Thời gian đọc: 6 phút

Nói đúng ra, việc tái bản cuốn sách này dưới một hình thức mới thì không cần lời tựa khác làm gì nhưng bởi đây vốn là nơi để thể hiện những ý kiến cá nhân nên tôi sẽ nhân cơ hội này mà đề cập đến, trong phần “Ghi chú của tác giả” này, hai điều trong những nhận xét về chính bản thân tôi mà tôi thấy trên báo chí trong những ngày gần đây.

Một trong hai điều đó là vấn đề về ngôn ngữ. Tôi luôn thấy bản thân mình bị người ta nhìn nhận kiểu như một hiện tượng, một vị trí mà ở ngoài cái thế giới rạp xiếc thì chẳng đáng ham hố gì. Chắc ai đó phải có tính khí đăc biệt lắm thì mới thấy vui thú với việc có thể cố tình làm những trò kì quặc, và làm như vậy thuần túy vì tính phù phiếm mà thôi.

Tất nhiên việc tôi không viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình đã được bàn luận thường xuyên trong những bài điểm sách, nhận xét về những tác phẩm của tôi hay trong những bài phê bình kĩ lưỡng hơn. Tôi biết điều này là không thể tránh được và thực sự thì những bình luận thuộc loại như vậy khiến cho cái thói phù phiếm thấy sung sướng thỏa mãn nhất. Nhưng trong vấn đề ấy ở tôi không có cái thói phù phiếm để mà mấy cái lời ấy có thể tung hô. Tôi không thể. Mục đích đầu tiên của ghi chú này là bác bỏ bất kì lập luận nào cố tình ép buộc như vậy.

Không biết thế nào mà hầu hết mọi người đều có ấn tượng rằng tôi phải lựa chọn giữa hai ngôn ngữ tiếng Pháp và tiếng Anh, cả hai đều không phải tiếng mẹ đẻ của tôi. Ấn tượng ấy là rất sai lầm. Tôi tin là nó bắt nguồn trong một bài báo của Sir Hugh Clifford được xuất bản, chắc là vào năm 98 của thế kỷ trước. Không lâu trước đó, Hugh Clifford đã đến gặp tôi. Ông ấy, nếu không phải người đầu tiên, thì cũng là một trong hai người bạn đầu tiên mà tôi có nhờ các tác phẩm của mình, người kia là ông Cunninghame Graham người đã bị câu chuyện An Outpost of Progress của tôi hớp hồn. Tình bạn ấy vẫn kéo dài đến tận ngày hôm nay là một trong những tài sản quý giá nhất của tôi.
Hugh Clifford (khi đấy còn chưa được phong tước) vừa mới xuất bản cuốn đầu tiên trong bộ tác phẩm về Mã Lai. Tất nhiên tôi rất vui khi gặp ông ấy và biết ơn vô cùng vì những điều tốt đẹp ông ấy đã nói về những cuốn sách và truyện ngắn đầu tiên của tôi khi chúng lấy bối cảnh tại quần đảo Mã Lai. Tôi nhớ là sau khi nói rất nhiều điều khiến tôi ngượng chín mặt vì ngượng, ông ấy kết thúc bằng cách nói rằng, với một sự chắc chắn không thể thỏa hiệp nhưng vẫn đầy tử tế của một người đã quen nói thẳng vào mặt những nhà cai trị ở phương đông (tất nhiên là vì tốt cho họ thôi) rằng thực ra tôi chẳng biết gì về dân Mã Lai cả. Tôi hoàn toàn ý thức được điều này chứ. Tôi chưa bao giờ giả vờ là biết những kiến thức như thế, và tôi cảm động đáp lại – tôi không biết với cái tính khí nóng nảy của tôi bây giờ thì sẽ ra sao: “Tất nhiên là tôi không biết gì về Ma Lai rồi. Nếu tôi biết được chỉ bằng một phần một trăm những điều anh và Frank Swettenham biết về Mã Lai thì tôi đã làm cả thế giới phải nhổm dậy ấy chứ.” Ông ấy vẫn nhìn tôi trìu mến (nhưng kiên định) và rồi cả hai chúng tôi lăn ra cười. Trong chuyến thăm rất vui vẻ vào hai mươi năm trước ấy, chuyến thăm tôi nhớ rất rõ, chúng tôi đã nói về rất nhiều thứ; một trong số đó là đặc trưng của những ngôn ngữ khác nhau, và chính vào ngày đó mà bạn tôi có ấn tượng rằng tôi đã phải đưa ra quyết định lựa chọn giữa tiếng Pháp và tiếng Anh. Sau này, cảm động vì tình bạn này (với ông ấy không hề là lời sáo rỗng) mà viết một nghiên cứu về Joseph Conrad trên tờ North American Review, ông ấy đã đem ấn tượng ấy đến với công chúng.

Sự hiểu lầm này, chắc chắn là hiểu lầm, không nghi ngờ gì nữa là lỗi của tôi. Chắc tôi đã diễn đạt bản thân mình kém lắm trong một cuộc nói chuyện cởi mở và thân mật mà không ai phải vặn vẹo từng câu chữ của ai như thế. Tôi nhớ lúc đấy mình định nói là: rằng – nếu tôi mà có phải lựa chọn giữa 2 ngôn ngữ ấy, và dù tôi rất hiểu tiếng Pháp và quen thuộc với nó từ thuở lọt lòng thì tôi hẳn đã phải cảm thấy e ngại để cố gắng diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ “tinh khiết” hoàn hảo như vậy. Đúng tôi tin là tôi đã dùng từ này và sau đó chúng tôi chuyển qua chủ đề khác. Tôi nói với ông ấy một chút về bản thân mình; và điều ông ấy nói với tôi về tác phẩm của mình, về phương đông, một phương đông của riêng ông ấy mà tôi chẳng biết gì ngoại trừ cái nhìn thoáng qua mơ hồ, là thứ hấp dẫn nhất. Ông Toàn quyền Nigeria bây giờ có khi không nhớ cuộc nói chuyện đó bằng tôi nhưng tôi chắc chắn là ông ấy sẽ không phiền lòng vì chuyện này, thứ mà trong ngôn ngữ ngoại giao được gọi là “cải chính” một tuyên bố mà một nhà văn vô danh đã viết về ông. Lòng trắc ẩn rộng lượng của ông ấy đã thôi thúc ông ấy đi tìm và kết giao bằng hữu.

Sự thật là khả năng viết bằng tiếng Anh của tôi cũng tự nhiên như bất kì khả năng thiên bẩm nào. Tôi có một cảm giác kì lạ và mạnh mẽ rằng nó là một phần bẩm sinh trong tôi. Tiếng Anh đối với tôi không phải sự lựa chọn hay là sự tiếp nhận. Chỉ riêng cái ý nghĩ lựa chọn thôi cũng chưa bao giờ lướt qua đầu tôi. Và sự tiếp nhận – ừ đúng là có sự tiếp nhận – nhưng chính cái thứ ngôn ngữ kỳ tài đó đã tiếp nhận tôi – trực tiếp khiến tôi bước từ giai đoạn ngắc ngứ ngập ngừng đến giai đoạn hoàn toàn thuộc về nó tới mức tôi thực sự tin rằng mỗi câu từ trong tiếng Anh đều có tác động trực tiếp đến tính khí tôi cũng như uốn nặn bản tính khi ấy hãy còn mềm dẻo của tôi.

Cái tác động ấy thân thương và huyền diệu tới mức không thể giải thích. Cố giải thích chuyện này cũng giống như ta đang cố giải thích tại sao người ta yêu từ cái nhìn đầu tiên vậy. Ở cái sự liên kết này, một cảm nhận cơ hồ thuộc về thân thể, có một kiểu quy thuận của cảm tình, có lòng kiêu hãnh của quyền được sở hữu, tất cả hòa lại đầy sửng sốt ở một phát hiện vĩ đại; nhưng cũng trong liên kết ấy không hề có một bóng tối hoài nghi nào, thứ hoài nghi dập mất ngọn lửa đam mê dễ lụi tàn của chúng ta. Ai cũng biết rõ rằng điều này sẽ là vĩnh cửu.

Là chuyện phát hiện và khám phá chứ không phải sẵn có mà thừa hưởng, mà ngay cái tựa đề ghi chú đầy thấp kém này cũng đã khiến khả năng ấy đáng quý hơn nhiều, đặt người sở hữu khả năng ấy vào một sự cam kết trọn đời, cố gắng trọn đời để xứng đáng với khả năng mình được ban tặng. Nhưng dường như, có vẻ mọi việc tôi đang làm đều như đang cố giải thích – một nhiệm vụ mà tôi đã nói lúc trước là bất khả. Nếu trong hành động, chúng ta có thể kinh ngạc mà thừa nhận rằng cái Bất Khả phải lùi bước trước sự bất khuất của con người thì trong phân tích, cái Bất Khả sẽ luôn có chỗ đứng ở đâu đó. Tất cả những gì tôi có thể khẳng định sau ngần ấy năm tận tâm rèn luyện, với những giận hờn tích tụ về sự hoài nghi, những khiếm khuyết và dao động, thì đúng là tôi cần được tin tưởng, khi tôi nói rằng nếu không viết bằng tiếng Anh thì coi như tôi hoàn toàn không viết gì luôn.

Vương Minh Thu dịch

Dịch từ bản tiếng Anh: “A Personal Record” trong Notes on My Books, 1920.

Chấm sao chút:

Đã có 0 người chấm, trung bình 0 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3