Thời gian đọc: 13 phút

Chiến tranh chống Mỹ hay chiến tranh Việt Nam chưa bao giờ là một đề tài lỗi thời của sử học, văn học và cả nghệ thuật bởi những câu chuyện — chính thống hay phi chính thống — luôn nhuốm màu nửa thực nửa hư, cũng như hệ luỵ của nó lên đời sống cá nhân, tập thể vẫn âm ỉ từ thập kỷ này sang thập kỷ khác. Tuy vậy, ý tưởng về một tiểu thuyết lấy bối cảnh, mượn chuyện riêng tư để nói về bộ mặt méo mó của chiến tranh và của chế độ vào năm 2020 không thực sự là một điều gì đó quá đột phá. Trước đó, đã có kha khá các tiểu thuyết cùng thể loại, viết từ nhiều góc nhìn khác nhau vì thế phần nào cho người đọc một bức tranh tổng thể về quá khứ “nhập nhằng” của nước Nam. Có lẽ với The Mountains Sing (người viết mạo muội tự dịch tạm là Núi Hát), Nguyễn Phan Quế Mai hiểu rõ điều này, và vì thế cố gắng lồng ghép một tuyến sử dài hơi hơn so với những người đi trước, chạy song song cùng thời điểm hiện tại dưới dáng hình của một tiểu thuyết liên thế hệ, quá khứ xen kẽ tương lai.

 

Tiểu thuyết bắt đầu với hồi tưởng của người cháu gái thắp hương cho người bà đã khuất của mình và nhớ lại những lời bà từng nói. Mở đầu thứ hai — và là mở đầu chính thức, bắt đầu vào những năm 1972-1973 cuộc chiến giữa Bắc Việt và Mỹ đang nổ ra gay cấn nhất khi cả hai phe vẫn chưa thể đi đến được quyết định ngừng bắn. Hai nhân vật chính, bà ngoại Diệu Lan và người cháu có tên Guava (tạm dịch là Ổi) phải cùng nhau tản cư trong chiến dịch ném bom B-52 của Mỹ suốt mười hai ngày đêm tại Hà Nội. Trong những phút giây khi cái chết và sự chia xa luôn kề cạnh, như để xoa dịu tinh thần cho Guava, và cũng theo bà “rằng câu chuyện của ta còn, thì ta sẽ không chết, ngay cả khi thể xác ta không còn nữa”, bà ngoại bắt đầu kể về câu chuyện cuộc đời mình. Diệu Lan từng là “cành vàng lá ngọc” sinh ra trong một gia đình khá giả ở làng Vĩnh Phúc, tỉnh Nghệ An. Gia đình địa chủ tuy giàu có nhất vùng, nhưng sống rất chan hoà với hàng xóm láng giềng, lễ độ với người trên kẻ dưới và vì thế luôn được mọi người yêu quí. Từ nhỏ, Diệu Lan được học tiếng Pháp — thứ tiếng của thực dân — mà theo người cha yêu nước phân bua rằng muốn thắng địch thì phải hiểu địch nói gì. Bi kịch nhà họ Trần bắt đầu diễn ra khi lần lượt, cha Diệu Lan phải hi sinh để bảo vệ con mình khỏi lính Nhật; mất bảo vật gia truyền trong nạn đói năm Ất Dậu; gia đình tan đàn xẻ nghé, buộc Diệu Lan phải tha hương lên Hà Nội trong chiến dịch Cải cách ruộng đất. Dù gia đình bà từng bị chế độ đối xử bất công, nhưng bà vẫn tỉnh táo, phân biệt phải trái rõ ràng, đặt khó khăn chung lên trên tư thù. Khi đất nước lâm nguy, bà vẫn ủng hộ các con mình tham gia chiến đấu — mà về sau người thì biệt tăm, người bỏ mạng, người thì trở về với những sang chấn tinh thần lẫn mát thể chất, người thì trở thành kẻ thù của dân tộc. Để nuôi sống cháu gái, bà trở thành con buôn và dù chịu biết bao sự dèm pha, dè bỉu bà vẫn hành động trượng nghĩa khi chính những người khinh miệt bà gặp khó khăn. Hình tượng bà ngoại Diệu Lan là một nhân vật không tì vết, thông minh, tháo vát, giỏi việc nước đảm việc nhà, luôn vì gia đình và xã hội, bao dung, hay bị hiểu lầm nhưng không vì thế mà mất niềm tin vào nhân loại hay biến chất. Tóm lại, bà hoàn hảo y hệt huyền thoại người mẹ Việt Nam Anh Hùng mà ta thường nghe đến, có chăng trong The Mountains Sing bà “woke” — “tỉnh thức” hơn vì tuy sống trong môi trường đặc sệt thông điệp tuyên truyền của chế độ, nhưng không hề bị tẩy não như những người khác bởi bà có suy nghĩ của riêng mình. Thế nhưng, tượng đài những tưởng không tì vết này để lộ ra cái cạnh sứt mẻ khi về cuối truyện, sự cao cả và vô thường của bà bị thách thức khi Diệu Lan đối diện với kẻ thù không đội trời chung, ông Wicked Ghost (tạm dịch Ma Quái) trong một tình huống ngặt nghèo. Không lâu sau cuộc gặp gỡ định mệnh với bà, Wicked Ghost cũng tạ thế, người con gái của ông đích thân đến tạ tội và trả lại báu vật gia truyền cho bà Diệu Lan. Bà chọn tha thứ cho gia đình họ, không phải vì con gái ông thay ông chuộc tội mà, bởi vì bà đúc kết được rằng lỗi lầm của Wicked Ghost không hề liên quan đến các hậu duệ — vì khi còn tại thế, ông đã từng bạo hành thể chất lẫn tinh thần người con gái. Liệu đây có thực sự là tha thứ hay chỉ là thương hại đội lốt đồng cảm — kẻ thù của kẻ thù chính là bạn?

 

 

Mượn hình ảnh Diệu Lan và cách bà cư xử với hàng xóm láng giềng cùng những suy tư cá nhân của bà trong và sau chiến tranh, có lẽ tác giả muốn “giải oan” cho một bộ phận những người ở phe thắng cuộc: rằng không phải ai cũng mù quáng tin vào lý tưởng và các chính sách của chế độ, rằng họ cũng chỉ là những người mong muốn một cuộc sống an yên cùng người thân nhưng vô tình lại bị kéo vào cuộc chiến tang thương, rằng kẻ thù là người-mà-ai-cũng-biết chứ nào phải là những gương mặt thân quen ở bên kia vĩ tuyến. Có lẽ vì quá tỉnh thức mà càng về sau những chi tiết nhỏ nhặt hay những triết lý nhân sinh quan lớn lao đặt tiểu thuyết vào một vị trí nước đôi, ôm đồm như muốn làm vừa lòng tất cả: người con di cư vào Nam sau 1975 từ chối lãng quên quá khứ, mà gọi thành phố bằng cái tên kép Sài Gòn/Hồ Chí Minh; sự khác biệt rõ rệt của thực tế và những hình ảnh mà chế độ tuyên truyền về nơi này; nhận thức về đặc ân của phe thắng cuộc. Thực ra, sự tỉnh thức này không hoàn toàn giả tưởng bởi trên thực tế có rất nhiều những cá nhân từng gắn bó với cuộc chiến về sau vẫn chọn cách ra đi (hoặc đa phần là bị đào thải). Thế nhưng, vị trí nước đôi của tiểu thuyết làm ta không thể không chú ý đến địa vị xã hội —  xác định bởi tri thức khai phóng của gia đình bà Diệu Lan, bên cạnh trải nghiệm sự tàn khốc của chiến tranh trên phương diện cá nhân, và thi thoảng là những đối thoại thể hiện đặc quyền có phần thượng đẳng của hai bà cháu:

 

“Grandma laughed, looking at the pile of books in my hands. “We can’t bring so many, Guava. Pick one. We’ll borrow some more when we get there.”

“But do farmers read books, Grandma?”

“My parents were farmers, remember? They had all the books you could imagine.” (tr.22)

 

Phải chăng vì bà là người được giáo dục từ bé, con cái bà cũng ăn học đến nơi đến chốn, Guava từ nhỏ đã được tiếp cận với các đầu sách kinh điển Tây lẫn Ta (lớn lên chị còn thuộc làu các tác phẩm của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm), nên vì thế họ ở một tầng nhận thức riêng — tách biệt khỏi nhận thức số đông mà họ cho là “đã bị tẩy não”? Sự tỉnh thức nước đôi này được đẩy lên cao trào khi một trong những người con Đảng viên của bà Diệu Lan được mô tả là đã đánh mất bản chất vốn có, “trở mặt” với gia đình khi biết mẹ mình là con buôn bởi anh sợ đường công danh sự nghiệp của mình vì thế mà bị vạ lây. Sự sĩ diện hão của nhân vật Đảng viên ­cũng được cường điệu hoá khi bà Diệu Lan sai Guava mang các món thịt, cá sang cho gia đình anh (bởi vì là giai cấp lao động nên thịt, cá là xa xỉ phẩm mà chỉ có con buôn mới có thể mua được). Sự liêm khiết của anh Đảng viên bị giễu nhại, châm biếm qua con mắt của đứa cháu gái: anh thậm thò thậm thụt, nhìn trước ngó sau khi thấy cô cháu tay xách nách mang, căn nhà nhỏ giản dị đến mức lố bịch. Anh sĩ diện vì muốn làm tròn vai một Đảng viên, nhưng cuối cùng cơ thể xương thịt của anh cũng không vượt qua được cám dỗ của thịt, cá — anh và vợ lén lút ăn cơm con buôn trong căn nhà tối om — anh của lúc này chính là hiện thân của một sản phẩm lỗi, không có phẩm giá và méo mó của lý tưởng sáo rỗng.

 

The Mountains Sing ngập ngụa các motif nhân vật nữ Á Đông ta thường thấy trên phim truyền hình nội địa lẫn quốc tế. Họ là những người giàu đức hy sinh, đa phần đẹp người đẹp nết. Nếu họ không đẹp, thì họ có hai lựa chọn: một là tốt hết phần thiên hạ, hai là ác hết phần người khác. Họ nếu không làm đẹp cho đời, thì làm bệ đỡ cho những hình tượng khác đáng giá hơn. Có lẽ, không ai khác có thể tóm gọn hình tượng nữ nhân súc tích hơn Trịnh T. Minh Hà:

 

Có một hình ảnh về người nữ và hiện thực của họ… người ta biến chúng tôi thành những phụ tá anh hùng, những nữ nhân chính chuyên. Chúng tôi là những người mẹ tốt, vợ hiền, chiến sĩ anh dũng… Những ma nữ, không còn tính người![1]

 

Thật vậy, đa số tuyến nhân vật nữ trong tiểu thuyết thường sống cho người khác: đất nước, xóm giềng, gia đình và luôn luôn là những người đàn ông. Bà Diệu Lan dù bị người con Đảng viên chỉ trích và xa lánh, nhưng không vì thế mà bà ngưng nghĩ cho con. Bà nhẫn nhịn và chịu trận lúc người con gái vừa trở về sau Giải phóng buộc tội bà năm xưa bỏ mặc con ở nhà người lạ trong lúc trốn chạy từ Nghệ An lên Hà Nội khi Cải cách Ruộng đất xảy ra. Mặc dù, sau khi ổn định ở Hà Nội, Diệu Lan lập tức tìm lại các con và cố gắng bù đắp cho họ một cuộc sống đủ đầy và giáo dục đàng hoàng — tuy rằng một trong số đó thất lạc mãi mãi, nhưng bà vẫn bắt gặp ánh mắt hận thù của người con gái. Cô con gái thì rơi vào trầm cảm, giam mình vào thế giới riêng và liên tục trách móc bản thân bởi chính cô là người đã cản chồng khi anh tìm cách trốn việc đi lính. Cô cho rằng mình là tác nhân chính dẫn đến bi kịch của chồng và đã không làm tròn trách nhiệm của một người mẹ đối với Guava: đến nay không ai biết người chồng này còn sống hay đã chết. Cô người yêu thời thanh mai trúc mã đầy vị tha và dạt dào tình yêu, cho dù người yêu mình trở về đã không còn lành lạnh. Dù liên tục bị né tránh, xua đuổi mấy năm ròng rã — với lý do không thể dễ đoán hơn đó là anh sẽ trở thành gánh nặng cho cô — tình yêu của cô dành cho anh vẫn không hề lay chuyển, và cuối cùng nó đã chiến thắng hiện thực cũng như sĩ diện nam tính một cách đầy thuyết phục J

 

 

Hành văn của tác giả không có gì quá đặc biệt nếu không muốn nói là thường ở cách cô mô tả tính cách nhân vật, quang cảnh và tình huống. Tiểu thuyết được viết bằng tiếng Anh, và hiện chỉ nhắm đến độc giả nước ngoài hoặc những người có khả năng đọc hiểu thứ tiếng này, nhưng nếu để ý kỹ, ta có thể nhận thấy tư duy lối viết tiếng Việt phảng phất trong từng câu văn. Điều này thực chất không phải là vấn đề gì lớn lao bởi tác giả cũng ý thức và đánh tiếng trước rằng Anh ngữ không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của cô, thành thử hành văn hoàn hảo là điều bất khả thi. Nhìn ở một góc độ lạc quan, lựa chọn này của tác giả có thể được diễn giải như một tuyên ngôn có tính chính trị, đảo vế vị trí sở hữu độc tôn của phương Tây đối với Anh ngữ. Một lựa chọn khác mang tính chính trị cũng không kém — nếu không muốn nói là trồi ra như một ngón tay sưng — sticks out like a sore thumb, đó chính là sự sử dụng và chêm vào tiếng Việt — đặc biệt là tên một số loài cây, con vật, các biểu cảm, ca dao, thành ngữ tục ngữ được dịch lại — một cách vô tội vạ, lắm lúc không nhất quán, mặc dù rất nhiều trong số đó có sẵn trong tiếng Anh. Có thể điều này xuất phát từ tình yêu bao la của tác giả dành cho tiếng mẹ đẻ, và cô muốn lan toả sự phong phú của tiếng Việt, cũng như văn hoá nước Nam đến độc giả quốc tế. Nhưng chính niềm say mê này lại là cái hố chông giết chết sự tự nhiên trong đối đáp và tính mạch lạc của lời văn. Và nguy hiểm nhất, lựa chọn này tiếp tục bồi đắp lên vẻ hương xa, và cái nhìn lãng mạn của thế giới đối với cảnh quan, con người, lịch sử và văn hoá Việt Nam và cả châu Á nói chung.

 

Một đối thoại tuy vắn tắt, nhưng vô tình bị kịch hoá và đánh mất sự tự nhiên:

 

“I’ll never forget your kindness,” Grandma told our hosts.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no.” One bite when starving equals one bundle when full.

“Lá lành đùm lá rách,” Mrs. Tùng replied. Intact leaves safeguard ripped leaves.

 

Một trong số các câu thành ngữ, tục ngữ xuất hiện trong tiểu thuyết và luôn đi kèm với diễn giải trong tiếng Anh — một vài câu trong số đó, khi được dịch lại, đã đánh rơi cái tinh tuý mà người xưa gửi gắm. Dưới đây là một vài ví dụ giữa một ma trận ngôn ngữ Việt — Anh:

 

“You’re welcome to stay with us at any time.” She clutched Grandma’s hand.” (tr.32)

“Có công mài sắt có ngày nên kim,”[…] Perseverance grinds iron into needles.” (tr.49)

“Đàn bà đái không qua ngọn cỏ”—Women can’t pee higher than the tips of grass blades.” (tr.61)

“Trong cái rủi có cái may,” […] Good luck hides inside bad luck.” (tr.82)

“Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư.” Fish failing to absorb salt spoils; children defying parents ruin themselves hundreds of ways.” (tr.107)

“Còn nước còn tát.” While there’s still water, we will scoop. ” (tr.149)

“Đừng ăn cháo đái bát.” Don’t eat porridge then piss into the bowl.” (tr.255)

 

Lúc thì tác giả sử dụng tựa đề dịch tiếng Anh cho một tác phẩm văn học Việt (“Nguyễn Kiên’s Daughter of the Bird Seller”, “Đoàn Giỏi’s The Southern Land and Forests”), khi thì cô lại dùng tựa đề Việt cho tác phẩm nước ngoài (“Bạch Tuyến và Bảy chú lùn”). Bên cạnh một số loài cây, đồ vật đặc thù địa hình, thì hầu hết tác giả chọn giữ nguyên từ gốc trong tiếng Việt, nhưng lại không hề có tính nhất quán xuyên suốt tiểu thuyết — ngay cả khi có bản dịch tiếng Anh phù hợp như “na tree”, “miền Nam”, “Phượng flower”, “Phở noodle soup”, “sim berries”, “nhà quê”, “xoan tree”, “Red gạo flower”, “the phản divan”, “nón lá”, “lim wood.” Và lắm lúc, chính sự lựa chọn không đồng nhất — bao phần là quyết định của tác giả, bao phần là của các biên tập viên? — này lại làm độc giả cảm thấy chưng hửng khi đọc đến những đoạn như dưới đây:

 

In the Old Quarter I rode from Silk Street to Silver Street, from Cotton Street to Onion Street. I returned to Traditional Medicine Street, biked along Coffin Street and ended up on Bamboo Street. There were thirty-six streets here, and Grandma could be on any of them. She could be any of the people I saw, scurrying by, their faces hidden under their nón lá. (tr.205)

 

Cũng đến gần cuối tiểu thuyết, sau khi đã đọc vị được cách sử dụng ngôn ngữ của tác giả, người viết cuối cùng mới vỡ lẽ hoá ra tựa đề của tiểu thuyết không phải là Núi Hát mà chính là tên dịch của loài chim sơn ca, hay trong tiếng Anh là nightingale:

 

“Does it have a name, Uncle?” I brought the bird to my face. It smelled like my father, like his laughter.

“Sơn ca.”

“A splendid name.” Grandma smiled at me. “Sơn ca means ‘The Mountain Sings.’”

“Believe me, this bird can sing,” said Uncle Đạt. “Whenever it did, all the mountains around me seemed to be singing, too. My comrades used to tell tales about the Sơn ca. They said the Sơn ca’s songs can reach Heaven, and souls of the dead can return in the Sơn ca’s singing.”

“What a special bird, Uncle.” (tr.224)

 

 

The Mountains Sing của Nguyễn Phan Quế Mai không nghiêng hẳn về phe nào: nhân vật chính thứ hai — Guava sinh ra, lớn lên và được giáo dục dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Từ tấm bé cô đã tận mắt chứng kiến hai mặt của chiến tranh. Tiểu thuyết, thông qua quan điểm cuộc sống của nhân vật người bà thể hiện rõ rằng con người cũng chỉ là những thực thể phi chính trị nhưng vì tình thế mà bị lôi vào vòng xoáy của những đấu tranh chính trị. Cốt truyện lên án chiến tranh nhưng cũng không quên châm biếm bên thắng cuộc như một dạng phản tư cá nhân. Việc chọn cho mình vị trí trung lập, tri nhận cả hai phía — một nỗ lực tuy đáng ghi nhận nhưng cách diễn đạt còn nhiều cong vênh khiến cho tiểu thuyết mang giọng điệu nước đôi, nếu không muốn nói là thảo mai. Cách sử dụng ngôn từ phóng khoáng một cách thái quá khiến người đọc nhiều lúc không rõ đâu mới là điểm trọng yếu của tiểu thuyết: là cốt truyện hay là văn hoá đất nước Việt Nam. Càng đọc, càng bị phân tán tư tưởng, lựa chọn sử dụng ngôn ngữ như cắc cớ người đọc đặt họ trong một dòng điện xoay chiều mà thay vì cực âm, cực dương thì là Việt — Anh, Anh — Việt dao động ở một tần suất liên tục khiến người ta không thể không thắc mắc liệu đây là một tiểu thuyết, hay là một cuốn từ điển tổng hợp các biểu đạt tiếng Việt dành cho du khách nước ngoài — một cuốn Lonely Planet dưới bản dạng một tiểu thuyết. Thêm vào đó, dù rất cố gắng, The Mountains Sing cũng vẫn không thoát khỏi được lối mòn của một số nhà văn chọn chiến tranh và sang chấn hậu chiến làm chủ đề khi liên tục lãng mạn hoá và tôn thờ thái quá quá khứ đau thương của người Việt. Tác giả muốn chắc chắn thông điệp sẽ không thoát khỏi được con mắt của độc giả khi mở bài và kết bài cùng với một câu nói của bà Diệu Lan:

 

 

“Những khó khăn mà người Việt phải đối mặt xuyên suốt lịch sử cao như núi những ngọn núi cao nhất. Nếu đứng quá gần, cháu sẽ không thể nhìn thấy được đỉnh của những ngọn núi này. Một khi bước ra khỏi những dòng chảy của cuộc sống, cháu sẽ có một cái nhìn toàn cảnh…” (tr.10)[2]

 

“Tôi nâng bản thảo cao trên đầu. Bà từng nói với tôi rằng những khó khăn mà người Việt phải đối mặt xuyên suốt lịch sử cao như những ngọn núi cao nhất.” (tr.593)[3]

 

 

Linh Lê

Tái bút: Bài viết phân tích The Mountains Sing ở vị thế một người đọc tiếp cận một tác phẩm văn học hư cấu. Điều này không có nghĩa người viết phủ nhận hay có ý bôi nhọ những trải nghiệm và câu chuyện cá nhân mà tác giả sử dụng làm nguồn cảm hứng cho tiểu thuyết.

 

[1] “There is the image of the woman and there is her reality… they have made of us heroic workers, virtuous women. We are good mothers, good wives, heroic fighters… Ghost women, stripped of our humanity!” — Trích từ phim “Họ Việt, tên Nam” (1989) của Trịnh T. Minh Hà.

 

[2] “The challenges faced by Vietnamese people throughout history are as tall as the tallest mountains. If you stand too close, you won’t be able to see their peaks. Once you step away from the currents of life, you will have the full view. . . .” (tr.10)

 

 

[3] “I raise the copy of my manuscript above my head. Grandma once told me that the challenges faced by the Vietnamese people throughout history are as tall as the tallest mountain. ” (tr.593)

 

Chấm sao chút:

Đã có 5 người chấm, trung bình 4.8 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3