Thời gian đọc: 24 phút

Khi Madame Z nhắn tôi bảo cuối năm rồi, làm bài tổng kết một năm đọc sách nhỉ, tôi tá hỏa, cảm tưởng như vừa rơi vào vòng lặp thời gian. Cũng giờ này năm ngoái, tôi viết rằng sợ nhất bây giờ ai hỏi “năm rồi đọc được gì hay không?”, thà hỏi sắp lấy chồng chưa còn không căng thẳng bằng. Năm nay, vẫn thế thôi, trong một tháng rưỡi lockdown tôi thậm chí còn dành thời gian đọc lại 7 phần Harry Potter vì không có sách mới.

Tôi đang ngồi nghe một playlist của Haruki Murakami mang tên Stay Home Special, bài đầu tiên là Look for the silver lining bản của The Modern Quartet. Bản này hay, nhưng lần đầu tiên tôi nghe bản này là của Chet Baker và lời bản này thì đầy đủ hơn, đại để là về một người đang miệt mài rửa bát, và trong khi bất mãn với công việc ấy, anh ta chỉ còn cách bám vào cái niềm hy vọng rằng anh ta sẽ rửa cho chúng sáng bóng, đến khi anh ta nhìn thấy những ánh bạc phản xạ từ đó để giữ vững niềm tin vào cuộc đời. Vâng, nghĩ lại thì tâm trạng đọc sách của tôi trong năm qua cũng như cái người cần mẫn rửa bát trong bài hát ấy. Tôi bắt đầu năm mới với Giết chỉ huy đội kỵ sĩ của chính Murakami với lòng hân hoan tột độ rằng năm nay giá cổ phiếu HPG sẽ vượt 60 ngành xuất bản sẽ có nhiều bom tấn, nhưng có lẽ như người ta bảo, đầu năm khẩu nghiệp cả năm trả nghiệp, tôi lỡ chê cuốn tiểu thuyết nghìn trang của ông với mấy người bạn, thế là cả năm tôi đọc hết cuốn này tới cuốn khác mà bói mãi không được mấy cuốn sách hay hơn cuốn ấy. Thật ra trong quá trình đọc, chỉ cần đôi khi bắt được dấu vết của một “silver lining” trong một tác phẩm là tôi đã mừng hết biết và lại đầy tin yêu cuộc sống rồi.

Mặc dù vậy, vì nghỉ Tết dương xong còn phải đi xin sách review tiếp  tôi vẫn ngồi lục lại những cuốn sách văn học dịch hay được xuất bản trong năm mà tôi đã đọc được. Không hẹn mà cùng, điểm chung của những cuốn sách này, nếu đứng trên tư cách của một người viết mà nói, thì đó là chúng đều thuộc về những “nhà văn của những nhà văn”. Khi nói ra cụm từ này, ý tôi muốn ám chỉ đến những người như Kafka và Rowling – nghe không liên quan nhỉ, nhưng họ là kiểu nhà văn dễ lôi kéo ta vào băng nhóm của họ, làm đồ đệ của họ, họ gây cho ta cảm giác muốn viết như họ, hoặc chí ít là gợi ý cho ta một cách viết cho thời đại ta đang sống, khác với kiểu nhà văn như Milan Kundera, một kiểu nhà văn chỉ để đọc chứ không để bắt chước, một kiểu nhà văn viết ra thứ văn chương tuyệt tự (nhắc đến Kundera bởi Sách cười và lãng quên cũng được in trong năm nay nhưng tất nhiên tôi không chọn nó vào danh sách này). Và ta bắt đầu nhỉ?

Hoa hậu được bình chọn nhiều nhất thuộc về:

Người hùng mang ngàn gương mặt – Joseph Campbell

Các bạn từ từ, đừng ném đá. Tôi biết đây không hẳn là cuốn sách văn chương, bởi vậy nên nó mới chỉ đứng ở hạng mục được bình chọn kia chứ không có vương miện với quyền trượng (chứ không nó đã là hoa hậu).

Sinh ra trong một gia đình Thiên Chúa giáo sùng đạo, Joseph Campbell nói ông đã coi những câu chuyện về sáng thế, thiên đường, phán xét, tội lỗi như một điều hiển nhiên từ thời thơ bé. Đến khi được dẫn đi xem những buổi diễn tạp kỹ về người Anh-điêng, cậu bé Joseph Campbell bắt đầu mê mẩn thần thoại của những bộ tộc bản địa trên Bắc Mỹ. Cậu nhận ra có những từ vựng chung tồn tại trong cả hai kho huyền thoại. Và đến khi theo đuổi nghiên cứu Hindu giáo và lịch sử trung cổ thời vua Arthur, cậu một lần nữa thấy mình đang đọc lại những câu chuyện tuổi thơ, dù trong vỏ bọc khác. “Vì thế bạn không thể bảo tôi rằng những câu chuyện tôi đang đọc không phải là một.”, Joseph Campbell kết luận. Đó là khởi nguồn của Người hùng mang ngàn gương mặt, một công trình thần thoại so sánh đồ sộ và tráng lệ như một bản giao hưởng, nơi những điệu waltz của cổ tích châu Âu, điệu múa hủy diệt của Shiva, tiếng đàn lyre của Apollo, tiếng sáo tiêu dao của Lão Tử, khúc bình ca của Kinh Thánh, vũ khúc ngàn lẻ một đêm Ba Tư huyền diệu,… tất cả hòa làm một, trong bản tổng phổ duy nhất mang tên: monomyth, hay hành trình của người hùng.

Northrop Frye viết: “Không thể dạy hay học văn chương, chỉ có thể dạy và học cách phê bình.” [Giải phẫu phê bình]. Một trải nghiệm văn chương là một trải nghiệm tối mật, ta làm sao có thể hợp thức hóa cái rùng mình của riêng ta khi đọc tới đoạn Harry Potter nhận ra kẻ sát nhân bị truy nã là cha đỡ đầu bị hàm oan của cậu hay khi biết người phụ nữ da đen trong Beloved giết đàn con của mình để cứu lấy chúng, ta sẽ giữ những ngất ngây xúc động ấy như báu vật yên lặng của mình, trong khi thứ duy nhất ta có thể đem ra luận bàn khoa học là ngữ pháp của văn chương, cái hệ thống biểu tượng và mô hình làm nên nó. Trong ý nghĩa ấy, Người hùng mang ngàn gương mặt như cây búa quyền năng của Thor, ai cầm được lên sẽ có một vũ khí tuyệt vời để hiểu cách một văn bản văn chương hoạt động.

Nhưng nếu chỉ là một tập kinh kệ đắc lực để nghiên cứu thì có lẽ lý thuyết của Joseph Campbell đã không tạo nên sức ảnh hưởng sâu rộng tới thế. Lý thuyết của Campbell có thể gây háo hức với bất cứ ai bởi nói cho cùng, nó cho ta biết điều gì đó sâu kín về con người: đầy những điểm yếu chí tử, luôn bị kéo vào số phận không bằng phẳng, luôn bập bõm đi trên sợi dây căng qua vực thẳm của những nỗi đau, và sẽ chết. Thứ quan trọng nhất của hành trình người hùng trong thần thoại không phải đích đến sau chót, không phải vì bộ lông cừu vàng mà ta yêu thích Jason hay vì khả năng sống lại khiến ta muốn đọc thần thoại về nữ thần Inanna của người Lưỡng Hà. Ta yêu câu chuyện về Jason vì toàn bộ những thử thách mà chàng phải vượt qua và ta yêu Inanna nhất là khi nàng lìa khỏi cõi đời. Cái mà con người khao khát, nói như Joseph Campbell, không phải là một ý nghĩa, mà là được cảm nhận mình đang sống.

Điều hay nhất khi đọc Người hùng mang ngàn gương mặt với trùng trùng lớp lớp những câu chuyện của đủ mọi nền văn hóa là khi ta so sánh nó với cuộc sống hiện đại, nơi không còn gì thiêng liêng, không còn gì bí nhiệm, thế giới bị xẻ toạc từ bên trong, ta quan sát thế giới không còn như những vị quan tòa mà chỉ như những vụ án cần làm sáng tỏ. Vũ trụ giờ chỉ còn là cái hồ Loch Ness trống không.

Trong một bài tưởng nhớ tuyệt vời dành cho Joseph Campbell, người bạn, người cộng sự Bill Moyers nhớ lại một câu chuyện mà Campbell yêu thích nhất, một câu chuyện mà Campbell tình cờ nghe được ở Nhật Bản, khi một triết gia ở New York nói với một nhà sư theo đạo Shinto rằng ông đã tham gia rất nhiều những buổi lễ Thần đạo nhưng ông vẫn không hiểu nổi hệ tư tưởng của họ. Và nhà sư, chìm vào suy nghĩ của mình trong chốc lát, sau đó chậm rãi lắc đầu: “Tôi không nghĩ chúng tôi có hệ tư tưởng nào cả. Chúng tôi không có thần học. Chúng tôi chỉ nhảy múa”.

Joseph Campbell luôn nói rằng thần thoại là bài ca của vũ trụ. Sai lầm của chúng ta là đứng trước một bản nhạc mà ta lại lăm lăm dao nhọn thô lậu của lý trí những mong phẫu thuật được nó, tưởng rằng đó là cách tốt nhất để thấu hiểu được giai điệu thần kỳ. Không, cách tốt nhất để thấu hiểu một bản nhạc là hãy quên phứt đi những thuyết lý hàn lâm dông dài, hãy hòa mình vào nó, nhảy múa thật tưng bừng theo nó, như Shiva đã tạo ra mọi “sáng tạo, hủy diệt và những thử ở giữa hai điều đó” bằng cách nhảy, nhảy, nhảy nữa lên.

Á hậu 3 thuộc về:

Austerlitz – W.G. Sebald

Austerlitz có bề mặt trơn trượt lạ lùng. Như một mặt nước đóng băng, ta bước chân lên một phiến hồi ức, và chân ta lê theo lực kéo kỳ lạ nào đó qua những phiến ký ức khác. Như một hồi ức về vườn thú nhòe vào hồi ức của một nhà ga, một hồi ức về ngôi nhà màu thổ hoàng thì mở ra hồi ức về một người đàn bà thời trẻ. Cuốn tiểu thuyết di chuyển trơn tru từ bàn bida đã nằm qua cả trăm năm không đổi đến sự xóa trắng thời gian, đến niềm đau của những con ngài, và tất nhiên, cả niềm đau của những con người đã mất hút vào một lò hơi ngạt lịch sử nào đó.

Cuốn tiểu thuyết bắt đầy với một người dẫn truyện không tên tình cờ gặp Jacques Austerlitz. Austerlitz đang đứng trong Sảnh chờ của nhà ga, ghi chép tỉ mỉ từng chi tiết thuộc về công trình kiến trúc ấy. Và đúng như những thứ chỉ có trong tiểu thuyết, họ sáp vào nhau chuyện trò về kiến trúc, rồi tình cờ gặp lại, lại tiếp tục nơi câu chuyện vẫn còn dang dở, cứ thế, dần dần, một người đã trút cả đời mình cho người kia. Cảm tưởng họ là những khối đá đã lơ lửng giữa không trung hàng triệu năm bỗng vô tình cùng bị một hành tinh kéo vào vành đai xoay quanh, và từ đó mãi mãi bị giữ trong cùng một quỹ đạo vô hình của định mệnh, không thể tránh khỏi những lần chạm mặt.

Sự quy hoạch của cuốn tiểu thuyết này thật kỳ lạ vì nó một mực không đi vào một trọng tâm nào, khi dường như đã chuẩn bị đến rất gần một chủ điểm thì nó lại đột ngột bẻ cong để tạo ra một độ mờ nhất định. Rốt cuộc nó là lịch sử một đời người hay lịch sử một thời đại, hay nó là một tiểu luận về kiến trúc, hay một luận đề về thời gian? Nó tấp vào tất cả mọi thứ gặp phải trên đường: cả những thứ cứng chắc và những thứ chóng qua, cả động vật và thực vật, cả pháo đài và những chữ “a”. Đồng hồ, vẹt, ảnh, mặt trăng, ba lô, tàu hỏa, ấm trà, một thước phim cũ,… – những đồ vật dày đặc trong Austerlitz , mỗi món đồ là một khối hồi ức, và nếu ví đời người là một căn phòng thì những đồ vật ấy được chất trong những ngăn kéo cao vút đến nỗi khi đứng giữa cái thế giới mà Sebald tạo ra, một người có thể bị những đồ vật và những hồi ức chất chồng chôn vùi bất cứ lúc nào, bởi chỉ cần một cơn địa chấn của tâm trí là tất cả sẽ rụng đổ.

Quả thực cuốn sách này gợi cho tôi nhớ về bộ phim Last year in Marienbad của Alain Renais. Roger Ebert từng viết về phim đó thế này: “Điều tôi không được chuẩn bị là vẻ khêu gợi của Marienbad, sự điều khiển về giọng điệu và bầu không khí của nó, cái cách đầy thôi miên để lôi cuốn ta vào câu đố của mình, vào vẻ đẹp nghiêm cẩn trong hình ảnh của mình. Vâng, nó có một câu chuyện đến nay vẫn là bí ẩn, ngay cả đối với các nhân vật trong phim nó vẫn là bí ẩn. Nhưng không ai muốn biết câu trả lời cho bí ẩn ấy.” – tôi cho rằng Austerlitz cũng là một kiểu tác phẩm như vậy, ta thậm chí đôi khi bắt gặp mình đang mất dấu trong chuỗi hồi ức miên viễn ấy, và không thật sự biết nội dung câu chuyện đã diễn tiến tới đâu, nhưng ta không thể quên cảm giác khi ta đọc nó.

Á hậu 2 vinh danh:

Lời tự thú của chiếc mặt nạ – Yukio Mishima

Bạn thân mến của tôi, hãy quên luôn anh Marlon Brando đi. Đây mới là cuốn sách giáo khoa về method acting này. Vì có lẽ ngay cả Brando thần thánh cũng thua xa so với nhân vật Kochan (hiện thân của chính Mishima) trong cuốn tiểu thuyết này.

Phê bình tiểu sử có thể đã lỗi thời với tác giả nào chứ không thể lỗi thời với Yukio Mishima, người đã sống như cách ông viết và đã viết như cách ông sống, người đã tuốt hết những tinh chất bên trong cả hoa cúc và thanh gươm, đã biến cái đẹp là một phần của cái chết và ngược lại. Trong Mặt trời và thép, một tiểu luận tự sự về chính bản thân mình, Yukio Mishima nói về xung lực lãng mạn hướng về cái chết như một khúc overture liên tục trở đi trở lại trong bản opera đời mình. Còn trong Lời tự thú của một chiếc mặt nạ, nhân vật chính cũng mang một niềm hoang tưởng hiếu kỳ về đổ máu, về bạo lực, về cái chết; anh đã đạt tới khoái cảm tình dục lần đầu tiên khi ngắm một bức tranh về thánh Sebastian gần như trần truồng bị treo trên cây với những mũi tên đâm xuyên vào cơ thể, nhưng dù tử khí đã phảng phất, nơi vị thánh vẫn chỉ chói ngời sự sung mãn của tuổi trẻ, không một chút phân rữa, vẫn vang vọng ánh sáng của thanh xuân.

Cậu ta nhập vai đến mức không chỉ trà trộn được vào rừng mặt nạ xung quanh mà còn trở thành một bản sinh đôi đe dọa đến bản dạng thực sự trú sâu trong cậu. Và như lẽ thường tình, một khi mặt nạ được gắn một lớp keo quá chặt, ta đừng hòng tháo bỏ mặt nạ ra mà không làm sứt mẻ gương mặt thật bởi chiếc mặt nạ đã trở thành phần kéo dài của bản ngã.

Có lẽ không một đất nước nào có ý thức về phẩm giá hơn Nhật Bản. Nhắc tới samurai là nhắc tới sức mạnh và danh dự, và không nỗi ô nhục nào bằng sự yếu nhược và sự mất mặt. Đối chiếu với Lời tự thú của chiếc mặt nạ, một động lực vô song đã giúp Kochan trở thành diễn viên tuyệt vời là bởi cậu sẽ không đời nào chấp nhận đánh mất phẩm giá của mình trước những con mắt chĩa vào mình. Và phẩm giá chính là nguyên ủy nỗi thống khổ của một cuộc sống ẩn mình sau mặt nạ. Mishima đã mô tả nỗi thống khổ của kẻ ngụy trang bằng thứ ngôn từ lộng lẫy sẽ mất đi cùng với cái chết của ông, lộng lẫy như một tòa kiến trúc La Mã xa xỉ, lộng lẫy đến mức trong thống khổ có khoái cảm, và trong phút chốc, ta ước sao mình cũng được hủy hoại, được giày vò, như một diễn viên đam mê bi kịch và đến khi chạm đỉnh, nỗi sầu uất của vai diễn và sự mãn nguyện của người diễn hòa làm một.

Thế nhưng, khi ta tưởng rằng Kochan đã qua mặt được tất thảy, thì đến đoạn cuối, Mishima ném vào ta một cái kết khiến ta tỉnh lại. Kể cả khi trái tim hay tâm trí đã bị đánh lạc hướng, thì vẫn có một thứ tỉnh táo nhìn thấu xuyên hết, và đó chính là xác thịt. Xác thịt là triết học của sự thật, là màng lọc của chân lý. Dù trong tích tắc xuất thần nhất của màn trình diễn, Kochan cũng không thể ngăn lửa lòng bừng dậy khi trông thấy nơi sàn nhảy dơ dáy, một chàng trai trẻ tuổi đổ mồ hôi ướt đẫm, từ kẽ nách vươn lên những búi lông rậm đen lấp lánh dưới nắng mặt trời, và trên bộ ngực trần rám nắng là một hình xăm một đóa mẫu đơn. Viết đến đây thì tôi nhận ra tôi và Mishima không có cùng gu trai đẹp, tôi thích những người như Timothée Chalamet chứ không thích kiểu mấy anh thợ thuyền lao động cao to đen hôi, nên tôi sẽ không nói nữa kẻo đổi ý bỏ Lời tự thú của một chiếc mặt nạ ra khỏi danh sách này.

Á hậu 1 của năm xin trao cho

Hồi ức thiếu nữ – Annie Ernaux

Nếu không vì Annie Ernaux được kháo sẽ giành giải Nobel trong năm nay, chắc tôi đã không đọc bà. Bởi vậy mà gì thì gì, tôi vẫn thích giải Nobel và những đồn đoán xung quanh nó, ơ kìa, vui mà nhỉ. Thôi lại quay lại Annie Ernaux.

Có thể ai đó sẽ nghĩ tôi đang xếp cuốn sách này quá cao, vậy thì tôi sẽ biện bạch: vị trí này là xứng đáng, bởi vì với Hồi ức thiếu nữ nói riêng và văn nghiệp nói chung của mình, Annie Ernaux đã chọn viết vì một động cơ nguy hiểm nhất đối với một người viết: phơi bày hồi ức của mình. Đành rằng, khi viết, ta luôn trút một phần của mình vào đó. Nhưng bạn cũng biết câu ngạn ngữ nửa cái bánh mì và nửa sự thật rồi. Trút một phần thì dễ thôi, nhưng trút toàn bộ lại là chuyện khác.

Tự truyện đã phải đi một con đường dài để được nhìn nhận như một tiểu loại chính thống của văn chương, mà thậm chí ngay cả đến hiện giờ, ta vẫn cứ không ngừng phải bào chữa và minh giải cho nó, rằng nó không phải là đứa con khác dòng, cũng không phải là thứ phẩm. Thậm chí, kể lại những gì tôi đã thấy, đã nghe và đã cảm nhận, đó là động cơ đầu tiên của văn chương, không có nó thì không có gì cả. Annie Ernaux đã viết với động cơ như thế.

Ernaux viết nhiều, và Hồi ức thiếu nữ là cuốn sách gần đây nhất của bà, cuốn sách mà hơn một lần ở những dòng được viết bên trong, bà thú nhận đã luôn lần lữa coi nó như “cuốn sách vẫn luôn còn thiếu. Luôn luôn bị trì hoãn. Một lỗ hổng không thể gọi tên.” Bà không định viết, rồi vẫn viết, rồi bỏ dở, rồi nhiều năm sau, lại quay về viết, với ý nghĩ đây biết đâu là cuốn sách cuối cùng, và nếu bà không viết bây giờ, sẽ không còn ai hồi tưởng về “cô” nữa. Bà gọi mình của năm 1958 là “cô”, như một người xa lạ thuộc về một cuộc đời khác. Không phải một kiểu làm ra vẻ mà nó đúng là như vậy, tất nhiên không chỉ vì thổ âm vùng Normandie hay lối suy nghĩ dùng ngôn từ của Camus mà hẳn đã thay đổi theo thời gian. Khi hồi tưởng về một thời đã xa (mà cụ thể ở đây, 50 năm trước), ta của hiện tại sẽ thấy ta của quá khứ cũng chỉ giống như một cái tên quen liếc thấy trong niên giám trang vàng, một người bạn thân cũ đã lâu không liên hệ.

Cô nàng năm 58 có mặt tại một mùa hè khi bài Histoire d’un amour của Dalida đương thịnh hành. Trong bài hát này có câu: “Chuyện của tôi là một chuyện tình yêu”. Nhưng mặc dù có vẻ rất giống với một hồi ức tình yêu, cuốn sách của Ernaux không phải một chuyện tình yêu. Cô yêu H., đến với anh, bị anh bỏ lại – hồi ức ấy là khởi điểm cuốn sách này, nhưng càng men theo con suối của hồi ức thì nó càng dẫn cô đi vào sâu trong những phong cảnh kín đáo của tâm tưởng: niềm đam mê, giấc mơ, nỗi hổ thẹn, sự kiêu ngạo, sự vô tri, cảm giác là một người phụ nữ trong thế giới mà Simone de Beauvoir phải đi tìm ý nghĩa của việc là một người phụ nữ.

Ernaux đã tìm ra một thứ ngôn ngữ cho hồi ức, cùng một lúc sống động mà cũng hư mờ – như lấy tay mà lau đi tấm kính giữa trời mưa, chỗ này vừa hiện ra thì chỗ khác lập tức nhòa đi, bà có thể thấy rõ cô trong rất nhiều cảnh huống, ngồi trên một chiếc ghế đầu ở quán bar Chez Graindorge, ngồi trong căn phòng mình nghe những điệu waltz của Strauss, nhưng lại không thể thấy rõ cô đang nghĩ gì – bánh con sò, phô mai hay chẳng gì cả – và logic nào đã đưa cô đến những trạng thái mà cô hiện diện, như cái lúc trong phòng ngủ của H., dường như dù theo sát cô đến đâu thì giữa cô và bà vẫn là một tấm rèm che.

Ernaux gọi trí nhớ là “nhân viên đạo cụ phi thường, khiến tôi trở thành một khán giả bị thôi miên trước bộ phim vô ý nghĩa” – hàm ý rằng mọi sự kiện diễn ra trong đời ta đều vô nghĩa, có lẽ vô nghĩa như cái khuỷu tay mà Lev Tolstoy đã thấy khi đang nằm trên sofa sau bữa tối, nhưng Tolstoy đã nhìn thấy nó như một người phụ nữ buồn bã trong yến tiệc và vì thế nên viết Anna Karenina. Vậy thì một nhà viết tự truyện cũng là người phải nhìn thấy người phụ nữ buồn bã trong yến tiệc từ những chuyện vô nghĩa đã từng.

Điều này tất nhiên không dễ chịu. Việc tìm kiếm ý nghĩa trong những thứ vô nghĩa luôn không dễ chịu, sự hoang tưởng đó là nguồn cơn của mọi nỗi khốn khó nơi một con người. Cho nên nếu so với những người không viết, người viết, nhất là những người viết tự truyện, như những kẻ đã chọn bước vào trò chơi dại dột nhất, họ là những nhà tiên tri buồn luôn thấy hung tinh từ một bầu trời đầy sao lộng lẫy mà đáng ra chỉ nên ngắm nghía. Giả sử bà sống như H., hoàn toàn không đếm xỉa đến sự hiện diện của cô nàng năm 58, bà sẽ không phải tự phơi bày bản thể, không đặt mình vào thế bất trắc và dễ tổn thương, không phải xoay vần nỗi hổ thẹn từ năm này qua năm khác.

Nhưng nói như Annie Ernaux thì bà không ganh tị với anh. “Bởi tôi chính là người viết”.

Trước khi trao giải Hoa hậu của năm, tôi xin dành chút thời gian giới thiệu lại Hoa hậu năm ngoái. Gọi là Hoa hậu năm ngoái bởi vốn dĩ cuốn này in ở Việt Nam năm ngoái, nhưng đến năm nay tôi mới có dịp đọc. Xin trân trọng giới thiệu khách mời đặc biệt: Trò chơi của thiên thần – Carlos Ruiz Zafon.

Được đọc những tập tiểu thuyết như thế này luôn là một ân điển, khiến ngay cả một vài đêm không ngủ cũng chỉ là chuyện phù du, ta chấp nhận cái giao kèo mơ hồ đổi lấy vài đêm thức trắng ấy để quăng mình vào một giấc chiêm bao lưu huyết, và ta nhận lại một thứ gì đẹp đẽ – vâng, những cuốn sách của Carlos Ruiz Zafón là minh chứng rằng rốt cuộc vẫn còn một thứ gì dẫu điêu tàn, nhưng đẹp đẽ.

David Martín, một nhà văn trẻ trên bờ vực lụn bại nhận được một đề nghị không-thể-từ-chối từ một người đàn ông bí hiểm: một trăm ngàn france đổi lại việc anh sẽ sáng tác một câu chuyện khiến mọi người có thể sống vì nó, chết vì nó, giết chóc vì nó và để mặc cho mình bị giết chóc vì nó, một câu chuyện khiến người ta tin, mơ, dâng hiến, hy sinh, chuộc tội – hay, một tôn giáo mới, một Kinh Thánh mới. Giống như Faust, anh bằng lòng, đâu hay biết mình đã bán linh hồn cho quỷ dữ.

Đó trước hết là một tiểu thuyết noir, lắt léo những ngóc ngách và nấp trong ngóc ngách là những kẻ truy lùng giấu mặt, gợi nhớ về những bộ phim thời kỳ đỉnh cao của Jean-Pierre Melville, tàn nhẫn mà cũng băn khoăn triết lí. Đó tiếp theo là một bảo tàng ngây thơ về Barcelona thế kỷ 20. Cuộc điều tra, rượt đuổi và chạy trốn của David Martín đưa anh xuyên qua thành phố được làm nên từ tội ác và hoài niệm, từ thiên thần và địa ngục, từ tâm hồn si tình đến chết của những cư dân hữu tử và từ những bóng ma bất tử nán lại trong hoang phế, từ những ngôi nhà bị nguyền rủa và những cuốn sách bị vùi quên, từ những ô cửa sổ nhìn ra sương mù và những đại lộ trong hũ nút. Trên tư cách nhà văn của một nơi chốn, Carlos Ruiz Zafón ngang hàng với Paul Auster của New York, Patrick Modiano của Paris hay Orhan Pamuk của Istanbul. Số phận của Barcelona là số phận của ông, say đắm nhưng đồng thời đẫm máu như một cuộc đấu súng trong mơ. Nhưng trên hết, cuốn tiểu thuyết này đến cùng đích là một nghiền ngẫm về văn chương, về sự viết. Hành trình vật lộn để sống của David Martín trùng với hành trình vật lộn để viết của anh. Thỏa thuận giữa anh và người đàn ông bí hiểm tóm lược lại chỉ là: nếu muốn sống, anh phải viết. Và chẳng phải đây là định mệnh không thể tránh khỏi của mọi nhà văn, với họ, sống và viết là một, “không thể sống mà không viết”, nói như Pablo Neruda. Và giống như David Martín, để viết nên một tác phẩm để đời, mọi nhà văn phải đánh bạn với quỷ dữ và bán linh hồn cho cái ác. Sẽ không thể lôi văn chương ra từ một tâm hồn lành lặn an ổn, chỉ những kẻ đã bị bể dập tan tành và trải qua những cuộc đại phẫu hư ảo thì từ những vết nứt toác mới nảy lên được văn chương. Mọi nhà văn đều sống trong ngôi nhà với căn phòng nguyền rủa khóa kín và bị một bóng ma ám ảnh, đôi khi bóng ma ấy là chính họ, họ tự săn đuổi và giam cầm mình. Nhìn xem, David Martín đã lì lợm viết bản thảo nguy hiểm ấy đến cùng bất chấp sự can ngăn và những lời cảnh báo. Tình yêu không ngăn cản được anh, quyền lực không ngăn cản được anh, sự hoài nghi, sự ghê tởm và sự căm phẫn của chính mình không ngăn cản được anh, không gì ngăn được ham muốn kể chuyện của một người kể chuyện, cái ham muốn mãnh liệt không thể gò cương. Tất cả chỉ bởi David Martín tin rằng chỉ câu chuyện ấy mới cứu được đời anh. Không phải biết, mà là tin. Anh đã dấn quá sâu để không thể không tin. Văn chương là một loại cuồng giáo, mà mọi loại cuồng giáo đều đi tới hủy diệt tín đồ.

Biết là vậy, nhưng làm sao khác đi đây với một nhà văn? Trong tác phẩm của Goethe, quỷ Mephistopheles đã nhắn nhủ với Faust rằng: “Đừng âu yếm những nỗi khốn khổ của mình, nó ăn mòn ngươi như một con kền kền vậy”, nhưng không âu yếm những nỗi khốn khổ thì làm sao hoài thai văn chương, làm sao hoài thai cái đẹp? Với một nhà văn, không thể sống mà không viết, không thể viết mà không tự hủy hoại mình.

Và cuối cùng, vương miện của năm xin được nhường lại từ Trò chơi của thiên thần dành cho hoa hậu mới của năm 2021, tin chắc cái kết này sẽ có nhiều người không hài lòng, nhất là khi một số á hậu đều là những ứng cử viên hàng đầu như Lời tự thú của một chiếc mặt nạ hay Austerlitz. Nhưng vòng vèo nhiều chẳng bằng công bố, cuốn sách mà tôi trao cho giải hoa hậu chính là

Người mắt kép – Wu Ming-yi

Quả thật, tôi không hề phân vân khi đặt cuốn sách này ở ngôi vị cao nhất. Không phải vì nó hoàn hảo. Tất nhiên lại càng không thể vì nó đã vượt qua được bài thử thách của thời gian – như những cuốn sách được chọn lựa ở phía trên. Cuốn tiểu thuyết này mới xuất bản lần đầu ở Đài Loan vào năm 2011. Nhưng nó là cuốn sách mà thời đại này cần, và tôi tin nó sẽ đặt bản lề cho một cách viết mới về vấn đề sinh thái, như cách mà Trăm năm cô đơn đã đặt ra cách viết mới cho vấn đề thuộc địa.

Khi Gabriel García Márquez bắt đầu với chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, đó dường như là lựa chọn duy nhất có đủ khả năng mô tả cái thế giới mà ông đang sống, thế giới “quá gần đây đến mức rất nhiều thứ thiếu một cái tên”. Tất cả những sự vật thuộc thời đại hậu thực dân ấy, từ ống điếu đến kính lúp đến những đồn điền chuối trong Trăm năm cô đơn đều lập dị, đầy ma thuật và chỉ có thể được kể bằng một phương thức tự sự gypsy thần bí.

Chúng ta cũng đang sống trong một thời đại lạ lùng như thế, những cụm từ “biến đổi khí hậu” hay “nóng lên toàn cầu” mới chỉ có lịch sử được vài chục năm, tuổi đời còn không bằng một bản nhạc của Michael Jackson nữa, và rất nhiều thứ đã có tên nhưng ngoài cái tên thì chúng chẳng có gì. Chỉ mới gần đây, biết được rằng giấy ướt và túi vải không dệt đều làm từ nhựa, và bất giác cảm thấy như mình là chàng thổ dân Atile’i của Wu Ming-yi khi đặt chân lên đảo rác lần đầu, thấy một cây bút, thấy một hộp thiếc, những thứ cậu chưa từng thấy bao giờ, thứ nào cũng kỳ diệu, và nhận ra cậu vốn dĩ hoàn toàn tù mù, hoàn toàn lơ mơ về vạn vật ngoài kia. Giây phút đó, tôi biết nhân vật Atile’i không chỉ đại diện cho một tộc người cổ xưa, một quá khứ nguyên thủy của nhân loại, mà cậu ta còn là một trạng thái sống ngây thơ trước thế giới đang lộ mình, ngây thơ như đại tá Colonel Aureliano Buendía trong một buổi chiều lần đầu tiên khám phá ra nước đá.

Atile’i dong buồm rời khỏi hòn đảo Wayo Wayo, một hòn đảo như lọt ra từ một đoạn đã mất của thần thoại, nơi người ta chào nhau bằng câu hỏi “Hôm nay thời tiết trên biển trong lành không?”, nơi người ta còn tin vào thần tính. Atile’i đáng ra đã chết nếu không đâm phải một hòn đảo khổng lồ làm từ rác thải. Cùng lúc ấy, ở Đài Loan, Alice, một người phụ nữ sống trong một ngôi nhà sát biển nơi mỗi năm thủy triều lại lấn sâu hơn một chút, và ngày ngày cô có thể ngồi trên một chiếc ghế trong khi cá bơi lượn dưới chân. Và rồi có một người leo núi rớt xuống từ lưng chừng vách đá và không bao giờ trở lại, một đứa trẻ đi tìm bọ hung cánh dài mất tích khi đuổi theo lũ nai để tìm cha, một người phụ nữ biết hát A hard rain’s gonna fall và là chủ một quán ăn bị tàn phá bởi hòn đảo rác, một người kỹ sư phá núi bị ám ảnh vĩnh viễn bởi một âm thanh kỳ quặc trong hang, một người thợ săn cá voi bị chấn động trước cái chết của một con hải cẩu, một người Bunun trở về với núi, một người mắt kép sống ở nơi con người ta không sống và cũng không hẳn là đã chết…

Ta đọc Người mắt kép theo cách ta nhìn ngắm một bức bích họa trên vương cung thánh đường. Có những bức tranh khác nhau và những bức tranh ấy lại liên kết thành một biên niên về buổi đầu Tận thế. Ta có thể chiêm ngưỡng tổng thể kỳ công của bức bích họa ấy, mà cũng có thể tập trung điểm nhìn vào bất cứ gương mặt nào xuất hiện, từng gương mặt khi đặt riêng ra vẫn ánh xạ đầy đủ câu chuyện không khác chi khi ta cố tách từng chân dung trong một tác phẩm của Michelangelo, kẻ nào dù thời lượng xuất hiện dài hay ngắn thì cũng có điểm chung là mang một kết nối bí ẩn với thế lực vĩ đại, mà trong Michelangelo là Đấng Sáng Thế, còn ở đây là tự nhiên với những hóa thân khác nhau, có khi là thần Kabang, có khi là biển, có khi là hang động, có khi là rừng, cũng có khi là một chú mèo tên “Chào buổi sáng”.

Cái hay là, sự sắc nét trong từng chi tiết ấy rõ ràng cũng chịu ảnh hưởng, một lần nữa, từ chủ nghĩa hiện thưc huyền ảo của Márquez luôn đặc trưng bởi cơn lũ những chi tiết và nỗi sợ cái trống rỗng (horror vacui), nhưng cũng cùng lúc hô ứng với thế giới ứ ngập chủ nghĩa tiêu dùng, trong đó con người hiện đại không thể ngưng nhồi nhét hàng ngàn món đồ và vật dụng vào mỗi hai tư giờ chật chội, đương nhiên họ không thể chịu được sự không-có-gì.

Nhìn thật kỹ, bước ngoặt của mỗi nhân vật trong Người mắt kép cũng đều là khi họ bị ném vào không-có-gì. Atile’i bị ném vào giữa đại dương mênh mông không bến bờ, không tình yêu. Alice bị ném vào một cuộc đời mới không còn gia đình, không còn ngôi nhà đẹp xinh hướng ra mũi biển. Đứa bé con bị ném vào những đêm mưa dài giữa núi cao, đợi mãi không thấy cha trở lại. Người cha bị ném xuống đáy vực, cố gắng leo lên tìm con trai, nhưng cuối cùng chỉ nghe người mắt kép giảng giải rằng “Ngươi biết mà, ở trên đó vốn dĩ không có bất cứ ai. Vốn dĩ không có.” Và thực sự thì có hai loại “rác”, hai loại phế thải trong Người mắt kép: phế thải vật chất – cái xác của những gì đã bị rút cạn linh hồn và vất vưởng trên đại dương chờ ngày trả hận; phế thải của quá khứ – những gì còn xót lại từ kỷ niệm quay về làm nhức nhối tâm hồn ta, khi xét theo nghĩa thứ hai, thì chính bản thân mỗi nhân vật là một hòm rác chứa những cắn rứt và ăn năn, mơ tưởng và ngờ vực, sợ hãi và tiếc nuối.

Nhưng cuối cùng, họ sẽ thấy chính khi đương đầu với cái không-có-gì ấy, họ sẽ được choáng ngợp những khung cảnh đẹp nhất trên đời. Đó là cảnh khi cậu bé con cô đơn đứng trước vách đá ngắm những đàn côn trùng với đôi cánh đốm xanh lá cây rực rỡ mê ly, là cảnh khi Alice từ cửa sổ nhà mình nhảy ùm xuống biển như một chú cá heo và bơi đi, là cảnh khi Atile’i lại một lần nữa một mình ra khơi – mang theo cây sáo biết nói mà người cậu yêu từng tặng, và đặc biệt là cảnh ở chương kết khi nhóm người lên ô tô đi tìm một con đường cổ men dọc bờ biển mà người bản địa từng đi, nhưng khi tới nơi đã thấy con đường ấy đã lao thẳng xuống biển Thái Bình, họ chỉ có thể ngẩn ngơ đứng đó hồi lâu ngắm sóng biển từng cơn vỗ.

Cho nên Người mắt kép không phải một cuốn sách đe dọa hay cảnh cáo. Bởi có chất thơ trong cả rác rến, trong cả tiếng rên xiết của ngọn núi bị đục xuyên tâm, trong cả cơn giận dữ của biển, trong cả cơn mưa dai dẳng như muốn xóa sổ Đài Loan (lại một chi tiết thông tới Trăm năm cô đơn). Như nhân vật thoắt ẩn thoắt hiện người mắt kép trên tựa đề chỉ có thể quan sát và quan sát mà không thể can thiệp vào bất cứ điều gì đang diễn tiến, công việc của một tiểu thuyết gia chỉ có thể dừng lại trong một chừng mực mà thôi, tức là trăn trở về tất cả và chùn chân trước tất cả, cùng lắm là khẽ hát A hard rain’s gonna fall khi nhìn biển lấy lại những gì là của nó.

“Thì ra thế giới là như vậy, chỉ cần đi xuyên qua một cái gì đó, đã biến thành một thế giới vừa hơi giống và cũng không giống lắm.”, Atile’i thầm nghĩ, sau khi cậu từ Wayo Wayo trôi dạt tới Đài Loan qua một hòn đảo rác. Đây chính xác là những gì Wu Ming Yi đã làm với cuốn sách của mình, biến cuốn sách thành “cái gì đó” – một cánh cửa gương dẫn ta vào một hiện thực vừa rất hiện thực lại vừa rất huyền ảo, mọi thứ thoạt trông đều có vẻ thân quen, cho đến khi những chi tiết khác thường xảy đến.

Đây có lẽ là cách liên đới tốt nhất giữa tiểu thuyết và hiện thực. Tiểu thuyết không phải người phò tá, phát ngôn viên hay tuyên truyền viên cho hiện thực. Nó là một hiện thực cao hơn hiện thực, có thể không bất tuyệt hơn hay đau đớn hơn nhưng bất tuyệt và đau đớn theo cách khác. Độc giả có thể sững sờ và trầm trồ khi đọc nó, nhưng bước ra khỏi nó, không có bài học nào dắt theo cùng. Dẫu được ca ngợi như “dụ ngôn sinh thái”, nhưng thực tế ta sẽ đọc Người mắt kép như những cư dân Troy nghe lời tiên tri của nàng Cassandra nhưng không bao giờ tin tưởng, và sẽ chỉ nhận ra một điều gì đó khi đã quá muộn màng. Bao giờ cũng thế, tiểu thuyết luôn chỉ được ấn chứng khi đã quá muộn màng, và đến lúc đó có lẽ ta chỉ có thể thốt lên: “Thì ra thế giới là như vậy…”.

*

Dù ngôi vị hoa hậu đã có chú, nhưng tôi cũng muốn liệt kê lại 10 cái tên còn lại trong danh sách Top 15 cuốn sách văn học dịch được in trong nước năm nay mà tôi đã lựa ra ban đầu, để từ đó có những shortlist ban trên. Tôi liệt kê không theo thứ tự: Đố kỵ của Yuri Olesha, Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian của Ocean Vương, Thế giới những ngày qua: Hồi ức của một người dân châu Âu của Stefan Zweig (cuốn sách này xứng đáng có danh hiệu á hậu, hình như có một bản dịch khác cũng ra mắt trong năm nay tên là Ánh sáng và bóng tối trên châu Âu: Hồi ức chiến tranh của người trong cuộc nhưng ra mắt sau nên tôi chưa có dịp so sánh), Dòng máu khôn ngoan của Flannery O’Connor, Xứ Cát của Frank Herbert, Trắng của Han Kang, Cuộc phiêu lưu của Augie March của Saul Bellow, Mong manh hoa tuyết của Junichiro Tanizaki và Chóng mặt của W.G.Sebald.

Hiền Trang

 

 

 

 

Chấm sao chút:

Đã có 12 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Hiền Trang
Các bài viết khác

Chả biết làm gì nên viết.