Thời gian đọc: 25 phút

Toni Morrison là giáo sư Robert F. Goheen ngành Nhân văn tại Đại học Princeton, từng nhận giải National Book Critics Circle và giải Pulitzer. Năm 1993 bà được trao giải Nobel Văn chương. Bà qua đời năm 2019.

Cả đời Pecola chỉ ao ước một đôi mắt xanh. Mắt xanh xinh đẹp, mắt màu thiên thanh, mắt xanh như mắt Shirley Temple tóc vàng da trắng. Đôi mắt xanh là hi vọng duy nhất để con bé da đen nhìn cuộc sống khác đi, để thấy mình không xấu xí, không bị chà đạp, được tự do và được yêu thương. Nhưng tiếc thay, phép lạ không có thật.

Lấy trọng tâm là bi kịch nội hoá và căm ghét chính mình đến cực đoan của Pecola, tiểu thuyết đầu tay của Toni Morrison đặt ra câu hỏi vẫn vô cùng nhức nhối sau hơn nửa thế kỉ kể từ ngày ra mắt: ai khiến con bé cảm thấy rằng thà làm kẻ quái dị còn hơn làm chính mình? Ai đã nhìn nó và thấy nó thiếu thốn như vậy, nhỏ nhít như vậy trên cán cân sắc đẹp? Trần trụi, khốc liệt, đau thương, Mắt nào xanh nhất xứng đáng là một trong những đại diện xuất sắc nhất của nền văn học hiện đại Mĩ.

 

ĐÂYLÀCẢNHÀMẸCHA DICKVÀJANESỐNGTRONGCĂNNHÀXA NHTRẮNGHỌRẤTHẠ

 

Nhà Breedlove không sống trước cửa tiệm vì họ tạm thời khó thích nghi với những đợt cắt giảm nhân công ở xưởng. Họ sống ở đó vì họ nghèo và da đen, và họ ở lại đó vì họ tin mình xấu xí. Mặc dù cái nghèo của họ đã ăn sâu và làm họ trì độn, nó không là duy nhất. Nhưng cái xấu xí của họ thì lại là duy nhất. Không ai thuyết phục được họ là họ không xấu tàn nhẫn và trông gớm ghiếc. Không kể người cha, Cholly, bởi cái xấu trai của anh ta (kết quả của thất vọng, phóng đãng, và hung bạo nhằm vào những chuyện vụn vặt và kẻ yếu thế) đã là hành vi, những người còn lại trong gia đình – chị Breedlove, Sammy Breedlove, và Pecola Breedlove – mặc lên vẻ xấu xí, có thể nói là khoác vào, dù nó không thuộc về họ. Cặp mắt, hai mắt nhỏ xích lại gần nhau dưới trán thấp. Đường chân tóc thấp, xiên lệch trông còn xiên lệch hơn trong tương phản với cặp mày thẳng băng, rậm rì gần như giao nhau. Mũi nhọn nhưng khoằm, hai lỗ mũi xấc xược. Xương gò má họ cao, tai họ úp. Cặp môi đầy đặn không làm người ta chú ý đến nó mà đến những phần khác trên mặt. Ta nhìn họ rồi tự hỏi sao họ xấu đến vậy; ta nhìn kĩ cũng không tìm được nguồn cơn. Rồi ta nhận ra nó đến từ xác tín, xác tín của họ. Như thể một vị chủ nhân thông tuệ bí ẩn nào đã phát cho mỗi người họ một tấm áo choàng xấu xí để mặc, và ai nấy đều nhận mà không thắc mắc. Chủ nhân nói, “Bọn bây là lũ người xấu xí.” Họ nhìn quanh mình và không thấy có gì để cãi lại phán quyết này; sự thật là, họ thấy hậu thuẫn cho phán quyết ấy đổ chồm về phía họ từ mọi bảng hiệu, mọi cuốn phim, mọi ánh nhìn. “Phải,” họ nói. “Chủ nhân nói đúng.” Rồi họ cầm lấy cái xấu xí trong tay, khoác lên mình như tấm áo choàng, rồi mặc vậy khắp nơi khắp chốn. Mỗi người xử trí nó theo một cách riêng. Chị Breedlove cầm cái xấu xí của chị như diễn viên cầm đạo cụ: để nhân vật nói năng lưu loát, để trợ lực cho vai diễn mà chị thường xuyên hình dung là của chị – kẻ tử vì đạo. Sammy dùng cái xấu xí của mình như vũ khí làm đau kẻ khác. Thằng nhỏ chỉnh lại hành vi theo nó, lấy nó làm cơ sở chọn bạn: kẻ nào thấy lôi cuốn, thậm chí sợ sệt cái xấu xí đó. Còn Pecola. Con bé nấp đằng sau cái xấu xí của mình. Che đậy, nguỵ trang, lu mờ – hoạ hoằn mới he hé nhìn từ sau lớp phủ, để rồi mong mỏi có lại lớp mặt nạ của mình.

Gia đình này, một sáng thứ Bảy tháng Mười, bắt đầu, từng người một, cựa mình tỉnh những giấc mơ sung túc và phục thù rồi về lại nỗi khốn khổ không tên của cửa tiệm mình.

 

Chị Breedlove tụt xuống giường không tiếng động, tròng thêm áo len bên ngoài váy ngủ (là chiếc váy mặc ngày cũ rích), rồi bước tới bếp. Bên chân lành lặn tạo tiếng động cứng cục, xương xẩu; bên chân bị vẹo thì thầm trên vải dầu lót sàn. Trong bếp chị ồn ào nơi cửa, vòi, nồi chảo. Những tiếng ồn khô rỗng, nhưng những đe doạ chúng ngụ thì không. Pecola mở mắt rồi nằm nhìn đăm đăm cái lò than tắt ngóm. Cholly ú ớ, vật mình trên giường một lát, rồi im.

Kể cả từ chỗ nằm Pecola vẫn ngửi thấy mùi whiskey của Cholly. Những tiếng ồn trong bếp đã to hơn và bớt rỗng. Trong động tác của chị Breedlove có đường hướng và dụng ý không dính dáng gì đến việc sửa soạn bữa sáng. Nhận thức này, hậu thuẫn bởi vô vàn bằng chứng trong quá khứ, khiến Pecola thóp cơ bụng lại và nín thở.

Cholly đã về nhà trong tình trạng say khướt. Chẳng may anh ta say quá không cãi cọ, nên toàn bộ chuyện này sẽ phải nổ ra sáng nay. Vì nó không diễn ra ngay, trận giao tranh sắp tới sẽ thiếu đi tính bộc phát; nó sẽ có tính toán, thiếu cảm hứng, và tàn khốc.

Chị Breedlove bước nhanh vào phòng rồi đứng bên chân giường Cholly.

“Tôi cần ít than bỏ trong nhà này.”

Cholly không nhúc nhích.

“Có nghe không đó?” Chị Breedlove thọc mạnh bàn chân Cholly.

Cholly từ từ mở mắt. Chúng đỏ ngầu và hăm doạ. Không ngoại lệ, Cholly có cặp mắt hung hãn nhất thành phố.

“Ốiiiii, đồ đàn bà!”

“Tôi nói tôi cần ít than. Trong nhà này lạnh như vú phù thuỷ. Cái đít whiskey của ông lửa địa ngục cũng không cảm thấy đâu, nhưng tôi lạnh. Tôi phải làm cả lô lốc việc, nhưng tôi không chịu lạnh cóng đâu.”

“Để tao yên.”

“Đến khi nào ông lấy cho tôi ít than. Nếu nai lưng như lừa tôi cũng không có quyền được ấm thì tôi làm để làm gì? Ông chắc chắn là không đem về cái gì cả bao giờ. Nếu để hết cho ông, cả nhà sẽ chết nhăn răng…” Giọng chị như khoan vào não. “…Nếu ông nghĩ tôi sẽ lội ra ngoài trời lạnh mà lấy, ông nên nghĩ lại đi.”

“Tao cóc cần biết mày lấy cách nào.” Một bọt bóng bạo lực vỡ toách trong cổ họng anh ta.

“Ông có chịu nhấc cái xác say xỉn ra khỏi giường đi lấy cho tôi ít than hay là không đây?”

Im lặng.

“Cholly!”

Im lặng.

“Sáng nay đừng có mà thách tôi, ông kia. Ông mà nói tiếng nữa là tôi chẻ toác ông ra!”

Im lặng.

“Được rồi. Được rồi. Nhưng tôi mà hắt hơi một cái, chỉ một cái thôi, thì có Chúa mới cứu được cái mông ông!”

Lúc này Sammy cũng đã thức, nhưng giả như đang ngủ. Pecola vẫn nín căng cơ bụng và giữ lại hơi thở. Chúng đều biết là chị Breedlove có thể, sẽ, và đã, lấy than trong kho, hoặc có thể sai Sammy hay Pecola đi lấy. Nhưng buổi tối chưa cãi cọ lửng lơ như nốt đầu một bài hát truy điệu trong không khí chờ đợi buồn thảm. Một cuộc trốn nhà đi nhậu nhẹt say sưa, dù có là lệ thế nào đi nữa, cũng phải có nghi lễ kết thúc của nó. Từng ngày nhỏ nhoi, xoàng xĩnh chị Breedlove sống được xác định, tập hợp và phân loại bằng những trận cãi vã này. Chúng tô đậm những phút những giờ mà nếu không đã mịt mờ không được nhớ đến. Chúng làm vơi cái mệt mỏi của cảnh nghèo, tô vẻ uy nghi cho những căn phòng không sinh khí. Ở những khoảng gián đoạn dữ dội trong nếp sống hàng ngày mà tự chúng đã là nếp sống hàng ngày này, chị được phô diễn phong cách và trí tưởng tượng của cái mà chị tin là con người thật của mình. Tước mất của chị những màn đôi co này là tước mất của chị mọi niềm hăng say và cái phải lẽ của đời sống. Cholly, bằng tình trạng say sưa và xấu tính quen thuộc, cung cấp cho cả hai chất liệu họ cần để chịu được đời mình. Chị Breedlove tự xem mình là một nữ giáo dân Cơ Đốc và đoan chính, phải gánh vác một gã đàn ông vô dụng mà Chúa muốn chị trừng phạt. (Cholly tất nhiên là vô phương cứu chuộc, mà cứu chuộc cũng chẳng phải điểm chính – chị Breedlove không để tâm đến Chúa Cứu Thế mà chỉ để tâm tới Chúa Phán Xét.) Lắm lúc người ta nghe thấy chị đàm đạo với Jesus về Cholly, cầu xin Người giúp chị “nện cho tên khốn té khỏi cái cao ngạo khốn kiếp của hắn.” Và có lần khi một động tác say rượu làm Cholly văng vào lò nướng nóng đỏ, chị thét lên, “Đem hắn đi đi, Jesus! Đem hắn đi đi!” Ví thử Cholly dừng nhậu nhẹt, chị sẽ không bao giờ tha thứ cho Jesus. Chị quá sức cần những tội lỗi của Cholly. Anh ta lún càng sâu, anh ta càng điên loạn và vô trách nhiệm, chị và nghĩa vụ của chị càng vẻ vang hơn. Nhân danh Jesus.

Cholly cũng cần chị chẳng kém. Chị là một trong ít thứ anh ta ghê ghét mà có thể động vào và do vậy làm đau. Anh ta trút hết lên chị mọi thịnh nộ không thành lời và dục vọng không thoả. Khi căm ghét chị, anh ta có thể để mình nguyên vẹn. Ngày còn nhỏ, Cholly bị hai gã da trắng bắt quả tang trong bụi cây khi anh ta vừa bắt đầu nhưng hăm hở khơi gợi dục tình của một đứa con gái thôn quê. Bọn chúng rọi đèn pin ngay trên mông anh ta. Anh ta dừng lại, khiếp đảm. Chúng cười khúc khích. Tia đèn rọi không xê dịch. “Tiếp đi,” chúng nói. “Làm tiếp cho xong đi. Với lại, thằng mọi đen kia, làm cho ngon vào.” Ánh đèn pin không xê dịch. Vì lí do nào đó Cholly không căm hận mấy gã da trắng; anh ta căm ghét, khinh bỉ đứa con gái. Dù chỉ lờ mờ nhớ lại cảnh này, cùng vô vàn những ê chề, thất bại, và nhục nhã khác, anh ta cũng có thể sa vào những trò đồi bại làm chính bản thân mình ngạc nhiên – nhưng chỉ bản thân anh ta thôi. Không hiểu sao anh ta không khiến người khác sửng sốt được. Anh ta chỉ có thể tự thấy sửng sốt. Nên anh ta cũng dẹp luôn chuyện đó.

Cholly và chị Breedlove giao tranh với cái hình thức tàn bạo hung hiểm mà chỉ có màn làm tình của họ sánh được. Họ ngầm thoả thuận sẽ không giết chết nhau. Anh ta đánh chị theo kiểu một thằng hèn đấu với một người đàn ông – bằng bàn chân, lòng bàn tay, và răng. Đến lượt mình, chị đánh trả theo kiểu thuần đàn bà – bằng chảo và cây cời, và thỉnh thoảng một cái bàn ủi sẽ bay vèo tới đầu anh ta. Những khi dùng chân tay như vậy họ không nói, rên siết hay chửi rủa. Chỉ có tiếng đồ vật rơi im, da thịt trên da thịt đã không còn thấy ngạc nhiên nữa.

Phản ứng của lũ con trước những trận chiến đấu này có khác. Sammy chửi rủa một hồi, hay ra khỏi nhà, hay đi đánh đấm. Mới mười bốn nó đã có tiếng là bỏ nhà đi không dưới hai mươi bảy bận. Có lần nó lên tận Bu alo và ở lại đó ba tháng. Những lần nó về, dù là do ép buộc hay do hoàn cảnh, đều sưng sỉa. Pecola, trái lại, vì bó buộc bởi tuổi nhỏ và giới tính, nên nó thử nghiệm các cách chịu đựng. Dù phương thức có khác, nỗi đau vẫn vậy và sâu hoắm tột cùng. Nó giằng co giữa mong muốn ứa tràn rằng người này sẽ giết chết người kia, và ước muốn sâu xa rằng chính mình chết đi được. Giờ nó đang lẩm nhẩm, “Đừng mà, bà Breedlove. Đừng.” Pecola, cũng như Sammy và Cholly, luôn gọi mẹ là bà Breedlove.

“Đừng mà, bà Breedlove. Đừng.” Nhưng chị Breedlove vẫn làm.

Rõ ràng, nhờ ơn Chúa, chị Breedlove đã hắt hơi. Chỉ một cái.

Chị chạy vào phòng ngủ với cái thau lớn đầy nước lạnh và hắt vào mặt Cholly. Anh ta ngồi dậy, sặc nước và phun phì phì. Trần trùng trục và xám tro, anh ta vọt khỏi giường, và bằng một cú ôm ngang người, túm eo vợ, và họ ngã lăn ra sàn. Cholly xốc chị dậy và đánh chị té nhào bằng mu bàn tay. Chị ngã lui trong tư thế ngồi, lưng có khung giường của Sammy đỡ. Chị vẫn chưa buông cái thau, nên chị dùng nó đánh vào đùi và háng Cholly. Anh ta đạp chân lên ngực chị, và chị buông cái thau. Quỳ phịch xuống gối, anh ta đánh liên tiếp vào mặt chị, và có lẽ chị đã đầu hàng sớm nếu anh ta không đánh tay trúng khung giường kim loại khi vợ né. Chị Breedlove lợi dụng phút tạm ngưng đòn này để chuồi ra khỏi tầm tay anh ta. Sammy, nãy giờ nằm im theo dõi cuộc vật lộn bên giường, bất thần dùng cả hai nắm đấm nện túi bụi lên đầu cha, vừa nện vừa gào “ ằng khốn trần truồng!” lặp đi lặp lại. Chị Breedlove, tay đã chộp cái nắp lò tròn dẹt, nhón gót chạy đến chỗ Cholly khi anh ta đang nhấc mình dậy từ tư thế quỳ, và giáng hai cú, làm anh ta rơi trở lại tình trạng mê man mà chị đã khích anh ta ra. ở hồng hộc, chị thảy tấm chăn chần lên mình anh ta và để anh ta nằm.

Sammy hét lên, “Giết lão đi! Giết lão đi!”

Chị Breedlove ngạc nhiên nhìn Sammy. “Đừng ồn nữa con.” Chị bỏ nắp lò lại chỗ cũ rồi bước tới bếp. Bên cửa chị dừng vừa đủ để nói với thằng con, “ ôi thì dậy luôn đi. Mẹ cần chút than.”

 

Bấy giờ, sau khi để bản thân thở bình thường lại, Pecola kéo chăn chần lên trùm đầu. Cảm giác lợm họng nó cố ngăn bằng cách thóp bụng dâng lên nhanh chóng dù nó đã đề phòng. Trào lên trong nó cơn buồn nôn, nhưng như mọi lần, nó biết mình sẽ không nôn được.

“Lạy Chúa,” nó bụm miệng nói thầm. “Xin hãy làm con biến mất.” Nó nhắm nghiền mắt. Từng bộ phận bé nhỏ trên cơ thể nó mờ dần đi. Khi thì từ từ, lúc lại ào ạt. Lại từ từ. Ngón tay nó biến mất, từng ngón một; rồi hai cánh tay nó tan biến dần lên tận cùi chỏ. Giờ đến hai bàn chân. Đúng rồi, tốt quá. Hai giò đi một lượt. Phía trên đùi là khó nhất. Nó phải nằm thật yên và thít người lại. Bụng nó không chịu mất. Nhưng cuối cùng, bụng nó cũng biến đi. Rồi đến ngực nó, cổ nó. Mặt cũng khó nữa. Gần xong rồi, sắp rồi. Chỉ còn lại hai con mắt nó nhắm nghiền, nhắm tít. Chúng luôn còn lại.

Có cố cách mấy nó cũng không bao giờ làm cho hai mắt biến đi được. Nên ích gì? Chúng là tất cả. Mọi thứ ở đó, trong chúng. Mọi hình ảnh đó, mọi gương mặt đó. Từ lâu nó đã bỏ cái ý định bỏ nhà đi để thấy những hình ảnh mới, những gương mặt mới, như Sammy thường làm. Anh không bao giờ dẫn nó theo, anh đi cũng không bao giờ tính trước, nên chuyện đó chưa bao giờ được lên kế hoạch. Mà dù gì thì chuyện đó cũng không thành. Chừng nào bề ngoài của nó còn như vậy, chừng nào nó còn xấu xí, thì nó vẫn phải ở lại với mấy người này. Không hiểu sao nó thuộc về họ. Hàng giờ nó ngồi soi gương, cố phát hiện ra bí mật đằng sau cái xấu xí, cái xấu xí làm nó bị thầy cô cũng như bạn học ở trường phớt lờ hoặc coi khinh. Trong lớp duy chỉ có nó ngồi bàn đôi một mình. Chữ cái đầu trong họ của nó buộc nó lúc nào cũng ngồi đầu lớp. Vậy Marie Appolonaire thì sao? Marie ngồi trước mặt nó, nhưng con bé ngồi chung bàn với Luke Angelino. ầy cô luôn đối xử với nó thế này. Họ cố để không bao giờ liếc nhìn nó, và gọi nó chỉ khi cả lớp ai cũng phải trả lời. Nó còn biết rằng khi một nữ sinh ở trường muốn đặc biệt nhục mạ một nam sinh, hay muốn có phản ứng tức thì từ thằng đó, con bé có thể nói, “Bobby yêu Pecola Breedlove! Bobby yêu Pecola Breedlove!” và lần nào cũng nhận được những tràng cười từ đám đứng gần, và vẻ giận dữ vờ vịt từ kẻ bị tố.

 

Ít lâu trước Pecola chợt nghĩ rằng nếu mắt nó, đôi mắt giữ những hình ảnh, quen các cảnh tượng – nếu đôi mắt đó của nó khác đi, có nghĩa là xinh đẹp, nó cũng sẽ khác. Hàm răng nó đẹp, và ít ra mũi nó cũng không to bè như mấy đứa được cho là dễ thương. Nếu nó trông khác đi, xinh đẹp, có lẽ Cholly sẽ khác, và bà Breedlove cũng vậy. Biết đâu họ sẽ nói, “Ơ, nhìn Pecola có đôi mắt đẹp kìa. Vợ chồng mình không được làm chuyện tệ hại trước cặp mắt xinh đẹp đó.”

Đôi mắt xinh đẹp. Đôi mắt xanh xinh đẹp. Đôi mắt xanh to xinh đẹp. Chạy đi, Jip, chạy đi. Jip chạy, Alice chạy. Alice có đôi mắt xanh. Jerry có đôi mắt xanh. Jerry chạy. Alice chạy. Chúng chạy ới đôi mắt xanh. Bốn con mắt xanh. Bốn con mắt xanh xinh đẹp. Mắt màu thiên thanh. Mắt xanh như áo xanh của bà Forrest. Mắt-xanh-ánh-ban-mai. Mắt-xanh-trong-quyển-truyện-Alice-và-Jerry.

Hàng đêm, không sót đêm nào, nó cầu xin có được đôi mắt xanh. Cả năm rồi nó thành khẩn cầu xin. Dù cũng hơi nản chí, nó không mất hi vọng. Để điều kì diệu như vậy xảy ra phải chờ thật lâu thật lâu.

Bị ném như vậy vào cái xác tín trói buộc rằng chỉ có phép màu mới cứu giúp được mình, con bé không bao giờ biết vẻ đẹp của nó. Nó chỉ thấy cái sờ sờ trước mặt: ánh mắt của kẻ khác.

Nó đi dọc đại lộ Garden đến một tiệm tạp hoá nhỏ bán kẹo một xu. Ba xu nằm trong giày nó – trượt tới trượt lui giữa tất và mặt trong đế giày. Cứ mỗi bước nó lại cảm thấy mấy đồng xu nhấn lên chân đau điếng. Cái sưng tấy ngọt ngào, chịu đựng được, thậm chí được nâng niu, đầy hứa hẹn và bảo đảm mong manh. Có vô khối thời gian để nghĩ xem mua gì. ế nhưng, lúc này, nó đi xuôi một đại lộ đâu cũng nhác thấy những hình ảnh thân thuộc và do vậy thân thương. Bồ công anh dưới chân cột điện thoại. Tại sao, nó thắc mắc, thiên hạ gọi chúng là cỏ dại? Nó thấy chúng dễ thương. Nhưng người lớn nói, “Cô Dunion chăm vườn đẹp quá. Không thấy một cọng bồ công anh nào.” Mấy bà to bè trùm khăn đen xách giỏ ra đồng nhổ chúng. Nhưng họ không cần phần hoa màu vàng – chỉ cần phần lá răng cưa. Họ nấu xúp bồ công anh. Rượu bồ công anh. Không ai thích phần hoa bồ công anh. Có lẽ vì chúng quá nhiều, mạnh mẽ và lên nhanh.

Trên vỉa hè có vết nứt như hình chữ Y, và một vết nữa làm bê tông nhô lên khỏi nền đất. Bước đi lệt bệt lắm lúc khiến nó vấp phải chỗ đó. Ván trượt sẽ lướt ro ro trên vỉa hè này – vì nó cũ, và trơn láng; nó làm bánh xe trượt đều, chỉ hơi rù rù. Những lối đi mới lát thì gồ ghề bất tiện, tiếng bánh xe ván trượt trên lối đi mới nghe lạo xạo.

Mấy thứ này và những thứ vô tri khác nó đã thấy và trải qua. Với nó chúng thực hữu. Nó quen chúng. Chúng là chuẩn tắc và chuẩn mực của thế giới, có thể diễn dịch và sở hữu. Nó sở hữu cái vết nứt làm nó vấp té đó; nó sở hữu mấy cụm bồ công anh mà đầu hoa trắng thu trước nó đã thổi; đầu hoa vàng thu này nó ló mắt nhìn vào. Và sở hữu chúng biến nó thành một phần của thế giới, và thế giới thành một phần của nó.

Nó bước bốn bậc cấp gỗ dẫn lên cửa Tiệm ịt rau tươi và Tạp hoá của Yacobowski. Chuông kêu lanh canh khi nó mở cửa. Đứng trước quầy, nó nhìn từng dãy kẹo. Mua hết Mary Jane, nó quyết ý. Một xu ba cái. Vị ngọt cứng đầu cuối cùng cũng vỡ ra để toả vị bơ lạc – dầu và muối thêm vào cái sức hút ngọt lịm của caramel. Nỗi hồi hộp làm bụng nó nôn nao.

Nó tháo giày lấy ba xu ra. Mái đầu bạc của ông Yacobowski lù lù bên quầy. Ông ép mắt mình rời khỏi ý nghĩ để đối mặt nó. Mắt xanh. Kèm nhèm. Chậm rãi, như tiết trời nóng ẩm cuối hạ chuyển mình êm ả sang thu, ông nhìn tới nó. Đâu đó từ võng mạc đến vật thể, từ cái nhìn đến cái thấy, mắt ông thu lại, ngập ngừng, và lửng lơ. Ở một điểm nhất định nào đó trong thời gian và không gian ông đánh hơi thấy mình không cần phải phí sức liếc nhìn. Ông không thấy nó, vì với ông chẳng có gì để thấy. Làm sao một chủ tiệm di cư da trắng năm mươi hai tuổi miệng có vị khoai tây và bia, óc đã khoan sâu hình ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh mắt nai, tri giác đã cùn đụt đi vì nhìn đâu cũng thấy mất mát, lại thấy một con bé da đen? Trong đời ông không có gì dù chỉ là gợi ý rằng cố gắng đó là khả dĩ, nói gì đáng mong hay cần thiết.

“Gì?”

Nó ngước nhìn ông và thấy khoảng chân không ở nơi lẽ ra phải đọng cái hiếu kì. Còn thứ gì nữa. Hoàn toàn không có ghi nhận nào về con người – chỉ có cái gạt ra đờ đẫn. Nó không biết cái gì khiến ánh nhìn ông ngưng đọng. Có lẽ vì ông là người lớn, hay đàn ông, còn nó là con gái. Nhưng nó đã thấy niềm vui thích, khinh ghét, thậm chí cơn giận dữ trong mắt đàn ông lớn tuổi. Song khoảng chân không này không mới với nó. Nó có một cạnh sắc; đâu đó ở mí mắt dưới là nỗi chán ghét. Nó đã thấy thứ này lẩn khuất trong mắt mọi người da trắng. Vậy nên. Nỗi chán ghét hẳn là dành cho nó, màu da đen của nó. Trong nó tất thảy đều biến đổi và chờ đợi. Nhưng màu da đen của nó lại tĩnh tại và dễ sợ. Và chính màu da đen mới là thứ góp phần, thứ tạo ra, khoảng chân không bo viền nỗi chán ghét trong mắt người da trắng.

Nó chỉ ngón tay vào chỗ kẹo Mary Jane – ngón tay như ngọn giáo nhỏ màu đen, đầu ngón tay ấn lên tủ kính. Cái quả quyết lặng câm không hàm ý xúc phạm của một đứa nhỏ da đen tìm cách trao đổi với một người lớn da trắng.

“Đó.” Chữ này giống tiếng thở dài hơn là mang nghĩa.

“Gì? Đây hả? Mấy cái này hả?” Đờm dãi và sốt ruột lẫn trong giọng ông.

Nó lắc đầu, đầu ngón tay giữ yên ở chỗ mà, trong tầm mắt nó, nhìn thế nào cũng thấy tay đang chỉ kẹo Mary Jane. Ông không thấy được từ tầm mắt nó – góc nhìn của ông, ngón tay chênh chếch của nó, làm ông không sao hiểu được. Bàn tay đỏ tấy sưng múp khoắng trong thùng kính như cái đầu kích động của con gà giận dữ vì mất thân.

“Trời đất. Mày không nói được hả?”

Mấy ngón tay ông lướt qua chỗ kẹo Mary Jane.

Nó gật.

“Ờ, sao mày không nói vậy đi? Một hả? Mấy?”

Pecola xoè tay ra, để lộ ba xu. Ông thảy ba gói Mary Jane về phía nó – ba hình chữ nhật vàng trong mỗi gói. Nó chìa tiền cho ông. Ông ngập ngừng, không muốn chạm vào tay nó. Nó không biết làm sao cất được ngón tay bên bàn tay phải khỏi tủ kính hay lấy được mấy đồng xu trên bàn tay trái ra. Cuối cùng ông cúi tới lấy mấy đồng xu trên tay nó. Móng tay ông sượt qua lòng bàn tay nó ẩm ướt.

Ra ngoài, Pecola cảm thấy nỗi nhục không sao giải thích được vơi đi.

Những bông bồ công anh. Một phi tiêu đem lòng thương mến phóng vọt từ nơi nó đến chỗ chúng. Nhưng chúng không nhìn nó và không gửi lại yêu thương. Nó nghĩ, “Chúng thật xấu xí. Chúng cỏ dại.” Lơ đãng vì khám phá đó, nó vấp trúng vết nứt trên vỉa hè. Cơn giận cựa mình thức dậy trong con bé; thứ đó há miệng, và như con cún con có khuôn miệng nóng ấm, liếm sạch những lắng cặn trong nỗi nhục của nó.

Tức giận thì đỡ hơn. Trong cơn giận người ta thấy mình tồn tại. ấy mình thực hữu và hiện diện. Ý thức được mình xứng đáng. Ấy là sự trào dâng dễ chịu. Nó lại nghĩ đến đôi mắt ông Yacobowski, giọng nói khản đặc của ông. Cơn giận không giữ được lâu; con cún con quá dễ ngán. Cơn khát được thoả quá nhanh, nó ngủ. Nỗi nhục lại trào lên, những chi lưu bùn sình rịn vào mắt con bé. Phải làm gì trước khi nước mắt trào ra. Nó nhớ ra mấy cái kẹo Mary Jane.

Trên mỗi miếng giấy gói màu vàng chanh có một hình vẽ. Hình vẽ Mary Jane bé bỏng, có tên được đặt cho kẹo. Gương mặt trắng trẻo tươi cười. Mái tóc vàng hoe loà xoà, đôi mắt xanh nhìn nó từ một thế giới sung túc sạch sẽ. Đôi mắt hờn dỗi, tinh quái. Pecola thấy chúng chỉ đẹp thôi. Nó ăn kẹo, và vị ngọt thật ngon. Ăn cái kẹo cũng gần giống như ăn hai con mắt, ăn Mary Jane. Yêu Mary Jane. Là Mary Jane.

Ba xu mua được cho nó chín lần ngây ngất dễ chịu với Mary Jane. Mary Jane dễ thương, có tên được đặt cho kẹo.

 

Ba cô gái điếm sống trong căn hộ phía trên cửa tiệm nhà Breedlove. Trung Hoa, Ba Lan, và chị Marie. Pecola quý họ, lên chơi với họ, và chạy việc vặt cho họ. Đến lượt họ, họ không coi khinh nó.

Một sáng tháng Mười, buổi sáng có thắng lợi nắp lò, Pecola trèo cầu thang lên căn hộ của họ.

Nó gõ cửa và ngay cả khi chưa ai ra mở, nó đã nghe tiếng Ba Lan hát – giọng chị ngọt ngào săn chắc, như dâu tươi:

Tôi có nỗi buồn trong thùng bột

Nỗi buồn cất tận trên giá

Tôi có nỗi buồn trong thùng bột

Nỗi buồn cất tận trên giá

Nỗi buồn trong phòng ngủ

Vì tôi ngủ một mình

“Ê, bánh hấp. Tất em đâu?” Marie chẳng mấy khi gọi Pecola bằng tên gì hai lần, nhưng tính ngữ chị dùng lúc nào cũng là những từ trìu mến được chọn từ các thực đơn và món ăn muôn đời đứng nhất trong óc chị.

“Chào chị Marie. Chào chị Trung Hoa. Chào chị Ba Lan.”

“Em nghe rồi đó. Tất đâu? Em đi chân trần như chó chạy ngoài sân vậy.”

“Em không tìm thấy cái nào.”

“Không tìm thấy cái nào? Chắc trong nhà em có thứ gì thích tất đấy.”

Trung Hoa cười khúc khích. Hễ có thứ gì mất, Marie đều nghĩ nó biến đi là do “trong nhà có gì thích nó.” “Trong nhà này có thứ gì đó thích áo ngực,” chị thường thảng thốt nói.

Ba Lan và Trung Hoa đang sửa soạn cho buổi tối. Ba Lan, muôn đời ủi áo quần, muôn đời hát hò. Trung Hoa, ngồi trên ghế sơn xanh nhạt trong bếp, muôn đời cuốn tóc. Marie không bao giờ lo sửa soạn.

Mấy chị này thân thiện, nhưng khó bắt chuyện. Pecola luôn bắt đầu từ Marie, chị này một khi đã có hứng thì khó mà dừng.

“Sao chị có nhiều bạn trai vậy được, chị Marie?”

“Bạn trai? Bạn trai sao? Lòng heo ơi, chị chưa gặp cậu trai nào từ một chín hai bảy rồi.”

“Vậy là mày không gặp ai cả.” Trung Hoa cắm đồ cuốn tóc nóng vào hộp sáp vuốt tóc Nu Nile. Dầu xèo xèo khi kim loại nóng chạm vào.

“Tại sao vậy, chị Marie?” Pecola nằn nì.

“Tại sao cái gì? Tại sao chị không gặp cậu trai nào từ một chín hai bảy hả? Vì kể từ đó chẳng trai trẻ nào. Đó là khi bọn họ dừng lại. Người ta bắt đầu đẻ ra đã già.”

“Ý mày đó là khi mày bắt đầu già,” Trung Hoa nói.

“Tao chả già đi bao giờ. Chỉ béo thôi.” “Như nhau.”

“Mày nghĩ vì mày gầy nhom mà thiên hạ tưởng mày còn trẻ hả? Cỡ mày đến ma phải mua nịt bụng.”

“Còn mày trông giống cái mông lừa.”

“Tao chỉ biết là cặp giò nhỏ choắt vòng kiềng của mày thì cũng già nua như giò tao thôi.”

“Khỏi lo cho cặp giò vòng kiềng của tao. Đó là thứ đầu tiên họ xoạc ra mà.”

Cả ba chị cười ồ. Marie ngửa đầu ra sau. Từ sâu bên trong, tiếng cười của chị vang ra như tiếng rất nhiều con sông, tự do, sâu thẳm, ngập bùn, đổ về căn phòng biển rộng. Trung Hoa cười rúc rích từng cơn. Mỗi hơi thở như có bàn tay vô hình nắm sợi dây vô hình giật ra. Ba Lan, hiếm khi nói trừ lúc say, cười không thành tiếng. Khi tỉnh táo chị chủ yếu ngâm nga hay hát những bài blues[1] mà chị thuộc.

Pecola vân vê diềm khăn quàng vắt trên lưng sô pha. “Em chưa từng thấy ai có nhiều bạn trai như chị đó, chị Marie. Sao mà họ đều yêu chị vậy?”

Marie khui một chai xá xị. “Họ làm gì được nữa? Họ biết chị giàu và dễ coi. Họ muốn xỏ ngón chân vào mái tóc xoăn của chị, và thò tay vào tiền của chị.”

“Chị giàu hả chị Marie?”

“Bánh gạo à, chị có của để dành mà.”

“Ở đâu chị có? Chị có đi làm đâu.”

“Phải đó,” Trung Hoa nói, “mày lấy đâu ra?”

“Hoover cho tao. Tao có lần giúp lão một việc, cho F. B. và I.” “Chị làm gì?”

“Giúp lão một việc. Bọn họ muốn tóm tên lừa đảo này, hiểu chưa. Tên là Johnny. Hắn cũng đê tiện như…”

“Bọn tao biết chuyện đó rồi.” Trung Hoa xếp một lọn tóc.

“…F. B. với I. muốn tóm hắn tệ. Hắn giết còn nhiều người hơn cả bệnh lao. Còn mà chọc giận hắn hả? Chu cha Jesus ơi! Hắn sẽ săn đuổi đến cùng trời cuối đất. À, hồi đó chị còn nhỏ nhắn xinh xắn. Không quá chín mươi cân Anh, ướt sũng.”

“Mày có bao giờ ướt sũng đâu mà,” Trung Hoa cãi.

“Ờ, còn mày có bao giờ khô đâu. Im đi. Để chị kể cho nghe, cục cưng. Nói ngay ra thì chỉ mình chị trị được hắn. Hắn ra ngoài đi cướp nhà băng hay giết vài mạng, vậy là chị nói với hắn, nhỏ nhẹ, “Johnny, anh không nên làm vậy.” Thì hắn nói hắn phải mang về cho chị những của xinh xắn. Quần túm ren này kia. Và mỗi thứ Bảy bọn chị đều mua một thùng bia và rán ít cá. Bọn chị chiên trong bột với đồ đánh trứng, biết chưa, rồi khi cá đã nâu đều và giòn rụm – nhưng chưa cứng nhé – bọn chị bật nắp chai bia lạnh…” Mắt Marie dịu đi khi kí ức về nhõn một bữa ăn như vậy lúc nào đó, đâu đó làm chị lặng người. Mọi câu chuyện chị kể đều bị ngắt ra những lúc mô tả món ăn. Pecola thấy răng Marie cắn xuống lưng con cá vược giòn tan; thấy mấy ngón tay béo múp đút vào miệng những miếng xíu xiu cá trắng nõn, nóng hổi rơi ra từ môi; nó nghe thấy tiếng “bụp” nắp chai bia; ngửi thấy vị nồng của tia bọt đầu tiên; cảm nhận được vị bia mát lạnh chạm lưỡi. Nó dừng cơn mơ màng rất lâu trước Marie.

“Còn tiền thì sao ạ?” nó hỏi.

Trung Hoa huýt một tiếng. “Nó làm như mình là Quý cô Áo đỏ chỉ điểm Dillinger không bằng. Dillinger chẳng đời nào chịu tới gần mày đâu trừ khi hắn đi săn ở châu Phi rồi bắn mày vì tưởng nhầm hà mã.”

“Ờ, con hà mã này đã có thời tưng bừng ở Chicago đó. Chu cha Jesus ơi, chín chín!”

“Sao chị lúc nào cũng nói “Chu cha Jesus ơi” rồi thêm một số vậy?” Pecola đã muốn biết từ lâu.

“Vì mẹ dạy chị không bao giờ được chửi thề.”

“Mẹ mày có dạy mày không được tụt quần túm không?” Trung Hoa hỏi.

“Có cái nào đâu,” Marie trả lời. “Chưa từng được thấy cái nào cho đến lúc mười lăm, lúc tao rời Jackson rồi đi làm công nhật ở Cincinnati. Bà chủ da trắng cho tao vài cái quần cũ của bả. Tao cứ tưởng nó là kiểu mũ trùm gì đó. Tao đội lên đầu khi lau dọn. Khi bả thấy tao vậy, bả suýt té ngửa.”

“Mày chắc là đứa đần hay sao đó.” Trung Hoa châm điếu thuốc và để nguội bàn ủi.

“Sao tao biết được?” Marie ngưng lại. “Mà mặc thứ gì rồi cứ phải cởi ra thì để làm gì? Dewey chưa bao giờ để tao mặc đủ lâu để quen.”

“Dewey nào cơ?” Người này Pecola chưa biết.

“Dewey nào sao? Gà con ơi! Em chưa bao giờ nghe chị kể về Dewey sao?” Marie sửng sốt vì sơ suất của nó.

“Chưa chị.”

“Ôi trời cưng ơi, em bỏ lỡ nửa cuộc đời rồi. Chu cha Jesus ơi, một chín lăm. Phải gọi là êm ả! Chị gặp anh ta ngày chị mười bốn. Bọn chị trốn đi sống với nhau như vợ chồng được ba năm. Em biết hết mấy thằng cha khố rách áo ôm em thấy chạy lên đây không? Năm chục người họ bỏ trong cái chén cũng không bằng cái mắt cá chân của Dewey Prince. Ôi trời. Anh chàng đó yêu chị phải biết!”

Trung Hoa lấy ngón tay xoắn mớ tóc làm mái trước trán. “Nếu vậy sao hắn bỏ mày để mày phải đi bán trôn?”

“Gái à, khi tao biết ra là tao có thể bán nó – là có người chịu trả tiền tươi cho nó, tao đúng là kinh hồn bạt vía.”

Ba Lan bật cười. Không thành tiếng. “Tao cũng vậy. Bà dì tao quất tao một trận lần đầu tiên lúc tao nói là tao không lấy đồng nào hết. Tao nói “Tiền hả? Tại sao? Hắn có nợ nần gì cháu đâu.” Bả nói, “Không nợ cái con khỉ!”

Cả ba cười ngất.

Ba cái miệng ống máng hớn hở. Ba mụ già ác mó vui tươi. ấy buồn cười một thời ngờ nghệch từ lâu lắm. Họ không thuộc về những thế hệ gái điếm được vẽ ra trong tiểu thuyết, với tấm lòng cao cả rộng lượng, bởi hoàn cảnh kinh hoàng, nên tận tuỵ cải thiện cuộc sống cằn cỗi, xui rủi của đàn ông, rồi nhân tiện và khiêm nhường nhận tiền đáp lại lòng “cảm thông” của họ. Họ cũng không xuất thân từ hạng thiếu nữ nhạy cảm, lầm lạc giữa số phận xoay vần, buộc phải tập tành vẻ ngoài gai góc để bảo vệ tuổi thanh xuân khỏi sang chấn thêm, nhưng biết rõ mình được định sẵn cho những điều tốt đẹp hơn, và có thể khiến người đàn ông đời mình hạnh phúc. Họ cũng không phải mấy ả điếm nhếch nhác, bất tài mà, do không kiếm sống nổi chỉ bằng mỗi việc đó, bèn quay qua tiêu thụ và buôn lậu ma tuý hay quay qua bọn ma cô để làm trọn kế hoạch tự hoại, tránh tự tử chỉ để trừng phạt kí ức về người cha vắng mặt hay để kéo dài cái khốn khổ của người mẹ lặng câm. Không kể tình yêu hoang đường của Marie dành cho Dewey Prince, những phụ nữ này căm ghét đàn ông, tất thảy đàn ông, không xấu hổ, biện giải, hay phân biệt. Họ ngược đãi khách bằng sự khinh bỉ đã thành tự động vì quen dùng. Đàn ông da đen, đàn ông da trắng, Puerto Rico, Mexico, Do ái, Ba Lan, bất kể ai – thảy đều bất tài và yếu đuối, thảy đều rơi dưới con mắt hằn học của họ và hứng chịu cơn thịnh nộ thản nhiên của họ. Họ lấy làm khoái trá khi lừa dối đàn ông. Có một dịp cả thành phố đều biết, họ dụ một tên Do ái lên lầu, nhảy xổ vào anh ta, cả ba trói chân treo ngược anh ta lên, lắc cho mọi thứ trong túi quần rơi ra, rồi ném anh ta ra cửa sổ.

Họ cũng không nể nang gì đàn bà, những người, dù không phải đồng nghiệp với họ, có thể nói vậy, nhưng lừa dối chồng – đều đặn hay không đều đặn cũng không khác gì. “Mấy con điếm thớ lợ,” họ gọi đám đàn bà này, và không mong mỏi ở vào hoàn cảnh họ. Họ chỉ tôn trọng những người mà họ mô tả là “nữ giáo dân da màu Cơ Đốc ngoan đạo.” Người phụ nữ thanh danh không tì vết, chăm lo cho gia đình, không uống rượu hút thuốc hay đi hoang. Họ lén lút dành cho những phụ nữ này cảm tình bất diệt. Họ sẽ ngủ với chồng họ, nhận tiền của họ, nhưng lúc nào cũng nhận để phục thù.

Họ cũng chẳng bảo bọc quan tâm gì cái trong trắng ngây thơ thời con gái. Họ nhìn lại tuổi trẻ của mình như một đoạn đời ngờ nghệch, và tiếc mình đã không tận dụng nhiều hơn. Họ không phải mấy cô gái trẻ mặc đồ gái điếm, hay gái điếm tiếc nuối sự trong trắng đã mất. Họ là gái điếm mặc đồ gái điếm, gái điếm chưa từng trẻ và không biết ngây thơ là gì. Với Pecola họ cũng thoải mái tự nhiên như giữa họ với nhau. Marie bịa chuyện cho nó nghe vì nó là con nít, nhưng chuyện chị kể lại phơi phới và thô thiển. Nếu Pecola tỏ ý định sống cuộc đời họ sống, họ sẽ không cố can ngăn hay lên tiếng cảnh báo gì.

“Chị với Dewey Prince có con không, chị Marie?”

“Có. Có chứ. Bọn chị có vài đứa.” Marie ngọ ngoạy. Chị rút cây kim băng trên tóc xuống rồi xỉa răng. Nghĩa là chị không muốn nói chuyện nữa.

Pecola đi lại cửa sổ nhìn xuống con phố vắng. Một búi cỏ đã len lên qua kẽ nứt trên vỉa hè, để rồi gặp ngọn gió tháng Mười buốt giá. Nó nghĩ đến Dewey Prince và chuyện anh ta yêu chị Marie. ế nào là yêu? Nó thắc mắc. Khi yêu nhau người lớn cư xử ra sao? Cùng ăn cá với nhau? Trước mắt nó hiện lên hình ảnh Cholly và bà Breedlove trên giường. Ông phát ra tiếng động như thể bị đau, như thể có thứ gì tóm cổ họng ông và không chịu buông ra. Dù những tiếng ồn của ông khủng khiếp là vậy, nhưng chúng cũng không tệ bằng việc không có tiếng ồn nào từ mẹ nó. Cứ như mẹ còn không ở đó. Có lẽ đó là tình yêu. Những tiếng nghẹn thở và im lặng.

Pecola rời mắt khỏi cửa sổ nhìn qua mấy bà chị.

Trung Hoa đổi ý về tóc mái và đang chải bới lên một búi pompadour nhỏ nhưng chắc chắn. Chị khéo tay tạo ra vô số kiểu tóc, nhưng kiểu nào cũng làm chị có vẻ héo hon phiền não. Rồi chị trang điểm đậm sì. Giờ chị cho mình cặp mày ngạc nhiên và cái miệng hình cánh cung thần tình yêu. Sau đó chị sẽ kẻ lông mày lá liễu và quẹt cặp môi dữ tợn.

Ba Lan, với chất giọng ngọt ngào như dâu, hát một bài khác:

Tôi quen một chàng trai da nâu mịn màng

Tôi quen một chàng trai da nâu mịn màng

Bụi vui sướng tung lên khi chân chàng chạm đất.

Dáng chàng đi khệnh khạng như chim công

Mắt chàng là đồng nung

Nụ cười là mật cao lương ngọt lịm nhỏ đến giọt cuối cùng

Tôi quen một chàng trai da nâu mịn màng

Marie ngồi lột vỏ đậu phộng thảy vào miệng. Pecola nhìn qua nhìn lại mấy chị. Họ có thật không? Marie ợ, nhẹ nhàng, rừ rừ, đáng yêu.

Thiên Nga dịch

(Tác phẩm đã được San Hô Books mua bản quyền và sẽ xuất bản trong tháng 4, 2022)

[1] Blues là một loại nhạc có nguồn gốc từ dân ca châu Phi, được các nô lệ da đen mang sang Bắc Mĩ và dần trở nên phổ biến với cả cộng đồng da trắng.

Chấm sao chút:

Đã có 3 người chấm, trung bình 4.7 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3