“Truyện cổ Andersen”: Đủ lớn để bắt đầu đọc lại truyện cổ tích
cách tiếp tục làm một đứa trẻ trong một thế giới rõ rành là của người lớn

cách tiếp tục làm một đứa trẻ trong một thế giới rõ rành là của người lớn
Hans Christian Andersen, nhà văn viết truyện cổ nổi tiếng người Đan Mạch, thường được coi như một nhân vật bước ra từ chính những câu chuyện của mình: một chú bé xuất thân bần hàn như cô bé bán diêm, chật vật vật lộn với đời sống, và may mắn thay số phận mỉm cười, bằng tài năng kể chuyện tuyệt vời và trí tưởng tượng siêu phàm, ông để lại một di sản văn chương đồ sộ mà tận hai trăm năm sau độc giả trên toàn thế giới vẫn tiếp tục thưởng thức và tôn sùng. Những câu chuyện cổ của Andersen, pha lẫn hiện thực dẫu tăm tối với mộng tưởng đầy ánh sáng, hòa trộn tình yêu và nỗi đau đớn, thấm đẫm cái chết và sự sống, chứa chan nỗi buồn và niềm hân hoan, trong một tràng ánh sáng rực rỡ ngân dài, là kho tàng văn chương để độc giả trở đi trở lại, ở mọi lứa tuổi.
Trong suốt cuộc đời cầm bút của mình, Andersen sáng tác tổng cộng 155 câu chuyện cổ, nhưng có lẽ nổi tiếng nhất ở khoảng 30 câu chuyện được kể đi kể lại dưới các hình thức khác nhau, cũng như chuyển thể thành phim ảnh, nhạc họa. Ông có ý định phân biệt rõ ràng khi gọi các sáng tác của mình là Eventyr og Historier, trong đó Eventyr là những câu chuyện cổ tích có yếu tố siêu nhiên còn Historier thì không. Theo tiêu chí ấy, “Nàng tiên cá” sẽ là cổ tích, còn “Bộ quần áo mới của hoàng đế” sẽ là câu chuyện. Các truyện cổ của Andersen cũng không phải là do ông sáng tác mới hoàn toàn, mà nhiều truyện được lấy từ các mô típ trong văn học dân gian, trong những câu chuyện thường nhật mà ông được nghe kể lại.
Sinh thời là người vô cùng ngưỡng mộ Charles Dickens và cũng từng có thời gian gặp gỡ và kết bạn thân thiết với ông, Andersen chia sẻ với đại văn hào người Anh những mối quan tâm và hình tượng nhân vật thuộc lớp người cùng khổ: những đứa trẻ mồ côi tội nghiệp phải tự lăn lộn kiếm sống, người những lao động đầu tắt mặt tối… Nếu ở Dickens là những hiện thực tàn nhẫn được cứu chuộc bởi những nhân vật như bước ra từ thế giới cổ tích như trong Oliver Twist, thì ở Andersen là một thế giới nằm dưới bùa ếm của một trí tưởng tượng vô song nơi bông hoa biết khiêu vũ, quạ biết nói tiếng người, chuột chũi và cóc nhái đòi lấy vợ đẹp, phù thủy gian ác thao túng công chúa, và dĩ nhiên là những con người bình thường trong đời sống thường nhật thường xuyên va chạm với những yếu tố kỳ diệu và thả mình trôi đi trong những cuộc phiêu lưu đầy nguy hiểm, ghê rợn, ma quái, mà cũng đầy phấn khích. Andersen đã tạo nên một vũ trụ vừa mơ vừa thực, nơi cái siêu nhiên và đời sống hằng ngày trở thành một hỗn hợp bất khả phân tách.
Thiên nhiên và thời tiết bốn mùa xuân hạ thu đông đóng vai trò rất quan trọng trong các câu chuyện của Andersen: không chỉ làm nền, mà như một yếu tố tham gia vào câu chuyện, một thứ xúc tác gây nên khó khăn hay trải ra những tia hy vọng cho đời sống các nhân vật. Ở những câu chuyện khá điển hình cho kiểu mô típ thời tiết là thử thách gian nan này như “Cô ngón cái,” “Cô bé bán diêm,” “Vịt con xấu xí,” “Bà Chúa tuyết”, mùa đông là một trong những tác nhân kinh hoàng có sức mạnh gần như hủy diệt các cá nhân nhỏ bé khổ sở trong cơ cực và đói rét. Và nếu vượt qua được những gió rít, bão tố, tuyết lạnh, băng giá, thì mùa xuân với nắng ấm và hoa táo rực rỡ sẽ về, và số phận của các nhân vật như được đổi sang một chiều thuận lợi mới.
Các câu chuyện của Andersen được viết bằng thứ ngôn ngữ trong sáng, giản dị, đầy những thành ngữ và cách nói chuyện của người dân lao động. Ông tạo nên nhịp truyện cực kỳ thu hút và đa dạng, khiến người đọc phải chú ý không ngừng. Bủa vây trong những miêu tả nhiều khi ma quái đến kỳ dị, văn xuôi của ông lại không tuân theo một quy tắc thống nhất nào cả, truyện cổ của Andersen, khi thì kết thúc nghiệt ngã, khi thì chan hòa hạnh phúc, không mục đích rao giảng bài học đạo đức. Những câu chuyện như “Nàng tiên cá”, “Cái bóng”, “Bầy thiên nga” có kết cấu và những lớp nghĩa phức tạp đến nỗi không thể áp lên bất kỳ một cách diễn giải đơn giản nào.
Phê bình gia Harold Bloom gọi truyện cổ của Andersen là “cách tiếp tục làm một đứa trẻ trong một thế giới rõ rành là của người lớn.” Có lẽ ở mỗi lứa tuổi khác nhau, độc giả đều có thể tìm đến Andersen: để đắm chìm trong những cái chết tăm tối tràn ngập, những chi tiết phi lý đến ngột ngạt, những tàn nhẫn thẳng thừng không tô hồng, và cả những hân hoan ấm áp, khi vẫn được là trẻ thơ trong tim, bởi chỉ khi trở thành đứa trẻ thì mới bước được vào nước Thiên Đàng.
Zét
Chấm sao chút:
Đã có 3 người chấm, trung bình 5 sao.
Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3
trên đỉnh cao tuyệt vọng.