một thế giới khi người ta còn nghi hoặc về giá trị của nó.”

Tôi suy nghĩ về điều thầy nói, đoạn đáp: “Quả vậy, thưa thầy, con thừa nhận điều thầy nói cũng rất đúng với tác phẩm của con. Con sẽ làm tất cả những gì có thể để khắc phục vấn đề này.”

Thầy Mori dường như không nghe tôi nói. “Nhưng từ lâu ta đã đánh mất tất cả những ngờ vực đó, Ono à,” ông tiếp tục. “Khi là một ông già, khi ta nhìn lại đời mình và thấy ta đã dâng hiến cả đời mình cho nhiệm vụ nắm bắt cái đẹp độc nhất vô nhị của thế giới ấy, ta tin ta sẽ mãn nguyện. Và không kẻ nào có thể thuyết phục ta rằng ta đã lãng phí đời mình.”

Dĩ nhiên, cũng có thể thầy Mori không dùng chính xác những từ ấy. Quả thực, khi nghĩ lại, những lời đó phần nhiều giống điều mà tôi sẽ tuyên bố với học trò của mình sau khi chúng tôi đã ngấm chút men ở Migi-Hidari. “Là thế hệ họa sĩ mới của Nhật Bản, các con có một trách nhiệm lớn lao đối với văn hóa của dân tộc này. Ta tự hào vì có những học trò như các con đây. Và dù có thể ta chỉ xứng đáng với những lời ca ngợi khiêm nhường nhất, thì khi nhìn lại cuộc đời mình và nhớ rằng ta đã nuôi dưỡng và nâng đỡ sự nghiệp cho tất các trò ở đây, chao ôi, sẽ không một ai có thể thuyết phục ta rằng ta đã lãng phí đời mình.” Và mỗi khi tôi nói như vậy, tất cả những thanh niên tụ hội quanh bàn sẽ nhao nhao phản đối cách tôi xem nhẹ những bức tranh của mình – thứ họ ồn ào nhắc nhở tôi, chắc chắn là những tác phẩm vĩ đại sẽ còn lưu truyền cho hậu thế. Nhưng lần nữa, như tôi đã nói, nhiều câu từ và diễn đạt đã trở thành đặc trưng của tôi thực ra là được tôi thừa kế từ thầy Mori, và rất có thể rằng đó đích xác là những lời của thầy tôi đêm hôm đó, đã thấm nhuần trong tôi bởi ấn tượng mạnh mẽ chúng gây ra cho tôi lúc bấy giờ.

 

***

Chuyện xảy ra khoảng một tuần sau buổi sáng ở căn bếp. Thầy Mori và tôi dành cả buổi chiều vào thành phố có chút việc – có lẽ để chọn và đặt nguyên liệu cho việc vẽ, tôi không nhớ rõ. Tôi chỉ nhớ là khi chúng tôi đi công chuyện, cách cư xử của thầy Mori với tôi không có gì khác thường. Rồi khi màn đêm buông xuống, còn dư chút thời gian trước lúc tàu đến, chúng tôi bước qua những bậc thang dốc sau nhà ga Yotsugawa để lên Công viên Takami.

Thời bấy giờ, trong Công viên Takami có một điếm nghỉ rất dễ chịu, nằm ngay ở mép đồi nhìn xuống khu vực bao quanh – thực ra không cách xa đài tưởng niệm hòa bình ngày nay. Nét hấp dẫn dễ nhận thấy nhất của điếm nghỉ này là mái chìa tinh tế của nó treo đèn lồng khắp chung quanh – dù vào đêm hôm ấy, như tôi nhớ, đèn lồng đều chưa thắp khi chúng tôi đến. Bước vào dưới mái che, điếm nghỉ thênh thang như một căn phòng lớn, nhưng vì nó không có mặt vách nào, chỉ có những cột kèo đỡ mái là chen vào tầm nhìn của ta xuống phố phường bên dưới.

Có lẽ, đêm hôm đó đi cùng thầy Mori là lần đầu tiên tôi phát hiện ra điếm nghỉ kia. Đó vẫn là địa điểm tôi yêu thích suốt nhiều năm, cho đến khi nó bị phá hủy trong chiến tranh, và mỗi khi tình cờ qua con đường này, tôi thường dẫn học trò của mình đến đấy. Quả thực, tôi tin chính là tại cái điếm nghỉ ấy, ngay trước bắt đầu chiến tranh, tôi đã có cuộc trò chuyện cuối cùng với Kuroda, học trò tài năng nhất của tôi.

Dù sao đi nữa, buổi tối đầu tiên ấy khi tôi theo thầy Mori vào trong điếm nghỉ, tôi nhớ bầu trời mang màu đỏ sậm, và trong cảnh tối ảm đạm, vẫn có thể nhìn thấy ánh đèn từ những mái nhà xa xa dưới kia. Thầy Mori bước thêm vài bước nữa về phía cảnh tượng ấy, nghiêng vai dựa vào cột, ngước lên bầu trời với một vẻ thỏa mãn, rồi thầy nói mà không quay lại nhìn tôi:

“Ono này, có diêm và nến con trong khăn bọc đấy. Hãy thắp mấy ngọn đèn này đi. Ta đồ rằng, ấn tượng nó tạo nên sẽ thú vị lắm.”

Khi tôi đi vòng quanh điếm nghỉ để thắp hết đèn này sang đèn khác, khu vườn đã trở nên tĩnh lặng chung quanh chúng tôi dần chìm vào bóng tối. Trong lúc đó, tôi tiếp tục liếc nhìn về hình dáng của thầy Mori trên nền trời, đang trầm tư ngắm cảnh. Tôi đã thắp được phân nửa số đèn thì tôi nghe thầy nói:

“Ono này, chuyện gì đang làm con phiền lòng quá vậy?”

“Con xin lỗi, thưa thầy?”

“Hôm nay con đã nhắc đến, rằng có điều gì đó khiến con bận lòng.”

Tôi khẽ cười khi với tay lên một chiếc đèn.

“Chỉ là chuyện nhỏ nhặt thôi, thưa thầy. Con không muốn làm phiền thầy vì chuyện này, nhưng con không biết phải hiểu thế nào. Thực ra, cách đây hai ngày, con phát hiện ra một số tranh của con đã bị chuyển đi khỏi nơi mà con luôn cất giữ trong căn bếp cũ.”

Thầy Mori vẫn im lặng một lát. Đoạn ông nói:

“Thế những người khác nói thế nào về chuyện này?”

“Con đã hỏi họ, nhưng không ai biết gì cả. Hoặc ít nhất, dường như không ai muốn nói với con cả.”

“Vậy con kết luận ra sao, Ono? Có âm mưu nào chống lại con ư?”

“Ồ, thực tế là, thưa thầy, những người khác tỏ vẻ lo lắng, họ tránh đi chung với con. Thực ra, mấy ngày qua con không thể trò chuyện gì với bất kỳ ai. Khi con vào phòng, mọi người sẽ im lặng, hoặc cùng rời đi.”

Ông không bình luận gì chuyện này, và khi tôi liếc nhìn ông, ông dường như vẫn bị hút vào bầu trời hoàng hôn. Trong lúc tôi đang thắp một ngọn đèn khác thì ông nói:

“Những bức tranh của con hiện ta đang giữ. Ta xin lỗi nếu việc lấy những bức tranh kia làm con lo lắng. Tình cờ hôm trước ta có chút thời gian rảnh, và nghĩ đó là cơ hội tốt để xem dạo này con vẽ thế nào. Lúc đấy hình như con đi ra ngoài. Lẽ ra ta nên cho con biết khi con quay về, Ono à. Ta xin lỗi.”

“Chao ôi, không hề gì, thưa thầy. Con rất biết hơn vì thầy đã quan tâm đến tác phẩm của con.”

“Hiển nhiên là ta quan tâm. Con là học trò toàn hảo nhất của ta. Ta đã dành nhiều năm nuôi dưỡng tài năng cho con.”

“Dĩ nhiên, thưa thầy. Ơn nợ thầy con không biết kể sao cho vừa.”

Cả hai chúng tôi không nói gì trong chốc lát, trong khi tôi tiếp tục thắp đèn. Rồi tôi ngừng lại và nói:

“Con thấy nhẹ lòng vì tranh của con không bị tổn hại gì. Lẽ ra con phải biết lời giải thích chỉ đơn giản là thế. Giờ con có thể yên tâm được rồi.”

Thầy Mori không nói gì, và nhìn hình bóng ông, tôi nhận thấy mắt ông không rời khỏi phong cảnh. Tôi chợt nghĩ, ông không nghe tôi nói, nên tôi nói lớn hơn một chút:

“Con mừng có thể yên tâm rằng những bức tranh được an toàn.”

“Đúng vậy, Ono,” thầy Mori nói, như thể giật mình bứt khỏi những suy nghĩ xa xăm. “Lúc đấy ta không có nhiều thời gian. Nên ta đã cử người đến lấy những tác phẩm con vẽ gần đây.”

“Con thật ngốc đã lo lắng đến thế. Con mừng vì những bức tranh được an toàn.”

Ông không nói gì một lúc, nên tôi lại nghĩ ông không nghe thấy tôi. Nhưng ông nói: “Những gì ta thấy làm ta hơi ngạc nhiên. Dường như con đang khám phá những con đường kỳ lạ.”

Dĩ nhiên, có thể ông đã không sử dụng chính xác cụm từ đó, “khám phá những con đường kỳ lạ.” Vì tôi chợt nhận ra đấy chính là lối diễn đạt tôi sử dụng thường xuyên những năm sau này, và có thể là tôi đang nhớ đến những lời chính tôi đã nói với Kuroda vào một dịp sau này cũng tại cái điếm nghỉ đó. Nhưng lúc ấy, tôi tin thầy Mori đôi lần nhắc đến việc “khám phá những con đường”; thực ra, đây có thể coi là một ví dụ nữa cho việc tôi thừa hưởng một đặc điểm của người thầy cũ. Dù thế nào đi nữa, tôi nhớ tôi đã không phản ứng gì ngoài việc cười lúng túng, và với tay thắp một chiếc đèn nữa. Rồi tôi nghe ông nói:

“Họa sĩ trẻ thử nghiệm một chút không phải điều xấu. Ngoài những cái lợi khác, anh ta có thể giải tỏa những bận tâm hời hợt của mình. Sau đấy, anh ta có thể quay về công việc nghiêm túc với lòng trung thành hơn bao giờ hết.” Sau một quãng dừng, ông lẩm nhẩm như thể tự nói với chính mình: “Không, thử nghiệm không phải điều xấu. Đó là một phần của tuổi trẻ. Không hề xấu chút nào.”

“Thưa thầy,” tôi nói, “con có cảm nhận rất mãnh liệt rằng tác phẩm mới đây của con là tác phẩm tuyệt vời nhất con từng vẽ.”

“Không phải tồi, không hề tồi chút nào cả. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, người ta không nên dành quá nhiều thời gian cho những thử nghiệm như vậy. Người ta có thể trở nên giống một kẻ chu du quá nhiều. Tốt nhất nên quay về với lao động nghiêm túc trước khi đi quá xa.”

Tôi đợi xem ông nói gì nữa không. Sau một lát, tôi nói: “Dứt khoát là con đã thật ngốc nghếch vì đã lo lắng quá nhiều cho sự an toàn của những bức tranh ấy. Nhưng thầy thấy đấy, thưa thầy, con thấy tự hào về chúng hơn hết thảy những thứ khác mà con đã vẽ. Dẫu sao, lẽ ra con phải đoán được lời giải thích chỉ đơn giản là như vậy.”

Thầy Mori vẫn im lặng. Khi tôi lén nhìn ông qua chiếc đèn tôi đang thắp, thật khó đoán định ông đang suy tư về những lời tôi nói hay nghĩ về điều gì khác lúc ấy. Có một thứ hỗn hợp ánh sáng kỳ lạ trong điếm nghỉ khi mặt trời lặn dần, và tôi thắp thêm đèn. Nhưng trước mắt tôi thầy Mori vẫn chỉ là một hình bóng, dựa vào một cái cột, lưng quay về phía tôi.

“Tiện đây, Ono ạ,” cuối cùng ông nói, “ta nghe bảo có một vài bức tranh khác của con hoàn thiện gần đây không nằm trong số những bức ta đang giữ.”

“Có thể lắm, có một hai bức con không cất cùng với những bức kia.”

“À. Và hiển nhiên đấy chính những bức tranh con trìu mến nhất.”

Tôi không đáp lại câu này. Rồi thầy Mori tiếp tục:

“Có lẽ khi chúng ta quay về, Ono à, con sẽ mang những bức tranh ấy đến cho ta. Ta rất hứng thú muốn được xem chúng.”

Tôi nghĩ một lát, đoạn nói: “Dĩ nhiên, con sẽ rất trân trọng ý kiến của thầy về những bức tranh ấy. Tuy nhiên, con không nhớ rõ mình để chúng ở đâu.”

“Nhưng con sẽ cố gắng tìm ra chúng, ta tin vậy.”

“Con sẽ tìm, thưa thầy. Trong lúc ấy, có lẽ con muốn giúp thầy giải phóng bớt những bức tranh mà thầy đã có lòng để mắt đến. Chắc chắn chúng đang để bừa bộn làm chật chỗ của thầy, nên con sẽ lấy lại chúng đi khi chúng ta quay về.”

“Không cần phải bận tâm tới những bức tranh kia đâu, Ono. Con chỉ cần tìm những bức còn lại mang đến cho ta là được rồi.”

“Thưa thầy, thật tiếc là con sẽ không thể tìm được những bức tranh còn lại.”

“Ta hiểu, Ono.” Ông cất tiếng thở dài mệt mỏi, và tôi có thể thấy ông một lần nữa ngước nhìn lên bầu trời. “Vậy con không cho là con có thể mang những bức tranh còn lại đến cho ta.”

“Không, thưa thầy. Con e là không.”

“Ta hiểu. Dĩ nhiên, con đã tính đến tương lai của mình trong trường hợp con rời khỏi sự bảo trợ của ta.”

“Con hy vọng thầy sẽ hiểu cho hoàn cảnh của con, và tiếp tục ủng hộ con theo đuổi sự nghiệp của mình.”

Ông vẫn im lặng, nên cuối cùng tôi nói tiếp:

“Thưa thầy, phải rời dinh thự sẽ là nỗi đau đớn tột cùng với con. Những năm tháng qua là quãng thời gian hạnh phúc nhất và giá trị nhất trong đời con. Con coi những đồng nghiệp như anh em ruột thịt. Và đối với thầy, chao ôi, con khó có thể kể hết ơn nghĩa. Con chỉ xin thầy hãy xem những bức tranh mới của con lần nữa và cân nhắc lại. Thực ra, con mong khi chúng ta quay về thầy sẽ cho phép con lý giải ý đồ trong mỗi bức tranh.”

Ông không tỏ dấu hiệu nghe tôi nói. Nên tôi tiếp tục:

“Con đã học được nhiều điều những năm vừa qua. Con đã học được nhiều trong sự thưởng ngoạn cõi phù thế, và nhận ra vẻ đẹp mong manh của nó. Nhưng giờ con cảm thấy đã đến lúc con tiến sang những chủ đề khác. Thưa thầy, con tin rằng trong thời buổi nhiễu nhương thế này, họa sĩ phải học cách trân trọng điều gì đó hữu hình hơn những thứ khoái cảm sẽ biến mất cùng ánh sáng ban mai. Họa sĩ không nhất thiết chỉ được quan tâm tới một thế giới suy đồi và khép kín. Thưa thầy, lương tâm mách bảo con rằng con không nên cứ mãi là một họa sĩ của phù thế.”

Nói đoạn, tôi quay lại chú tâm vào những chiếc đèn lồng. Sau một lát, thầy Mori nói:

“Suốt một thời gian, con đã là học trò toàn hảo nhất của ta. Ta sẽ thấy đau đớn phải chứng kiến con ra đi. Thế này nhé, con có ba ngày để mang những bức tranh còn lại đến. Con sẽ mang những bức tranh đó cho ta, rồi quay về tập trung vào những chủ đề thích đáng.”

“Như con đã nói, thưa thầy, con rất lấy làm tiếc không thể mang cho thầy những bức tranh đó.”

Thầy Mori phát ra một âm thanh như thể ông đang tự cười với bản thân. Đoạn ông nói: “Như chính con đã chỉ ra, Ono, đây đúng là thời buổi nhiễu nhương. Càng nhiễu nhương hơn với một họa sĩ trẻ, thực tế là chưa có tiếng tăm, không có tài lực. Nếu con kém tài hơn, ta sẽ lo ngại cho tương lai của con sau khi rời bỏ ta. Nhưng con là người thông minh. Chắc chắn con đã có những toan tính rồi.”

“Thực ra là con chưa hề có toan tính gì cả. Từ rất lâu rồi dinh thự đã trở thành nhà của con, con chưa bao giờ suy nghĩ nghiêm túc về việc rời bỏ nó.”

“Vậy ư. Ồ, như ta nói đấy, Ono, nếu con kém tài hơn thì có lý do phải lo lắng đấy. Nhưng con là một thanh niên thông minh.” Tôi thấy hình bóng thầy Mori quay về phía tôi. “Con chắc chắn sẽ tìm được một chân minh họa cho tạp chí và sách tranh. Có lẽ con sẽ làm cho một công ty như cái chỗ hồi con mới đến với ta. Dĩ nhiên, điều đó sẽ chấm dứt sự nghiệp một họa sĩ nghiêm túc, nhưng chắc chắn con đã tính toán tất cả những chuyện này rồi.”

Đấy có vẻ là những lời thù hằn không cần thiết để một người thầy dùng với kẻ học trò mà ông biết vẫn một lòng tôn kính mình. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, khi một đại danh họa dành quá nhiều thời gian và công sức cho một học trò nào đó, khi ông ta thậm chí còn cho phép tên người học trò ấy gắn với tên mình trước công chúng, thì có lẽ cũng dễ hiểu, nếu không nói là hoàn toàn có thể dung thứ được, rằng người thầy ấy trong giây lát đã quên mất sự chừng mực, và phản ứng theo những cách mà sau này ông sẽ hối tiếc. Dù thủ đoạn chiếm đoạt những bức tranh ấy dứt khoát là ti tiện, thì hoàn toàn dễ hiểu nếu một người thầy, kẻ đã cung cấp hầu hết màu vẽ và họa liệu, trong khoảnh khắc như thế đã quên mất rằng người học trò có mọi quyền hạn đối với tác phẩm của anh ta.

Triều Dương dịch

(Tác phẩm đã được Nhã Nam mua bản quyền và sẽ xuất bản trong thời gian tới.)

 

 

Chấm sao chút:

Đã có 2 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3