Shirley Jackson, Ta vẫn luôn sống trong lâu đài (trích)
Ta vẫn luôn sống trong lâu đài là một thiên cổ tích ớn lạnh mà đẹp đẽ dị thường.

Ta vẫn luôn sống trong lâu đài là một thiên cổ tích ớn lạnh mà đẹp đẽ dị thường.
Shirley Jackson (1916 – 1965), nữ nhà văn người Mỹ, là bậc thầy sáng tác truyện kinh dị bí ẩn ở thế kỉ XX, nổi danh với các tiểu thuyết Chuyện ma ám ở Dinh thự Hill, Ta vẫn luôn sống trong lâu đài và truyện ngắn “The Lottery” (Tạm dịch: “Xổ số”) – tác phẩm được giảng dạy trong chương trình Ngữ Văn tại Mĩ. Là một trong những nguồn cảm hứng lớn nhất của “ông hoàng thể loại kinh dị” Stephen King, Shirley Jackson để lại 06 tiểu thuyết, 02 hồi kí và hơn 200 truyện ngắn. Năm 2007, tên của bà được đặt cho một giải thưởng Văn học thường niên dành cho truyện tâm lí kinh dị kì bí tại Mĩ – Giải Shirley Jackson.
Ta vẫn luôn sống trong lâu đài là một thiên cổ tích ớn lạnh mà đẹp đẽ dị thường. Là nữ nhà văn sáng tác trong thời đại xã hội Mỹ chỉ ghi nhận sự hiện diện của người phụ nữ trong căn bếp, với Ta vẫn luôn sống trong lâu đài, Shirley Jackson viết về sự phản kháng, cuộc nổi loạn, hiện thực hoá khát vọng “được tách biệt, được một mình, được tự đứng và bước đi trên đôi chân mình, không khác thường, yếu đuối, bất lực, nhục nhã.”
Chương 1
Tôi tên là Mary Katherine Blackwood. Tôi mười tám tuổi, và tôi sống với chị gái Constance. Tôi thường nghĩ rằng nếu có chút may mắn thì có lẽ mình đã được sinh ra làm người sói, bởi vì hai ngón giữa của tôi dài bằng nhau, nhưng tôi phải bằng lòng với những gì mình có. Tôi không thích tắm rửa, và lũ chó, và tiếng ồn. Tôi thích chị gái Constance, và Richard Plantagenet,[1] và Amanita phalloides, nấm tử thần. Mọi thành viên khác trong gia đình tôi đều đã chết.
Lần cuối cùng tôi liếc nhìn những cuốn sách thư viện trên kệ bếp, chúng đã quá hạn trả hơn năm tháng; và không rõ tôi có chọn khác đi không nếu biết rằng đây sẽ là những cuốn sách cuối cùng, những cuốn sẽ đứng lại vĩnh viễn trên kệ bếp của chúng tôi. Chúng tôi hiếm khi di chuyển đồ đạc, Blackwood không phải là một gia tộc thích xáo trộn và náo nhiệt. Chúng tôi động vào những món đồ nhỏ đặt tạm trên bề mặt, sách và hoa và thìa; nhưng bên dưới, chúng tôi luôn có khối gia tài ổn định làm nền móng. Chúng tôi luôn đặt mọi thứ về lại đúng vị trí của chúng. Chúng tôi phủi bụi và quét dưới gầm bàn và ghế và giường và tranh ảnh và thảm và đèn, nhưng chúng tôi để chúng ở yên một chỗ, bộ đồ trang điểm bằng mai rùa đặt trên bàn phấn của mẹ chưa bao giờ lệch dù chỉ một phân. Gia tộc Blackwood đã luôn sống trong ngôi nhà của chúng tôi, và giữ mọi thứ thuộc về mình ngăn nắp; ngay khi một nàng dâu Blackwood mới chuyển đến, sẽ có nơi được chọn ra để cô ấy chứa đồ đạc, và cứ thế tầng tầng lớp lớp tài sản đè nặng của gia tộc Blackwood xây nên nhà chúng tôi, và giữ cho nó luôn kiên cố trước thế gian.
Một ngày thứ Sáu cuối tháng Tư, tôi mang sách thư viện về nhà. Thứ Sáu và thứ Ba là những ngày tồi tệ, vì tôi phải vào làng. Ai đó phải đến thư viện, và cửa hàng tạp hoá; chị Constance không bao giờ đi quá khu vườn của mình, còn chú Julian thì không thể. Thế nên không phải lòng tự trọng, hay thậm chí sự cứng đầu, đưa tôi vào làng hai lần một tuần, mà chỉ là nhu cầu sách và thức ăn đơn giản. Có thể lòng tự trọng đã đưa tôi đến quán Stella uống một tách cà phê trước khi về nhà, tôi tự nhủ đó là tự trọng và sẽ không trốn tránh vào quán Stella cho dù tôi muốn ở nhà đến mức nào; nhưng tôi cũng biết, rằng cô Stella sẽ thấy tôi đi ngang qua nếu tôi không vào, và có lẽ sẽ nghĩ rằng tôi sợ, và tôi không thể chịu nổi ý nghĩ đó. “Chào cháu, Mary Katherine,” cô Stella luôn nói vậy, trong lúc vươn tay lau quầy bằng miếng giẻ ẩm, “hôm nay cháu thế nào?”
“Khoẻ ạ, cảm ơn cô.”
“Còn Constance Blackwood, con bé khoẻ chứ?”
“Khoẻ ạ, cảm ơn cô.”
“Còn chú cháu thì sao?”
“Cũng vậy vậy thôi ạ. Cho cháu một li cà phê đen với ạ.”
Nếu có ai khác bước vào và ngồi xuống quầy, tôi sẽ rời li cà phê của mình mà không có vẻ gì là vội vã, và rời đi, gật đầu chào cô Stella. “Giữ sức khoẻ nhé,” cô ấy luôn tự động nói vậy khi tôi đi.
Tôi chọn sách thư viện một cách cẩn thận. Trong nhà chúng tôi có sách, dĩ nhiên, giá sách trong phòng làm việc của cha phủ kín hai bức tường, nhưng tôi thích truyện cổ tích và sách lịch sử, còn chị Constance thích sách về ẩm thực. Dù chú Julian không bao giờ cầm một cuốn nào lên, chú thích nhìn chị Constance đọc sách vào những buổi tối lúc chú làm việc với đống giấy tờ, và đôi khi chú quay sang nhìn chị và gật đầu.
“Cháu đang đọc gì vậy, cháu yêu? Quả là cảnh đẹp ý vui, một tiểu thư bên sách.”
“Thưa chú, cháu đang đọc một quyển tên là Nghệ thuật nấu ăn.”
“Thật đáng ngưỡng mộ.”
Tất nhiên, chúng tôi không bao giờ ngồi yên lặng lâu, khi chú Julian ở trong phòng, nhưng tôi không nghĩ chị Constance và tôi từng mở những cuốn sách thư viện vẫn đang trên kệ bếp. Đó là một buổi sáng tháng Tư đẹp trời khi tôi bước ra khỏi thư viện, mặt trời toả sáng và đâu đâu cũng thấy mùa xuân gieo những ảo mộng huy hoàng, chúng lộ ra kì quặc qua vẻ cáu bẩn của ngôi làng. Tôi nhớ mình đã ôm sách đứng trên bậc thềm thư viện và ngẩn nhìn sắc xanh lấm tấm trên những cành cây in lên nền trời và ước, như tôi hằng ước, rằng mình có thể đi bộ về nhà ngang qua bầu trời thay vì ngang qua làng. Từ bậc thềm thư viện tôi có thể trực tiếp băng qua đường và đi bộ dọc phía bên kia đến tiệm tạp hoá, nhưng thế có nghĩa là tôi sẽ phải đi qua cửa hàng bách hoá với đám đàn ông ngồi ngoài. Trong ngôi làng này, đàn ông trẻ mãi và buôn chuyện còn đàn bà thì già đi với vẻ mệt mỏi u ám hiểm độc và im lìm chờ đàn ông đứng dậy và về nhà. Tôi có thể rời thư viện và đi dọc phía bên này cho đến khi thấy tiệm tạp hoá ở phía đối diện rồi băng qua đường; thế thì tốt hơn, dù tôi sẽ phải đi qua bưu điện và nhà Rochester với hàng đống lon hộp rỉ sét và xe hơi hỏng và bình ga rỗng và nệm cũ và ống nước và chậu mà nhà Harler tha về và – tôi thật lòng tin là – họ thích.
Nhà Rochester là ngôi nhà đáng yêu nhất trong thị trấn và nó từng có thư viện ốp gỗ hồ đào và phòng khiêu vũ ở tầng hai và bạt ngàn hoa hồng dọc hiên nhà; mẹ chúng tôi sinh ra ở đó và lẽ ra nó phải thuộc về chị Constance. Tôi quyết định như tôi vẫn luôn làm là đi ngang qua bưu điện và nhà Rochester sẽ an toàn hơn, dù tôi không muốn nhìn thấy ngôi nhà nơi mẹ sinh ra. Nhìn chung thì phía bên này đường thường vắng vẻ vào buổi sáng, vì trông nó khả nghi; đằng nào sau khi vào tiệm tạp hoá tôi cũng sẽ phải đi qua cửa hàng bách hoá để về nhà, và đi qua nó cả lúc đến và lúc về là quá sức chịu đựng của tôi.
Bên ngoài ngôi làng, trên đường Đồi và đường Sông và Núi Cũ, có người như nhà Clarke và Carrington xây những ngôi nhà mới xinh xắn. Họ phải đi qua làng để đến đường Đồi và đường Sông vì đường chính của làng cũng là quốc lộ xuyên bang; nhưng trẻ con nhà Clarke và bọn con trai nhà Carrington học trường tư và thức ăn trong các căn bếp trên đường Đồi được lấy từ thị trấn và thành phố; thư từ thì lấy từ bưu điện làng bằng xe hơi dọc theo đường Sông và lên đến Núi Cũ, nhưng người ở Núi Cũ gửi thư trong thị trấn còn người ở đường Sông cắt tóc trong thành phố.
Dân làng sống trong ngôi nhà nhỏ bẩn thỉu của họ trên quốc lộ hay ngoài đường Lạch, tôi luôn cảm thấy khó hiểu khi họ mỉm cười và gật đầu và vẫy tay khi người nhà Clarke và Carrington lái xe ngang qua; nếu bà Helen Clarke đến tiệm tạp hoá nhà Elbert lấy một hộp nước xốt cà chua hoặc một pound[2] cà phê mà đầu bếp nhà bà ta quên, mọi người sẽ nói “Chào buổi sáng” với bà ta, và nói rằng hôm nay thời tiết khá hơn nhỉ. Nhà Clarke mới hơn nhưng không đẹp hơn nhà Blackwood. Cha chúng tôi đã mang về nhà chiếc đàn piano đầu tiên trong làng. Nhà Carrington sở hữu nhà máy giấy nhưng nhà Blackwood sở hữu toàn bộ vùng đất giữa quốc lộ và sông. Nhà Shepherd ở Núi Cũ tặng làng một toà thị chính, toà nhà màu trắng có chóp nhọn nằm giữa thảm cỏ xanh với một khẩu đại bác đặt phía trước. Có lần người ta bàn việc ban hành luật quy hoạch trong làng và dỡ bỏ mấy căn lều trên đường Lạch và xây dựng lại toàn bộ ngôi làng để sánh tầm với toà thị chính, nhưng không ai động tay; có thể họ nghĩ nhà Blackwood sẽ bắt đầu tham dự các cuộc họp của thị trấn nếu họ làm vậy. Dân làng lấy giấy phép săn bắn và câu cá tại toà thị chính; và mỗi năm một lần, nhà Clarke, Carrington và Shepherd tham dự cuộc họp của thị trấn và long trọng bỏ phiếu dẹp bãi rác trên sân nhà Harler ra khỏi đường chính và tiễn mấy băng ghế trước cửa hàng bách hoá đi, và mỗi năm dân làng đều hân hoan đánh bại họ. Qua toà thị chính, nằm phía bên trái, là đường Blackwood, cũng là đường về nhà. Đường Blackwood uốn thành một vòng tròn khổng lồ bao quanh vùng đất của nhà Blackwood, và dọc theo từng phân đất trên đường Blackwood là hàng rào thép do cha chúng tôi dựng lên. Qua toà thị chính không xa là một tảng đá lớn màu đen, đánh dấu lối vào đường mòn nơi tôi mở khoá cánh cổng và khoá nó lại sau lưng và đi xuyên qua khu rừng và về đến nhà.
Dân làng vẫn luôn ghét chúng tôi.
Tôi chơi một trò chơi mỗi khi đi mua sắm. Tôi nghĩ đến mấy trò chơi của trẻ con, trong đó tấm bảng được đánh dấu thành các ô nhỏ và mỗi người chơi di chuyển theo một lượt tung xúc xắc; luôn có những nguy hiểm, chẳng hạn như “Mất một lượt” và “Lùi lại bốn ô” và “Quay lại vạch xuất phát,” và những trợ giúp nhỏ, chẳng hạn như “Tiến thêm ba ô” và “Thêm một lượt đi.” Thư viện là vạch xuất phát và tảng đá đen là đích đến của tôi. Tôi phải đi xuống dọc một bên đường chính, qua đường, rồi đi lên dọc theo phía bên kia đường cho đến khi tôi đến tảng đá đen, khi đó tôi sẽ giành chiến thắng. Tôi đã khởi đầu suôn sẻ, với một cú rẽ an toàn dọc theo phía đường chính vắng vẻ, và có lẽ đây sẽ là một trong những ngày rất tốt lành; đôi khi thế, nhưng chuyện này thường không xảy ra vào những buổi sáng mùa xuân. Nếu đó là một ngày cực kì tốt lành thì tôi sẽ dâng châu báu tạ ơn sau.
Tôi bước nhanh khi vừa xuất phát, hít một hơi thật sâu để tiếp tục bước đi mà không nhìn xung quanh; tôi cầm theo sách thư viện và túi đi chợ và tôi quan sát đôi chân mình lần lượt di chuyển, hai chân trong đôi giày nâu cũ của mẹ. Tôi cảm thấy ai đó đang theo dõi mình từ phía trong bưu điện – chúng tôi không nhận thư, và cũng không có điện thoại, cả hai thứ này đều đã trở nên quá sức chịu đựng vào sáu năm trước – nhưng tôi có thể chịu được cái lườm thoáng qua từ trong bưu điện: đó là bà Dutton già, người không bao giờ công khai săm soi như những người khác, mà chỉ nhòm ra từ khe mành hay từ phía sau rèm. Tôi không bao giờ nhìn nhà Rochester. Tôi không thể chịu được ý nghĩ mẹ đã sinh ra ở đó. Đôi khi tôi tự hỏi liệu người nhà Harler có biết rằng họ đang sống trong một ngôi nhà đáng ra phải thuộc về chị Constance hay không; trong sân nhà họ lúc nào cũng loảng xoảng tiếng đồ thiếc nên họ không thể nghe thấy tiếng bước chân tôi. Có khi nhà Harler nghĩ rằng những tiếng ồn không dứt giúp đuổi tà, hay có khi họ mê âm nhạc và thấy âm thanh này dễ chịu, có khi trong nhà gia đình Harler cũng sống như bên ngoài, ngồi trong bồn tắm cũ và ăn bằng đĩa mẻ đặt trên khung xương của một chiếc xe Ford cũ, vừa ăn vừa lon liếc xủng xoẻng và oang oang nói chuyện. Một màn bụi luôn vảng vất phía bên kia vỉa hè, nơi nhà Harler sinh sống.
Tiếp theo là băng qua đường (Mất một lượt đi), để đến tiệm tạp hoá ngay đối diện. Tôi luôn chần chừ, cảm thấy yếu ớt và trần trụi, khi đứng bên lề đường trong lúc dòng xe cộ lướt qua. Phần lớn dòng xe cộ trên đường chính đều đi thẳng, xe hơi và xe tải ngang qua làng vì có quốc lộ, nên các tài xế hiếm khi liếc nhìn tôi; tôi có thể nhận ra xe địa phương bằng một cái lườm khó chịu từ người lái và tôi luôn tự hỏi: chuyện gì sẽ xảy ra nếu mình bước xuống khỏi lề đường, liệu có chiếc xe nào hơi ngoài dự tính lao chệch về phía tôi không? Chỉ để doạ tôi, có lẽ, chỉ để thấy tôi nhảy bắn lên? Và rồi tràng cười, từ mọi phía, từ đằng sau tấm mành bưu điện, từ đám đàn ông trước cửa hàng bách hoá, từ đám đàn bà trong tiệm tạp hoá ngó ra, tất cả đều đang quan sát và hả hê khi thấy Mary Katherine Blackwood cuống quýt tránh xe. Đôi khi tôi bị mất hai hoặc thậm chí ba lượt đi vì tôi đợi rất cẩn thận cho đến khi đường vắng cả hai chiều trước khi băng qua.
Giữa con đường, tôi bước ra khỏi bóng râm và bước vào ánh nắng chói chang dối lừa của tháng Tư, đến tháng Bảy, mặt đường mềm ra dưới hơi nóng và chân tôi lầy lội, khiến việc qua đường trở nên nguy hiểm (Mary Katherine Blackwood, chân kẹt trong hắc ín, co rúm vì xe hơi lao thẳng vào người; Quay lại, từ đầu, làm lại từ đầu), và những toà nhà cũng xấu xí hơn. Cả ngôi làng là một mảnh, một thời, và một phong cách, cứ như thể người ta cần cái sự xấu xí ấy của ngôi làng, và dựa vào nó mà sống. Những ngôi nhà và cửa tiệm dường như được dựng lên vội vàng khinh khỉnh để tạo chỗ trú ẩn cho những kẻ buồn tẻ và khó chịu, và nhà Rochester và nhà Blackwood và thậm chí cả toà thị chính có lẽ tình cờ bị đưa tới đây từ một đất nước đáng yêu xa xôi nào đó nơi người ta sống thanh lịch. Có lẽ mấy ngôi nhà đẹp đó bị bắt giam trong làng, như sự trừng phạt dành cho nhà Rochester và Blackwood và trái tim xấu xa thầm kín của họ chăng; có lẽ sự mục ruỗng từ từ của chúng là dấu hiệu cho thấy sự xấu xí của dân làng. Dãy cửa hàng dọc đường chính có màu xám không đổi. Những người sở hữu cửa hàng sống bên trên chúng, trong một dãy căn hộ tầng hai, và hàng rèm đều tăm tắp trên dãy cửa sổ tầng hai trông nhợt nhạt và không chút sức sống; bất cứ thứ gì nhen nhóm ý định sặc sỡ sẽ nhanh chóng nản lòng trong ngôi làng này. Sự tàn lụi trong ngôi làng không hề đến từ nhà Blackwood, dân làng thuộc về nơi này và ngôi làng là nơi thích hợp duy nhất dành cho họ.
Tôi luôn nghĩ về sự mục ruỗng khi đến dãy cửa hàng, tôi nghĩ đến vết mục đen kịt rát bỏng ăn mòn từ bên trong, đớn đau khủng khiếp. Tôi ước điều đó xảy đến với ngôi làng.
Tôi có một danh sách hàng hoá cần mua, chị Constance viết ra cho tôi vào mỗi thứ Ba và thứ Sáu trước khi tôi rời nhà. Dân làng không thích việc chúng tôi luôn có nhiều tiền để trả cho bất cứ thứ gì chúng tôi muốn, chúng tôi đã rút tiền ra khỏi ngân hàng, dĩ nhiên, và tôi biết họ thường nói về số tiền được giấu trong nhà chúng tôi, như thể đó là những đống xu vàng khổng lồ và vào buổi tối, chị Constance và chú Julian và tôi lãng quên sách thư viện mà chơi với chúng, lướt tay và nhẩm đếm và xếp chồng và đảo tung chúng lên, cười nhạo và chế giễu đằng sau cánh cửa khoá. Tôi tưởng tượng rằng có nhiều trái tim mục ruỗng trong làng thèm khát đống xu vàng của chúng tôi nhưng chúng hèn và sợ nhà Blackwood. Khi lấy danh sách đồ cần mua ra khỏi túi đi chợ, tôi cũng lấy cả ví ra để ông Elbert chủ tiệm tạp hoá biết tôi có mang tiền và không thể từ chối bán hàng cho tôi.
Ai đang bán hàng cũng không phải vấn đề. Tôi luôn được phục vụ ngay lập tức, dù họ đang ở đâu trong cửa hàng thì ông Elbert hoặc người vợ xanh xao tham lam của ông ta sẽ luôn đến ngay để lấy cho tôi thứ tôi muốn. Đôi khi, nếu thằng con lớn của họ phụ việc trong kì nghỉ ở trường, họ sẽ vội vã đến ngay để đảm bảo cậu ta không phải hầu hạ tôi và có một lần, khi một bé gái – tất nhiên, một đứa trẻ xa lạ với ngôi làng này – đến gần tôi trong tiệm tạp hoá, bà Elbert thô bạo kéo nó lại đến nỗi nó hét lên và sau đó cả cửa hàng chết lặng một phút dài tới khi bà Elbert hít một hơi và nói, “Còn gì nữa không?” Tôi luôn đứng thẳng tắp và cứng đơ khi lũ trẻ đến gần, vì tôi sợ chúng. Tôi sợ biết đâu chúng chạm vào tôi và các bà mẹ sẽ lao vào tôi như một đàn diều hâu với móng vuốt, đó luôn là hình ảnh tôi nghĩ đến trong đầu: những con chim sà xuống, tấn công, cào xé bằng vuốt sắc như dao. Hôm nay tôi cần mua rất nhiều thứ cho chị Constance, và thật nhẹ nhõm khi thấy bên trong không có trẻ con và cũng chẳng nhiều phụ nữ; thêm một lượt đi nữa, tôi nghĩ, và nói với ông Elbert, “Chào chú ạ.”
Ông ta gật đầu với tôi, ông ta không thể không chào tôi chút nào mà những người đàn bà trong tiệm thì đang quan sát. Tôi đang quay lưng lại với họ, nhưng vẫn có thể cảm thấy họ đứng phía sau mình, tay cầm đồ hộp hoặc nửa túi bánh quy hoặc một bó rau diếp, không muốn di chuyển cho đến khi tôi ra khỏi cửa và làn sóng chuyện trò lại dậy lên và họ bị cuốn về cuộc sống của chính họ. Bà Donell ở đâu đó phía sau, tôi đã thấy bà ta khi bước vào, và tôi tự hỏi, như tôi đã từng tự hỏi rằng liệu có phải bà ta cố ý đến đây khi biết tôi sẽ đến không, bởi vì bà ta luôn cố nói điều gì đó; bà ta là một trong số ít người nói chuyện.
“Một con gà quay ạ,” tôi nói với ông Elbert, và phía bên kia cửa hàng, bà vợ tham lam của ông ta mở tủ lạnh lấy gà và bắt đầu bọc nó. “Một cái đùi cừu nhỏ,” tôi nói, “chú Julian nhà cháu luôn thích ăn món cừu nướng vào những ngày đầu xuân.” Tôi không nên nói điều đó, tôi biết, và tiếng thở khẽ hằn học chạy quanh cửa hàng như một tiếng hét. Tôi có thể khiến họ chạy bắn đi như đàn thỏ, tôi nghĩ, nếu tôi nói với họ những điều tôi thực sự muốn nói, nhưng rồi họ sẽ chỉ lại tụ tập bên ngoài và đứng đó theo dõi tôi. “Hành tây ạ,” tôi lịch sự nói với ông Elbert, “cà phê, bánh mì, bột mì. Hạt óc chó,” tôi nói, “và đường, chúng cháu còn rất ít đường.” Đâu đó sau lưng tôi vang lên một tiếng cười khẽ khiếp đảm, và ông Elbert liếc nhìn tôi, thoáng qua, rồi lại nhìn những món đồ ông ta đang sắp xếp trên quầy. Lát nữa bà Elbert sẽ mang thịt gà và cừu của tôi ra, trong gói, và đặt chúng cạnh những món đồ khác, tôi không cần quay đầu lại cho đến khi sẵn sàng rời đi. “Hai quart[3] sữa,” tôi nói. “Nửa panh[4] kem, một pound bơ.” Nhà Harrise đã ngừng giao sữa cho chúng tôi từ sáu năm trước và giờ tôi mua sữa và bơ từ tiệm tạp hoá. “Và một tá trứng.” Chị Constance quên cho trứng vào danh sách, nhưng ở nhà chỉ còn có hai quả. “Một hộp kẹo lạc,” tôi nói, tối nay chú Julian sẽ nhai lách cách và rôm rốp trong lúc xem giấy tờ, rồi để người dinh dính thế mà đi ngủ.
“Đúng là nhà Blackwood lúc nào cũng ăn sang nhỉ.” Đó là bà Donell, đang nói rành rọt từ đâu đó sau lưng tôi, và ai đó cười khúc khích và một người khác nói “Suỵt.” Tôi không bao giờ ngoảnh lại, cảm thấy tất cả bọn họ đang ở đó sau lưng là đủ lắm rồi, chứ không cần nhìn vào khuôn mặt xám ngoách tẻ nhạt với đôi mắt hằn học của họ. Ước gì các người chết hết đi, tôi thầm nghĩ, và khát khao được nói điều đó thành lời. Chị Constance đã nói, “Đừng bao giờ cho họ thấy rằng em để tâm,” và “Nếu em tỏ ra để ý thì họ chỉ càng xấu tính hơn thôi” và có lẽ đúng là vậy, nhưng tôi ước họ chết hết đi. Sẽ thật tuyệt nếu tôi đến tiệm tạp hoá vào một buổi sáng nào đó và thấy tất cả bọn họ, kể cả nhà Elbert và lũ trẻ, nằm đó gào khóc đau đớn và hấp hối. Sau đó tôi sẽ tự mình lấy đồ, tôi nghĩ, bước qua xác họ, lấy bất cứ thứ gì tôi thích trên kệ, và về nhà, có lẽ tặng cho bà Donell đang nằm đó một cú đá. Tôi không bao giờ thấy tội lỗi khi có những suy nghĩ như thế; tôi chỉ ước chúng thành sự thật. “Ghét họ là sai lầm,” chị Constance nói, “thế chỉ làm em yếu đi thôi,” nhưng dù sao tôi vẫn ghét bọn họ, và tự hỏi vì sao những kẻ như thế lại đáng được tạo ra trên đời.
Ông Elbert đặt hết đồ của tôi lên quầy và đợi, nhìn xuyên qua tôi về phía xa xăm. “Hôm nay cháu muốn lấy chỗ này thôi ạ,” tôi nói với ông ta, và ông ta ghi giá tiền vào một tờ phiếu mà không nhìn tôi và tính cộng, sau đó chuyển phiếu cho tôi để tôi kiểm chứng là ông ta không lừa đảo gì. Tôi luôn luôn cẩn thận kiểm tra các con số của ông ta, mặc dù ông ta không bao giờ tính sai; không có nhiều việc tôi làm được để trả đũa họ, nhưng tôi làm mọi thứ có thể. Hàng hoá chất đầy túi đi chợ và thêm một túi nữa, nhưng chỉ có thể xách về chứ không còn cách nào khác. Không ai đề nghị giúp tôi, đương nhiên, ngay cả khi tôi có để họ giúp.
Mất hai lượt đi. Tay cầm sách thư viện và đồ ăn, bước đi chầm chậm, tôi phải đi bộ dọc vỉa hè qua cửa hàng bách hoá và vào tiệm Stella. Tôi dừng lại trước ngưỡng cửa tiệm tạp hoá, lục tìm vài suy nghĩ bên trong mình để cảm thấy an toàn. Sau lưng tôi bắt đầu có chút xao động và tiếng ho húng hắng. Họ đang chuẩn bị nói chuyện tiếp, và bên kia cửa hàng, đám người nhà Elbert có lẽ đang đảo mắt nhìn nhau nhẹ nhõm. Tôi đông cứng mặt lại. Hôm nay tôi sẽ nghĩ về việc mang bữa trưa của chúng tôi ra ăn ngoài vườn, và khi tôi mở mắt vừa đủ thấy đường, đôi giày nâu của mẹ nhấc lên hạ xuống, trong tâm trí tôi, tôi đang soạn bàn ăn với tấm khăn trải bàn màu xanh lá và lấy đĩa màu vàng và đặt dâu tây trong bát màu trắng. Đĩa màu vàng, tôi nghĩ, cảm nhận được ánh mắt của những gã đàn ông đang nhìn khi tôi đi ngang qua, và chú Julian sẽ ăn một quả trứng lòng đào ngon lành trộn bánh mì nướng, còn tôi sẽ nhớ dặn chị Constance quàng khăn qua vai chú vì giờ mới chỉ chớm xuân. Không cần nhìn tôi cũng thấy điệu cười nhăn nhở và động tác chỉ trỏ của họ, tôi ước họ chết hết đi và mình đang bước trên xác họ. Họ hiếm khi nói vào mặt tôi mà chỉ nói với nhau. “Một trong mấy gái nhà Blackwood kìa,” tôi nghe thấy một trong số họ the thé giọng chế giễu, “một trong mấy gái nhà Blackwood ở trang trại Blackwood.” “Quá tiếc cho nhà Blackwood,” một người khác nói, chỉ vừa đủ to, “quá tiếc cho mấy cô gái tội nghiệp.” “Trang trại đẹp đấy,” họ nói, “đất cày cấy quá ngon. Gã nào cấy trên đất nhà Blackwood sẽ giàu to đấy. Nếu hắn mọc ba cái đầu và sống một triệu năm, với không cần biết cái gì sẽ mọc ra, thì hắn làm giàu được đấy. Giữ đất đai kín cổng cao tường lắm, nhà Blackwood ấy.” “Có thể giàu to đấy.” “Quá tiếc cho mấy cô gái nhà Blackwood.” “Ai mà biết thứ gì sẽ mọc ra trên đất nhà Blackwood chứ.”
Tôi đang bước trên xác họ, tôi nghĩ, chúng tôi đang ăn trưa trong vườn và chú Julian đang choàng khăn. Tôi luôn cầm đống đồ mới mua thật cẩn thận quanh khu vực này, bởi vì một buổi sáng tồi tệ nọ, tôi đã đánh rơi túi hàng khiến trứng vỡ và sữa ục ra và tôi nhặt nhạnh những gì có thể trong lúc họ la hét, tự nhủ dù mình đã làm gì đi nữa thì mình cũng sẽ không bỏ chạy, tôi xúc bừa lon và hộp và đường vãi vào túi, tự nhủ mình không được bỏ chạy.
Trước tiệm Stella có một vết nứt trên vỉa hè trông như ngón trỏ, nó vẫn luôn ở đó. Tôi còn nhớ thời điểm các cột mốc khác được tạo ra, như dấu tay Johnny Harris để lại trên nền bê tông toà thị chính và tên viết tắt của con trai nhà Mueller bên hiên thư viện; khi xây toà thị chính tôi đang học lớp ba ở trường. Nhưng vết nứt trên vỉa hè trước tiệm Stella luôn ở đó, như tiệm Stella luôn ở đó. Tôi nhớ từng trượt pa-tanh băng qua vết nứt, và cẩn thận không giẫm lên nó bằng không mẹ tôi sẽ gãy lưng; và tôi từng đạp xe qua đây với tóc bay đằng sau; thời đó dân làng chưa ghét chúng tôi ra mặt dù cha nói họ là đám rác rưởi. Mẹ từng nói với tôi vết nứt đã ở đây từ khi mẹ còn là một cô bé nhà Rochester, thế thì nó cũng phải ở đây khi bà kết hôn với cha và đến sống ở trang trại Blackwood, và tôi đoán là vết nứt đã ở đó, như ngón trỏ, từ thời dựng làng trên những mảnh gỗ cũ xám xịt và đám người xấu xí mang khuôn mặt độc ác được đưa đến từ nơi không tưởng nào đó và bắt đầu sinh sống trong các ngôi nhà.
Cô Stella mua bình hãm cà phê và dựng quầy đá cẩm thạch bằng tiền bảo hiểm khi chồng chết, nhưng ngoài ra tôi không nhớ còn sự thay đổi nào khác trong tiệm Stella; chị Constance và tôi từng đến đây tiêu mấy đồng xu sau giờ học và chiều chiều chúng tôi đem báo về để tối cha đọc; chúng tôi không còn mua báo nữa, nhưng cô Stella vẫn bán chúng, cùng tạp chí và kẹo một xu và những tấm bưu thiếp toà thị chính xám xịt.
“Chào cháu Mary Katherine,” cô Stella nói khi tôi ngồi xuống quầy và đặt đồ xuống sàn; đôi khi tôi nghĩ rằng mình sẽ trừ cô Stella ra khi ước dân làng chết hết đi, vì cô ấy là người gần với sự tử tế nhất, thứ mà họ không hề có, và là người duy nhất còn giữ được chút sắc màu. Cô ấy tròn trịa và hồng hào và khi cô mặc một chiếc váy hoa sáng màu, trông nó vẫn đôi chút sáng sủa trước khi hoà vào màu xám bẩn của ngôi làng. “Hôm nay cháu thế nào?” cô ấy hỏi.
“Khoẻ ạ, cảm ơn cô.”
“Còn Constance Blackwood, con bé khoẻ chứ?”
“Khoẻ ạ, cảm ơn cô.”
“Còn chú cháu thì sao?”
“Cũng vậy vậy thôi ạ. Cho cháu một li cà phê đen với ạ.” Tôi thật lòng muốn đường và kem trong li cà phê của mình, vì đắng quá, nhưng tôi chỉ đến đây vì tự trọng nên tối thiểu tôi phải đạt được điều ấy.
Nếu ai đó bước vào tiệm Stella khi tôi đang ở đó, tôi sẽ đứng dậy và lặng lẽ rời đi, nhưng cũng có ngày tôi xui xẻo. Sáng nay, cô ấy vừa đặt cà phê của tôi xuống quầy thì có một bóng người chắn ngang cửa ra vào, cô Stella nhìn lên và nói, “Chào cậu, Jim.” Cô ấy xuống đầu bên kia quầy và đợi, mong hắn ngồi chỗ đấy để tôi có thể rời đi mà không bị chú ý, nhưng đó là Jim Donell và tôi biết ngay hôm nay mình xui rồi. Tôi biết bộ mặt thật của vài người trong làng và có thể ghét từng kẻ một; Jim Donell và vợ hắn là một trong số đó, bởi vì họ cố tình thay vì chỉ ghét chúng tôi vu vơ, ghét hùa như những người khác. Hầu hết mọi người sẽ ngồi xuống cuối quầy nơi cô Stella đang đợi, nhưng Jim Donell đến thẳng chỗ tôi đang ngồi và lấy cái ghế ngay cạnh tôi, gần tôi hết mức vì, tôi biết, hắn muốn tôi có một buổi sáng xui xẻo.
“Người ta bảo,” hắn nói, xoay người ngồi ngang trên ghế đẩu và nhìn thẳng tôi, “người ta bảo anh là nhà em sắp chuyển đi.”
Tôi ước giá mà hắn không ngồi gần đến vậy, cô Stella lại gần chúng tôi từ phía trong quầy, và giá mà cô ấy bảo hắn biến đi để tôi có thể đứng dậy và rời đi mà không phải vật lộn với hắn. “Người ta bảo anh là nhà em sắp chuyển đi,” hắn nói một cách nghiêm nghị.
“Không,” tôi đáp, vì hắn đang đợi.
“Buồn cười nhỉ,” hắn nói, hết nhìn tôi lại nhìn cô Stella rồi lại nhìn tôi. “Anh có thể thề là có người đã bảo anh nhà em sắp chuyển đi đấy.”
“Không,” tôi nói.
“Cà phê không, Jim?” cô Stella hỏi.
“Chị nghĩ ai lại tung tin đồn như thế, nhỉ chị Stella? Chị nghĩ ai sẽ muốn bảo em họ sẽ đi trong khi họ không đi?” Cô Stella lắc đầu với hắn, nhưng cô đang cố nín cười. Tôi thấy tay mình xé miếng giấy ăn trên đùi, xé toạc một góc nhỏ, và tôi bắt tay mình phải đứng im và tự đặt ra quy tắc: cứ thấy một mẩu giấy nhỏ, tôi phải nhớ đối xử tốt hơn với chú Julian.
“Ai mà biết tin đồn lan ra thế nào,” Jim Donell nói. Biết đâu một ngày nào đó sớm thôi, Jim Donell sẽ chết, biết đâu trong người hắn có sẵn một vết thối đang rữa ra và sẽ giết chết hắn. “Chị đã bao giờ nghe thấy đồn đại hay gì đó kiểu thế trong cái trấn này chưa?” hắn hỏi cô Stella.
“Để con bé yên đi, Jim,” cô Stella nói.
Chú Julian là một ông già và chú sắp chết, chết một cách đáng tiếc, chết chắc hơn Jim Donell và cô Stella và bất kì ai khác. Chú Julian già đáng thương sắp chết và tôi đã đặt ra một nguyên tắc bất di bất dịch là phải tử tế hơn với chú. Chúng tôi sẽ ăn trưa ngoài trời, trên bãi cỏ. Chị Constance sẽ mang theo khăn và choàng qua vai chú, còn tôi nằm trên cỏ.
“Chị Stell[5] à, em có phiền ai đâu. Em có phiền ai à? Em chỉ hỏi cô Mary Katherine Blackwood đây là tại sao mà ai ai trong thị trấn cũng nói cô ấy và chị cô ấy sẽ sớm rời xa chúng ta. Chuyển đi. Đi nơi khác sống.” Hắn khuấy cà phê; từ khoé mắt, tôi có thể nhìn thấy cái thìa đang xoay vòng xoay vòng xoay vòng, và tôi muốn cười. Có điều gì đó thật giản đơn và ngớ ngẩn với chiếc thìa xoay vòng trong khi Jim Donell lải nhải, không biết hắn có ngừng nói nếu tôi đưa tay lấy chiếc thìa không. Rất có thể hắn sẽ, tôi khôn ngoan mà tự nhủ, rất có thể hắn sẽ hất cà phê vào mặt tôi.
“Đi nơi khác,” hắn buồn bã nói.
“Thôi đi,” cô Stella nói.
Tôi sẽ lắng nghe chăm chú hơn khi chú Julian kể câu chuyện của chú. Tôi đã cầm kẹo lạc rồi, tốt.
“Em buồn lắm,” Jim Donell nói, “nghĩ đến thị trấn sắp mất đi một trong những gia tộc lâu đời danh giá nhất. Thế thì chán lắm.” Hắn xoay người sang hướng khác trên cái ghế đẩu vì có người bước vào cửa, tôi nhìn vào đôi tay đang đặt trên đùi mình và tất nhiên sẽ không quay lại xem ai mới đến, nhưng sau đó Jim Donell thốt lên “Joe,” và tôi biết đó là Dunham, người thợ mộc; “Joe, anh đã nghe tin gì như thế này chưa? Khắp cái trấn này người ta kháo nhau nhà Blackwood sắp chuyển đi, và giờ cô Mary Katherine Blackwood ngồi ngay đây lại lên tiếng bảo tôi họ không đi.”
Có chút im lặng. Tôi biết Dunham đang quắc mắt, nhìn Jim Donell rồi nhìn cô Stella rồi nhìn tôi, cân nhắc điều hắn vừa nghe, tách bạch từng từ và quyết định ý nghĩa của chúng. “Thế à?” cuối cùng hắn nói.
“Ê này, hai người,” cô Stella cất lời, nhưng Jim Donell cứ tiếp tục, quay lưng vào tôi, chân hắn duỗi ra để tôi không thể vượt hắn ra ngoài. “Sáng nay tôi vừa nói với mọi người là nếu các gia tộc lâu đời chuyển đi thì chán lắm. Dù công bằng mà nói thì phần lớn người nhà Blackwood cũng đã đi rồi.” Hắn cười, đập tay xuống quầy. “Đi rồi,” hắn lặp lại. Cái thìa trong cốc hắn bất động, nhưng hắn vẫn tiếp tục lải nhải. “Phong thái một ngôi làng sẽ tuột dốc khi những gia tộc danh giá lâu đời đi mất. Ai mà chả nghĩ,” hắn nhấn nhá, “là không ai cần họ.”
“Đúng vậy,” Dunham nói, và hắn cười ha hả.
“Cái kiểu họ sống trong dinh cơ cổ kính xa hoa, hàng rào này đường riêng này ăn ở kiểu cách này.” Hắn luôn lải nhải đến mệt mới thôi. Khi Jim Donell nghĩ ra điều gì đó để nói, hắn nói luôn mồm và bằng nhiều cách nhất có thể, có lẽ vì hắn có rất ít ý tưởng và phải vắt kiệt từng ý một. Hơn nữa, mỗi khi tự lặp lại lời mình thì hắn tưởng hài hước lắm, tôi biết hắn sẽ còn tiếp tục cho đến khi thật chắc chắn không còn ai nghe nữa, còn tôi tự đặt ra một quy tắc cho chính mình: không bao giờ nghĩ về bất cứ điều gì nhiều hơn một lần, rồi tôi lặng lẽ đặt tay lên đùi. Mình đang sống trên mặt trăng, tôi tự nhủ, mình có một ngôi nhà nhỏ của riêng mình trên mặt trăng.
“Chà,” Jim Donell nói, hắn còn bốc mùi nữa. “Tôi hay kể với mọi người là tôi từng quen biết nhà Blackwood. Theo tôi nhớ thì họ chưa từng làm bất cứ điều gì với tôi, luôn cực kì lịch sự với tôi. Không,” hắn nói và cười hô hố, “tôi chưa từng được họ mời ăn hay gì đâu nhé.”
“Thế là đủ rồi đấy,” cô Stella nói, và giọng cô sắc lạnh. “Jim Donell, đi bắt nạt người khác đi.”
“Em có bắt nạt ai à? Chị nghĩ em muốn được mời chắc? Chị nghĩ em điên à?”
“Tôi,” Dunham nói, “tôi hay kể với mọi người là tôi từng sửa cái bậc thềm vỡ nhà họ và chưa được trả công.” Có thật. Chị Constance cử tôi đi bảo hắn là chúng tôi sẽ không trả mức giá làm mộc cho một tấm ván thô đóng cong vênh trên bậc thềm trong khi đáng ra hắn phải làm bậc thềm mới vuông vắn. Khi tôi ra ngoài nói chúng tôi sẽ không trả tiền, hắn cười nhăn nhở với tôi và nhổ nước bọt, và nhặt búa và cạy tấm ván và ném xuống đất. “Tự đi mà làm,” hắn nói với tôi, rồi lên xe tải và lái đi. “Chưa từng được trả công,” giờ thì hắn nói thế.
“Hẳn là có sơ suất gì rồi, Joe ạ. Anh chỉ cần đến nói chuyện với cô Constance Blackwood rồi cô ấy sẽ xem xét cho anh phần công xứng đáng. Chỉ là nếu anh được mời ăn, Joe ạ, thì chắc chắn phải nói không, cảm ơn với cô Blackwood nhé.”
Dunham bật cười. “Không phải tôi rồi,” hắn nói. “Tôi đã sửa bậc thềm cho họ và chưa từng được trả công.”
“Buồn cười nhỉ,” Jim Donell nói, “họ lúc nào cũng sửa nhà các thứ rồi lại tính chuyện chuyển đi.”
“Mary Katherine,” cô Stella nói, đi xuống nơi tôi đang ngồi từ phía bên trong quầy, “cháu về nhà đi. Đứng lên khỏi ghế và về nhà đi. Cháu còn ở đây thì còn không yên.”
“Chà, là thật mà.” Jim Donell nói. Cô Stella nhìn hắn, và hắn dời chân sang một bên và để tôi đi qua. “Chỉ cần nói ra thôi, cô Mary Katherine ạ, rồi tất cả tụi này sẽ đến giúp gói ghém đồ đạc. Chỉ cần em nói ra thôi, Merricat.”[6]
“Với cả cô có thể chuyển lời tôi đến chị gái cô…” Dunham bắt đầu nói, nhưng tôi vội vàng rời đi, và khi tôi đã ra ngoài, tất cả những gì tôi có thể nghe thấy là tiếng cười, hai người họ và cô Stella.
Tôi thích ngôi nhà trên mặt trăng của mình, và tôi đặt một cái lò sưởi trong nhà và có một khu vườn bên ngoài (thứ gì sẽ sinh sôi, nảy nở trên mặt trăng nhỉ? Tôi phải hỏi chị Constance mới được.) và tôi sẽ ăn trưa ngoài trời trong khu vườn trên mặt trăng của tôi. Những thứ trên mặt trăng rất rực rỡ và có màu sắc kì lạ, ngôi nhà nhỏ của tôi sẽ có màu xanh lam. Tôi quan sát đôi giày nâu nhỏ của mình nhô ra thụt vào, túi đồ khẽ vung vẩy một bên; tôi đã ghé tiệm Stella và giờ tôi chỉ cần đi qua toà thị chính, nơi thường không có ai ngoại trừ những người làm giấy phép nuôi chó và những người tính tiền phạt giao thông của các lái xe dọc theo quốc lộ đi qua làng, và những người ra thông báo về nước và nước thải và rác và cấm người khác đốt lá cây hoặc đánh cá; tất cả những người này sẽ ở tít đâu đó sâu trong toà thị chính, bận rộn làm việc cùng nhau, tôi không việc gì phải sợ họ trừ khi tôi đánh bắt cá trái mùa. Tôi nghĩ đến việc câu cá đỏ trên sông mặt trăng và thấy mấy thằng nhà Harris đang ở sân trước nhà chúng, ồn ào cãi vã với năm sáu thằng bé khác. Tôi không thể nhìn thấy chúng cho đến khi đi qua một góc toà thị chính, và tôi vẫn có thể quay lại theo hướng khác, lên quốc lộ chính đến con lạch, rồi băng qua con lạch và về nhà dọc theo nửa kia con đường dẫn đến nhà chúng tôi, nhưng muộn rồi, tôi phải xách đồ theo, và con lạch quá bẩn để mang đôi giày nâu của mẹ lội qua, và tôi nghĩ, tôi đang sống trên mặt trăng, và tôi bước nhanh. Chúng thấy tôi ngay lập tức, và tôi nghĩ đến cảnh chúng thối rữa và cuộn trong đau đớn và gào khóc thành tiếng, tôi muốn chúng gập người lại và gào khóc trên mặt đất trước mặt tôi.
“Merricat,” chúng gọi, “Merricat, Merricat,” và đồng loạt di chuyển để đứng thành một hàng bên hàng rào.
Không biết có phải cha mẹ chúng dạy chúng không, Jim Donell và Dunham và Harris bẩn thỉu dẫn dắt đám con cái tập luyện đều đặn, dạy dỗ với sự quan tâm đầy yêu thương, đảm bảo chúng lên giọng đúng cách, chứ không thì sao mà nhiều đứa có thể học chuẩn vậy?
Merricat, Connie[7] hỏi, em có muốn uống trà?
Ôi không đâu, Mary đáp, uống độc rồi ra ma.
Merricat, Connie hỏi, em có muốn đi ngủ?
Dưới nấm mồ, sâu hun hút, mười thước nha!
Tôi giả vờ mình không nói cùng ngôn ngữ với chúng, trên mặt trăng chúng tôi nói thứ ngôn ngữ mềm mật và hát dưới ánh sao, nhìn xuống thế giới khô tàn chết chóc, tôi đã đi gần hết nửa hàng rào.
“Merricat, Merricat!”
“Connie già đâu rồi… ở nhà nấu bữa tối à?”
“Em có muốn uống trà?”
Thật kì lạ khi ở bên trong chính mình, bước đi đều đặn và cứng nhắc qua hàng rào, đạp chân mạnh mẽ nhưng không vội vàng để chúng khỏi nhận ra, ở bên trong và biết rằng chúng đang nhìn tôi; tôi đang trốn rất sâu bên trong nhưng vẫn có thể nghe và nhìn thấy chúng từ khoé mắt. Tôi ước gì cả đám chúng nó đều phơi thây trên mặt đất.
“Dưới nấm mồ, sâu hun hút, mười thước nha!”
“Merricat!”
Có một lần khi tôi đi ngang qua, mẹ của mấy thằng nhà Harris đi ra hiên nhà, chắc để xem chúng nó la hét cái gì. Cô ta đứng đó một lát để quan sát và lắng nghe, và tôi dừng lại và nhìn cô ta, nhìn vào đôi mắt đờ đẫn vô cảm của cô ta và biết rằng mình không được nói chuyện với cô ta và biết rằng mình sẽ. “Cô không ngăn chúng lại được à?” hôm đó tôi hỏi cô ta, tự hỏi liệu còn phần nào trong người phụ nữ này mà mình có thể cùng trò chuyện không, không biết cô ta có từng vui vẻ băng băng trên bãi cỏ, hay ngắm hoa, hay biết đến niềm vui hay tình yêu chưa. “Cô không ngăn chúng lại được à?”
“Các con,” cô ta nói, không hề đổi giọng hay vẻ mặt hay bầu không khí thích thú buồn tẻ bao quanh cô ta, “đừng gọi tên quý cô đây nữa.”
“Vâng ạ,” một đứa nghiêm túc nói.
“Đừng đến gần hàng rào. Và đừng gọi tên quý cô nào cả.”
Và tôi bước tiếp, trong khi chúng rít gào và hò hét và người đàn bà đứng bên hiên nhà và cười.
Merricat, Connie hỏi, em có muốn uống trà?
Ôi không đâu, Mary đáp, uống độc rồi ra ma.
Lưỡi chúng sẽ bốc cháy, tôi nghĩ, như ăn phải lửa. Cổ họng chúng sẽ bốc cháy khi từng lời tuôn ra, và bụng chúng phải chịu sự tra tấn bỏng rát hơn cả ngàn ngọn lửa.
“Tạm biệt, Merricat,” chúng gọi với theo khi tôi đi đến cuối hàng rào, “đừng vội quay lại.”
“Tạm biệt, Merricat, gửi lời yêu thương của bọn tao đến Connie nhé.”
“Tạm biệt, Merricat,” nhưng tôi đã đến chỗ tảng đá đen và cánh cổng dẫn vào con đường mòn của chúng tôi đã hiện ra.
Linh M. Nguyễn dịch
[1] Công tước xứ York thứ ba là chắt của Vua Edward III và là một quý tộc quyền lực hàng đầu nước Anh. Ông là vị vua cuối cùng của vương triều Plantagenet (Anh). (Mọi chú thích đều là của người dịch – ND)
[2] 1 pound tương đương 0.45kg.
[3] 1 quart tương đương 0.94 lít.
[4] 1 panh tương đương 0.47 lít.
[5] Stell là cách gọi thân mật của Stella.
[6] Merricat là cách gọi thân mật của Mary Katherine.
[7] Connie là tên gọi thân mật của Constance.
Chấm sao chút:
Đã có 3 người chấm, trung bình 5 sao.
Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3